Người bán than ở Chí Linh

Thứ Năm, 26/08/2021 00:12

. PHAN NGỌC CHÍNH

 

Tháng ba. Nắng trải vàng rờ rỡ, bất chợt trời vần vũ mây, cuộn bện đùng đục rồi xám ngoét màu chì. Gió bấc sầm sập, se sắt. Hàng gạo đang vào cữ bung hoa chợt xơ xác, run rẩy. Những chùm hoa đỏ rực gặp cái rét nghịch mùa đột nhiên héo rũ rồi tức tưởi lìa cành. Bất chợt, một đường gươm sáng quắc vung lên như rạch tia chớp lạnh vào không gian trời chiều. Những bông gạo đứt lìa, rách tướp, quăng mình lên không trung rồi rớt xuống tơi tả. Mi thách ta đó ư? Hực. Hãy đỏ đi, ta xem mi đỏ được đến đâu. Xen trong tiếng chiu chíu, rin rít của những đường gươm loang loáng bay là tiếng cười gằn khi rên xiết, lúc thì thầm đầy tuyệt vọng, xa xót.

Lần nào chứng kiến Nhân Huệ Vương chìm đắm trong cơn say cứ tái hiện triền miên theo mùa, chàng trai trẻ cũng nước mắt lưng tròng. Chàng muốn lao đến, ôm lấy ông. Nghĩa phụ, con xin cha. Dừng lại đi cha. Nhưng chàng biết, chẳng thể ngăn được ông. Và hôm nay, đứng trước việc trọng - một lần nữa, quan Tham tri chính sự gửi thư riêng cho ông, Bùi Lập lại thấy lòng ngập tràn niềm thương ông khôn xiết…

 

Minh họa: Đặng Tiến

“Gần đây, các bậc công thần khuất núi ngày càng nhiều. Bởi vậy, Hoàng thượng đang cho sử quan soạn lại sử triều, tô đậm các chương sát Thát. Chiến công hiển hách ba lần chiến thắng Nguyên Mông sẽ lưu mãi với hậu thế nước Nam. Các trọng thần có công giết giặc đều được người cho vời, ban tiệc rồi nghe sử quan đọc phần ghi công trạng...”

Cuối mùa hoa gạo năm trước, lần đầu tiên Nhân Huệ Vương nhận được thư riêng của quan Tham tri chính sự Phạm Tông Mại. Đang chống gươm thở dốc trên thảm lá khô vương đầy vụn hoa gạo đỏ, người xem thư rồi ngước nhìn chàng trai, mồ hôi lấm tấm trên trán. Gương mặt ông giãn ra. Xem lại sử triều ư. Xưa nay, ngoài Hoàng thượng, hỏi còn ai được hưởng ân sủng này. Vâng, thưa nghĩa phụ, người là bậc rường cột làm nên chiến công hiển hách năm xưa. Theo lời quan tham tri, phá lệ của các tiên đế, Hoàng thượng lần này dành đặc ân cho những công thần, ai khuất núi thì các vương tôn thay quyền. Ai không hài lòng điều gì ghi trước đây được phép ba lần yêu cầu sử quan sửa lại để sao cho thật sáng, thật đẹp. Con nghĩ, với nghĩa phụ, đó là niềm vinh hạnh xứng đáng.

Ha ha ha. Nhân Huệ Vương bật cười. Phải, không dễ dàng. Vinh hạnh đó quá lớn. Ta sẽ đọc, sửa những trang viết về ta, lưu danh vào sử xanh. Còn gì bằng.

Nhưng không, ta không muốn vậy!

Bất chợt, khuôn mặt vương đanh lại, sắc lạnh. Đôi mắt ông nhìn vào xa xăm.

Ta nào muốn tên mình ghi danh thiên sử. Ta đâu muốn làm vương, làm tướng, làm một bậc anh hùng.

Chỉ có nàng hiểu điều đó, đúng không?

Một đường gươm sáng quắc vung lên. Liên tiếp những bông hoa gạo đứt lìa, nát tan.

