Có một Việt Nam ở bên kia bán cầu

Thứ Hai, 22/11/2021 00:20

. NGUYỄN XUÂN THỦY
 

Cuba ở bên kia bán cầu. Từ Việt Nam, để bay đến hòn đảo bên vịnh Caribe này phải trung chuyển qua Nga, Canada hoặc Pháp với tổng số giờ bay, chưa kể thời gian chờ trung chuyển, nhanh nhất cũng phải trên 20 giờ. Chuyến bay của chúng tôi trong đoàn của Bộ Quốc phòng Việt Nam tới Cuba chia làm hai chặng, chặng đầu đi Vietnam Airlines từ Nội Bài, sang đến Moskva dừng chân một đêm, sau đó tiếp tục lên chuyến bay của hãng hàng không Nga đi Cuba. Khi gần tới nơi tôi sờ râu thấy mọc lởm chởm, nhìn lịch trên điện thoại thì vẫn là ngày hôm xuất phát từ Hà Nội, nghĩ bụng, “quái, sao đi có một ngày mà râu dài thế”, sau tính toán lại thì hóa ra cái ngày ấy đã kéo dài gần 40 tiếng, cả thời gian bay và thời gian dừng chờ chuyển chuyến, bảo sao toàn thân ê mỏi vì đóng khung người vào ghế máy bay suốt bấy nhiêu thời gian. Múi giờ khác nhau, trái đất quay cộng với máy bay di chuyển nên bay đến gần hai ngày mà lịch thì vẫn trong một ngày. Cũng đúng thôi, khi mà sự di chuyển giữa hai bán cầu là xa nhất trong những chặng bay trên thế giới.Thế mà đường bay này đã trở nên quen thuộc với người Việt Nam và người Cuba suốt sáu chục năm qua, và càng quen thuộc hơn với những người lính, những người lính Cuba đến Việt Nam trong những năm chiến tranh và những người lính Việt Nam đến Cuba những năm hòa bình.

Ngô Việt Nam trồng tại Cuba

Trên con đường đã mở

Những năm trước đây việc đi lại giữa Việt Nam và Cuba khó khăn hơn nhiều. Nhưng sự xa cách bởi khoảng cách địa lí không đáng ngại bằng những xa cách bởi lòng người. Khi mà thế giới có những ngăn cách ấy thì Cuba vẫn vượt đường biển, đưa những con tàu sang với Việt Nam, án ngữ tại cửa biển Hải Phòng để bảo vệ cho người anh em trước đe dọa tấn công của Mĩ và coi đó như một nghĩa vụ quốc tế cao cả. Còn những sinh viên Việt Nam cũng đã vượt qua hành trình hàng tháng trời để đến Cuba học tập, mang kiến thức khoa học kĩ thuật, mang lòng khát khao hòa bình và trượng nghĩa về Việt Nam phụng sự Tổ quốc. Họ đã phải đi bằng đủ thứ phương tiện, từ tàu hỏa, tàu biển, trung chuyển qua đến 6 nước mới tới được hòn đảo tự do ở bên kia bán cầu như một biểu tượng bất khuất kiên cường kết nối nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Sau này khi hòa bình rồi cũng vậy, con đường hàng không những năm Mĩ cấm vận khó khăn, rất nhiều sĩ quan Việt Nam được phân công nhiệm vụ chuyên gia quân sự tham gia Đoàn chuyên gia 385 của Bộ Quốc phòng giúp Cuba đã bằng những con đường khác nhau để đến với quốc đảo châu Mĩ này.

