Dòng chảy
Thiếu tướng Đinh Ngọc Tường - Chính ủy Binh chủng Công binh:

Những chiến sĩ đào núi và lấp biển…

Thứ Năm, 29/06/2023 07:50

Bộ đội Công binh là một bộ phận hợp thành của Quân đội nhân dân Việt Nam. Từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu và chiến thắng; được Đảng quang vinh và Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức, lãnh đạo, giáo dục, Bộ đội Công binh đã không ngừng trưởng thành, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ. Trên sóng nước trùng khơi, giữa Nhà giàn DKI - Trạm dịch vụ Kinh tế - Khoa học kĩ thuật thềm lục địa phía Nam cách đất liền 700km (công trình Bộ Quốc phòng giao cho Bộ đội Công binh nghiên cứu, thiết kế, xây dựng theo chủ trương của Đảng và Nhà nước ta từ năm 1988), chúng tôi đã có cuộc đối thoại hết sức thú vị với Thiếu tướng Đinh Ngọc Tường - Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Binh chủng Công binh trong chuyến công tác ở Trường Sa.

PV: Thưa đồng chí Chính ủy! Giữa nơi biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, trên Nhà giàn DKI do chính Bộ đội Công binh thiết kế và thi công theo chỉ đạo của Bộ Quốc phòng về xây dựng các công trình quốc phòng kinh tế trên biển; đồng chí đang cảm nhận thấy điều gì?

Thiếu tướng Đinh Ngọc Tường: Tôi vô cùng xúc động! Có những lúc như không tin mình đang đứng giữa trùng khơi trên những nhà giàn do chính cán bộ, chiến sĩ Binh chủng Công binh nghiên cứu, thiết kế và xây dựng. Đây là một trong những dấu mốc rất quan trọng góp phần làm nên truyền thống anh hùng của Bộ đội Công binh. Khi nhận nhiệm vụ do Bộ Quốc phòng giao, Bộ đội Công binh đã hiểu được tầm quan trọng và sự thiêng liêng của nhiệm vụ đặc biệt này. Nhiệm vụ nghiên cứu, thiết kế, xây dựng nhà giàn DKI trên các đảo san hô chìm có độ sâu từ 5-25m tại thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc cách đất liền từ 450-700km là nhiệm vụ rất khó khăn, yêu cầu rất cao về kĩ thuật công nghệ, tính chất phức tạp, liên quan nhiều cấp, nhiều ngành; địa điểm thi công xa đất liền, khí hậu khắc nghiệt, sóng gió thất thường, biển sâu hung hiểm, nhất là vào mùa mưa bão. Song quyết tâm của Bộ đội Công binh là phải bằng mọi cách hoàn thành và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Trong 10 năm (1989-1998), các công trình DKI thế hệ đầu tiên đã được hoàn thành trên các bãi ngầm và đưa vào sử dụng có hiệu quả, là sự hiện hữu vững vàng góp phần khẳng định và bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển và thềm lục địa của Tổ quốc. Đã có bộ đội hi sinh khi thực hiện các công trình trên biển. Máu của các anh hùng liệt sĩ trong đó có những người chiến sĩ Công binh đã góp phần tô thắm lá cờ Tổ quốc, tạc vào truyền thống “Mở đường thắng lợi”.

PV: Đúng là một dấu mốc lịch sử được dựng nên bằng mồ hôi, trí tuệ và cả máu xương của người chiến sĩ. Buổi tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã hi sinh trên quần đảo Trường Sa tại điểm đảo Len Đao hôm trước, tôi đã thấy rất nhiều vị tướng trong đó có anh khóc. Tôi cũng đã viết những dòng thơ trong những hạt mưa rơi xuống boong tàu khi ánh nắng mặt trời vẫn xuất hiện một cách kì lạ: Lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ/ Lấy máu mình thắm sắc cờ Tổ quốc ở Trường Sa/ Đây Cô Lin, Len Đao, Gạc Ma và tất cả/ Những hạt mưa đang rơi xuống boong tàu/ Trời chang nắng mà mưa rơi, lạ quá!/ Nước mắt mẹ già giọt lệ đỏ nhớ anh/ Chúng tôi chỉ muốn tung mình xuống biển/ Mà đứng bần thần chôn chặt trên boong... Thời điểm đó, cảm giác của đồng chí Chính ủy như thế nào?

