Vong nữ

Thứ Năm, 30/09/2021 11:16

. PHAN ĐĂNG

 

1.

Con điên ấy có thói quen nhắn tin nửa đêm. Tin ngẫu nhiên, chẳng đâu vào đâu. “Em vừa bị hiếp. Là thằng sếp. Nó già khú. Nhưng em thích...” Tôi nhắn lại kèm icon chấm hỏi trên đầu: “Đủ chưa?” Nó he he: “Chưa.” Tôi há hốc mồm (icon): “Vậy thế nào mới đủ?” “Thằng bệnh hoạn. Thằng chó.” Nó chửi cùng icon mặt cười ha ha.

Hàng ngày toàn phải nghe những thứ hoa mĩ, lịch sự, giả dối, tự nhiên có câu sỗ sàng đập vào tai thật khoái. Tôi nhắm mắt mơ mình đang hiếp nó. Thằng bệnh hoạn hiếp con điên. Sau vài cái đẩy ra vẻ chống cự, con điên nằm im, nhắm nghiền mắt. Hai cánh tay giơ, lòng bàn tay ngửa. Thằng bệnh hoạn đậu vào đó. Một lực đẩy hai đứa lên cao vút. Bầu trời trong không vi mô gió. Tôi thấy miệng mình há ra, một cụm mây vàng trôi vào. Oái ăm, đúng lúc đó tôi tỉnh giấc vì buồn đi toilet. Để giữ khoảnh khắc đặc biệt này, vừa rặn, tôi vừa viết hai chữ lên facebook: “Ăn mây.”

Hôm sau thiên hạ comment, bàn tán tùm lum. Kệ, cứ cho thiên hạ nói những điều họ thích.

Minh họa: Lê Trí Dũng

2.

Sáng nay chuyển nhà. Bố phải bán chỗ chui ra chui vào của chúng tôi suốt hai mươi năm qua để có đủ năm trăm triệu chạy việc cho chị gái tôi. Tôi ghét tính chạy chọt của bố, sự thoả hiệp của chị. Nhưng mặt chị cứ câng lên: “Mày biết cái gì.” Bố tôi cũng nói tương tự: “Xưa nay mày có biết cái éo gì đâu.” Quá quen những câu như thế, nhưng nghe vẫn ức. Tôi nhắn tin chia sẻ với con dở hơi kia. Nó nhắn lại gọn lỏn:

- Kệ.

- Kệ cái gì.

- Như những bài kệ trong thiền.

- Tao éo thích thiền.

- Thích nhạc chứ.

- Ờ.

- “Đường trần rồi khăn gói/ Mai kia chào cuộc đời/ Nghìn trùng cơn gió bay...”

Tôi search mạng, nghe. Xong, quên luôn nỗi ấm ức mà bố và chị vừa gây ra.

Đêm đầu tiên ở nhà mới, tôi mơ mình là con chim bay trên những cánh rừng ẩm ướt. Nhưng từ góc bí mật nào đó, xuất hiện cô gái cầm cung tên. Mũi tên phóng vút lên trời. Con chim rơi phịch xuống ngọn cây. Rùng mình tỉnh giấc, tôi viết status: “Chim gãy cánh” cùng icon cô gái giương cung rồi nhắm mắt. Nhưng vì nhớ nó, không ngủ được, tôi vùng dậy, lấy điện thoại nhắn tin. Đúng khi điện thoại rung. Là tin nhắn của nó.

- Vì sao chim gãy cánh?

- Gái bắn.

- Xinh không?

- Éo biết.

- Thằng bệnh hoạn.

Nghe “thằng bệnh hoạn” thích quá, chợp mắt được ngay. Tôi lại là chim bay trên rừng và thấy cô gái cầm cung tên. Lần này cô bay song song với tôi. Nhìn kĩ, mặt cô có nét sương sương mặt con điên kia. Nhưng thân hình mềm gọn hơn. Vừa bay vừa cười, những mũi tên trên vai ánh vàng, cô chợt bay chậm lại để con chim tận hưởng mình. Con chim bất chợt lao về phía cô, mổ vào eo. Mỏ chim toé máu. Cả khu rừng hoang đỏ. Toàn thân cô gái nhuốm đỏ rồi chuyển sang vàng và thu nhỏ lại thành mũi tên bay lơ lửng.