Có một câu nói rất hay về những con đường của nhà văn Lỗ Tấn, đại ý, đó là trên mặt đất làm gì có đường, do đi mãi mà thành thôi. Và người bước những bước đầu tiên để hai quốc gia ở phía Đông bán cầu và phía Tây bán cầu xích lại gần nhau 60 năm trước dưới sự gieo mầm của Anh hùng giải phóng dân tộc Cuba José Marti chính là Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Fidel Castro. Dù phải hơn mười năm sau khi thiết lập quan hệ và có những hành động quyết liệt, quả cảm cùng Việt Nam trên trận tuyến chống Mĩ, năm 1973, Fidel mới thực hiện được chuyến đi tới Việt Nam, chính thức đặt chân đến dải đất hình chữ S ở bên kia trái đất khi Hồ Chủ tịch đã đi xa. Báo chí và nhân dân Việt Nam nói nhiều về chuyến đi có một không hai ấy của ông, vị nguyên thủ quốc gia đầu tiên và duy nhất thăm vùng giải phóng Cộng hòa Miền Nam Việt Nam tại tỉnh Quảng Trị vào ngày 16/9/1973 nhưng đằng sau đó vẫn còn nhiều câu chuyện ít người biết đến. Cũng là một cơ duyên khi tôi được gặp một người Việt Nam là nhân chứng cho chuyến đi huyền thoại này của lãnh tụ tối cao Cuba, một chuyến đi mà ít ai biết rằng, ở giữa hành trình, Fidel đã phải cân não xem có nên tiếp tục hay không bởi một tình thế hệ trọng xảy đến. Ông là Võ Anh Tuấn, nhà ngoại giao, nguyên là Đại sứ của Chính phủ lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Cuba, sau này là Đại sứ Việt Nam tại Liên Hợp Quốc. Chuyến thăm vùng giải phóng trong lòng miền Nam của Chủ tịch Fidel Castro gắn với ông Võ Anh Tuấn nhiều kỉ niệm. Khi ấy, để phục vụ cho chuyến thăm của Fidel, ông Tuấn đang là Đại sứ của Chính phủ lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam tại Cuba sẽ phải về nước để tham gia cùng Chính phủ tiếp đón lãnh tụ Cuba. Thế nhưng việc di chuyển từ Cuba về Việt Nam thời ấy vô cùng khó khăn và tốn kém, nếu đi máy bay của Nga thì cũng phải một tuần mới về đến Việt Nam, trong khi theo lịch chỉ còn bốn ngày nữa là Fidel Castro đã có mặt tại Hà Nội, đấy là chưa kể ông Tuấn lại đang tham dự Hội nghị Phong trào không liên kết tại Algeria. Ông đã báo cáo và nhờ Vụ trưởng Vụ lễ tân của Cuba giúp. Một may mắn là Chủ tịch Fidel cũng sẽ sang Algeria dự Hội nghị Phong trào không liên kết rồi mới đi Việt Nam. Thế là ông Tuấn đã được phía bạn sắp xếp để từ Algeria về Việt Nam cùng đoàn Cuba. Cần nhớ rằng những năm tháng ấy, CIA, cơ quan tình báo của Mĩ, luôn tìm cách ám sát Fidel. Hàng trăm cuộc ám sát nhằm vào ông đã bất thành, vì vậy những chuyến đi của Fidel luôn phải giữ bí mật tuyệt đối, nhưng với Việt Nam vẫn luôn có ngoại lệ. Không những Đại sứ Chính phủ lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam được đi cùng mà đoàn Cuba đi hai máy bay, ông Tuấn còn được xếp ngồi cùng máy bay với Fidel nữa. Cũng vì đi cùng đoàn Cuba nên ông Tuấn có dịp chứng kiến những chuyện phía sau chuyến thăm đặc biệt. “Từ Algeria, máy bay quá cảnh dừng ở Iraq một đêm rồi tiếp tục quá cảnh ở Ấn Độ nghỉ một đêm nữa. Khi đang ở Ấn Độ thì Fidel nhận được tin Chính phủ cách mạng Chile, quốc gia ở Nam Mĩ, bị phe nổi dậy lật đổ. Suốt đêm ấy Fidel đã suy nghĩ rất nhiều, cân nhắc xem nên tiếp tục đi Việt Nam hay quay về Cuba để đề phòng những bất ổn từ Chile sẽ lan sang Cuba, tác động không tốt đến tình hình Cuba lúc đó. Cuối cùng ông đã quyết định tiếp tục thăm Việt Nam”, ông Võ Anh Tuấn đã chia sẻ với tôi câu chuyện này trong căn nhà tại một hẻm nhỏ đường Nguyễn Kiệm, Quận 10, TP. Hồ Chí Minh. Nay đã ở tuổi ngoài chín mươi, ông vẫn mạnh khỏe và minh mẫn, và đó là một kỉ niệm khó có thể quên trong cuộc đời làm cán bộ ngoại giao của ông. Chuyến đi ấy của Fidel đã đi vào lịch sử, như một cột mốc thiêng liêng trong quan hệ đặc biệt giữa hai nước.

