Phép màu

Thứ Bảy, 13/11/2021 00:06

. Quyên GAVOYE
 

1.

Minh họa: Tào Linh

Bác sĩ Trần, chủ một phòng khám tư nổi tiếng ở một thành phố nhỏ. Thành phố nhỏ nhưng bác sĩ Trần được hưởng những ưu đãi vô cùng lớn sau nhiều năm thiếu các dịch vụ y tế tư nhân ngoài hệ thống bệnh viện công vốn đã quá tải và rắc rối về hành chính. Bất kể bác sĩ khám là ai, phòng khám luôn tấp nập bệnh nhân.

Sau vài năm chuyển về sống ở thành phố, bác sĩ Trần đã trở thành một ông chủ thực sự của một cơ ngơi bề thế. Ngoài số tiền kiếm được từ việc khám chữa bệnh, bác sĩ còn nhận được muôn vàn sự trợ giúp của chính quyền, kể cả trong những phi vụ kiện tụng của bệnh nhân. Họ sợ rằng nếu bác sĩ Trần rời đi, thành phố sẽ khó kiếm được người thay thế giúp giảm tải cho các bệnh viện, nhất là trong thời kì dịch bệnh.

Xét về chuyên môn, bác sĩ Trần không phải là sự lựa chọn đầu tiên của thành phố. Nhưng sau nhiều năm chờ đợi, thành phố buộc phải chấp nhận sự thật, những bác sĩ giỏi sẽ không bao giờ về thành phố nhỏ. Nghiễm nhiên đơn ứng tuyển của bác sĩ Trần được chấp nhận. Bác sĩ trở thành ông chủ của phòng khám tiện nghi. Một cơ hội trên cả mức tuyệt vời. Ở thành phố lớn, với năng lực hiện nay, bác sĩ sẽ rất khó tìm được một vị trí như bây giờ. Ở thành phố nhỏ, bác sĩ Trần nghiễm nhiên là ông chủ. Ở đâu cũng phải có người ốm. Bệnh tật không chừa đất quê. Người ốm ở đâu cũng cần sự trợ giúp của bác sĩ. Ở thành phố nhỏ, ngoài bác sĩ Trần, họ không còn lựa chọn nào khác nếu không muốn chen chúc chờ đợi ở hành lang bệnh viện.

Bác sĩ Trần sống một mình trong ngôi nhà bề thế ở giữa thành phố. Phòng ngủ ở tầng hai có chiếc ban công rộng đua ra đường lớn. Ở đó, sau mỗi ngày làm việc căng thẳng, bác sĩ thường ra đứng ngắm thành phố trong lúc tính nhẩm trong đầu số tiền kiếm được trong ngày. Sẽ thật khó chịu nếu hôm nay số tiền thu được ít hơn hôm qua.

Giá mà…

Bác sĩ Trần ao ước một đại dịch càn quét thành phố mỗi tuần, phòng khám sẽ chật cứng người, số tiền kiếm được sẽ không phải là trăm mà là triệu và có thể hơn. Có nhiều tiền, bác sĩ sẽ không chỉ có một thư kí riêng, mà sẽ có hai hoặc ba, những cô thư kí trẻ trung do chính bác sĩ tuyển dụng chứ không phải người thư kí già do thành phố chỉ định.

Chết tiệt! Bác sĩ Trần thở dài ngao ngán!

Ở thành phố nhỏ, tuy bác sĩ không phải lo về mặt vật chất, nhưng đời sống tinh thần thật nghèo nàn. Những cuộc gặp gỡ làm quen thường hạn hẹp. Danh tiếng của bác sĩ Trần nghiễm nhiên trở thành một vật cản, thật khó để tìm bạn. Các cô gái ở đây khôn lắm. Những cô xinh đẹp, họ tự cho mình cái quyền lựa chọn. Họ sẽ chọn những chàng trai có kinh tế và cả sự tinh tế. Bác sĩ Trần chỉ có một trong hai thứ đó nên dù rất cố gắng, bác sĩ vẫn độc thân sau nhiều năm di cư đến vùng đất này.

 

2.

