Ở tuổi 82, Isabel Allende là một trong những tác giả viết tiếng Tây Ban Nha được yêu thích và bán chạy nhất thế giới. Các tác phẩm của bà đã được dịch sang hơn 40 ngôn ngữ và hơn 80 triệu bản sách đã được bán ra trên toàn thế giới.
Tiểu thuyết mới nhất của Allende - My Name Is Emilia del Valle - sẽ được xuất bản vào ngày 6 tháng 5 tới, kể về một giai đoạn đen tối trong lịch sử Chile: cuộc nội chiến năm 1891. Giống như nhiều tác phẩm khác, đây là câu chuyện về những người phụ nữ dẫu trong hoàn cảnh khó khăn nhưng luôn tìm cách vươn lên nghịch cảnh.

Nhà văn gốc Chile Isabel Allende.
Về mặt chủ đề, nó không quá khác biệt so với câu chuyện của chính Allende. Bà lớn lên ở Chile, nhưng vào năm 1973, khi 31 tuổi, lúc nuôi hai đứa con nhỏ và đang làm nghề báo thì cuộc sống của bà đã bị đảo lộn. Năm đó, một cuộc đảo chính quân sự đã xảy ra. Bà đến Venezuela và tại đây đã viết Ngôi nhà của những hồn ma vô cùng nổi tiếng. Allende chuyển đến Hoa Kì vào cuối những năm 1980 - nơi bà vẫn viết đều đặn kể từ lúc đó.
*
- Trong suốt sự nghiệp, bà rất thường viết về những người phụ nữ “phá cách”, không chấp nhận những gì định mệnh hay định kiến bày ra. Vì sao bà lại lựa chọn cách tiếp cận này?
+ Với tôi thì thật khó để viết một cuốn sách xoay quanh những người vợ ngoan ngoãn ở vùng ngoại ô mà ngày này qua ngày khác chờ chồng đi làm về. Không có câu chuyện nào ở đó cả. Tôi viết về những người phụ nữ thách thức các quy ước rồi bị chà đạp cũng bởi điều đó, nhưng quan trọng hơn là họ vẫn luôn đứng lên và có thể tự bảo vệ mình. Đó là những nhân vật mà tôi yêu thích. Tôi viết về họ vì tôi hiểu họ rất rõ. Tôi sinh ra trong một gia đình Công giáo, bảo thủ, độc đoán, gia trưởng vào những năm 1940. Phụ nữ cùng thế hệ và ở tầng lớp xã hội giống tôi được cho là phải kết hôn và sinh con, vậy là chấm hết! Vì vậy, thoát khỏi cái “nhà tù của tâm trí” đó là một thách thức không mấy dễ dàng. Tôi thuộc thế hệ những người tiên phong trốn thoát khỏi đó.
- Bà nhận thức rằng xã hội mà mình đang sống là “nhà tù của tâm trí” từ lúc nào?
+ Mẹ tôi kể lại khi tôi lên 5 hoặc 6 gì đó, có lần bà hỏi tôi rằng: “Con muốn làm gì khi lớn lên?” Và tôi trả lời: “Tự nuôi sống bản thân”. Sau đó không lâu tôi nhận ra quyền lực luôn nằm trong tay đàn ông. Các linh mục, cảnh sát, ông tôi - luôn là nam giới. Và tôi nổi loạn chống lại điều đó, nhưng ở thời ấy tôi không biết nó được gọi là chủ nghĩa nữ quyền. Tôi chưa bao giờ nghe thấy từ đó. Và khi ở độ tuổi cuối thiếu niên, cuối cùng tôi cũng được nghe về chủ nghĩa nữ quyền và phong trào phụ nữ. Từ ấy tôi bắt đầu đọc những thứ có thể giúp mình diễn đạt rõ ràng sự tức giận mà bản thân đã cảm thấy trong suốt cuộc đời.
- Bà có bạn bè để chia sẻ không?