Thiên Thụy nhớ chăng, ta và nàng có chung giấc mơ về một miền hương thôn cổ tích. Nơi đó có những mùa vàng bội thu bên lũy tre làng ngân nga tiếng võng ầu ơ. Nơi có hàng gạo đỏ bung hoa chất chứa một trời bình yên, ước vọng. Nơi ta nguyện sẽ rời chốn cung điện phù hoa, sống một đời thứ dân cần lao bên người con gái mình yêu. Ta sẽ trả lại phụ hoàng và triều đình hết thảy những đặc ân quyền quý, cao sang, cả cái danh Thiên tử Nghĩa nam. Ôi, cái danh xưng bao người hằng ước mơ và nhờ nó, ta được gặp nàng, nhưng cũng vì nó mà ta và nàng phải chấp nhận ngàn trùng xa cách…

*

*            *

Tháng ba. Những chùm hoa gạo trổ đầy cành, trời trong xanh thả muôn sợi tơ hồng bay bay miên man. Ta, cậu thiếu niên ngỗ ngược, chán chốn hoàng cung với bao nghi lễ, phép tắc, ra phục bầy chim sau bức tường thành sát phía bờ sông Tô. Khi mũi tên trên tay ta chuẩn bị vút bay nhằm vào đôi chim cu đang tình tự trên cao thì một tiếng hét vang lên. Hoàng huynh, dừng lại! Ta sững người. Đứng trước ta là một thiếu nữ tuyệt sắc. Thiên Thụy. Sự giận dữ hiển hiện trên gương mặt vẫn không làm giảm đi nét đài các, thánh thiện. Huynh có biết, đôi chim đó lớn lên trong lồng son tù túng chốn hoàng cung, muội phải rất khó nhọc mới tìm được cách để thả chúng về trời? Chúng lạc nhau bao ngày, vừa mừng rỡ hạnh ngộ thì suýt nữa bị huynh hạ sát. Nếu điều đó xảy ra, màu hoa gạo đỏ hôm nay sẽ là hiện thân của máu và chết chóc.

Thiên Thụy ơi, ta biết ơn nàng vô cùng!

Dường như lời trách cứ của nàng hôm đó đã đánh thức cái phần thiện lương thẳm sâu trong ta. Để ngày quần nhau với giặc, lúc truy kích nhóm tàn quân Nguyên Mông, lần đầu tiên ta đã bất ngờ mềm lòng vào đúng khi khát vọng trả thù đang dâng lên sôi sục. Đó là lúc ta hả hê chứng kiến quân Trần dồn đuổi nhóm binh sĩ giặc đến cùng đường. Từng tên giặc chống cự tuyệt vọng rồi ngã nhào dưới đường gươm, mũi giáo quân ta. Có tên cuống cuồng thúc ngựa lao bừa xuống sông sâu, chìm nghỉm, máu nhuộm đỏ dòng nước. Vào lúc tên lính giặc cuối cùng có cái dáng mảnh khảnh, yếu ớt ôm bờ vai rách tướp trượt ngã, chỉ chờ lưỡi đao tử thần bổ xuống thì ta bỗng phẩy tay. Khoan, dừng lại! Những chiến binh đang say cơn chém giết ngỡ ngàng. Giây phút đó, ta không hiểu vì sao mình lại hành động vậy. Có lẽ lòng từ tâm của nàng và khuôn mặt trẻ thơ trắng bệch của tên lính khiến ta đột ngột đổi ý! Hay lời gọi mẹ mà tên lính thốt lên như âm thanh sau cùng của kiếp người phù du chợt đánh thức niềm trắc ẩn sâu kín trong ta. Để rồi Sái Minh được cứu, cho ăn và băng bó vết thương. Để rồi có ngày tên tù binh mười sáu tuổi mặt búng ra sữa quỳ sụp vái lạy ta trong nức nở. Thì ra, ông nội của Sái Minh cũng bị giặc Thát giết hại. Cha cậu cùng vua Nam Tống tuẫn tiết ngày thành Nhai Sơn bị vây. Nhà Tống bị hạ, Sái Minh và bao thanh thiếu niên người Hán buộc phải xung quân đội Nguyên Mông sang xâm lăng Đại Việt. Thì ra, đằng sau số phận kẻ tù binh mỏng manh kia là một niềm đau khôn cùng của mối thù nhà, nợ nước. Vậy mà ngày đó, tiếng xấu ta tha chết cho kẻ thù đã truyền đến tai Hoàng thượng, khiến triều đình xì xầm rồi gửi thư trách cứ ta.