Bác sĩ Trần không hẳn sống một mình.

Theo lời khuyên của bác sĩ tâm lí, bác sĩ nhận nuôi Bob. Những con vật là phương pháp trị chứng căng thẳng hiệu quả nhất. Bob không nhõng nhẽo. Bob không khó tính. Bob là con lợn hiền nhất trong những con lợn. Bob luôn biết cách an ủi những bệnh nhân. Bob được huấn luyện để chiều những bệnh nhân khó tính nhất. Bob là một con lợn thông minh nhất trong những con lợn.

Bob được huấn luyện để hiểu những vấn đề tâm lí của ông chủ. Bob luôn cố gắng hết khả năng để làm hài lòng bác sĩ Trần. Nhưng dường như mọi cố gắng của nó càng khiến cho mọi việc trở nên tồi tệ hơn sau mỗi ngày. Sự có mặt của Bob không thể xoa dịu những cảm xúc buồn vui vô cớ của ông bác sĩ. Mỗi ngày trôi qua, căn bệnh càng trở lên trầm trọng. Bob trở thành con vật thay thế bịch cát vẫn treo ở hành lang ra vào để bác sĩ Trần xả stress.

Ngày hôm nay thật dài. Một ngày đặc biệt. Người của thành phố dường như đi nghỉ hè hết. Không ai ốm. Phòng khám lèo tèo vài bệnh nhân. Một vài vết thương không đáng phải đụng tay, số tiền kiếm được không đủ để làm hài lòng bác sĩ Trần. Từ đầu giờ chiều, bác sĩ Trần bắt đầu nhấp nhổm chờ đến giờ đóng cửa để đến cuộc hẹn. Cuộc hẹn của buổi tối hôm đó là cuộc hẹn đầu tiên từ khi bác sĩ đến sống tại thành phố. Cuộc hẹn với một cô gái làm quen trên Internet đến từ thành phố bên cạnh. Cô gái có khuôn mặt thật xinh, thân hình chuẩn đến từng milimét, niềm mơ ước của bác sĩ Trần.
 

3.

19 giờ tối. Bác sĩ Trần đưa tay ấn nút đóng cánh cửa cùng lúc bên ngoài xuất hiện một mụ già.

Mụ đứng đối diện với bác sĩ qua lớp cửa kính, khuôn mặt nhăn nhó, cánh tay phải rủ xuống đầm đìa máu. Bác sĩ Trần nhìn mụ bực bội.

- Xin lỗi bà nhưng đã đến giờ đóng cửa phòng khám.

Mụ già vẫn đứng đó nhìn bác sĩ. Khuôn mặt của mụ mỗi lúc một tệ hại, xám ngoét, những giọt máu nhỏ tong tong xuống nền xi măng trước cửa phòng khám thành một vệt đỏ thâm. Bác sĩ Trần liếc vội đồng hồ, hơn nửa giờ trước giờ hẹn. Nửa giờ để về nhà thay quần áo, sực chút nước hoa và bôi chút kem dưỡng da.

Ở tuổi ba mươi lăm, với khuôn mặt bầu bĩnh, nước da trắng mịn, đôi mắt lanh lợi, những đường nét thanh tú giúp bác sĩ ăn gian gần chục tuổi. Liếc nhìn qua cửa kính, bác sĩ Trần chợt nghĩ hay là cứ mặc nguyên bộ y phục như bây giờ đến gặp cô gái đó và để dành ba mươi phút còn lại chữa cho mụ già. Giả sử cuộc gặp với cô gái không có kết quả tốt đẹp thì ít nhất bác sĩ cũng có thêm ít tiền từ vụ khám chữa.

Cánh cửa phòng khám hé mở vừa đủ để mụ già bước vào. Mụ bước cà nhắc đi vào phòng khám.

Vết thương trên cánh tay tiếp tục rỉ máu.

Tiếng rên rỉ của mụ mỗi lúc một to hơn đủ để gây nên sự tò mò của bác sĩ Trần. Bác sĩ ngước mắt nhìn mụ già. Dưới ánh đèn sáng choang giữa bốn bức tường trắng tinh của phòng khám, khuôn mặt của mụ hiện ra rõ từng đường nét.

