Kí ức vui vẻ

Thứ Năm, 12/08/2021 00:34

. TRẦN NHÃ THỤY

“Có những lúc
Tôi chán cả bạn bè
Mấy năm rồi họ chẳng nói được câu gì mới…”

(Lưu Quang Vũ, 1972)

Trong khi chờ đợi đông đủ để ăn bữa tối, chúng tôi gồm Toàn chủ nhà, bác sĩ Cầm và tôi, ngồi uống cà phê Rum lạnh do chủ nhà tự pha và mang ra mời.

Toàn khá ưa thích loại đồ uống này. Cà phê hạt rang xay, pha máy, chế vô cái li nhỏ, pha xíu Rum nâu, xong để ngăn mát tủ lạnh. Cà phê Rum uống vào buổi chiều, trước bữa tối, khi bụng hơi đói, người hơi oải. Nhấp cà phê. Đốt điếu thuốc. Cà phê Rum có vẻ ngon hơn khi hái nhanh mấy lá bạc hà ngoài vườn, vê nhẹ bằng hai đầu ngón tay rồi bỏ vào. Tỉnh tỉnh say say trong lúc “chiều chậm đưa chân ngày”, cũng hay hay.

Bữa nay vườn hết bạc hà. Chỉ còn một bụi húng lủi, cái thứ từa tựa bạc hà, có thể thay tạm, nhưng mà thôi, có khi li cà phê Rum hỏng vì cái từa tựa ấy. Toàn từ vườn trở vào, mắt hấp háy. Toàn có tật háy mắt và nói câu có từ đệm “vãi” hay “các kiểu”.

“Gia vị các kiểu cũng không bằng cái anh húng quế góc vườn này. Nhưng bữa nay thì xui rồi”.

Chúng tôi tiếp tục uống cà phê Rum lạnh không bạc hà. Chúng tôi ngồi ở chỗ cái bàn gỗ băng dài phía vườn trước. Sau nhà cũng có vườn và hồ bơi. Từ ngõ trước, đi bộ chừng năm trăm thước là ra tới sông Sài Gòn, nhánh Gò Dưa. Ngày xưa, vùng này chắc nhiều dưa. Nhưng giờ không còn dấu tích gì. Dấu cũ chỉ là những bãi bùn với vạt dừa nước và giống cá thòi lòi. Đây là khu biệt thự cao cấp, chủ đầu tư là doanh nhân, con ruột của một lãnh đạo cao cấp thời bao cấp. Khu biệt thự ven sông này chỉ có vài chục căn, đáng lẽ nó còn mở rộng nữa, nhưng phải dừng lại vì vướng mắc gì đó hay vì lo sợ trong “chiến dịch đốt lò không vùng cấm” đang diễn ra vô cùng gay cấn ở đất nước này. Cho nên, đi vào khu biệt thự này phải lượn qua mấy con đường đất, mấy bãi rác nham nhở. “Vãi”. Toàn chỉ dùng đúng một từ để bình luận về điều này.

Minh họa: Nguyễn Văn Đức

Lúc này Kim, vợ Toàn đang chuẩn bị bữa tối trong gian bếp. Nhà Toàn có truyền thống chỉ đãi duy nhất một món trong một bữa ăn. Món nào chất món đó. Bữa nay Kim sẽ tự tay làm món chả cá Lã Vọng. Chúng tôi sẽ ăn chả cá Lã Vọng đúng điệu truyền thống và uống vodka Nga xách tay.

Người xách vodka Nga đến là bác sĩ Cầm. Lúc này, Cầm đã có mặt ở đây. Cầm là bác sĩ nam khoa của một bệnh viện nổi tiếng. Trong giới bác sĩ hay trong thế giới bọn đàn ông gặp rắc rối chỗ cái của nợ ấy, ai cũng biết tên Cầm. Tôi không hiểu nam khoa thì có liên quan gì tới vodka, nhưng xem ra, Cầm cũng là sư phụ của món này.

Nhân đây, cũng xin nói rõ hơn một chút để bạn đọc dễ theo dõi.

Toàn là doanh nhân chuyên mảng pitching, tức kêu gọi đầu tư vào, ném đô la vào những dự án startup (khởi nghiệp) hay ho. Toàn là tay sừng sỏ trong lãnh vực này. Có thể xem Toàn như một quân sư hay nhà truyền đạo. Toàn móc túi thiên hạ chỉ bằng ba tấc lưỡi. Giới doanh nhân gọi những người như Toàn là shark, tức nhà đầu tư, tiếng Anh cũng có nghĩa là cá mập. Cá lớn (thì) nuốt cá bé.

Kim vốn là kế toán trưởng cho một tập đoàn xây dựng nước ngoài, có khoảng hơn mười năm làm việc ở các nước châu Á, rồi bỏ ngang về nước, làm công việc tương tự như chồng. Kim là cổ đông sáng lập trong vài tập đoàn xây dựng có số má. Kim không quan tâm nhiều tới chính trị và danh tiếng như Toàn, nên thoạt nhìn, thấy Kim như một bà nội trợ thảnh thơi. Còn tôi thì nghĩ, Kim quan tâm nhiều đến đời sống tình dục, nhưng tôi sẽ kể chuyện này ở đoạn khác.

