Mùa ban trở lại

Chủ Nhật, 05/09/2021 16:51

. KIỀU DUY KHÁNH
 

Minh họa: Nguyễn Đăng Phú

“Tôi thắp cái hương thơm, tôi xin quỳ chín lạy. Tôi lạy chúa ma chài. Xin ma chài bỏ đi cái lời nguyền, quên đi cái lời ác. Giải cho chồng tôi cái oan ức cắm trên đầu, để xác con cú khô kia sống lại. Tôi thắp cái hương thơm…”

Vùa quỳ trước ba nén hương bên cái cột treo xác con cú khô lầm rầm khấn. Đêm đặc quánh tưởng xắt ra được thành từng miếng. Ba chấm đỏ trên đầu que hương thỉnh thoảng lóe đỏ lên khi cơn gió khuya thở dài qua khe liếp, rồi lại nhạt dần đi trong những đốm tàn bàng bạc. Những lời khấn nghe buồn và xót xa, đau đớn và tủi hận, van lơn và bất lực, uất ức và căm hận cào nhói vào đêm. Vùa đã quỳ khấn bao nhiêu đêm rồi? Không còn nhớ nữa. Mái gianh nơi Vùa thắp hương khói ám đen như bồ hóng bếp. Sàn tre Vùa quỳ đã mòn vẹt, sâu hoắm xuống, mỏng manh như chiếc lá khô. Cây to đẽo lâu cũng thành chõ, đá lớn đục nhiều cũng làm được cối xay. Thế mà Vùa đã cúng qua bao nhiêu mùa ban nở. Những lời cúng đến con thạch sùng trên nóc nhà còn thuộc, cái cột cái kèo còn nhớ từng câu, nhưng xác con cú mèo chỉ ngày càng quắt khô. Con cú không sống lại thì cái ác trong bùa chài chưa được giải đi.

- Mình đừng tự làm khổ mình nữa. Ma chài chỉ biết làm cái xấu. Cái xấu thì không bao giờ biết rơi nước mắt trước điều tốt đâu.

Piềng đã nói với Vùa không biết bao nhiêu lần câu ấy. Nhưng Vùa bỏ ngoài tai, vẫn le lói một niềm hi vọng. Đêm đêm Vùa vẫn thắp những nén hương…

*

* *

Mình cho tôi đẻ một đứa con có được không. Dù nó có cái tật ở chân, cái bệnh ở tay thì tôi còn có đứa con để bế. Mỗi lần nghe thằng Thiên nó hỏi sao các bạn nó có anh, có em mà nó không có, buồn lắm mình ạ. Tôi thương, tôi quý thằng Thiên như con của mình thôi, nhưng tôi vẫn muốn một đứa con do chính mình đẻ ra. Mỗi khi trong bản có người đẻ, tôi đều tìm đến xem. Nhìn người ta đau đớn kêu gào lúc sắp đẻ, rồi người ta cười hạnh phúc khi đứa bé chui ra, mà thèm quá mình ạ. Tôi muốn được một lần đau như họ để được cười như họ. Cái cười sau cơn đau đớn, vật vã, nó đẹp và mãn nguyện thế cơ chứ. Những đêm khuya trằn trọc, Vùa khẽ lay vai chồng, thì thào van vỉ.

Piềng ôm lấy vợ, nghẹn một tiếng thở dài. Tiếng thở dài trong đêm khuya nghe xa vắng và cô độc như tiếng gió ngoài rừng xa. Piềng cũng muốn có nhiều con lắm chứ. Nhưng cái bùa chài làm Piềng sợ. Piềng đã từng nghe kể nhiều về cái độc, cái ác của chài. Nó có thể làm cho người đang khỏe mạnh thành người tàn tật. Biến những hạt cơm trong bụng thành những con dao nhọn, biến một người thành con chó, con gà. Có người bị chài, đẻ mười lần thì cả mười lần chỉ sinh ra con ếch, con rắn… Bao nhiêu những chuyện rùng rợn về bùa chài khiến Piềng không dám sinh con. Không phải Piềng sợ khổ, nhưng Piềng sợ những đứa trẻ sinh ra không lành lặn khỏe mạnh, chúng nó sẽ khổ hết đời.

