Hàng ranh hàng giậu hàng rào

Thứ Sáu, 08/10/2021 17:02

. THU TRÂN

 

Miền Nam xưa đất rộng người thưa nên nhà nào cũng có sân có vườn. Không ở nhà chung cư, nhà phố san sát như bây giờ. Nhà có sân có vườn nên phải có hàng rào để đánh dấu ranh giới nhà này nhà kia. Hàng rào đúng nghĩa chứ không phải tường rào cao chót vót đầy những bê tông và miểng chai chĩa tua tủa lên trời như bây giờ. Hàng rào thường đơn giản là vài cây cọc sắt làm khung cho những sợi kẽm gai bám vào, hàng rào chỉ cao đến vai người lớn, đứa con nít sáu tuổi nhà này nhón chân lên là có thể thấy được đám con nít nhà bên kia đang chơi gì.

Để cho hàng rào mềm hơn, mát hơn, người ta trồng bông bám theo kẽm gai cọc sắt. Thường là bông hoàng lan, bông thiên lí nhưng phổ biến nhất vẫn là bông bụp (còn gọi là dâm bụt). Cây bông bụp rậm rạp dễ nuôi dễ trồng. Dù trời nắng hay trời mưa, cây gốc được ghim xuống đất chừng một tháng là vượt rào vươn lên xanh tốt và trổ bông đỏ ngời. Đường quê đỏ ngời bông bụp là hình ảnh thường thấy nhất khi bạn đi vào xóm làng miền Nam. Dễ thương hơn còn có hình ảnh giậu mướp, giậu mồng tơi (mùng tơi). Những “giậu” vàng rực bông mướp hay tím biếc bông mồng tơi luôn khiến lòng bọn bướm ong say đắm, chúng bay vo ve suốt ngày trên những triền bông ấy để đơm trái và kết mật. Bướm ong hoa trái và các loại côn trùng khác như ve sầu, kiến dương, nhền nhện, bọ rầy… không lạ gì với đám con nít miền Nam cũng từ những hàng giậu sát nhà này mà ra.

Người miền Nam thường gọi cái vách ngăn thiên nhiên kết bằng hoa trái ấy giữa nhà này với nhà kia là hàng rào, hàng giậu, hàng ranh. Giữa “ba hàng” ấy chúng có khác nhau không? Cứ “kêu đại” thì dường như không khác, hiểu là ranh giới giữa nhà này với nhà kia. Nhưng nếu săm soi mà nghĩ thì khác nhiều. Bạn hãy tưởng tượng đi, một hàng rào toàn bằng kẽm gai rỉ sét theo thời gian thì không ai gọi nó là hàng giậu. Dạng này thì chỉ có thể gọi là “hàng rào”, đơn giản là một hàng kẽm gai được rào lên để phân ranh giới hai nhà. “rào” ở đây là động từ. Một sự vật hay sự việc mà mượn động từ để gọi tên thì chẳng thơ mộng gì. Còn hàng giậu là gì? “Giậu” dễ thương hơn nhiều. Là khi người dựng nên nó đã thổi hồn vào đó bằng bướm ong và hoa lá. “giậu” ở đây hoàn toàn là danh từ, gọi thẳng tên là “giậu”, không vay mượn gì nên hẳn nhiên nó phải “danh giá” hơn “rào” là cái chắc.

Giá đừng có giậu mùng tơi

Thế nào tôi cũng sang chơi thăm nàng

Nhà thơ Nguyễn Bính đã trút tâm can vào Người hàng xóm một cách “tương tư” như thế. “Giậu mùng tơi” được nhà thơ chân quê nhắc đến ở đây như là một cái gì cách trở nhưng hiển nhiên dễ thương và hoàn toàn có thể vượt qua được. Tại sao lại không vượt qua được một hàng giậu thấp tè và chỉ được kết bằng hoa bướm? Hẳn nhiên là nhà thơ chỉ dò ý nàng thôi, quan trọng là lòng nàng thế nào, cái hàng giậu xinh xinh đầy hoa tím ấy chỉ nói hộ lòng chàng. Bài hát Trăng sáng trong làng của nhạc sĩ Mạnh Phát cũng có hình ảnh “giậu” dễ thương: Bên hàng giậu thưa một đoàn trai tráng cùng nhau ca vang câu tình quê… “giậu” là cái hàng rào mềm mại với hoa với bướm nên luôn gắn với điều nhẹ nhàng, tha thiết.