*

*          *

Tôi là nhà văn. Nhà văn quèn thôi. Nhưng dù sao cũng là nhà văn, vì tôi thích công việc này. Tôi cũng sống nhờ vào văn chương. Không phải là tôi kiếm được tiền nhờ bán sách, mà nếu không viết văn thì tôi không sống nổi. Viết văn là lúc tôi được thở, được sống. Như cá gặp nước. Như rồng gặp mây. “Tình cờ anh gặp em đây/ Như cá gặp nước như mây gặp rồng.” Nhưng viết văn không phải tình cờ. Hay vừa tình cờ vừa không tình cờ. Vừa cố ý vừa sơ ý.

Nhà văn là gì? Đôi khi tôi tự hỏi. Nếu nói về thông minh trí tuệ thì tôi không thể sánh với Toàn, ngay cả kiến văn, tôi cũng chỉ bằng cái móng tay của Toàn. Tâm hồn là cái gì rất khó nói. Tâm hồn không phải là món chả cá Lã Vọng mà Kim đang bày biện trong gian bếp kia. Tâm hồn tôi chắc gì đã đẹp bằng bác sĩ Cầm, người mà ngày nào cũng sờ cầm nâng niu các dương vật quặt quẹo để chữa trị và chỉ dẫn bọn đàn ông cách hưởng lạc đúng cách “ông khỏe bà vui”.

Trong đám bạn, tôi nghèo nhất là dĩ nhiên rồi. Tôi cũng chẳng phải là một thiện tri thức hay đạo hạnh gì. Tôi không sử dụng văn chương như một thứ vũ khí. Tác phẩm của tôi cũng rất ít chức năng giải trí, mà giải trí, có lẽ luôn là chức năng chính của một tác phẩm nghệ thuật.

Về giá trị giải trí thì tôi thua Khải xa lắc. Khải đang trên đường đến đây. Khải bao giờ cũng đến trễ một chút so với mọi người, bởi hắn luôn bận rộn, luôn có quá nhiều cuộc hẹn quan trọng và cực kì quan trọng. Nếu ai cũng có nghề nghiệp tương đối rõ ràng, kể cả nghề viết văn như tôi, dù sao cũng là một nghề mà không cần mô tả nhiều, ai cũng hiểu đại khái; thì Khải không rõ làm nghề gì.

Tôi biết Khải sống trong một ngôi biệt thự cổ kiến trúc Pháp nhưng sơn lại toàn màu trắng. Khải là tín đồ trắng. Khải thích mặc đồ trắng, đi xe hơi trắng, chơi gái có làn da trắng. Đại loại thế. Nói tới màu trắng, tôi chợt nhớ, hồi đó thư mời đám cưới của Toàn có ghi rõ đề nghị khách dự lễ cưới phải mặc nguyên bộ đồ màu trắng. Tôi chỉ có chiếc áo trắng, quần jean, chưa bao giờ bận một cái quần trắng hay đi giày trắng. Tôi cũng thích màu trắng. Nhưng tôi không thể bận nguyên bộ màu trắng. Tôi hình dung cảnh mình đóng nguyên bộ vía trắng tinh thì hài không chịu nổi. Thế là tôi tìm ra một cái cớ nào đó để không tới dự đám cưới của Toàn. Về sau này, tôi tình cờ biết, ý tưởng “màu trắng tinh khôi mộng trắng trong” là từ Khải. Đám cưới của Toàn, Khải tài trợ rất nhiều bộ đồ trắng cho khách mời, trong đó có một ông nhà thơ già đơn chiếc, vẫn thường được gọi là Lão Ngoan Đồng. Lão nhà thơ thích bộ vía màu trắng xịn sò ấy đến mức, về sau này, không còn ai mời đám cưới, ông cứ mặc bộ ấy đi dự những đám tang của các thi hữu.

Lại nói về Khải, một người thiết tha yêu màu trắng. Khải làm nghề gì, không ai biết, hay chỉ mình tôi mơ hồ?

Có lần, tôi nghe Khải nói nhóm của anh ta vừa hợp tác chế tạo ra một loại dung dịch gì đó rất đặc biệt, lần đầu tiên trên thế giới, trí tuệ Do Thái chưa làm được, mà trí tuệ nước ta đã tiên phong dẫn lối. Loại dung dịch này có sứ mệnh làm “sạch hóa” các đám ruộng rau muống, các ao lục bình, vốn dày đặc ô nhiễm ở Sài Gòn. Chỉ cần xịt một ít dung dịch này xuống nước, là ruộng rau muống đang đen ngòm như nhớt thải chợt hóa xanh trong như nước sông quê hương Tế Hanh.

