Dư Hoa sinh năm 1960 tại ở huyện Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, miền đông Trung Quốc vào thời kì đỉnh cao của Cách mạng Văn hóa. Những tác phẩm mang tính bước ngoặt trong thập niên 80 đã giúp ông cùng Mạc Ngôn, Tô Đồng, Cách Phi, Mã Nguyên và Tàn Tuyến trở thành một trong những tiếng nói hàng đầu của phong trào văn học tiên phong Trung Quốc. Các sáng tác nổi bật của ông có thể kể đến Gào thét trong mưa bụi (1992), Sống (1993), Chuyện Hứa Tam Quan bán máu (1995), Huynh đệ (2005–2006)…
Bài phỏng vấn sau đây được đăng trong số mùa đông 2023 của Tạp chí The Paris Review, thực hiện bởi Michael Berry - dịch giả chuyển ngữ cuốn tiểu thuyết Sống sang tiếng Anh hơn 25 năm trước.
*
- Được biết ông từng là một nha sĩ trước khi viết văn. Làm sao điều đó xảy ra?
+ Tôi học xong trung học vào năm 1977, ngay khi Cách mạng Văn hóa kết thúc và kì thi tuyển sinh đại học được khôi phục trở lại. Tôi trượt 2 lần, và năm thứ 3 lại có bài kiểm tra tiếng Anh nên tôi không có hi vọng đậu. Tôi bỏ cuộc và tiến thẳng vào nghề nha sĩ. Vào thời điểm đó, nhà nước thường phân công việc làm, và họ cho tôi công việc giống hệt bố mẹ khi 2 người họ đều từng làm việc tại bệnh viện quận. Tôi làm nha sĩ trong vòng 5 năm, chủ yếu chữa bệnh cho nông dân thôi.
- Ông có thích nó không?
+ Phải nói là không. Chúng tôi thường phải làm việc 8 giờ một ngày và chỉ được nghỉ mỗi ngày Chủ nhật. Ở trường đào tạo, họ bắt chúng tôi ghi nhớ từng vị trí của đường gân, cơ bắp – nhưng chẳng có lí do gì để biết những thứ đó. Anh không cần biết bởi việc anh làm chỉ là nhổ răng.
Nhà văn Dư Hoa.
- Rồi ông bắt đầu viết truyện ngắn khi nào?
+ Đâu đó khoảng năm 1981 hoặc 1982. Tôi thấy mình ghen tị với những người làm việc cho cái mà chúng tôi gọi là trung tâm văn hóa, khi họ suốt ngày được lang thang trên khắp đường phố. Tôi từng hỏi họ: “Sao các anh không làm việc đi?”, còn họ thì đáp, “Tôi vẫn đang làm đấy thôi”. Tôi nghĩ nó khá phù hợp với bản thân mình.
Nhưng việc chuyển từ bệnh viện sang viết văn khá là khó khăn bởi sự quan liêu vào giai đoạn đó. Anh phải thông qua phòng y tế, phòng văn hóa và ở giữa là phòng nhân sự. Nhưng sau đó, tất nhiên, mọi chuyện chưa dừng ở đó. Còn có vấn đề cấp bách hơn nữa là cung cấp bằng chứng để chứng minh rằng tôi có khả năng để làm việc đó. Mọi người ở đó đều có thể sáng tác nhạc, vẽ tranh hoặc là sáng tạo thứ gì khác biệt, nhưng những việc đó dường như quá khó với tôi. Chỉ còn lựa chọn duy nhất có vẻ dễ dàng là học cách viết truyện. Tôi nghe nói nếu được xuất bản, thì anh sẽ có cơ hội gia nhập vào đây.
- Vậy hành trình ấy có dễ dàng không?
