Người đàn bà mặc áo lam

Chủ Nhật, 12/12/2021 00:26

. TRẦN NGỌC PHÚ
 

Thoáng gặp ni cô vận áo lam, đội mũ lúp, trước cổng nghĩa trang liệt sĩ Tây Biên tôi đã thấy rất quen. Ni cô nhìn tôi một lát rồi chắp hai tay lẩm nhẩm: “A Di Đà Phật. Ông tên là Phú…”

Tôi kêu lên: “Cúc. Không ngờ gặp cô ở đây…”

Trong thoáng chốc đầu óc tôi trống rỗng, cảm xúc chết khi ta gặp tình huống xúc động tới cực điểm. Tiếng Cúc vẫn điềm tĩnh:

- Trông ông chẳng khác ngày trước là mấy. Không như mấy ông tôi gặp tới đây viếng đồng đội, phải một hồi lâu mới nhận ra. Tới giờ tôi vào viếng các anh ấy đã nghe.

Cô đi vào nghĩa trang, bước đi khoan thai. Người tu tập luôn giữ cho mình tâm trạng bình tĩnh trước mọi tình huống, họ không để cảm xúc bộc lộ ra ngoài. Phải chăng đó cũng là một trong tiêu chí của thiền.

Tôi đứng sững, đầu óc vẫn chưa dứt được câu hỏi, tại sao Cúc ngày nào giờ đã là ni cô. Đời con người ta biến cải tới vậy sao?

Người đàn ông bảo vệ đến hướng dẫn cho tôi đưa xe vào chỗ đậu. Khi tôi xuống xe, ông cho tôi hay, cô có pháp danh là Tuệ Cúc, tu ở ngôi chùa Tây Biên gần đây, ngày mùng một và rằm hàng tháng thường tới viếng liệt sĩ ở nghĩa trang này. Ni cô dâng mâm trái cây, bánh ngọt lên bàn thờ chung ở tượng đài rồi tới thắp nhang ở bia mộ. Lần nào ni cũng làm thành kính, trang trọng.

Hôm nay là ngày Thương binh Liệt sĩ, khách từ các nơi tới viếng liệt sĩ tại nghĩa trang rất đông, người ta đặt lễ, chưng hoa, thắp nhang lên đầu các mộ, đâu đó có tiếng khóc thút thít nhói lòng. Chiến tranh biên giới Tây Nam đã chấm dứt hơn bốn mươi năm nhưng với người thân, các liệt sĩ như vẫn hiển hiện trước mắt. Nỗi đau hi sinh lúc tuổi đời mới đôi mươi, vừa rời ghế trường phổ thông, chưa hề được hưởng hạnh phúc của một đời người dường như không bao giờ nguôi. Tôi đưa mắt tìm khắp nơi nhưng không hề thấy bóng dáng người đàn bà mặc áo dài lam.

Mình sẽ tới chùa xin được gặp ni cô sau vậy. Tôi nghĩ rồi làm công việc thiêng liêng là viếng đồng đội trước đây cùng Sư đoàn 341, trong đó nhiều người cùng quê Thái Bình, cùng nhập ngũ. Đã nhiều lần tôi tới đây nên thông thuộc từng lối đi, nơi nằm nghỉ của từng người. Mộ những người hi sinh trong cuộc chiến đấu chống bè lũ xâm lược Pol Pot phần lớn đều có quý danh với quê quán. Có nhiều người ban đầu mai táng ở các bệnh xá dã chiến hay địa điểm riêng của các đơn vị, sau đó được quy tập về đây, không hiểu do người quy tập hay vì lí do gì mà không có tên tuổi.

Phải đến xế chiều, tôi mới viếng xong. Ở nghĩa trang liệt sĩ dẫu trời nắng chang chang, chẳng cần đội mũ nón vẫn không thấy mệt hay nhức đầu. Nhiều lần tôi lí giải điều đó nhưng không nổi. Khi ra tới cổng, ông bảo vệ cho hay ni cô đã về lúc mười hai giờ kém mười lăm vì nhà sư thường phải có mặt giờ ngọ để cúng bái. Ông nói:

- Nhà sư thường làm việc đúng giờ nào việc nấy chớ không ba vạ như người trần tụi ta!

