Dòng chảy

15 năm hành trình chạm đến trái tim người chiến sĩ

Thứ Hai, 06/12/2021 14:52

Chương trình Chúng tôi - Chiến sĩ đã trải qua 15 năm với bao thăng trầm. Trong đêm gala 15 năm vừa qua, khán giả đã có dịp gặp lại những gương mặt quen thuộc, lắng nghe những chia sẻ về hành trình trong suốt 15 năm chương trình đã đi qua.

15 năm chặng đường khá dài của chương trình Chúng tôi là chiến sĩ.

Là một game show do Đài truyền hình Việt Nam phối hợp với Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam tổ chức, chương trình Chúng tôi là chiến sĩ lên sóng VTV3 số đầu tiên vào năm 2006. Trong suốt 15 năm đã có 780 chương trình gồm nhiều phiên bản khác nhau được phát sóng. Đó là sự nỗ lực của Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị và các quân, binh chủng, học viện, nhà trường trong toàn quân. Đến nay, chương trình không chỉ là món ăn tinh thần của mỗi đơn vị, mỗi chiến sĩ trong Quân đội mà còn là của cả khán giả cả nước và kiều bào ở nước ngoài.

Chúng tôi là chiến sĩ giờ đây là món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống cán bộ và nhân dân trong cả nước.

Bước sang năm thứ 15 sân chơi Chúng tôi là chiến sĩ đã có diện mạo mới với tên gọi Chúng tôi - chiến sĩ. Trong buổi ghi hình Gala 15 năm chương trình vẫn là những tiết mục biểu diễn sôi động của các nghệ sĩ, các trò chơi vui nhộn của các chiến sĩ, khán giả còn được gặp gỡ với những gương mặt đã gắn bó với chương trình trong hành trình suốt 15 năm qua như nhạc sĩ Lưu Hà An, Nghệ sĩ Quang Thắng, WC Quang Minh...  

Những gương mặt quen thuộc gắn bó trong suốt 15 năm của chương trình Chúng tôi là chiến sĩ xuất hiện trong đêm gala.

Trung tướng Nguyễn Tuấn Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam trong phần trò chuyện đã chia sẻ: Tôi là người cố vấn cho chương trình Chúng tôi là chiến sĩ từ những ngày đầu tiên. Khi xây dựng format chương trình này mục tiêu kép được đề ra là: Phải có một chương trình mang tính giải trí hấp dẫn về bộ đội được đông đảo khán giả xem truyền hình đón nhận; vừa phải tôn vinh được các lực lượng trong Quân đội nhân dân Việt Nam; là chương trình để giáo dục đường lối, chính sách, chủ trương để bộ đội và nhân dân có thể nắm bắt và tin tưởng vào lực lượng Quân đội ta, qua đó nâng cao được phẩm chất của Bộ đội Cụ Hồ...  Chính trong Ban cố vấn ngày đó cũng đã có những tranh luận nảy lửa về vấn đề này. Một số ý kiến từ đơn vị phản hồi là không nên làm chương trình này vì nó quá khó, lại ảnh hưởng nhiều đến các lực lượng trong toàn quân, dễ lộ lọt bí mật quân sự... Chúng tôi đã phải giải thích cho từng người, từng đơn vị hiểu là chương trình không đi sâu về khai thác việc bố trí trang bị khí tài. Những hình ảnh trang bị được phát chỉ là để nhân nhân tin tưởng vào năng lực bảo vệ Tổ quốc của Quân đội ta. Khi chương trình phát sóng đã có lượng khán giả xem kỉ lục bởi hầu hết các gia đình Việt Nam đều có người thân, con em mình trong quân ngũ nên mong mỏi được nhìn thấy cuộc sống học tập, rèn luyện của bộ đội. Thời hạn chương trình lúc đầu chỉ xây dựng cho 3 năm, rồi kéo dài 5 năm và giờ đã là 15 năm trôi qua chương trình vẫn có chỗ đứng trong lòng khán giả và bộ đội. Đó là sức sống mà ngay chính những người làm chương trình cũng không hình dung được. Nó thể hiện sự tin tưởng của Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân cho chương trình độc đáo về người lính này. Bài toán hiện tại đặt ra là chương trình làm sao ngày một đổi mới và sáng tạo hơn nữa để những cảm xúc chạm được vào trái tim người xem, tiếp tục được khán giả trong và ngoài Quân đội yêu mến.

Trung tướng Nguyễn Tuấn Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam và Thiếu tướng Nguyễn Văn Đức, Cục trưởng cục Tuyên huấn chia sẻ những cảm xúc tại gala 15 năm Chúng tôi - chiến sĩ.

