Có một nữ sĩ quan Quân đội là người Hà Nội đã từng tham gia gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc ở châu Phi rồi lại trở về gắn bó với công việc và người dân ở đất cố đô Hoa Lư, Ninh Bình, coi đó là quê hương thứ hai của mình. Đó là Trung tá, bác sĩ quân y Nguyễn Thị Hồng Quyên - Chủ nhiệm khoa Nội chung, Bệnh viện Quân y 5, Quân đoàn 12. Chị đã có một hành trình thật đẹp và ý nghĩa khi đi hết nửa vòng trái đất để thực hiện sứ mệnh nhân văn của người lính Quân đội nhân dân Việt Nam và của người phụ nữ Việt Nam. |
Rời thủ đô về lập nghiệp trên đất cố đô
Sinh ra và lớn lên ở xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì, Hà Nội, khác với những bạn bè cùng trang lứa, Nguyễn Thị Hồng Quyên không chỉ học giỏi mà còn mơ ước trở thành bác sĩ quân y để được tham gia chăm sóc sức khỏe cho bộ đội và nhân dân trên khắp mọi miền của Tổ quốc. Mong ước ấy của cô đã sớm trở thành hiện thực khi Quyên thi đỗ vào Học viện Quân y. Sau những năm tháng miệt mài học tập và rèn luyện, Quyên tốt nghiệp và được phân công về công tác tại Bệnh viện Quân y 5 thuộc Cục Hậu cần, Quân khu 3 (nay thuộc Quân đoàn 12) đóng quân tại thành phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình. Với tinh thần của người bác sĩ áo lính được đào tạo, trui rèn trong môi trường quân đội Quyên vui vẻ lên đường nhận nhiệm vụ.
Ở nơi cách nhà gần một trăm cây số, xa gia đình, xa bạn bè, người thân và làm việc trong một môi trường hoàn toàn mới, Nguyễn Thị Hồng Quyên đã phải trải qua bao khó khăn, vất vả. Với tinh thần hăng say và khát khao cống hiến của tuổi trẻ, Quyên lao vào công việc, tìm tòi, học hỏi ở những người thầy và các thế hệ đàn anh đi trước để nâng cao hiệu quả công tác và năng lực bản thân.
Sự đam mê, khiêm tốn học hỏi và tinh thần sáng tạo trong công việc đã khiến chị sớm trưởng thành, được các đồng chí lãnh đạo cũng như các đồng nghiệp tin yêu, quý mến. Chắc mấy chốc, vùng đất có phần xa xôi và lạ lẫm với một cô gái Hà Nội đã trở nên quen thuộc.
Từ niềm vui trong công việc, Nguyễn Thị Hồng Quyên đã bén duyên và xây dựng gia đình với người đồng nghiệp cùng đơn vị là Thiếu tá Phạm Phúc Lộc. Từ đây chị gắn bó với mảnh đất cố đô Hoa Lư, Ninh Bình, coi đây là quê hương thứ hai của mình.
Gác việc nhà đi làm sĩ quan “mũ nồi xanh”
Năm 2021, cùng với 4 đồng nghiệp của Bệnh viện Quân y 5, Thiếu tá Nguyễn Thị Hồng Quyên, khi đó là Phó Chủ nhiệm khoa Nội chung được cấp trên chọn cử tham gia huấn luyện tại Cục gìn giữ hòa bình Việt Nam để tham gia nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc ở khu vực Abyei với chức vụ Giám đốc Bệnh viện dã chiến cấp 1 thuộc Đội Công binh số 1 của Việt Nam kiêm Chủ tịch Hội Phụ nữ của Đội. Niềm vinh dự lớn lao khiến bác sĩ Quyên rất phấn khởi và tự hào, song cũng không khỏi lo lắng. Là người phụ nữ giữ lửa gia đình, Quyên càng lo lắng hơn khi chồng chị lúc này đang đi làm nhiệm vụ tăng cường đảm bảo quân y cho đảo Trần, hòn đảo tiền tiêu của Tổ quốc trên biển Đông Bắc thuộc tỉnh Quảng Ninh. Nhà thì đang ở thuê, con cái đang độ tuổi đi học, nhận nhiệm vụ nhưng Quyên cũng chưa biết sắp xếp công việc gia đình thế nào cho hợp lí. May thay, trước ngày chị đi huấn luyện tập trung tại Cục gìn giữ hòa bình Việt Nam thì anh Lộc cũng từ đảo Trần trở về. Từ đây, anh gánh trách nhiệm của cả người cha lẫn người mẹ để chăm sóc con cái, quán xuyến gia đình, giúp vợ yên tâm đi nhận nhiệm vụ mới.