Nơi Chủ tịch Fidel Castro đến thăm là vùng giải phóng chỉ cách tiền đồn của địch khoảng hai chục cây số. Tại đây ông đã phất cao lá cờ của Chính phủ lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và hô to: Các đồng chí hãy đem lá cờ bách chiến bách thắng này cắm trên đất Sài Gòn giải phóng. Tại Quảng Trị của Việt Nam, ông cũng nhắc lại tinh thần câu nói mà ông đã nói nhiều lần. Ông nói rằng: “Trong chiến tranh, vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình, còn trong hòa bình, vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng đổ mồ hôi”. Chắc hẳn nhiều người sẽ thắc mắc về hoàn cảnh ra đời của câu nói như một tuyên bố bất hủ đã trở nên quen thuộc của Fidel. Nó xuất hiện lần đầu tiên trong cuộc mít tinh mừng 7 năm Cách mạng Cuba thành công diễn ra vào ngày 2/1/1966 tại La Habana trước hàng trăm nghìn người dân Cuba. Fidel nói, truyền thông phương Tây tuyên truyền rằng Cuba thiếu đủ thứ trên đời từ đường, gạo, hàng tiêu dùng, thuốc men... vì Fidel đã gửi hết chúng sang Việt Nam. Ông tuyên bố trước nhân dân Cuba: “Họ chỉ nói đúng một phần, đó là Cuba có đưa thuốc chữa bệnh sang Việt Nam, còn những thứ khác là xuyên tạc”. Và ông nói tiếp: “Nhưng nếu tất cả những thứ đó là thật thì cũng không là gì cả. Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình”. Sau này câu “Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình” đã được ông nói nhiều lần trong nhiều ngữ cảnh khác nhau, và câu nói ấy, tinh thần ấy của Fidel đã được nhắc đến suốt 60 năm qua như một biểu tượng về mối quan hệ đoàn kết hữu nghị giữa những người anh em Việt Nam - Cuba.

Đường lâu không đi đường đầy cỏ dại/ Người lâu qua lại người thành người dưng. Đường đã mở ra rồi nhưng nếu không có sự thường xuyên đi lại, duy trì, vun đắp thì tất sẽ đến lúc xa cách. Nhất là với một khoảng cách xa nhất có thể trên mặt đất này, như vị trí Đông bán cầu - Tây bán cầu. Rất mừng là những thế hệ lãnh đạo kế tiếp của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như những người anh em Cuba đã tiếp tục bồi đắp, xây cao nền móng để cây hữu nghị ngày một tỏa bóng. Để hôm nay chúng tôi có mặt trên tuyến đường mở ra bởi lịch sử đến với quốc đảo ở bên kia bán cầu. Đoàn chúng tôi thuộc Cục Tuyên huấn của Tổng cục Chính trị do Thiếu tướng Lê Xuân Sang, Phó Cục trưởng Cục Tuyên huấn phụ trách, nằm trong đoàn công tác của Bộ Quốc phòng do Thiếu tướng Nguyễn Hoàng Nhiên - Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự làm trưởng đoàn, có nhiệm vụ thực hiện bộ hồ sơ về 60 năm quan hệ quốc phòng Việt Nam - Cuba. Tôi thuộc nhóm lấy tư liệu phục vụ cho công trình khoa học cấp Bộ Quốc phòng mang tên “Quan hệ quốc phòng Việt Nam - Cuba qua hồi kí của các nhân chứng lịch sử”. Bởi thế, đối tượng gặp gỡ làm việc chính của tôi sẽ là các cựu chiến binh Cuba, những người từng là nhân chứng cho mối quan hệ quốc phòng giữa hai nước. Chủ trì thực hiện bộ hồ sơ 60 năm quan hệ quốc phòng Việt Nam - Cuba, về phía Cuba là đồng chí Thượng tướng Alvaro Lopez Miera, Ủy viên Bộ Chính trị, Tổng Tham mưu trưởng, Thứ trưởng thứ nhất Bộ Các Lực lượng vũ trang cách mạng Cuba; về phía Việt Nam là đồng chí Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam.