Bác sĩ Trần khẽ rùng mình.

Ở mụ có điều gì đó không bình thường. Những nét cắt ngang dọc hằn lên trên màu da xám ngoét tạo thành những hình thù quỷ quái dù đôi mắt vẫn ánh lên những nét tinh ranh. Chúng xoáy vào lồng ngực của bác sĩ những ánh nhìn nửa giễu cợt, nửa thở than. Một khuôn mặt không giống khuôn mặt người.

Bác sĩ Trần rùng mình.

Những động tác vụng về của một bác sĩ vào cuối ngày làm việc khiến vết thương của mụ như mở rộng thêm. Mụ nghiến chặt hàm răng, xương quai hàm bạnh ra như cố nghiền nát những cơn đau. Loay hoay một hồi, vết thương cũng được khâu lại trong tiếng rên thảm thiết của người bị thương. Bác sĩ bảo mụ:

- Tôi sẽ kê cho bà một ít thuốc giảm đau giúp bà trấn an qua đêm nay. Vết khâu sẽ dịu lại trong vòng hai hoặc ba ngày tới. Đêm nay, nếu không có thuốc giảm đau, bà sẽ chết vì đau.

Những lời nói của bác sĩ khiến mụ rưng rưng xúc động. Đôi mắt tinh ranh ánh lên cái nhìn đầy hàm ơn rồi mụ cúi nhìn xuống đôi bàn tay nhăn nheo.

Bác sĩ Trần thở phào đứng dậy đi ra quầy thuốc.

Mụ già lần mò dựa vào bức tường của phòng khám cà nhắc bước theo bác sĩ. Tiếng rên dịu xuống.

Trước khi đưa gói thuốc giảm đau cho mụ, bác sĩ Trần bảo:

- Của bà hết tất cả là ba trăm đồng tiền khâu. Tiền thuốc giảm đau coi như quà cuối ngày của tôi.

Mụ già bối rối cúi mặt. Mụ lưỡng lự lôi ra từ túi áo bằng bàn tay lành lặn còn lại. Những ngón tay nhăn nheo, móng tay dài như những cái vuốt sắc nhọn cáu bẩn. Mụ mụ rụt rè đưa ra trước mặt ông bác sĩ :

- Cảm ơn ông bác sĩ. Thành thật xin lỗi vì không thể trả công ông bằng tiền, tôi chỉ có những thứ này trả cho ông.

Mụ lập cập đưa ra hai quả táo, một trắng và một đỏ.

- Hai quả táo?

Bác sĩ Trần hét lên giận dữ. Những đường nét thanh tú trên khuôn mặt bầu bĩnh xô vào nhau thành những nếp hằn trên vầng trán nhô ra, đôi mắt trừng trừng nhìn hai quả táo.

- Bà bị thần kinh hả?

Cơn đau của vết thương đã dịu hẳn. Mụ lấy lại bình tĩnh, cố hiểu cho thái độ bực bội của ông bác sĩ. Bằng một giọng bình thản, mụ giải thích:

- Đây không phải là hai quả táo bình thường. Chúng là hai quả táo có phép. Chúng có thể giúp ông biến mọi ước mơ thành hiện thực…

Nhưng bác sĩ Trần nào có đủ thời gian để cho mụ giải thích trọn câu. Thời gian của bác sĩ được tính bằng những đồng tiền. Mụ già lại không có tiền.

Bác sĩ Trần kéo mụ xềnh xệch ra khỏi phòng khám, ném mụ trước bậc cửa nơi còn nguyên vết máu chưa kịp khô hẳn.

- Mụ điên rồi. Cút ngay ra khỏi phòng khám và đừng mơ đến thuốc giảm đau.

Mụ già loạng choạng lấy lại thăng bằng sau cú đẩy của bác sĩ. Cánh cửa phòng khám từ từ khép lại. Trước khi quay đầu bước đi, mụ đặt hai quả táo lên bậc cửa gần chỗ vết máu đỏ thâm nói vọng vào:

- Đừng quên rằng chỉ một trong hai quả mang lại điều may mắn.