Nghĩ đến Băn, Piềng lại thấy tức, thấy hận. Băn và Piềng từng là bạn thân. Ngày vợ Băn đẻ, không hiểu sao máu cứ chảy mãi mà không cầm được. Piềng biết lấy cây thuốc chữa bệnh. Vội vã vào rừng. Cây thuốc chữa chảy máu cho đàn bà đẻ chỉ có ở núi đá cao. Khi Piềng đem được bó thuốc về thì cũng vừa lúc vợ Băn đứt hơi, may mà cứu được đứa con. Băn nghĩ Piềng không muốn cứu vợ mình mới mang cây thuốc về chậm nên đem lòng thù hận. Sau khi chôn cất và nhờ ông mo làm lễ gọi hồn vợ lên nhà, Băn gửi con nhỏ sang nhà em gái rồi bỏ bản đi đến hơn một mùa trăng. Đúng hôm Piềng làm đám cưới thì Băn quay về. Băn ném xác con cú khô đét xuống trước mặt vợ chồng Piềng. Tại mày mà vợ tao mới chết, nên mày phải đền tội. Tao đã nhờ mo giỏi làm cái chài độc lên vợ chồng mày. Nếu chúng mày đẻ con ra, đứa con sẽ không có chân, không có mắt. Sau này con cái chúng mày lớn lên, có lấy vợ, lấy chồng cũng sẽ bị ma chài đi theo làm phép độc. Bao giờ con cú khô này sống lại được thì cái chài mới được giải.

Piềng đã tìm đến bao nhiêu thầy cúng giỏi từ bản gần đến bản xa. Nhưng thầy cúng nào cũng chỉ lắc đầu. Muốn cởi dây thì phải tìm người buộc, muốn dỡ cái nhà không sai mộng cột thì phải tìm người thợ làm nhà thôi.

Không tìm được người giải bùa chài, Piềng đành phải vào rừng kiếm rễ cây móoc phong cho vợ uống. Cây móoc phong vừa có tác dụng tránh thai vừa giúp ngủ tốt, thế mà đêm nào Vùa cũng thức trắng. Piềng thương vợ quá mà không biết làm thế nào. Nghe có người mách, Piềng tìm đến một bản xa, xin được đứa con trai còn đỏ hỏn của một nhà nghèo về cho vợ nuôi. Có đứa bé, cái buồn trong bụng Vùa cũng vơi đi một ít. Nhưng đêm đêm Vùa vẫn thức cùng những câu cúng lặp đi lặp lại, vẫn hi vọng có một đứa con do chính mình đẻ ra…

*

*          *

- Mình ở nhà đặt sẵn nồi nước, tôi vào rừng săn lấy con thú về làm thịt. Dạo này mình gầy và xanh quá. Phải chịu khó ăn vào, đừng có nghĩ nhiều mà ốm ra. Biết đâu thằng Băn nó nghĩ lại… - Piềng dặn vợ thế rồi mau mải vào rừng.

Vùa cứ đứng thần ra nhìn theo dáng đi nghiêng nghiêng như gió tạt của Piềng. Sao dạo này Piềng ham đi săn thế. Mà lần nào cũng chỉ đi về phía cánh rừng Phiêng Pằn. Thịt thú săn lần trước còn treo đầy trên gác bếp, đã ăn hết đâu. Mỗi buổi săn Piềng lại vác về hôm thì con hoẵng, hôm con lợn rừng, hôm con nai… Những con thú Piềng đem về hôm thì thiếu cái đùi sau, hôm chỉ còn một nửa trước. Vùa không bao giờ hỏi, nhưng Piềng luôn tự giải thích rằng đi săn cùng bạn, được con thú thì chia đôi. Nhìn vào đôi mắt đã không còn cái ánh buồn xa xăm, Vùa biết Piềng đang nói dối. Nhưng Vùa cũng không muốn để ý nữa. Ngày ngày Vùa ngẩn ngơ, vô hồn như một cái xác. Đêm đêm Vùa lại quỳ trước ba nén hương mà khấn. Trước Vùa chỉ khấn đến khi ba nén hương tàn, giờ thì Vùa khấn hết đêm. Tàn đợt hương này thì lại đốt lên đợt hương khác. Vùa cứ gầy và héo hon đi mỗi ngày.

