Mưa đỏ là bộ phim phản ánh cuộc chiến đấu anh dũng, kiên cường của nhân dân và cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam trong 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị; cuộc đấu trí cam go của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trên bàn đàm phán tại Hội nghị Paris; tố cáo tội ác chiến tranh; ca ngợi khát vọng hòa bình, độc lập, thống nhất và tinh thần hòa giải, hòa hợp dân tộc của nhân dân Việt Nam.
Hướng tới kỉ niệm 80 năm Cách mạng tháng Tám thành công (19/8/1945 - 19/8/2025), Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (02/9/1945 - 02/9/2025) và các ngày lễ lớn của Đảng, Nhà nước, Quân đội năm 2025, thực hiện Quyết định số 1113/QĐ-CT ngày 23/3/2024 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng phê duyệt kế hoạch tổ chức sản xuất phim truyện điện ảnh Mưa đỏ, phim do Điện ảnh Quân đội nhân dân là đơn vị thực hiện nhiệm vụ sản xuất.
Kịch bản phim truyện điện ảnh Mưa đỏ của nhà văn Chu Lai; đạo diễn là NSƯT Đặng Thái Huyền Đây. Đây là bộ phim chiến tranh có quy mô lớn nhất của Điện ảnh QĐND trong 10 năm trở lại đây. Đây cũng là dự án phim truyện điện ảnh đầu tiên được Điện ảnh QĐND đầu tư xây dựng, tái hiện kĩ lưỡng bối cảnh trên phim trường; huy động sự tham gia, phối hợp của các quân binh chủng trong quân đội, cùng nhiều vũ khí, trang bị, đạo cụ, phương tiện phục vụ cho cảnh quay. Để có thêm những góc nhìn chi tiết về quá trình sản xuất bộ phim, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với Thượng tá Kiều Thanh Thúy - Phó Giám đốc Điện ảnh Quân đội nhân dân, Giám đốc sản xuất phim truyện điện ảnh Mưa đỏ.
Thượng tá Kiều Thanh Thúy - Phó Giám đốc Điện ảnh Quân đội nhân dân, Giám đốc sản xuất phim truyện điện ảnh Mưa đỏ.
- Chào đồng chí! Đồng chí có thể chia sẻ với bạn đọc việc chuẩn bị cho quá trình sản xuất phim Mưa đỏ như thế nào? Được biết 85% các cảnh quay phim thực hiện tại tỉnh Quảng Trị, tại sao nhà sản xuất quyết định lựa chọn tỉnh Quảng Trị làm bối cảnh cho phim?
+ Việc chuẩn bị cho sản xuất phim điện ảnh về chiến tranh cách mạng có quy mô lớn là một quá trình phức tạp, yêu cầu sự phối hợp chặt chẽ giữa nhiều khâu khác nhau, đã được đơn vị chuẩn bị từ năm 2021 từ việc lựa chọn kịch bản phim Mưa đỏ do nhà văn Chu Lai xây dựng. Đây là dự án phim lịch sử có quy mô lớn về hiện thực chiến tranh cách mạng, phản ánh cuộc chiến bảo vệ Thành cổ Quảng Trị vào năm 1972. Đơn vị đã khảo sát bối cảnh phim ở hơn 10 tỉnh thành, chọn các địa điểm quay phim phù hợp, tái hiện chính xác bối cảnh lịch sử.