Tôi hỏi thăm đường tới ngôi chùa và được ông già chỉ rất cặn kẽ.

*

*       *

Cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam đến với người lính chúng tôi hết sức bất ngờ. Sau ngày Sài Gòn - Gia Định, chúng tôi quân quản đến năm 1977 rồi làm nhiệm vụ kinh tế. Nhưng rồi Pol Pot tấn công trên toàn tuyến biên giới Tây Nam. Chúng tôi tức tốc hành quân để trấn một dải biên cương dài ở Tây Ninh tiếp giáp với Campuchia.

Khi chiến tranh bùng nổ, phần lớn nhân dân được sơ tán về phía sau, cách đường biên vài cây số. Không hiểu sao, quán chạp phô, nước mía của hai chị em Cúc vẫn ở đó, chỉ cách điểm tựa chúng tôi khoảng vài trăm mét. Nhà Cúc ở thị trấn Châu Thành. Cha gốc Thái Bình, phiêu dạt vào xứ này làm công nhân cao su rồi hợp duyên với má, một người bán hàng rau quả ở chợ Long Hoa. Tại sao Cúc không về nhà để buôn bán hàng ở chợ Long Hoa hay lùi cái quán về phía sau cho an toàn hơn? Câu hỏi ấy, tới giờ tôi vẫn chưa thể lí giải.

Quán nhỏ lợp lá dừa nước trở thành điểm dừng chân của những người lính lên điểm tựa và trở về phía sau. Hàng ngày, khi yên tĩnh, mỗi trung đội có một vài người về đó mua nhu yếu phẩm. Địa chỉ quán của cô trở nên quen thuộc với lính tiểu đoàn tôi. Riêng tôi, nhờ có năng khiếu viết lách, chữ đẹp, biết đàn hát nên được cử làm trợ lí chính trị tiểu đoàn. Trợ lí chính trị thường phải về phía sau để họp hành, nhận chỉ thị này nọ. Lần nào tôi cũng ghé quán cô thưởng thức nước mía. Li nước vàng óng có những viên đá nhỏ trắng muốt tan dần khiến tôi tỉnh người. Và dáng người mảnh mai nền nã, giọng nói nhẹ nhàng, ngọt ngào nhưng không hề làm dáng của cô khiến tôi cứ muốn nán lại. Hình như Cúc đọc được tâm trạng của tôi nên dành thêm cho tôi li nước mía miễn phí. Thỉnh thoảng cô cười mắt với tôi. Đôi mắt đen ngời khiến tôi tưởng chỉ dành cho riêng mình. Lần nào bắt gặp cô cười tôi cũng ngỡ như gặp lần đầu.

Suốt ngày tháng trần lưng trên điểm tựa, đối đầu trực tiếp với lính Pol Pot, thứ chúng tôi thiếu thốn nhất chính là tình cảm. Dĩ nhiên, phần lớn chúng tôi chưa có gia đình riêng, thậm chí chưa có người yêu nên nỗi nhớ bao giờ cũng mông lung và hết sức trong sáng.

Quần nhau với địch ở biên giới suốt ba năm, lúc chuyển quân tới nơi này, nơi kia nhưng rồi về đứng chân ở biên giới Tây Ninh, Sư đoàn 341 lật cánh, kết hợp với quân đội Cách mạng Cứu nước Campuchia tiến công địch giải phóng đất nước Chùa Tháp khỏi họa diệt chủng.

Cái quán nhỏ phía dưới điểm tựa, với bóng dáng cô gái dễ thương mà can đảm ấy tôi cũng quên dần. Cho tới hôm nay gặp lại, thấy Cúc là một ni cô, tôi tưởng như mình là người mắc lỗi.

*

*       *

Chỉ chừng mười phút, xe tôi đã tới trước cửa ngôi chùa nhỏ lợp ngói đã xỉn màu nằm giữa khu vườn cây trái, cổng chùa được mở thông thoáng. Sau khi nép chiếc xe hơi vào mé ngoài, tôi đi vào con đường lát gạch tàu dẫn vào chùa.

Một cô gái mặc áo lam tóc buông dài ngang lưng đi ra chào tôi.

- Tôi từ xa tới viếng liệt sĩ ở nghĩa trang Tây Biên vào đây xin thắp nhang bái Phật.

Vào tới cửa chùa gặp sư bà trụ trì bước ra. Hình như sư bà vừa hành lễ xong. Tôi kính cẩn chào. Sư bà đáp lại rồi hỏi, có phải tôi vừa viếng nghĩa trang liệt sĩ không. Nghe tôi đáp “thưa, phải”, sư bà nói:

- Hồi trưa tôi có nghe ni Tuệ Cúc cho biết gặp người quen từ thời chiến tranh biên giới. Ông tới viếng chùa cũng là ân huệ đó.

Nhà sư ở các chùa phía Nam thường tiếp đón khách hết sức cởi mở, thân thiện. Hình như khoảng cách giữa nhà sư với Phật tử không có. Nơi đây, cổng chùa luôn rộng mở.

Sư bà bảo cô gái dẫn tôi vào dâng điện thờ chính. Bước tới cửa, tôi mới nhận thấy quân phục mình đang mặc lấm đất do tôi qùy xuống khi dâng hương. Tôi tính lui ra phủi bụi đã, nhưng ni cô Cúc từ phía trong bước ra:

- Xin mời ông viếng.

Bây giờ, trong không gian chùa yên tĩnh này tôi nhận thấy giọng quen của cô Cúc ngày nào. Người ta có thay đổi bề ngoài theo thời gian nhưng giọng nói thì không thể. Tôi nén xúc động:

- Cô Cúc, không ngờ tôi gặp cô ở đây. Gần nửa thế kỉ rồi đó.

Ni cô Tuệ Cúc im lặng một hồi, rồi nói:

- A Di Đà Phật… tôi cũng không dè bữa này được gặp lại ông.

Tiếng “ông” nghe có vẻ xa cách nhưng tôi biết người cửa Phật phải xưng hô vậy. Trong một thoáng, hình như nét mặt ni cô bợt đi, cô phải nhẹ dựa vào khung cửa. Nhưng ngay lập tức, cô điềm tĩnh lại. Sự vững vàng của người tu hành đã giúp cô giải thoát rất nhanh sự rung động, cho dù rất nhỏ.

Ni cô tránh sang một bên, chắp tay bảo tôi vào dâng hương. Người Việt Nam chúng ta, cho dù theo hoặc không theo tín ngưỡng Phật giáo nhưng khi bước vào cửa thiền lập tức trở thành Phật tử. Có phải tổ tiên chúng ta đã có thời gian dài sống trong xã hội Phật giáo, coi đó là quốc đạo hay con người Việt vốn mang trong mình cái gốc của đạo Phật? Và giờ đây, trong buổi trưa ở vùng biên giới Tây Nam này, tôi cũng đang làm việc nghĩa như một Phật tử. Khi thắp hương ở bàn thờ chánh điện, tôi thấy gian bên phải là bàn thờ liệt sĩ. Nó khiến tôi bất ngờ.

Thắp hương viếng hương hồn liệt sĩ ở chùa, tôi được cô gái dẫn ra gian nhà nhỏ là nơi tiếp khách. Sư bà trụ trì và ni cô Cúc đã đợi ở đấy. Tôi nhẹ nhàng, hay nói đúng hơn là khép nép, ngồi xuống ở cái ghế thấp hơn ghế ni cô. Ni cô bảo cô gái lấy nước lá vằng mời. Tôi ngập ngừng:

- Thưa cô, hồi đó chúng tôi thường ghé quán nước của cô ở gần đường biên, cách điểm tựa đơn vị tôi chừng một cây số…

- A Di Đà Phật, ông vẫn còn nhớ.

Tôi cố nén xúc động tưởng trào nước mắt:

- Tôi làm sao quên được cái quán chạp phô với nước mía gần điểm tựa đơn vị.

Ni sư khẽ gật đầu. Thời gian khiến chúng ta thay đổi theo những bước ngoặt của số phận. Cô Cúc trẻ đẹp, dáng thanh thoát, đôi mắt đen lúc cười như có ánh sáng tỏa ra ngày nào giờ là một ni cô trong bộ đồ tu hành màu lam. Dù khuôn mặt có những nếp nhăn nhưng vẫn toát lên nét đẹp cương nghị, nghiêm cẩn mà đôn hậu của một người chân tu.

Chợt nhớ điều gì, ni cô nói:

- Tôi mời ông dùng bữa cơm chay nhà chùa.