Còn Thiếu tướng Nguyễn Văn Đức, Cục trưởng Cục Tuyên huấn trong phần chia sẻ đã nói đến sự sáng tạo của chương trình Chúng tôi - chiến sĩ, đó là sự không giới hạn về biên độ của những sản phẩm văn hóa tinh thần. Sự hấp dẫn của chương trình không nằm ở sự hiện đại cầu kì mà là sự chân thành lạc quan giản dị của Bộ đội Cụ Hồ trong những hoạt động thường ngày. Những vấn đề được đặt ra trong chương trình Chúng tôi - chiến sĩ luôn phù hợp với tâm lí lứa tuổi của bộ đội, phù hợp với điều kiện của bộ đội trong thời đại mới. Trong mỗi chương trình thời gian tới sẽ lấy lời dạy của bác Hồ làm trung tâm. Mỗi chương trình là một nội dung thể hiện một câu chuyện sinh động, chân thực nhất về công tác huấn luyện chiến đấu, về tình thương yêu đồng chí, đồng đội, về tình quân dân cá nước và về cả những vấn đề môi trường văn hóa lành mạnh của Quân đội nhân dân Việt Nam. Những vấn đề hậu phương như quê hương gia đình, vợ con, người yêu của cán bộ chiến sĩ cũng sẽ được khai thác để làm sao khi xem cán bộ, chiến sĩ sẽ soi được mình trong đó để hoàn thiện. 

Chương trình với format mới được đông đảo cán bộ, chiến sĩ hào hứng đón nhận.

Nghệ sĩ Quang Thắng, MC Quang Minh tại gala đã chia sẻ lại kỉ niệm từ những chuyến đi trong chương trình. Điều ấn tượng nhất đối với hai anh là khi làm chương trình tại Quần đảo Trường Sa của Việt Nam đã được các chiến sĩ trẻ gọi riêng ra và dành tặng cho mỗi người một quả bàng vuông - đó là món quà vật chất vô cùng quý giá mà các chiến sĩ nâng niu cóp nhặt rất lâu để dành tặng người đặc biệt. Với cả hai nghệ sĩ Quang Thắng và MC Quang Minh đó là món quà vật chất quý già mà hai anh trân trọng, coi đó là nguồn động lực để gắn bó với chương trình.
Nhạc sĩ Lưu Hà An thì chia sẻ về kỉ niệm khi viết bài hát Ước mơ chiến sĩ và chính bài hát cũng đã trở thành ca khúc quen thuộc trong mỗi chương trình Chúng tôi là chiến sĩ suốt 15 năm năm qua: Khi nhận lời viết bài hát này cả tháng tôi không viết được nốt nhạc nào bởi nó rất khó và lúc đó tôi rất lo lắng không biết có hoàn thành được nhiệm vụ. Chỉ đến khi tôi được đi cùng ekip của chương trình VTV3 đến thực tế tại một đơn vị bộ đội. Được tận mắt chứng kiến sinh hoạt, huấn luyện thường nhật, sự chân thành của người lính cảm xúc của tôi đã dâng trào và những nốt nhạc cứ thế tuôn chảy thành dòng nhanh chóng. Những nốt nhạc của tôi là tình cảm đặc biệt, là những yêu thương tôi dành cho người lính Quân đội nhân dân Việt Nam.
Trong buổi ghi hình, Ban Tổ chức đã trao tặng Bằng khen của Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị cho 10 cá nhân của ê kíp chương trình Chúng tôi - chiến sĩ và Bằng khen của Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam cho 10 tập thể của Quân đội có thành tích xuất sắc trong phối hợp, tổ chức thực hiện Chương trình Chúng tôi - chiến sĩ năm 2021. Ban Tổ chức cũng đã trao tặng Kỉ niệm chương cho 13 cá nhân có nhiều đóng góp cho chương trình suốt 15 năm qua.

Trung tướng Trịnh Văn Quyết, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam tặng bằng khen cho 10 cá nhân có thành tích xuất sắc trong phối hợp, tổ chức thực hiện Chương trình Chúng tôi - chiến sĩ năm 2021.
Ông Đỗ Thanh Hải, Phó tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam tặng bằng khen cho 10 tập thể có thành tích xuất sắc trong phối hợp, tổ chức thực hiện chương trình.
Kỉ niệm chương được trao cho 13 cá nhân có nhiều đóng góp cho chương trình suốt 15 năm qua.
Một số tiết mục văn nghệ đặc sắc tại chương trình.
MC Hoàng Linh và MC Đức Bảo dẫn chương trình tại chương trình Chúng tôi - chiến sĩ năm 2021.
Một chương trình bổ ích được bộ đội đón nhận mỗi kì phát sóng và gắn bó suốt 15 năm qua.

Thực hiện Thành Duy 

 
 
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Sòng nhậu đầu tiên ở bãi, không bến không bờ tức giang hồ thiệt thọ, đã phết cho tôi Tàn sau Minh để hóa một Minh Tàn... (NGUYỄN TRÍ)

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)