Đêm nay trời rải lạnh xuống đột ngột. Ngoài rừng khuya, con cú già vẫn thả xuống đêm sâu hun hút những tiếng thưa đều và mệt mỏi. Có khi nào con cú ngoài rừng kia và xác con cú treo trên cái cột là một đôi vợ chồng? Có khi nào nó vẫn đang tìm gọi? Có khi nào con cú kia sống lại, vỗ cánh bay vút vào rừng khuya?

“Tôi thắp cái hương thơm, tôi xin quỳ chín lạy. Tôi lạy chúa ma cha…à…i.”

Lời cúng lạc đi, đứt gãy trong đêm, chới với…

Tiếng cú xa vẳng lại, rời rạc, buồn và cô độc. Cơn gió khuya vẫn hu hút thổi. Những cánh ban trắng cuối mùa rụng vào đêm trong nức nở thét gào.

*

*        *

Piềng lấy cái nỏ và ống tên xuống lau lại. Từ hôm vợ mất, cũng đến hơn hai tháng rồi Piềng không vào rừng săn. Con đường quen thuộc chắc cỏ đã mọc um tùm. Người đàn bà với đôi mắt buồn và khắc khoải chiều chiều chắc vẫn ngồi ngoài sàn chờ đợi cái dáng nghiêng nghiêng như gió tạt lầm lũi đi về phía mình. Ánh mắt ấy Piềng đã gặp trong hôm đưa vợ ra nhà mồ. Ánh mắt đỏ hoe, nhòe nhoẹt, cụp cùi một nỗi hổ thẹn, thương cảm và xót xa.

Trước cái đêm gục xuống bên bài cúng còn dang dở mấy ngày, Vùa đột nhiên tháo cái trâm cài trên búi tóc cẩu đưa cho Piềng. Nếu tôi chết đi, đợi hết hai năm cho xong cái tục kiêng, mình đón Bay về ở nhé. Phải có người lo cho bố con mình chõ xôi buổi sáng, lo cái đệm cho bố con mình nằm lúc chiều thì tôi mới yên tâm mà lên tầng trời thứ ba để chia hồn, chia của cho tổ tiên ông bà. Bay đến với mình trước tôi, lẽ ra Bay không phải khổ nhiều như thế…

Piềng bàng hoàng rồi cứ đứng ngẩn ra, chẳng biết nói thế nào. Ừ, lẽ ra Bay đã làm vợ Piềng. Piềng và Bay yêu nhau đã hơn hai mùa ban trắng. Nghe bước chân đã nhận được ra nhau, ném quả còn đã biết được ý của nhau rồi. Nhưng hôm Piềng đem hai đôi gà trống mái nhờ ông mối sang nhà Bay hỏi vợ thì cũng là hôm Bay bị mẹ bắt đi lấy chồng. Bay về nhà chồng vào cuối mùa ban. Những cánh ban trắng héo rũ lả tả rơi trên con đường dẫn Bay về nhà chồng.

Nhà chồng Bay nghèo nhất bản. Mẹ Bay muốn thực hiện lời hứa với người cũ: Ta không lấy nhau được lúc trẻ thì con ta sẽ lấy nhau lúc ta già.

Chồng Bay gầy nhẳng và xanh lợt lạt. Hắn chẳng thiết tha gì vợ. Cả ngày chỉ nằm loằm khoằm bên cái bàn đèn. Mùi mỡ lợn cháy khét lẹt, mùi thuốc phiện thơm lả lơi trong góc nhà sàn tối. Lúc say thuốc thì mắt hắn nhắm gà gà, mồm hắn lảm nhảm những gì chẳng ai hiểu nổi. Lúc lên cơn thì hắn chửi rủa rồi đánh Bay. Những vết thâm chưa kịp mờ đi thì lại phải tím. Đánh Bay thì còn cố mà chịu chứ động đến đứa con thì Bay không thể đứng yên. Bay ôm con bỏ về nhà mẹ. Đàn bà tự bỏ chồng thì sẽ đem cái không may cho bản. Trời sẽ không cho mưa ba năm, không cho mùa ba vụ. Bay bị đuổi khỏi bản. Đất bản được đánh dấu bằng hai cây muỗm già ở đầu và cuối bản. Bay phải bước qua cây muỗm, đến dựng nhà tận dưới chân dốc Cô Linh.