Khải say sưa nói. Giọng bass bẩm sinh. Chúng tôi ngồi chóc mỏ nghe. Khải nói đã xịt thử nghiệm rồi, chừng một tuần nữa là các kênh truyền thông sẽ rầm rộ loan tin, sẽ chuẩn bị kí kết nhiều hợp đồng, lúc đó tiền không còn là vấn đề nữa. Nhưng các ông phải giữ kín giùm, vì đây là bí mật quốc gia. Chúng tôi cười. Nhất trí thôi. Giữ thì giữ. Bị tra tấn đến chết cũng không khai.

Tôi nghe ngóng mãi tới tuần sau, rồi tháng sau, năm sau; vẫn không thấy báo đài nào nói về cái vụ làm sạch ao rau muống thần thánh ấy. Tôi nghĩ hay đây là bí mật quốc gia. Có lần ra ngoại thành, tiện thể tôi tạt qua mấy đám ruộng rau muống, xắn quần lên lội ra thì thấy nước vẫn đen xì như nhớt thải.

Lần khác, Khải nói các nhà khoa học của anh ta vừa chế tạo ra một loại keo hàn gắn đặc biệt, chuyên xử lí nhanh các vết nứt gãy trên quốc lộ. Đây là dự án mà anh ta làm theo đơn đặt hàng của Bộ Giao thông. Với công nghệ này không cần phải nấu dầu hắc làm nhựa đường, mà hư đâu xịt đó, các chỗ hư hỏng sẽ lành như có phép màu. Từ khi nghe Khải nói, mỗi khi chạy xe ngoài đường tôi lại hay để mắt tới những vết nứt, ổ gà, ổ voi… Nhưng tôi thấy đường sá vẫn vá chằng vá đụp, chi chít vết rạch ngang dọc như mặt anh Chí làng Vũ Đại.

Bẵng một thời gian khá lâu, tôi lại hân hạnh gặp Khải. Lần này Khải nói tới một dự án “danh dự quốc gia, tầm vóc quốc tế”. Trái đất đang nóng dần lên. Băng tan. Hiệu ứng nhà kính. Các kiểu. Vãi. Khải nói và Toàn đế vào. Toàn là tay rất giỏi trong những hoạt cảnh, hay nói đúng hơn là hắn có đam mê trong những câu chuyện có màu sắc lạ lùng. Khải tiếp tục. Loài người có vẻ đang hết sức bế tắc. Nhưng hãy cứ nghĩ về giải pháp đi. Lúc nào cũng có giải pháp. Vậy giải pháp ở đây là gì? Là gì? Là, làm mát trái đất? Làm mát trái đất không phải là tưới nước cho nó, mà làm giảm sức nóng của mặt trời. Cách nào? Che mặt trời lại? Không phải. Hay nói đúng hơn là che tinh tế, che nghệ thuật. Các kiểu. Toàn đế rồi Khải tiếp. Mấy ông công nhận là nước ta có nhiều hoa không? Hoa hồng, thược dược, hướng dương, hoa cúc, hoa đậu biếc… trồng bạt ngàn, mà bán giá rẻ bèo. Giờ hãy thu mua tất cả loại hoa, kể cả quốc hoa, mang về sấy khô trộn lẫn vào nhau. Rồi chúng ta cho hoa khô ấy vào các khinh khí cầu thả bay lên bầu trời, đến độ cao cần thiết, chúng ta sẽ phun hoa. Những đám mây hoa, hay những cầu vồng hoa sẽ che bớt ánh nắng mặt trời, mà mặt đất vẫn rực rỡ. Hoa từ trên cao rớt xuống sẽ tạo thành những cơn mưa hoa, mang lại điềm lành, lời chúc phúc “quốc thái dân an”. Các kiểu.

*

*        *

Một hạt mưa to đùng rơi độp xuống mặt bàn. Rồi một nắm mưa vỗ tưng tưng.

Trời sầm rất mau. Gió từ ngoài sông thổi vào mang theo những chiếc lá khô và cả bao ni lông, vỏ bịch snack… Lúc này, từ ngoài ngõ có một bóng người chạy ù vào. Nhưng không phải Khải. Đó là bà vú, người giúp việc trông con cho nhà Khải. Bà vú ẵm một đứa bé trai, chừng năm tuổi. Đó là cậu ấm, con trai út của vợ chồng Khải. Chắc nãy giờ bà mang nó ra ngoài công viên chơi.