+ Tôi nhớ rất rõ mình đã chật vật để viết câu chuyện đầu tiên. Lúc ấy tôi 21 hoặc là 22, nhưng hầu như không biết chút gì, từ cách ngắt đoạn cho đến vị trí đặt dấu ngoặc kép. Ở trường, phần lớn việc luyện viết của chúng tôi đó là sao chép từ những bài báo. Đó là bài tập duy nhất đảm bảo được sự an toàn, bởi nếu anh tự viết và xui rủi thay gây ra hậu quả nghiêm trọng thì anh có khả năng sẽ bị gắn mác là phản cách mạng.
Hơn hết tôi chỉ có thể viết vào ban đêm. Lúc ấy tôi đang sống trong căn nhà một phòng ở rìa khu đất của bố mẹ tôi, cạnh một con sông nhỏ. Mùa đông ở Hàng Châu rất lạnh, hồi đó nhà tôi không có phòng tắm, vì vậy tôi phải đi bộ gần 5 - 6 phút thì mới tìm được nhà vệ sinh công cộng. May mắn thay, khi mọi người đã ngủ say, tôi có thể tự mình đi xuống và tè xuống sông. Tuy nhiên, đến lúc tôi quá mệt để mà viết tiếp, cả 2 chân tôi đều tê cứng và tay trái tôi lạnh cóng. Khi tôi xoa 2 bàn tay vào nhau, tôi có cảm giác như chúng thuộc về 2 người khác nhau – 1 người đang sống và 1 người đã chết.
- Ông đã học cách kể một câu chuyện như thế nào?
+ Yasunari Kawabata là người thầy đầu tiên của tôi. Tôi đã đăng kí mua 2 tạp chí văn chương vô cùng xuất sắc ở thời điểm đó, là Văn học thế giới của Bắc Kinh và Văn học Nghệ thuật nước ngoài của Thượng Hải. Tôi đã khám phá ra nhiều nhà văn theo cách này, cũng như rất nhiều tác phẩm văn học Nhật Bản thế kỉ 19, 20. Lúc đó chúng tôi đã có một hiệu sách nhỏ ở Hàng Châu, và tôi mua sách một cách mù quáng. Một ngày nọ, tôi tình cờ đọc được một câu trích dẫn của Bernard Berenson 1 về cuốn Ông già và biển cả, về cách “mọi tác phẩm nghệ thuật thực sự sẽ đều chứa đựng biểu tượng và ẩn ý ngầm” – và đó là cách tôi học viết văn.
Vào thời điểm đó, khi sách đã bán hết cả, thì các nhà xuất bản Trung Quốc thường không in thêm, vì vậy anh sẽ không biết liệu cuốn mình cầm trên tay có phải là hiếm hoi không. Tôi nhớ mình đã thuyết phục một người bạn nọ mà sau này chuyển sang lĩnh vực kinh doanh bất động sản bán cho tôi cuốn Những truyện ngắn chọn lọc của Kafka cũng như Chiến tranh và hòa bình. Anh ấy tính rằng khi tôi mua nó gấp đến 4 lần giá bìa thì đó là một món hời. Vì vậy tôi đọc Thầy lang quê trước. Những con ngựa trong câu chuyện này không biết từ đâu xuất hiện. Chúng đến khi bác sĩ bảo và rồi rời đi cũng tương tự thế. Ồ, triệu hồi một thứ gì đó khiến nó xuất hiện và đuổi nó đi, làm nó biến mất… Kafka đã dạy cho tôi loại tự do đó.