Thiếu tướng Đinh Ngọc Tường: Tôi cũng như các anh chị trong đoàn công tác đều vô cùng xúc động. Rất nhiều lần, mỗi khi làm Lễ tưởng niệm thả vòng hoa xuống biển, dù trời đang nắng mà không hiểu sao đều có đám mây lớn sà đến và mưa lắc thắc rơi khiến ai nấy cũng đều rơi nước mắt. Dù đã cố gắng hết sức bằng tất cả trí tuệ và vật chất có thể, các Nhà giàn DKI đều rất vững chãi. Song, bão tố nơi biển thẳm không thể lường hết được nên đã có nhà giàn bị sóng gió quật ngã, có chiến sĩ đã hi sinh. Có đồng chí mãi mãi hòa mình vào biển mặn để lại cha mẹ già, vợ trẻ, con thơ. Mỗi khi Lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ giữa trùng khơi, những hạt nước mưa rơi xuống quện vào dòng nước mắt đã như nhắc nhở người đang sống, các thế hệ cán bộ chiến sĩ hãy cố gắng hơn nữa, thực hiện tốt các nhiệm vụ hơn nữa thay phần các anh đã không trở về. Chính bởi vậy, Bộ đội Công binh trong những năm gần đây đã thực hiện nhiều hội nghị khoa học, hội thảo các cấp, xét chọn các phương án kĩ thuật gia cố, làm mới các công trình DKI đáp ứng điều kiện sóng gió khắc nghiệt nhất, duy trì tuổi thọ của công trình. Đến hôm nay, hệ thống các công trình DKI đã được củng cố, nâng cấp, xây dựng vững chắc trên các bãi đá ngầm từ Phúc Tần, Huyền Trân ở phía Bắc, đến Phúc Nguyên, Quế Đường ở giữa, Tư Chính ở Tây Nam, Ba Kè ở Đông Nam và cực Nam là Bãi cạn Cà Mau trở thành những cột mốc chủ quyền, chốt tiền tiêu cảnh giới, là vành đai bảo vệ công tác thăm dò khai thác dầu khí và là chỗ dựa tin cậy để ngư dân vươn khơi, bám biển. Đây cũng là một trong những dấu mốc hết sức quan trọng của Bộ đội Công binh.

PV: Có ra giữa biển khơi mới thấy người chiến sĩ ta yêu thương, nâng niu và dùng tất cả trí tuệ, nghĩa khí của mình để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc như thế nào. Người chiến sĩ trong đó có người chiến sĩ Công binh cũng chính là cột mốc chủ quyền, là lá cờ Tổ quốc. Ngày nắng đêm sương, giữa gió bão trùng trùng, giữa những diễn biến phức tạp trên biển… nhưng các anh vẫn không một chút sờn lòng, nản chí. Điều đó có được là do đâu? Lịch sử vẻ vang của tổ tiên ta, đất nước ta có được là do đâu? Đều là được xây đắp nên từ máu đào của các anh hùng liệt sĩ, từ sự hi sinh vô bờ bến của nhân dân. Đối với Quân đội ta trong đó có Bộ đội Công binh cũng vậy. Sự lớn mạnh, trưởng thành đều có ngọn nguồn của nó. Mời đồng chí Chính ủy hãy nói đôi nét ngọn nguồn của Bộ đội Công binh?