Tuy nhiên, qua đánh giá, phân tích, tranh thủ ý kiến của các nhà chuyên môn lịch sử, cố vấn; phương án chọn xây dựng bối cảnh chính Thành cổ và các bối cảnh lẻ như sở chỉ huy tiền phương Ngụy, trạm quân y… tại tỉnh Quảng Trị; bởi vì: nơi đây có giá trị lịch sử và ý nghĩa lớn trong cuộc chiến tranh chống Mĩ. Quảng Trị là một trong những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong chiến tranh, đặc biệt trong chiến dịch mùa hè năm 1972 (hay còn gọi là “Mùa hè đỏ lửa”), khi thị xã trở thành chiến trường khốc liệt giữa quân đội miền Bắc và quân đội miền Nam Việt Nam cùng các đồng minh, nơi nhiều người lính đã hi sinh trong các trận đánh ác liệt. Vì vậy, khi Mưa đỏ lấy bối cảnh ở đây, bộ phim không chỉ tái hiện lại những sự kiện lịch sử quan trọng mà còn mang lại cái nhìn sâu sắc hơn về những mất mát, hi sinh của con người và tình yêu đất nước. Tất cả những đau thương lịch sử này đã là vùng đất linh thiêng, một nơi để các thế hệ say này tưởng nhớ, tri ân tôn vinh các anh hùng liệt sĩ đã cống hiến vì độc lập tự do của dân tộc.
Bối cảnh chính tại thị xã Quảng Trị bên bờ sông Thạch Hãn sẽ có nhiều khó khăn về thời tiết, bão lũ, địa lí; nhưng Điện ảnh QĐND vẫn quyết định lựa chọn nơi đây làm bối cảnh chính của phim, như là một nén hương thơm tri ân những người lính, người dân nơi đây đã anh dũng chiến đấu, hi sinh bảo vệ Tổ quốc.
Phim trường "Mưa đỏ" tại Quảng Trị.
- Trong quá trình chuẩn bị đến khi ghi hình bộ phim, về phía sản xuất đã gặp được thuận lợi và khó khăn như thế nào, thưa đồng chí?
+ Điện ảnh Quân đội nhân dân luôn nhận được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Thủ trưởng Bộ Quốc phòng, Thủ trưởng Tổng cục Chínhh trị, ban chỉ đạo bộ phim, sự phối hợp giúp đỡ của các quân khu, binh chủng, các cơ quan đơn vị trong và ngoài quân đội. Cùng với đó là sự đoàn kết thống nhất trong lãnh đạo chỉ huy và toàn thể cán bộ nhân viên chiến sĩ, đã quyết tâm đồng lòng xác định đây là nhiệm vụ lớn, quan trọng của đơn vị. Đồng hành với đơn vị là các NSDN, NSƯT, nhà làm phim có kinh nghiệm chuyên sâu về sản xuất, nội dung và nghệ thuật tham gia bộ phim.
Bộ phim điện ảnh Mưa đỏ khi tiến hành những bước chuẩn bị đầu tiên tại Quảng Trị, cũng đã nhận được sự ủng hộ và tạo điều kiện rất lớn từ chính quyền và người dân địa phương. Quảng Trị là nơi có nhiều di tích lịch sử, bối cảnh tự nhiên như sân bay Tà Cơn, sông Thạch Hãn… điều này giúp tăng tính chân thực và cảm xúc khi ghi hình, đồng thời giảm bớt phần nào chi phí thiết kế bối cảnh.
Tuy nhiên, trong quá trình sản xuất phim Mưa đỏ, Điện ảnh QĐND cũng gặp phải không ít khó khăn như: nhân sự và kinh nghiệm làm phim quy mô lớn của Điện ảnh QĐND hạn chế; kinh phí, thủ tục đấu thầu phức tạp, khó khăn do ngành nghề đặc thù là sản xuất phim điện ảnh. Việc đầu tư cho bối cảnh, trang phục và đạo cụ cần bảo đảm chính xác tính lịch sử, tính thẩm mĩ. Vì vậy đơn vị phải sưu tầm, tham khảo ý kiến các chuyên gia về việc tái hiện trang phục, vũ khí, và các đạo cụ chiến tranh sao cho đúng thời kì. Bộ phim Mưa đỏ tái hiện lại một giai đoạn đầy đau thương và thiêng liêng của lịch sử, đoàn phim phải thận trọng trong cách xây dựng câu chuyện, bối cảnh, và hình tượng nhân vật để không làm sai lệch hay gây hiểu nhầm về sự kiện lịch sử. Bên cạnh đó, điều kiện thời tiết tại Quảng Trị mưa nắng khắc nghiệt ảnh hưởng rất lớn đến quá trình thi công, xây dựng bối cảnh. Một số địa điểm quay phim là các di tích lịch sử cần được bảo tồn cẩn thận. Điều này đặt ra cho đoàn phim phải tuân thủ các biện pháp bảo vệ nghiêm ngặt, hạn chế thiết bị nặng hoặc tác động mạnh để tránh ảnh hưởng đến di tích.