Vợ chồng Khải có cả thảy ba đứa con. Hai đứa đầu là con gái sinh đôi, hiện đang học ngành quản lí khách sạn bên Úc. Khải lấy vợ muộn. Hình như trước đây hắn có cặp vài cô, sống như vợ chồng nhưng không lễ cưới. Khải tình cờ gặp Kim trong triển lãm tranh của một nghệ sĩ thời danh, hai người nhanh chóng quấn nhau, chính thức trở thành vợ chồng chỉ sau hai tháng tán tỉnh. Trước đó, Kim là người phụ nữ tự do, có cuộc sống khá phóng khoáng. Tôi tình cờ biết Kim khi có thời gian giao du với mấy tay họa sĩ chuyên chép tranh cho khách châu Âu. Kim là người hỗ trợ giao dịch cho bà chủ xưởng tranh, cũng là người sống phóng khoáng. Họ có cùng gu đàn ông vạm vỡ, ít nói. Họa sĩ ít tay vạm vỡ, nhưng có tay này ưa tập tạ nên rất đô, còn khoản ít nói thì dường như là đặc tính của họ. Họa sĩ nói gì ngoài sắc màu? Tôi từng thấy Kim ở đó, trong một góc xưởng vẽ nóng bức, ăn mặc như một cô gái hoang dã dại tình, mắt rừng rực, ngực phập phồng, đùi cuống quýt…

Nhưng chắc Kim không thấy, hoặc không nhớ là tôi đã từng có mặt ở đó.

Tôi cũng từng có mặt nhiều chỗ khác. Thường là tình cờ, ngẫu nhiên. Tôi có mặt nhiều chỗ ít ai ngờ. Ngay cả chính tôi cũng không ngờ. Tôi mua bán vài thứ trên mạng. Tôi tham gia một nhóm thiện nguyện, tặng sách cũ cho trẻ em vùng sâu vùng xa. Tôi điều hành một nhóm chấp bút tự truyện. Tôi phụ trách tài trợ cho một giải đấu bóng đá thiếu nhi phong trào. Đại khái, tôi làm nhiều việc, không việc gì ra việc gì, không việc gì quan trọng. Nhưng tôi vẫn cứ làm, càng ngày càng nhiều việc.

Có hôm tôi phải ra bến xe lúc nửa đêm để lấy một món đồ từ cao nguyên chuyển xuống. Xe có việc phải quay đầu ngay trong đêm, không chờ tới sáng như mọi khi. Tôi hơi bực nhưng vẫn ra bến xe. Lúc này tôi không phải là nhà văn. Tôi là ai tôi cũng không biết. Khi ở bến xe tôi thấy có rất nhiều phụ nữ cũng đi lấy hàng như tôi. Và, mặc dù nửa đêm, tôi thấy họ trang điểm rất kĩ và xinh đẹp như đi dạ tiệc. Tôi hơi ngạc nhiên về điều đó. Phụ nữ cứ ra đường là họ vẽ mặt, không cần biết là giờ nào. Nửa đêm, ngoài bến xe, thì ai ngắm họ? Tôi cứ ngạc nhiên trước những điều như thế. Những điều chẳng ai để ý. Đôi khi tôi thấy mình như dở hơi.

Bà vú ôm thằng bé chạy thẳng vào trong nhà. Chúng tôi cũng rút vào trong. Lúc này Kim đã xong xuôi đâu đấy, chỉ cần ngồi vào bàn, bật bếp lên là ăn thôi.

Khải vẫn chưa tới. Chúng tôi ngồi ở phòng khách tiếp tục trò chuyện. Bọn đàn ông có khi còn nhiều chuyện hơn đàn bà, nhỏ mọn hơn đàn bà. Tôi thấy Kim đi ra phía ngoài hiên đứng hút thuốc. Kim hút loại ít nicotin của Hàn Quốc, chỉ bập phà cho có khói chơi, mà khói cũng rất mỏng. Kim bận một cái váy trắng vải đũi ở nhà trông quyến rũ. Kim hơi nhỏ con, nhưng người rắn rỏi, ngực đầy đặn, nhìn Kim không ai nghĩ là gái ba con.

“Hai ông muốn hút thuốc thì cứ tự nhiên,” Toàn nói.

Trên bàn có sẵn mấy bao thuốc lá loại hảo hạng của mấy hãng danh tiếng. Tôi cầm lên một bao, nhưng rồi đặt xuống, không có nhu cầu hút. Lúc nãy ngoài vườn, tôi cũng không hút. Tôi thường hút thuốc khi ngồi một mình.

“Lát ông cầm về ít để dành hút lúc viết,” Toàn lại nói. Mỗi khi tôi tới đây chơi, khi về lúc nào Toàn cũng gửi quà. Mấy thứ linh tinh. Lúc nào Toàn cũng nói “Lát ông nhớ cầm về”. Tôi cười. Có khi tôi cầm có khi không. Nếu cầm, khi ra tới cổng, tôi rẽ vào đó cho ông bảo vệ. Lần nào cũng vậy, cứ thấy tôi là ông bảo vệ biết tôi từ nhà Toàn ra. Ông bảo vệ nói: “Ông Toàn kĩ lắm, ổng không bao giờ cho bọn tôi cái gì, ổng cứ nói làm việc cho tốt, rồi sẽ có thưởng. Nhưng tui chưa thấy ổng thưởng cái gì. Chỉ có bả, thỉnh thoảng ghé qua cho tụi tui giỏ trái cây hay thùng bia. Bả dễ thương.”

