Buổi ra mắt cuốn sách Ba người vượt ngục Guyane của tác giả Đỗ Thái Bình do Nxb Hội Nhà văn phối hợp với Tạp chí Xưa và Nay (Hội Sử học Việt Nam) và Công ty GOT tổ chức đã diễn ra tại Hà Nội ngày 12/7/2025.
Buổi sự kiện ra mắt sách có mặt đông đảo các nhà nghiên cứu, nhà sử học, nhà văn, nghệ sĩ, độc giả quan tâm và đại diện hậu duệ gia đình các chí sĩ Lý Liễu, Đỗ Văn Phong và chí sĩ Võ Hoành, người đã tổ chức cho các tù nhân sau khi vượt ngục hoạt động tiếp ở miền Nam. Đặc biệt, còn có dự xuất hiện của hai chuyên gia nghiên cứu về chí sĩ Nam Kỳ là Nguyễn Thanh Thuận (chuyên nghiên cứu về Nguyễn Quang Diêu) và Phan Lương Minh (chuyên nghiên cứu về Lý Liễu) cũng tham gia giao lưu cùng độc giả.

Những hình ảnh trong bộ phim về sự kiện vượt ngục và cuộc đời của ba chí sĩ yêu nước cũng đã được giới thiệu đến những người tham dự buổi ra mắt sách.
Ba người vượt ngục Guyane là công trình khảo cứu dày hơn 500 trang, kể lại câu chuyện của các chí sĩ Nguyễn Quang Diêu, Lý Liễu và Đỗ Văn Phong từ khi bị tòa án thực dân Pháp kết án khổ sai trong vụ án Phan Bội Châu, lưu đày sang nhà tù ở Guyane (vùng lãnh thổ hải ngoại của Pháp ở Nam Mỹ) cho đến hành trình vượt ngục và tìm đường trở về cội nguồn quê hương.
Cuốn sách được đánh giá là một công trình công phu, chứa đựng nhiều tư liệu lịch sử quan trọng về khoảng trống còn ít được nhắc đến trong lịch sử của người Việt. Trong đó, đáng chú ý là phần phụ lục với danh sách gần 1.000 tù nhân bị đày đến Guyane với chú giải cụ thể về họ tên, tuổi, nghề nghiệp, quê quán, tình trạng hôn nhân, số năm tù theo bản án và số định dạng NM thực sự là tư liệu quý góp phần lưu giữ thông tin về những con người đấu tranh vì nền độc lập của dân tộc, chống ách đô hộ của Thực dân Pháp từ những năm đầu thế kỉ XX.

Các học giả, nhà nghiên cứu chia sẻ về cuốn sách.
Tác giả của Ba người vượt ngục Guyane chính là cháu nội của chí sĩ yêu nước Đỗ Văn Phong, TS Đỗ Thái Bình. Ông vốn là một tiến sĩ, chuyên gia trong lĩnh vực hàng hải, từng có những công trình gây tiếng vang trong lĩnh vực này. Lần theo dấu vết của người ông từ những thông tin ít ỏi, tra cứu thư tịch lưu trữ trong các thư viện tại Pháp, TS Đỗ Thái Bình đã dày công tìm kiếm và tập hợp tư liệu, kết hợp cùng những chuyến khảo cứu đến Guyane, gặp gỡ những nhân chứng còn lại để tìm hiểu về sự việc. Qua hành trình tìm kiếm tại Pháp, Guyane và nhiều vùng đất khác, tác giả Đỗ Thái Bình đã phục dựng chân dung ba nhà yêu nước tiêu biểu Đỗ Văn Phong, Nguyễn Quang Diêu và Lý Liễu - những người từng bị đày biệt xứ đến Gyyane và cùng nhau tổ chức cuộc vượt ngục thành công đầy ngoạn mục năm 1917.

Ban tổ chức tặng hoa tri ân người thân của các chí sĩ yêu nước trong cuốn sách.
Cuốn sách gây ấn tượng với nguồn tư liệu phong phú, nhiều chi tiết lần đầu công bố, đặc biệt là hồ sơ các tù nhân người Việt tại Guyane - những con người đã góp phần viết nên câu chuyện đầy bi tráng. Bên cạnh việc tái hiện những hành trình vượt ngục li kì, cuốn sách còn khắc họa sinh động số phận các chí sĩ sau khi trở về đất nước, cùng hành trình tiếp tục phụng sự dân tộc. Do vậy, Ba người vượt ngục Guyane không chỉ là câu chuyện gia đình, tác phẩm còn là một khảo cứu đồ sộ về phong trào yêu nước đầu thế kỉ XX, cuốn sách cũng đã góp phần làm rõ những mảng lịch sử gần như bị quên lãng rất cần được hậu sinh biết đến.

Hình ảnh ba chí sĩ Nguyễn Quang Diêu, Lý Liễu, Đỗ Văn Phong cùng Võ Hoành được trưng bày trang trọng tại buổi ra mắt sách.
Tại buổi ra mắt sách, tác giả Đỗ Thái Bình và ban tổ chức sự kiện đã chia sẻ các thước phim sống động về vùng đất Guyane cũng như đặt ra nhiều vấn đề thú vị xung quanh cuốn sách. Các diễn giả cũng chia sẻ với độc giả về hành trình đi tìm tin tức của các nhân vật và cuộc trở về cùng những hoạt động của họ sau khi vượt ngục từ bên kia bán cầu. Tác giả Đỗ Thái Bình khẳng định: “Tôi viết cuốn sách này như một lời tri ân với những người đã ngã xuống và cả những người từng giúp các tù nhân vượt ngục thành công. Đây là phần lịch sử không nên bị lãng quên.”

Nhà sử học Dương Trung Quốc nói về cuốn sách.
Chia sẻ tại buổi giao lưu, nhà sử học Dương Trung Quốc cho biết: “Lịch sử Việt Nam không chỉ là lịch sử diễn ra trên mảnh đất Việt Nam mà còn là lịch sử những người Việt Nam đã đóng góp và đi ra nước ngoài.” Nhà sử học Dương Trung Quốc đánh giá cuốn sách là một sự bổ sung, hoàn thiện về những bí ẩn, số phận, cũng như làm rõ đóng góp góp của các chí sĩ yêu nước những năm đầu thế kỉ XX.
Sau khi ra mắt tại Hà Nội, cuốn sách cũng được giới thiệu đến bạn đọc Hải Phòng và TP. Hồ Chí Minh lần lượt vào ngày 15/7 và 20/7/2025.
BẢO CHÂU
VNQD