Bác sĩ Trần bực bội cầm lên hai quả táo. Trong cơn nóng giận, bác sĩ quên luôn cuộc hẹn, quên cả cô gái, quên luôn lời hứa với một người đi từ nơi xa đến.

Minh họa: Tào Linh

4.

Bob đứng đợi bác sĩ ở cửa ra vào. Nó đã học cách nhận biết tâm trạng của bác sĩ qua tiếng bước chân.

Sau khi đá mạnh vào mông Bob hai cú, cơn tức giận vẫn chưa nguôi ngoai, bác sĩ Trần lôi Bob đi dạo giảm bớt những ức chế của buổi tối.

Họ cùng nhau đến công viên.

Được đi dạo, Bob quên luôn cả cơn nóng giận vừa mới đây của bác sĩ. Cả ngày bị nhốt ở nhà nên hắn cuồng chân. Ra công viên là niềm ao ước của hắn. Bob còn trẻ. Công viên vốn là thiên đường của giới trẻ. Ở công viên, Bob sẽ tha hồ chạy nhảy. Nhưng mỗi lần hắn định chạy lên phía trước, chiếc dây xích giật mạnh về phía sau khiến hắn đau điếng. Mặc cho Bob rên từng hồi, bác sĩ Trần thản nhiên bước, miệng huýt sáo. Nhìn hắn quằn quại, bác sĩ Trần thấy hả hê, chỉ trong giây lát, mọi ức chế được giải tỏa.

Họ về trở về nhà khi đèn đường bắt đầu tắt. Ở thành phố nhỏ, buổi tối chỉ kéo dài vài giờ trước khi màn đêm bao phủ những dãy phố. Trước khi lên giường đi ngủ, bác sĩ Trần có thói quen ăn chút gì đó. Chợt nhớ đến hai quả táo của mụ điên để lại lúc tối, bác sĩ Trần kéo ghế ngồi vào bàn. Quả táo màu đỏ có vẻ ngon hơn. Không chút đắn đo, bác sĩ Trần cắn một miếng thật to.

Ôi chao, quả táo mới ngon làm sao!

Mụ già điên đó không hề nói quá. Có lẽ đây là quả táo ngon nhất trần gian mà bác sĩ Trần được ăn. Miếng táo giòn sần sật, ngọt lịm ở đầu lưỡi, và thơm mùi da thịt phụ nữ. Đó là mùi vị mà bác sĩ Trần luôn thèm khát. Bác sĩ bất chợt nhớ đến cuộc hẹn với cô gái. Liếc nhìn đồng hồ. Gần mười giờ tối. Muộn quá rồi. Cô gái đó chắc cũng đã bỏ về. Lang thang giờ này trong thành phố thì thật nguy hiểm. Bác sĩ Trần bất chợt nuối tiếc. Đó là cuộc hẹn đầu tiên từ khi bác sĩ đăng kí trên trang hẹn hò qua mạng. Không một lí do cụ thể, các cô gái thường biến mất sau vài cuộc nói chuyện trên ứng dụng mạng trước khi có một cuộc hẹn hò chính thức ở bên ngoài thành phố để lại cho bác sĩ những thất vọng vô cớ. Bác sĩ Trần không xấu về hình thức, tiếng tăm và tiền bạc rủng rỉnh đủ để thỏa mãn sự tham lam của các cô. Nhưng bấy nhiêu vẫn chưa đủ để bác sĩ Trần có được sự ngưỡng mộ của những người đẹp.

Trong vô thức bác sĩ cắn miếng thứ hai. Hương thơm của trái táo cùng vị ngọt lịm của đường khiến bác sĩ Trần quên luôn chút hối hận dành cho cô gái chưa kịp gặp mặt. Những miếng ngon có một tác dụng hơn ngàn lần những viên thuốc an thần. May quá, vẫn còn một quả dành cho ngày mai.

Mười giờ ba mươi phút. Màn đêm bao phủ toàn thành phố. Từ ban công của phòng ngủ, bác sĩ vươn vai ngáp sâu sảng khoái hi vọng ngày mai sẽ có một dịch bệnh bất ngờ tấn công thành phố.