Còn giờ, sửa lại sử triều ư? Mấy ai đã tường, để có chiến công phá đoàn thuyền lương của Trương Hổ khiến đại quân Nguyên Mông thiếu lương đại bại bắt nguồn chính từ việc ta tha chết cho Sái Minh ngày nào. Trở lại Đại Việt ba năm sau ngày được trao trả tù binh, trong đoàn quân của Hốt Tất Liệt muốn “làm cỏ” nước Nam lần ba, Sái Minh đã lẻn trốn khỏi trại giặc, hóa trang thường dân, một mình chèo thuyền nhỏ sang trại ta. Cậu báo cho ta lịch trình di chuyển qua Vân Đồn, kế hoạch xâm nhập đất liền của đoàn thuyền lương giặc. Rồi Sái Minh tình nguyện xin ở lại chiến đấu, trả thù cho ông cha cũng như đất nước cậu đang rên xiết dưới vó ngựa Nguyên Mông. Ta đã đồng ý cho Sái Minh dẫn đội thuyền tiên phong lao vào trung tâm đánh phủ đầu giặc mạnh. Để rồi khi đoàn thuyền lương của Trương Hổ bị đốt cháy tơi tả, hồi kèn thắng trận vang lên, cũng là lúc Sái Minh gục xuống, máu ướt đẫm ngực áo. Cậu đã cố chờ đợi để nở nụ cười nhợt nhạt, để được nhắm mắt trên tay ta. Giây phút đó, ta như đọc được lời gọi “cha” từ cái mấp máy môi thầm thì và đôi mắt đang dại đi của chàng trai.

Viết lại sử triều ư? Đặc ân đó Hoàng thượng chỉ dành cho ta và các bậc vương tôn. Sao những trang ghi chiến công lừng danh luôn trống phần dành cho hàng triệu người dân Đại Việt? Ngày phòng tuyến vỡ, ta và quan quân triều đình tả tơi trước vó ngựa Nguyên Mông. Trong cơn nguy khốn, cha con ông lão thuyền chài đã che giấu ta. Để rồi khi kẻ thù truy đuổi đến nơi, ẩn trong lùm cây, mắt ta chứng kiến cô con gái ân nhân cứu mạng mình bị hãm hiếp đến chết, người cha bị róc thịt, phanh thây. Họ nghiến răng, chịu hành quyết man rợ mà không khai về ta nửa lời…

Nắm tay chàng trai trẻ, mắt Nhân Huệ Vương nhòa lệ. Hay như phụ thân của con, người tì tướng gắn bó cùng ta như anh em, máu thịt. Năm đó, giữa trận tiền, nếu phụ thân con không đỡ mũi tên từ thuyền giặc bắn lén, lấy thân mình che chở cho ta thì làm gì ta có cơ hội cùng quân dân Vân Đồn lập công, thời khắc này đâu còn được ở đây mà nghĩ suy việc chỉnh sửa công trạng. Phụ thân con như bao anh hùng, tráng sĩ vô danh, chết để cho chúng ta được sống. Có cách nào để những người đã khuất trở về tô vẽ cho mình không? Tất cả họ lẫn vào một từ trừu tượng: dân. Không có họ, hỏi các quân vương, tướng lĩnh làm được gì cho giang sơn, xã tắc. Sao sử triều xưa nay chỉ tô đậm công lao của quan tướng triều đình? Chiến tranh, có mất mát nào lớn bằng dân. Chiến công, có sự hi sinh nào lặng thầm, vô giá và ít được nhắc đến như dân? Ta thấy việc sửa sử triều, để sử quan viết hay về mình là việc làm vô ơn với dân và biết bao anh hùng, tráng sĩ!

 

Minh họa: Đặng Tiến

“Bản quan rất hiểu và ngưỡng mộ khí chất hiếm có của vương nên báo với người một việc hệ trọng. Đặc ân xem lại sử triều không chỉ đơn thuần là chỉnh sửa công trạng mà còn là cơ hội loại bỏ những điều quan ngự sử ghi không hay về các danh tướng, đại thần. Phần của vương, có người liếc thấy trong sử triều còn nguyên chuyện xưa, vì tư tình với công chúa Thiên Thụy, vương bị tiên đế xử phạt đánh đòn rồi đuổi ra khỏi hoàng cung. Sử triều cũng ghi việc người từng phải làm cái nghề bán than hạ đẳng. Bản quan thiết nghĩ, vương không thể để những điều tầm thường đó lưu dấu với muôn đời...”