Không hiểu sao Toàn muốn tôi phải cầm cái gì đó về? Có khi tôi ra đến ngõ, Toàn mới sực nhớ kêu tôi chờ chút, hắn quay vô nhà lục tìm quà mang ra. Toàn áy náy khi không tặng quà cho tôi. Toàn muốn làm tôi vui? Mà tôi dễ vui vậy sao? Toàn không hiểu rằng một nhà văn thì không muốn nhận gì của ai. Nhà văn chỉ muốn cho đi. Chỉ tiếc cái mà nhà văn muốn cho thường là cái mà thiên hạ không muốn nhận.

Mưa rào rạt rào rạt. Tôi hình dung lúc này nước sông đã dâng lên cao. Trong phố, nhiều con đường đang ngập lút chách. Cứ mỗi lần mưa là tôi lập tức bị xâm chiếm bởi cảm giác tồi tệ. Mưa như phù thủy. Mưa như một thế lực hắc ám. Mưa để lại một thứ di chứng. Từ nó, tôi có thể hiểu di chứng chiến tranh là gì. Tôi thề là như vậy. Trước đây, tôi cứ nghĩ chỉ có chiến tranh mới để lại di chứng, nhưng tôi nhầm, mưa cũng làm được điều đó. Thế giới này đã thay đổi quá nhiều.

*

*         *

Khải đến khi chúng tôi bắt đầu ăn.

“Cứ ăn thôi. Tôi ghét phải chờ đợi,” Toàn nói. Nhưng chúng tôi triển khai chậm, vẫn có ý chờ Khải. Tôi thì không quan trọng ăn, cũng chẳng quan trọng Khải. Khải không đến một mình. Anh ta mang theo một vị khách trẻ ăn bận chải chuốt, trông như gay. Kiểu này bây giờ đang rất nhiều. Khải giới thiệu anh khách trẻ tên Bảo, Gia Bảo hay gì đó, là giám đốc một công ti nhập khẩu thực phẩm chuyên về cá hồi Na Uy. “Cá hồi ngon nhất thế giới,” Khải nói. Và để chứng minh, anh Gia Bảo mang đến tặng chủ nhà một túi cá hồi, chúng ta có thể thưởng thức luôn. Toàn bảo Kim mang túi cá hồi cất vào tủ lạnh, rồi nói: “Bữa nay chúng ta ăn chả cá Lã Vọng, cá hồi Na Uy để dành bữa khác. Vậy đi.”

Khải rất hiểu tính của Toàn nên vui vẻ ngồi xuống cùng ăn bữa tối. Lúc này, bác sĩ Cầm mới lấy chai vodka Nga từ tủ lạnh ra rót đều cho mọi người, kể cả Kim. Kim sẽ uống cạn li rượu đầu tiên, còn sau đó cô uống nước suối, theo thông lệ là vậy. Về vodka Nga thì tôi được bác sĩ Cầm dạy cho bài vỡ lòng rồi. Vodka là uống ực rồi khà. Vodka không phải là thứ rượu để nhâm nhi. Vodka là uống để ăn cho ngon miệng. Vodka là uống để ăn mừng.

“Nào, chúng ta cạn li mừng món ngon và cảm ơn bà chủ xinh đẹp,” bác sĩ Cầm nhập vai một người đàn ông lịch lãm. Có cảm giác bác sĩ Cầm chờ đợi khoảnh khắc này từ lâu lắm rồi. Và, thời khắc lịch sử đã điểm. Như có một cái máy quay ống kính lớn từ đâu đó chĩa xuống. Máy chạy. Diễn.

Không khí bàn ăn trở nên rôm rả. Vị khách trẻ chải chuốt cứ xuýt xoa khen “ngon quá, ngon quá”. Khải tủm tỉm. Vodka làm cho hai gò má Kim đỏ ửng lên. Toàn phụ vợ đảo những miếng chả cá trên chảo, còn Kim gắp bỏ thêm rau thì là vào.

Tự nhiên tôi thấy đau bụng, mồ hôi trán bắt đầu túa ra, cảm giác như bị sốt. Tôi nhờ Kim lấy cho một chai nước suối lạnh. Lúc này, Khải bỗng đứng lên, vẻ trịnh trọng như mọi khi. Và, Toàn là người nhập vai nhanh chóng, trước tiên. Khải nói.

“Mấy bồ có xem cái game Kí ức vui vẻ trên tivi không? Tôi rất thích game này, vì kịch bản hay, “em xi” cực kì duyên dáng. Nhưng chúng ta sẽ không bình luận gì về nó cả. Cái game đó chỉ là một gợi ý cho trò chơi này. Thế này, khi bạn bè lâu ngày gặp lại, chúng ta thường nói về những ngày tháng cũ, những kí ức đau buồn. Dường như cái gì càng đau buồn, càng khiến ta nhớ lâu, nhớ dai và chúng ta có xu hướng than nghèo kể khổ. Buồn từ trong dạ buồn ra/ Buồn anh ở bạc, buồn cha mẹ nghèo. Đụng đâu cũng buồn. Buồn về một tiết tháng Giêng/ May áo cổ kiềng người mặc cho ai/ Buồn về một tiết tháng Hai/ Bông chửa ra đài người đã hái hoa/ Buồn về một tiết tháng Ba/ Con mắt la đà trong dạ tương tư/ Buồn về một tiết tháng Tư/ Con mắt lừ đừ cơm chả buồn ăn/ Buồn về một tiết tháng Năm… Thôi mệt. Buồn với khổ mãi làm sao mà sống nổi đây trời? Tại sao chúng ta không nói về những kí ức vui vẻ? Chẳng lẽ đời ta không có chuyện gì vui vẻ? Cho nên trong bữa tiệc hôm nay, tôi đề nghị chúng ta chơi trò chơi này, xin gọi là Kí ức vui vẻ. Chúng ta, mỗi người phải kể lại ít nhất một kí ức vui vẻ của chính mình…”

