Bảo Ninh, văn chương không tranh cãi

Thứ Ba, 19/04/2022 17:57

Nhưng văn chương của Bảo Ninh thì không. Đã gây tranh cãi rất nhiều. Mai mốt vẫn là như thế. Nào có hề gì? Vấn đề là chúng ta hãy viết ra những câu văn hay thay vì tranh cãi về những câu văn.

Thiên hạ không nên quá bình lặng? Như là văn chương chẳng hạn? Có lẽ nào chỉ độc một Bảo Ninh, một Nguyễn Huy Thiệp là xong? Anh Thiệp mất đi, người đời ồn áo quá. Để làm gì? Nguyễn Huy Thiệp hay Bảo Ninh đều không quyết định được một nền văn học.

Nhưng rất cần Nguyễn Huy Thiệp và rất cần Bảo Ninh trong đời sống văn học.

Nhiều lúc tôi nghĩ hay là bỏ quách hai ông này đi, chúng ta đã có Nam Cao, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Tuân, Tô Hoài, Nguyễn Minh Châu, Nguyên Ngọc, Ma Văn Kháng, Nguyễn Khải, Lê Lựu… cũng có sao đâu. Vẫn là ở đó một nền văn học hiện thực đa thanh, đa sắc, cần quái gì Bảo Ninh và Nguyễn Huy Thiệp? Rồi thì cứ lấy Tạ Duy Anh, Nguyễn Bình Phương, Nguyễn Ngọc Tư, Đỗ Bích Thúy, Phạm Duy Nghĩa… lấp vào đấy. Thì có được không?

Chắc là cũng được thôi! Ở ta cái gì chả được. Ví dụ như Nguyễn Xuân Khánh mất rồi mới đua nhau ồ à là nhà văn lớn. Ví dụ như Hữu Thỉnh sống sờ sờ là nhà thơ lớn hẳn hoi vẫn vô số chê bai.

Thì cỡ Bảo Ninh sá gì?

Bảo Ninh là ai?

Đã từng nhiều lần tôi hỏi: Bảo Ninh là ai? Đến bây giờ, thú thực là tôi chưa trả lời toàn vẹn được.

Nhà văn Bảo Ninh. Ảnh: TL

Bảo Ninh nhiều lần đến Văn nghệ Quân đội. Rất thân với Nguyễn Bình Phương. Nguyễn Bình Phương thì tôi biết chắc là ai, từ năm 1998, khi anh biên tập cuốn sách đầu tiên của tôi. May mà bây giờ tôi không phải trả lời câu hỏi về Nguyễn Bình Phương nữa. Tôi đã trả lời câu hỏi này bằng một cuốn sách trăm trang cách đây hơn 10 năm (2008). Bởi thế, khi Bảo Ninh toàn đến chơi với Nguyễn Bình Phương, tôi cứ tưởng dễ bề trả lời câu hỏi “Bảo Ninh là ai?”

Nhưng thật quá khó khăn.

Bảo Ninh có cuốn Nỗi buồn chiến tranh nổi tiếng. Đến mức người yêu anh thì yêu quá, dứt khoát xứng đáng tầm cỡ Nobel. Còn người ghét anh bây giờ vẫn ghét, không chỉ coi Nỗi buồn chiến tranh mà còn coi luôn tác giả của nó, nhà văn Bảo Ninh, như một tên phản động. Hình như nhiều lần bỏ phiếu để Bảo Ninh đạt giải thưởng Nhà nước, anh toàn bị hụt phiếu, “chệch cột dọc” từ những thứ đâu đâu.

Cơ mà Bảo Ninh không hề cãi. Như người khác sẽ cãi rất hăng. Bảo Ninh không nói một lời, chỉ uống rượu và im lặng. Ngày trước cũng thế và bây giờ cũng như thế. Duy nhất ở ta, về văn chương, Bảo Ninh luôn im lặng. Nói gì chỉ ở tác phẩm. Trước sau đều như vậy. Âu cũng là lựa chọn của anh.

Quá nhiều người cãi cho Bảo Ninh. Cũng giống như Nguyễn Huy Thiệp vậy. Khi còn sống đã tranh cãi quá nhiều. Đến lúc Nguyễn Huy Thiệp mất còn hăng hơn. Có ông hăng quá, quên mình ngày trước mắng mỏ dạy dỗ Nguyễn Huy Thiệp, nay đột nhiên khóc lóc vài bài báo. Thật chẳng ra làm sao! Thôi thì cứ coi ông này lú lẫn cho nhẹ nợ.

Nhưng vấn đề là Bảo Ninh còn sống sờ sờ. Sống mà đã có vô số người tranh cãi về văn chương Bảo Ninh như vậy, mai này sẽ sao đây? Cho dù là bênh hay đánh nhưng cần quái gì phải nhiều người như vậy? Chẳng nhẽ thiên hạ không còn việc gì để làm chăng? Ngay như khi PGS La Khắc Hòa có bài báo ấm áp về GS Phạm Vĩnh Cư, đã có ông ẩn danh đánh đấm búa xua. Đến nỗi hiền như tôi (Phùng Văn Khai) không thể nhịn được đã phải nổi giận viết bài phản biện “Phải kiêu hãnh làm người”.

Nhà văn Bảo Ninh. Tranh kí họa của Đỗ Hoàng Trường.

Nói thế để thấy sự không tranh cãi của Bảo Ninh là rất có vấn đề. Đã khổng lồ đến mức “chó cứ sủa đoàn người cứ đi”? Hay là “ta là một, là riêng, là thứ nhất”? Anh càng không tranh cãi, thiên hạ càng cho rằng anh kiêu ngạo, tự mình xếp hàng riêng bôi mỡ cho kiến đốt. Không nói về mình cũng phải nói về người khác chứ? Nhưng thật hiếm hoi khi chờ đợi anh nói, viết về ai đó. Chẳng may hỏi đến, anh toàn nói ông này tốt tốt. Văn ông kia hay hay. Còn hay hay tốt tốt như thế nào anh tuyệt không nói ra. Luôn luôn là như vậy.