Piềng ham đi săn từ đó.

*

*        *

Đánh lại cái dây nỏ cho dẻo và căng, ngắm lại đường tên cho thẳng, Piềng đeo nỏ vào rừng. Đôi chân Piềng mau mải, quýnh quáng trong háo hức xen lẫn những đắn đo, ngập ngừng.

Căn nhà sàn nhỏ có vẻ xác xơ và ảm đạm hơn từ khi Piềng không vào. Bay vẫn cặm cụi thêu khăn piêu ngoài sàn. Bất chợt Bay ngẩng lên nhìn về phía con đường đã xùm xòa cỏ dại. Không biết có một sợi dây linh cảm vô hình hay Bay đã nhận ra bước chân quen. Hai ánh mắt gặp nhau. Gần như cùng lúc, Bay và Piềng chạy như lao về phía nhau. Những chờ đợi mỏi mòn bao ngày bỗng loãng tan, nhẹ bay theo gió thoảng. Bay như hụt hơi trong vòng tay rắn chắc của Piềng.

Con bé Lải từ trong nhà chạy ra, reo lên:

- A, bác thợ săn đến!

Bay không cho nó biết tên Piềng vì sợ nó kể với ai đó, nên con bé vẫn gọi Piềng bằng cái tên nó tự đặt như thế. Piềng vội buông Bay ra, bế nó lên. Con bé ngộ nghĩnh đáng yêu quá. Nó đưa bàn tay bụ bẫm sờ lên cái cằm lởm chởm râu của Piềng, tíu tít. Sao bác thợ săn lâu đến nhà con thế. Bác thợ săn không đến, mẹ Bay hư, mẹ Bay chẳng biết đi săn, con không được ăn thịt ngon. Hôm nay bác thợ săn đi bắn cho con con thú to bằng cái nhà này nhá. Bác thợ săn ơi, con biết nhặt bông cho mẹ rồi đấy. Mẹ Bay bảo nhặt đủ bông thì dệt cho bác một cái áo để bác đi săn không bị rét.

Piềng nắm chặt bàn tay Bay. Cứ đứng thế thật lâu để cảm nhận niềm hạnh phúc giản dị mà ấm áp đang tràn sang nhau, hòa vào nhau sau bao ngày xa cách.

 

Minh họa: Nguyễn Đăng Phú

Con hoẵng Piềng săn được khá to nhưng gầy. Vào mùa tìm bạn tình thì những con hoẵng đực thường gầy hẳn đi trong khi những con hoẵng cái lại béo mầm lên. Nhưng chính lúc này thịt hoẵng mới là ngọt và thơm nhất, cái giống đực của nó cũng bổ và tốt nhất. Cái mùi gọi cái từ con hoẵng thoang thoảng, róm rém lan vào mái tóc, ám lên quần áo Piềng. Cái mùi thật lạ. Có một chút thơm dịu của hoa ngọc lan, một chút nồng nàn của hoa trứng gà và một chút mê mẩn gọi mời của hương quả moóc tậy chín tới. Nhưng để cảm nhận được cái mùi đực đầy lôi cuốn thì hơi thở phải thật nhẹ, thật nhón nhén, thở như không phải là thở mới cảm nhận được. Chứ tham lam mà hít thật sâu, thật ngốn ngấu thì chỉ ngửi thấy cái mùi hôi trần tục từ bộ lông bết vàng.

- Bay đun nồi nước để tôi làm thịt con hoẵng. Tôi muối một chum thịt chua, còn lại ướp gia vị treo lên gác bếp để mẹ con Bay ăn dần. Thằng Thiên nó đi sang bà ngoại chơi mấy hôm rồi, mình tôi ở nhà, cũng chẳng muốn ăn gì…

Cơn mưa chiều đổ xuống ầm ào khi Piềng vừa làm xong chum thịt muối chua. Cơn mưa được báo trước bằng những tiếng sấm ùng oàng và mây đen vần vũ. Nhưng Piềng không để ý, Bay cũng không để ý, hoặc là cả hai cố tình không để ý. Có một sự chờ đợi và hi vọng thầm kín từ cả hai người khi nghe những tiếng sấm đầu tiên.