Vỗ tay. Mọi người cùng vỗ tay. Tôi đã nói rồi, giá trị giải trí ở Khải cao hơn hẳn mấy chục nhà văn quèn như tôi gộp lại. Vị khách trẻ chải chuốt có vẻ phấn khích nhất. Tôi nghe thấy tiếng chân anh ta dậm thậm thịch dưới sàn, không giấu được niềm thích thú. Kí ức vui vẻ. Ừ thì vui vẻ. Ai mà chẳng có lúc vui vẻ. Nhưng tạm thời tôi không nghĩ ra được chuyện gì vui vẻ. Bụng tôi lại tiếp tục đau quặn. Nước suối lạnh làm cho tình hình có vẻ trở nên tệ hơn. Tôi muốn đi vệ sinh nhưng ráng nhịn.

Bác sĩ Cầm xung phong kể trước.

“Có ông kia, buổi sáng thức dậy tồng ngỗng trong nhà tắm cạo râu. Chẳng may cái dao cạo rớt xuống tiện đứt của quý. Hốt hoảng, ông ta mặc vội quần áo rồi cầm lấy cái của quý kêu taxi đưa đến bệnh viện. Vừa gặp, bác sĩ lập tức yêu cầu đưa của quý ra để nối cho kịp. Ông kia vội rút từ trong túi ra đưa cho bác sĩ. Nhưng bác sĩ cầm và giơ lên thì thấy đó là một điếu xì gà. “Gì vậy, sao ông lại đưa tôi điếu xì gà?” Lúc này, người đàn ông ôm đầu rên rỉ: “Thôi chết, vậy là lúc nãy trên taxi, hoảng quá tôi đã hút nhầm… cái ấy rồi.”

Mọi người bật cười ha ha ha. Bác sĩ Cầm ăn gian khi kể chuyện tiếu lâm chứ không phải kí ức thật. Nhưng không ai bắt bẻ gì. Mọi người đang cần vui vẻ. Vị khách trẻ vừa che miệng vừa khùng khục: “Chết cười,” chân lại thậm thịch dưới sàn nhà. Kim rời bàn đi lại bếp lấy thêm chả cá đã ướp sẵn mang thêm ra. Bác sĩ Cầm hoàn thành xuất sắc phần mình, lại lả lướt rót vodka đều cho mọi người, chỉ trừ Kim. Tôi vẫn chưa nghĩ ra chuyện gì vui vẻ. Toàn nói.

“Trò chơi Kí ức vui vẻ mà ông Khải bày ra hay phết. Đúng là chúng ta có thói quen nói chuyện buồn mà ít chia sẻ chuyện vui. Thực tế thì đời sống cũng ít chuyện vui, nói đúng hơn là ít chuyện thực sự vui. Chúng ta không có những niềm vui lớn. Chúng ta có rất nhiều nỗi buồn nhỏ. Buồn thì… các kiểu. Tôi không biết câu chuyện mà tôi sắp kể ra đây, có phải là kí ức vui vẻ không, và nó cũng hơi riêng tư, nhưng đây là câu chuyện mà tôi muốn kể.”

Bụng tôi lại quặn đau. Lần này tôi không che giấu vẻ khó chịu. Tôi thấy Kim liếc nhìn tôi. Và tôi nhăn mặt như ngầm báo cho Kim biết là tôi có vấn đề. Toàn tiếp tục.

“Như mọi người cũng biết, chúng tôi có hai cô con gái sinh đôi, coi như là đủ tiêu chuẩn. Nhưng khi hai đứa du học, cảm giác ngôi nhà rất trống vắng, tôi bỗng muốn có con khi đã bốn lăm, lúc này Kim cũng đã bốn mươi. Chúng tôi có nói về chủ đề này một vài lần, nhưng vẫn chưa chốt điu (deal). Tối hôm đó, bỗng dưng tôi nảy ra một ý điên rồ. Tôi thuê một chiếc du thuyền chạy từ bến Bạch Đằng xuống tận Cần Giờ và ngược lại. Trên du thuyền chỉ có hai vợ chồng tôi…”

“Hai người quất nhau trên du thuyền phải không?” Khải chen ngang, vẻ đầy phấn khích.

