Dòng chảy

Tác giả Hoàng Hữu Phê: Tôi không viết gì ngoài sự thật

Thứ Bảy, 11/12/2021 16:17

 Sáng 11/12/2021 tại Hà Nội, Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam đã tổ chức buổi giao lưu online giới thiệu cuốn sách Nước vẫn chảy dưới chân cầu Mụ Kề của tác giả Hoàng Hữu Phê.

Cuốn sách là những trang viết sinh động về những năm tháng ấu thơ cùng quá trình trưởng thành của một cậu bé ở Quảng Bình trong những năm tháng chiến tranh ác liệt, những năm tháng học trò gắn bó với Hà Nội và những năm tháng trở thành du học sinh được khám phá những chân trời tri thức mới, được trải nghiệm những vùng văn hoá đặc thù khác nhau và cảm nhận về những vùng đất mới.

Các khách mời tham dự buổi giao lưu giới thiệu sách.

Gắn bó với công việc nghiên cứu lí thuyết và ứng dụng trong lĩnh vực cấu trúc đô thị, tên tuổi của Hoàng Hữu Phê đã được khẳng định trong giới kiến trúc không chỉ ở Việt Nam mà cả quốc tế. Không ngại mình là cậu học trò tỉnh lẻ, không ngại mình là một du học sinh ra đi từ một đất nước đang có chiến tranh, không ngại định kiến, thách thức, Hoàng Hữu Phê chọn cho mình một con đường không hề dễ dàng, và gặt hái được thành tựu: ông được tặng giải thưởng uy tín The Donald Robertson Memorial Prize 2000 của tạp chí hàng đầu trên thế giới về nghiên cứu đô thị, Urban Studies, cùng với Giáo sư Patrick Wakely (UCL), cho công trình về lí thuyết Vị thế - Chất lượng (SQTO).

Nói về cuốn sách Nước vẫn chảy dưới chân cầu Mụ Kề, nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên nhận định: Có thể chia cuốn sách làm ba phần, phần một là khi tác giả ở quê với một ấu thơ trong bom đạn khốc liệt, những kỉ niệm và những khát khao, hoài bão; phần hai là khi tác giả đi du học; và phần ba, tác giả được biết đến như một nhà thơ, một dịch giả. Đây là cuốn hồi kí kể về cuộc đời của một người nhưng đã hấp dẫn được nhiều người. Qua câu chuyện của một người chúng ta thấy được nhiều người, câu chuyện của một thế hệ và thấy được cả một thời đại.

Qua từng trang viết chân thực và sống động, bạn đọc sẽ thấy được sự khó khăn gian khổ của thế hệ đi trước, cũng ở trong bối cảnh ấy nổi bật lên sự quyết tâm của người tri thức. Với những tư liệu lịch sử quý giá, những câu chuyện gắn với cuộc đời tác giả, những kiến thức sâu sắc về kiến trúc, cùng với sự hấp dẫn ở tính văn chương và hội hoạ… tác giả đã chinh phục bạn đọc, những người tiếp cận cuốn sách ở nhiều lĩnh vực và góc độ khác nhau. Cần phải nhấn mạnh đến tình yêu văn chương và tình yêu thiên nhiên của tác giả trong cuốn sách này, điều đó làm nên chất trữ tình cho một cuốn sách có hàm lượng tri thức khoa học rất lớn.

Tác giả Hoàng Hữu Phê.

Tiến sĩ Khuất Thị Thu Hồng cho rằng: Cuốn sách đã góp phần lí giải vì sao chúng ta có được hôm nay, vì sao người Việt Nam như thế. Cuốn sách rất cá nhân, xoay quanh tác giả nhưng đặt trong bối cảnh của cuộc chiến tranh, ở đó có thân phận con người. Hoàng Hữu Phê không trau chuốt làm dáng, không phán xét phỏng đoán, mà chỉ kể câu chuyện của chính mình một cách gần gũi, chân thực, điều này làm cho những người cùng thế hệ ông cảm nhận được chính mình trong từng trang viết. Ông là điển hình cho một nhóm người trong thế hệ chúng tôi, trải qua khó khăn của chiến tranh, bao cấp để làm được những điều tốt đẹp cho cá nhân và xã hội.

Với nhà văn Nguyễn Khắc Phê, ông khẳng định cuốn sách rất độc đáo, thú vị. Một là từ tên gọi, hai là cấu trúc tổng thể (nội dung bao hàm một trong ba: hồi kí cuộc đời; những công trình kiến trúc để đời; tác giả thơ và dịch giả). Nhà văn Nguyễn Khắc Phê cho rằng, nhan đề cuốn sách nhắc đến cầu Mụ Kề là gắn với kỉ niệm tuổi thơ, một lí thuyết quan trọng về kiến trúc đó là nơi chốn để ta nhớ về. Bởi vậy mà văn chương mang tính biểu tượng.

