Betty Smith đã giúp đỡ các nhà văn đồng nghiệp như thế nào?

Thứ Năm, 22/02/2024 10:10

Không chỉ nổi tiếng với cuốn tiểu thuyết Cây Brooklyn xanh biếc và câu chuyện vươn lên nghịch cảnh, mà những khám phá qua thư từ với một bạn văn gần đây cũng tiết lộ về một Betty Smith dưới ánh sáng khác.

“Từ lâu, tôi cảm thấy cần có ai đó đỡ lấy khi mình sắp ngã. Tất nhiên, tôi biết không ai có thể thổi sự sống vào một vật chết, nhưng tôi có nhiều bài phê bình, thư từ... có lợi cho tất cả tác phẩm mà mình đã viết hơn hầu hết các nhà văn khác. Nhưng vẫn còn thiếu một điều gì đó, hoặc do lười biếng hoặc thiếu kĩ thuật, kĩ năng... mà tôi gần như thất bại hoàn toàn.”

Đây là những lời của Jay Sigmund - một giám đốc điều hành công ti bảo hiểm Grand Rapids tương đối thành công ở Iowa vào ban ngày, và cũng đồng thời là một nhà thơ, nhà văn trong thời gian rảnh. Sigmund đang giải thích những khó khăn về việc viết lách trong vài bức thư mà ông gửi cho Betty Smith trong 2 năm 1936-1937. Smith rồi sẽ trở nên nổi tiếng nhờ cuốn tiểu thuyết bán chạy Cây Brooklyn xanh biếc vào năm 1943.

Tiểu thuyết gia Betty Smith và nhà văn - nhà thơ Jay Sigmond.

Nhưng vào thời điểm đó, Smith là một nhà viết kịch đang gặp khó khăn, được đào tạo tại Trường Kịch nghệ Yale, đồng thời là bà mẹ đơn thân của hai đứa con hiện sống ở Đồi Chapel, Bắc Carolina, nơi Cơ quan Quản lí Dự án Công đã giao cho bà công việc viết kịch cho Dự án Nhà hát Liên bang. Cả hai nhà văn đều đang trong những giai đoạn khó khăn của cuộc đời mình, nhưng vẫn giữ vững tham vọng viết lách. Trong tương lai, cả hai rồi sẽ thu được thành công đáng kể từ mối liên hệ họ tạo dựng được.

Có lí do chính đáng để Sigmund cảm thấy thoải mái khi tiết lộ những bất an của mình với Smith, vì bà cũng đã chia sẻ những sự thất bại trong việc xuất bản và những ước mơ bị bỏ rơi: “Giống như anh, tôi đã thất vọng rất nhiều lần, liên quan đến việc viết lách” Smith viết cho Sigmund, “Nhiều khi một cuốn sách hoặc vở kịch sắp thành công nhưng rồi lại rơi vào tình trạng thất thường do nhà sản xuất hoặc nhà xuất bản. Vì vậy tôi từng hi vọng vào mọi thứ… nhưng rồi quen dần với việc sẽ không trông mong bất cứ điều gì. Tôi thấy đây là triết lí phù hợp cho việc viết lách.”

Trong cùng lá thư này, thay vì sơ yếu lí lịch, bà đã kể lại những chương chính của cuộc đời mình, về học vấn cũng như công việc - thậm chí còn giải thích về kế sinh nhai của chồng mình. Trong đoạn tiếp theo, Smith nói, “Tôi đã li dị. Tôi cho rằng những chi tiết trên được đưa ra để không có sự gián đoạn nào trong câu chuyện về cuộc đời mình.”

Những sự thật khác về cuộc đời bà đó là cuộc đấu tranh về mặt tài chính. Là người chăm sóc và chu cấp chính cho các con gái, Smith không ngừng tìm kiếm công việc được trả lương cao. Bà đã thẳng thắn nói với Sigmund về phương pháp của mình: “Có lẽ tôi kiếm được 500 dollar một năm nhờ vào nỗ lực cộng tác viết bài cho các tạp chí viễn tưởng rẻ tiền trong vòng 6 tuần, chủ yếu là tạp chí tỏ tình và truyện tình yêu. Tôi chỉ làm vậy khi rất cần tiền.” Vì lí do tương tự, Smith đã đăng một quảng cáo trên tờ Writer's Digest để thông báo về dịch vụ biên tập của mình.

Tiểu thuyết Cây Brooklyn Xanh Biếc.

Sigmund đã xem quảng cáo và nó đã khơi dậy hi vọng nào đó trong giấc mơ viết lách của ông. Ông từng có những cuốn thơ cũng như truyện dài được các nhà văn nổi tiếng như Carl Sandburg và Sherwood Anderson chú ý. Nhưng với Smith, Sigmund đã mạo hiểm bước vào một lĩnh vực mới, đó là viết kịch.