 

5.

Sớm hôm sau, theo thói quen, bác sĩ Trần dẫn Bob đi dạo trước khi mở cửa phòng khám. Cũng theo thói quen, bác sĩ Trần cắm đầu bước những bước vội vã. Buổi sáng là lúc kiếm tiền dễ nhất. Sau một đêm dài vật lộn với cơn đau, người bệnh sẵn sàng chi những khoản kếch xù để được khám sớm nhất. Bác sĩ Trần hiểu hơn ai hết sự quằn quại của một đêm không ngủ, vì vậy những giây phút buổi sáng trở nên quý giá không thể hoang phí. Đó là lí do khiến những bước chân của bác sĩ chưa bao giờ kịp chạm mặt đất. Nhưng Bob thì không thể. Đôi giò của Bob ngắn hơn rất nhiều lần so với đôi chân dài miên man của bác sĩ. Bác sĩ đi, Bob chạy. Bác sĩ chạy, Bob hụt hơi. Mặc kệ, đó là chuyện của hắn. Nếu hắn không theo kịp, hắn sẽ ăn no đòn khi về đến nhà.

Họ đến trước một tiệm ăn.

Mùi thức ăn bay ra khiến bác sĩ Trần nhớ lại vị ngon của quả táo đêm qua. Nước miếng chảy ngược vào trong, bác sĩ Trần bước vào quán.

Ồ! Ồ, ồ! Ồ, ồ, ồ…

Những ánh mắt tò mò.

Những tiếng khúc khích nổi lên.

Lũ khốn! Họ dám chế nhạo mình ư? Không thể nào! Hẳn là họ đang ghen tị với bộ complet đắt tiền của mình, bác sĩ Trần nghĩ thế và kiêu hãnh dừng lại liếc nhìn qua cửa kính nhà hàng. Rất nhanh, bác sĩ dừng lại, khuôn mặt hồng hào trở nên trắng bệch. Chết tiệt!

Bác sĩ Trần lao ra khỏi nhà hàng, chạy hồng hộc ra phố. Bob ông ổng chạy theo.

Họ đến trước một cửa hàng khác, khuôn mặt của bác sĩ trở lên xám ngoét. Bác sĩ Trần dừng lại, cố gắng trấn tĩnh và nhìn thật kĩ hình ảnh của mình hiện ra trên cửa kính nhà hàng. Đứng sát bên cạnh, Bob dạng chân tè he nhìn vào cửa kính ủn ỉn.

Chết tiệt! Chuyện quái gì đang xảy ra thế này?

Bác sĩ Trần đưa tay véo vào má một véo thật đau. Ái!

Tiếng ủn ỉn quen thuộc của Bob ngay bên cạnh. Rõ ràng đây không phải là cơn ác mộng. Một hiện thực.

Bác sĩ Trần cố nhìn thẳng vào cửa kính thêm một lần nữa.

Trên bộ complet đắt tiền hiện ra khuôn mặt của mụ già tối qua. Những nét cắt ngang dọc hằn lên trên màu da xám ngoét tạo thành những hình thù quỷ quái, đôi mắt tinh ranh nhìn xoáy vào lồng ngực của bác sĩ Trần.

Không thể nào! Mình không điên! Đây chỉ là cơn ác mộng. Mụ già đó có lẽ đã chết vì cơn đau hành hạ đêm qua…

Mà không, mình hoàn toàn tỉnh táo. Có điều gì đó bất thường đang xảy ra.

Ngồi bệt xuống bậu cửa nhà hàng, bất chợt bác sĩ Trần nhớ lại giấc mơ hồi đêm. Cái dáng quen thuộc của Bob đứng dạng tè he, hếch mũi ủn ỉn đầy vẻ chế nhạo trước cửa kính nhà hàng, bộ complet thơm phức mùi nước hoa đắt tiền vừa lấy về từ cửa hàng cao cấp nhất của thành phố, buổi đi dạo lúc sáng sớm, tiếng cười khúc khích của lũ khốn ở hàng ăn... Tất cả đúng như giấc mơ đêm qua.