Thiếu tướng Đinh Ngọc Tường: Ngọn nguồn của Bộ đội Công binh bắt đầu từ những ngày đầu thành lập Đội Việt Nam Giải phóng quân trong Hội nghị Quân sự Cách mạng Bắc Kì họp từ ngày 15 đến ngày 20/4/1945 quyết định thống nhất các lực lượng vũ trang cách mạng thành Việt Nam Giải phóng quân, trong đó có việc “Thành lập các đội quân thợ”. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân ta từ Bắc đến Nam đã hăng hái tham gia phá đường, phá cầu, chặt cây, dựng vật cản, thực hiện “vườn không nhà trống” làm cho địch khốn đốn trăm bề. Cách mạng tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa non trẻ đã phải đối đầu với muôn vàn khó khăn do thù trong, giặc ngoài gây nên. Trước tình hình đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã đề ra nhiều biện pháp khẩn cấp, đặc biệt là việc phát triển lực lượng vũ trang nhân dân.

Ngày 25/3/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh kí Sắc lệnh số 34/SL quy định tổ chức Bộ Quốc phòng. Trong các Cục chuyên môn có Công chính giao thông Cục. Điều 13 trong Sắc lệnh quy định: “Công chính giao thông Cục có nhiệm vụ tổ chức và thi hành việc vận tải, thông tấn, vẽ đồ bản và tổ chức công binh dùng vào việc chuyên môn: cầu cống, đường sá, máy móc...”. Đó cũng là những ngọn nguồn đầu tiên hình thành nên truyền thống vẻ vang của Bộ đội Công binh. Ngày 25/3/1946 cũng chính là dấu mốc lịch sử của Bộ đội Công binh, là ngày truyền thống của chúng tôi đến hôm nay và mai sau.

Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Công binh với đội cứu hộ cứu nạn tại Lễ xuất quân sang làm nhiệm vụ quốc tế ở Thổ Nhĩ Kì năm 2023. Ảnh: TL

PV: Thấm thoắt vậy mà đã 77 năm. Khoảng thời gian không phải là ngắn nữa. Thế hệ cán bộ chiến sĩ, những anh hùng dũng sĩ của Bộ đội Công binh nhiều người đã không còn nữa. Nhưng những dấu mốc lịch sử thì mãi còn lại trong các trang sử vẻ vang của Bộ đội Công binh. Mời đồng chí Chính ủy hãy điểm thêm vài dấu mốc...

Thiếu tướng Đinh Ngọc Tường: Các dấu mốc lịch sử của Bộ đội Công binh có lẽ phải chuyên chở bằng nhiều tập sách và chúng tôi cũng đã thực hiện được khá đầy đủ dưới nhiều hình thức trong suốt 77 năm. Một trong những dấu mốc sớm nhất là ngày 19/12/1946, kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Đáp lời kêu gọi thiêng liêng của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân cả nước nhất tề đứng lên chống thực dân Pháp. Cuộc chiến đấu diễn ra hết sức quyết liệt ở Hà Nội và nhiều thành phố, tỉnh, thị xã. Phong trào phá hoại đường sá, cầu cống, sân bay, nhà cửa và các căn cứ của địch diễn ra trên khắp các chiến trường. Bộ đội Công binh vừa ra đời đã trở thành lực lượng xung kích trong tiêu thổ kháng chiến, ngăn chặn địch, tạo điều kiện cho cả nước chuyển vào kháng chiến.

Ở Nam Bộ, từ tháng 1/1947, Đội Công binh Huỳnh Thúc Kháng trong những trận đánh đầu tiên đã phá hủy 5km đường sắt, phá sập 10 cầu trên đường Mương Mán - Sài Gòn, lật nhào hàng chục toa xe lửa, tiêu diệt hàng trăm tên địch. Đội Công binh thủy lôi Bạc Liêu phối hợp với đơn vị bạn trong trận đánh Mương Điều đã diệt gọn một đại đội địch, nhấn chìm tàu giặc. Ở Trung bộ, các đơn vị Công binh được nhân dân giúp đỡ đã dùng bom đạn địch đánh địch. Chỉ trong thời gian ngắn đã đánh sập nhiều cây cầu quan trọng gây cho địch nhiều thiệt hại từ Quảng Trị, đến Quảng Nam, Quảng Ngãi. Tại Hà Nội, 3 tiểu đoàn Công binh đã gấp rút được thành lập dưới sự chỉ đạo của Giao thông Công binh Cục đã cùng hàng nghìn tự vệ, học sinh và nhân dân Thủ đô đào hào, đắp ụ, dựng chiến lũy ngăn chặn và đánh địch, góp phần bảo vệ Trung ương Đảng và Chính phủ, chuyển mọi kho tàng, cơ sở vật chất lên chiến khu Việt Bắc an toàn. Những dấu mốc ấy đều đã được ghi chép trong quân sử.