Thuyết phục thế nào nghĩa phụ đây? Cầm phong thư mới trên tay, Bùi Lập chỉ muốn trào nước mắt. Mùa hoa gạo đỏ năm nay, vương không vui. Chuyến đi về vùng Hải An, thăm chùa Mõ của Thiền đức Đại Ni không thành. Rồi tháng ba về, người lại đắm hình trong nỗi cô đơn nơi ấp Dưỡng Hòa cùng mùa hoa gạo đỏ.

Trên triền đê vắng, những đường gươm như giận dữ, trút bỏ vẫn đang chiu chíu bay. Nhưng rồi bất ngờ Nhân Huệ Vương dừng lại. Người mỉm cười khi nhìn thấy Bùi Lập. Con đến tự lúc nào, sao không báo ta hay? Dạ, con sợ làm nghĩa phụ bận lòng. Thưa nghĩa phụ, lại có thư của quan Tham tri muốn báo riêng nghĩa phụ. Chàng trai trẻ ngập ngừng. Nhân Huệ Vương nhận thư, mở đọc, đoạn nhíu mày.

Bất chợt, người lặng đi, mắt nhìn lên cao xanh…

Ta nhớ đến mẹ nuôi và em nuôi của ta khôn cùng!

Ngày chứng kiến kiệu hoa Quốc Nghiễn đến rước người con gái mình yêu rồi bị đòn phạt của triều đình và bị đuổi ra khỏi hoàng cung, ta lao vào màn đêm đen như nghĩ mình có thể chết đi. Tất cả chống lại ta, chỉ màn đêm hư vô đón nhận ta vào lòng. Ta lang thang vô định, chân bước lên gai nhọn, mình đằm xuống sông sâu, tiếc dòng nước sao không cuốn trôi đi.

Ta không hiểu mình đã lang thang qua những đâu, chỉ biết khi đói lả, kiệt sức, ngất xỉu khi nào không hay, lúc tỉnh dậy, đầu hầm hập, đau nhức, toàn thân tê dại, bên cạnh là cậu thiếu niên xa lạ và người phụ nữ thôn quê. Người mẹ lo lắng, ân cần bón cho ta từng thìa cháo nóng. Cậu thiếu niên miệt mài chườm nước mát lên lưng ta. “Anh đã tỉnh.” Cậu mừng rỡ, nói như reo. “Anh mê man như vậy đã hai ngày rồi.”

Được người phụ nữ và cậu bé chăm sóc, thuốc thang, ta dần khỏe lại. Giấu tiệt gốc gác cung đình, ta xưng là con một gia đình thường dân ham chơi nên đi lạc. Túi không cắc bạc lại quên tiệt đường về, ta được mẹ giữ lại và nhận làm con nuôi. Mẹ kể, năm trước, trận lũ kinh hoàng cuốn trôi làng mạc khiến gia đình chỉ còn mẹ và cậu em sống sót. Lang bạt đến vùng Chí Linh, thấy có nhiều thân cây khô, nhớ tới nghề phụ ở làng một thời, hai mẹ con dừng lại dựng lều rồi đốt than, quẩy ra bán ở bến sông. Ban đầu, chỉ để đắp đổi qua ngày, sau các nhà thuyền thấy than của mẹ chắc, nhẹ, đượm lửa nên thi nhau ghé lại lấy hàng.

“Con cứ ở lại đây cùng mẹ và em. Nghề than tuy nhọc nhưng chịu khó, giữ chữ tín rồi cũng sẽ khấm khá. Sang năm, mẹ dự định có đủ vốn sẽ cất lại nhà. Mẹ con mình không lo thiếu đói đâu con ạ.”

Ở lại trong gia đình mới của mình, ta được học nghề đốt than, bán than của mẹ. Ta được làm quen cách lựa những cành cây chắc, gộc củi già, cách nhóm lò, canh lửa vừa đủ để cho than không xác, không rạc. Nơi đó, mỗi ngày ta hiểu được giá trị của việc sống một cuộc đời bình dân, lương thiện hạnh phúc biết bao nhiêu. Nơi đó, ta hiểu thế nào là cảm giác lâng lâng khi đón mẻ than tốt ra lò, niềm vui khi khách xếp hàng mua và ra sức ngợi khen. Ta được ăn những bữa cơm dù đạm bạc, đơn sơ nhưng lúc nào cũng chan hòa, ấm áp. Nó khác xa sự xa hoa, giả dối, nơi từng nụ cười, lời nói ẩn bao mưu sâu, kế hiểm chốn cung đình.