Những thuận lợi và khó khăn này là một phần trong quá trình hoàn thiện Mưa đỏ, giúp bộ phim truyền tải đúng tinh thần và tôn vinh những hi sinh của con người trong lịch sử Việt Nam.
Bối cảnh để làm phim là điều được đặc biệt quan tâm.
- Cảm xúc của đồng chí như thế nào khi bộ phim Mưa đỏ bấm máy quay những cảnh đầu tiên?
+ Với tôi, đó là cảm giác đan xen của sự hồi hộp, tự hào và tràn đầy kì vọng.
Đây là thời điểm khi tất cả những kế hoạch và công việc chuẩn bị trong nhiều tháng được hiện thực hóa. Cảm giác tự hào khi thấy công sức của cả đội ngũ, ê kíp cuối cùng đã được đền đáp bằng việc bộ phim đã quay những thước phim đầu tiên. Thời điểm này không chỉ là một sự khởi đầu mà còn là điểm khởi phát cho những kì vọng lớn lao về sự thành công của bộ phim, giá trị và ý nghĩa mà bộ phim sẽ đem đến cho công chúng.
- Được biết bộ phim sẽ ghi hình trong khoảng thời gian từ 3-4 tháng, phía sản xuất đã chuẩn bị những gì để bộ phim hoàn thành theo đúng kế hoạch?
+ Với quy mô bộ phim lớn, lực lượng nhân sự, diễn viên, vũ khí khí tài nhiều, nhiều khâu phối hợp, trong điều kiện mùa mưa bão đang diễn ra rất phức tạp; do vậy nhà sản xuất cũng như phía sản xuất cũng đã có sự chuẩn bị kĩ lưỡng và chi tiết trong nhiều khía cạnh. Đầu tiên phải kể đến khâu lựa chọn các đối tác, chuyên gia, đội ngũ làm phim có kinh nghiệm, đặc biệt là dòng phim chiến tranh để bảo đảm sự phối hợp ăn ý, nhuần nhuyễn các khâu với nhau. Điện ảnh Quân đội nhân dân cùng ekip cũng đã xây dựng lịch quay chi tiết từng ngày dựa trên tình hình thực tế, tính toán từng cảnh quay để tránh sự chồng chéo, tối ưu hóa thời gian và dự phòng cho các tình huống phát sinh. Từ khâu lựa chọn bối cảnh cho đến thiết kế, thi công cũng được khảo sát, chuẩn bị kĩ lưỡng, bảo đảm tính chân thực, phản ảnh đúng thời điểm lịch sử.
Bên cạnh đó, đơn vị cũng chủ động đảm bảo nguồn tài chính được phân bổ hợp lí cho tất cả các giai đoạn của quá trình sản xuất, báo cáo trên được sử dụng quỹ dự phòng để xử lí các tình huống bất ngờ. Chuẩn bị tốt các yếu tố hậu cần như ăn uống, chỗ ở, phương tiện di chuyển cho cả đoàn phim, nhất là khi quay ở các địa điểm xa. Đảm bảo đội ngũ làm phim được chăm sóc tốt để có thể tập trung làm việc hiệu quả.
Với sự chuẩn bị kĩ lưỡng như vậy, Điện ảnh Quân đội nhân dân tự tin về khả năng hoàn thành bộ phim đúng thời hạn và đảm bảo chất lượng.
- Cảm ơn đồng chí về những chia sẻ ý nghĩa này!
PV
VNQD