Dòng chảy

"Mưa đỏ", lắng đọng từ những khuôn hình

Thứ Sáu, 18/07/2025 15:11

 Triển lãm ảnh nghệ thuật Mưa đỏ với chủ đề Tri ân từ khuôn hình do Điện ảnh Quân đội nhân dân tổ chức được khai mạc vào chiều 17/7/2025. Triển lãm là một hoạt động nghệ thuật ý nghĩa bên lề dự án phim truyện điện ảnh Mưa đỏ, do Điện ảnh Quân đội nhân dân sản xuất, hướng đến kỉ niệm 80 năm Cách mạng tháng Tám, Quốc khánh 2/9 và 78 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ, đây là một hoạt động ý nghĩa.

Triển lãm mang đến cho công chúng 40 bức ảnh đặc sắc được ghi lại trong quá trình sản xuất bộ phim điện ảnh Mưa đỏ. Không chỉ là tư liệu hậu trường, mỗi khuôn hình tại triển lãm là một lát cắt cảm xúc, tái hiện sinh động khí chất người lính và 81 ngày đêm bi tráng bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm 1972.

Với những người làm nghệ thuật trong quân đội, mỗi tác phẩm điện ảnh là một nhiệm vụ trên mặt trận tư tưởng, văn hóa. Điện ảnh Quân đội nhân dân đã xác định việc sản xuất bộ phim Mưa đỏ không đơn thuần là một tác phẩm nghệ thuật, mà là một sứ mệnh thiêng liêng, tái hiện lại một giai đoạn lịch sử oanh liệt, tôn vinh sự hi sinh anh dũng của hàng ngàn chiến sĩ tại Thành cổ Quảng Trị. Trong quá trình sản xuất phim, từ những ngày dựng bối cảnh, tuyển chọn diễn viên, đến khi bấm máy trên những địa hình khắc nghiệt, từng thành viên trong đoàn đều thấm thía rằng, mình đang đi theo dấu chân của cha anh năm xưa, đang thổi hồi sinh vào những câu chuyện có thật đã nằm lại trong lòng đất mẹ bằng câu chuyện điện ảnh. Đó là một quá trình gian khổ nhưng đầy tự hào, là hành trình sáng tạo của nước mắt và lòng biết ơn.

Phát biểu khai mạc triển lãm, Đại tá Nguyễn Thu Dung, Giám đốc Điện ảnh Quân đội nhân dân nhấn mạnh: Bên cạnh bộ phim, rất nhiều khoảnh khắc xúc động, chân thực đã được ghi lại trong suốt quá trình thực hiện. Những bức ảnh hậu trường, những khuôn hình người lính, ánh mắt, tư thế, màu sắc chiến trường, nỗi đau và cả hi vọng, tất cả đã trở thành những tác phẩm nhiếp ảnh nghệ thuật độc lập, chứa đựng thông điệp rõ ràng. Chúng ta sẽ không bao giờ cho phép mình lãng quên lịch sử. Chính vì vậy, việc tổ chức Triển lãm ảnh phim truyện Mưa đỏ - Tri ân từ khuôn hình không chỉ là hoạt động đồng hành cùng bộ phim, mà còn là một nén tâm nhang nghệ thuật, là lời tri ân sâu sắc gửi tới các anh hùng liệt sĩ, các thương binh, bệnh binh, những người đã hi sinh hoặc để lại một phần thân thể nơi chiến trường để đất nước được độc lập, nhân dân được bình yên.

Đại tá Nguyễn Thu Dung, Giám đốc Điện ảnh Quân đội nhân dân phát biểu khai mạc triển lãm.

Triển lãm ảnh Mưa đỏ - Tri ân từ khuôn hình không chỉ là hoạt động tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng, mà còn là một cách làm sáng tạo, hiệu quả để Điện ảnh cách mạng Việt Nam tiếp tục phát huy vai trò xung kích trên mặt trận tư tưởng, văn hóa. Những bức ảnh được trưng bày không chỉ là tư liệu hậu trường của bộ phim, mà còn là lát cắt nghệ thuật ghi lại tinh thần, khí phách và vẻ đẹp tâm hồn người lính. Mỗi khuôn hình là một câu chuyện. Mỗi ánh mắt, mỗi tư thế chiến đấu, mỗi khung cảnh được tái hiện đều chất chứa thông điệp về lòng yêu nước, về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, và về sự bất tử của những con người kế thừa tinh thần “quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” những ngày toàn quốc kháng chiến.

Tại buổi khai mạc triển lãm, Đại tá, nhà văn Chu Lai, tác giả của tiểu thuyết Mưa đỏ chuyển thể kịch bản bộ phim chia sẻ: Năm tháng sẽ qua, chiến tranh sẽ lắng lại, nhưng kí ức hào hùng, khổ đau và vinh quang của dân tộc vẫn còn mãi với trời xanh. “Mưa đỏ” để cho trời mãi xanh, câu nói ấy như lời nhắc về lòng yêu nước không thuộc về riêng ai, mà lan tỏa qua mọi thế hệ. Nếu thế hệ ông ra trận bằng những binh đoàn vượt Trường Sơn, thì thế hệ hôm nay thể hiện lòng yêu nước bằng nỗ lực dựng xây cuộc sống và đất nước. Dù biểu hiện khác nhau, nhưng theo ông, tất cả đều có chung một hạt nhân kim cương trong tim, đó là lòng tự tôn dân tộc. Và một khi phẩm giá dân tộc bị xúc phạm, thế hệ hôm nay cũng sẽ sẵn sàng hiên ngang ra trận, đẹp như cha ông ngày trước, như chính những con người đã làm nên Mưa đỏ.

Đại tá, NSND Vũ Tự Long, Giám đốc Nhà hát chèo Quân đội xúc động khi nói về Mưa đỏ, anh nhấn mạnh, nhà văn Chu Lai là một cây đại thụ của nền văn học nghệ thuật, là tấm gương sáng cho nhiều thế hệ văn nghệ sĩ noi theo. Các tác phẩm của ông đã được chuyển thể sang nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau, nhưng theo NSND Tự Long, chỉ có điện ảnh mới có thể lột tả trọn vẹn vẻ đẹp bi tráng của Mưa đỏ, tác phẩm tái hiện sinh động và sâu sắc sự vĩ đại, đau thương và hào hùng của cuộc chiến tranh. Là một nghệ sĩ - người lính, NSND Tự Long nhấn mạnh vai trò của nghệ sĩ – người lính trong việc giữ gìn truyền thống của Quân đội nhân dân Việt Nam, đồng thời lan tỏa cảm hứng yêu nước, khơi dậy niềm tự hào dân tộc qua từng khuôn hình và vai diễn. Anh tin rằng triển lãm Mưa đỏ đã chạm đến cảm xúc của công chúng yêu nước, yêu nghệ thuật.

Các đại biểu, khách mời và các diễn viên tham quan triển lãm. 

Tham dự triển lãm còn có sự góp mặt của các diễn viên tham gia bộ phim. Những diễn viên hóa thân vào số phận người lính năm xưa đều xúc động khi chia sẻ về trải nghiệm tham gia bộ phim Mưa đỏ. Diễn viên Steven Nguyễn lần đầu đảm nhận vai diễn trong một bộ phim chiến tranh, trong vai người lính phía bên kia, anh cảm ơn bộ phim đã cho mình cơ hội vào một vai khó để có thêm những góc nhìn và cảm nhận về chiến tranh. Với Đỗ Nhật Hoàng, được khoác lên mình màu áo lính là khát vọng của một diễn viên trẻ như anh. Anh kể: “Trên chiến hào, lúc vượt sông, khi chiến đấu… tất cả đều là những kí ức mà có lẽ chúng em sẽ không thể có lại. Cảm ơn đoàn phim đã giúp chúng em tìm thấy nhân vật của mình, để cố gắng thể hiện được phần nào hình ảnh người lính năm xưa.” Còn với Phương Nam, khát khao góp mặt trong một bộ phim chiến tranh cách mạng xuất phát từ lòng biết ơn sâu sắc: “Chúng em hiểu rằng hòa bình hôm nay có được là nhờ cha ông đã ngã xuống.” Các diễn viên cho rằng triển lãm với những khuôn hình đã mang đến nhiều cảm xúc cũng như những góc nhìn về Mưa đỏ theo một cách khác điện ảnh mà vẫn trọn vẹn cảm xúc.

Triển lãm ảnh để lại nhiều ấn tượng sâu sắc cho công chúng cũng như góp phần lan tỏa mạnh mẽ giá trị lịch sử, nghệ thuật và tinh thần yêu nước, củng cố niềm tin, khơi dậy niềm tự hào dân tộc trong mỗi người dân Việt Nam, không chỉ là nơi chiêm ngưỡng nghệ thuật, mà còn là nơi khẳng định lòng yêu nước của các thế hệ, khơi lại kí ức, hun đúc ý chí, nhất là với thế hệ trẻ, những người sinh ra trong hòa bình...

THANH AN

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Người cựu binh chiến trường K

Người cựu binh chiến trường K

Tôi luôn bị ám ảnh bởi những mảnh xước của chiến tranh, đó là sự khốc liệt nơi chiến trường, là người lính trở về với cuộc sống đời thường và nỗi niềm nơi hậu phương. (BÙI TUẤN MINH)

Truy tìm Nadja

Truy tìm Nadja

Là tác phẩm nổi tiếng bậc nhất của André Breton, suốt nhiều thập kỉ, danh tính của nàng Nadja - người cũng được chọn là tựa đề sách - vô cùng bí ẩn.

‘Mấy đứa nhỏ diễn sao giống tụi mình ngày đó quá trời’

‘Mấy đứa nhỏ diễn sao giống tụi mình ngày đó quá trời’

Tại Củ Chi có một suất chiếu đặc biệt của bộ phim “Địa đạo- Mặt trời trong bóng tối” được gọi là suất chiếu tri ân.

Nhân vật học viên trong truyện ngắn Mưa ở Bình Dương

Nhân vật học viên trong truyện ngắn Mưa ở Bình Dương

Trong truyện ngắn này, có một nhân vật học viên trong cương vị chủ tịch phường đang theo học lớp tại chức mà nhân vật “tôi” làm thầy giáo đứng lớp... (VĂN GIÁ)