Nhưng những câu chuyện đầu tiên của tôi là về cuộc đời và thế giới mà tôi quen thuộc, và chúng chưa được ra mắt, bởi tôi luôn nghĩ chúng chỉ như những đứa trẻ còn chưa kịp lớn. Khi bắt đầu viết, tôi phải đặt một trong những tạp chí đó xuống bên cạnh bàn - nếu không thì tôi không biết làm sao để hoàn thành nó. Câu chuyện đầu tiên của tôi rất tệ, gần như vô vọng, nhưng có 1 hoặc 2 dòng mà tôi nghĩ thực ra mình viết khá hay. Tôi thực sự ngạc nhiên khi thấy mình có khả năng tạo ra những câu văn hay đến mức như vậy. Thế là đủ để tôi tự tin bước tiếp. Tác phẩm thứ hai thì thành công hơn - nó có một cốt truyện và những diễn biến mang tính hoàn chỉnh. Với truyện ngắn thứ ba, tôi thấy rằng không chỉ có một câu chuyện mà còn có sự khởi đầu của các nhân vật. Câu chuyện đó là Kí túc xá số 1, nói về việc ở chung phòng với 4 hoặc 5 nha sĩ từng được đào tạo tại Bệnh viện số 2 Ninh Ba. Tôi đã gửi đi và nó trở thành tác phẩm đầu tiên của tôi, đăng trên tạp chí tên là Hồ Tây vào năm 1983. Năm sau, tôi được chuyển về trung tâm văn hóa.
- Ông thấy việc được xuất bản có dễ dàng không?
+ Tôi rất may mắn. Trong Cách mạng Văn hóa, không có tạp chí văn học thực sự nào ở Trung Quốc được phát hành. Lúc đó chỉ có một tờ tạp chí ở Thượng Hải, đó là Những đám mây bình minh. Nó cũng vừa đủ nhưng không phong phú, và tất cả đều rất đúng đắn về mặt chính trị. Sau đó các tạp chí cũ bắt đầu xuất hiện, cũng có những tờ mới nữa. Ngay cả ở Hàng Châu, chúng tôi cũng có những kiosque nhỏ không bán gì ngoài tạp chí văn học. Và có một khoảng thời gian từ năm 1978 – 1984, các tờ báo này còn không có đủ tác phẩm của các cây bút thành danh để mà sử dụng. Điều đó đã tạo ra môi trường tuyệt vời, nơi các biên tập viên (BTV) rất coi trọng bài thảo gửi đến. Một tác phẩm đạt sẽ được bọn họ truyền khắp tòa soạn để toàn bộ nhân viên có thể xem xét.
Đến năm 1985 thì lại rất khác. Lúc này rất khó để được xuất bản nếu anh không có quan hệ hoặc là quen biết, đặc biệt càng khó nếu anh còn được coi là “người tiên phong”. Tôi nhớ mình đã quay lại một trong những văn phòng của tạp chí này, ngồi trò chuyện với một số BTV và nhìn thấy một đống bản thảo chất đống trong góc sẵn sàng chờ xe rác đến. Tôi nhận ra rằng nếu viết chậm hơn 2, 3 năm thì tôi giờ đã là nha sĩ.
- Sau đó quá trình làm việc ở trung tâm văn hóa có nhàn nhã như ông tưởng tượng không?
+ Tuyệt đối là thế. Rất dễ để báo cáo rằng anh phải rời văn phòng để đi thực địa cho một dự án nào đó nhưng thực ra lại về nhà ngủ. Sau khi thức dậy, tôi tiếp tục viết ngay tại nhà mình. Điều tuyệt vời nhất khi trở thành một nhà văn là anh không cần đồng hồ báo thức. Có thể nói cuộc sống lúc nào cũng cần có nó là điều đau khổ không cần thiết.
Lúc đầu, tôi đến văn phòng vào mỗi buổi chiều và nhìn xung quanh, nhưng chẳng bao lâu, việc đó trở thành mỗi tuần một lần, và cuối cùng tôi chỉ đến vào ngày lĩnh lương để nhận tiền mặt.
Đôi khi những nhân viên khác phàn nàn về việc tôi không đến chỗ làm, nhưng sếp thấy rõ tôi vẫn được việc thậm chí ở nhà. Ông ấy chỉ muốn tôi viết. Ông đã thấy rất nhiều điều vào thời gian đó, cũng như thấu suốt tất thảy mọi thứ. Ông quen biết tất cả các cán bộ của và ông nghĩ, “Chà, chán quá. Càng có nhiều cái tên thì sẽ ít phàn nàn hơn”.
