75 NĂM NGÀY CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH RA LỜI KÊU GỌI THI ĐUA ÁI QUỐC (11/6/1948 - 11/6/2023)

“Ươm những mầm xanh” cho biên cương Mường Lèo

Chủ Nhật, 11/06/2023 15:22

Mồ côi cha, vắng mẹ, nhà nghèo là “hoàn cảnh chung” của những học sinh đồng bào dân tộc thiểu số được Đồn Biên phòng Mường Lèo, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Sơn La nhận đỡ đầu theo Chương trình “Nâng bước em đến trường - Con nuôi đồn Biên phòng”. Cảm thương trước những mảnh đời không may mắn ấy, người lính Biên phòng bằng tình thương và trách nhiệm đã đồng hành cùng các em trên con đường tới trường và âm thầm viết nên những câu chuyện đầy nhân văn, thấm đẫm tình người.
 

“Gieo hạt giống” cho tương lai

Nhìn cậu học trò Mùa A Phổng (lớp 8C, Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Mường Lèo, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La), mọi người không khó có thể thấy được trong đôi mắt luôn phảng phất nỗi buồn ngay cả khi cười. Thế nhưng, khi được nghe kể về hoàn cảnh thì mọi người sẽ hiểu được “góc khuất” của đứa trẻ đang tuổi ăn chưa no, lo chưa tới này. Nhà Phổng ở bản Mường Lèo, xã Mường Lèo. Bố mất, mẹ theo chồng mới về Phiêng Cằm (huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La) nên Phổng về ở với chú ruột là Mùa A Vạng. Nhà chú Vạng làm nương lại đông con nên khó khăn lắm. Biết chú vì thương mà nuôi mình nên đôi lúc Phổng nghĩ đến việc nghỉ học. Năm 2016, Phổng được Đồn Biên phòng Mường Lèo nhận đỡ đầu theo Chương trình “Nâng bước em tới trường - Con nuôi đồn Biên phòng”. Số tiền 500 ngàn đồng mỗi tháng đã giúp chú dì đỡ phần nào việc ăn uống, sách vở cho cháu trai. Anh Mùa A Vạng chia sẻ: “Thương cháu nên khi anh trai mất, chị dâu đi lấy chồng mới tôi đưa cháu về nuôi. Nhà khó khăn quá nên hàng tháng, các anh ở Đồn Biên phòng Mường Lèo đều hỗ trợ tiền để tôi nuôi cháu. Gia đình tôi rất cảm ơn và sẽ cố gắng hơn nữa để cháu được học lên cao nữa”.

Cũng được nhận đỡ đầu theo Chương trình “Nâng bước em tới trường - Con nuôi Đồn Biên phòng” nhưng hoàn cảnh của cô học trò nhỏ Hà Thị Bích Na (bản Mường Lèo, xã Mường Lèo) lại có phần đáng thương hơn Mùa A Phổng. Nhà nghèo nhưng Bích Na luôn khiến các bạn nể và thầy cô thương vì tinh thần vươn lên trong học tập. Em chăm chỉ, dù mưa hay nắng cũng đều đến trường bởi vậy mà kết quả học tập luôn đạt ở mức khá, giỏi. Nhà Bích Na vốn nghèo, khi bố mất lại càng khó khăn hơn. Thời gian gần đây, mẹ Bích Na đi bước nữa và theo chồng mới về tỉnh Bắc Giang sinh sống. Vậy là, ở đây chỉ còn một mình Bích Na bởi em là con một.

Thiếu tá Mai Thế Cảnh, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Mường Lèo cho biết, ngoài 2 cháu Hà Thị Bích Na và Mùa A Phổng, đơn vị còn nhận đỡ đầu 1 cháu học sinh người Lào tên Lo Khăm Thun ở Bản Nà Son (huyện Phôn Thoong, tỉnh Luông Pha Băng, Lào). Đơn vị nhận hỗ trợ từ tháng 9/2019, khi ấy Lo Khăm Khun mới đang học lớp 4. Hoàn cảnh của gia đình Lo Khăm Khun rất khó khăn khi nguồn thu nhập chỉ phụ thuộc vào nương rẫy. Thấu hiểu với hoàn cảnh của cậu học trò, ngoài số tiền hỗ trợ hàng tháng, những người lính Biên phòng còn hỗ trợ thêm khi thì nhu yếu phẩm lúc lại sách vở, đồ dùng học tập. Bản Nà Son cách trung tâm huyện mấy ngày đường rừng, nhiều lúc “có tiền cũng không mua được” bởi vậy mà quà của BĐBP Việt Nam tặng càng trở nên quý giá với gia đình Lo Khăm Thun.

Bộ đội Biên phòng Mường Lèo trao quà hỗ trợ cho em Lo Khăm Thun tại cột mốc 149 
Những trái ngọt ban đầu

Để trao quà hỗ trợ cho Lo Khăm Khum, những người lính Biên phòng phải đi theo “cung đường không tưởng” nhưng cũng từ đó để thấy được trách nhiệm của những người lính nơi điểm đầu. “Điểm hẹn” là cột mốc 149 (thuộc địa phận bản Huổi Lạ, xã Mường Lèo), cách Đồn Biên phòng Mường Lèo hơn 40km. Tuy nhiên, để đến được mốc 149, mọi người phải đi theo con đường đất sang cửa khẩu Huổi Puốc (tỉnh Điện Biên) rồi tiếp tục vào cung đường tuần tra biên giới. Bản Nà Son cách cột mốc 149 hơn 10km, chỉ có duy nhất con đường mòn trong rừng nguyên sinh. Vậy nên, mỗi lần Lo Khăm Thun sang nhận hỗ trợ đều có cán bộ của Đại đội Biên phòng 161, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Luông Pha Băng, Lào dẫn đường. Trân trọng tấm lòng và việc làm của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Mường Lèo nên có khi Đại đội trưởng, Trung úy On Sy Nương Pha Chăm hoặc Đại đội phó, Trung úy Bun Phên Súc Sa Vắt đích thân đưa đi. Bởi vậy, việc cùng chăm sóc cho Lo Khăm Khun khiến 2 đơn vị càng thêm đoàn kết, gắn bó.

Để có tiền hỗ trợ 500 ngàn đồng 1 tháng mỗi học sinh, từ chỉ huy đến chiến sĩ Đồn Biên phòng Mường Lèo mỗi tháng đều trích lương, phụ cấp của mình để đóng góp. Các tổ, đội cũng tích cực tăng gia sản xuất để ngoài số tiền mỗi tháng còn có thêm sách vở, đồ dùng học tập và cả bánh kẹo cho các em mỗi dịp lễ, tết. Mỗi người lính Biên phòng luôn xác định, đây không chỉ là trách nhiệm mà còn là tình thương đối với các học sinh có hoàn cảnh đặc biệt này. Dù không nói ra nhưng Mùa A Phổng, Hà Thị Bích Na, Lo Khăm Khun đều cảm nhận được sự quan tâm của các chú BĐBP bởi vậy mà các em luôn nỗ lực, cố gắng phấn đấu trở thành con ngoan, trò giỏi. Những năm trước, lực học của Lo Khăm Khun chỉ đạt mức trung bình thì năm học 2021-2022 đã nâng lên mức khá. Còn đối với Bích Na, dù mẹ ở xa, bố mất, không có anh em, Bích Na buồn lắm, thế nhưng em vẫn luôn nhận được sự quan tâm của các thầy cô giáo nhờ vậy mà việc học hành không bị chểnh mảng, sa sút. Bích Na bảo: “Em luôn xác định, càng khó khăn càng phải cố gắng phấn đấu. Học ở Trường Phổ thông dân tộc nội trú Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Sốp Cộp, em không phải lo ăn ở. Số tiền cách chú Biên phòng hỗ trợ hàng tháng để mua thêm đồ dùng học tập, sách tham khảo. Cứ thế này, em không phải lo lắng gì cho đến khi học hết cấp 3”.

Trung úy Lò Văn Trang gặp gỡ, động viên Mùa A Phổng

Trong những ngày kết thúc năm học 2022-2023, Mùa A Phổng rất hãnh diện với bạn bè vì có các chú Biên phòng đến động viên. Lần nào cũng thế, mỗi lần gặp Trung úy Lò Văn Trang (Đội trưởng Đội Vũ trang) Mùa A Phổng rất vui. Trung úy Trang là người Thái, sinh ra và lớn lên ở ngay Sốp Cộp này. Vì học giỏi nên đã trở thành sĩ quan Biên phòng. Nhìn chú Trang, Phổng lại tự dặn lòng mình phải cố gắng hơn nữa để một ngày nào đó cũng được khoác lên mình bộ quân phục với đôi quân hàm xanh và có thể giúp đỡ những trẻ em khó khăn khác.

THANH TRÚC

 

VNQD
Thống kê