Alice Walker: “Tôi không quan tâm đến di sản của mình”

Thứ Sáu, 15/03/2024 08:55

Alice Walker là tác giả đoạt giải Pulitzer với cuốn tiểu thuyết Màu tím vô cùng nổi tiếng. Trong suốt sự nghiệp gần nửa thế kỉ, bà đã ra mắt 40 tác phẩm, đồng thời là nhà hoạt động và nhà giáo dục vì xã hội. Bài phỏng vấn sau đây sẽ nói nhiều hơn về tác phẩm trên, cũng như rất nhiều quan điểm hướng về số đông được bà thể hiện trong tác phẩm này.

Tiếng nói của người yếu thế

- Màu tím là cuốn sách thứ 10 của bà và được viết dưới dạng những bức thư gửi Chúa. Nó đã được xuất bản cách đây hơn 30 năm nhưng dường như người ta chưa bao giờ chán nó. Bà nghĩ đâu là lí do khiến câu chuyện này gây được tiếng vang ở cả ngày ấy cũng như bây giờ?

+ Williams Faulkner từng nói: “Quá khứ không phải là quá khứ.” Tôi cũng nghĩ vậy. Màu tím vẫn được đón nhận ở nhiều nơi trên thế giới. Ví dụ, gần đây có một vở kịch chuyển thể được diễn ở Nam Phi và gây được tiếng vang lớn, trong khi đâu đó ở Canada một phim điện ảnh được đạo diễn bởi một phụ nữ da đen cũng đã ra mắt, và đó là điều chưa có tiền lệ. Nó cho ta thấy quá khứ không phải là quá khứ. Khi chúng ta phản ánh tất cả những vấn đề này trong một thế kỉ khác, nó sẽ không còn phù hợp nữa. Khi viết, tôi thấy phụ nữ cũng như đàn ông từng đón nhận nó vì họ cảm nhận được mối liên hệ với tổ tiên mình. Nhưng bây giờ đây khoảng cách giữa các thế hệ đang dần biến mất, mọi thứ cũng đang thay đổi, và tôi thấy thích điều đó.

Nhà văn Alice Walker.

- Màu tím đã bắt đầu như thế nào?

+ Mọi câu chuyện đều phải bắt đầu từ đâu đó! Chúng ta cần hiểu sự im lặng của Celie - nhân vật chính. Khi một đứa trẻ bị lạm dụng, thứ duy nhất có thể khiến chúng không hé lời nào là nói gì đó khiến chúng sợ hãi, rằng chúng sẽ mất mẹ, mất anh chị em và bạn bè mình.

Tôi viết cuốn sách khi bắt đầu li hôn chồng, và vẫn là biên tập viên của tạp chí Ms. tại New York. Thế nhưng sau đó tôi nhận ra không nhân vật nào trong cuốn sách này từng nghe thấy tiếng xe cộ, vì vậy thành phố nhộn nhịp là nơi sai lầm để khai triển nó. Vì vậy, tôi chuyển đến một thị trấn nhỏ ở phía bắc California để hòa mình vào thiên nhiên.

- Màu tím thật sự có ý nghĩa gì khi bà chọn nó làm tựa?

Thực ra nó có thể là bất kì màu nào ta không để ý - bất cứ màu nào! Bất cứ điều gì cũng có thể là màu tím. Đó là một biểu tượng. Nó nói lên sự mù quáng của chúng ta về sự kì diệu của nơi này, trên chính Trái đất chúng ta đang sống. Mọi người ngang qua những điều tuyệt vời mỗi ngày mà không để ý. Màu Tím được chọn vì nó có vẻ hiếm hoi nhưng lại đồng thời hiện diện khắp mọi nơi. Nó là bóng tối của những tảng đá và của nhiều thứ. Nó ở mọi nơi.

- Bà mất bao lâu để hoàn thành Màu Tím?

+ Thực ra quá trình viết cuốn sách này mất khoảng một năm, nhưng bạn biết đấy, trong quá trình đó tôi còn phải li hôn, rời New York, tìm nơi khác sống, chăm sóc con cái….

- Thành công của Màu tím thay đổi cuộc sống của bà như thế nào?

+ Tôi chỉ biết rằng sẽ có nhiều người cả nam lẫn nữ không còn xấu hổ vì bị lạm dụng nữa.

- Theo Hiệp hội Thư viện Hoa Kì, Màu tím đã liên tục bị cấm suốt các năm qua. Nó khiến bà thấy thế nào?