Miếng thịt hoẵng Piềng nướng trên đống than hồng rộm vàng thơm lử lả. Cái đói cuộn xéo cồn cào. Ngoài trời đã tối đen từ bao giờ. Cơn mưa ngày một xối xả trong những hồi hộp và mong đợi. Gió gào rít ầm ào. Rừng cây sau nhà răng rắc đập những giận dữ vào đêm.

- Mưa lớn thế này, con suối Chờ Lồng nước lên to lắm, cái cầu tre thì nhỏ thế, anh Piềng về qua thì nguy hiểm lắm… - Bay nhìn ra ngoài lo lắng.

Piềng ngồi xích lại gần hơn phía Bay. Cánh tay choàng vào vai, khẽ kéo đầu Bay ngả vào vai mình, đận đà:

- Mưa lớn thế này, nếu Bay không ngại thì tôi ở lại đây một đêm, mai tạnh tôi về thật sớm để người trong bản không thấy mà nói ra nói vào…

Con bé Lải đang nhồm nhoàm ăn miếng thịt nướng reo lên:

- Thích quá, hôm nay bác thợ săn ngủ ở nhà con nhé. Cho mẹ Bay nằm ngoài, con nằm gần bác thợ săn, bác thợ săn gãi lưng cho con ngủ…

Ăn cơm xong, Piềng đón chăn và gối từ Bay, ý tứ đi xuống nằm cạnh đống lửa dưới bếp. Cơn mưa đã tạnh từ bao giờ. Ngoài rừng xa, tiếng con hoẵng đi tìm bạn tình nghe buồn và thao thiết quá.

Đêm đã khuya lắm. Bếp lửa vẫn đỏ hồng. Piềng trằn trọc mãi mà không sao ngủ được. Những kỉ niệm của ngày mới yêu nhau cứ hiện ra trước mắt, nhảy múa trong đầu, rạo rực trong trái tim. Bay cũng không ngủ. Tiếng trở mình khiến cái sàn tre lẹp kẹp. Tiếng thở dài nhẹ và mỏng nhưng không giấu nổi những khắc khoải, bồn chồn.

Có tiếng bước chân đi về phía bếp. Đúng là bước chân Bay rồi. Piềng chờ đợi những bước chân đang ngày một gần. Bây giờ thì Bay dừng lại, ngay cạnh Piềng. Piềng khẽ hé mắt. Qua ánh lửa chập chờn, thấy Bay ôm cái chăn đứng ngẩn ra, bất động. Khuôn ngực Bay nhô cao như núi, bí bách đẩy chật căng cái áo cóm, phập phồng theo hơi thở run và gấp. Bay ngồi xuống, đắp cái chăn lên mình Piềng, thì thào:

- Cái Lải nó ngủ say rồi… Em sợ anh Piềng lạnh nên đem thêm cho cái chăn…

Tiếng Bay rất gần. Thấy được cả mùi thơm của hoa pay thoảng ra từ mái tóc, thấy được cái nóng hổi gấp gáp của hơi thở phả lên mặt. Piềng thấy người run lên, hồi hộp và tan chảy. Những thớ thịt như nở căng, gân guốc. Cảm giác ghì riết, cuống cuồng, vội vàng, run rẩy, tuôn trào, rủn rữa dưới lớp cỏ đẫm sương đêm bên bờ suối năm nào cứ thế mà bùng lên những gọi mời và xúi giục, những giục giã và xâm chiếm. Chỉ cần Piềng quàng tay ra ôm ghì lấy Bay là sẽ tìm lại những cảm giác năm nào. Nhưng Piềng chợt choàng tỉnh. Khuôn mặt Vùa chập chờn ẩn hiện trong khuôn mặt Bay. Chưa hết cái tục kiêng, nếu Piềng làm việc có lỗi với Vùa thì Vùa sẽ bị lửa ở tầng trời thứ ba đốt cháy, và không thể trở lại làm người ở một kiếp sau. Piềng cố nén cảm xúc, nén những căng nhức muốn bung phóng. Piềng quàng tay ra, kéo Bay nằm xuống cạnh mình, thì thào:

- Mình nằm bên nhau thế này thôi nhé… Đợi hết cái tục kiêng, tôi sẽ nhờ ông mối sang để hỏi Bay. Mình sẽ về ở chung một nhà, thành vợ chồng rồi thì không ai nói ra nói vào được nữa.

Nhưng Bay không đợi được đến khi Piềng đón Bay về làm vợ. Bay lên mường trời đột ngột trong một cơn cảm. Hình như khi hứng chịu nỗi đau quá lớn thì người ta không còn thấy đau nữa. Tất cả trở về kí ức trắng xóa như đứa trẻ lúc vừa mới sinh. Piềng nhìn Bay thiêm thiếp trong cái hòm gỗ mà ngơ ngác mơ hồ. Tất cả trống rỗng.

Tiếng khóc của con bé Lải như cào xé vào đêm tang khi người ta đội cái khăn piêu mới cho mẹ. Tiếng khóc đã gọi Piềng bừng tỉnh. Những giọt nước mắt của Lải như rơi sang đôi mắt ngơ ngác của Piềng. Còn rơi ra được nước mắt là còn biết đau đấy. Còn biết đau là chưa bị chết cái vía, cái hồn đâu. Loáng thoáng có tiếng thầy mo nói ở đâu đây. Piềng chồm tới, ôm ghì lấy xác Bay trong tiếng gọi nghẹn vỡ…

Bay không có con trai nên Lải phải đi tìm nơi chôn mẹ. Quả trứng tung lên rồi rơi xuống giữa những gồ ghề đá núi, giữa ngổn ngang cây rừng. Cuối cùng, quả trứng vỡ bên gốc cây ban già nua(1). Bay đã chọn nơi làm nhà mồ bên cây hoa Bay yêu quý nhất. Bây giờ đã là cuối mùa ban nở. Trên những cành khẳng khiu gầy và khắc khổ, chỉ còn vương lại vài cánh trắng mỏng manh.

Mẹ chết, Lải bơ vơ một mình. Piềng muốn đón nó về nhưng những người họ hàng nhà Bay không đồng ý. Con bé được đưa về ở với bà ngoại. Bà ngoại thì già và yếu. Piềng phải lao vào làm gấp hai, gấp ba để lo cho cả hai bà cháu, và để vơi đi cái buồn…

*

*          *

- Bố à, năm nay con định lấy vợ. Con và Lải đã có hẹn với nhau rồi. Bố nhờ ông mối đến hỏi vợ cho con…

Luýnh quýnh cời mấy cục than hồng, không dám ngước lên, Thiên nhỏn nhẻn bảo bố. Ông Piềng giật thót. Chén nước đang cầm trên tay rơi bịch vào bếp lửa. Khói và bụi tro bay lên mù mịt như tạo ra một bức ngăn giữa hai bố con. Những đốm than đỏ xèo xèo rồi chuyển màu đen bóng. Thiên ngơ ngác không hiểu chuyện gì xảy ra.

Ông Piềng ngồi bất động bên bếp lửa đến hết đêm. Khuôn mặt ông hốc hác, mái tóc dường như bạc hơn, đôi mắt càng thêm trũng sâu những lo lắng bồn chồn. Không. Không thể để hai đứa lấy nhau được. Cái bùa ác kia còn chưa giải được, thì không thể để hai đứa lấy nhau.

Thiên và Lải bàng hoàng tưởng mình nghe nhầm. Bố chỉ nói đùa thôi phải không? Lải không phải là con gái ruột của bố đúng không? Bố không muốn con và Lải lấy nhau nên bố chỉ nói thế thôi phải không?

