Từ nguyên mẫu đến nhân vật

Mộc miên đỏ một trời biên viễn…

Thứ Tư, 01/02/2023 13:26

NGUYỄN LINH KHIẾU

Có những bài thơ không dài nhưng cứ ám ảnh mãi trong một tứ thơ, một hình ảnh thơ gắn với một vùng tâm thức. Hoa mộc miên biên giới của nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu được trao giải Cuộc thi thơ Văn nghệ Quân đội 2008-2009 là một bài thơ như thế. Ẩn sau hình ảnh hoa mộc miên như một “nhãn thơ”, mỗi người đọc đều nghĩ đến những chiến sĩ biên phòng gắn bó cuộc đời mình nơi biên cương Tổ quốc…

Những năm làm báo, hầu như năm nào tôi cũng dành thời gian đi tới các vùng biên giới phía Bắc. Ở đó không chỉ lưu dấu nhiều tình cảm thời trẻ của tôi gắn với cuộc chiến bảo vệ biên giới mà với tôi, nơi đây cũng là vùng đất có thiên nhiên và con người vô cùng thân thiện, hùng vĩ và tươi đẹp. Điều may mắn là cơ quan tôi kết nghĩa với Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng nên mỗi lần lên biên giới tác nghiệp báo chí hay thăm hỏi tặng quà các chiến sĩ và nhân dân nơi địa đầu Tổ quốc bao giờ chúng tôi cũng được cán bộ, chiến sĩ bộ đội biên phòng nhiệt tình giúp đỡ và tạo mọi điều kiện.

Nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu. Ảnh: NVCC

Tôi đã đến hầu như các đồn biên phòng suốt dải biên cương phía Bắc từ Lai Châu đến Quảng Ninh. Khi là mùa xuân hoa nở rực rỡ núi rừng. Khi là mùa hè nắng cháy đỉnh núi. Khi là mùa thu lộng lẫy sắc vàng những ruộng bậc thang. Khi là mùa đông heo hút núi rừng lạnh giá. Dù khí hậu nhiều khi khắc nghiệt, đời sống còn muôn vàn khó khăn những ở đâu tôi cũng cảm nhận được sức sống mạnh liệt của thiên nhiên và con người nơi đây. Người lính bao giờ cũng là hình ảnh trung tâm ở mọi miền biên giới.

Mỗi khi lưu lại các đơn vị đồn trú nơi biên giới bao giờ trong tôi cũng trào dâng những tình cảm vô cùng thiêng liêng về người lính và Tổ quốc. Những tình cảm ấy đôi khi là sự tự hào, sự thán phục, sự kính trọng, nhưng cũng đôi khi trĩu nặng suy tư, day dứt. Đất đai, người lính, bảo vệ Tổ quốc, biên giới quốc gia và mối quan hệ ngàn đời giữa các quốc gia láng giềng... là những vấn đề luôn trở đi trở lại ám ảnh tôi. Vì sao các quốc gia đều xây dựng láng giềng hữu nghị mà chiến tranh vẫn xảy ra? Làm thế nào giữ được từng tấc đất cha ông trao truyền lại mà không phải đổ máu?

Núi rừng biên giới phía Bắc quanh năm hoa nở với rất nhiều loài hoa rất đẹp. Nhưng có một loại cây mọc sừng sững khắp dải biên cương các tỉnh miền núi phía Bắc và tháng ba hoa đỏ nở rực rỡ núi rừng. Quê tôi gọi đó là hoa gạo. Ở Tây nguyên gọi là hoa pơ lang. Còn ở đây, người lính biên phòng nói với tôi rằng đồng bào gọi đó là hoa mộc miên. Màu đỏ tươi của hoa mộc miên biên giới bao giờ cũng gợi cho tôi nhớ cuộc chiến biên giới năm xưa. Đó là cuộc chiến tranh biên giới bảo vệ Tổ quốc mà thế hệ chúng tôi đã đối diện, đã đổ máu với nhiều người đã mãi mãi nằm lại ở nơi này.

Hoa gạo biên cương. Ảnh: TL

Một ngày giáp tết, tôi cùng đồng nghiệp lên thăm, tặng quà đồng bào và chiến sĩ biên phòng nơi biên giới Hà Giang. Đêm mùa đông lạnh giá khi đang hàn huyên cùng các chiến sĩ đồn biên phòng Phó Bảng, huyện Đồng Văn thì tứ thơ Hoa mộc miên biên giới xuất hiện và tôi đã viết luôn bài thơ này. ''chẳng hiểu sao lần nào qua biên giới/ mộc miên cũng rực đỏ triền sông/ rực đỏ vách núi rực đỏ tâm can/ mộc miên đỏ một trời biên viễn/ như máu tươi ròng rã ngàn năm// dưới gốc mộc miên người lính biên phòng cùng ta nâng chén/ người xa nhà rượu ngô như lửa đêm đông/ thanh vắng vẳng tiếng hoa tầm tã/ khuya khoắt bóng ai rình rập dưới triền sông// có ai trồng mộc miên biên giới/ hay biên cương cây tìm đến mộc lên/ hoa máu tươi suốt ngàn năm tê tái/ cây sừng sững mướt xanh cột mốc biên cương''. Viết xong bài thơ, tôi đã đọc ngay cho mọi người nghe. Nghe xong, tất cả đều trầm lặng và không ai bình phẩm gì cả. Tôi có cảm giác bài thơ đã làm cho mọi người có mặt hơi buồn. Còn với tôi, bài thơ này đã giúp tôi hóa giải được một nỗi ám ảnh bao năm lặn lội nơi vùng biên cương phía Bắc Tổ quốc.

Bài thơ Hoa mộc miên biên giới cùng hai bài thơ Mưa rơi dọc Cam RanhNhững thiếu nữ ngoại quốc đứng khóc ở Sơn Mỹ sau đó được in ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Và được, Tạp chí Văn nghệ Quân đội trao giải trong cuộc thi thơ năm đó. Hoa mộc miên biên giới khi xuất hiện cũng được bạn đọc yêu mến và đã trở thành ngữ liệu giảng dạy trong trường phổ thông nhiều năm qua.

Đến bây, mỗi lần nhớ về giải thưởng thơ 2008 - 2009 của tạp chí Văn nghệ Quân đội, tôi vẫn còn xúc động. Tôi rất vinh dự vì đã được tạp chí Văn nghệ Quân đội ghi nhận cho những tác phẩm của mình. Với tôi, Tạp chí Văn nghệ Quân đội thực sự là một Ngôi đền thiêng của văn học Việt Nam. Được Tạp chí Văn nghệ Quân đội trao giải thơ, tôi tin nhà thơ nào cũng vô cùng tự hào.

N.L.K

 

 

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Có nhân vật chỉ là dáng dấp của nguyên mẫu, có nhân vật là nguyên mẫu đã sống và chiến đấu cùng tôi, suốt những năm tháng ở rừng... (VŨ NGỌC THƯ)