Dòng chảy

Văn hoá là chất xúc tác cho hoà bình, phát triển

Thứ Tư, 16/07/2025 07:17

Đó là phát biểu của nhà văn Nguyễn Bình Phương, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam tại Trung Quốc khi ông đại diện Hội Nhà văn Việt Nam tham dự Hội nghị Đối thoại Văn minh Toàn cầu diễn ra tại Bắc Kinh từ 5 đến 12/7/2025.

Nhiều hoạt động văn chương bên lề sự kiện cũng đã diễn ra tại tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc. Một trong những điểm nhấn là chương trình “Hương vị Trung Quốc, Giai điệu Địa phương” tại Tuyền Châu. Sự kiện này được tổ chức nhằm thúc đẩy giao lưu văn hóa, quảng bá sản phẩm đặc sắc của các địa phương, cũng như giới thiệu các thiết kế sáng tạo mang đậm bản sắc vùng miền Trung Quốc ra quốc tế. Trong khuôn khổ sự kiện, nhiều hoạt động sôi nổi diễn ra như trình diễn thời trang dân tộc hiện đại, trưng bày sản phẩm thủ công mĩ nghệ và các không gian trải nghiệm giao lưu doanh nghiệp, thương mại. Đặc biệt, 26 đại biểu đến từ 22 quốc gia, trong đó có đoàn Việt Nam, đã cùng tham gia phần trình diễn thời trang và lễ trao chứng nhận tôn vinh các sản phẩm văn hóa dịch vụ quốc tế có ảnh hưởng.

Phát biểu bên lề sự kiện này, nhà văn Nguyễn Bình Phương cho rằng những hoạt động giao lưu như “Hương vị Trung Quốc, Giai điệu Địa phương” chính là minh chứng cho tinh thần đối thoại và hiểu biết lẫn nhau giữa các nền văn hóa. Ông nhấn mạnh: “Bằng việc giới thiệu những giá trị địa phương, con người Trung Quốc đã thể hiện khát vọng giao lưu, mở rộng kết nối với bạn bè quốc tế. Đây là yếu tố quan trọng để văn hóa trở thành chất xúc tác cho hòa bình, phát triển và hiểu biết sâu sắc hơn giữa các dân tộc.”

Hội nghị Đối thoại Văn minh Toàn cầu có sự tham dự của 22 quốc gia với hơn 600 đại biểu. Ảnh: NVH

Bên cạnh sự kiện này, nhà văn Nguyễn Bình Phương cũng đã tham quan nhiều địa danh văn hóa - lịch sử tại Phúc Kiến như Bảo tàng Hàng hải Tuyền Châu, Làng Tầm Phố, Đảo Cổ Lãng (Hạ Môn), Khu phố Tam Phường Thất Hạng (Phúc Châu) và tham dự buổi gặp gỡ lãnh đạo tỉnh Phúc Kiến, cũng như các hội thảo về “Con đường Tơ lụa trên biển”.

Sau khi kết thúc chương trình tại Phúc Kiến, nhà văn Nguyễn Bình Phương cùng các đại biểu tiếp tục tới Bắc Kinh để tham dự các hoạt động trong khuôn khổ Hội nghị Đối thoại Văn minh Toàn cầu diễn ra trong hai ngày 10, 11 tháng 7.

Sau phiên khai mạc toàn thể với sự tham gia của hơn 600 đại biểu đến từ Trung Quốc và nhiều quốc gia trên thế giới, Nhà văn Nguyễn Bình Phương đã có cuộc hội đàm với Chủ tịch Hội Nhà văn Trung Quốc Trương Hồng Thâm, cùng Chủ tịch Hội Nhà văn các nước Nepal, Argentina, Campuchia, Myanmar và các nhà nghiên cứu Trung Quốc học đến từ Hungary, Bulgaria và Việt Nam.

Tại cuộc hội đàm, nhà văn Nguyễn Bình Phương đã có bài phát biểu sâu sắc với tiêu đề “Ngôi nhà vắng bóng thần Tam Bành”, để lại nhiều dư âm mạnh mẽ trong lòng các đại biểu. Ông mở đầu bài phát biểu bằng một khẳng định giản dị mà đầy ý nghĩa: “Tôi cho rằng, sự hình thành gia đình là bước đi văn minh đầu tiên của loài người. Vì thế mọi câu chuyện có lẽ nên bắt đầu từ gia đình.”

Nhà văn Nguyễn Bình Phương, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam trong cuộc hội đàm với Chủ tịch Hội Nhà văn Trung Quốc Trương Hồng Thâm.  Ảnh: NVH

Từ câu chuyện riêng của gia đình mình - sáu anh em cùng trưởng thành trong những năm tháng chiến tranh và gian khó - ông dẫn dắt người nghe đến một bài học phổ quát về cách thức vượt qua xung đột và khác biệt. Ông kể lại lời mẹ dạy khi anh em lo lắng chuyện chia đất vì nhà chật: “Chỉ cần các con đoàn kết thì sẽ đủ chỗ cho mọi đứa… Nếu chịu khó lắng nghe nhau, hiểu nhau, tự khắc sẽ biết đoàn kết.” Nhà văn Nguyễn Bình Phương dùng chính trải nghiệm cá nhân để kết nối với những vấn đề lớn của thời đại. Ông nhấn mạnh rằng, thế giới vốn được tạo nên từ những khác biệt - không chỉ giữa phương Đông và phương Tây, mà ngay cả giữa các quốc gia phương Đông với nhau, như Việt Nam và Trung Quốc. Ông nói: “Từ câu chuyện gia đình mình, tôi thấy rằng, nếu biết lắng nghe nhau, biết cảm thông với nhau thì sẽ tránh được những tranh đoạt, va chạm, xung khắc vô lí… Sự không thấu hiểu thường dẫn tới những lạc nẻo, bế tắc trong giao tiếp, hành xử.” Đặc biệt, ông đưa ra hình ảnh sâu sắc về “thần Tam Bành” - Bành Kiêu, Bành Cứ, Bành Chất - những vị thần trong văn hóa Trung Hoa, tượng trưng cho cơn nóng giận, sự mù quáng, dẫn con người tới hành động sai lầm, hiểm ác. Ông cảnh báo rằng, khi các dân tộc không hiểu nhau, “thần Tam Bành” sẽ dễ dàng thao túng. Và ông kết luận đầy chiêm nghiệm: “Trong bản tính dân tộc nào cũng có thần Tam Bành trú ngụ, vấn đề là khả năng chế ngự của mỗi dân tộc ra sao mà thôi. Hòa bình, hợp tác trên thế gian này phụ thuộc rất nhiều vào khả năng chế ngự ấy.”

Nhà văn Nguyễn Bình Phương với đại biểu các quốc gia khác. Ảnh: NVH

Những trăn trở của ông không chỉ dừng lại ở tầm vĩ mô. Ông còn liên hệ tới chính trải nghiệm viết văn, chỉ ra rằng văn học chính là con đường giúp con người lắng nghe, hiểu biết lẫn nhau sâu sắc nhất. Ông cho biết: “Ở Việt Nam, tác phẩm của các nhà văn Trung Quốc đương đại được dịch rất nhiều. Điều ấy cho thấy người Việt Nam, trong đó có các nhà văn Việt Nam, với tinh thần khoan hòa, cầu thị, đang cố gắng lắng nghe để thấu hiểu Trung Quốc hôm nay, thông qua đọc văn học, vì văn học là loại hình nghệ thuật thể hiện rõ nhất diện mạo tâm hồn cũng như bản tính của một dân tộc.”

Nhà văn Nguyễn Bình Phương khép lại bài phát biểu của mình bằng một tuyên ngôn hòa bình giản dị mà đầy sức nặng: “Với tôi, hòa bình là căn nhà được xây nên từ sự thấu hiểu và khoan dung giữa những người anh em. Hiển nhiên, căn nhà ấy phải tuyệt không có bóng dáng của thần Tam Bành.”

Chuyến đi của nhà văn Nguyễn Bình Phương không chỉ là cơ hội để đại diện Việt Nam tham gia đối thoại văn minh toàn cầu mà còn góp phần mở rộng giao lưu nhân dân, tạo nền tảng hợp tác văn hóa, nghệ thuật và kinh tế giữa Việt Nam và Trung Quốc. Bài phát biểu của ông, với những suy tư sâu sắc và chân thành, đã gửi gắm một thông điệp rõ ràng: chỉ có sự thấu hiểu và khoan dung mới xây dựng được một thế giới hòa bình.

NGÔ VIẾT HOÀN

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Truy tìm Nadja

Truy tìm Nadja

Là tác phẩm nổi tiếng bậc nhất của André Breton, suốt nhiều thập kỉ, danh tính của nàng Nadja - người cũng được chọn là tựa đề sách - vô cùng bí ẩn.

‘Mấy đứa nhỏ diễn sao giống tụi mình ngày đó quá trời’

‘Mấy đứa nhỏ diễn sao giống tụi mình ngày đó quá trời’

Tại Củ Chi có một suất chiếu đặc biệt của bộ phim “Địa đạo- Mặt trời trong bóng tối” được gọi là suất chiếu tri ân.

Nhân vật học viên trong truyện ngắn Mưa ở Bình Dương

Nhân vật học viên trong truyện ngắn Mưa ở Bình Dương

Trong truyện ngắn này, có một nhân vật học viên trong cương vị chủ tịch phường đang theo học lớp tại chức mà nhân vật “tôi” làm thầy giáo đứng lớp... (VĂN GIÁ)

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT)