Xuất bản tác phẩm dang dở của Françoise Sagan, tác phẩm Việt được vinh danh tại Anh...

Thứ Tư, 28/06/2023 09:05

Thế giới tuần qua có nhiều sự kiện đáng chú ý, một trong số đó là tác phẩm Việt Nam lần đầu giành được Huy chương Carnegie ở mảng minh họa.

Cuốn tiểu thuyết dang dở của Françoise Sagan được xuất bản

Francoise Sagan và cuốn tiểu thuyết dang dở.

The Four Corners of the Heart (tạm dịch: Bốn góc trái tim) mới đây đã được con trai của cố nhà văn Françoise Sagan cho xuất bản bằng tiếng Anh, 3 năm sau khi bản gốc tiếng Pháp ra mắt. Bản thảo này được phát hiện sau cái chết của bà, được cho là viết khi Sagan mới 18 tuổi. Tiểu thuyết kể về câu chuyện của Marie-Laure và chồng của mình, Ludovic, khi anh trở về căn nhà sau 3 năm nằm viện bởi một tai nạn xe hơi tàn khốc, khiến anh rơi vào tình trạng yếu ớt cả về thể chất cũng như tinh thần.

Khi mẹ của Marie-Laure, Fanny đến thăm con gái mình, cả Ludovic và cha anh, Henri, đều phải lòng bà. Cuốn sách được phát hiện vào năm 2011, 7 năm sau cái chết của Sagan vào năm 2004, bởi con trai bà là Denis Westhoff. Sagan cũng đã ghi chú trong bản thảo này các lưu ý về sự thiếu hoàn thiện. Bà ghi “có một số đoạn lặp lại, cốt truyện có nhiều mâu thuẫn, một số câu không ăn ý, thiếu từ và thiếu phần kết”.

Chia sẻ với tờ The Guardian, Denis nói rằng khi ông trao quyền xuất bản cho nhà xuất bản Pháp Éditions Plon, thì “đã có một cuộc thảo luận ngắn về việc liệu có nên mời thêm nhà văn nổi tiếng nào đó để viết phần kết cho cuốn sách này hay không”. Những cái tên từng được cân nhắc gồm có Leïla Slimani (người từng chiến thắng giải thưởng Goncourt), Anne Berest, Anna Gavalda cũng như chính bản thân ông.

Dù vậy ông nói rằng mình chưa từng muốn thay đổi hay chỉnh sửa nó, vì ông “tôn trọng tác giả của nó, khi bà dù thấy những điểm bất nhất nhưng vẫn không thêm bất cứ gì vào”. Westhoff cho biết khi bản thảo The Four Corners of the Heart được tìm thấy, ông đã “không hề mơ tưởng một ngày nào đó nó có thể được xuất bản, càng không thể nói là nó có thể trở thành đối tượng thu hút được sự chú ý của công chúng ở mức độ này”. Bởi lẽ những cuốn sách của mẹ ông “hầu như là không bán được vào lúc cuối đời”.

Theo đó Sagan được biết đến nhiều nhất với tiểu thuyết ngắn Buồn ơi chào mi, được kể thông qua góc nhìn của cô thiếu nữ Cécile, 17 tuổi, nói về kì nghỉ ở Côte d'Azur với người cha góa bụa và cô bạn gái trẻ của ông. Sagan viết cuốn sách này khi mới 18, và nó đã gây ra một sự xáo trộn trong xã hội Pháp, mang lại tai tiếng cũng như danh tiếng cho nữ tác giả. Nó vẫn là tác phẩm nổi tiếng nhất của bà, mặc dù sau đó Sagan đã viết thêm 20 tiểu thuyết, 3 tập truyện ngắn, 9 vở kịch, 2 cuốn tiểu sử và một số tuyển tập tác phẩm phi hư cấu trong suốt văn nghiệp.

Nhà xuất bản Éditions Plon đã phát hành cuốn sách với tựa tiếng Pháp Les Quatre coins du coeur vào năm 2019. Westhoff cũng đã thực hiện một vài thay đổi đối với bản thảo, bao gồm loại bỏ “một số đoạn không khác gì nhắc lại những đoạn gần giống trước đó”, và loại bỏ “một đoạn khá dài mô tả vợ của Henri Cresson, điều này khớp với những đoạn khác trong phần cuốn sách”. Cuốn tiểu thuyết này, Westhoff thừa nhận, “không mang lại điều gì đặc biệt mới, cũng không quá là khác biệt” so với trước tác của riêng Sagan.

Tác phẩm Việt Nam được vinh danh tại giải Huy chương Carnegie

Họa sĩ Jeet Zdung và Tác phẩm thắng giải.

Mới đây, tác phẩm Saving Sorya: Chang and the Sun Bear (tựa gốc: Chang hoang dã) của nhà bảo tồn động vật Trang Nguyễn và họa sĩ Jeet Zdung, đã giành chiến thắng hạng mục minh họa thuộc khuôn khổ giải thưởng Huy chương Carnegie. Đây là cuốn artbook với các minh họa màu nước được lấy cảm hứng từ truyện tranh, dựa trên câu chuyện có thật về một cô gái tự mình giải cứu chú gấu hoang dã. Đây là năm thứ hai liên tiếp mà một tiểu thuyết minh họa giành được giải thưởng.