Con chim nhìn mũi tên ngơ ngác.

Mũi tên đột ngột lao nhanh về phía nó, găm trúng cổ.

Tôi tỉnh giấc, cảm giác cổ mình nhơm nhớp.

 

3.

Nhà mới nằm tận cùng ngõ nhỏ, kề bên một nghĩa trang cũ. Đã có người khuyên bố tôi đừng mua, vì ngôi nhà ba đời chủ gần nhất đều có con gái chết non. Lại toàn chết thảm.

- Vong nữ ghê lắm. Không buông tha ai đâu.

Lão quản trang doạ ngay ngày đầu tiên bố con tôi về nhà mới. Lão còn bảo, các đời chủ nhà trước mời đủ loại pháp sư đến bắt vong, nhưng bất thành.

- Lão điên này mới là vong.

Bố tôi nhận xét ngay khi lão bước đi. Ông cố tình nói to để lão nghe thấy. Chắc lão biết nhưng không phản ứng gì. Bố tuyệt đối không tin vào vong hồn, ma quỷ. Đã thế, nhà này được bán với giá rất hợp túi tiền của ông. Ông bảo: “Chạy việc cho con chị mày xong, hết mẹ nó tiền.” Chưa thoả, ông xả thêm tràng dài: “Trai gái cái đực cho lắm vào. Tao chạy cho nốt lần này. Lần sau kệ mẹ.” Chẳng là chị tôi cặp kè với gã cùng phòng, bị đánh ghen, kiện cáo tùm lum. Nhục quá, chị nghỉ việc. Vài năm trước, chị cũng từng bỏ việc vì chuyện ghen tuông trai gái rồi. Chị tôi có hai đời chồng, hai đứa con, nhưng từ một năm trở lại đây đã dọn về ở với bố con tôi. Hai đứa con ném hết cho hai ông chồng cũ. Thẳng tưng. Trong mắt tôi, chị là ngữ đàn bà chẳng ra gì. Bố tôi cũng nhiều lần chửi chị là “đồ đĩ.” Nhưng thực ra, ông rất hợp với chị. Mà chị đĩ ở đâu chứ về nhà cơm nước chăm sóc bố tôi rất chu đáo. Có lần bố nói với tôi: “Con mẹ mày cũng đĩ nhưng đĩ mười phương. Nó bỏ nhà bỏ cửa, bỏ chồng bỏ con đi theo trai. Chị mày đĩ chín phương. Nó bỏ chồng, bỏ con, nhưng không bỏ thằng bố nó.”

Tôi kể chuyện chị tôi cho con dở hơi kia nghe. Nó bảo “miễn bình luận.” Tôi kể chuyện vong nữ và lão trông nghĩa trang, nó bảo “kệ mẹ.” Tôi điên quá bộp lại: “Nói với mày khác gì nói với vong.” Nó cười tỉnh quẹo, lộ hàm răng trắng mây. Tự nhiên nó hát: “Em qua công viên bước chân âm thầm...” Nghe chửi đã thú, nghe nó hát càng thú. Nó nhắm mắt hát. Tôi nhắm mắt nghe. Những cụm mây vàng lờ lững quanh tâm trí, đi vào não. Lắc lư, rung chuyển. Cụm mây vàng co lại, đặc kín trong đầu. Mở mắt, tôi thấy mình được đẩy lơ lửng trên cao. Nó cũng mở mắt, nhìn lên, dừng hát, hé miệng cười. Lộng lẫy.

Đêm thứ ba của tôi ở nhà mới.