Khi sang Cuba, nhắc đến cái tên Nguyễn Chí Vịnh, các vị tướng lĩnh của Cuba đều ánh lên sự hồ hởi, vui mừng. Ông đã để lại nhiều thiện cảm tại Cuba trong những chuyến công tác của mình. Hầu như ai nấy khi nghe đến ông đều nhắc lại câu chuyện Đại tướng Raúl Castro Ruz, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Cuba tiếp xã giao đoàn cấp cao Bộ Quốc phòng Việt Nam do Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh dẫn đầu sang dự Đối thoại Chính sách Quốc phòng lần thứ 2 vào tháng 5/2019. Cuộc tiếp đó đã diễn ra trong gần 2 giờ đồng hồ, vượt gấp ba lần thời gian theo kế hoạch đề ra và cũng là một trong những cuộc tiếp mà nguyên thủ Cuba dành cho đoàn khách nước ngoài lâu nhất từ trước tới nay. Người Cuba luôn có tính kế hoạch cao kèm theo những định lượng, thường tuân thủ nghiêm theo chương trình đã lên trước đó, từ thói quen ấy, trong câu chuyện của họ cũng là những dẫn chứng định lượng cụ thể, nhưng riêng với Việt Nam, bao giờ cũng có ngoại lệ. Như việc tiếp tướng Vịnh vừa kể. Hoặc như là những nguyên tắc ngoại giao vẫn thường được phía bạn du di so với chuẩn khá nhiều khi cảm thấy chúng trở nên vướng víu và cản trở cho những thân tình.

Chủ tịch Fidel Castro giương cao ngọn cờ bách chiến bách thắng của Đoàn Khe Sanh, Quân Giải phóng Trị - Thiên anh hùng khi vào thăm vùng giải phóng Quảng Trị năm 1973. Ảnh: TTXVN

Không pháo hoa vẫn vang tiếng ca

Những chuyến thăm giữa lãnh đạo quân đội Việt Nam - Cuba thường bỏ qua những thể thức ngoại giao, thay vì những thủ tục mang tính lễ nghi cứng nhắc sẽ diễn ra ấm áp như thể những người anh em. Chuyến thăm Cuba của Đại tướng Phan Văn Giang khi ông còn giữ cương vị Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam năm 2017 là một ví dụ. Theo lịch trình, sau khi Tổng Tham mưu trưởng Phan Văn Giang dự Hội nghị Tư lệnh Lực lượng Quốc phòng được tổ chức tại Canada xong sẽ bay đến Cuba, nhưng khi đang dự Hội nghị, đoàn Việt Nam nhận được tin dự báo sẽ có bão Irma, một trong những cơn bão lớn nhất trong hơn một thập kỉ sẽ đổ bộ vào Cuba một vài ngày tới khiến anh em trong đoàn hết sức băn khoăn báo cáo tình hình với Tổng Tham mưu trưởng. Với quyết tâm sang thăm những người bạn, đồng chí, anh em thân thiết, đồng chí Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam khi ấy vẫn quyết định thực hiện chuyến thăm Cuba theo kế hoạch. Khi đến Cuba, dù dự hội đàm nhưng cả Bộ trưởng và Tổng Tham mưu trưởng Bộ Các lực lượng vũ trang cách mạng Cuba đều mặc quân phục dã chiến thay vì trang phục theo nghi lễ, là để sẵn sàng lên đường chuẩn bị ứng phó với cơn bão lịch sử. Ở những người lính Cuba luôn có một kỉ luật công việc rất cao, đồng thời lúc nào cũng đặt hiệu quả công việc lên hàng đầu. Ngay như đoàn chúng tôi đến làm việc tại Cuba cũng vậy, hôm đầu tiên, khi chúng tôi vừa đặt chân đến La Habana thì được thông báo, Tổng Tham mưu trưởng Bộ Các lực lượng vũ trang cách mạng Cuba, Thượng tướng Alvaro Lopez Miera, sẽ làm việc với đoàn ngay vào buổi chiều với lời chú thích, chúng tôi có thể mặc dân sự, vì hành lí có quân phục còn gửi đường hàng không chưa kịp về khách sạn. Phong cách làm việc của bạn tất cả đều đặt công việc lên hàng đầu và sâu sát, tỉ mỉ, những thứ không quan trọng có thể xuê xoa linh hoạt. Nhưng bạn cũng khác ta ở chỗ, làm việc đúng giờ, và nghỉ cũng rất đúng giờ chứ thường không làm cố, làm nốt như ta. Bởi thế, trong một số buổi làm việc, do thời gian lưu lại Cuba ít phải tận dụng cao nhất mà số nhân chứng lại đông, công việc của chúng tôi đôi khi phải kéo dài qua giờ làm cả tiếng, chúng tôi đã rất ngại với đồng chí phiên dịch và các thành phần phục vụ khác của bạn.