Ngày nhận chỉ của Hoàng thượng về triều cầm quân ra biên ải cự giặc, chia tay mẹ và em nuôi, mắt ta rưng rưng. Cầm tay ta, mẹ bảo ngay từ đầu, mẹ đã phát hiện ta không phải con một thường dân bởi gần như ta không biết làm bất cứ việc gì. Mẹ âm thầm thương và lo cho ta vô hạn. Con ơi, dù là vương hay tướng, con vẫn phải thạo ít nhất một nghề kiếm sống để phòng thân lúc lỡ vận, khi cơ hàn. Hãy luôn nhớ nghề đốt than, bán than của mẹ. Ở đời, ngoài làm dân, chẳng cái gì là vĩnh cửu đâu con…

Đến ngày trở lại, ta bàng hoàng khi hay tin giặc Nguyên Mông đã phóng hỏa thiêu rụi căn lều và mẹ. Còn cậu em ta, nó gia nhập đội dân binh rồi ngã xuống trong một trận giáp chiến không cân sức nhằm thu hút cường địch, bảo vệ quan quân triều đình. Ôi, nếu không có chiến tranh, nó sẽ là chủ của lò than nổi tiếng nhất đất Chí Linh. Mẹ nuôi ta sẽ dựng lại được mái nhà khang trang mà người hằng mơ ước. Ta đã chết lặng trên nền căn lều cũ, giờ là tàn tro, nhìn cảnh vật thân quen, nước mắt tuôn trào, đau đớn hét lên gọi mẹ, gọi em mà xung quanh chỉ đất trời lặng câm. Thời khắc đó, ta ghét cái danh vị Phiêu kị đại tướng quân vô chừng. Đằng sau mỗi danh xưng anh hùng, danh tướng là máu xương bao người, trong đó có mẹ, có em ta. Ta thấy những tước vị, phẩm hàm kèm quyền thu tô ngàn mẫu, vạn hộ mà bao quan nha chốn cung đình đang ngày đêm tranh giành thật vô lương quá đỗi.

*

*          *

“Chờ mãi không thấy vương về triều nhận đặc ân, Hoàng thượng có ý cả giận. Hôm nay, bản quan đích thân ra đây gặp vương, vẫn về những việc hệ trọng liên quan đến sử triều. Gần đây, đình thần xôn xao, chẳng những đoạn vương bị xử tội, phải đi bán than vẫn còn mà Hoàng thượng còn truyền Ngự sử đưa cả vào chuyện vương lợi dụng chức quyền bán nón Ma Lôi kiếm lợi vùng Vân Đồn năm xưa. Vương biết đấy, ở nước Nam ta, việc buôn bán luôn bị xếp vào hàng hạ đẳng, thấp kém; kẻ sĩ đỗ đạt, khoa bảng mới được vì nể, trọng vọng. Nay sử triều ghi vậy, mong vương sớm liệu đường kẻo bao chiến công hiển hách có khi bị vấy bẩn bởi những chuyện không đáng.”

Ha ha ha, lại thế nữa ư!

Nhân Huệ Vương đỡ Phạm Tông Mại đang cúi đầu trước ông.

Ta rất cảm kích. Quan Tham tri chính sự lo cho ta quá rồi.

Năm đó, nhận lệnh triều đình, ta ra trấn ải Vân Đồn trong niềm hân hoan thắng giặc lần ba của quan quân Đại Việt. Chiều nọ, khi cùng đám kị binh đi tuần thú biên ải, bỗng viên đội trưởng dẫn đến trước mặt ta một người lính tay bị trói giật, mặt xây xước, tím tái. Bẩm Nhân Huệ Vương, tên này là Đỗ Hà, từng bị xử phạt vì lơ là việc quan, nay đứng trong hàng quân đón vương mà hắn cứ lơ đễnh quên cả nhịp trống lệnh. Xin người hãy xử phạt thích đáng để giữ nghiêm quân pháp.

Ta chỉ tay hỏi người lính trẻ: “Thân là lính triều đình, giữ kỉ cương là bổn phận. Hà cớ sao ngươi dám buông lỏng, vi phạm?”