Một tác phẩm khác cũng được vinh danh là cuốn tiểu thuyết dành cho thanh thiếu niên The Blue Book of Nebo của Manon Steffan Ros, lấy bối cảnh ở xứ Wales hậu tận thế, được các giám khảo khen ngợi là “hiện thực hóa những điều không tưởng một cách ấn tượng”. Ban giám khảo đã quyết định trao giải thưởng cao nhất cho tác phẩm này vì “việc xây dựng thế giới và tiếng nói khác biệt của hai nhân vật chính đã được thể hiện một cách đáng nhớ, và buộc độc giả phải đặt câu hỏi về mối quan hệ của chính họ với thế giới hiện đại”.

Phần thưởng của người chiến thắng là phần tiền mặt trị giá 5.000 bảng Anh và sách trị giá 500 bảng Anh để quyên góp cho các thư viện mà họ lựa chọn. Ros đang lên kế hoạch quyên góp cho thư viện Tywyn, nơi cô đã viết cuốn sách của mình, và là nơi duy nhất có Internet tại nơi cô ở. Trong khi họa sĩ Jeet Zdung sẽ dùng phần thưởng để hỗ trợ cho các thư viện mà Trang thành lập gần các công viên quốc gia Việt Nam.

Zdung cho biết anh hi vọng Saving Sorya “sẽ cung cấp kiến ​​thức sâu rộng về động vật hoang dã, đồng thời gây ấn tượng với giới trẻ về tầm quan trọng của việc bảo tồn”. Để chuẩn bị minh họa cho cuốn sách này, anh đã tiến hành nghiên cứu thực địa tại Việt Nam và Campuchia. Anh nói thêm: “Việc đi lang thang trong rừng và làm công việc tình nguyện ở một trung tâm cứu hộ gấu đã cho tôi nhiều trải nghiệm mà tôi đã dùng để làm phong phú thêm cho cuộc sống của các nhân vật, và khiến họ chân thực hơn trong tác phẩm này.”

Tiểu thuyết gia lãng mạn Julie Garwood qua đời ở tuổi 78

Julie Garwood và các tác phẩm đã được chuyển ngữ tại Việt Nam.

Julie Garwood, tác giả thường xuyên lọt vào danh sách bán chạy của nhiều thời báo, đã qua đời vào ngày 8 tháng 6 tại nhà riêng ở Leawood, Kansas. Nhà xuất bản của bà, Berkley, chi nhánh của Tập đoàn Penguin, đã ra thông cáo nhưng không nêu rõ nguyên nhân.

Berkley cho biết hơn 40 triệu bản sách của Garwood đã được in bằng 32 ngôn ngữ trong nhiều năm qua. Bà bắt đầu viết khi 40 tuổi với nhiều tác phẩm đa dạng đề tài, từ tiểu thuyết dành cho giới trẻ, sách lịch sử lãng mạn cho đến bối cảnh gần hơn là thời đại công nghệ thông tin.

Những cuốn sách đầu tiên dành cho người lớn của bà đều là tiểu thuyết lịch sử, và Garwood tự hào về các nghiên cứu mà mình khảo sát một cách tỉ mỉ. Trong một cuộc phỏng vấn vào năm 2007 với tờ The New York Times, bà đã nói rằng khi một số độc giả khó tính nghi ngờ về độ chính xác của các cuốn sách, bà chỉ đơn giản là “gửi cho họ hàng đống tài liệu tham khảo mà mình đã dùng.”

Tất nhiên, các chi tiết lịch sử chỉ là một “món ăn phụ”, bởi lẽ “món chính” là yếu tố lãng mạn đã được viết bằng một thứ văn xuôi vô cùng điển hình cũng như kinh điển. Sau khi viết thể loại này suốt 15 năm, Garwood bắt đầu viết tiểu thuyết đương đại với yếu tố giật gân. Tuy mảng sách này bà không có nhiều kiến thức chuyên môn, nhưng Garwood cũng đã tham khảo ý kiến ​​​​của những người quen để đảm bảo rằng mình có thông tin một cách chính xác.

Một số nhà phê bình nhận thấy câu chuyện và các nhân vật của bà tương đối đơn giản. Nhưng bà nói rằng mình chỉ cố gắng để làm cho người phụ nữ trong các câu chuyện trở nên mạnh mẽ hơn, bất kể khi bà đặt họ vào thế kỉ nào. “Nếu tôi có một nữ anh hùng ở lại với một người đàn ông đáng ghét cho đến trang cuối, thì cô ta không xứng đáng để được gọi là một nữ anh hùng.”

ĐOÀN ANH TUẤN dịch từ The Guardian, The New York Times

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Sòng nhậu đầu tiên ở bãi, không bến không bờ tức giang hồ thiệt thọ, đã phết cho tôi Tàn sau Minh để hóa một Minh Tàn... (NGUYỄN TRÍ)

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)