Thu - Đông năm 1947, ta mở Chiến dịch Việt Bắc, Đại đội 9 là đơn vị Công binh đầu tiên tham gia chiến dịch đã lập tức tổ chức phá cầu, phá đường từ Tuyên Quang đi Thái Nguyên, đường số 3 (Bắc Thái Nguyên), khiến giao thông của địch bị tê liệt, bị chia cắt đã góp phần làm nên chiến thắng Việt Bắc. Đại đội 9 Công binh được tặng Huân chương Chiến sĩ hạng Nhất. Đây cũng là phần thưởng đầu tiên của Đảng, Nhà nước trao tặng Bộ đội Công binh.

Trong Chiến dịch biên giới năm 1950, lực lượng Công binh tham gia hướng chính chiến dịch có Tiểu đoàn 333 (Cục Công binh); Tiểu đoàn 60 (Đại đoàn 308); Đại đội 150 (Trung đoàn 174) và Trung đội Công binh (Tiểu đoàn bộ đội địa phương 888 Lạng Sơn). Trong chiến dịch này, nhiệm vụ của Công binh đã có sự phân công, phân cấp rõ ràng. Nhiều sáng kiến đã được sử dụng trong thực tiễn như sáng tạo về cầu phao có thể tháo lắp, cất giấu, vận chuyển hiệu quả; làm phà vượt sông bằng tre nứa... đã góp phần tạo nên những chiến thắng trong chiến dịch. Do yêu cầu nhiệm vụ, ngày 15/1/1951, Trung đoàn Công binh 151 được thành lập. Đây là Trung đoàn Công binh chủ lực đầu tiên của Quân đội ta. Vừa mới thành lập, Trung đoàn đã liên tục tham gia các chiến dịch lớn như Trần Hưng Đạo, Hoàng Hoa Thám, Quang Trung, Hòa Bình, Tây Bắc, Thượng Lào và đều hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ.

PV: Trong các chiến dịch đó, với nhiều chiến công đã lập được, nhiều dấu mốc đã được viết nên, hẳn người kí Sắc lệnh quy định tổ chức Bộ Quốc phòng trong đó có Bộ đội Công binh là Hồ Chủ tịch sẽ hết sức vui mừng, và Người đã đến thăm Bộ đội Công binh. Câu chuyện đó diễn ra như thế nào?

Thiếu tướng Đinh Ngọc Tường: Đó cũng là một dấu mốc lịch sử của Bộ đội Công binh. Trong Chiến dịch Hoàng Hoa Thám, chiến sĩ Công binh Đại đội 250 (Tiểu đoàn 333) được giao nhiệm vụ làm Sở chỉ huy chiến dịch hết sức bất ngờ và xúc động khi biết tin Bác Hồ đến thăm. Các chiến sĩ hầu như chưa từng được gặp Bác nên ai cũng muốn tới thật gần nhìn Bác. Khi biết Bộ đội Công binh ăn 8 lạng gạo mỗi ngày vẫn chưa đủ no, Bác quay sang đồng chí Trần Đăng Ninh, Chủ nhiệm Tổng cục Cung cấp nói: “Các chú Công binh lao động nặng nhọc, vất vả cần được ăn no. Từ nay, chú cho Công binh ăn 9 lạng gạo một ngày”. Các chiến sĩ Công binh ai nấy đều lặng đi trước sự quan tâm của Bác. Nghe chiến sĩ Công binh báo cáo tình hình công tác, Người căn dặn: “Bộ binh như mũi mác, Công binh như cán mác, cán có chắc, mũi có sắc thì mới đâm được giặc”.