Trong chuyến thăm “bão tố” của Tổng Tham mưu trưởng Phan Văn Giang năm 2017 ấy, bên cạnh các hoạt động khác còn có sự kiện dự lễ Lễ Khánh thành Dự án “Pháo hoa” mà Quân đội Việt Nam đã đầu tư dây chuyền sản xuất và chuyển giao công nghệ cho Quân đội Cuba. Do tình hình bão Irma đổ bộ, buổi lễ không thực hiện được như dự kiến, bạn phải thay đổi cách tổ chức theo hình thức tượng trưng. Điều này khiến tôi lại nhớ đến một chi tiết trong câu chuyện với nhà ngoại giao Võ Anh Tuấn khi ông kể về một kỉ niệm đặc biệt khác gắn với ngày 30/4/1975 của Việt Nam, vẫn là khi ông đang giữ vị trí Đại sứ Chính phủ lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Cuba. Khi tin từ Việt Nam báo sang, miền Nam đã giải phóng thì ông Võ Anh Tuấn đang ở Peru với nhiệm vụ vận động để đặt quan hệ ngoại giao với nước này, theo đề nghị của Đại sứ quán Cuba tại Peru, Chủ tịch Fidel Castro lập tức lệnh cho chuyên cơ đi đón ông về ngay để tổ chức tiệc mừng. Được thông báo, ông Tuấn không dám nhận sự biệt đãi đó mà chỉ xin một chiếc vé máy bay, lập tức có ngay một vé máy bay hạng sang nhất trong chuyến bay sớm nhất được đặt cho ông Tuấn. Khi ông trở về La Habana, những người bạn Cuba ùa đến chúc mừng. Sau đó bạn đã cùng bàn kế hoạch tổ chức tiệc mừng chiến thắng của Việt Nam ở cấp quốc gia, bữa tiệc mà ông Tuấn cho rằng được tổ chức theo một cách chưa từng có trong nghi thức ngoại giao. Bạn đưa ra rất nhiều thứ, cái gì cũng làm theo phương châm tốt nhất có thể, còn ta thì sợ tốn kém cho bạn nên thường đề xuất theo hướng thu gọn lại. Cuối cùng phía Việt Nam đưa ra đề xuất, cái gì Cuba tự làm được thì giữ nguyên, còn cái gì phải mua bằng ngoại tệ thì sẽ lược bớt, bởi Cuba rất hiếm ngoại tệ khi bị Mĩ cấm vận. Theo đề xuất của ta, pháo hoa là thứ phải mua từ nước ngoài nên lược bỏ, nhưng không vì thế mà buổi tiệc kém phần long trọng. Ông Võ Anh Tuấn nói rằng, “đó là buổi tiệc ngoại giao có một không hai trong đời làm ngoại giao của tôi và cũng chưa từng có trong lịch sử ngoại giao của Cuba”. Hai nghìn quan khách ngoại giao được mời dự tiệc, đó là bữa tiệc đông nhất từ khi Cuba giải phóng. Mọi buổi tiệc Chủ tịch Fidel chỉ dự chừng hai mươi, ba mươi phút, nhưng buổi tiệc hôm đó Fidel đã ở lại chung vui với những người anh em Việt Nam đến tận ba giờ sáng.