Mọi người cười ồ. Tôi thấy Kim thoáng đỏ mặt. Toàn tỏ ra phớt tỉnh, tủm tỉm.

“Ông chỉ được cái nói đúng. Đúng là chúng tôi làm chuyện đó trên du thuyền, ngay trên sàn của phòng ăn. Lúc đó tôi thấy mình như cậu thanh niên mười chín tuổi. Mọi thứ thật tuyệt vời. Chỉ tiếc là không có rượu vodka Nga xịn như tối nay thôi.”

Mọi người lại cười, vodka lại rót.

“Kim xác nhận có chuyện này không, hay hắn hư cấu?” Khải tìm cách tấn công Kim. Kim lắc mái tóc, cười nhẹ: “Em thì chả thấy vui vẻ gì, sau bữa đó, em đau lưng suốt cả tuần, phải đi châm cứu.”

Mọi người bật cười hà hà hà. Vị khách chải chuốt lại thậm thịch chân dưới sàn.

Tôi nghe trên lầu có tiếng trẻ con khóc. Chắc là thằng nhóc đang ở với bà vú. Tôi không nghe vợ chồng Toàn nhắc gì tới bà vú. Giờ này bà ăn chưa? Chắc bà có suất ăn riêng với chỗ riêng của mình. Cảm thấy không thể chịu đựng được nữa, tôi đứng lên thông báo là mình cần phải đi vào nhà vệ sinh một chút.

Ngay gian bếp cũng có toilet, nhưng tôi không vào đó mà đi thẳng ra phía sau nhà, có một cái toilet rộng ở đó. Tôi cởi hết áo quần treo lên rồi ngồi vào bồn cầu. Tôi biết mình đau bụng tiêu chảy và không muốn giây vào quần áo. Hơn nữa, cũng không có gì phải vội. Tôi cần nghĩ ra câu chuyện vui vẻ, mà không phải là chuyện tiếu lâm.

Tôi chợt nhớ đến những ánh mắt ngây thơ, những lời nói hồn nhiên của các em học trò miền núi mà mình từng gặp. Cảm giác ấm áp lẫn xót xa. Tôi thường bật cười trước những câu nói ngây ngô của các em. Nhưng đó không phải là kí ức vui vẻ. Tôi lại nhớ, có lần chúng tôi tặng bò cho nông dân, một ông nông dân bé tẹo răng gãy, khi nhận con bò cái giống đã hân hoan: “Con bò này có cái củm (bướm) xinh hết biết.” Chúng tôi nghe, cười bò. Lại có lần tôi về nông thôn, trên đường làng tình cờ gặp hai cô gái trẻ dắt xe gắn máy, tôi dừng lại hỏi han, thì một trong hai cô bảo: “Tụi em là chị em dâu. Hai đứa em vừa đi đặt vòng ở trạm xá về, xe chết máy, mà tụi em còn yếu trong người, không dám đạp xe sợ rớt vòng.”

Những lời thật thà hồn nhiên thường khiến chúng ta bật cười vui vẻ. Nhưng đó chỉ là những khoảnh khắc chưa trở thành kí ức.

Tôi ngồi rất lâu trong toilet. Trong khi ngồi đó, tôi nghĩ về mối quan hệ giữa chúng tôi. Có thể nói đó là mối quan hệ kì quặc. Nó không phải là quan hệ bạn bè bình thường. Cũng chẳng phải là quan hệ băng nhóm. Nhưng thỉnh thoảng tôi lại đến, như tò mò để biết xem họ sống thế nào. Tôi muốn biết thêm về nhiều thứ của cuộc sống này, vậy thôi, chứ không có mục đích gì. Vì tôi chẳng nhờ vả gì ở họ, những kẻ rất giàu. Họ, cũng chẳng cần gì ở tôi. Nhưng thỉnh thoảng vẫn mời tôi đến. Có lẽ họ cũng muốn xem tôi sống thế nào. Chúng tôi có nhu cầu xem nhau. Chúng tôi phải bày nhiều trò để sống cho hết kiếp này. Phải có chuyện gì hay ho để làm gia vị cho cuộc sống chứ. Như ăn một món ngon phải có vodka xịn dặm vào. Sống đáng. Và, đáng sống.

Nhưng tôi đã làm hỏng bữa tối này. Chó đẻ thiệt. Tôi biết điều đó từ khi rời bàn ăn bước vào toilet. Mặc dù cố tình rời thật xa, xa nhất có thể, cái không gian thơm nức mùi thức ăn và tràn đầy tiếng cười vui vẻ ấy. Nhưng chắc mọi người sẽ thấy cái mùi ghê tởm ngay sau lưng tôi. Chắc bọn họ khinh tôi lắm. Sao tôi có thể sình bụng vào lúc này?

