Từ nguyên mẫu đến nhân vật

Tôi viết Thư mùa đông từ trên chốt

Thứ Bảy, 21/01/2023 15:52

. HỮU THỈNH

Trước khi chuyển công tác sang Hội Nhà văn Việt Nam, nhà thơ Hữu Thỉnh nguyên là Phó Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Ở Văn nghệ Quân đội ông đã có những chuyến công tác, xông pha nơi trận tuyến, viết văn làm báo như một người lính trận. Chuyến lên biên giới phía Bắc năm ấy, ngoài những trang viết về liệt sĩ Lê Đình Chinh, Hữu Thỉnh còn có bài thơ Thư mùa đông rung động trong các thế hệ bạn đọc, không chỉ những người lính, cho đến tận bây giờ.

Đầu năm 1982, sau Tết Nhâm Tuất, Ban biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội quyết định cử một đoàn đi thực tế biên giới phía Bắc. Đoàn gồm có bốn người: Lê Lựu, Nguyễn Trí Huân, Ngô Vĩnh Bình và tôi. Chúng tôi lên đường vào một ngày Hà Nội mưa phùn và rét ngọt. Qua cầu Thăng Long, gần đến sân bay Nội Bài, xe rẽ trái nhập vào quốc lộ số 2, rồi cứ thế nhằm hướng biên giới thẳng tiến. Dạo đó quốc lộ số 2 xe chạy nhiều, đường xấu, nhiều đoạn hư hỏng không kịp sửa chữa, tốc độ xe đi rất chậm. Đêm đầu tiên chúng tôi dừng lại ở thị xã Tuyên Quang. Anh Gia Dũng, Chủ tịch Hội văn nghệ Hà Tuyên vốn là người nhà của Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Anh mới chuyển ngành và đang bắt đầu xây dựng cơ quan mới rất hăm hở. Anh Gia Dũng tiếp chúng tôi tại nhà riêng. Không khí gặp mặt rất vui và rất cảm động.

Nhà thơ Hữu Thỉnh. 

Sáng hôm sau, theo quốc lộ số 2, chúng tôi hành quân sớm. Càng lên cao đường càng hẹp và lắm đèo dốc. Tới cao nguyên Đồng Văn, trời bắt đầu lạnh, gió rít qua cửa lái xe hun hút. Chiếc com-măng-ca của chúng tôi leo dốc có vẻ nặng nhọc. Chúng tôi náo nức mong sớm tới mặt trận. Đến thị trấn Phó Bảng, chúng tôi cho dừng xe để hội ý đoàn. Theo tinh thần đã thống nhất từ nhà, cần phải có tiếng nói từ các mặt trận, chúng tôi chia đoàn ra làm hai bộ phận. Bộ phận thứ nhất gồm Lê Lựu và Nguyễn Trí Huân tiếp tục lên Đồng Văn rồi ra Lũng Cú. Bộ phận thứ hai gồm Ngô Vĩnh Bình và tôi đón xe hàng để đi Mèo Vạc.

Chuyến xe đi Mèo Vạc hôm ấy chật ních người. Gian khổ nhất là phải bò qua Mã Pí Lèng, một con đường vắt qua các núi đá, vừa hẹp vừa lắm dốc và rất hiểm trở. Ngồi trên xe, ngó xuống dòng sông Nho Quế sâu hun hút đến rợn người. Nhiều đoạn tôi phải nhắm mắt lại. Tôi đã ra vào Trường Sơn thời đánh Mĩ nhiều lần nhưng chưa có con đường nào cao chênh vênh đến chóng mặt như thế.

Khoảng 5 giờ chiều hôm ấy chúng tôi đến Mèo Vạc. Tôi liên hệ vào trụ sở huyện đội. Các đồng chí ở đây đón tiếp chúng tôi rất niềm nở. Sau bữa cơm tối là lo tiếp đến chỗ ngủ, anh em nhường cho chúng tôi hai chiếc giường cá nhân. Cả một ngày quần quật trên đường, đặt lưng xuống lại thấy khó ngủ. Vì trời lạnh quá. Suốt đêm trằn trọc vì cái lạnh thấu xương của biên giới. Những ngày sau chúng tôi được đưa ra thăm các chốt dọc đường biên. Ở đây đã diễn ra các trận chiến đấu quyết liệt của quân ta đánh bật đối phương về bên kia biên giới. Bộ đội ta ăn ở tại hầm. Điều kiện toàn mặt trận đều thiếu thốn. Anh em phải kiếm thêm cỏ khô để lót hầm. Ăn thì cơm độn với ngô xay. Xung quanh toàn núi đá, rất khó kiếm rau cải thiện. Bữa cơm của lính đạm bạc quá. Tôi ghi vào sổ tay hai câu thơ ứng khẩu:

Núi dấu trong lòng trăm thứ quặng

Anh bòn không kiếm đủ rau ăn

Nhưng cái ăn không ác liệt bằng cái rét. Hôm nào trời hửng còn đỡ, nhiều hôm mưa phùn gió bấc đem theo cái rét buốt đến tận óc. Hàng ngày chịu mấy trận pháo kích, đêm về rét tê cứng cả chân tay. Có đi thực tế mới thấy hết sự chịu đựng hi sinh của bộ đội ta ngoài mặt trận.

Từ những xúc cảm ban đầu, những ý tứ cứ ùa về giục tôi viết. Nhưng bắt đầu bằng cách nào đây? Cuối cùng tôi chọn cách viết một lá thư. Tôi đặt tên là Thư mùa đông. Vì có thực tế và có cảm xúc, tôi viết bài này khá nhanh. Viết xong, tôi đọc cho anh em xung quanh nghe. Cánh lính trẻ tỏ ra rất khoái. Có anh xin tôi chép lại trong sổ tay. Khi về đến toà soạn, tôi giữ nguyên bản thảo đã viết trực tiếp ở biên giới, không thêm bớt gì. Dưới bài thơ tôi ghi dòng chữ Mèo Vạc tháng 3 năm 1982.

Chiều biên giới. Ảnh: Thành Duy

 

                                         THƯ MÙA ĐÔNG

Thư viết cho em nhoè nét mực

Phên thưa sương muối cứ bay vào

Núi rét đêm qua chừng mất ngủ

Sáng ra thêm bạc một nhành lau

Ở đây tuyết trắng trên chăn mỏng

Bếp đỏ cơm trưa núi vẫn mờ

Mực đóng thành băng trong ruột bút

Hơ hoài than đỏ chảy thành thư

Chắn gió cây run trong rễ tím
Hạt ngô gieo xuống cũng co mầm
Có hôm đồng đội đi công tác
Nhớ đấy, nhưng mà... thêm lớp chăn.

Gà buốt gáy lười dăm tiếng khản

Ca bát khua cho đỡ bất thường
Núi giấu trong lòng trăm thứ quặng
Anh bòn không kiếm đủ rau ăn...

Gạo thường lên sớm, thư thời chậm
Đài mở thâu đêm đỡ vắng hầm
Bao năm không thấy màu con gái
Vó ngựa nghe nhầm tiếng guốc em...

Mây đến thường rủ anh mơ mộng
Biết vậy, khuya em đỏ ánh đèn
Ước gì có chút hương bồ kết
Cho đá mềm đi núi ấm lên.

 

H.T

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)