Gần đây, Bảo Ninh trên báo kể về chuyến đi Trung Quốc của anh năm 2019 khá tường tận. Qua cách kể khá hứng thú, lại thấy thêm sự không tranh cãi về văn chương của Bảo Ninh là có lí. Bảo Ninh còn thống kê ra những tác phẩm văn học, những tác giả Việt Nam được dịch sách ở Trung Quốc suốt trên nửa thế kỉ. Ông còn tỏ ra khâm phục dũng khí của các nhà văn Trung Quốc như Mạc Ngôn, Trương Hiền Lượng, Diêm Liên Khoa - những người cùng thời với ông cũng như kính trọng thế hệ các đại thụ Lỗ Tấn, Lão Xá… ông đã đọc từ khi bảy, tám tuổi. Ôi chao! Ta lại thấy một Bảo Ninh không chỉ sớm đọc mà còn sớm ngẫm ngợi, tự biết mình một mạch đến bây giờ. Cái kí sự ngắn về Trung Quốc của Bảo Ninh hóa ra lại để chúng ta dễ nhận biết sự im lặng của anh nhất. Và cũng cho thấy sự tương đồng, tính dị biệt giữa các nhà văn Việt Nam và thế giới với nhau.

Có lần Văn nghệ Quân đội mời anh và anh Thiệp chấm giải văn chương, cụ thể là cuộc thi truyện ngắn. Các anh có vẻ rất xúc động. Có lúc còn tỏ vẻ băn khoăn sẽ chấm giải sao đây? Thôi thì chuyện này của mấy ông Văn nghệ Quân đội. Bọn tôi thế nào cũng được. Nghe các anh tỏ cái ý ấy, Ban tổ chức chúng tôi lấy làm lạ quá! Song, đó mới là Bảo Ninh và Nguyễn Huy Thiệp. Cái sự chấm giải văn chương bỗng nhẹ nhàng thanh thoát hơn. Con người ứng xử với nhau phải lấy cái khó chuyển thành cái nhẹ nhàng mới là đáng kể? Thiên hạ nhân thiên hạ tài. Chấm giải văn chương cũng vậy. Hãy thuận theo tự nhiên và trọng tài người viết. Đừng nên khe khắt văn mình vợ người là đã lớn thoát khỏi mình rồi.

Kết quả các cuộc thi văn chương ở Văn nghệ Quân đội thường có uy tín rất cao. Cứ nghe thấy Ban Chung khảo là những Bảo Ninh, Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Bình Phương… là người đời tin sẽ khó có sự sắp xếp giải, cũng khó trà trộn hay dở à uôm được. Xưa nay, giải ở Văn nghệ Quân đội không chỉ nghiêm túc mà còn rất uy tín. Các tác giả đoạt giải cao ở Văn nghệ Quân đội sau đều là các nhà văn tên tuổi. In được ở Văn nghệ Quân đội như một thước đo với người viết trẻ. Đó còn là mồ hôi nước mắt của Ban Biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội.

Quay lại câu chuyện Bảo Ninh. Dường như sau Nỗi buồn chiến tranh, anh lặng lẽ hơn. Nhiều lần hẹn ra tiểu thuyết rồi cứ lùi thời hạn mãi. Tuy những truyện ngắn rải rác của Bảo Ninh đều rất hay nhưng dường như người đời mong mỏi tiểu thuyết tiếp theo của anh hơn. Họ đòi hỏi anh phải có những Nỗi buồn chiến tranh 2, 3, 4 với những đỉnh cao hơn. Họ có quyền đòi hỏi như vậy. Cũng như anh có quyền im lặng.

Văn chương phải hữu ích. Nó phải là như vậy. Nỗi buồn chiến tranh được tranh cãi nhiều chính là sự hữu ích cho văn học trầm hậu, phong phú hơn. Thú thực là, Bảo Ninh còn cách xa so với Nam Cao. Nam Cao cao cường hơn. Nhưng sự bổ sung như Bảo Ninh là rất cần, rất thiết thực cho một nền văn học.

Dường như người hiểu Bảo Ninh nhất chính là Bảo Ninh. Bởi vậy, anh mới không tranh cãi bất kì cái gì, nhất là trong văn học. Anh hiểu sự cống hiến của mình là đến đâu, tác phẩm của mình ở khu vực nào, đẳng cấp nào. Và nhất là những chỗ chưa được của nó, những thiếu khuyết của nó.

Nền văn học của chúng ta đang đứng trước sự đòi hỏi mạnh mẽ của nhân dân. Nhân dân ta đang rất cần những tác phẩm văn học có chất lượng, những nhà văn có chất lượng như Bảo Ninh và Nguyễn Huy Thiệp. Chúng ta dường như đã có đội ngũ nhà văn khá đông đảo nhưng chất lượng lại khá là khiêm tốn, nhất là chất lượng từ những tác phẩm đã viết ra. Đã có những ông bà phát biểu rất to nhưng chất lượng sáng tác lại rất mèng. Đó chính là nỗi buồn của một nền văn học.

Và cũng từ đó, tôi phần nào hiểu được sự im lặng, sự không tranh cãi của Bảo Ninh.

Và đó dường như chính là sự hiểu biết của anh.

Và đó chính là Bảo Ninh - người không tranh cãi.

PHÙNG VĂN KHAI

VNQD
Thống kê