+ Tôi thấy thú vị. Tuy nhiên vào những ngày đầu mà nó bị cấm, lúc đó tôi còn rất bận để chuyển thể nó với Steven Spielberg. Tôi nhận ra rằng, với sự phân biệt giới tính trong nền văn hóa của chúng ta, những người phản đối mạnh mẽ nhất có lẽ là những người đã từng lạm dụng tình dục trẻ em. Hoặc chính họ là nhạn nhân và không thể chịu đựng được khi nghĩ về điều đó ở tuổi trưởng thành. Cũng có những người cảm thấy ngôn ngữ hoặc lối nói chuyện của thế hệ trước tốt nhất nên bị lãng quên vì đó không phải cách nói tiếng Anh “chính xác” 1 .

Tôi thấy thương cảm cho những người đó. Ngoài ra những người đàn ông da đen sợ sệt mình sẽ bị biến thành Ngài rác rưởi mà tôi viết trong đây, vì họ không tin có cứu chuộc nào như tôi tưởng tượng ở phía cuối sách. Bản chất đồng tính nữ trong mối quan hệ của Shug và Celie đặc biệt khó chấp nhận đối với những người tin rằng tình dục, giống như hôn nhân, chỉ nên xảy ra giữa một người phụ nữ và một người đàn ông.

Tiểu thuyết Màu tím của nhà văn.

Có nhiều lí do để cấm cửa nó, tuy nhiên, đối với tôi, những cân nhắc đó đều là thứ yếu so với cách diễn đạt bao quát trong cuốn sách này về nguồn cội, cái tốt và Chúa của mỗi người.

- Là một nhà văn bị kiểm duyệt, bà đã có những người bạn đồng hành như Dorothy Allison, Harper Lee, Toni Morrison, John Steinbeck, Mark Twain, Kurt Vonnegut, Howard Zinn… Cuốn sách bị cấm mà bà ngưỡng mộ là gì?

+ Tôi thích tác phẩm của Kurt Vonnegut và Howard Zinn, đặc biệt khi còn là sinh viên, vì cả hai đều rất tâm huyết để phơi bày sự điên rồ của bộ máy chiến tranh. Tôi cũng yêu mến Mark Twain vì sự lên án đối với chủ nghĩa đế quốc, cũng như lối viết khôn ngoan và đầy hài hước đối với tôn giáo của bản thân ông.

- Theo bà điều gì bị đe dọa nhất khi một cuốn sách như Màu tím bị cấm?

+ Văn học vĩ đại là khi giúp đỡ được cho con người. Đó là loại “thuốc” cao cấp nhất. Trong nền văn hóa có nhận thức cao, nhà văn sẽ được coi là ngang hàng với các linh mục. Và trên thực tế, tôi cũng đã mang chính hình tượng này vào trong cuốn sách. Tôi biết Màu tím ý nghĩa thế nào đối với mọi người, cả phụ nữ lẫn nam giới - những người không có tiếng nói. Ai tin rằng họ có sự lựa chọn trong cuộc sống này? Vì vậy cuốn sách có thể mở ra tầm nhìn cũng như tác động của cuộc đấu tranh. Nó có thể giúp họ nhận thức về sức mạnh, vẻ đẹp, tình yêu và lòng dũng cảm.

Và ngay cả khi văn học hiện nay không hề “vĩ đại”, thì nó vẫn sẽ tạo ra những tác động tốt để luôn tin rằng tình yêu đích thực không bao giờ sai.

Đời văn - Nghiệp viết

- Khi nào thì bà biết viết lách là một thiên chức?

+ Là khi tôi được tiếp cận Tolstoy, Dostoyevsky, Shakespeare trong những cuốn sách ngẫu nhiên mà cha tôi tìm thấy và mang về nhà. Đó cũng là những truyện ngắn trong các tuyển tập văn chương. Thật ngạc nhiên là những thứ này xuất hiện trong căn lều nhỏ của chúng tôi. Nhưng thời ấy mọi người đều thích đọc, và tôi từng nói, “Chúa ơi, đây là thứ từ trên trời rơi xuống và tất cả chúng con đều thích. Con tự hỏi mình liệu có sáng tác được không?” Mẹ tôi thường kể câu chuyện tôi dùng cành cây nguệch ngoạc trên đất để viết một cuốn tiểu thuyết. Một số điều được gửi đến một cách kì diệu và định hướng ta trên con đường số phận. Gia đình tôi yêu thích đọc sách mặc dù bố mẹ mới học cho đến lớp năm. Tôi tin nếu mỗi người làm tốt phần việc của mình và không ngừng cố gắng, thì vũ trụ sẽ gửi một món quà đến, và tôi rất biết ơn điều này.