+ Tôi có bạn bè, nhưng về chuyện đó thì không. Thời ấy, những cô gái quanh tôi đều muốn yên bề gia thất. Tôi không biết nữa. Tôi chỉ tìm thấy một cộng đồng phụ nữ có cùng suy nghĩ sau khi bắt đầu dấn thân vào nghề báo, tại một tạp chí dành cho phụ nữ tên là Paula. Đây là lần đầu tiên ở Chile có một tạp chí dám viết về những chủ đề chưa từng được đề cập trước đây. Chúng tôi đã nói về phá thai, li hôn, ngoại tình... tất cả những thứ đó cộng với chính trị. Chúng tôi tham gia vào những gì đang diễn ra trên đường phố. Nhưng chúng tôi cũng có thời trang, làm đẹp và trang trí nhà cửa. Đó là một tạp chí dành cho phụ nữ bóng bẩy, nhưng với tất cả những thông tin mà phụ nữ chưa từng có trước đây. Nó đã gây ra khá nhiều xôn xao!

Các tác phẩm nổi tiếng của Isabel Allende.
- Cũng nhờ có nó mà bà đã gặp được một cây viết Chile vĩ đại đúng không?
+ Vâng. Đó là Pablo Neruda. Lúc ấy ông đang ở một căn nhà bên bãi biển ở Isla Negra. Ông đang bị bệnh và vừa nhận giải Nobel Văn chương. Ông ấy mời tôi đến nhà, và tôi nghĩ ông muốn mình phỏng vấn. Mọi người trong tạp chí đều rất ghen tị vì ông đã chỉ định tôi. Lúc đó là mùa đông, tôi nhớ mình đã lái xe trong mưa trong trong suốt chặng đường đến đó. Ông ấy đón tiếp tôi rất tử tế. Ông ấy đã đãi tôi bữa trưa cùng một chai rượu vang trắng. Pablo cũng cho tôi xem bộ sưu tập của mình mà vào lúc đó không mấy ai coi nó có giá trị.
Khi thời gian trôi qua, tôi đã nói rằng: “Thưa ngài Pablo, chúng ta phải vào việc thôi, vì trời sắp tối và tôi phải quay về nhà.” Khi ấy ông khá ngạc nhiên và hỏi lại tôi: “Phỏng vấn gì cơ?” Sau vài phút im lặng để hiểu tình hình, ông đã nói rằng: “Ồ không, cô gái trẻ à. Tôi không cho cô cơ hội đó đâu. Cô là nhà báo tệ nhất của đất nước này. Cô luôn tự đặt mình vào giữa mọi thứ. Cô nói dối mọi lúc. Và tôi chắc nếu không có câu chuyện nào đủ hấp dẫn thì cô sẽ tự bịa ra. Tại sao cô không chuyển sang địa hạt văn học nhỉ, nơi những khiếm khuyết trong nghề báo này lại là tài năng trong lĩnh vực đó?”
Tôi đáng lẽ phải chú ý đến gợi mở này, nhưng đã không làm vậy phải cho đến nhiều năm sau.
- Bị nhận xét như thế hẳn bà cũng rất tổn thương?
+ Tất nhiên tôi rất đau lòng! Nhưng ông ấy nói quá đỗi tử tế.
- Mọi chuyện sau đó thế nào?
+ 2 tháng sau cuộc đảo chính quân sự nổ ra, vậy là mọi kế hoạch cho tương lai bỗng dưng đi tong. Mọi thứ chệch hướng một lần và mãi mãi. Và đó là thời điểm mà tôi phải đi theo một hướng hoàn toàn mới, không được lên kế hoạch cũng như mong đợi. Sự nghiệp làm báo của tôi kết thúc ở đó.
- Sau đó bà đến Venezuela và viết Ngôi nhà của những hồn ma thành công vang dội ở tuổi 39. Có phải là quá trễ không?