Sau khi đất nước hòa bình, công nghiệp quốc phòng của Việt Nam phát triển, chúng ta đã sản xuất pháo hoa phục vụ nhu cầu trong nước và vươn lên xuất khẩu đi các nước trên thế giới. Những sự kiện chính trị lớn của ta đều tự hào với những màn pháo hoa made in Việt Nam bung nở trên bầu trời mọi miền Tổ quốc. Từ câu chuyện tiết kiệm những quả pháo hoa vì phải mua bằng ngoại tệ trong tiệc mừng Việt Nam thống nhất tại Cuba năm xưa, đến hôm nay, sau gần 50 năm thống nhất đất nước, Quân đội của ta đã tự sản xuất được các loại pháo hoa để mừng những niềm vui của đất nước mình, của bạn bè mình. Hôm nay, những màu sắc hoan ca ấy đã có thể nở bung trên bầu trời La Habana, đã có thể bay cao và nở hoa trên biển Caribe nơi bán cầu Tây có những quốc gia Mĩ Latinh từng ủng hộ Việt Nam trong chiến tranh giải phóng dân tộc năm xưa để mừng cho một tình bạn thủy chung gắn bó nghĩa tình từ những ngày gian khó.

Chuyến thăm Cuba năm ấy của Tổng Tham mưu trưởng Phan Văn Giang, đoàn công tác đã không thể về nước theo kế hoạch vì ảnh hưởng của bão Irma các chuyến bay đều phải hủy, thậm chí khách sạn nơi đoàn Việt Nam ở còn bị mất điện, mất nước do ảnh hưởng của bão. Nhưng qua đó có thể thấy được tình cảm chân thành mà những người bạn dành cho nhau, một bên sẵn sàng bất chấp gian nan nguy hiểm, quyết tâm đến thăm những người bạn, đồng chí, anh em của mình, còn một bên vừa khắc phục hậu quả của bão vừa dành cho đoàn sự quan tâm, đón tiếp ân cần nhất, đúng tinh thần “thiên hạ vẫn còn người tri kỉ, thì chân trời có ngại xa gì”. Cho đến bây giờ, lãnh đạo Quân đội Cuba vẫn nói vui khi có đoàn của ta sang rằng, Cuba không coi chuyến thăm của Tổng Tham mưu trưởng ta lần ấy là chuyến thăm chính thức, do đó phải sớm thực hiện lại để hai bên có thời gian gặp gỡ, giao lưu nhiều hơn.

Đoàn Việt Nam và đoàn Cuba thảo luận về việc thực hiện các công trình văn hóa thể hiện mối quan hệ hợp tác quốc phòng Việt Nam - Cuba. Ảnh: PV

Hành trình sang châu Mĩ của cây ngô Việt Nam

Quân đội của nhân dân. Với Quân đội của ta thì mệnh đề ấy vô cùng quen thuộc, nhưng tôi cũng cảm nhận được tinh thần này ở những người lính Cuba trong cuộc trò chuyện với Trung tướng José Antonio Carillo Gómez, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Cách mạng Cuba. Ông nói rằng, có sự tương đồng giữa hai quân đội Việt Nam và Cuba. Quốc phòng Cuba và quốc phòng Việt Nam không chỉ phụ thuộc vào lực lượng vũ trang chính quy, mà còn phụ thuộc vào cuộc đấu tranh của toàn dân, Cuba đã thấm nhuần tư tưởng chiến tranh nhân dân, nghệ thuật quân sự và chiến tranh du kích của Việt Nam. “Chúng tôi có được những kinh nghiệm quý của các bạn và áp dụng kinh nghiệm đó vào các điều kiện và hoàn cảnh cụ thể của Cuba. Nó có nghĩa là chúng ta là hai đội quân rất giống nhau, trong các chức năng, trong các nhiệm vụ, chúng ta từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu”, ông nói.

Và tinh thần ấy không chỉ trên lí thuyết, nó đã thể hiện rất rõ trong mối quan hệ quốc phòng giữa Quân đội Việt Nam và Quân đội Cuba trong suốt những năm qua. Như câu chuyện dưới đây mà báo chí Việt Nam hầu như chưa khai thác, và có thể ai đó cũng thấy lạ lẫm khi nó thuộc diện “những hoạt động quan hệ hợp tác quốc phòng”, hơn thế, còn nằm trong chương trình hội đàm của các vị tướng lĩnh mang chức sắc quan trọng: Câu chuyện về hành trình sang châu Mĩ của cây ngô Việt Nam.