Sau một thời gian huấn luyện tại Cục gìn giữ hòa bình Việt Nam, ngày lên đường sang châu Phi đã đến. Trong lúc dịch Covid-19 còn chưa dứt, Quyên cùng đồng đội tạm xa gia đình, người thân lên đường làm nhiệm vụ quốc tế. Chị nhớ mãi cái ôm chia tay của hai đứa con nhỏ chiều hôm ấy khi chúng không thể cùng bố ra sân bay tiễn mẹ. Tuy đã quen với việc bố mẹ hay đi công tác nhưng lần này chúng cứ ôm riết lấy mẹ vì nghe nói mẹ đi xa lắm, chẳng biết bao giờ mới về.
Phút tạm biệt ở sân bay, Thiếu tá Phạm Phúc Lộc nắm chặt tay vợ âu yếm dặn “Hộp muối vừng anh để ở góc bên trái ba lô em nhé!”. Trong hành trang của những người lính Việt Nam mang theo đêm hôm ấy có cả món cơm nắm, muối vừng. Chính món ăn giản dị ấy của quê hương đã giúp họ có bữa ăn đầu tiên xa Tổ quốc khi tạm quá cảnh ở sân bay Dubai trong đại dịch, chờ bay sang châu Phi. Quan trọng hơn, những tình cảm từ hậu phương nơi quê nhà như tiếp thêm sức mạnh cho họ.

"Hộp muối vừng anh để ở góc bên trái ba lô em nhé!" - Lời dặn dò ấm áp của chồng như tiếp thêm sức mạnh cho Quyên.
Ảnh: NVCC
Bản lĩnh của người lính khi ở ngoài Tổ quốc
Cách Việt Nam nửa vòng trái đất, Abyei là khu vực tranh chấp giữa Sudan và Nam Sudan sau chia tách năm 2011, nơi vẫn còn xảy ra tiếng súng giao tranh giữa các phe phái bộ lạc và các hành vi cướp bóc. Chính vì vậy từ năm 2011, Liên hợp quốc đã thành lập Phái bộ an ninh lâm thời UNISFA làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình cho khu vực Abyei. Làm nhiệm vụ cách xa Tổ quốc hơn 10.000 ki lô mét trong điều kiện khắc nghiệt về khí hậu, thời tiết và điều kiện ăn ở sinh hoạt còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng nhưng cán bộ chiến sĩ Đội Công binh số 1 đã khẳng định bản lĩnh vững vàng, tinh thần vượt khó của những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam.
Phải mở đường khi đây đó vẫn còn giao tranh giữa các nhóm vũ trang của các bộ lạc nên mỗi khi triển khai làm đường, các Phân đội phải bố trí lực lượng cảnh giới, bảo vệ đoàn với tinh thần sẵn sàng chiến đấu cao. Bên cạnh đó, các chiến sĩ vừa phát quang mở đường, vừa phải cảnh giác đối phó với các loại động vật hoang dã nguy hiểm như: kền kền, khỉ, cá sấu, lửng mật… và các loại côn trùng độc, lạ. Nhiều anh em trong đội đã bị ong rừng đốt, bị rắn cắn, bị nhiễm vruss sốt rét phải điều trị tại bệnh viện nhưng cán bộ chiến sĩ Đội Công binh số 1 không hề nao núng. Vừa làm đường, họ vừa phải mang theo thức ăn, nước uống, bếp đun để tự nấu nướng, ăn uống trong những cánh rừng nguyên sơ, hoang vắng dưới thời tiết ngoài trời nắng nóng gần 50 độ C.