Những cơn gió thổi từ nghĩa trang qua cửa sổ mang theo ngây ngấy cỏ non và mùi thơm dịu nhẹ hương trầm. Sao lại có người ra mộ lúc đêm hôm nhỉ? Tôi tò mò mở cửa sổ. Nghĩa trang loe loé ma trơi chạm nhau nổ tanh tách. Có bóng người quỳ sụp trước ngôi mộ, ngay cạnh cửa sổ. Đàn ông. Mà không, hình như đàn bà. Trong lúc tôi đang dò xét, người ấy cất giọng: “Nhìn những mùa thu đi/ Em nghe sầu lên trong nắng… Nghe tháng ngày chết trong thu vàng.” Tôi đã nghe hát trong khán phòng, trên sân khấu, quán nhậu, ở quán cà phê, hàng trà đá…, tóm lại đủ cả. Nhưng nghe hát ở nghĩa trang, trong đêm khuya thì mới lần đầu. Tiếng hát giăng ra không gian như mạng nhện. Dẹt xuống, phồng lên theo gió. Có một thứ âm lực khiến nó cứ chờn vờn, muốn vang thật xa nhưng bị nén lại, chỉ đủ chạm vào cửa sổ. Lặng người đến khi tai không còn nghe gì, trước mắt tôi xuất hiện từng chuỗi sáng âm thanh nhỏ trong nhưng nghẹn. Chúng ghép vào nhau thành vệt.

Vệt ấy dẫn tôi vào mộng. Giấc mộng về cánh rừng quen thuộc.

Hôm nay con chim không bay lên, cô gái không cầm cung tên và rừng không loang đỏ. Chim trụ vững trên đất, ngẩng nghe cô gái hát. Cô vừa hát vừa ôm chim vào lòng, vuốt nhẹ xuôi xuống. Bàn tay từ tốn. Tiếng hát trong âm. Tiếng hát chạm từng tế bào đêm. Chim mơ màng. Thoáng chốc, nó diện bộ áo hoàng yến. Không thể im lặng, nó rướn lên hót. Luồng ánh vàng thoát khỏi mỏ đậu lên tóc cô thành vầng hào quang. Giá có chiếc máy ảnh chụp lại cảnh này khoe face… tôi nghĩ.

Đúng lúc đó, cô gái đột ngột buông tay. Con chim hoảng loạn bay lên. Một mũi tên vút theo nó.

- Bố. Bố ơi. - Tôi hét lên.

- Lại mơ hả. Chát chít sống ảo cho lắm vào. Im cho tao ngủ.

- Không, không phải mơ. Con vừa nhìn thấy vong nữ. Vong nữ giết con chim.

Bố tôi giỏi thật, chưa nói hết câu, đã nghe tiếng ngáy vang rền của ông.

Tôi lên facebook, viết lại câu chuyện cô gái sát hại con chim. Cố tình thêm cô gái rất giống một con dở hơi chờ nó phản ứng thế nào.

Nó sẽ tìm tôi sớm thôi mà.

 

4.

Hai ngày trôi qua, con điên vẫn bặt vô âm tín khiến tôi nhức nhối. Cảm giác ấy chỉ được hoá giải vào khoảng 12 giờ đêm, khi hương trầm từ nghĩa trang lại bay vào. Tôi nấp bên cửa sổ rình cô gái ngồi hát cho người dưới mộ. “Tiếng thì thầm từng đêm nhớ lại/ Ngỡ chỉ là cơn say/ Đoá hoa vàng mỏng manh cuối trời/ như một lời chia tay…” Đến “chia tay” thì tiếng hát ngừng.

Đêm tĩnh lặng.

Giữa khoảng trống vắng thảng thốt ấy, tôi thấy con điên. Hồn tôi thoát ra bay về phía ngôi mộ, đậu xuống một nơi sâu thẳm rực màu vàng...

Vừa mở mắt, câu hỏi đã bật lên trong đầu: Cô gái ấy đâu rồi? Tôi mở điện thoại, viết dòng trạng thái gọn lỏn: “Nói xem! Mày đang ở đâu?” “Em đây! Em đang đợi trên giường nhà anh!” – một đứa mất dạy nào đó vào comment. Đám bạn online cũng thi nhau trêu chọc: “Tao đang ở trong tù đợi mày đây.” “Tao đang đợi mày đến đền tội.” “Em đang ở tiền kiếp của anh.” “Bố mày đang đợi mày ở đầu đường…” Quan tâm đến lũ bạn đểu này làm quái gì. Tôi vứt điện thoại, nhưng không vứt được cảm giác khó chịu vì vắng nó. Ít phút sau tôi lại mở facebook xem nó đã hồi âm chưa. Vẫn chưa. Nhưng tôi thấy một comment lạ, của một người lạ: “Em đây. Em đang ở nghĩa trang…”

Thôi đúng rồi - tôi nghĩ và vào xem facebook của người vừa comment. Toàn bộ trang cá nhân trống trơn, không thông tin, hình ảnh, không dòng trạng thái. Chỉ duy nhất ảnh bìa, nhưng không phải ảnh người mà là ngôi mộ quét sơn vàng. Rốt cuộc người này là ai? Một đứa bạn xấu tính nào đó bày trò doạ dẫm tôi? Một người xa lạ ngẫu nhiên nào đó vào comment dạo? Hay facebook mới của nó?

