Không thể phủ nhận văn học châu Phi đang có vị thế ngày càng nổi bật trên sân khấu văn học toàn cầu. Vào năm 2021, các nhà văn của lục địa này đã gây bão trong thế giới văn chương. Chính vì điều này mà nhà văn Nam Phi - Damon Galgut đã nói trong bài phát biểu nhận giải tại lễ trao giải Booker 2021 rằng “2021 là một năm tuyệt vời đối với văn học châu Phi”. Nhận xét của Galgut đã chỉ ra một thực tế là rất nhiều giải thưởng văn học lớn trên toàn cầu trong năm đó đã thuộc về các nhà văn của lục địa đen.
Thời điểm vàng son
Những tác phẩm giúp định hình nên văn học châu Phi.
Ta có David Diop giành được giải thưởng Booker Quốc tế 2021 cho cuốn tiểu thuyết At Night All Blood is Black. Veronique Tadjo, nhà văn người Bờ Biển Ngà, đã giành giải thưởng Sách hay của thời báo Los Angeles cho cuốn tiểu thuyết In The Company of Men; trong khi nhà văn người Senegal gốc Pháp, Mohammed Mbougar Sarr, thì được trao giải Goncourt cho cuốn La Plus Secrete Mémoire des Hommes. Cũng trong năm 2021, nhà văn người Uganda gốc Anh, Jennifer Nansubuga Makumbi, đã giành được giải Jhalak cho cuốn tiểu thuyết The First Woman, còn nhà văn kì cựu người Zimbabwe, Tsitsi Dangaremba, đã giành giải PEN Pinter và giải thưởng Hòa bình của ngành Thương mại Sách Đức.
Trong khu vực nói tiếng Bồ Đào Nha, nhà văn Mozambique - Pauline Chiziane đã mang về giải thưởng văn chương danh giá Camōes. Ở Bắc Mĩ, nhà thơ người Canada gốc Nigeria, Tolu Oloruntoba, đã giành được giải văn học Toàn quyền cho tập thơ The Junta of Happenstance. Ngoài ra nhà văn người Mĩ gốc Nigeria, Tope Folarin, cũng giành giải thưởng Whiting…
Để tôn vinh tất cả, thì nhà văn người Anh gốc Tanzania, Abdulrazak Gurnah đã giành giải thưởng danh giá nhất hành tinh: Nobel Văn chương. Nhưng sự thừa nhận dành cho các nhà văn châu Phi vẫn chưa kết thúc vào năm 2021. Năm 2022, Boris Diop tiếp tục giành được giải thưởng Văn học Quốc tế Neustadt danh giá, trong khi cuốn tiểu thuyết Glory của Noviolet Bulawayo lọt vào danh sách rút gọn cho giải Booker. Đây là lần thứ 2 mà nhà văn này xuất hiện trong danh sách chung khảo.
Có nhiều cách nghĩ về “cơn lũ văn chương châu Phi” đang được toàn cầu công nhận này. Chẳng hạn, điều đó có nghĩa là thế giới cuối cùng đã thức tỉnh trước “thiên tài” viết lách của người châu Phi? Đó có phải là lời mời gọi các nhà văn châu Phi hãy tự hào về vị trí của mình trong đại sảnh danh vọng của văn chương thế giới? Hay nó vốn được thúc đẩy từ cái chết của George Floyd vào năm 2020, một vụ việc đã truyền cảm hứng cho cuộc biểu tình toàn cầu chống lại người da đen và vạch trần những định kiến đã ăn sâu đối với người gốc Phi?
Liệu sự công nhận toàn cầu này đối với văn học Phi châu có phải là một cử chỉ đền bù cho tất cả những đau khổ lịch sử do các quốc gia (Âu-Mĩ) và cũng đồng thời là nơi quản lí các giải thưởng này đã gây ra cho lục địa ấy? Việc hầu hết những người đoạt giải này đều là người châu Phi sống ở nước ngoài có quan trọng không? Câu hỏi cuối cùng về việc “chân trong chân ngoài” của các nhà văn châu Phi đã khiến nhiều người quan tâm. Cho dù đề cập đến tính xuyên quốc gia hay bản chất “hải ngoại” trong các tác phẩm của họ, thì dường như vẫn có một cuộc tranh luận giữa các nhà phê bình về triển vọng của văn học châu Phi hiện nay.
Tình thế “chân trong chân ngoài”
Cuộc tranh luận này trở nên sôi nổi nhất vào năm 2013 khi nhà văn người Mĩ gốc Nigeria, Tope Folarin, giành được giải Caine cho truyện ngắn Miracle, kể về một nhà thờ Tin lành Nigeria ở Texas (Mĩ). Một số nhà phê bình cho rằng Folarin đáng lẽ không nên đoạt giải vì ông không sống ở châu Phi và không viết về trải nghiệm của người châu Phi lục địa. Tuy nhiên, ban giám khảo giải thưởng đã kết thúc cuộc tranh luận bằng cách định nghĩa một nhà văn châu Phi là “bất kì ai đến từ bất cứ nơi nào trên thế giới là công dân của một quốc gia châu Phi, hoặc có cha mẹ là người châu Phi theo quốc tịch hoặc nơi sinh ra”.