Đó không còn là giấc mơ.

Trong đầu của bác sĩ vọng lại lời của mụ già với khuôn mặt vẻ điên khùng trước khi biến vào màn đêm. Mà rất có thể mụ không điên. Mụ chỉ khác loài người chút thôi, nhưng những lời của mụ có thể là sự thật. Có lẽ vì thế mà bác sĩ Trần mới cảm thấy rùng mình khi khám cho mụ. Chắc chắn mụ không phải là một người bình thường như những người đã từng được bác sĩ Trần khám bệnh.

Không thể ngồi mãi đây trong hình dạng bất thường, bác sĩ Trần vội vã kéo Bob chạy về nhà.

Trong chiếc gương hiện ra khuôn mặt của mụ già, mái tóc bết bát từng lọn trắng trên bộ complet vẫn phẳng lì những nếp là. Nhìn xuống đôi bàn tay vừa khâu vết thương cho mụ tối qua, cảm giác từng giọt máu của mụ vẫn nhỏ tong tong xuống chiếc khay inox của phòng khám. Ngước mắt nhìn lại khuôn mặt của mụ gồng lên sau những cơn đau, bác sĩ Trần rùng mình.

Thả người ngồi phịch xuống giường, bác sĩ thấy không có điều gì phải hổ thẹn. Ít nhất thì trong hoàn cảnh của buổi tối qua, bác sĩ đã làm hết trách nhiệm với mụ. Bởi nếu vết thương đó không được kịp thời khâu lại, biết đâu mụ chả chết vì nó. Hai quả táo lẽ ra chưa thể đủ tiền công cho bác sĩ. Vì nó mà bác sĩ đã lỡ mất một cuộc hẹn ao ước từ bấy lâu. Chỉ riêng cái giá phải trả cho những phút làm thêm đó cũng đủ làm mụ già đó thất kinh.

Nhưng có khi nào đó là hai quả táo có phép màu thực sự?

Phải rồi, đó là nguồn cơn của cơn ác mộng đang diễn ra. Đó là quả táo đã làm thay đổi hình dạng của bác sĩ.

Nếu đúng như lời của mụ già, chỉ một trong hai quả táo mang lại điều may mắn, quả táo may mắn đó chính là quả táo màu trắng. Nó chính là chìa khóa trở về, và đó cũng là chìa khóa giúp bác sĩ trở nên giàu có hơn bao giờ hết. Thật tuyệt vời! Cơ hội cuối cùng đã mỉm cười với bác sĩ Trần.

Căn bệnh của bác sĩ Trần thật khó để tả bằng ngôn ngữ chuyên ngành, những bác sĩ tâm lí đầu ngành cũng đành bó tay. Thứ duy nhất mang lại cho bác sĩ Trần cảm giác tự tin và vui vẻ là tiền. Bác sĩ Trần làm việc quên ngày đêm chỉ để nhìn những con số ngày một dài thêm. Ngoài việc kiếm tiền, cuộc đời của bác sĩ Trần thật tẻ nhạt.

Bây giờ mọi chuyện đã khác. Phép màu chính là quả táo trắng.

Bác sĩ Trần quyết định đóng cửa phòng khám vài hôm dù tiếc đứt ruột. Thời tiết chuẩn bị vào mùa cảm cúm. Đóng cửa vài hôm là mất đi một khoản tiền lớn. Nhưng không thể khám bệnh với khuôn mặt của mụ già. Hơn nữa, bác sĩ Trần cần thời gian để làm việc khác quan trọng hơn.

6.

Buổi tối đầu tiên khi hiểu ra bí mật của quả táo, bác sĩ Trần quyết định học cách tự thôi miên.

Điều đó không quá khó đối với một bác sĩ thường xuyên phải điều trị căn bệnh rối loạn tâm lí và ám ảnh của đồng tiền. Bác sĩ Trần đã từng được điều trị hàng trăm buổi trị liệu nên nắm vững những bí mật của của biện pháp thôi miên.

Mỗi buổi tối trước khi đi ngủ, bác sĩ đứng trước gương, lặp lại từng động tác và lời nói.

