Đi qua những năm chiến tranh, từ chàng trai Hà Nội hào hoa, ông đã sống, chiến đấu và viết, là nhà văn áo lính ông đã xung phong trên trang giấy cả văn học, sân khấu, điện ảnh và ở lĩnh vực nào cũng đạt được những thành công. Cái tên Chu Lai đã đóng đinh vào văn học chống Mĩ, với đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng. Trước dịp kỉ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), VHQS đã có cuộc trò chuyện với nhà văn Chu Lai xung quanh mảng đề tài tâm huyết của ông.
PV: Được biết tiểu thuyết Mưa đỏ được ông “chuyển thể” từ kịch bản điện ảnh đã được đánh giá rất tốt. Còn bộ phim điện ảnh Mưa đỏ kịch bản của Chu Lai thì đang được Điện ảnh Quân đội nhân dân hoàn thiện những khâu hậu kì để giới thiệu đến khán giả, ông có kì vọng gì ở bộ phim?
Nhà văn Chu Lai: Kịch bản Mưa đỏ đã được giải cao nhất của Hội Điện ảnh Việt Nam, còn tiểu thuyết tôi chuyển thể sau đó cũng được giải A Giải thưởng 5 năm Bộ Quốc phòng năm 2019, được giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam; kịch Mưa đỏ do Nhà hát kịch nói Quân đội dựng cũng hai, ba huy chương Vàng. Để làm phim điện ảnh có cái khó vì tầm kích lớn quá, cuộc chiến đấu giữa hai chiến tuyến rất quy mô, tất nhiên là gom lại Thành cổ, gom lại cuộc chiến đấu của một tiểu đội nhưng nằm trong tổng thể mỗi bên mấy sư đoàn, xe thiết giáp, pháo bắn, máy bay, không hiểu đoàn làm phim sẽ xử lí thế nào, vì làm phim chiến tranh mà không tới thì bị giả, sẽ rất khó chạm đến cảm xúc người xem. Đạo diễn Mưa đỏ lại là một cô gái, dù có kinh nghiệm làm phim chiến tranh rồi. Tôi nghĩ nếu biết tập trung vào đặc tả, không tham đại cảnh thì có thể tới được.
PV: Là tác giả đi ra từ cuộc chiến và có những thành tựu về văn học, ông cảm nhận thế nào về những đóng góp của văn học chống Mĩ với nền văn học nói chung và với sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước?
Nhà văn Chu Lai: Dân tộc Việt Nam mình dẫu không muốn cũng vẫn là dân tộc trận mạc. Chính vì thế mà đề tài chiến tranh cách mạng là siêu đề tài, nhân vật người lính là siêu nhân vật. Càng đào càng phì nhiêu, càn khoét sâu càng màu mỡ. Lâu nay người ta hay đặt vấn đề về tác phẩm xứng tầm. Đòi hỏi một tác phẩm tầm cỡ thì cũng là một câu hỏi làm duyên thôi, chứ khó lắm. Các thế hệ đã trả lời mà chưa thể trả lời xuể được. Dù vậy thì dòng chảy văn học chiến tranh cách mạng vẫn cứ chảy, chảy qua thời bao cấp, chảy qua thời đổi mới, thời kinh tế thị trường, thời kì thế giới phẳng, dòng chảy ấy vẫn cứ chảy, có lúc rộ lên tung bọt trắng xoá, có lúc chìm khuất nhưng nó vẫn âm thầm chảy mang theo cái nhẫn nại, cái phi thường của một đề tài. Vì thế không thể không gặt được những thành quả nhất định.

Nhà văn Chu Lai (thứ năm từ phải sang) tại Lễ trao Giải thưởng Văn học 2016
PV: Vẫn câu hỏi cũ gần đây hay được đặt ra, làm thế nào để có tác phẩm xứng với tầm vóc thời đại?