- Lần đầu tiên bà nghĩ rằng mình có thể trở thành một nhà văn hoặc bà sẽ theo đuổi việc viết lách là khi nào?

+ Tôi bắt đầu viết khi còn rất nhỏ. Nhưng tôi đã không nghĩ đến việc chuyên nghiệp nó cho đến khi vào đại học. Và tôi đã đến Châu Phi khi còn là sinh viên năm thứ hai hay gì đó, có thể là năm cuối cấp và viết một tập thơ. Và đó là sự khởi đầu của tôi. Tôi đã xuất bản tập thơ đó.

- Bà đã trải qua tuổi thơ thế nào?

+ Cha mẹ tôi thường rất cố gắng để chúng tôi không bị tổn thương bởi những suy nghĩ phân biệt chủng tộc. Họ chuyển sự chú ý sang việc xây dựng cộng đồng. Cha mẹ tôi và những người khác đã xây dựng ngôi trường đầu tiên cho chúng tôi, nhưng rồi nó bị đốt cháy và họ lại xây một ngôi trường khác. Họ không bao giờ từ bỏ sự thật rằng chúng ta nên có trách nhiệm với cộng đồng của mình.

- Cho đến hôm nay, bà nghĩ nơi nào là nhà?

+ Vũ trụ - đó là nơi tôi coi như một ngôi nhà. Ở cấp độ địa phương, tôi nghĩ đến đất nước - ý tôi là những cánh đồng, cây cối và dòng sông. Nó không nhất thiết phải có tên. Trên thực tế, có một khu vực ở Eatonton mà tôi chỉ mới phát hiện khi anh cả tôi hấp hối - lúc đó tôi đã ngoài 60 tuổi. Nó thậm chí còn có thể còn đẹp hơn cả nơi mà tôi sinh ra. Tôi không liên quan đến các thành phố. Tôi thấy thoải mái như đang ở nhà trong thế giới tự nhiên hơn là ở bất kì thành phố hoặc khu định cư được xây dựng nhân tạo nào.

- Bà có tin vào Chúa hay có một loại quyền lực nào cao hơn không?

+ Tôi nghĩ toàn bộ trải nghiệm mà chúng ta đang có là một loại sức mạnh phi thường. Tôi hình dung nó như một món quà đáng kinh ngạc. Tôi không đi xa đến mức cho rằng mình biết mọi chuyện cũng như cách thức mà nó diễn ra. Toàn bộ cũng chính là Chúa. Tất cả cùng nhau, mỗi người là một phần nhỏ. Theo một cách nào đó, nó giống như cách chúng ta học yêu những gì không thể biết trước và thấy bình tâm.

- Khi nào bà nhận ra rằng mình luôn kết nối với tổ tiên xưa?

+ Thật sự rất khó để biết khi nào. Nhưng tôi luôn luôn cảm nhận được sự giúp đỡ. Tôi thấy mình được ủng hộ. Vì vậy tôi chưa bao giờ cảm thấy cô đơn. Ngay khi tôi ở một mình hoặc với người khác, tôi vẫn cảm nhận được tổ tiên mình.

- Kế hoạch sắp tới của bà là gì?

+ Tôi chưa từng nói về những gì mà bản thân đang làm. Một phần nào đó của sự sáng tạo không thích bị quấy rầy hay là đoán trước. Nền văn hóa hiện nay đang có xu hướng cố gắng khai thác bất cứ thứ gì chưa thật rõ ràng. Tôi muốn di sản của mình phát triển trên tính kiên nhẫn.

- Ở tuổi 75, bà muốn di sản của mình là gì?

+ Tôi không quan tâm. Mọi người có thể lấy bất cứ thứ gì mà họ thấy hữu ích từ tôi. Đã sống một đời trọn vẹn, tôi không nghĩ đến điều gì rồi sẽ xảy ra sau khi qua đời. Tôi chỉ hi vọng mọi người sẽ thấy những gì mà mình đang cần từ chính những gì mà tôi đã viết.

LINH TRANG dịch

-------------------------

1. Cuốn sách được cấu thành từ nhiều lá thư của nhân vật chính Cecile – một cô nàng ít học, nên Alice Walker đã tái hiện nó với nhiều chỗ sai chính tả trong bản gốc tiểu thuyết.

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)