Dòng chảy  Văn nghệ

Xẩm - một trình hiện đa tính cách

Thứ Sáu, 13/12/2019 12:45

Chiều ngày 12/12/2019, tại Nhà hát Chèo Việt Nam (71, Kim Mã, Ba Đình, Hà Nội) đã diễn ra sự kiện ra mắt album xẩm Trách ông Nguyệt Lão của nghệ sĩ Nguyễn Quang Long.

Album do Nxb Văn hoá dân tộc phát hành quý 4/2019

Album tập hợp 9 sáng tác xẩm chọn lọc do Nguyễn Quang Long biên soạn trong giai đoạn từ 2016 cho tới 2019, gồm: Trách ông Nguyệt Lão (xẩm Chênh bong, Nguyễn Quang Long thể hiện), Thôi em cứ việc lấy chồng (xẩm Tàu điện, Nguyễn Quang Long thể hiện), Dặn con (xẩm Thập ân, NSND Thúy Ngần thể hiện), Xẩm Bốn mùa hoa Hà Nội (nhóm Xẩm Hà Thành thể hiện), Chân quê (xẩm Tàu điện, Nguyễn Quang Long thể hiện), Duyên phận tơ vòng (xẩm Tàu điện - Thập ân - Chênh bong, NSƯT Mai Tuyết Hoa thể hiện), Nghĩ kĩ mà xem (xẩm Chợ, Nguyễn Quang Long thể hiện), Xẩm Phố thu (xẩm Tàu điện, ca sĩ Thu Phương thể hiện), Ơ này, em gì đấy ơi (xẩm Chênh bong, Nguyễn Quang Long thể hiện). Trong đó, có 3 bài phần lời được Nguyễn Quang Long khai thác từ thơ của Nguyễn Bính (Chân quê) và Hồng Thanh Quang (Thôi em cứ việc lấy chồngNghĩ kĩ mà xem), có 1 bài được Nguyễn Quang Long sáng tác cùng Hồ Điệp. 9 bài xẩm trong album, bên cạnh những tác phẩm mới nhất của Nguyễn Quang Long (như Duyên phận tơ vòng, Ơ này, em gì đấy ơi!...) là những tác phẩm của anh đã trở nên quen thuộc với đông đảo công chúng yêu âm nhạc nói chung (như Xẩm Bốn mùa hoa Hà Nội đã được nhóm Xẩm Hà Thành phát hành MV từ mùa xuân năm 2016, hay Xẩm Phố thu do nữ danh ca Thu Phương thể hiện xuất sắc và sau đó được khai thác vào các gameshow âm nhạc trên truyền hình…). Anbum có sự tham gia của các nhà thiết kế hình ảnh Cao Minh Tiến, Nguyễn Hữu Thắng, các nghệ sĩ dàn nhạc như NSƯT Xuân Hải, Phạm Dũng, Hải Đăng, Phạm Trang (nhóm Xẩm Hà Thành), NSƯT Trọng Thủy, NSƯT Phạm Văn Chính, NSƯT Nguyễn Thanh Hùng… Phần thu âm do nghệ sĩ Phạm Trường Linh và Ninh Kiên studio thực hiện; phần mix và master do Ninh Kiên đảm nhận.

Nghệ sĩ Nguyễn Quang Long (thứ ba từ trái sang) tại sự kiện

Có thể nói, Trách ông Nguyệt Lão là một album xẩm đa tính cách. Một Duyên phận tơ vòng vừa trữ tình nội tâm lại vừa tươi mới và pha chút dí dỏm; một Ơ này, em gì đấy ơi! trẻ trung, tươi vui; một Trách ông Nguyệt Lão phong tình, mát mẻ; một Xẩm Dặn con chí tình, nồng hậu… Điều đặc biệt, album bên cạnh giọng hát xẩm của Nguyễn Quang Long còn có sự góp giọng của những danh ca khác.