Đỗ Hà run rẩy: “Bẩm vương, con đắc tội lớn, vương xử phạt thế nào, con cũng xin chịu!”

Ta khoát tay: “Trước khi phạt ngươi, ta muốn hỏi câu cuối. Điều gì khiến ngươi không chú tâm khi thực thi nhiệm vụ được giao?”

Vừa lúc đó, quân lính dẫn đến một người đàn ông gầy gò, trên tay ôm một chồng nón lá, kẻ được xác định là “đồng lõa” khiến Đỗ Hà chểnh mảng công vụ. Nhìn thấy người đàn ông, Đỗ Hà sụp lạy. Xin Vương chỉ xử tội mình con và tha cho người này. Ông ấy là người các em con cậy nhờ, vì giúp đỡ gia đình con mà nay bị liên đới.

Thì ra, người đàn ông và Đỗ Hà là hàng xóm ở quê, một ngôi làng có nghề làm nón vùng Hồng Lộ. Chiến tranh, cha mẹ Đỗ Hà bị giặc giết, ba đứa em thơ thoát được cùng một nửa dân làng, trở về dựng lều, khôi phục nghề làm nón cổ truyền làm kế sinh nhai. Đất nước can qua, sức dân suy kiệt. Bao làng mạc, xóm thôn hoang tàn bởi giặc dữ hủy diệt và kế “vườn không, nhà trống” của triều đình. Đỗ Hà, thân trấn biên ải mà tối ngày phải phân tâm lo lắng cho đàn em đang thiếu đói, thơ dại. Cậu đã xin nghỉ phép về lo toan việc nhà nhưng viên đội không duyệt. Nhân có người hàng xóm chở nón Ma Lôi ra bán ở vùng biên ải Vân Đồn, cậu nhắn đàn em thơ nhờ chuyển ra ít hàng, tranh thủ đi tìm khách bán, giúp các em có chút tiền rau cháo.

Đạo làm tướng, thấy cảnh nhà quân sĩ quẫn bách, thảm thương thời hậu chiến, ta làm ngơ hưởng phú quý cho riêng mình được ư? Lẽ nào, ta nhắm mắt trước cảnh đời bao quân binh thân làm nghĩa vụ với triều đình mà ở quê hương mẹ cha, vợ con cơ hàn, thiếu đói. Lòng ta day dứt, rối bời.

Chiều nọ, nảy ra một ý nghĩ bất chợt, ta sai quân sĩ mang vào trướng một chiếc nón Ma Lôi của dân Nam và một chiếc mũ của người Hán, loại đang lưu hành tràn lan, đưa cho tì tướng Nguyễn Nghĩa:

“Ngươi so sánh chiếc nón này và chiếc mũ kia rồi nhận xét thật khách quan ta nghe!”

Sau một hồi quan sát chăm chú, Nguyễn Nghĩa bẩm: “Thưa vương, về hình thức, chiếc nón Ma Lôi của dân Nam ta có phần thua kém. Nhưng bù lại, so với mũ của người Hán, nó trội hơn ở đường nét khỏe khoắn, chỉ cần tinh xảo thêm chút, chắc chắn sẽ đẹp, bền. Khi đó, nón Ma Lôi sẽ không thua bất cứ loại mũ nào của người phương Bắc.”

“Ngươi cũng nghĩ giống ta. Còn điều gì nữa không?”

Nguyễn Nghĩa trầm tư: “Bản tướng nghĩ, nếu dân quanh vùng Hải Ninh - Vân Đồn thay vì dùng mũ của người Hán, đều dùng nón Ma Lôi, việc phòng ngừa kẻ địch do thám sẽ dễ hơn rất nhiều. Với dân xứ Hồng Lộ mình, việc bán được nhiều hàng, chắc chắn sẽ bớt đói nghèo rồi dần no đủ, khấm khá.”

Ngay lập tức, ta cho triệu Đỗ Hà bảo nếu bây giờ, ta cho ngươi nghỉ phép, về đưa nón Ma Lôi của làng ra đây bán cho dân vùng Hải Ninh - Vân Đồn, ngươi có làm được không? Ta sẽ ra lệnh toàn dân xứ này đều dùng nón của người Nam, nghiêm cấm dùng các loại mũ trốn tô, lậu thuế của người phương Bắc!