Bệnh viện dã chiến cấp 1 do Thiếu tá Nguyễn Thị Hồng Quyên phụ trách có 11 người, trong đó có 6 nữ quân nhân phải chia đôi quân số đi theo phục vụ chăm sóc sức khỏe cho 2 Phân đội làm đường cơ động. Có lần, một chiến sĩ trẻ bị sốt rét ác tính, trong cơn mê sảng, anh lính trẻ nắm chặt tay Quyên nói “Chị ơi, chị ở lại đây với em, đừng đi đâu nhé!”. Câu nói của người đồng đội trẻ đã khiến Quyên cảm động, cố gắng lựa chọn phác đồ điều trị phù hợp nhất, giúp chiến sĩ trẻ sớm hồi phục.

Bác sĩ Nguyễn Thị Hồng Quyên trong một buổi khám bệnh cho nhân dân tại Abyei. Ảnh: NVCC
Không chỉ là gìn giữ hòa bình
Cùng với nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho 184 cán bộ chiến sĩ Đội Công binh số 1, Bệnh viện dã chiến cấp 1 còn thiện xuất sắc các nhiệm vụ khác do Phái bộ UNISFA giao. Bên cạnh đó, được sự động viên của Đại tá Mạc Đức Trọng - Phó Cục trưởng Cục gìn giữ hòa bình Việt Nam, Chỉ huy trưởng lực lượng gìn giữ hòa bình Việt Nam tại Phái bộ UNISFA kiêm Đội trưởng Đội Công binh số 1; cùng với anh chị em Đội Công bình, bác sĩ Hồng Quyên và Bệnh viện dã chiến cấp 1 đã tổ chức nhiều hoạt động từ thiện nhân đạo giúp đỡ người dân Abyei như: phối hợp tiểu đoàn bộ binh Bangladesh khám chữa bệnh, phát thuốc miễn phí cho 400 người dân ở chợ Amiet, cải tạo hệ thống thoát nước, chống úng ngập khu chợ Abyei, khoan giếng nước cho dân, sửa cầu Banton cây cầu huyết mạch nối phân khu Nam với Trung tâm Abyei, sửa chữa nhiều hạng mục công trình cho các công sở, bệnh viện, các trường học cấp 1, cấp 2, cấp 3 Abyei, nhà thờ Abyei, trạm Cảnh sát, nhà tù Abyei và dạy người dân nơi đây trồng các loại rau…
Thương các cháu học sinh mẫu giáo của nhà thờ Abyei phải ngồi học dưới tán cây bồ đề trên những chiếc chiếu cũ nát, Đội Công binh số 1 đã làm tặng các cháu 3 phòng học mới khang trang, lắp đèn chiếu sáng bằng năng lượng mặt trời. Quyên đã vận động chị em trong Chi hội phụ nữ Đội Công binh số 1 quyên góp tiền mua tặng các cháu 110 chiếc bàn ghế, 3 bình nước và một số vật dụng sinh hoạt khác.
