Dòng chảy

‘Người đi tìm bóng núi’, bức tranh tổng quát về đời sống người dân miền Nam

Thứ Bảy, 08/07/2023 18:42

Nhà văn Thu Trân vừa có buổi ra mắt tiểu thuyết Người đi tìm bóng núi sáng 8/7/2023 tại TP. Hồ Chí Minh. Dự buổi ra mắt sách có nhà văn Bích Ngân - Chủ tịch Hội nhà văn TP. Hồ Chí Minh cùng nhiều thành viên trong BCH Hội và đông đảo bạn bè, nhà văn, nhà thơ, nhà báo là đồng nghiệp của tác giả. 

Tiểu thuyết Người đi tìm bóng núi của nhà văn Thu Trân là bức tranh tổng quát về đời sống người dân miền Nam hai thời kì: thời gian sắp kết thúc cuộc kháng chiến chống Mĩ 1954-1975 và thời kì sau ngày 30 tháng 4 năm 1975. Theo đó, sự ác liệt của cuộc chiến không dừng lại ở các tuyến đầu miền Nam trải dài ra vĩ tuyến 17, mà còn ở ngay trong lòng đô thị miền Nam đầy lính viễn chinh Mĩ lúc bấy giờ cùng những biến động với những cái chết bi thương và máu lửa. Sự ác liệt của chiến tranh giữa lòng đô thị miền Nam vào những ngày gần kết thúc cuộc chiến càng sôi sục hơn với những cảnh đời, cảnh người phân thân giữa đôi bờ giới tuyến.

Bìa tiểu thuyết Người đi tìm bóng núi của Thu Trân do Nhà xuất bản Đà Nẵng ấn hành. 

Sau ngày đất nước hoà bình thống nhất, bài toán ổn định về kinh tế, chính trị, xã hội… ở miền Nam cũng khó khăn và không kém phần gay gắt. Dưới sự điều hành của chính quyền cách mạng, nhiều người dân miền Nam phải làm quen với cuộc sống mới, gần như họ phải làm lại từ đầu với hai bàn tay trắng. Sự khác biệt tưởng như không thể dung hoà cùng các chính sách kém hiệu quả ban đầu như chủ trương đưa dân đô thị đi vùng kinh tế mới, chủ trương "ngăn sông cấm chợ" làm kiệt quệ kinh tế vùng… đã khiến nhiều người dân mất lòng tin. Cùng với đó, những nhộn nhạo của cuộc sống sau giải phóng đã tạo ra một làn sóng vượt biên tưởng như không bao giờ kết thúc…

Nhưng rồi, như một quy luật, ở bầu thì tròn - ở ống thì dài, sau những khó khăn ban đầu với một miền Nam đi lên chủ nghĩa xã hội mới toanh, các chủ trương chính sách của chính quyền cách mạng dần dần cũng được điều chỉnh cho phù hợp với sự phát triển chung. Tuy thế vẫn không sao tránh khỏi những khắc khoải, những nỗi niềm riêng của những con dân miền Nam đang tự điều chỉnh để được “thoát xác” trong một xã hội mới mà họ phải chật vật để làm quen. Cuộc đấu tranh nào cũng đầy những dằn vặt, cam go, để đến cuối cùng, ai cũng phải nghĩ được rằng, cuộc sống nào cũng sẽ ngày càng tốt hơn nếu mọi người chấp nhận điều chỉnh chính mình. Đó là những người mải mê đi tìm một bóng núi… Nhưng bóng núi chính ở tự trong lòng mỗi người, nếu biết tự thích nghi…

Nhà văn Bích Ngân (cầm micro) cùng các nhà văn, nhà thơ dự ra mắt tác phẩm mới của nhà văn Thu Trân. 

Nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà báo có mặt tại buổi ra mắt Người đi tìm bóng núi như các nhà văn Tô Hoàng, Lại Văn Long, Trầm Hương, Bích Ngân, Kim Quyên, Hoài Hương… đã tham gia phát biểu và nhận định rất sâu sắc về tác phẩm mới của nhà văn Thu Trân. Hầu hết các ý kiến đều cho rằng, Người đi tìm bóng núi là tác phẩm cần thiết được xuất bản trong dịp tiến tới kỉ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025). Thông qua tác phẩm, mọi người sẽ có cái nhìn đúng đắn hơn, sâu sắc hơn về đời sống, nguyện vọng của người dân miền Nam trước và sau cuộc chiến. Một vấn đề lớn đã được đặt ra xuyên suốt tác phẩm, đó là vấn đề hoà hợp, hoà giải dân tộc. Đọc để hiểu và chia sẻ với nhau trong tận cùng những mất mát đau thương cũng là con đường hướng đến hoà hợp, hoà giải dân tộc. Nhà văn Tô Hoàng nêu lên ba cảm nhận của mình về Thu Trân và tác phẩm mới của chị: Có vốn sống - Có chữ - Có phông văn hoá và Có văn. Còn nhà văn Bích Ngân thì cho rằng, Người đi tìm bóng núi là một thử thách cam go mà Thu Trân đã vượt qua một cách kiên cường, điềm đạm, nhuần nhị và đầy ắp yêu thương. Từ niềm riêng, tiểu thuyết Người đi tìm bóng núi đã chạm vào được nỗi chung nhiều người, nhiều số phận mà chiến tranh ập xuống, vây hãm, đày đọa, chia cắt, chôn vùi... Theo Chủ tịch Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh, câu chữ Thu Trân được viết từ trái tim không ngừng giằng xé và không ngơi khát vọng góp phần chữa lành vết thương, làm vơi nỗi đau mà chiến tranh gây ra dù bom đạn và chết chóc đã lùi xa.

Nhà văn Thu Trân nói về tác phẩm mới của mình. 

Một vấn đề chung được nhiều ý kiến đặt ra là: Người đi tìm bóng núi có phải là tiểu thuyết tự thuật của nhà văn Thu Trân? Về điều này, nhà văn Thu Trân cho biết, nếu nghĩ Người đi tìm bóng núi là tiểu thuyết tự thuật cũng đúng, hoặc giả là tiểu thuyết sáng tác cũng không sai, bởi các giai đoạn xã hội và lịch sử được phản ánh trong tác phẩm, giai đoạn nào đời sống người dân miền Nam cũng có một “mẫu số chung” là sống đau thương, li tán và luôn có nguyện vọng hướng đến hoà bình, thôi chết chóc, thôi đạn lạc bom rơi. Nhà văn cất lên một tiếng nói chung để ai cũng thấy mình có dự phần trong tác phẩm, đó cũng là cách tiếp cận tích cực và hiệu quả.

NGUYÊN THẢO 

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Sòng nhậu đầu tiên ở bãi, không bến không bờ tức giang hồ thiệt thọ, đã phết cho tôi Tàn sau Minh để hóa một Minh Tàn... (NGUYỄN TRÍ)

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)