Kawabata Yasunari và Franz Kafka là hai nhà văn tạo cảm hứng cho Dư Hoa.
- Thập niên 80 là một thời kì độc đáo trong lịch sử Trung Quốc. Đó là thời kì phục hưng sau Cách mạng Văn hóa. Trải nghiệm của ông về những ngày đầu cải cách kinh tế là gì?
+ Những nhà văn tiên phong thuộc thế hệ tôi có lẽ là những người hoài niệm nhất về thập niên 80. Chính trong làn sóng đó mà chúng tôi bắt đầu suy nghĩ lại mọi thứ - tất cả những thảm họa của những năm 60 và 70. Nghệ thuật và hệ tư tưởng phương Tây bắt đầu tràn vào, và chúng tôi đổ xô vứt bỏ trang phục truyền thống, mặc vào những bộ quần áo sặc sỡ của nước ngoài, bất kể là chúng có vừa hay không. Nhưng đó là một thời kì khó khăn, khi sự thỏa hiệp nghiêng về bên trái và rồi sau đó lại về bên phải.
Từ năm 1982 trở đi, chúng tôi có một tổng bí thư vô cùng cấp tiến là Hồ Diệu Bang. Nhưng vào năm 1987, một chiến dịch chống “ô nhiễm tinh thần” và “tự do hóa tư sản” bắt đầu, ông ấy mất chức. Lúc đó 3 cuốn tiểu thuyết bao gồm 1986, Sai lầm bên bờ sông và Sự cố ngày 3 tháng 4 sắp được xuất bản. Đột nhiên tôi bị coi là tư sản, chỉ vì các tác phẩm này chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa hiện đại phương Tây. Tôi có cảm giác như mình vừa bò ra khỏi hố đen để rồi lại bị đá ngay vào đó.
Hóa ra dưới thời Triệu Tử Dương, mọi thứ thậm chí còn trở nên tự do hơn trước, và những truyện ngắn trong các cuốn đó rồi sẽ được đăng trên 2 tạp chí vô cùng uy tín vào thời điểm đó là Vụ mùa và Trung Sơn Văn học ra hai tháng một lần. Nhưng 2 năm sau, sau sự kiện ngày 4 tháng 6 2, tôi nghĩ có lẽ sự nghiệp viết lách của mình sắp sửa kết thúc. Không ai có thể ngờ rằng với chuyến công du miền Nam của Đặng Tiểu Bình vào năm 1992, mọi chuyện lại càng thêm phần tự do. Thập niên 80 là một thập kỉ rất đẹp, nhưng vẻ đẹp ấy không hề liên tục. Đối với tôi đó là khoảng thời gian không ngừng bước đi qua lại giữa hi vọng và tuyệt vọng.
- Ông có thấy mình là một phần của phong trào văn học lúc ấy không?
+ Nếu Mạc Ngôn, Tàn Tuyết và Mã Nguyên không đến trước tôi, và nếu không có 2 người khác là Tô Đồng hay Cách Phi ngang hàng với mình, thì tôi có lẽ đã không viết nhiều như thế. Khi chỉ một mình tôi có cảm giác như đang đơn độc chống lại giáo điều, nhưng khi đọc các tác phẩm của họ, tôi biết mình không cô đơn. Cùng nhau, chúng tôi đã thu hút được sự chú ý của thế giới văn chương. Tôi nhớ tổng biên tập của một tạp chí đã công khai nói rằng những gì chúng tôi đang viết không phải văn học. Nhưng một nhóm những nhà phê bình cùng thời đó đã kịp xuất hiện. Họ là Trần Hiểu Minh 3, Trương Thanh Hoa 4 và những người khác. Họ rất ủng hộ và rồi trở thành bạn bè thân thuộc của chính chúng tôi.
- Ông có thường xung đột với các BTV không? Ông từng nói rằng khi xuất bản một trong những truyện ngắn đầu tiên của mình, BTV thấy cái kết quá buồn và yêu cầu thay đổi nó?