Đỗ Hà như ôm lấy chân ta: “Nếu vương quyết vậy thì không chỉ gia đình con mà cả vùng Hồng Lộ quê con biết ơn vương vô cùng.”

Ngày mệnh lệnh ban ra, ta nghe quan quân kể lại, gã khách buôn mũ nức tiếng người Hán là Trương Đình đã sôi sục như con thú bị thương. Gã vật vã nghĩ kế, cho móc nối quan hệ rồi sửa một mâm lễ đầy tiền vàng, phẩm vật lén nhờ tiến cúng ta, nhằm mong ta thay đổi mệnh lệnh. Nhưng vì dân Nam, nước Nam, ta không động lòng.

Rồi Đỗ Hà và đoàn thuyền chở nón Ma Lôi cập bến, chứng kiến những thuyền nón dân Nam phục vụ người Nam, bà con vùng Hồng Lộ vui tươi, quân lính của ta đỡ nhọc nhằn theo dõi kẻ do thám từ bên kia biên giới trà trộn, ta lâng lâng sung sướng như khi mình lập chiến công đánh thắng giặc năm nào. Ta đâu biết, căm giận ta vì không bán được hàng, gã khách buôn Trương Đình đã lén cho người về kinh đút lót các thái giám, xuyên tạc việc làm của ta với Hoàng thượng, vu ta lộng quyền, cho thuộc hạ buôn nón rồi ép dân mua, kiếm lời. Hoàng thượng cả giận gọi về triều trách phạt, ta đâu thể thanh minh. Các quan tướng chê cười ta là bậc vương tôn, vẫn ham hố việc buôn bán, chẳng khác nào làm vấy bẩn thanh danh, phẩm giá.

Giây phút đó, ta căm ghét việc phân định thứ bậc “sĩ, nông, công, thương” vô cùng. Buôn bán, giao thương, tạo sung túc cho nhau mà là hèn kém ư? Cái thứ bậc vô lí kia người phương Bắc đưa ra, sao nó lại ăn sâu vào tiềm thức dân Nam?

Những đường gươm đầy ẩn ức lại loang loáng bay lên trong không trung.

*

*         *

“Bùi Lập, mùa màng bên xứ Hải An năm nay thế nào hả con?”

“Dạ, thưa nghĩa phụ, ba vụ liền bên đó được mùa, dân tình rất vui. Từ ngày Thiền đức Đại Ni xuất vốn cho dân khai vỡ đất, khẩn hoang, chăm canh cửi, trọng trồng cấy, dân năm tổng quanh vùng ngày càng sung túc, no đủ. Chợ được mở, hàng hóa, sản vật không ngừng nhiều thêm, tấp nập trên bến dưới thuyền.”

Khuôn mặt Nhân Huệ Vương giãn ra.

Thiên Thụy, vậy là nàng đã làm đúng lời hứa với ta năm xưa. Ngày vì xã tắc, giang sơn mà phải hi sinh tình riêng, nàng gạt lệ bảo dù không có được nhau, phải dấn bước thiền môn nhưng không phải để trốn mình nơi cửa Phật. Trả nợ kiếp phù sinh, nàng sẽ giúp muôn dân vùng Hải An mở làng, khẩn ruộng, lập chợ, nhân lên những mùa màng ấm no. Cây gạo nàng trồng sẽ là sự nhắc nhở dân lành điều ước mong về những mùa vàng bội thu. Trong nước mắt biệt li, ta hứa với nàng, để nhớ về nàng, ta cũng nguyện sẽ làm những điều tương tự.

Bất chợt, Nhân Huệ Vương nhìn sang chàng trai: “Đồng cói bên tổng An Chung vụ này ra sao hả con?” “Thưa nghĩa phụ, đồng cói tốt tươi, nghề dệt chiếu mà nghĩa phụ khuyến khích bà con chuyên tâm vụ này hứa hẹn sẽ rất khá. Bà con chỉ băn khoăn không biết nên đặt tên gì cho sản phẩm chiếu mới.” Mắt Nhân Huệ Vương ánh lên. “Sao không lấy tên làng cho dễ nhớ hả con. Chiếu Gon, ta thấy cái tên giản dị, rất riêng, rồi đây, khách khắp mọi miền sẽ nhớ đến chiếu Gon và cái tên riêng đó. Ta muốn mỗi làng một nghề gắn với những tên riêng...”