Nhà văn Chu Lai: Chúng ta đã có những tác phẩm lừng lẫy một thời như Bến không chồng của Dương Hướng, Thời xa vắng của Lê Lựu, Thân phận tình yêu (Nỗi buồn chiến tranh) của Bảo Ninh. Dòng chảy văn học chiến tranh cách mạng êm đềm rồi trồi lên, sụt xuống, để có mùa bội thu đã rất khó, để có tác phẩm xứng đáng với tầm vóc của cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước càng khó hơn. Chính thế hệ ngày nay phải trả lời câu hỏi lịch sử đó, bởi thế hệ nhà văn chống Pháp đã mất cả rồi, thế hệ nhà văn chống Mĩ cũng đã rơi rớt nhiều, còn lại một số người cũng già yếu rồi. Thế hệ trẻ là những người phải trả lời. 50 năm cụ Tolstoy (nhà văn Liên Xô Lev Nikolayevich Tolstoy) mới trả lời nước Nga bằng Chiến tranh và Hoà bình được thì 50 năm sau thế hệ hậu sinh Việt Nam cũng trả lời đất nước Việt Nam được. Một mảng đề tài quá lớn, ta chưa có những bộ sử thi như Chiến tranh và Hoà bình (tác phẩm của Tolstoy), như là Báu vật của đời (tác phẩm của Mạc Ngôn) như là Mười ngày rung chuyển thế giới (tác phẩm của John Reed)… đòi hỏi đó, câu hỏi thời đại đó vẫn treo lơ lửng trên đầu các nhà văn Việt Nam.
PV: Bản thân ông đã trả lời câu hỏi đó như thế nào?
Nhà văn Chu Lai: Tôi đã cố trả lời. Có thể nói viết cái gì cũng ảnh hưởng bởi chiến tranh và người lính, cũng bị quy chiếu bởi nó, nhưng đến bây giờ tôi vẫn chưa hài lòng. Từ Nắng đồng bằng, Ăn mày dĩ vãng đến Mưa đỏ, đến Sông xa… tưởng như dốc tất cả bầu tâm sự của người lính về đề tài chiến tranh rồi nhưng đến giờ đọc lại vẫn thấy chưa đâu vào đâu cả. Tới đây có trả lời tiếp không thì cũng chưa biết. Sức tàn lực kiệt rồi. Rốt cục có lẽ là tài năng. Tài năng của văn học Việt Nam chưa có đỉnh để phản ánh các đỉnh khác của hiện thực xã hội. Để có tài năng đòi hỏi sự rèn giũa ghê gớm lắm. (trầm ngâm)
PV: Như ông nói, câu chuyện đó, nhiệm vụ đó sẽ được tiếp tục bởi các nhà văn sau này của Việt Nam. Nhưng xã hội hôm nay vận động rất nhanh, rất mạnh, sự viết và sự đọc cũng khác xưa, văn học cũng bị chi phối, bị cạnh tranh rất mạnh. Ông có nhận xét gì về thế hệ các nhà văn quân đội kế cận thế hệ các ông?
Nhà văn Chu Lai: Xã hội vận động quá nhanh, và để bám sát vào cuộc sống, tác phẩm mang hơi thở của cuộc sống là điều không dễ. Thế hệ trẻ hôm nay đã tạo nên một vệt văn học hấp dẫn, lôi cuốn, thông minh, sáng láng nhưng để đạt được chiều sâu nhân văn, chiều cao về chất thì vẫn chưa tới. Nó có tới hay không không thể trả lời đơn giản được.
Đã có Nguyễn Bình Phương nếu phải nói về tài năng nhưng cũng đã cao tuổi rồi, sau đó là Phùng Văn Khai, Nguyễn Đình Tú, Đỗ Bích Thuý… cũng đều năm mươi cả rồi. Còn trẻ hơn nữa thì tôi chưa nhìn thấy. Có một sự trống vắng, so với trước có trống vắng hơn về đội ngũ, về tác phẩm, đặc biệt là đề tài người lính hôm nay gần như bị bỏ quên.