*

*       *

Trong lúc ni sư Tuệ Cúc và cô gái giúp lễ làm cơm, sư bà trụ trì chùa tiếp tôi. Vẫn là phong thái nghiêm trang và thân thiện, sư bà hỏi thăm cuộc sống của tôi sau thời gian ở chốt. Tôi thành thực thưa, sau đó đơn vị chúng tôi nhận nhiệm vụ sang giúp nước bạn Campuchia, phải tới năm 1982 mới trở về nước.

Sư bà chăm chú lắng nghe rồi kể cho tôi nghe cuộc đời ni Tuệ Cúc sau đó. Khi chiến tranh biên giới kết thúc, hai chị em về bán hàng ở chợ Long Hoa cùng má. Sau đó, cô lấy chồng, một người lái xe tải chở hàng hóa cho các tiểu thương ở chợ. Họ sống hạnh phúc, có hai đứa con. Khi đứa đầu vừa bước vào trường đại học, đứa thứ hai đang lớp mười, chồng cô bị thiệt mạng trong một vụ tai nạn giao thông thảm khốc. Nỗi đau lớn quá khiến cô suy sụp. Bà con cô bác xúm vào giúp đỡ cô về vật chất để vượt qua nhưng nỗi đau tinh thần thì không ai giúp được. Nhiều lúc cô sống trong hoảng loạn. Rồi một hôm cô gặp sư bà muốn tìm lời an ủi. Sư bà đã giải thích cho cô hiểu về sự sống và cái chết, về giải thoát nỗi đau buồn. Như một nhân duyên, cô xin được đi tu, sư bà khuyên cô nên tu tại gia để còn giúp đỡ hai người con trưởng thành. Nghe lời, cô đã tu tại gia, ngày chủ nhật tới chùa để học kinh kệ. Khi cả hai người con có nghề nghiệp, lập gia đình thì cô tới đây xin được tu tập với mong muốn ngày đầu và ngày rằm hàng tháng tới viếng nghĩa trang liệt sĩ hi sinh thời chiến tranh biên giới Tây Nam.

Rồi bà bảo, đến với đạo Phật là cơ duyên của một đời người và cô Cúc cũng là một trong số đó.

*

*         *

Bữa cơm chay nhà chùa Tây Biên đãi tôi với các món cơm trắng, đậu hũ chiên giòn, rau lang luộc chấm tương, thanh đạm mà thật ngon. Sau bữa cơm ni cô Tuệ Cúc mời tôi tới bàn mé sân dùng nước.

Tôi mạo muội hỏi:

- Thưa ni, đến bây giờ tôi vẫn chưa hiểu tại sao hồi đó cô đưa quán tới gần điểm tựa, trong tầm pháo địch như thế.

Ni cô đáp giọng vẫn điềm tĩnh:

- Thực ra lúc đầu tôi cũng sợ lắm nhưng khi thấy các anh bộ đội lên điểm chốt một cách tự tin thì tôi bạo dạn dần. Nhiều lúc tôi cũng muốn về chợ Long Hoa với tiệm hàng của má nhưng lại sợ các anh buồn, thiếu nhu yếu phẩm nên tôi đã ở lại.

Rồi ni kể cho tôi nghe, nhiều lần cô bắt gặp các chiến sĩ cáng thương binh, liệt sĩ từ phía đường biên về phía sau, có người cô vừa gặp trước đó một vài ngày, nhìn những gương mặt trẻ như đang ngủ tim cô nhói đau.

Kể tới đó, giọng ni cô nghẹn lại, nước mắt tràn mi. Ni cô khóc. Những giọt nước mắt trong tràn xuống gò má với những nếp nhăn hài hòa. Một hồi, ni cô nói:

- Tôi về đây tu tập chính là để gần với nơi yên nghỉ của liệt sĩ để ngày đầu tháng và rằm có thể tới thăm viếng các anh.

Cho đến mãi sau này, hình ảnh ni cô mặc áo dài lam, với những giọt nước mắt lặng lẽ trong ngôi chùa biên giới, cứ trở đi trở lại, nhắc nhớ tôi về động lực âm thầm phía sau mỗi chiến thắng của chúng tôi ngày ấy.

T.N.P

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)