Bức thư đầu tiên của họ có cảm giác lúng túng như trong những buổi hẹn hò đầu tiên. “Tôi đã thấy quảng cáo nhỏ của cô trên tờ Writer's Digest,” Sigmund viết trong lá thư. “Tôi không biết liệu cô có quan tâm đến tôi hay không hoặc liệu cô có điều gì đó khiến tôi quan tâm hay không, nhưng để bắt đầu, tôi sẽ gửi 3 bản thảo kịch một màn để cô có thể đánh giá.”

Đầy ắp thực tế và sự thẳng thắn trong thư hồi đáp, có thể thấy rằng Smith không phải là người lãng phí thời gian hay là tiền bạc. “Tôi đã nhận được 3 vở kịch của anh qua thư và anh muốn tôi làm gì với chúng?”. Sau đó cô đã giải thích danh sách dịch vụ và biểu phí của mình, cũng như nói thêm: “Tôi sẽ không làm bất cứ điều gì cho đến khi nhận được phản hồi. Hãy cho tôi biết anh muốn đánh giá qua thư hay gửi trả lại bản gốc, và nếu là phương án sau, thì anh vui lòng chịu phí bưu điện.”

Sigmund đã gửi 2 dollar qua thư cùng với yêu cầu về việc nhận xét vở kịch mà ông đã gửi. Tuy vậy tương đối bất ngờ khi Smith lại thích bản thảo hơn bà mong đợi. Smith đảm bảo với Sigmund rằng đó là một “tác phẩm hài hước duyên dáng”. Bà giải thích rằng “vở kịch vẫn có sai sót nhưng chúng rất nhỏ về mặt kĩ thuật. Còn về nội dung vốn là những thứ khó lòng sửa chữa thì đều rất ổn.”

Thêm vào đó Smith đã đưa ra một lời đề nghị tương đối bất thường. Bà viết mình muốn “lấy vở kịch của anh và viết lại nó với tư cách đồng tác giả thay vì phải thuê một nhà văn khác.” Smith tin rằng sau khi sửa đổi bản thảo của Sigmund, bà có thể bán nó bằng cách dựa vào các mối liên hệ viết kịch của mình. Họ sẽ chia nhau số tiền thu được, mỗi người một nửa.

Lời đề nghị khiến Sigmund vui mừng. Những gì từng có vẻ như là ngõ cụt trong việc viết lách giờ có khả năng sẽ vượt qua được. Trong câu trả lời được gõ trên tờ giấy được lấy từ Công ti Bảo hiểm Nhân thọ Cedar Rapids, Sigmund tiết lộ thêm về hoàn cảnh của mình: “Cô có thể đoán công việc của tôi khá là cô đơn. Nhìn phần đầu trang của bức thư này cô có thể thấy tôi là doanh nhân, nhưng tôi đã sáng tác thơ cũng như truyện ngắn trong suốt nhiều năm và cũng đã được xuất bản vài trong số đó.”

Cuộc sống của Sigmund thực ra không cô đơn như ông nghĩ. Điều đó có nghĩa là ông đã sống một đời hoàn toàn bình thường: kết hôn và sinh con và làm một nghề mà mình tương đối xuất sắc. Sigmund tham gia đầy đủ vào đời sống công dân và văn hóa của công ti Cedar Rapids. Ông là bạn của họa sĩ Grant Wood và nhà thơ Paul Engle, người sẽ thành lập chương trình giao lưu nổi tiếng là Hội thảo Nhà văn Iowa. Nhưng Sigmund thường gặp khó khăn khi đến giai đoạn cần phải biên tập bản thảo. Và cho đến khi Smith bắt tay vào, Sigmund không biết phải tìm sự hỗ trợ mà mình cần ở đâu.

Có lẽ mối quan hệ của ông với Smith đã được hậu thuẫn bởi tính chất thư từ của nó. Sigmund không bao giờ phải quan sát biểu cảm trên khuôn mặt Smith khi bà đọc tác phẩm của ông hoặc khi bà nói với ông về cảm xúc của mình. Chẳng hạn, Sigmund cảm thấy thoải mái khi bà thú nhận: “Nếu tôi có thêm một chút niềm tin vào việc viết lách và có thể rèn luyện thêm một chút nữa sau mỗi thất bại thì đó có lẽ là một điều tốt. Nhưng tôi đã quá bận rộn với việc kiếm sống đến nỗi không có gì khác quan trọng hơn được.” Bây giờ, Sigmund thừa nhận với Smith, ông quan tâm đến việc xuất bản hơn, bởi vì ông bắt đầu nghĩ đến việc “bảo quản vĩnh viễn” một số tác phẩm của mình. Với sự đồng tác giả của Smith, Sigmund đã có thể bán được một số vở kịch.