Ngô là cây trồng truyền thống ở Cuba, được trồng ở đây từ thời xa xưa, trước cả khi người ta phát hiện ra châu Mĩ. Cây ngô ở Việt Nam cũng gắn liền với câu chuyện về Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan khi đi sứ nhà Minh vào cuối thế kỉ XVI đã mang “ngọc mễ” về nước bằng trí thông minh và sự sáng tạo để hướng dẫn dân ta trồng, nhân giống rộng rãi làm lương thực. Còn hôm nay, khi cây ngô đã trở thành một cây trồng quen thuộc phổ biến thì thật ngạc nhiên khi nó vẫn xuất hiện đàng hoàng và chính danh trong cuộc hội đàm của hai vị tướng đứng đầu quân đội hai quốc gia khi Bộ trưởng Bộ Các lực lượng vũ trang cách mạng Cuba, Thượng tướng Leopoldo Cintra Frías, đã trực tiếp đề nghị Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam, Đại tướng Ngô Xuân Lịch, giúp cung cấp một số loại giống ngô năng suất cao do Việt Nam sản xuất để trồng thử nghiệm tại Cuba trong chuyến thăm Việt Nam tháng 3/2017 của ông. Ngay sau đó, Đại tướng Ngô Xuân Lịch đã quan tâm chỉ đạo Cục Đối ngoại khẩn trương phối hợp làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn của ta để kịp thời lấy một số giống ngô chuyển sang tặng cho bạn. Trong chuyến thăm Cuba của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam vào tháng 6/2017, qua nhiều quá trình, thủ tục hàng không, chuyển từ chuyến bay này sang chuyến bay khác, cuối cùng đoàn công tác đã mang thành công 30kg ngô giống sang Thủ đô La Habana của Cuba. Sau buổi chiêu đãi do lãnh đạo Cuba tổ chức chào mừng đoàn, hai bên trao đổi tặng phẩm, và những người lính Cuba rất bất ngờ và xúc động khi Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch đã trao cho Bộ trưởng Leopoldo Cintra Frías món quà là 30kg ngô giống ấy. Càng bất ngờ và cảm động hơn khi sau bữa tiệc, Thượng tướng Leopoldo Cintra Frías đã mang thẳng số ngô giống về nhà riêng cất giữ và sau đó trực tiếp giao nhiệm vụ cho các chuyên gia nông nghiệp Cuba để trồng thử. Sau một thời gian, những hạt giống nảy mầm, xòe lá, lớn dần. Phù hợp với thổ nhưỡng của Cuba, năng suất đạt được từ các giống ngô Việt Nam đưa sang trên cả sự mong đợi. Từ đó, Cuba xác định đây là một trong những nội dung hợp tác cần thúc đẩy với Việt Nam và đã chính thức đề nghị Bộ Quốc phòng ta giúp kết nối với các bộ, ngành liên quan để mua số lượng lớn các giống ngô này.

Câu chuyện về ngô tưởng đơn giản nhưng lại có một ý nghĩa rất lớn. Những người lính từ nhân dân mà ra ngoài nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ Tổ quốc luôn lo cho nhân dân, luôn quan tâm đến đời sống, cái ăn cái mặc của nhân dân mình. Cuba gặp khó khăn về tự túc lương thực, trong đó khan hiếm thức ăn cho chăn nuôi. Bộ trưởng Leopoldo Cintra Fríascho biết, Cuba mỗi năm phải nhập hàng triệu tấn lương thực, thực phẩm, tiêu tốn một nguồn ngân sách lớn của nhà nước, trong khi ông nhận thấy Cuba có nhiều tiềm năng hợp tác với Việt Nam phát triển lĩnh vực chăn nuôi và trồng trọt. Vì vậy, Bộ Các lực lượng vũ trang cách mạng Cuba xác định sản xuất ngô (nguyên liệu chính của thức ăn chăn nuôi) là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu đối với Bộ lúc này, và quyết định đẩy nhanh triển khai việc trồng ngô tại Cuba. Từ ngày 26/3 đến ngày 2/4/2019, Đoàn công tác Bộ Quốc phòng Việt Nam cũng đã có chuyến công tác để khảo sát, đánh giá các yếu tố phục vụ việc trồng và sản xuất ngô tại Cuba. Trong buổi làm việc ngày 27/3/2019 giữa đoàn công tác với lãnh đạo Liên hiệp Nông nghiệp quân sự/FAR, Thượng tướng Leopoldo Cintra Frías đã vui mừng cảm ơn Bộ Quốc phòng Việt Nam đã dành cho Cuba sự giúp đỡ đáng quý này.