Trong Chiến dịch Tây Bắc năm 1952, với những chiến công, thành tích xuất sắc trong phục vụ chiến dịch, Bộ đội Công binh được Đảng, Nhà nước khen tặng nhiều phần thưởng cao quý, đặc biệt vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh khen tặng lá cờ thêu bốn chữ vàng “Mở đường thắng lợi”. Đây là phần thưởng cao quý, là khái quát sâu sắc của Bác về chức năng, nhiệm vụ, đồng thời là tư tưởng chỉ đạo, phương châm, mục tiêu để giành thắng lợi cả trong thời chiến cũng như thời bình của Bộ đội Công binh. Kể từ đó, “Mở đường thắng lợi” trở thành truyền thống vẻ vang của Công binh Việt Nam.

Vinh dự, tự hào phất cao cờ truyền thống. “Mở đường thắng lợi” như lời mệnh lệnh, hiệu triệu từ trong tim đã thôi thúc lớp lớp các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Công binh vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, mưu trí, sáng tạo, chiến đấu dũng cảm, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân lập nên nhiều chiến công hiển hách, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Đoàn công tác Trường Sa 2023 tại Nhà giàn DKI Ảnh: PV

PV: Thực là một câu chuyện hết sức xúc động về tình cảm của Bác Hồ dành cho Bộ đội Công binh! Chính từ những lời căn dặn giản dị như thế đã giúp người chiến sĩ Công binh trưởng thành. Nói đến Bộ đội Công binh phải nói đến Chiến dịch Điện Biên Phủ. Phá mọi ghềnh thác trên sông Đà để quân ta tiến lên đánh giặc. Đào hàng vạn mét hầm hào dưới mưa bom bão đạn. Vẫn còn đó những câu thơ của nhà thơ Tố Hữu: Dốc Pha Đin chị gánh, anh thồ/ Đèo Lũng Lô anh hò, chị hát/.../ Năm mươi sáu ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt/ Máu trộn bùn non/ Gan không núng/ Chí không mòn... Và đặc biệt, Bộ đội Công binh đã đào một đường hầm vào lòng đồi A1 đặt quả bộc phá ngàn cân báo hiệu mệnh lệnh tiến công góp phần làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Chắc hẳn đồng chí Chính ủy cũng có ghi nhớ về những thời khắc đó!

Thiếu tướng Đinh Ngọc Tường: Chiến dịch Điện Biên Phủ là một trong những dấu mốc trưởng thành hết sức quan trọng của Bộ đội Công binh. Đường lên Điện Biên Phủ phải qua nhiều đèo cao, dốc đứng như Chiềng Puốc, Pha Đin, Đèo Cả, sông Nậm Na với hơn trăm con thác hung dữ. Trên đầu là máy bay địch đánh bom, thả bom nổ chậm, bom bươm bướm dày đặc, bên dưới là ghềnh thác, đèo dốc, mưa lũ xuyên ngày đêm. Khó khăn vô cùng nhưng tất cả đều dành cho trận đánh lớn nên các tuyến đường cứ thế như mũi tên chọc thẳng vào cứ điểm Điện Biên. Từng đoàn xe, những cỗ pháo theo con đường mới mở tiến vào chiến trường. Chiến công của người chiến sĩ Công binh tại các trọng điểm Tạ Khoa, Cò Nòi, Bạn Chẹn, Pha Đin... mãi mãi là những dấu ấn vàng son trong lịch sử Bộ đội Công binh. Một anh hùng quả cảm Phan Tư phá thác trên sông Nậm Na nức tiếng toàn quân. Đội phá bom 83 do đồng chí Nguyễn Phú Xuyên Khung làm đội trưởng đã như một huyền thoại. Trên các trọng điểm đèo Khế, đèo Cả là tấm gương dũng cảm quên mình của đồng chí Chu Văn Khâm và biết bao tấm gương hi sinh anh dũng trên các tuyến đường, trọng điểm, bến sông, dòng thác. Kết thúc đợt 1 của chiến dịch, Bộ đội Công binh được Bộ Chỉ huy chiến dịch khen ngợi: “Đội Công binh mở đường thắng lợi, suốt mùa hè không nghỉ, giữ vững giao thông, không có con đường ấy, không có chiến dịch này”.