+ Lúc ấy tôi không nghĩ gì về tuổi tác cả. Với những biến cố vừa mới xảy ra, trong tôi toàn là những lời tuyệt vọng: cuộc sống của mình chẳng đi đến đâu, rằng tôi đã sống gần 40 năm và chẳng có gì ngoài 2 đứa con. Tôi rất chán nản khi phải quản lí một ngôi trường ở một đất nước không phải của mình. Tôi cảm thấy xa lạ theo nhiều cách, giống như một vị khách vậy. Từ đó mà tôi muốn được quay về, muốn gặp lại bạn bè, có lại công việc cũng như cuộc sống của tôi trước đây.
Và trong nỗ lực lấy lại những thứ đã mất, tôi bắt đầu đưa vào những giai thoại về ông tôi, về đất nước tôi, về những con người mà mình đã gặp vào trong trang giấy. Cả một ngôi làng đã đến quầy bếp nơi tôi đang viết và lấp đầy các trang giấy. Tôi không suy nghĩ, không cả kế hoạch, mọi thứ cứ thế tuôn ra. Tôi không có dàn ý nào cả và cũng chẳng biết làm sao để nó hấp dẫn. Khi đã viết xong, chồng tôi - một kĩ sư xây dựng - đọc nó và nói rằng các phần của nó không hề logic. Chẳng hạn một nhân vật ở trang 20 đã 18 tuổi để rồi sau 300 trang sách, tuổi 18 ấy vẫn được giữ nguyên. Sao kì lạ thế, y không già à? Vậy là anh ấy đã tạo một bản đồ trên tường với ngày tháng và sợi dây liên kết các nhân vật. Anh ấy giúp tôi sắp xếp chúng lại.
- Có thể nói việc viết đã “cứu” bà không?
+ Lúc ấy tôi hoàn toàn lạc lối và chán nản. Tôi nghĩ mình bị trầm cảm. Nhưng có một điều luôn tồn tại trong cuộc sống của tôi: đó là việc viết. Viết như một nhà báo, viết thư cho mẹ tôi, cho ông tôi, luôn luôn phải viết. Tôi nghĩ viết là ngọn nguồn của mọi thứ: cách tôi vượt qua mọi thứ, để hiểu và để khám phá tâm hồn chính mình. Tôi cũng tìm lại quá khứ trong hành động đó và quan trọng nhất là để ghi nhớ. Khi con gái tôi mất, đó là thời điểm tồi tệ nhất trong cuộc đời. Viết giờ là cách duy nhất để tôi thấu hiểu, đối phó với mất mát này.
- Bà nói mình viết như một hành động ghi nhớ. Giờ đây điều bà muốn lưu giữ nhất là gì?
+ Đó là chính tôi trong việc già đi. Tôi nghĩ đó là chủ đề hấp dẫn nhưng tréo ngoe thay lại bị cấm kị trong xã hội mà chúng ta đang sống. Mọi người không muốn nghe về sự già đi. Nó xấu xí, tôi không phủ nhận, nhưng nó cũng rất có thể sẽ giải phóng ta khỏi mọi biên giới và là hành trình vô cùng tuyệt vời. Vì vậy, tôi đang cố gắng ghi lại điều này ngay bây giờ đây.
Nhưng tôi cũng rất quan tâm đến những gì đang diễn ra trên thế giới nữa. Tôi nghĩ các sự kiện chính trị như những gì đang xảy ra ở nước Mĩ này không thể được phân tích, giải thích hoặc là thấu hiểu ngay lúc này đây. Cần phải nhìn nó dưới khoảng lùi thời gian. Tôi biết điều đó vì từng không thể viết về cuộc đảo chính quân sự ở Chile khi nó xảy ra. Lúc ấy tôi có tất cả thông tin, thế nhưng ngòi bút thì lại tắc tị. Phải nhiều năm sau đó thì Ngôi nhà của những hồn ma mới ra đời. Tôi hi vọng mình sẽ có đủ thời gian để có thể nhìn nhận những gì chúng ta đang sống ngày nay với những góc nhìn thú vị.
NGÔ THUẬN PHÁT dịch từ The New York Times
VNQD