Tại buổi ra mắt album, nghệ sĩ Nguyễn Quang Long cùng các cộng sự chia sẻ:

Trách ông Nguyệt Lão ghi dấu ấn hành trình của Nguyễn Quang Long 25 năm đi theo âm nhạc chuyên nghiệp và 20 năm theo nghiệp nghiên cứu, lí luận âm nhạc. Cho nên trong ấn phẩm đặc biệt này, Nguyễn Quang Long đã dành không gian để tri ân 3 người thầy đã dẫn lối anh đến với âm nhạc, đó chính là người cha Nguyễn Ngọc Tưởng thân yêu đã đưa anh đến với những nốt nhạc lời ca đầu tiên; nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tĩnh (Bắc Ninh) - người đã nâng cánh cho anh những tháng ngày đầu tiên ở Học viện Âm nhạc; và PGS.TS Nguyễn Trọng Ánh - người đã khuyến khích anh đi theo con đường lí luận âm nhạc.

Cái tên Trách ông Nguyệt Lão là ngầm ý album chủ yếu nói về đề tài tình yêu, cũng là tính trữ tình nội tâm đồng thời pha chút dí dỏm nổi bật trong phong cách âm nhạc của Nguyễn Quang Long; anh chủ ý xây dựng một album nhạc cổ truyền phù hợp người nghe giai đoạn hiện nay. Theo anh, muốn nối dài sự sống cho âm nhạc truyền thống nói chung, xẩm nói riêng thì cần phải tạo nên những sản phẩm mang tính nghệ thuật tích hợp nhiều yếu tố khác nhau, hài hòa giữa nghe và xem, và xẩm phải đa tính cách hoá, phá dỡ mặc định là xẩm thì buồn thảm, thê lương.

Sở dĩ chọn thơ của hai nhà thơ thuộc hai thế hệ khác nhau để lồng điệu xẩm vào là vì Nguyễn Quang Long cảm thấy tri âm, đồng điệu với hai nhà thơ này. Thơ Nguyễn Bính đưa Nguyễn Quang Long gặp lại mình một ngày thơ trẻ Kinh Bắc - nơi anh đã sinh ra, còn thơ Hồng Thanh Quang đưa anh sống lại thời yêu đương sôi nổi đắm say Hà Thành - nơi anh lớn lên và gắn bó.

Có một điểm khá đặc biệt và độc đáo của những bản thu âm đó là do đặc thù của hát xẩm nên toàn bộ các bản thu âm này đều được thu theo lối mộc, người hát và nhạc cụ chính cùng thể hiện và thu âm trực tiếp chứ không hòa âm trước để tạo thành bản nhạc beat sau đó nghệ sĩ mới thu phần hát như cách thu phổ biến hiện nay. Chính đặc điểm này là nên nét riêng tạo cho người nghe cảm giác như đang được nghe nhóm xẩm trình diễn trước mặt.

Nguyễn Quang Long là một trong những cái tên không quá xa lạ với khán giả yêu nghệ thuật truyền thống nói chung, yêu hát xẩm nói riêng trong gần 20 năm qua khi anh cùng những cộng sự các thế hệ của mình nỗ lực phục hồi và đưa nghệ thuật hát xẩm trở lại và quen thuộc với công chúng như ngày hôm nay. Album Xẩm Hà Nội được Nxb Âm nhạc phát hành đầu năm 2016 là thành quả đầu tiên của công cuộc phục hồi nghệ thuật này. Sau đó, cùng với nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa, Khương Cường, Phạm Đình Dũng, Nguyễn Quang Long thành lập nhóm Xẩm Hà Thành với mong muốn góp phần tái hiện lại một nét đẹp của Hà Thành 36 phố phường xưa kia và thổi thêm sức sống mới để nét đẹp ấy được nối dài theo hơi thở của thời đại.

Được biết, sau sự kiện ra mắt album Trách ông Nguyệt Lão, Nguyễn Quang Long cùng nhóm Xẩm Hà Thành và ekip quay phim đạo diễn bắt tay vào thực hiện một MV mới cùng tên album tại Hà Nội và Bắc Ninh để chào đón năm 2020, năm thứ 1010 của Thăng Long - Hà Nội.

QUỲNH HOA

 

 

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)