Chưa đầy 6 tháng sau, Sigmund qua đời đột ngột trong một chuyến đi săn. Con trai của Sigmund đã viết thư cho Betty sau cái chết của cha mà anh không nhận ra rằng đó cũng chính là “bức thư khó nhất mà cháu được yêu cầu viết,” vì Smith “rất tốt với cha cháu và đã giúp đỡ ông rất nhiều trong sở thích viết lách.” Sigmund Jr. cũng đã hỏi Smith trong lá thư đó, “Cô có nhận ra tầm quan của những đánh giá tử tế và tinh thần hợp tác tốt đẹp mà cô đã dành cho cha cháu quan trọng đến nhường nào trong công việc viết lách của ông ấy không?”. “Tinh thần hợp tác tốt đẹp” thường không phải là điều mà các nhà văn được biết đến vì đã đóng góp cho thế giới, nhưng nó có thể đã tạo ra sự khác biệt lớn trong cuộc đời của hai nhà văn này.

Sigmund và Smith chưa bao giờ gặp mặt trực tiếp. Nhưng sự trao đổi của họ mang lại lợi ích đồng thời cho cả hai: Smith đã sửa lại các vở kịch của Sigmund và giúp ông bán được một số vở kịch, trong khi bà thì nhận được một khoản thu nhập vô cùng cần thiết, trong quá trình đó, thì sự tự tin của bà cũng được củng cố. Đây là một nhà văn nam và lớn hơn Smith gần một thập kỉ, người đã đạt được thành công ở các thể loại khác, đang cố gắng tìm kiếm con đường của mình trong lĩnh vực kịch. Cả hai nhà văn đã bớt cô đơn trong chính quá trình trao đổi thư từ, cũng như chia sẻ với nhau những sự đồng cảm.

Vài năm sau cái chết của Sigmund, Smith bắt đầu viết Cây Brooklyn xanh biếc, cuốn sách sau bao năm tháng đã mang cho bà tài sản cũng như danh tiếng, đồng thời cho phép bà tự khẳng định mình là nhà văn. Mặc dù tự hào vì đã nuôi nấng các cô con gái và bản thân mình bằng việc viết lách ngay cả trước khi cuốn tiểu thuyết này “bùng nổ”, nhưng Smith không hề phủ nhận mình đã trải qua những năm vô cùng chật vật. “Tôi rất hân hạnh khi dùng tất cả khả năng, kinh nghiệm và trình độ của mình vào việc giúp đỡ cho anh,” bà giải thích với Sigmund vào năm 1937 về mong muốn tập trung vào một dự án viết lách lớn. “Hãy nhớ tử tế và làm việc chăm chỉ vì một mục đích nào đó nhé.”

Ở độ cuối tuổi 40, khi cuốn tiểu thuyết đầu tiên sắp được xuất bản, Smith dường như đã nhìn ra những khả năng có thể xảy ra. Khi cuốn Cây xanh ở Brooklyn sắp được xuất bản thì các “ông lớn” lại có dự tính trì hoãn. Nhận thấy điều đó Smith đã kêu gọi họ hành động nhanh nhất có thể để đưa cuốn sách ra với công chúng, từ đó nó có thể lọt vào vòng danh sách đề cử cho các giải thưởng thích hợp. Smith chỉ ra: “Với rất nhiều nhà văn sắp sửa chọn đề tài chiến tranh, tôi sẽ không bao giờ có cơ hội cạnh tranh tốt như vậy nữa”. Thời gian là rất quan trọng. Smith quyết tâm không để mất cơ hội của mình. Như bà giải thích với Harper & Row: “Tôi muốn có sự khởi đầu vững chắc trong giới viết tiểu thuyết Mĩ để có thể tiếp tục đi tiếp, hoặc tôi muốn biết chắc chắn về điều ngược lại, để sau đó tôi có thể tự an ủi mình bằng công việc viết kịch bản phim trăm đô một tuần.” Hollywood đang kêu gọi rất nhiều nhân lực vào thời điểm đó. Nhưng Smith chỉ xem công việc thứ hai là dạng thứ cấp.

Cây Brooklyn xanh biếc là cách để Smith cuối cùng tuyên bố mình là một loại nhà văn cụ thể: một tiểu thuyết gia. Nhưng nó không chỉ có vậy. Đó là cơ hội để bà làm nên điều gì đó cho bản thân mình sau bao nhiêu năm cảm thấy bản thân đã chưa thành công một cách hoàn toàn.

Vài năm trước, trong Jay Sigmund, bà đã bắt gặp hình ảnh phản chiếu của bản thân mình, về một nhà văn trung niên vẫn đang cố gắng xuất bản các tác phẩm khác trong di sản sáng tạo. Sigmund viết cho bà rằng ông biết cảm giác của một tác giả mà luôn thất bại đến từng khoảnh khắc. Và Smith thấu hiểu điều ấy. Nhưng bà không muốn giậm chân ở đó. Ước mơ trở thành một tiểu thuyết gia giờ rất gần rồi, và bà gần như có thể chạm tay để với tới nó. Sau khi giúp đỡ một nhà văn khác, càng dễ tin rằng Smith cũng có thể tự nâng mình lên.

NGÔ MINH dịch từ bài nghiên cứu trên LitHub của Rachel Gordan

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Sòng nhậu đầu tiên ở bãi, không bến không bờ tức giang hồ thiệt thọ, đã phết cho tôi Tàn sau Minh để hóa một Minh Tàn... (NGUYỄN TRÍ)

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)