Chìm vào mớ câu hỏi, tôi nóng ruột chờ đến 12 giờ đêm, khi mùi hương trầm quen thuộc sẽ lại bay vào cửa sổ.

Mới 11 giờ đêm, tôi đã chủ động mở toang cửa sổ. Gió đêm nay nhiều và lạnh. 12 giờ. 12 giờ 10. 12 giờ 12, vẫn trống lạnh mùi hương ấy. Tôi bật dậy, nhòm qua cửa sổ. Ngôi mộ vẫn nguyên đó. Chắc kẻ dưới mộ cũng đang khắc khoải... Từng phút trôi qua, vừa tức nghẹn, nặng nề, vừa hi vọng, ước ao. “Mất hi vọng thì chết mẹ nó đi, sống trên đời này làm éo gì” – có lần con điên nhắn tin như vậy. Ai đó nói có thể tôi không tin, vì tôi biết mọi thứ trên đời về cơ bản là nói phét. Nhưng riêng nó nói thì tôi tin. Mà càng tin lại càng có lí do chờ đợi. Hai đêm trước, mùi hương đến nhanh lắm. Sau đó là câu hát. Những vầng hào quang lấp lánh vàng. Chắc chỉ vài tích tắc nữa thôi. Sắp rồi…

Vậy mà không. Nghĩa địa vẫn câm lặng dưới bầu trời đen. Những đốm sáng tanh tách chạy quanh các ngôi mộ như muốn trêu ngươi, giày vò nỗi bất lực bủa vây tôi.

“Đoá hoa vàng mỏng manh cuối trời…” Tiếng hát bất chợt vang lên, to dần.

Cuối cùng thì người đã tới.

Tôi giống túi nước căng vừa được chọc thủng, vỡ lênh loang. Định thần, tôi nhận ra tiếng hát hôm nay khác lắm. Rè, lại khàn khàn đặc đặc như tiếng kẻ nghiện thuốc lào. Khi tiếng hát lại gần thì tôi tá hoả: Không phải người con gái của hai đêm trước, mà là lão quản trang. Lão ta đến mộ làm quái gì? “Thằng đấy âm âm dương dương, tránh xa nó cho đỡ mệt!” – bố tôi dặn hai chị em ngay sau lần lão doạ chuyện vong nữ.

Thật ra, tôi chưa bao giờ tin lời bố tôi. Nhưng đúng là lão toát lên vẻ cổ quái, ưa sinh chuyện. Vài lần giáp mặt, lão lân la nói chuyện, tôi đều quay đi. Bây giờ, khi lão tới, lại hát đúng lời người con gái ấy thì tôi thực sự tò mò. Xong vài câu, lão ngồi phịch xuống mộ. Rồi lại hát. Lại dừng, như để uống thứ gì đó. Tôi căng mắt xem lão làm gì trên mộ, nhưng không thấy rõ. Một lúc, nghe loáng thoáng lão chửi thề. Tôi đứng sát cửa sổ nhìn ra cho đến khi những tia sáng đầu tiên trong ngày xuất hiện. Hết rồi. Vậy là đêm nay người ấy không đến. Buồn quá, tôi viết lên facebook: “Mày ở đâu…?” và tiếp tục inbox riêng cho nó: “Mày ở đâu?” Tôi truy cập danh bạ, nhấn số điện thoại của nó. “Thuê bao quý khách vừa gọi không liên lạc được.” Tôi mệt quá, nằm lả đi. Tôi thấy nó thiêm thiếp hiện về, trên tay cầm con chim, đặt lên ngôi mộ. Đôi mắt nó buồn lắm.