Một ngày. Bốn ngày. Mười ngày…

Sự kiên trì đã mang lại kết quả. Sau mười ngày tập luyện, cuối cùng bác sĩ Trần đã ngủ gục trong lúc tự thôi miên.

Ngày hôm sau khi tỉnh giấc, bác sĩ thấy người sảng khoái hơn bao giờ hết. Thật tuyệt vời, chỉ cần qua đêm nay, cơn ác mộng sẽ biến mất và điều ước sẽ trở thành hiện thực.

Bên ngoài thành phố, dịch bệnh cúm mùa bắt đầu hoành hành. Hành lang bệnh viện quá tải. Thành phố nôn nóng chờ đợi sự trở lại của bác sĩ Trần, dù đôi khi những viên thuốc kê đơn không mang lại kết quả nhưng được khám vẫn khiến người bệnh yên tâm.

Ở nhà, Bob cũng mất dần sự kiên nhẫn. Mười ngày giam mình trong căn nhà với bác sĩ Trần, Bob dần trở nên trầm cảm và lì lợm trước những cú bạo hành của ông chủ. Buổi sáng hôm đó, bác sĩ Trần gọi Bob đến bên bàn ăn.

- Bob, chúng ta cần nói chuyện. Nhiệm vụ của mày coi như đã hoàn thành. Tao khỏi bệnh mà không cần đến mày. Chúng ta hòa nhau, không ai nợ ai. Tao đã chăm sóc cho mày chừng ấy thời gian, đã trả không biết bao nhiêu tiền để mua thức ăn cho mày. Bây giờ đã đến lúc mày biến khỏi cuộc sống của tao.

Bác sĩ Trần nói xong nhìn Bob hả hê, ngả người trên chiếc ghế dài và mơ màng về món giả cầy.

Bob khụt khịt lùi ra hành lang.

 

7.

Tối hôm đó, sau khi tắm rửa sạch sẽ, bác sĩ Trần ngồi vào bàn lôi ra quả táo trắng để lên bàn ngắm nghía. Bác sĩ chợt nhớ tới bộ phim về một gia đình giàu có. Họ ăn những món ngon trong những chiếc đĩa sang trọng và bộ dao dĩa sáng bóng. Bác sĩ Trần sắp trở thành người trong số họ. Giàu có, sang trọng. Bữa ăn cũng sẽ được đặt trong những bộ dao dĩa bằng bạc, chỉ nhìn thôi cũng đủ no.

Hiện giờ, con dao đẹp duy nhất của ngôi nhà đang nằm trong bếp, bác sĩ Trần đứng dậy vào bếp tìm dao.

“Bộp!”

Một tiếng rơi nặng nề rồi im bặt. Khi đó bác sĩ Trần vừa cầm lên con dao. Vội vàng, bác sĩ Trần chạy về phía chiếc bàn.

Quả táo trắng đã biến mất!

Bác sĩ hốt hoảng nhìn xung quanh. Quả táo không ở đó. Mặt bàn trống trơn.

Một tiếng khụt khịt nhỏ của Bob vọng lên.

Bác sĩ Trần cúi người nhìn xuống gầm bàn. Bob ở đó. Miệng hắn nhai bỏm bẻm, một nửa quả táo nằm chỏng chơ trên mặt đất.

Bác sĩ Trần gầm lên:

- Bob! Nhả ra trước khi tao giết mày!

Bob không phản ứng.

Bob vẫn thản nhiên khụt khịt. Bác sĩ Trần nổi cáu, quai hàm bạnh ra như chuẩn bị nghiền nát Bob. Những nét cắt ngang dọc trên khuôn mặt xám ngoét của mụ điên hằn học. Từ ngày nhận nuôi Bob, bác sĩ Trần vẫn chưa bỏ thuốc kiềm chế ức chế. Nhưng những cơn cáu giận vẫn thường xuyên diễn ra. Từ hôm học cách thôi miên, bác sĩ Trần đã bỏ hẳn mọi đơn thuốc. Cơn giận này có lẽ là hậu quả của nhiều ngày không dùng thuốc.