+ Đó là trên tờ Văn học Bắc Kinh vào năm 1983. Thực tế đó là BTV Lý Đà (Li Tuo), người sau này đã giới thiệu 1986 và Sự cố ngày 3 tháng 4 cho tạp chí Vụ mùa. Đặc biệt 1986 là một câu chuyện tương đối bạo lực mà không nhiều tạp chí dám xuất bản. Hồi đó, vị tổng biên tập là ngài Ba Kim 5. Ông ấy được kính trọng đến mức ngay cả các gia đình chính trị lớn cũng không tác động được đến ông ấy, và tôi coi những cuộc thảo luận ở Vụ mùa là những khoảnh khắc mà tôi tiến bộ nhất với tư cách là một nhà văn. BTV của tôi, Tiểu Nguyên Dân (Xiao Yuanmin), đã viết một lá thư dài đựng trong một phong bì dày để nói rằng họ đã chấp nhận cả 2 tập truyện, tuy nhiên có một số đoạn trong 1986 cần phải điều chỉnh để giảm bớt giọng điệu nhưng vẫn giữ được phong cách của tôi. Cô ấy đã sao chép mọi đoạn văn và kèm theo những phần biên tập của mình bên dưới để tôi xem qua. Tôi rất ngạc nhiên khi một tạp chí được kính trọng thế này lại đối xử với những tác giả ít tên tuổi hơn của nó một cách tôn trọng như vậy.
- Tại sao lại có quá nhiều bạo lực trong tác phẩm của ông từ những năm 80?
+ Bạo lực cứ thế tuôn ra mỗi khi tôi viết, tôi không thể ngăn được. Những người chỉ trích tôi thường nói rằng tôi đã bị ám ảnh bởi bạo lực, và họ đã đúng. Tôi nghĩ nó có liên quan đến thời thơ ấu mà tôi lớn lên trong Cách mạng Văn hóa. Tôi đã chứng kiến nhiều điều không tưởng. Trong khi đó, bố tôi là bác sĩ phẫu thuật duy nhất ở bệnh viện quận. Tôi và anh trai thường lẻn vào theo dõi ông trong phòng phẫu thuật cho đến khi ông nhận ra và bảo chúng tôi rời ngay khỏi đó. Có một cái ao bên cạnh phòng phẫu thuật, đó chính là nơi mà các y tá sẽ đổ những khối u mà họ đã cắt ra khỏi bệnh nhân. Vào mùa hè, nó đầy ruồi nhặng đến mức anh không thể nhìn được cả mặt nước. Mọi thứ giống như có một tấm chăn phủ che lên nó. Ao đó bốc mùi kinh khủng.
(Còn nữa…)
ĐOÀN ANH TUẤN dịch
1. Bernard Berenson (1865 –1959) là sử gia nghệ thuật nổi tiếng người Mĩ, chuyên về thời Phục hưng. Mối quan hệ giữa Hemingway và Berenson là “một tình bạn kỳ lạ”, bởi lẽ nền tảng văn hóa của họ hoàn toàn khác nhau. Họ trao đổi thư từ từ năm 1949 đến năm 1957 nhưng chưa bao giờ gặp mặt.
2. Biểu tình ở Thiên An Môn.
3. Trần Hiểu Minh (Chen Xiaoming) hiện đang nghiên cứu và giảng dạy Văn học Đương đại Trung Quốc tại Đại học Bắc Kinh. Trọng tâm nghiên cứu của ông nằm ở việc nghiên cứu văn học Trung Quốc đương đại và các lý thuyết về chủ nghĩa hậu hiện đại.
4. Trương Thanh Hoa (Zhang Qinghua) là một trong những nhà phê bình văn học Trung Quốc đầu tiên quảng bá tác phẩm của Mạc Ngôn ở Trung Quốc.
5. Một trong những nhà văn rất lớn của Trung Quốc. Ông được coi là gương mặt xuất chúng, nổi tiếng vượt khỏi biên giới.
VNQD