Bất chợt, giọng người trầm lại, im lặng lúc lâu…

“Con nhớ đưa chiếu Gon sang phục vụ bà con miền Hải An như mong ước của ta. Ngoài giúp dân hai trấn, còn một lẽ, chỉ cần nhìn thấy những hàng hóa xứ mình, Thiền đức Đại Ni sẽ hiểu lòng ta, hiểu hình bóng nàng luôn trong trái tim ta và dù không thể bên nhau, ta cũng đang làm điều năm xưa đã cùng nàng hứa hẹn.”

“Dạ, bẩm nghĩa phụ, còn một điều hệ trọng, lâu nay con rất muốn nói với nghĩa phụ…”

Vẻ mặt Bùi Lập đầy khổ sở, đau đớn. Nhân Huệ Vương nắm tay chàng trai.

“Con không cần nói, ta hiểu. Vẫn chuyện sử triều đúng không? Thời nào, lịch sử cũng được ghi theo ý vua.”

“Dạ, nếu vậy...”

“Phải, ta chấp nhận sử triều ghi những điều tệ nhất về mình. Sự thực thế nào, ta tin hậu thế sẽ đủ thông tuệ để phán xét.”

Nhân Huệ Vương bỗng ngước lên nhìn trời.

“Con ơi đêm qua, mẹ nuôi ta về. Người đón ta đến thăm em ta. Giờ đây, em ta là vị doanh nhân nổi tiếng của nước Nam. Từ ông chủ lò than, em ta mở mang không ngừng để trở thành ông chủ của dãy lò gốm sứ mĩ nghệ lớn nhất vùng duyên hải. Hàng gốm sứ nước Nam chẳng thua gì phương Bắc. Ta mê mẩn tự hào nhìn gốm sứ chất đầy các thương thuyền xuất dương đi muôn nơi. Tiền lãi thu được, nó mở mang kinh doanh và cưu mang, hỗ trợ đồng bào nghèo. Gặp lại ta, cậu em ôm chầm xúc động, rồi đưa ta đi chu du trên khắp vòm trời quê hương. Ta bay qua các thôn làng mái ngói đỏ tươi, mê mải ngắm trời nước Nam thanh bình, trù phú. Con biết không, nước Nam mình đang trở thành xứ giao thương nức tiếng, sản vật, hàng hóa của người Nam đã và đang đi khắp nhân gian. Tỉnh dậy, ta nhận ra mình vừa mơ, giấc mơ đẹp nhất từ xưa tới nay. Ta tin nhất định có ngày giấc mơ ấy sẽ đến với đất nước từng phải gánh bao khổ đau, tao loạn.”

Từ trên nền trời cao, từng chùm quả gạo nở bung thả xuống những búi gòn trắng tinh, lấp lánh trong nắng mai. Tháng ba đã qua. Chim tu hú gọi bầy. Lúa chiêm trĩu hạt. Bất chợt, một đường gươm vung lên, lần này mềm mại và uyển chuyển như múa.

“Bùi Lập con, giờ đây nếu được sửa sử triều, ta muốn được ghi một dòng duy nhất về mình: Người bán than ở Chí Linh. Hẳn trên cao xanh, mẹ và em ta vui khi thấy ta tự hào, hạnh phúc với danh xưng này.”

Những đường gươm mềm mại vẫn loang loáng bay. Tự nhiên, Nhân Huệ Vương cất tiếng ngân nga khe khẽ:

Một gánh kiền khôn quẩy tếch ngàn,
Hỏi chi bán đó, gửi rằng than.
Ít nhiều miễn được đồng tiền tốt,
Hơn thiệt nài bao gốc củi tàn.
Ở với lửa hương cho vẹn kiếp,
Thử xem sắt đá có bền gan.
Nghĩ mình lem luốc toan nghề khác,
Nhưng sợ trời kia lắm kẻ hàn(1)

P.N.C

--------

1. Bài thơ Bán than, tương truyền là của Trần Khánh Dư

(hiệu Nhân Huệ Vương, võ tướng và vương tước đời nhà Trần).

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Sòng nhậu đầu tiên ở bãi, không bến không bờ tức giang hồ thiệt thọ, đã phết cho tôi Tàn sau Minh để hóa một Minh Tàn... (NGUYỄN TRÍ)