Còn sao gọi hàng rào là hàng ranh? Chắc đơn giản vì cái rào dựng lên làm ranh giới giữa hai nhà thì gọi là “hàng ranh”. Ông già dặn con gái đang rửa rau ngoài sàn nước: “Con hắt thau nước rửa rau ra ngoài ranh cho mấy cây mướp ba mới dăm xanh tốt”. Dăm ở đây là mới ghim xuống đất, mới trồng. Ranh cũng giống như giậu, cũng có hoa lá ong bướm nhưng chắc không tình tứ, rậm rạp bằng giậu nên không có nhà thơ hay nhạc sĩ nào sáng tác về “hàng ranh”.

Nhưng dù là hàng rào, hàng ranh hay hàng giậu thì “các hàng” này cũng nói lên được nhiều điều chất chứa trong đời sống tình cảm của người miền Nam xưa. Các chàng các nàng nhà cạnh nhau cũng thường hay “phải lòng nhau” qua “hàng giậu thưa”. Có xa xôi cách trở gì, biết nhà bên có nàng con gái đẹp, nhón chân một cái là thấy nàng đi chợ hoặc đi học về. Rồi giả vờ cầm cái rổ sang nhà xin nàng hái ít lá mồng tơi về nấu canh. Vừa hái lá mồng tơi vừa tán chuyện, chàng khéo léo, hai người không “dính” kiểu này cũng “dính” kiểu kia. Nhiều hàng giậu cũng làm nên sự tích “bồ câu đưa thư” khi chàng và nàng quy ước để tờ thư cuốn tròn trong lọ thuỷ tinh nhỏ xíu, rồi giắt trên một chạc ba cây bông bụp nào đó. Cứ thế, đến hẹn lại lấy thư ra đọc. Kiểu hẹn hò này vừa thú vị vừa tiện lợi. Có những điều không tiện nói khi gặp nhau thì nhờ chữ tỏ bày thoải mái.

Có hai ông bà già giận nhau quá nửa đời. Nhà họ cạnh nhau và hồi trẻ họ yêu nhau. “Hàng ranh” ngăn cách nhà họ chỉ là một cây ớt khổng lồ ra trái sum suê bốn mùa. Cây ớt do bà trồng để “làm ranh” khi họ quyết định đường ai nấy đi. Con cháu trong nhà ai mà không biết, đụng vào cây ớt là “có chuyện”. Cháu bà làm cây ớt gãy nhánh là bà chửi, chửi từ sáng đến chiều, chủ yếu cho ông nghe. Ông phải “tới số” với bà khi đàn gà nhà ông xơi tái một đống ớt chín trên cây. Cây ớt bị “suy suyển” kiểu nào, bà trút giận lên ông kiểu nào, ông cũng im lặng. Bà cứ chửi bới và bóng gió xa xôi thoải mái. Cây ớt vẫn vô tư sống hàng mấy chục năm nhờ công bà vun trồng tưới tắm. Bà gọi đây là “cây ớt thề”, thề không nhìn mặt ông cho tới chết. Đến một ngày, biết mình gần đất xa trời, ông mới chống gậy đến bên cây ớt hàng ranh mà e hèm hắng giọng: “Em Hai à em Hai ơi, cho qua nói một chút này…” Em Hai ở trong nhà nghe tình yêu gọi mừng muốn chết nhưng còn “làm giá”, biểu đứa cháu ngoại: “Mày ra coi cha già dịch đó nói gì”. Đứa cháu ngoại chạy ra rồi chạy vô nói: “Ông Ba ổng chỉ thích gặp em Hai à, chớ hổng thích gặp con”. Ừ, thì em Hai ra. Hai làm mặt lạnh: “Chắc năn nỉ cái vụ gà ăn ớt hôm qua phải hông?” Ông già ôn tồn đáp: “Tình yêu là tự nguyện chớ không năn nỉ van xin em Hai à. Chớ qua cũng biết mình còn sống không bao lâu trên cõi đời này nữa. Vợ qua với chồng em cũng đã chết lâu quá rồi. Cháu nội cháu ngoại tụi mình giờ cũng đầy đàn đầy đống. Chớ em Hai tính khi nào bỏ qua cái tội gì của qua đó mà qua quên mất rồi, để em chặt cây ớt thề khổng lồ này, cho tụi mình châu về hợp phố như xưa?” Em Hai nghe lạ lắm ở trong lòng, bốn mươi năm giá chồng mới lại nghe người xưa nói ngọt ngào như xưa, giá như nói sớm hơn chừng ba mươi chín năm thì Hai đã không mắng con chửi cháu làm gãy mấy nhánh ớt và đòi rô ti mấy con gà nhà ông già phá đám ớt chín của Hai. Mắt Hai rưng rưng nước, Hai nói yểu xiều: “Ừ, ai thích sao thì tui mần vậy, nhưng đừng có mần tui giận nữa nha hông, tui mà giận lần này nữa thì vô phương à!” Cây ớt hàng ranh được chặt bỏ. Không có hàng ranh là không ranh giới. Em Hai với anh Ba về lại với nhau làm bạn già trong nỗi vui mừng khôn xiết của con cháu.

Ngoài tình yêu bên hàng rào hàng ranh hàng giậu, chuyện “cho” và “nhận” của người miền Nam xưa qua “ba hàng” này cũng rất hay. Bà Năm đi chợ quên mua muối, đứng bên hàng ranh gọi với sang: “Ui chị Tám ui, cho tui mượn chút muối đi”. Vậy là Tám xúc cho Năm một chén muối vô tư, không hẹn ngày trả lại. Tám nấu nồi chè thưng béo ngậy, bưng một tô chà bá chuyển qua hàng rào: “Ui chị Năm ui, ra lấy tô chè ăn lấy thảo nè!” Hàng rào giữa nhà Năm và nhà Tám được dựng lên chỉ để “ngăn” mà không “cách”, chỉ “mang tính ước lệ” để biết nhà nào ranh giới tới đâu. Hàng rào có xộc xệch, được dựng lại cũng xuê xoa xuề xoà, có sai đi vài tấc đất cũng không sao, chứ không phải “căng” từng xăng ti mét vàng cục như bây giờ.

Hàng rào xưa với con nít còn hay hơn. Con nít thích “trổ lỗ chó” chui qua nhà hàng xóm hơn là đi vòng bằng cổng chính. Dễ mà, có gì đâu, bẻ cong mấy vòng kẽm gai dưới chân hàng rào là ẹp mình chui qua tốt. Con nít miền Nam xưa hay mặc áo rách lưng rách vai là do chui lỗ chó như vậy. Mà cũng có khi là chui lỗ chó vô vườn người ta hái trộm ổi, hái trộm khế. Người lớn hai nhà cũng biết con nít trổ lỗ chó chui qua chui lại nhưng vẫn không la vì thấy vậy có khi còn tiện hơn cho mấy đứa nhỏ qua lại mà chơi với nhau. Vườn nhà miền Nam xưa, con nít đâu chó đó. Chó luôn là con vật trung thành và là người bạn tốt của con nít trong nhà. Chó ngày xưa nuôi thả rông, tự kiếm ăn mà sống chứ không phải được chăm chút như thú cưng bây giờ. Con nít khoét lỗ hàng rào chui qua nhà hàng xóm chơi, chó chui theo, vậy là cái lỗ được khoét ấy kêu là “lỗ chó”.

Cái cách sống nói lên tình người. Người miền Nam xưa sống thoải mái, nhứt cận thân nhì cận lân nên tình nghĩa xóm làng thắm thiết đậm đà. Người trong một xóm hiểu nhau như trong một gia đình (tất nhiên có những riêng tư cần được tôn trọng). Chỉ cần nhìn qua hàng rào hàng giậu hàng ranh thì biết, chính sự “ngăn mà không cách” này đã thiết lập nên cách sống “tối lửa tắt đèn có nhau”. “Hàng xóm đi xa thấy nhớ” là điều có thật của miền Nam xưa. Trong xóm, nhiều gia đình cũng kết sui gia cùng nhau phần lớn do sự “đi xa thấy nhớ” này. Xóm làng miền Nam xưa quả là một quần cư hấp dẫn!

Cuộc sống hiện đại bây giờ vừa ngăn vừa cách tất cả các thứ nên nhiều hàng xóm sống cạnh nhau bao nhiêu năm trời mà vẫn không biết tên nhau. Và tất nhiên, nếu nhạt nhèo như vậy thì không có lí do gì cho bạn có những người hàng xóm “tối lửa tắt đèn có nhau”. Nhưng mà thôi, gặp hàng xóm cứ cười đi nhé, người ta sẽ cười lại với bạn rất nhiệt tình đấy. Bởi người ta cũng nghĩ như mình, cũng e dè như mình khi nghĩ về cái bà hàng xóm ấy, cái ông hàng xóm ấy. Ừ thôi, cười đi, cười thiện cảm mà, không ai tiếc chi đâu. Chỉ có điều, hàng xóm bây giờ không có thời gian dành cho nhau như ngày xưa, bởi ai cũng bị cuốn theo cơm áo gạo tiền như lốc.

T.T

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)