Sau bữa tối này, chắc tôi sẽ không bao giờ có mặt trong những bữa tiệc của họ nữa. Tôi sẽ âm thầm rút lui. Tuyệt đối rút lui. Không để lại điều tiếng thị phi gì. Chỉ là rút lui tuyệt đối. Tôi sẽ như là một kẻ chết rồi đối với họ. Ý nghĩ ấy làm tôi cảm thấy khá dễ chịu. Tự dưng cơn đau bụng chấm dứt. Người tôi trở nên thoải mái vô cùng.

Tôi mở vòi hoa sen tắm rửa thật kĩ lưỡng, lấy một cái khăn mới lau khô người, xịt một chút nước hoa chắc là của Toàn để sẵn trên kệ, mặc lại quần áo rồi bước ra ngoài. Nhưng tôi không trở lại bàn ăn mà bước thẳng ra vườn sau. Tôi cần hít thở không khí một chút. Sau nhà có một góc vườn và một hồ bơi nhỏ, dọc hồ bơi trồng một hàng sứ trắng dáng đổ nghiêng rất đẹp.

Lúc này trời vừa tạnh mưa, nhưng gió vẫn còn rắc những vòng nước xuống mặt đất. Thiên nhiên đã bắt đầu bày tỏ giọng đêm.

Tôi chợt giật mình khi thấy bà vú đang ngồi ngủ gật trên chiếc ghế tựa. Bà vú khoảng ngoài sáu mươi tuổi, khuôn mặt thật thà nhưng hằn sâu những vết cực nhọc. Nhìn mặt bà quen lắm. Bà có thể là vợ, hay là chị là em của ông nông dân bé tẹo răng gãy khen con bò cái củm xinh. Bà cũng có thể là mẹ hay chị hay dì của hai cô gái trẻ đi đặt vòng mà tôi từng gặp. Một người nhà quê ở phố.

Lúc này thằng bé chợt rời tay bà, lẫm chẫm đi lại chỗ hồ bơi. Tôi bước nhanh tới, cúi xuống rồi nhấc bổng nó lên. Thằng bé giật mình, quờ cánh tay bé nhỏ đụng mạnh vào đầu tôi, nhưng tôi không thấy đau mấy. Tôi nghe mùi thơm da thịt trẻ con. Bọn trẻ con. Dường như chỉ có bọn trẻ con là có thể xoa dịu những nỗi buồn của tôi. Lúc này bà vú chợt choàng tỉnh, dụi mắt, lật đật chạy đến ẵm lấy thằng bé. Giọng bà run rẩy: “Thôi chết. Chú làm ơn đừng nói với cậu chủ là tui ngủ gật. Chú làm ơn giùm tui nghen.”

Thằng bé không nói gì, nó mở to đôi mắt long lanh nhìn tôi. Thằng bé thật đẹp. Nó giống Kim như đúc.

“Dì đừng lo, tôi không nói đâu. Nhưng nhớ đừng ôm thằng bé ra chỗ hồ bơi này, nguy hiểm lắm,” tôi nói với bà vú.

Bà vú gật đầu lia lịa: “Tui biết rồi, tại nhà đang có khách, mà ở trên lầu bí quá nên tui mới ôm cháu ra đây, không ngờ lại ngủ gật…”

Tôi mỉm cười, bước vào nhà, trở lại bàn ăn. Tất cả mọi người dồn ánh mắt vào tôi. Kim tỏ ra lo lắng: “Anh bị sao?” Tôi nói nhanh: “Xin lỗi mọi người. Thật tệ khi bụng dạ lại có vấn đề đúng lúc này. Tôi xin phép phải về nhà trước. Xin nợ lại mọi người Kí ức vui vẻ. Tôi thấy cái game này rất hay đó. Sáng kiến tuyệt vời. Lần sau chúng ta lại tiếp tục chơi. Còn hôm nay, thú thật là tôi rất vui vẻ, mặc dù phải bỏ về giữa chừng. Thành thật xin lỗi mọi người.”

Tôi nói như cái máy. Trơn tru. Bác sĩ Cầm nói nếu tôi muốn ở lại, hắn có thể cho ít thuốc hiệu nghiệm tức thì. Khải tỏ ra thất vọng, tặc lưỡi: “Tiếc thế. Vậy mà nãy giờ tôi nóng lòng chờ đợi câu chuyện của bồ. Nhưng thôi, cho nhà văn mắc nợ. Như định mệnh, nhà văn luôn là kẻ mắc nợ.”

Tôi không nói gì thêm nữa, chào cả nhà rồi bước ra. Toàn tiễn tôi ra cửa với một túi cá hồi Na Uy mà lúc nãy vị khách bảnh bao mang tới.

Tôi cảm ơn Toàn và nghĩ tới ông bảo vệ. Đây sẽ là lần cuối cùng ông nhận quà từ tôi, một kẻ mà ông không biết là ai, chỉ biết là khách của vợ chồng Toàn.

T.N.T
Long Mỹ - Bà Rịa 15/05/2021

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Có nhân vật chỉ là dáng dấp của nguyên mẫu, có nhân vật là nguyên mẫu đã sống và chiến đấu cùng tôi, suốt những năm tháng ở rừng... (VŨ NGỌC THƯ)