Một tuần, nó không hồi âm. Một tuần, cô gái hôm nào cũng không đến hát. Một tuần, lão quản trang cũng không ra mộ. Tôi chỉ còn biết chờ đợi, hi vọng rồi thất vọng và trôi vào những giấc mơ. “Có thằng trai tráng nào trông hãm tài như mày không. Biến mẹ đi cho nước nó trong.” Chị tôi nói khi trông thấy thể trạng bạc nhược của tôi. Tôi nghĩ, có thể do chị đi làm chỗ mới, nhiều bức xúc nên xả vào mình. Chị có thói, hễ bức xúc chuyện gì ở cơ quan là lại đè tôi ra xả. Nhưng đến khi bố tôi cũng nói: “Mày nhìn vào gương kìa. Trông như cái giẻ rách” thì tôi tin.

Chẳng nhẽ tuần rồi đã hút mọi sức lực của tôi?

Tôi cầm điện thoại, ấn vào số của nó. Vẫn là “Thuê bao quý khách...”

Chó má thế.

 

5.

“Em muốn gã hiếp em như mọi lần. Nhưng gã bỏ rơi em rồi.” “Thằng sếp mày kể lần trước hả?” “Ờ.” “Sao vậy?” “Cơ quan em có con nhân viên mới. Gã chuyển sang con này.” “Bỏ mày luôn rồi à? Con mới xinh không?” “Không xinh, nhưng có vẻ trải đời, giàu kinh nghiệm?” “Kinh nghiệm gì?” “Éo biết.” “Đời này thiếu gì trai. Hay là...” “Sao?” “Tao hiếp mày.” “Thằng bệnh. Cút. Mà bảo này.” “Gì?” “Em sẽ giết.” “Giết đi. Đang muốn chết đây.” “Không phải anh.” “Vậy ai?” “Con nhân viên mới.”

Tôi và nó đã nhắn tin qua lại. Chắc chắn như vậy. Tôi nhớ từng câu, từng chữ. Nhưng đó là chuyện giấc mơ đêm qua, sau khi tôi mệt mỏi chờ đợi mà không thấy bất cứ tiếng hát nào vang lên bên mộ. Trong giấc mơ ấy, xen lẫn những tin nhắn qua lại, là hình ảnh cô gái và con chim đuổi bắt nhau. Mũi tên màu vàng nhiều lần được phóng ra, nhưng không sao bắn trúng con chim. Những ánh vàng nào đó nhiều lần thoát ra từ mỏ chim, nhưng cũng không chạy được về phía cô gái. Cánh rừng đêm trở thành sân khấu cho cuộc đuổi bắt vô tiền khoáng hậu.

“Dậy đi! Dậy đi! Đèo bố đến viện ngay.” Bố lao vào phòng tôi, hét toáng lên. “Chị mày bị xe đâm, đi ngay.” Tôi đèo bố, phóng như bay vào viện. Bác sĩ lạnh lùng: “Nặng quá! Chúng tôi sẽ cố hết sức.” Ở một góc khác của phòng cấp cứu, nhiều người lố nhố xung quanh một người đàn ông bị trầy xước mặt. Sau khi thấy bác sĩ nói chuyện với bố con tôi, người đàn ông uể oải tiến lại. Là ông sếp mới của chị tôi. Thì ra, ông ấy đang chở chị tôi trên đường, bất ngờ bị chiếc xe ngược chiều tông trúng. Ông ấy cầm lái, chỉ bị trầy xước, chị tôi ngồi sau, ngã văng ra, đập đầu vào vỉa ba toa.

Hai ngày chị tôi hôn mê. Bác sĩ động viên “còn nước còn tát.” Bố tôi gật đầu nhưng suy sụp. Tôi chưa bao giờ nghĩ một người mạnh mẽ, ngang ngạnh như ông lại có lúc thế này. “Mà này, lão quản trang…” – lần đầu tiên bố tôi nhắc về lão với giọng nghiêm túc thế. “Hay vong nữ có thật?” Rồi ông giục đến gặp lão quản trang ngay.

Kể từ khi chuyển nhà, đây mới là lần đầu tiên chúng tôi chính thức bước vào nghĩa trang. Cũng có người khuyên bố tôi nên sắm cái lễ vào đấy gọi là “có kiêng có lành”, nhưng bố luôn gạt phắt đi. Chị tôi cũng thế.