Một dấu ấn đặc biệt chính là các chiến sĩ Công binh đã bằng lòng dũng cảm, mưu trí sáng tạo, khoét đào một đường hầm dài gần 50m giữa lòng đồi A1 và bố trí vào đó gần 1.000kg thuốc nổ. 21 giờ ngày 6/5/1954, khối thuốc nổ được điểm hỏa cũng là mệnh lệnh tiến công đã phá sập một phần hệ thống hầm ngầm cố thủ của địch trên đồi A1, tạo điều kiện cho quân ta đồng loạt tiến công các cứ điểm cuối cùng giành toàn thắng.

Chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc thắng lợi. Máu xương của biết bao anh hùng liệt sĩ trong đó có người chiến sĩ Công binh đã đổ xuống là những gì vô giá không thể nào đo đếm hết được cũng là vì Tổ quốc, vì nhân dân, để cho Mường Thanh, Hồng Cúm, Him Lam/ Hoa mơ lại trắng vườn cam lại vàng như lời thơ Tố Hữu.

PV: Việt Nam ta quả là đất nước của những anh hùng và thi sĩ. Người Việt tự ngàn đời lên lưng ngựa cầm gươm, xuống lưng ngựa ngâm thơ, làm ruộng thanh bình. Nhưng kẻ thù đâu để ta yên. Kẻ thù buộc ta phải ôm cây súng. Bước vào cuộc chiến đấu trường kì chống Mĩ cứu nước, những người lính Công binh lại đi trước mở đường. Cuộc kháng chiến càng gian lao, người chiến sĩ Công binh càng anh dũng lập biết bao dấu mốc chiến công. Xin đồng chí Chính ủy hãy chia sẻ với bạn đọc vài nét tiêu biểu của Bộ đội Công binh ở thời kì này!

Thiếu tướng Đinh Ngọc Tường: Vài nét tiêu biểu ư? Khó đấy! Vì Bộ đội Công binh nhiều dấu mốc tiêu biểu lắm. Nhưng các quân binh chủng khác cũng rất anh hùng, cũng vô cùng nhiều trang sử vẻ vang nên chúng tôi tạm kể với bạn đọc Văn nghệ Quân đội vài dấu mốc chính. Trước tiên, khi Đoàn 559 - Bộ đội Trường Sơn được thành lập thì Bộ đội Công binh lần lượt lên đường bổ sung cho Đoàn 559 mở đường chiến lược Trường Sơn. Truyền thống “Mở đường thắng lợi” đã được Công binh Trường Sơn kế thừa và phát huy hết sức xuất sắc. Với khí thế “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, các Trung đoàn Công binh và các đơn vị bạn, lực lượng thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến đã mở hàng chục nghìn ki lô mét đường, tạo nên mạng đường cơ động chiến lược, ngang dọc Trường Sơn.