Ông Piềng thấy đau nhói ở ngực. Đôi mắt đục mờ mầng mậng nhòe nhoẹt trong ánh lửa bếp bập bùng. Ta không nói dối hai đứa… ta đến với mẹ Lải trước khi đến với mẹ con, chứ không phải ta hai bụng, hai lòng gì đâu… Cũng tại ta không nói cho chúng mày sớm…

Ba người ngồi như bất động bên bếp lửa. Tâm trạng ngổn ngang, giằng xé. Mấy lần ngước lên định cất lời, nhưng rồi ông Piềng lại cúi xuống đưa bàn tay gầy guộc run run đẩy cành củi vào bếp. Những ngón tay chạm vào lửa bỏng rát. Ông chẳng biết nói gì bây giờ. Nhìn vẻ mặt thất thần ngơ ngác của hai đứa, thương chúng nó quá. Thương đấy, nhưng biết phải làm thế nào. Vợ chồng ông đã khổ cả một đời rồi, không thể để chúng nó khổ theo được.

*

*          *

Lải hay đến thăm ông hơn. Từ hôm ấy Lải gọi ông là bố. Tiếng bố vừa ngượng ngùng lúng túng, vừa run run, lạ lẫm lại ấm áp những yêu thương. Mỗi lần đến, Lải thường ở lại nấu cơm, dọn dẹp và ngồi nói chuyện với ông một lúc. Từ nhỏ, Lải đã coi ông như bố rồi. Bây giờ khi biết ông Piềng chính là bố ruột thì lại thấy gần gũi, thân thương hơn. Nhưng Lải không dám ở lại ăn cơm bao giờ. Lải ngại khi ngồi đối diện với Thiên. Mỗi lần Lải đến, Thiên cũng lúng túng, ngượng ngùng sao ấy. Hỏi một câu bâng quơ nào đó rồi xách nỏ luýnh loáng vào rừng.

*

*         *

Câu chuyện nhẩn nha của mấy người đi làm nương qua nhà khiến ông Piềng bàng hoàng. Lão Băn ốm nặng thật không? Người nhà lão đã dỡ hai cái khau cút(2) xuống rồi à? Thế thì đã nguy kịch lắm. Những người bị bệnh nặng quá, hấp hối trong vật vã đau đớn mà không chết được, người nhà phải tháo bỏ hai cái khau cút cho người bệnh nhắm mắt sớm, đỡ phải đau đớn và thanh thản hơn khi chết. Nếu lão Băn chết thì bí mật về cách giải bùa chài sẽ theo lão đi xuống mồ. Không giải được cái bùa chài thì Lải và thằng Thiên sẽ lại bị lời nguyền độc ác ăn lên số phận mất thôi. Phải sang tìm lão ngay. Biết đâu trước khi chết, một tia tốt nó sẽ lóe lên trong cái đầu lạnh lẽo đen tối của lão. Ông Piềng tất tả sang nhà lão Băn trong một tia hi vọng mỏng manh như một đốm than trong cơn mưa phùn dai dẳng.

Từ nhà lão Băn ra, ông thất thểu bước về phía rừng ma Chờ Lồng trong nỗi phẫn uất và cay đắng, đau đớn và ân hận. Ông quỳ gục xuống mộ vợ. Bà Vùa ơi, tôi có tội với bà nhiều lắm. Tôi đã làm khổ bà hết cả một đời rồi. Những lời vu vơ nếu tin thì nó sẽ thành những lời ác độc. Cái ngu trong đầu tôi nó tự chài tôi và làm khổ bà. Chẳng có cái bùa chài nào đâu. Những cái rùng rợn ác độc của con ma chài là do con người tự nghĩ ra thôi. Tự nghĩ ra rồi tự làm mình sợ, tự trói mình lại. Nếu tôi nghe lời bà thì chúng mình đã có nhiều con, nhiều cháu, bà cũng sẽ không nghĩ nhiều, không buồn nhiều mà chết sớm thế. Tí nữa thì tôi lại làm khổ cả thằng Thiên và cái Lải. Cái Lải nó là con gái tôi đấy. Chắc bà cũng biết rồi. Bà có trách tôi không?

Ông Piềng ngồi thủ thỉ nói chuyện với vợ, cứ như vợ ông vẫn còn sống, đang ngồi đó và nghe ông nói chuyện vậy.

Con cú ngoài rừng xa kêu mấy tiếng rời rạc, buồn buồn vẳng lại khiến ông giật mình. Đêm đã buông xuống, đặc quánh từ bao giờ. Ông nói mấy lời với vợ rồi mau mải về. Những nỗi đau, những ân hận và buồn chán đã được trút hết đi. Ông thấy lòng thật thanh thản và nhẹ nhõm, le lói một niềm vui. Niềm vui cứ lớn dần lên theo mỗi bước chân mê mải. Ông thấy lòng phơi phới và trẻ trung.

Lải và Thiên đang đứng ngoài sàn đợi ông trong tâm trạng bồn chồn lo lắng. Nhìn thấy hai đứa, lòng ông bung nở một niềm hạnh phúc. Ông vội bước lên cầu thang, những bước nhanh và mạnh. Giọng ông hân hoan, rổn rảng:

- Ầy, cái Lải mới đến à. Bố cũng đang định bảo thằng Thiên sang gọi con. Có niềm vui lớn bố muốn nói với hai đứa mày đấy.

Rót ba chén rượu để lên cái ban thờ ở góc nhà, ông gọi hai con đến bên cạnh.

Bây giờ thì ông đứng nghiêm ngắn trước ban thờ ma nhà. Giọng ông trầm đều và nghiêm cẩn nhưng không che giấu được một niềm rạng rỡ:

- Mời ma ông bà bố mẹ về uống chén rượu ngon tôi tự nấu. Xin ma ông ma bà, ma bố ma mẹ lúc đêm khuya vắng về báo cho tôi xin cái ngày tốt, cái giờ đẹp để tôi làm cưới cho cháu Lải cháu Thiên, cho nó thành vợ thành chồng để nó đẻ được nhiều đứa cháu ngoan cháu giỏi, để nó biết mời ma ông bà cha mẹ về uống chén rượu thơm khi làm nhà, ăn bát cơm mới khi chín vụ.

Thiên và Lải nhìn nhau ngơ ngác, thấy tai ù đi, tưởng mình nghe nhầm. Hôm nay có chuyện gì mà bố lạ thế? Con và Lải là anh em thì làm sao làm cưới được?

Ông Piềng quay sang hai con, đận đà:

- Cái Lải là con gái ta, nhưng còn thằng Thiên là đứa con ta xin của một nhà nghèo ở bản xa về nuôi thôi. Vì tin có cái bùa chài, nên bố mẹ có dám đẻ đứa nào đâu. Sợ mẹ mày buồn nên ta đi xin thằng Thiên về nuôi. Bố mẹ đẻ thằng Thiên vẫn còn sống đấy, nhưng ở bản xa lắm. Mai ta sẽ đưa con đến gặp bố mẹ đẻ, để bố mẹ mày đem đôi gà đôi rượu đến hỏi con gái ta về làm vợ mày cho đúng cái tục. Ta không đòi bạc đòi tiền, không lấy trâu lấy bò của bố mẹ con, nhưng mà con phải ở rể nhà ta cả đời đấy. Ta có mỗi đứa con gái thôi, không muốn nó đi xa…

Gần như cùng lúc, Lải và Thiên nhào đến ôm lấy bố nghẹn ngào, nức nở. Và nước mắt. Những giọt nước mắt lăn xuống nóng hổi niềm hạnh phúc. Bàn tay Thiên đã tìm thấy bàn tay Lải từ bao giờ…

Ngoài rừng xa, tiếng con hoẵng gọi bạn tình chợt vang lên mê mải. Mùa này là mùa hoẵng đi tìm đôi. Sang tháng sau, khi cái rét không còn chua ngoa buốt nhói mà chỉ miên man dìu dịu sẽ là mùa sinh sản của chúng. Lúc ấy cây ban đầu bản sẽ bung nở những bông đầu tiên, trắng mịn tinh khôi. Những sợi mưa xuân mỏng manh lơi lả rơi xuống làm bật lên những tai cỏ nhú nhí, mơn mởn. Dưới thung sâu, mấy chú hoẵng con vừa sinh ngộ nghĩnh và ngơ ngác tung tăng nô đùa bên bờ cỏ mướt xanh…

K.D.K

-------

1. Khi có người chết, người Thái đen chọn nơi chôn cất cho người chết bằng cách tung trứng gà. Quả trứng vỡ ở đâu thì chôn người chết ở đó.

2. Khau cút: Hình trang trí lắp ở hai đầu hồi của mái nhà sàn người Thái đen.

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)