Gian thờ thần linh nằm ngay đầu nghĩa trang. Lão quản trang ngồi thu lu ở cái ghế, sát cửa sổ, đối diện ban thờ. Mạng nhện chằng chịt quanh cửa sổ, rơi cả lên đầu lão. Nhưng điều ấy cũng chẳng khiến lão bận tâm. Khi bố tôi kể với lão tai nạn của chị tôi, lão bình thản như nghe một chuyện quen thuộc với mình: “Vong không tha ai đâu.” Bố tôi bảo: “Cháu nó nặng quá rồi, bác thương lòng kêu giúp cháu một tiếng.” Lão vẫn bình thản: “Kêu sao được. Đến các thầy pháp còn chẳng kêu được nữa là.” Bố tôi nài nỉ: “Bác biết chuyện, giúp một tiếng…” Lão đột ngột ném vào tôi ánh nhìn dò xét: “Nhờ nó kêu hộ xem sao.”

Bố tôi ngớ người. Tôi rùng mình. Không biết lão này điên điên rồ rồ, nói năng lung tung hay lão biết điều gì đấy về tôi mà chính tôi còn chưa kịp biết. Đến giờ tôi cũng không rõ, trong câu chuyện nhát gừng, dương không ra dương, âm không ra âm giữa bố con tôi và lão, rốt cuộc những điều gì đã được nói đến. Tôi chỉ nhớ mình đã kể cho lão về cái đêm nghe một người con gái ngồi hát ở ngôi mộ cạnh nhà. Tôi cũng thắc mắc, từ hồi chuyển về đây, chỉ thấy người con gái ấy hát ba lần, rồi mất hút.

- Bác ở đây lâu, bác gặp cô ấy nhiều chưa?

- Lâu lâu gặp một lần.

- Chắc cô ấy hát cho người thân nằm dưới mộ?

- Người thân nào. Làm gì có người thân nào.

- Là sao ạ.

- Vong đấy.

- Sao ạ?

- Vong dưới mộ. Lâu lâu chui lên hát.

Tôi bủn rủn chân tay. Lẽ nào cái bóng mà tôi nhìn thấy lại là vong, và tiếng hát khiến tôi tan đi lại là vong hát. Vậy lần tôi trông thấy lão quản trang ra đó hát thì sao? Đấy là lão, hay vong? “Là tôi.” Lão trả lời rồi bảo: “Lâu không thấy vong cũng nhớ. Ra đó hát xem có gọi được vong lên không. Hát mỏi mồm chả thấy đâu.” Bố tôi ngồi thừ ra.

- Mày thử khấn giúp chị một câu xem thế nào.

 

6.

Đêm nay không gió, nhưng những ý nghĩ về vong nữ làm tôi lạnh người. Tôi lại đợi chờ một tiếng hát. Chỉ cần nó cất lên, tôi sẽ tìm cách nói chuyện với vong nữ, xin cứu chị tôi. Xin cho tôi được gặp lại nó. Mà không cần gặp, chỉ cần nhận được một tin nhắn, một tiếng chửi của nó thôi cũng tốt lắm rồi.

Từng giờ, từng phút trôi. Trơ khấc. Hay vong nữ giận mình… Mắt tôi nhòe đi. Nước mắt chảy giàn giụa trên mặt kéo giấc mơ đến. Trong giấc mơ, mọi thứ đều nhòe nhoẹt ướt. Duy cô gái với gương mặt sương sương quen thuộc là nhoẻn cười. “Đoá hoa vàng mỏng manh cuối trời/ Như một lời chia tay...”

Rồi cô bay lên, vượt thăm thẳm núi rừng. Con chim bay theo, bám vào cô như bám vào cứu cánh cuối cùng.

Cô gái ngừng hát, chìa tay ra. Con chim êm ái đậu vào đó. Bàn tay cô chuyển sang màu vàng, nhọn thành mũi tên. Con chim hốt hoảng nhận ra mình đang đậu trên đầu mũi tên.

Nó bay lên nhưng không kịp. Mũi tên lao theo, vút vào thân nó.

P.Đ

-------

(*) Những câu hát trong truyện được trích từ các bài hát của Trịnh Công Sơn.

 

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Sòng nhậu đầu tiên ở bãi, không bến không bờ tức giang hồ thiệt thọ, đã phết cho tôi Tàn sau Minh để hóa một Minh Tàn... (NGUYỄN TRÍ)

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)