Dòng chảy

Tạp chí Văn nghệ Quân đội số 978+979 (số đặc biệt tháng 12/2021)

Thứ Tư, 08/12/2021 06:37

 Trong số đặc biệt này Tạp chí Văn nghệ Quân đội sẽ công bố danh sách tặng thưởng của tạp chí năm 2021. Bên cạnh đó là sự phong phú, ấn tượng của nội dung.

Trong những ngày cả nước đối mặt với đại dịch Covid-19, đặc biệt là khi TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam bước vào làn sóng dịch thứ tư, người dân cả nước đã vô cùng xúc động trước hình ảnh hàng nghìn chiến sĩ quân y tỏa về cơ sở, hiện diện trên mỗi ngõ phố, mỗi xã phường đồng hành cùng nhân dân chống dịch. Họ đã để lại một hình ảnh đẹp về những người lính Bộ đội Cụ Hồ hôm nay. Dịch bệnh tạm yên, họ lại trở về với mái trường, trở về với giảng đường thân yêu. Cuộc trò chuyện của Văn nghệ Quân đội với Trung tướng, GS.TS Đỗ Quyết - Giám đốc Học viện Quân y sẽ cho bạn đọc thấy những câu chuyện phía sau hình ảnh những chiến sĩ áo trắng tham gia chống dịch.

Bài đối thoại mang tên Tính sẵn sàng chiến đấu của các chiến sĩ áo trắng thể hiện trong đại dịch sẽ mở đầu tạp chí số đặc biệt tháng 12/2021.

Thanh Thảo là một trong những nhà thơ đương đại tiêu biểu, quen thuộc với bạn đọc cả nước. Dù ông viết về chiến tranh hay viết về thực tại đời sống thì người đọc vẫn luôn nhận thấy ở đó một giọng điệu riêng, cái nhìn riêng, nhiều ấn tượng, day dứt và ám ảnh. Một lần gặp gỡ gần nhất, khi được hỏi vị trí những tác phẩm viết về chiến tranh trong “gia tài” thơ Thanh Thảo, ông đã trả lời: “Những tác phẩm ấy, trước hết, có chỗ đứng trong lòng tôi, trong tâm hồn tôi. Nếu anh gọi tâm hồn tôi là gia tài của tôi, thì thơ về chiến tranh và người lính của tôi nằm gọn trong đó”. Câu trả lời của ông chính là tinh thần “mở” cho cuộc trò chuyện với Tạp chí Văn nghệ Quân đội số này.

Tôi không muốn những gì người lính đã hi sinh cho Tổ quốc lại bị quên lãng là nhan đề bài trò chuyện giữa VNQĐ và nhà thơ Thanh Thảo.

Truyện kí Ra viện của Thái Chí Thanh khắc hoạ sinh động hình ảnh những người lính trong chiến tranh. Ba người lính được xuất viện sau khi chữa trị vết thương, họ tìm đường về đơn vị, chặng đường ấy là những câu chuyện chân thật được nhà văn viết lại với giọng văn cuốn hút, tràn đầy cảm xúc.

Nhị hùng mùa xanh của Lê Thị Kim Tiết tái hiện lại những nhân vật lịch sử là Võ Tánh và Trần Quang Diệu. Họ đều là những anh hùng cùng thời nhưng hai người thờ hai chủ. Võ Tánh làm tướng dưới trướng của Nguyễn Ánh trong khi Trần Quang Diệu là một trong Tây Sơn thất hổ tướng của nhà Tây Sơn. Tác giả đã xây dựng một cốt truyện hấp dẫn và cảm động về hai vị anh hùng dựa trên sự thật lịch sử.

Mùa hè của Huy Phạm là một truyện ngắn giàu chất thơ kể về một người bạn ấu thơ với những kỉ niệm trong trẻo, hồn nhiên nhưng cũng thấm đẫm những nỗi buồn về số phận. Với giọng văn giản dị, tự nhiên, trau chuốt tác giả mang đến cho bạn đọc nụ cười nhiều nuối tiếc về tuổi thơ cũng như gợi mở nhiều hơn về những ước mơ đẹp đẽ trong cuộc đời.

Bên ngoài thành phố đánh dấu sự xuất hiện lần đầu tiên với truyện ngắn trên VNQĐ của tác giả trẻ Phát Dương. Câu chuyện viễn tưởng về sự cô đơn, cần gia đình khi tuổi già đến của các nhân vật trong tác phẩm gây nhiều trăn trở, ám ảnh cho người đọc. “Không có quy định nào cấm người từ thành phố ra thăm người thân, chỉ có ngược lại. Tất cả nằm ở sự lựa chọn.” Một truyện ngắn gợi lên rất nhiều suy ngẫm.

Con rối của Lê Thái Hùng hé mở phần nào thế giới của những người cho vay nặng lãi. Nhưng dường như điều mà câu chuyện muốn hướng đến lại không đơn thuần nằm ở nội dung mà mà tác giả đang kể. Bên cạnh sự lạnh lùng, tàn khốc của thế giới ấy là những câu chuyện về số phận, về nỗi cô đơn, lạc lõng của con người ẩn khuất phía sau…

Phần Văn xuôi số này còn có bút kí của Sương Nguyệt Minh Ngày ấy bên Vàm Cỏ Đông, bút kí Con nước tha hương của Trương Chí Hùng.

“Truyện ngắn hay tác giả tự chọn” số này giới thiệu tác phẩm Chúng ta ở đó của nhà văn Dạ Ngân.

Phần Thơ với sự góp mặt của các tác giả: Ngọc Bái, Nguyễn Hữu Quý, Đinh Thị Như Thuý, Nguyễn Thanh Hải, Trần Quốc Toàn, Bùi Việt Phương, Hồ Minh Tâm, Thái Hạo, Võ Mạnh Hảo, Trang Thanh, Vũ Trần Anh Thư, Nguyễn Ngọc Hạnh, Kiều Duy Khánh, Lương Kim Phương, Nông Quang Khiêm, Nguyên Hà, Mai Tuyết.

Hình ảnh những người lính trong chiến tranh hay trong thời bình vẫn luôn là cảm hứng bất tận cho những người cầm bút. Họ luôn chiến đấu hết mình, không ngại hi sinh để bảo vệ quê hương, đất nước, nhân dân, người lính đã trở thành biểu tượng cho lòng dũng cảm cùng những lí tưởng cao đẹp. Những trang thơ viết về người lính với nhiều cảm xúc mới, góc nhìn mới, lay động và chia sẻ sẽ làm nên không khí đặc biệt cho phần thơ số này. Bên cạnh đó là sự sinh động và đa dạng của đời sống được các nhà thơ cảm nhận, chắt lọc và hình tượng hóa vào những thi phẩm mang tính nghệ thuật cao và mang đậm hơi thở của cuộc sống, thời đại.

“VNQĐ giới thiệu” là chân dung tác giả Trần Đức Tín cùng chùm thơ ấn tượng của anh.

“Thơ trong những tập thơ” là bài viết Những thanh âm vọng lại của Nguyễn Thị Ánh Huỳnh giới thiệu thi tập Thanh âm của Tạ Anh Thư.

Phần Văn học nước ngoài giới thiệu tiểu luận Giá trị của văn chương của nhà văn Mario Vargas Llosa do Nguyễn Huy Hoàng dịch từ nguyên bản tiếng Anh.

Phần Bình luận văn học với sự tham gia của các tác giả: Ngô Vĩnh Bình, Khuất Bình Nguyên, Mai Tiến Nghị, Hồ Đồng, Lê Thị Thanh Tâm, Rosa Tran, Nguyễn Bảo Châu, Phan Tuấn Anh, Lê Minh Phong.

Những câu thơ bất hủ trong bài Nhớ Bắc của Huỳnh Văn Nghệ không chỉ góp phần tạo cho ông một “bút danh” mới, một tên gọi đầy tinh thần nể trọng là tướng quân - thi sĩ, mà mãi về sau này còn là ngọn nguồn của rất nhiều cuộc tranh luận, giai thoại... Bài viết Những chuyện ít biết về “thi tướng” Huỳnh Văn Nghệ sẽ hé lộ rõ hơn phần nào cuộc đời và thi nghiệp của ông.

Các bệnh dịch trong tiểu thuyết Márquez nói với chúng ta nhiều diễn ngôn chính trị, xã hội, lịch sử. Đa phần những bệnh dịch đó đều động chạm đến một vấn đề mang tính thời sự thường trực ở Mĩ Latinh nói chung và Colombia nói riêng: kiến trúc quy hoạch đô thị lạc hậu, sự mất vệ sinh ở những thành phố lớn, tệ nạn xã hội tràn lan, quản lí quan liêu, y tế công cộng kém cỏi, thói mê tín dị đoan trong việc phòng dịch… Chính hiện thực của Mĩ Latinh trong thời hậu thực dân đó đã tạo ra một “thời đại thổ tả” theo quan niệm nghệ thuật của Márquez. Bài viết Hình tượng dịch bệnh trong tiểu thuyết G.G.Márquez sẽ làm rõ hơn những vấn đề này.

Còn nhiều bài viết hấp dẫn, mang tính phân tích, kiến giải, luận bình về các lĩnh vực của văn học nghệ thuật. Những đề tài cũ được nhìn nhận theo những nghiên cứu mới; những chân dung và tác phẩm được lí giải, phân tích kĩ lưỡng; và những câu chuyện, trao đổi về nghề viết sẽ góp phần làm nên sự phong phú cho phần này.

Tạp chí VNQĐ số đặc biệt 978 + 979 với nhiều tranh, ảnh đẹp dự kiến sẽ phát hành ngày 10/12/2021. Thân mời các bạn đón đọc!

Văn

P.V Trung tướng, GS. TS Đỗ Quyết - Giám đốc Học viện Quân y: Tính sẵn sàng chiến đấu của các chiến sĩ áo trắng thể hiện trong đại dịch 3. Thái Chí Thanh Ra viện 16. Sương Nguyệt Minh Ngày ấy bên Vàm Cỏ Đông 27. Lê Thị Kim Tiết Nhị hùng mùa xanh 52. Huy Phạm Mùa hè 59. Trương Chí Hùng Con nước tha hương 85. Phát Dương Bên ngoài thành phố 93. Lê Thái Hùng Con rối 108. Đoàn Văn Mật Nhà thơ Thanh Thảo: Tôi không muốn những gì người lính đã hi sinh cho Tổ quốc lại bị quên lãng 118. Dạ Ngân Chúng ta ở đó 127.

 

Thơ

Ngọc Bái Những cơn mưa; Tú Lệ cùng em 38. Nguyễn Hữu Quý Có một người vừa xa Hà Nội; Ngày bấc xa nhau; Hạt thơ 40. Đinh Thị Như Thúy Cảm lạnh, ho từ đầu tháng bảy; Mỗi ngày đốt một nụ trầm; Phục sinh màu lá 43. Nguyễn Thanh Hải Bóng chiều xưa hái mãi không đầy; Hát bên gò chùm lé; Chuyến sương khói về xa bớt lại một chặng rồi 46. VNQĐ giới thiệu thơ Trần Đức Tín Chạy đi cánh đồng; Đi gặt giấc mơ; Phương Nam ngạo khúc 49. Trần Quốc Toàn Viết vào chập tối; Từ trong huyền sử 70. Bùi Việt Phương Tháng mười hai; Dấu chân 72 Hồ Minh Tâm Vài mảnh ghép lẹm mùa; Đồng Sơn 74. Thái Hạo Đêm; Bài thơ tháng chín 78. Võ Mạnh Hảo Những tiếng chim; Ngày cách li thứ ba 80. Trang Thanh Thơ viết cho người ở phía bóng tối; Khúc hi vọng hát trên nỗi tuyệt vọng; Cái dằm 82. Nguyễn Thị Ánh Huỳnh Những thanh âm vọng lại (Đọc Thanh âm của Tạ Anh Thư) 103. Vũ Trần Anh Thư Huế; Chuyện núi 140. Nguyễn Ngọc Hạnh Gửi quê nhà; Phút giao mùa 142. Kiều Duy Khánh Ngủ trong bóng gió; Hạt bông 144. Lương Kim Phương Những con chuồn chuồn góc hồ; Sáo diều 146. Nông Quang Khiêm Lên nương; Buông lưới; Ngày con đầy tháng 148. Nguyên Hà Với đồng đội trên đường về đất mẹ; Vòng tay mẹ ôm anh 150. Mai Tuyết Viết trong mùa giãn cách; Mặt trời mùa đông 154. Người Biên Tập Thơ viết dễ hay khó 156.

 

Văn học nước ngoài

Mario Vargas Llosa Giá trị của văn chương (Nguyễn Huy Hoàng dịch từ bản tiếng Anh) 135.

 

Bình luận văn nghệ

Ngô Vĩnh Bình Những chuyện ít biết về “thi tướng” Huỳnh Văn Nghệ 159. Khuất Bình Nguyên Người lính mang thông điệp đoàn viên 162. Mai Tiến Nghị Lính trơn và những câu chuyện về tướng Nguyễn Chơn cùng đồng đội 167. Hồ Đồng Nhà văn - bác sĩ Phạm Ngọc Khuê: Bước chân người lính Tây Tiến năm xưa 170. Lê Thị Thanh Tâm Cuộc chơi từ những biên giới ảo của thể loại 175. Rosa Tran Việt Nam - Hồ Chí Minh dưới lăng kính của Santiago Álvarez 180. Nguyễn Bảo Châu Văn học tuổi mới lớn ở miền Nam trước 1975 186. Phan Tuấn Anh Hình tượng dịch bệnh trong tiểu thuyết G.G.Márquez 191. Lê Minh Phong Thân phận con người và thế giới trong tranh Bửu Chỉ 195.

 

Minh họa, ảnh

Bìa 1: Trăng chiến khu Tranh của họa sĩ Phan Tiến

Minh họa: Tô Chiêm, Trương Đình Dung, Lê Trí Dũng, Phạm Hà Hải, Ngô Xuân Khôi, Hải Kiên, Vũ Đình Tuấn, Nguyễn Đăng Phú, PV...

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)