Dòng chảy

Dựng lại vở kịch “xuyên thời gian” của Lưu Quang Vũ

Thứ Ba, 21/12/2021 06:43

Trong gia tài văn chương của Lưu Quang Vũ, vở kịch Ông không phải là bố tôi được đánh giá xuất sắc thứ hai - chỉ sau Hồn Trương Ba, da hàng thịt. Mới đây, Nhà hát Tuổi Trẻ đã dựng lại vở diễn "xuyên thời gian" này, do NSƯT Sĩ Tiến làm đạo diễn.

Ông không phải là bố tôi là câu chuyện đau đớn, mâu thuẫn của gia đình ông Lại Văn Ủng, vì sự nghiệp Cách mạng cao cả ông đã phải thay tên đổi họ. Bi kịch xảy ra khi cấp trên của ông Ủng biết được lai lịch của người bố vợ ông, vì sợ liên lụy tới sự nghiệp, ông Ủng đã ruồng rẫy vợ con, chối bỏ quá khứ… Đến lúc về hưu, không có ai để nương tựa, ông Ủng lại trở về tìm người thân, nhưng ông không ngờ rằng vợ ông đã mất và trong lòng người con cả Nguyễn Mạnh Thiết đã nuôi dưỡng sự căm hờn với bố mình. Từ đó mở ra những mâu thuẫn vì chối bỏ tình phụ tử, tranh chấp nhà cửa và quả báo cho lối sống bất nhân, bất nghĩa…

Phân đoạn ông Lại Văn Ủng tìm về gia đình.

Được ra đời năm 1988, Ông không phải là bố tôi dường như đã sống “xuyên thời gian”, phản ánh mối quan hệ căn cốt trong gia đình, đặc biệt trong xã hội hiện nay, với những vấn đề như chạm đến nhiều mảng tối trong lòng con người. Con người, vì chức tước, lợi lộc mà sẵn sàng ruồng rẫy, chối bỏ đi tình huyết nhục của mình. Người con lợi dụng bố để được lên chức, nhưng cũng sẵn sàng đuổi bố ra đường khi biết bố đã “về vườn” không còn giá trị. Người bố cũng sẵn sàng bán nhà của con trai mình chỉ vì thú vui “trai gái” nhố nhăng… Kịch Lưu Quang Vũ có sức sống mãnh liệt bởi tính dự báo cao, tầm nhìn vượt thời gian, xoáy sâu vào lòng mỗi khán giả những vấn đề cốt yếu trong sự tử tế giữa người với người…

Là vở kịch đầy rẫy những đau đớn, phê phán mạnh mẽ lối sống vô đạo đức của con người, nhưng Lưu Quang Vũ vẫn gửi vào đó niềm tin về những người tốt, những giá trị cốt lõi trong gia đình. Nguyễn Mạnh Tân - người cháu đích tôn của ông Ủng, không chấp nhận sống trong cảnh giả dối - bố và ông nội cứ chà đạp nhau, Tân đã thức tỉnh ông nội và bố mình nhận ra những giá trị tình cảm thiêng liêng của con người…

Dưới bàn tay dàn dựng của NSƯT Sĩ Tiến và ê kíp Nhà hát Tuổi Trẻ, kịch bản đã được chỉnh sửa đôi chút cho phù hợp với cách thưởng thức của công chúng đương đại. Vở diễn là sự đan xen giữa quá khứ ấu trĩ và thực tại đau đớn, mâu thuẫn. Hiện tại mở ra là phiên tòa phân xử giải quyết tranh chấp đất đai, còn quá khứ là cậu bé Nguyễn Mạnh Thiết, 13 tuổi theo mẹ đi thăm cha đầy buồn tủi… Chi tiết ba chiếc ghế ở chính giữa sân khấu mang nhiều biểu tượng: biểu tượng của pháp luật, biểu tượng giữa ba thế hệ trong một gia đình. Sợi dây thừng gợi về tuổi thơ êm đềm của Nguyễn Mạnh Thiết, nhưng cũng gợi về cuộc đời ông Ủng bị buộc chặt vào những đau đớn do chính ông tạo ra…

Sự đau đớn, dày vò của ông Ủng với sự dây thừng khi ruồng rẫy vợ con.

Vở kịch Ông không phải là bố tôi đã quy tụ dàn diễn viên quen thuộc với công chúng yêu kịch: Thanh Dương, Thanh Bình, Thanh Sơn, Hoa Thúy, Chí Huy, Quang Ánh, Thu Trang… Là vở chính kịch, đa phần khiến khán giả phải “bần thần” soi chiếu những mảng tối trong lòng, nhưng cũng không thiếu những đoạn thoại và chi tiết gây hài…

Ông không phải là bố tôi phiên bản của Nhà hát Tuổi Trẻ dàn dựng, ra mắt khán giả trong bối cảnh dịch bệnh Covid 19 đang diễn biến rất phức tạp, thể hiện khát khao cống hiến của nghệ sĩ. Sân khấu kịch nói đang chuyển mình và có những thích ứng phù hợp với hoàn cảnh dịch bệnh hiện nay, người nghệ sĩ vẫn cần phải lao động nghệ thuật… Đã rất lâu rồi, khán giả yêu kịch mới có một tối thổn thức, mê đắm với sân khấu đến vậy.

Nhà hát Tuổi Trẻ chỉ bán 30% số vé, khán giả vào rạp phải có thẻ xanh chứng nhận đã tiêm hai mũi vaccine, khai báo y tế, sát khuẩn và đảm bảo giãn cách khi xem kịch…

NGUYỄN ĐỨC CẦM

 

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)