Dòng chảy
“ĐẶNG THÙY TRÂM VÀ CUỐN NHẬT KÍ THỨ BA”:

Mảnh gương kí ức và tiếng gọi của thời gian

Thứ Tư, 09/07/2025 09:12

Khi Nhật kí Đặng Thùy Trâm lần đầu được giới thiệu tới công chúng vào năm 2005, không chỉ nhiều độc giả Việt Nam mà cả bạn đọc quốc tế đều quan tâm và xúc động. Những trang viết giản dị mà chân thực của một nữ bác sĩ trẻ trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt đã tạo nên một hiện tượng đặc biệt, nơi cá nhân và thời đại giao thoa trong ánh sáng lí tưởng. Tròn hai thập kỉ sau khi hai tập nhật kí đầu tiên ra mắt và trở thành một hiện tượng văn hóa tinh thần đặc biệt, phần nhật kí thứ ba cùng với những bài viết, thư từ, hình ảnh từ phía gia đình vừa công bố đã hé lộ thêm nhiều góc khuất cảm động về một con người đã sống, đã viết và đã hi sinh vì sự nghiệp thống nhất nước nhà. Tháng 6/2025, Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam ấn hành cuốn sách Đặng Thùy Trâm và cuốn nhật kí thứ ba, đánh dấu một cột mốc mới trong hành trình lưu giữ kí ức về nữ bác sĩ liệt sĩ từng khiến cả nước xúc động qua những trang nhật kí chiến trường.

"Đặng Thùy Trâm và cuốn nhật ký thứ ba" do Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam ấn hành.

Hai lớp kí ức giao thoa

Không chỉ là một bản thảo đơn thuần, cuốn nhật kí thứ ba là một “tầng trầm tích” quý báu, từ đó có thể thấy chiều sâu suy tư và nhân cách của Đặng Thùy Trâm. Đồng thời, đây cũng là kết quả của nhiều năm sưu tầm, gìn giữ công phu của người thân trong gia đình, những “người kể chuyện thầm lặng” đã viết tiếp cuộc đời chị Đặng Thùy Trâm bằng tình yêu và kí ức. Có thể xem cuốn sách này là một đóng góp cho dòng văn học hồi cố, kí ức. Những gì Đặng Thùy Trâm viết ra không chỉ sống trong tâm trí người thân (kí ức giao tiếp), mà đã bước vào bộ nhớ văn hóa lâu dài của Việt Nam thời kì hậu chiến. Những trang viết của chị không chỉ là di cảo riêng tư, mà trở thành một phần của trí nhớ cộng đồng, thông qua sự gìn giữ của gia đình, được xã hội công nhận và được “văn chương hóa” như một tiếng nói không phai nhạt của một con người Việt Nam trong thế kỉ XX.

Phát hành vào tháng 6 năm 2025 bởi Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam, Đặng Thùy Trâm và cuốn nhật kí thứ ba không đơn thuần là sự tiếp nối hai tập nhật kí từng gây tiếng vang lớn (Nhật kí Đặng Thùy Trâm, 2005; bản tái bản có bổ sung năm 2010), mà còn là một tác phẩm hồi cố đầy cảm xúc, mang chiều sâu nhân văn và giá trị lịch sử rõ nét. Tác phẩm được chia thành hai phần chính. Phần thứ nhất với tiêu đề “Lớp người lí tưởng”, tập hợp những dòng ghi chép của cụ bà Doãn Ngọc Trâm, thân mẫu của bác sĩ Đặng Thùy Trâm cùng ba người em gái là các chị Kim Trâm, Hiền Trâm và Phương Trâm. Đặc biệt, phần này còn lần đầu công bố một số trang trong tập nhật kí mà Đặng Thùy Trâm viết trong giai đoạn cuối cùng tại Trường Đại học Y Hà Nội từ tháng 10 năm 1965 đến tháng 12 năm 1966, là thời điểm chị đang chuẩn bị lên đường vào chiến trường miền Nam (đi B). Mặc dù những trang nhật kí còn lại không được công bố trọn vẹn, nhưng chúng vẫn kết nối thành một dòng suy tưởng liền mạch, thể hiện rõ những nỗi day dứt, tình cảm mãnh liệt và lí tưởng sống mạnh mẽ của Đặng Thùy Trâm.

Phần thứ hai có nhan đề “Cây cầu bắc qua dòng sông chia cắt”, gồm loạt bài viết của ba người em gái, chia sẻ hành trình dài và đầy xúc động trong quá trình lần tìm và đi nhận lại tư liệu gốc rồi đưa Nhật kí Đặng Thùy Trâm đến tay công chúng. Những trang viết này không chỉ giàu tính tư liệu, mà còn góp phần khắc họa rõ hơn chân dung một nữ bác sĩ kiên cường, đầy lí tưởng và nhân hậu trong tâm thức bạn đọc hôm nay. Ngoài ra, phần này còn cung cấp một số thông tin cá nhân riêng tư, soi sáng hình ảnh liệt sĩ Đặng Thùy Trâm dưới nhiều góc độ ứng xử và tình cảm.

Những lớp kí ức song song...