Thành thật mà nói, khi nghĩ về các nhà văn châu Phi đương đại, những cái tên hiện lên trong đầu chúng ta ngay lập tức thường là các nhà văn sống ở nước ngoài hoặc viết về cộng đồng những người Phi châu sống ở cộng đồng hải ngoại. Họ là Chimamanda Adichie, Teju Cole, Mohamed Mbougar Sarr, Taiye Selasi, Mbolo Mbue, Maaza Mengiste, Akwaeke Emezi, Noviolet Bulawayo.... Có lẽ đây là lí do tại sao mà một trong những nhà phê bình văn học châu Phi hàng đầu - Cajetan Iheka, đã gọi là “bước ngoặt xuyên quốc gia và hải ngoại” trong văn học Phi châu.
Tuy nhiên ngay cả trước Iheka, thì Ambroise Kom ngay từ năm 1997 đã lập luận rằng văn học châu Phi là nền “văn học mồ côi” vì hầu hết các nhà văn và nhà phê bình của nó đang ngày càng trở nên “hải ngoại” hơn. Do đó, rõ ràng là văn học của những người châu Phi lưu vong và di cư (thường được gọi là văn học Afrodiasporic/người châu Phi hải ngoại/văn học người Phi châu hải ngoại toàn cầu/hậu thuộc địa) không phải là sự phát triển mới. Tùy thuộc vào những gì người ta đang cố gắng đạt được, loại văn học này có thể bắt nguồn từ năm 1789, khi Olaudah Equaino viết The Interesting Narrative of the Life of Olaudah Equaino, or Gustavus Vassa, the African (tạm dịch: Câu chuyện thú vị về cuộc đời của Olaudah Equaino, hay Gustavus Vassa, người châu Phi). Đây là cuốn hồi kí kể chi tiết về những trải nghiệm của một người đàn ông châu Phi bị bắt làm nô lệ và sau đó được trả tự do ở Anh, Hoa Kì và Tây Ấn.
Các nhà văn tạo nên vị thế mới cho văn học châu Phi.
Sau khi bãi bỏ buôn bán nô lệ xuyên Đại Tây Dương và trong thời kỳ châu Âu mở rộng thuộc địa, các nhà văn châu Phi cũng viết rất nhiều về trải nghiệm của người châu Phi sống ở phương Tây. Một ví dụ nổi bật là Ethiopia Unbound (1911) của JE Casely Hayford - cuốn tiểu thuyết kể lại trải nghiệm của một sinh viên châu Phi sống ở London. Ngoài ra còn có vở kịch The Blinkards trình diễn vào năm 1915 của Kobina Sekyi, châm biếm nhóm người thường được biết đến với cái tên “Been-tos” (những người Châu Phi sống ở Châu Âu một thời gian nhưng bắt đầu cư xử như người Châu Âu khi trở về quê hương).
Vào cuối thời kì thuộc địa và giai đoạn đầu của quá trình phi thực dân hóa, chúng ta có cuốn An African Abroad (1963) của Olabisi Ajala, một cuốn hồi kí kể lại hành trình đơn độc của một người đàn ông châu Phi đến Ấn Độ, Úc, Liên Xô và Trung Đông trong những năm 1950 và 1960. Ngoài ra còn có câu chuyện đầy ám ảnh về một phụ nữ người Senegal làm giúp việc gia đình ở Pháp trong truyện ngắn Black Girl của Ousmane Sembene (1962), sau này được chuyển thể thành phim vào năm 1966. Ngoài ra, nhà viết kịch người Nigeria, JP Clark cũng viết về thời gian ông ở Mĩ vào đầu những năm 1960, trong khi tiểu thuyết gia người Ghana, Ama Ata Aidoo, đưa chúng ta trở lại với câu chuyện “Been-to” trong cuốn tiểu thuyết đầu tay của bà, Our Sister Killjoy (1977).
Một ẩn dụ phổ biến trong hầu hết các tác phẩm văn học của cộng đồng người châu Phi hải ngoại trong giai đoạn này là sự chắc chắn về hồi hương. Nhân vật chính (sinh ra ở Châu Phi) thường xuyên trở về quê hương và được kì vọng sẽ đóng góp vào sự phát triển của quốc gia nơi mình sinh ra. Đây là nơi văn học của cộng đồng người châu Phi thời hậu thuộc địa khác xa với nền văn học trước đó của họ.
Trong những câu chuyện mới của cộng đồng người châu Phi hải ngoại, chúng ta cũng đã chứng kiến những cách thức mà theo đó sự vỡ mộng hậu thuộc địa đồng thời làm phức tạp thêm vấn đề hồi hương và làm mất đi sự gắn bó với quốc gia - dân tộc. Về bản chất, cuộc khủng hoảng hậu thuộc địa đã dẫn đến việc tạo ra những bản sắc có ‘dấu nối’ trong quê quán cho nhiều nhà văn châu Phi.
Cần phải nói rằng cuộc tranh luận về sự di cư của văn học châu Phi không chỉ nằm trong phạm vi chính trị của việc đọc và đánh giá nghệ thuật, mà còn nằm ở tình hình phức tạp của giới xuất bản toàn cầu. Khi vật lộn với cuộc tranh luận này, người ta cần đặt câu hỏi: những nhà văn châu Phi nào có quyền tiếp cận các nhà xuất bản khổng lồ của phương Tây như Knopf và Random House? Những tác phẩm nào được chọn đọc tại các câu lạc bộ sách trên khắp thế giới? Và những tác phẩm châu Phi đương đại nào được các giáo sư văn học phương Tây giảng dạy? Nói một cách thẳng thắn, cuộc tranh luận về sự di cư của văn học châu Phi về nhiều mặt chính là cuộc tranh luận về quá trình “Mĩ hóa” văn học châu Phi.
“Mĩ hóa” gắn liền với “bản địa hóa”
Tất nhiên có những nhà văn châu Phi viết từ các vùng khác của cộng đồng hải ngoại, nhưng chiếm số lượng lớn nhất vẫn là tác phẩm của người Mĩ gốc Phi. Và khi nói về văn học Afrodiasporic, nó cũng đồng nghĩa với sự thống trị về mặt đại diện của các nhà văn gốc Tây Phi (đặc biệt là người Nigeria). Một cách để giải thích thực tế này là những di sản thuộc địa và thực tế hậu thuộc địa thường khác nhau giữa các quốc gia châu Phi. Trong trường hợp của Nigeria, các quy định quân sự liên tiếp trong những năm 1980 và 1990 đã phá hủy ngành xuất bản của đất nước này, đến mức nhiều nhà văn Nigeria bắt đầu tìm kiếm các nhà xuất bản phương Tây.
Tình hình tuy vậy lại hoàn toàn khác ở một nơi như là Nam Phi. Tình hình kinh tế và chính trị hậu apartheid chưa trở nên nghiêm trọng đến mức tạo ra cộng đồng văn học Nam Phi ở hải ngoại, ít nhất là ở qui mô của Nigeria. Ngoài ra, ngành xuất bản Nam Phi là một trong những ngành mạnh nhất trên lục địa, do đó, không giống như nhiều nhà văn Tây Phi, các nhà văn Nam Phi đương đại không bắt buộc phải hướng về phương Tây để xuất bản tác phẩm của họ.
Ở một nơi như Zimbabwe thời hậu thuộc địa, nơi ngành xuất bản cũng bị ảnh hưởng bởi tình hình kinh tế tồi tệ của đất nước, các tác phẩm của những nhà văn đến từ nơi này ngày nay có xu hướng ưa chuộng những trải nghiệm bản địa hóa của người Zimbabwe so với những trải nghiệm của người hải ngoại.
Ngay cả Noviolet Bulawayo, người có thể được coi là một ngoại lệ, cũng lấy bối cảnh cuốn tiểu thuyết thứ 2 của mình (được xuất bản ở phương Tây) tại một đất nước không thể nhầm lẫn là Zimbabwe. Bulawayo không phải là nhà văn châu Phi duy nhất quay lại với lục địa châu Phi sau khi trở nên nổi tiếng nhờ viết về cộng đồng người châu Phi hải ngoại. Nhà văn người Mĩ gốc Cameroon, Imbolo Mbue, cũng quay trở lại để viết cuốn tiểu thuyết thứ 2 - How Beautiful We Were về lục địa này, sau khi nhận được sự hoan nghênh của giới phê bình khi viết về một gia đình người Cameroon ở Mĩ trong cuốn tiểu thuyết đầu tiên của cô, Behold the Dreamers.
Và ở một nơi như Angola, nơi các điều kiện kinh tế và chính trị hậu thuộc địa đã biến việc xuất bản địa phương thành một cuộc đấu tranh, nhiều tác phẩm đương đại của Angola thường được xuất bản lần đầu ở châu Âu và đôi khi ở Brazil, vẫn cố chấp lấy bối cảnh ở Angola và chỉ nói về người Angola ở quê nhà.
Hơn nữa, xem nhanh các tác phẩm châu Phi nói tiếng Pháp gần đây được dịch sang tiếng Anh (In The Company of Men của Veronique Tadjo, At Night All Blood is Black của David Diop, Kaveena của Boubacar Boris Diop, The Death of Comrade President của Alain Mabanckou…) cho thấy hầu hết các nhà văn châu Phi nói tiếng Pháp, ngay cả khi sống ở cộng đồng hải ngoại, vẫn đang ngày càng có một cam kết vững chắc trong việc viết về cuộc sống và trải nghiệm của lục địa châu Phi.
ĐOÀN ANH TUẤN dịch từ nghiên cứu của Sakiru Adebayo trên LitHub
VNQD