Theo quy định của luật pháp Cuba, các giống cây trồng ngoại lai phải trải qua quy trình kiểm dịch thực vật chặt chẽ, thường cần khoảng 3 tháng mới được phép sử dụng. Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Các lực lượng vũ trang cách mạng Cuba đã báo cáo trực tiếp ngài Chủ tịch nước Cộng hòa Cuba Miguel Díaz Canel và Chủ tịch nhất trí cho phép triển khai việc trồng ngô Việt Nam ngay không cần phải kiểm dịch. Từ đầu tháng 4/2019, Bộ Các lực lượng vũ trang cách mạng Cuba đã trồng các giống ngô Việt Nam chuyển giao tại 3 địa điểm khác nhau, sau đó chọn ra một giống tốt nhất để nhân rộng ra khoảng 3 nghìn héc ta tại các tỉnh. Chủ trương của Bộ Các lực lượng vũ trang cách mạng Cuba là sẽ sớm gieo trồng trên diện tích 30 nghìn héc ta trên toàn quốc. Trước mắt, Bộ trưởng Bộ Các lực lượng vũ trang cách mạng Cuba đề nghị lãnh đạo Bộ Quốc phòng Việt Nam cử chuyên gia kĩ thuật sang giúp chuyển giao công nghệ sản xuất giống ngô và bảo đảm lượng hạt giống để trồng 3 nghìn héc ta, cùng với đó là tư vấn giúp bạn công nghệ chế biến sản phẩm từ ngô. Thế là sau đó, cuối năm 2019, 60 tấn ngô giống Việt Nam tặng được vận chuyển sang Cuba để bắt đầu trồng từ tháng 1/2020 với sự hỗ trợ của 3 chuyên gia thuộc Viện nghiên cứu ngô của Việt Nam.

Các chuyên gia nông nghiệp của ta sau khi sang giúp bạn khảo sát chuẩn bị cho việc trồng ngô trên diện rộng cho rằng, địa hình Cuba với ba phần tư diện tích là đồng bằng, đất đai khá màu mỡ, phù hợp với cây ngô, hơn nữa, nhờ địa hình bằng phẳng nên có thể áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất rất tiện lợi. Việc phát triển cây ngô đúng hướng sẽ góp phần giải quyết tốt vấn đề lương thực cho Cuba. Từ cây mở đường là ngô, Bộ Các lực lượng vũ trang cách mạng Cuba đang đề nghị mở rộng sang các loại cây trồng nông nghiệp khác, bởi thổ nhưỡng và khí hậu Cuba có nhiều điểm tương đồng với thổ nhưỡng, khí hậu Việt Nam.

Trở lại câu chuyện của tôi với Trung tướng José Antonio Carillo Gómez, ông chia sẻ rằng: “Quân đội Cuba là những người dân Cuba mặc quân phục. Bởi vì nó không được tích hợp bởi một tầng lớp nhất định nào, nó được tích hợp bởi công nhân, nông dân, của tất cả các tầng lớp nhân dân, màu da, đàn ông hay phụ nữ. Vì vậy, nó là một đội quân của nhân dân và đại diện cho lợi ích của người dân. Khi cuộc cách mạng chiến thắng ở Cuba với những bước đi đầu tiên, người dân đã được trao cho vũ khí, súng trường, vì nhân dân là lực lượng bên ngoài, đầu tiên là những người bảo vệ lực lượng cách mạng. Đó là lí do tại sao chúng tôi đang đứng vững ở đây, chỉ cách 90 dặm bên cạnh đế quốc Mĩ. Đó là lí do tại sao chúng tôi có thể chống chọi lại tất cả những khó khăn, gian khổ kẻ thù gây ra trong suốt thời gian dài. Bởi vì nó không phải là một đội quân đơn thuần để chiến đấu giữ gìn lãnh thổ mà nó còn bênh vực, bảo vệ quyền lợi của nhân dân, cũng là bảo vệ quyền lợi của chính những người lính”

N.X.T

(Kì tiếp theo)

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)