Ngày 28/6/1965, Bộ Quốc phòng ra quyết định số 102/QP thành lập Bộ Tư lệnh Công binh, đồng chí Phạm Hoàng được bổ nhiệm làm Tư lệnh, đồng chí Chu Thanh Hương làm Chính ủy. Đây là sự kiện quan trọng, đánh dấu bước phát triển mới về tổ chức và nhiệm vụ của Bộ đội Công binh. Trên các trọng điểm ác liệt, Bộ đội Công binh đều có mặt. Các địa danh Long Đại, Đồng Hới, Đồng Lộc, Bến Thủy, Hàm Rồng... nơi các địa bàn xung yếu, các trục giao thông quan trọng đều có Bộ đội Công binh bám đường, bám bến, bắc cầu với khẩu hiệu “Sống bám cầu đường, chết kiên cường dũng cảm” giữ vững mạch máu giao thông chiến lược thông suốt trong những năm kháng chiến chống Mĩ.

Một dấu mốc đặc biệt nữa, đó là: Tháng 2/1966, khi Trung đoàn 239, 249 diễn tập bắc cầu phao qua sông Hồng, Bác Hồ, Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đến tận nơi động viên cán bộ, chiến sĩ Công binh. Tại đây, Bác căn dặn: “Nhiệm vụ của các chú rất nặng nề, nhưng rất vẻ vang, các chú cần cố gắng hơn nữa, làm tốt hơn nữa. Mỗi ngày làm nhanh hơn một phút, ba phút, năm phút, dần dần rút ngắn lại, càng ngắn càng tốt, các chú bắc cầu ngày một giỏi hơn, làm như thế, chúng ta sẽ mau chóng đánh thắng giặc Mĩ xâm lược.”

Lời Bác Hồ căn dặn cũng là mệnh lệnh để Bộ đội Công binh trưởng thành.

Trong kháng chiến chống Mĩ, những trọng điểm ác liệt đều có mặt Bộ đội Công binh. Riêng ngã ba Đồng Lộc bình quân mỗi ngày phải gánh chịu hàng chục tấn bom các loại. Chiếc cano số hiệu 434 được mệnh danh là cano “bất khuất” trên bến Long Đại năm 1967-1968 do Hạ sĩ Nguyễn Xuân Toản thuộc Trung Đoàn 249 lái, lướt nhanh trên mặt nước để kích nổ bom, thủy lôi của địch như một huyền thoại. Đội phá bom 93 luôn có mặt ở các trọng điểm tại Nghệ An, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh. Đội 8 Công binh Hải quân rà phá thủy lôi địch phong tỏa các cửa sông, cửa biển quan trọng. Các anh hùng Vương Đinh Nhỏ, Nông Văn Việt, Nông Văn Nghi, Nguyễn Ngọc Sâm, Trần Kim Xuân, Cao Tất Đắc… và biết bao gương dũng cảm hi sinh của các chiến sĩ Công binh ba thứ quân đã tô thắm thêm trang sử truyền thống vẻ vang của Bộ đội Công binh.

Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, lần đầu tiên Công binh Việt Nam sử dụng một lực lượng lớn gồm 2 sư đoàn, 3 lữ đoàn, 20 trung đoàn, 30 tiểu đoàn làm nhiệm vụ bảo đảm cho các quân đoàn chủ lực và binh khí kĩ thuật với hàng vạn xe, pháo các loại cơ động hàng nghìn ki lô mét tham gia cuộc hành quân thần tốc để làm nên chiến thắng lịch sử giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

PV: Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng/ Lời Bác nay đã thành chiến thắng huy hoàng... Non sông thu về một mối mà Bác không còn nữa. Nhưng Bác vẫn thật gần trong trái tim mỗi người chiến sĩ trong đó có người chiến sĩ Công binh. Bộ đội Công binh thời bình vẫn luôn theo lời Bác dạy. Vẫn miệt mài chiến đấu gian khổ, hi sinh. Lại xin đồng chí Chính ủy đưa ra một vài dấu mốc...