PV: Và lại là vấn đề viết về chiến tranh thì chưa đủ trải nghiệm, viết về thời bình thì chưa tới…
Nhà văn Chu Lai: Người ta vẫn nói viết về người lính thời chiến dễ hơn, chiến tranh như một giọt dung dịch mạnh nhỏ xuống chiến hào, thành ra tính cách, tâm lí nhân vật nổi lên, dễ viết hết màu hết nét, tạo cảm hứng văn học. Còn người lính thời bình, người lính hôm nay họ cứ đều đều như thế, ngày ngày ra thao trường, đi về doanh trại, có cái gì để tạo nên tính cách, hệ thống tâm lí phức tạp, không có tình huống, không có chi tiết thì không thành văn học. Thế nhưng nếu như nghiền ngẫm đi sâu vào, chịu khó nghiền ngẫm vào vẫn có thể viết được những tiểu thuyết hay. Nói không phải là khoe nhưng cũng lâu lắm rồi tôi từng viết truyện ngắn Con tôi đi lính, nhiều người đọc đã khóc, tôi cũng đã khóc, bây giờ đọc lại vẫn khóc. Là cách mình nghĩ thế nào, mình viết thế nào, bản thân đề tài không đến nỗi khô khan, nhạt nhẽo như thế, triển khai thế nào, đào bới thế nào mới là quan trọng. Có một mặt khác tôi nhìn thấy còn nguy hiểm hơn trong các tác phẩm về chiến tranh cách mạng thời gian gần đây, nếu sự trải nghiệm chưa tới, sự hiểu biết chưa tới mà cố làm mới thì sẽ rất giả, giả tạo kinh khủng, thậm chí là ma mị, bệnh hoạn, phản nhân văn nữa…
PV: Vâng! Đó cũng là vấn đề của người trẻ khi viết về chiến tranh cách mạng, thậm chí là về người lính hôm nay. Đó là thiếu trải nghiệm, và trong tìm tòi lại sa vào tắc tị. Quay lại câu chuyện, ông nhìn nhận thế nào về sự hư cấu trong văn học chiến tranh cách mạng trên cơ sở tôn trọng sự thật lịch sử, hư cấu đến đâu, hạn mức nào là phù hợp, nguyên tắc nào cần tuân thủ?
Nhà văn Chu Lai: Chiến tranh mặc dù rất trần trụi, rất khốc liệt, bi tráng thậm chí bi kịch thế nhưng luôn đòi hỏi như nó vốn có, chính là nó, tô hồng cũng lắc đầu, còn bôi đen lại càng không được. Có khốc liệt, có lãng mạn, có mất mát, có hào sảng, có đau thương và cũng có anh hùng. Ta rơi vào hội chứng quả lắc đồng hồ, sau giải phóng viết về đề tài này những người lính không được cá thể, không có tâm lí, dàn hàng ngang tiến lên như một tập thể, đọc xong không nhớ nhân vật nào cả; khi quả lắc đánh trở lại một cái lại đi sâu quá nhiều vào cá nhân, cá nhân hoá quá mức, hư cấu đến phi lí, phản hiện thực, phản nhân văn, như chi tiết cô gái cho cả tiểu đội ngủ với mình trong một tác phẩm mà tôi đã đọc, cho các chàng trai ngày mai vào chiến trường, ngày mai đi vào chỗ chết biết thế nào là mùi đời, đó là một thứ hết sức bệnh hoạn, làm gì có chuyện như vậy, thành ra nó không thật nữa.
PV: Chúng ta đã đi từ thái cực này sang thái cực kia…
Nhà văn Chu Lai: Đúng rồi! Thiên về thái cực này hoặc thái cực kia. Hay là luận về anh hùng cũng thế. Không phải đẻ ra đã là anh hùng. Người anh hùng cũng là người rất sợ chết, nhưng nếu biết vượt qua nỗi sợ đó, thì sẽ có khả năng trở thành anh hùng. Không phải ai sểnh ra cũng anh hùng ngay, có phải rô bốt chiến binh đâu, có phải cỗ máy chiến đấu đâu, người ta là con người mà. Để chiến thắng được trận này, để đi hết hành trình này phải trăn trở, day dứt vô cùng rồi mới chiến thắng mình, rồi mới chiến thắng được kẻ thù. Có lần tôi ở trong hội đồng toàn quốc bỏ phiếu trao giải thưởng Nhà nước cho tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh, thay mặt Hội Nhà văn đứng lên phát biểu tôi đã nói thế này, để đến cổng Dinh Độc Lập thì người lính đi bằng nhiều kiểu, có kiểu đi kiêu hãnh, hào sảng, có kiểu đi vừa đi vừa nỗi niềm nhưng cả hai đều đến được cổng Dinh Độc Lập, và cái đi nỗi niềm nó lại gặp được tính nhân loại, chứ chỉ hào sảng, kiêu hãnh không thì chưa hẳn ra người lính, chỉ nỗi niềm không cũng không ra người lính, kết hợp cả kiêu hãnh hào sảng và nỗi niềm trăn trở để đến được mục đích mới là người lính trọn vẹn, nhưng số phiếu bầu vẫn không đạt đủ 90% sự đồng thuận để được trao giải thưởng cao quý này. Chiến tranh có bi, có hùng, nhưng dường như người ta khó chấp nhận cái bi hơn.
PV: Vâng! Và cảm hứng hào hùng vẫn là chủ đạo và xuyên suốt trong văn học viết về người lính, về chiến tranh cách mạng. Những nỗ lực đó tựu chung lại là để gọi tên phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, hình tượng Bộ đội Cụ Hồ đã được tiếp nối trong văn học từ kháng chiến chống Pháp sang kháng chiến chống Mĩ cho đến sau này. Là người góp nét vẽ vào bức chân dung lớn đó, ông có cảm nhận thế nào về hình tượng đẹp đẽ ấy?
Nhà văn Chu Lai: Phải nói là phong phú, rất phong phú qua rất nhiều tác phẩm, rất nhiều bình diện văn học, qua trường ca, tiểu thuyết, truyện ngắn. Bộ đội Cụ Hồ là hình tượng rất đẹp trong văn học mà tôi đã nói là siêu nhân vật. Từ truyện ngắn của Nguyễn Minh Châu cũng đẹp lắm rồi, đến tản văn Đỗ Chu, thơ Lưu Quang Vũ cũng đẹp lắm rồi. Có lúc đẹp rực rỡ lên, viết mãi không bao giờ đủ, bởi chiến tranh lẫm liệt quá, dài quá, cọ sát vào cuộc sống người lính ghê gớm quá, nói không biết thế nào là hết, không biết thế nào là đủ.
PV: Nó có cái đẹp duy mĩ, cầu toàn như trong truyện của Nguyễn Minh Châu, trong thơ Lưu Quang Vũ nhưng nó cũng có cái gồ ghề, góc cạnh như trong tiểu thuyết Chu Lai, Lê Lựu và một số tác giả khác... Hình tượng người lính trong văn học theo ông đã được ngòi bút các nhà văn đục đẽo, điêu khắc hết các chiều kích, góc cạnh của nó hay chưa?
Nhà văn Chu Lai: Bản chất chiến tranh bi tráng cũng là bi kịch, người lính cũng vậy, trong một chu trình chiến đấu không thể không có những trồi sụt về tâm lí, tâm trạng, suy nghĩ đa chiều; không phải chỉ suy nghĩ đơn phương, chỉ biết tiến lên. Như thế sẽ bị giả, cái gì giả chứ văn mà giả thì buồn cười lắm. Nếu không có vốn sống thì các nhân vật giả, chính uỷ nói như binh nhì, binh nhì cao giọng như chính uỷ, không khai thác, xây dựng hình tượng nhân vật thì sẽ không thấy con người cá nhân đâu, chỉ thấy những trận đánh, thậm chí có tiểu thuyết mô tả trận đánh như một bản báo cáo chiến lệ, không thấy nhân vật, chỉ thấy các mũi tiến công ào ào, vu hồi, xuyên không… Hết. Đó không phải là văn học. Góc cạnh, gồ ghề có, những khoảng tối là phải có, không được né tránh. Tuy nhiên, nếu chỉ khó khăn, u buồn thì cũng không phải là người lính, như vậy làm sao chiến đấu và chiến thắng được, nên phải có cả sự hào sảng, lãng mạn, lòng kiêu hãnh, tự trọng dân tộc, tự trọng cá nhân để chiến thắng chính mình, góp phần làm nên chiến thắng chung. Nói thì có vẻ sáo nhưng trong chiến tranh, chiến thắng chính mình là cái ghê gớm nhất, bởi rất dễ có một phút nao lòng, rất nhiều phút có thể nao lòng, rất nhiều khoảnh khắc để nao lòng, thậm chí có thể tự sát, đầu hàng, tất cả đều phải vượt qua, vượt qua tất cả những khoảnh khắc đó mới là người lính Việt Nam.
PV: Cám ơn ông đã chia sẻ!
NGUYỄN XUÂN THỦY thực hiện.
VNQD