Ngoài ra, Đội Công binh số 1 còn quyên góp mua tặng học cụ, máy tính, hộp thuốc sơ cứu khẩn cấp cho trường cấp 2, cấp 3 Abyei và hỗ trợ nhà trường dạy tiếng Anh, tin học cho các cháu học sinh. Chi hội phụ nữ Đội cũng đến thăm, tặng thuốc chữa bệnh cho bệnh viện Abyei và tặng sữa bột cho sản phụ và trẻ em sơ sinh…
Những chiến sĩ mũ nồi xanh Việt Nam đã để lại trong lòng người dân Abyei hình ảnh đẹp đẽ về những người lính “Bộ đội cụ Hồ”, luôn gắn bó và giúp đỡ nhân dân, dù là nhân dân Tổ quốc mình hay bè bạn năm châu. Nguyễn Thị Hồng Quyên cùng đồng đội đã thực sự xúc động khi trường cấp 3 Abyei và nhà thờ Abyei tổ chức cho các cháu học sinh biểu diễn văn nghệ, nhảy múa các điệu dân vũ để chào chia tay Đội Công binh Việt Nam trước khi về nước. Các em học sinh ùa đến vây quanh các chiến sĩ mũ nồi xanh Việt Nam trong tiếng hô vang “Thank you Viet Nam!”, “Bye bye Viet Nam!”…

Bác sĩ Nguyễn Thị Hồng Quyên (người đứng giữa) thay mặt Bệnh viện dã chiến cấp 1 thuộc Đội Công binh số 1 của Việt Nam tặng vật tư y tế cho bệnh viện Abyei. Ảnh: NVCC
Trở về gắn bó với cố đô Hoa Lư
Kết thúc nhiệm kì tham gia gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc ở Abyei, bác sĩ Quyên và đồng đội về nước, tiếp tục tham gia diễn tập thực địa đa phương về gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc lần đầu tiên do Việt Nam đồng chủ trì với Nhật Bản tổ chức, trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+) diễn ra từ 13/9 đến 21/9/2023 với quy mô lớn về lực lượng tham gia và trang thiết bị, diễn tập.
Sau gần 2 năm gắn bó với công tác gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, Trung tá Nguyễn Thị Hồng Quyên lại trở về đơn vị cũ hăng say công tác. Tinh thần phục vụ và ý chí phấn đấu vươn lên không mệt mỏi của Quyên đã được đơn vị, cấp trên ghi nhận. Tháng 9/2024, bác sĩ Quyên được bổ nhiệm giữ chức vụ Chủ nhiệm khoa Nội chung của Bệnh viện Quân y 5. Chị cũng được Tư lệnh Quân đoàn tặng Bằng khen về thành tích trong phong trào thi đua Quyết tháng giai đoạn 2019-2024 và danh hiệu “Cán bộ phụ nữ giỏi” giai đoạn 2020-2025.
Chồng chị, Thiếu tá Phạm Phúc Lộc hiện nay cũng đã được bổ nhiệm Phó khoa Chẩn đoán hình ảnh của Bệnh viện Quân y 5. Anh chị cảm thấy hạnh phúc khi các con luôn tự hào vì có cha mẹ là những người lính “Bộ đội cụ Hồ” biết hi sinh vì nhiệm vụ, vì cộng đồng nên các cháu cũng chăm ngoan, học giỏi và có ý thức tự lập từ bé. Cậu con trai lớn năm nay thi đỗ khối chuyên môn Lý của trường THPT Lương Văn Tụy, cô con gái thứ hai học lớp 7 cũng là học sinh giỏi của trường THCS Lê Hồng Phong, tỉnh Ninh Bình.
Nói về đơn vị mình đã và đang gắn bó, Trung tá, bác sĩ Nguyễn Thị Hồng Quyên chia sẻ: “Chúng tôi rất vinh dự và tự hào vì được phục vụ và cống hiến ở một đơn vị có bề dày truyền thống như Bệnh viện Quân y 5. Chúng tôi nguyện cố gắng phấn đấu hết mình kế tục truyền thống vẻ vang ấy để phục vụ Quân đội và phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn”.
Trong những tháng ngày làm nhiệm vụ quốc tế ở Abyei Nguyễn Thị Hồng Quyên và đồng đội vinh dự được Liên hợp quốc tặng thưởng Huy chương “Vì sự nghiệp gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc”. Kỉ niệm đáng nhớ nhất với Quyên đó là chị đã được đơn vị tổ chức lễ thăng quân hàm cách Tổ quốc nửa vòng trái đất. Và điều ý nghĩa lớn lao hơn, đó là Quyên và đồng đội cảm thấy mình thật hạnh phúc vì được thay mặt Quân đội và đất nước Việt Nam sẻ chia, giúp đỡ những người dân trên mảnh đất châu Phi nghèo khó, loạn lạc luôn mong ước hòa bình. |
KHÁNH TÙNG thực hiện
VNQD