Vơ chiếc chổi cán dài, bác sĩ hùng hục khua vào gầm bàn, nhằm thẳng đầu Bob, nện.

Bob lùi lại ra vẻ thách thức. Hắn khùng khục trong cổ họng.

Bác sĩ Trần càng khua chổi, Bob càng lùi sâu về phía sau.

Cánh tay vốn rất dài của bác sĩ bây giờ trở nên tun hủn, bất lực. Trong một khoảnh khắc, bác sĩ Trần hiểu ra rằng Bob đang làm chủ tình thế.

Chỉ một nhát gặm nữa, hắn sẽ nuốt trọn quả táo, nuốt trọn giấc mơ giàu sang của bác sĩ. Tệ hại hơn, bác sĩ Trần sẽ phải sống với khuôn mặt của mụ già suốt đời. Cuộc đời bác sĩ coi như chấm dứt. Thành phố sẽ không bao giờ chấp nhận khuôn mặt mới của bác sĩ. Ai sẽ tin, một bác sĩ trẻ trung, khuôn mặt bầu bĩnh căng tròn lại có thể biến thành khuôn mặt của một mụ già. Chỉ có người điên mới tin và chỉ có người điên mới kể ra được một câu chuyện hão huyền đến thế.

Bác sĩ Trần cuống cuồng. Không thể nào. Mụ điên không thể nào đối xử bất công với bác sĩ Trần, người đã cứu mụ.

Trong lúc bấn loạn, bác sĩ Trần hạ chiếc chổi xuống, giơ nhẹ con dao định dùng gọt táo, nói vọng xuống gầm bàn với Bob:

- Ra đây! Chúng ta sẽ cùng đi dạo.

Không có tiếng trả lời.

- Thời tiết bên ngoài rất ấm. Chúng ta sẽ không dùng xích cổ.

Có lẽ đây là lần đầu tiên, Bob được nghe giọng nói bình thường của bác sĩ Trần. Nhẹ nhàng. Điềm đạm. Giọng nói của một con người.

Một giây, hai giây, ba giây…

Không có tiếng trả lời. Một tiếng ủn ỉn cũng không. Chỉ có tiếng thở nhè nhẹ.

Bác sĩ tưởng như nghe thấy tiếng thở của chính mình dội vào không gian tĩnh lặng của căn nhà.

Sau cùng, giới hạn của sự kiên nhẫn đã hết. Bác sĩ Trần cúi xuống gầm bàn tìm Bob, trên tay vẫn lăm le con dao.

- Ra ngay, đồ súc sinh! Tao sẽ không cho mày cơ hội thứ hai đâu.

Đáp trả câu đe dọa là sự im lặng. Ở dưới gầm bàn, Bob biến mất.

Bất chợt, bác sĩ Trần rùng mình, chân tay bủn rủn. Con dao cầm trên tay rơi xuống đất.

Ở góc kia gầm bàn, đối diện với bác sĩ là khuôn mặt của chính mình.

Bác sĩ Trần líu lưỡi :

- Đi… Chúng ta đi dạo...

Bob không có thời gian dành cho bác sĩ Trần. Nhanh như một tia chớp, một bàn tay thò ra từ gầm bàn kéo xềnh xệch đôi giò ngắn tun hủn của bác sĩ Trần ném ra ban công phòng ngủ.

Cánh cửa nặng nề đóng sập.

Sáng hôm sau là cuộc đi dạo như thường lệ của vị bác sĩ thuộc loại giỏi nhất thành phố. Vẫn là cặp đôi quen thuộc ấy. Nhưng lần này là bác sĩ Bob sang trọng với bộ complet thơm lừng, tay Bob cầm một sợi xích. Sợi dây xích tròng vào cổ một con lợn. Bob đi, lợn chạy. Bob chạy, lợn hụt hơi.

Bob đang dẫn người từng là bác sĩ Trần đi dạo cùng mình!

Q.G

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Có nhân vật chỉ là dáng dấp của nguyên mẫu, có nhân vật là nguyên mẫu đã sống và chiến đấu cùng tôi, suốt những năm tháng ở rừng... (VŨ NGỌC THƯ)