Thiếu tướng Đinh Ngọc Tường: Chúng ta chiến đấu và chiến thắng để xây dựng hòa bình. Đó là bản tính cũng là khát vọng của mỗi người Việt Nam chân chính. Song, sau Đại thắng mùa Xuân năm 1975 chỉ một thời gian ngắn, ở hai đầu đất nước lại vang lên tiếng súng. Người chiến sĩ Công binh lại hành quân vào nơi lửa đạn đóng góp máu xương của mình cho Tổ quốc bình yên. Tiếp đó, Bộ đội Công binh lại nhận trọng trách và nhiệm vụ khó khăn như chúng ta đã trao đổi từ đầu, năm 1988, Bộ Tư lệnh Công binh được giao nghiên cứu, thiết kế các Trạm Dịch vụ Kinh tế - Khoa học kĩ thuật (DKI) trên các đảo san hô chìm nơi biển khơi Tổ quốc. Đó là một dấu mốc đặc biệt.

Một dấu mốc không thể không nhắc đến, đó là tham gia thực hiện xây dựng tuyến đường tuần tra biên giới trên đất liền - “Công trường vạn dặm” góp phần tăng cường tuần tra, kiểm soát, quản lí, bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia, củng cố quốc phòng, an ninh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện và nâng cao đời sống của nhân dân ở khu vực biên giới. Biên giới nước ta dài và tươi đẹp lắm, nhưng đời sống nhân dân ở đây còn nhiều khó khăn. Tuyến đường tuần tra biên giới chính là để nhân dân có đời sống no ấm hơn như mong ước của Bác Hồ.

Bộ đội Công binh thời bình hôm nay ngoài nhiệm vụ thường xuyên còn cùng các đơn vị làm nòng cốt trong phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, khắc phục sập đổ công trình, sự cố giao thông. Tiêu biểu phải kể đến cuộc ứng cứu sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ; khắc phục sạt lở mỏ đá bản Vẽ - Tương Dương, Nghệ An; giải cứu thành công 12 công nhân trong sập hầm thủy điện Đạ Dâng những ngày cuối năm 2014 được cả nước quan tâm. Các cầu phao giải tỏa ách tắc giao thông tại bến phà Khuyến Lương, bến Chèm, cầu Đuống trong mưa bão, nước sông dâng cao, chảy xiết. Trong các trận “đại hồng thủy” miền Trung như Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Bộ đội Công binh đều xác định: “Khi nhân dân đang cần chúng ta từng giờ, từng phút, dù khó khăn thế nào cũng phải đi, kể cả có hi sinh” đã góp phần làm nên vẻ đẹp ngời sáng của “Bộ đội Cụ Hồ” trong lòng nhân dân cả nước.

PV: Đúng là có nói mãi cũng không hết những dấu mốc, những vẻ đẹp, những chiến công của Bộ đội Công binh từ thời chiến tới thời bình, từ Điện Biên tới Trường Sa và còn đi xa hơn nữa như tham gia Hội thao Quân sự quốc tế (Army Games) các năm 2019, 2020, 2021 đều giành nhiều giải thưởng; Đội Công binh số 1 tham gia gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc tại khu vực Abyei, Đội Cứu sập ASEAN tham gia lực lượng QĐND Việt Nam cứu hộ, cứu trợ thảm họa động đất tại Thổ Nhĩ Kì... Điều đó mọi người đều đã biết và đều có thể tìm thấy trên các phương tiện truyền thông. Câu hỏi cuối của chúng tôi là: Để nói thật ngắn về Bộ đội Công binh, đồng chí Chính ủy sẽ nói gì?

Thiếu tướng Đinh Ngọc Tường (cười tươi trên sóng nước Nhà giàn DKI): Nói ngắn ư? Truyền thống thì ai cũng biết cả. Vậy tôi xin nhắc lại lời thơ của Bác Hồ mà tôi tâm đắc cũng rất gần với Bộ đội Công binh: Không có việc gì khó/ Chỉ sợ lòng không bền/ Đào núi và lấp biển/ Quyết chí ắt làm nên.

PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí Chính ủy!

PV

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Sòng nhậu đầu tiên ở bãi, không bến không bờ tức giang hồ thiệt thọ, đã phết cho tôi Tàn sau Minh để hóa một Minh Tàn... (NGUYỄN TRÍ)

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)