Không thể không nhắc đến những đoạn văn đẹp và thấm đẫm tâm hồn người viết: “Bà ngoại tôi cũng thường ru cháu bằng hò Huế, và tôi nhớ mãi những câu lục bát lời cổ, đẹp như những tấm lụa tơ tằm dài lê thê, ướt đẫm những nỗi buồn xa vắng, mà sau này tôi đọc được ở đâu đó là để nói lên nỗi lòng nhớ quê của những cô gái xinh đẹp, giỏi giang và hát hay từ Đàng Ngoài theo chồng thi đỗ vào làm quan triều đình ở một kinh thành Huế hoa lệ nhưng quanh năm mưa gió sụt sùi.”. “Sau này tôi đã phải gặp nhiều cái chết thương tâm, cái chết nào trong chiến tranh cũng thương tâm cả, nhưng lòng trắc ẩn của tôi cứ quay lại mãi về cậu bé ấy, có lẽ là vì chúng tôi gần như cùng tuổi, và vì tôi cũng đã từng là một cậu bé chăn trâu”. Đó là một vài ví dụ trong muôn vàn những đoạn văn lay động người đọc mà cuốn sách đã đem đến cho bạn đọc. Cũng bởi vậy mà tác giả đã dẫn dắt bạn đọc, lưu luyến bạn đọc cho đến những chữ cuối cùng của cuốn sách đồ sộ 564 trang khổ 15,5 x 23,5cm.

Chia sẻ tại buổi giới thiệu sách, nhà thơ Bằng Việt nói: “Cuốn sách vừa bất ngờ vừa không bất ngờ với tôi. Gia đình Hoàng Hữu Phê là một gia đình trí thức và nghệ thuật, nhiều năm sau khi dịch cuốn Thao thức thì anh đã trở lại và thoả mãn những người yêu văn chương. Đây là cuốn sách nhiều tâm huyết của anh, anh viết về gia đình mình, từ đó chúng ta cũng thấy được lịch sử, thời đại. Cuốn sách cũng mở ra tầm trí thức, hiểu biết cho người đọc. Hoàng Hữu Phê đã chinh phục chúng ta bằng sự chân thành, cụ thể, chi tiết nhưng cũng lớn lao bởi giá trị lịch sử, học thuật, khoa học mà anh mang lại.”

Với thể loại hồi kí, tác giả Hoàng Hữu Phê đã gây ấn tượng bởi ông không làm màu, làm dáng, không hư cấu để tô vẽ cho mình, ông khẳng định: “Cuốn sách của tôi không có gì ngoài sự thật. Tôi kể lại trung thực những ngày chiến tranh phá hoại ở Quảng Bình để các cháu nội ngoại cũng như lớp trẻ hôm nay hiểu đúng về thời đó, và hiểu giá trị của cuộc sống hòa bình hôm nay; tôi kể câu chuyện về một cậu học trò tỉnh lẻ đi tìm kiến thức và kĩ năng để làm công việc mình thích trong đời và đã không nản chí khi gặp nhiều khó khăn tưởng không thể vượt qua, với hi vọng lớp trẻ hôm nay có động lực vươn tới giấc mơ của họ, không ngại rào cản thành trì; tôi kể về những trải nghiệm với thế giới rộng lớn bên ngoài và mong muốn làm nhiều hơn cho các thành phố ở Việt Nam thông qua các đóng góp về lí thuyết cấu trúc đô thị”.

Tác giả Hoàng Hữu Phê sinh năm 1954 tại Quảng Bình, ông được biết đến là một kiến trúc sư gắn với những công trình quan trọng như như Rạp Xiếc Trung ương tại Hà Nội, nhà học Đại học Cần Thơ, Trụ sở Viện Dầu khí, các khu đô thị mới Trung Hòa - Nhân Chính, Bắc An Khánh (Splendora) … Bên cạnh đó, ông cũng được biết đến với giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam vào năm 1984 với tư cách là dịch giả của tiểu thuyết Thao thức của nhà văn Nga Alexander Kron, và những tác phẩm thơ in trên báo Văn nghệ.

HOÀI PHƯƠNG

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Sòng nhậu đầu tiên ở bãi, không bến không bờ tức giang hồ thiệt thọ, đã phết cho tôi Tàn sau Minh để hóa một Minh Tàn... (NGUYỄN TRÍ)

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)