Phần hai chính là lớp kí ức song song, được mở rộng chiều kích tiếp nhận từ phía gia đình. Những kí ức ấy không chỉ làm đầy thêm hình ảnh một con người, mà còn soi chiếu ngược lại nhật kí, khiến cho văn bản không còn đơn độc mà được bồi đắp bởi tình thân và dòng chảy kí ức liên thế hệ. Do vậy một trong những điều đáng quý nhất của cuốn sách chính là công trình sưu tầm lặng lẽ nhưng đầy cảm động của gia đình. Có những đoạn nhật kí đã ố vàng, chữ nhòe, phải phục dựng từng chữ; có bức thư chưa kịp gửi; có cả những trang chỉ còn dăm dòng, nhưng gia đình vẫn giữ lại vì với họ, từng con chữ đều là dấu tích của một đời sống. Gia đình không chỉ là “người thân” mà còn là người gìn giữ kí ức, làm công việc của nhà lưu trữ, nhà biên tập và cả người kể chuyện cho hậu thế. Sự trân trọng kí ức này cũng là bài học lớn về đạo lí làm người, không để quá khứ bị xóa mờ, mà sống tiếp với nó bằng trách nhiệm và tình yêu thương.

Kí ức chưa từng khép lại

Đặng Thùy Trâm và cuốn nhật kí thứ ba không chỉ là sự tiếp nối, mà còn là một tiếng vọng sâu lắng, mở thêm những cánh cửa mới dẫn vào tâm hồn người đã khuất nhưng thực ra vẫn còn sống mãi trong kí ức nhiều thế hệ.

Nếu hai tập nhật kí trước được nhìn như những “hồ sơ tâm hồn” của một trí thức trẻ giữa khói lửa chiến trường, thì cuốn nhật kí thứ ba mở ra một gam màu khác đằm hơn, lặng hơn và trĩu nặng suy tư hơn. Thay vì ghi chép về hành quân, cứu thương hay những đêm thức trắng vì thương nhớ gia đình, phần nhật kí mới hé lộ tâm thế của một người chuẩn bị bước vào chiến trường với những bất trắc sinh tử. Những dòng như: “Cũng chính vì muốn chấm dứt những ngày đau khổ của chiến tranh, muốn giành lấy những ngày hòa bình trong tự do mà người thân yêu ta đã ra đi, và ngày mai đây bản thân ta cũng sẽ lên dường, sẽ chiến đấu, có thể sẽ đổ máu vì nền hòa bình tự do đó” (trang 139) hay “Thực ra mấy ai mà được cuộc đời ưu đãi. Niềm vui là ở chính bản thân mình tạo nên dù trong hoàn cảnh nào” (trang 155) không chỉ là những lời nhắc nhở cho chính mình, mà còn là triết lí sống giản dị mà sâu sắc, biểu hiện rõ chiều sâu tâm lí và sự trưởng thành sớm của một người con gái bước ra từ giảng đường y khoa để dấn thân vào chiến trường.

Mảnh ghép làm nên bức chân dung tâm hồn của người con gái Hà Nội.

Với vai trò là một mảnh ghép trong bộ ba nhật kí, phần công bố mới này mang ý nghĩa nhân văn, khắc họa rõ nét hơn nhân cách Đặng Thùy Trâm. Không chỉ là hình tượng của sự hi sinh và lòng yêu nước, chị còn hiện lên như một con người biết suy tư, biết nghi ngờ, biết tự vấn và biết hi vọng. Từ tư liệu cá nhân, những trang viết của chị vươn tới chiều sâu của văn chương, nơi con người tự chất vấn mình trong lặng thầm. Từ một người sống trong chiến tranh, chị đã viết như một người sống cho hậu thế. Những câu như “Mình có gian khổ cũng như bao nhiêu người khác đã và đang gian khổ. Mình có hi sinh có thấm gì với sự hi sinh của triệu người từ trước đến nay?” (trang 139) là lời tri ân cho cả một thế hệ, đồng thời cũng là tiếng nói khiêm nhường của một cá nhân biết rõ chỗ đứng của mình trong dòng chảy lớn của thời cuộc.

Từng câu, từng chữ Đặng Thùy Trâm để lại đều phản ánh rõ tính cách của chị, cứng cỏi mà dịu dàng, mạnh mẽ mà không lạnh lùng. Sự kết hợp giữa trực giác nữ tính và bản lĩnh nghề y tạo nên một giọng điệu đặc biệt, vừa sâu lắng, vừa vững chãi trong nhật kí. Cuốn sách Đặng Thùy Trâm và cuốn nhật kí thứ ba không phải là một khám phá gây chấn động, nhưng nó là phần hoàn thiện dịu dàng và cảm động cho bức chân dung một người con gái Việt Nam thời chiến. Nó cũng đã bổ sung những khoảng trống cần thiết để hoàn thiện bức chân dung tinh thần của liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm.

Tác phẩm này không chỉ dành cho người yêu thích lịch sử hay thích tìm hiểu chiến tranh, mà còn dành cho tất cả những ai đi tìm ý nghĩa sống giữa một thế giới hậu chiến, nơi sự dũng cảm và lòng nhân ái vẫn là những giá trị không bao giờ cũ.

HÀ THANH VÂN


 

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Truy tìm Nadja

Truy tìm Nadja

Là tác phẩm nổi tiếng bậc nhất của André Breton, suốt nhiều thập kỉ, danh tính của nàng Nadja - người cũng được chọn là tựa đề sách - vô cùng bí ẩn.

‘Mấy đứa nhỏ diễn sao giống tụi mình ngày đó quá trời’

‘Mấy đứa nhỏ diễn sao giống tụi mình ngày đó quá trời’

Tại Củ Chi có một suất chiếu đặc biệt của bộ phim “Địa đạo- Mặt trời trong bóng tối” được gọi là suất chiếu tri ân.

Nhân vật học viên trong truyện ngắn Mưa ở Bình Dương

Nhân vật học viên trong truyện ngắn Mưa ở Bình Dương

Trong truyện ngắn này, có một nhân vật học viên trong cương vị chủ tịch phường đang theo học lớp tại chức mà nhân vật “tôi” làm thầy giáo đứng lớp... (VĂN GIÁ)

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT)