Dòng chảy

Bộ Công an trao giải ‘Cây bút vàng’ lần 4

Thứ Bảy, 18/12/2021 01:05

Cây bút vàng là giải thưởng văn học của Bộ Công an do Trung tướng, nhà văn Hữu Ước sáng lập, được tổ chức lần đầu tiên từ năm 1996. Đến nay, sau 25 năm, giải thưởng đã diễn ra lần thứ 4. Giải thưởng Cây bút vàng lần 4 do Nhà xuất bản Công an nhân dân phối hợp cùng Chi hội Nhà văn Công an tổ chức. Lễ tổng kết và trao giải đã diễn ra ngày 17/12/2021 tại trường quay của ANTV với sự tham dự của Trung tướng Trần Quốc Tỏ, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an; nhà thơ Trần Đăng Khoa - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam; Nhà văn Nguyễn Bình Phương - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội cùng các tướng lĩnh, nhà văn, nhà thơ trong và ngoài lực lượng Công an nhân dân.

Phát biểu tại lễ tổng kết và trao giải Cây bút vàng lần thứ 4, Trung tướng Trần Quốc Tỏ - Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an nói rằng, những tác phẩm dự giải, đặc biệt là những tác phẩm được trao thưởng đã phản ánh sinh động cuộc chiến đấu âm thầm, gian khổ của cán bộ, chiến sĩ lực lượng Công an nhân dân cũng như phong trào Toàn dân bảo vệ An ninh Tổ quốc. 

Trung tướng Trần Quốc Tỏ - Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an trao Giải A về kí cho đại diện gia đình tác giả Viễn Chi.  Ảnh: DT

Ghi nhận kết quả Giải thưởng Cây bút vàng lần thứ 4, chúc mừng các tác giả đoạt giải, Trung tướng Trần Quốc Tỏ cũng nhấn mạnh: "Trong những năm qua, Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an luôn quan tâm chỉ đạo, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các nhà văn, các tác giả phát huy hết tài năng, trí tuệ, cảm hứng để sáng tác những tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, đáp ứng yêu cầu thiết yếu về đời sống tinh thần của nhân dân; cổ vũ, động viên cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân trong công tác, chiến đấu, góp phần hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao".

Trước đây, giải thưởng “Cây bút vàng” đã được tổ chức với hai thể loại dự giải là truyện ngắn và kí. Lần thứ nhất diễn ra từ 1996 đến năm 1998; lần thứ hai diễn ra từ năm 2000 đến năm 2002, đến năm 2015 giải thưởng Cây bút vàng mới lại tiếp tục diễn ra lần thứ 3 với sự đổi mới là bổ sung thêm thể loại tiểu thuyết vào danh mục tác phẩm dự giải. Từ đây, nhiều cây bút mới đã thành danh, nhiều cây bút thành danh đã ngày càng khẳng định được mình, nhiều cây bút đã nổi lên, trở nên quen thuộc dần trong giới sáng tác. Có thể nói, cuộc thi là nơi nâng đỡ sức sáng tạo không cùng của những cây bút trong và ngoài lực lượng Công an nhân dân. Có thể kể đến các nhà văn đã có những gắn bó với Giải thưởng Cây bút vàng như các nhà văn Ma Văn Kháng, Nguyễn Khải, Nguyễn Quang Sáng, Lương Sỹ Cầm hay về sau này như các nhà văn Sương Nguyệt Minh, Nguyễn Như Phong, Phan Quế, Nguyễn Hiếu, Nguyễn Hồng Thái, Lê Duy Nghĩa, Phạm Thanh Khương…

Giải thưởng Cây bút vàng lần thứ 4 dự kiến tổ chức trong 3 năm, từ năm 2018 đến năm 2020 nhưng do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên cuộc thi đã kéo dài hơn, đến cuối năm 2021 mới tổng kết trao thưởng. Giải thưởng đã nối tiếp những thành công của những lần tổ chức trước đây về số lượng tác giả tham gia cũng như chất lượng bản thảo nhận được. Ban tổ chức cho biết, đã nhận được hơn 400 tác phẩm, trong đó có 270 truyện ngắn, gần 200 tác phẩm kí (gồm cả bút kí, hồi kí, truyện kí…). Ban Giám khảo đã chọn được 48 tác phẩm vào chung khảo, gồm 31 tác phẩm truyện ngắn và 17 tác phẩm kí.

Các tác giả nhận Giải B Giải thưởng Cây bút vàng lần 4.
 Các tác giả nhận Giải C, Giải thưởng Cây bút vàng lần 4.
Do điều kiện dịch bệnh, một số tác giả không thể về dự lễ và nhận giải. 

Theo Thiếu tướng Mã Duy Quân, Cục phó Cục Truyền thông Bộ Công an, kiêm Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà xuất bản Công an nhân dân, nét mới của Giải thưởng Cây bút vàng lần thứ 4 là đã khuyến khích các tác giả đi sâu vào tìm hiểu, phản ánh những chiến công của lực lượng Công an trong đấu tranh với tội phạm an ninh phi truyền thống, các loại tội phạm mới, tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm về môi trường, tội phạm lợi dụng công nghệ cao… Trên cơ sở đó, các tác giả xây dựng nên những tác phẩm văn học có giá trị, góp phần vào công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, xây dựng lực lượng Công an nhân dân trong sạch, vững mạnh, xây dựng thế trận an ninh nhân dân và phong trào Toàn dân bảo vệ An ninh Tổ quốc.

Phát biểu tại lễ tổng kết và trao giải cuộc thi, Trung tướng, nhà văn Hữu Ước - Chi hội trưởng Chi hội Nhà văn Công an nói rằng, cuộc thi ngoài việc quảng bá hình ảnh người chiến sĩ Công an nhân dân dưới lăng kính văn học còn góp phần đưa đội ngũ sáng tác của lực lượng Công an phát triển về số lượng và nâng cao về chất lượng các sáng tác về ngành. Theo Trung tướng, nhà văn Hữu Ước, ở thời điểm Giải thưởng Cây bút vàng được tổ chức lần thứ nhất, lực lượng Công an chỉ có 2 nhà văn, đến nay, đã xây dựng nên Chi hội Nhà văn Công an lớn mạnh và sung sức với 41 nhà văn, nhà thơ; đứng thứ 4 trong các chi hội văn học của Hội Nhà văn Việt Nam, chỉ sau Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Quân đội và Hải Phòng.

Tác giả trẻ Mã Duy Anh đoạt Giải C về truyện ngắn.

Kết quả Giải thưởng Cây bút vàng lần thứ 4, về truyện ngắn, không có Giải A, Ban tổ chức đã trao 3 Giải B, 3 Giải C cùng 4 Giải Khuyến khích; Về kí có 1 Giải A, 2 Giải B, 3 Giải C, 3 Giải Khuyến khích. Một số gương mặt trẻ trong và ngoài lực lượng Công an đã đoạt giải như Tống Phước Bảo, Phan Đức Lộc, Nguyễn Thị Khánh Liên, Mã Duy Anh… Phát biểu tại lễ trao giải, tác giả Tống Phước Bảo nói rằng, nhờ sự động viên của một người bạn viết trong ngành và cảm xúc từ những câu chuyện thật về người chiến sĩ công an trong đợt dịch bệnh bùng phát tại TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng vừa qua đã khiến anh hoàn thành tác phẩm dự thi và đoạt giải.

Ban Tổ chức đã lựa chọn, tổ chức biên tập toàn bộ hoặc trích đoạn tác phẩm dự thi và in vào 2 cuốn sách Truyện ngắn chọn lọc Giải Cây bút vàng lần thứ 4 Ký chọn lọc Giải Cây bút vàng lần thứ 4.

Hai tập sách in các tác phẩm vào Chung khảo Giải thưởng Cây bút vàng lần 4. 

Giải Cây bút vàng là sự tiếp nối chặt chẽ với Cuộc vận động sáng tác về đề tài “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống” do Bộ Công an và Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp tổ chức. Theo Ban tổ chức, mục đích của hai cuộc thi sáng tác văn học này là tạo ra sân chơi văn học nghệ thuật cho các tác giả sáng tạo nên những trang văn phản ánh chân thực nhất hình tượng người chiến sĩ Công an nhân dân trong công cuộc đấu tranh bảo vệ an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống.

KẾT QUẢ GIẢI THƯỞNG CÂY BÚT VÀNG LẦN 4

I. THỂ LOẠI TRUYỆN NGẮN

Giải A: Không có

3 giải B (mỗi giải trị giá 15.000.000 đồng):

- Tác phẩm Hiên chờ của tác giả Tống Phước Bảo.

- Tác phẩm Gió xước của tác giả Nguyễn Hiệp.

- Tác phẩm Quà sinh nhật muộn của tác giả Nguyễn Lâm.

3 giải C (mỗi giải trị giá 10.000.000 đồng):

- Tác phẩm Pảng Cò Moong của tác giả Phan Đức Lộc.

- Tác phẩm Nơi cuốc kêu sương của tác giả Nguyễn Thị Khánh Liên.

- Tác phẩm Mũ len xanh của tác giả Mã Duy Anh.

4 giải Khuyến khích (mỗi giải trị giá 5.000.000 đồng):

- Tác phẩm Đầu thú của tác giả Nguyễn Thu Hà.

- Tác phẩm Dưới bóng rừng xau xau của tác giả Bùi Thị Như Lan.

- Tác phẩm Viên đạn thứ ba của tác giả Nguyễn Đức Hạnh.

- Tác phẩm Bóng núi dặm chiều của tác giả Phan Đình Minh.

II. THỂ LOẠI KÍ:

1 giải A (trị giá 20.000.000 đồng):

- Tác phẩm Hồi ức 10 năm của tác giả Viễn Chi.

2 giải B (mỗi giải trị giá 15.000.000 đồng):

- Tác phẩm Anh Tư của tác giả Lê Duy Nghĩa.

- Tác phẩm Công an xã của tác giả Nguyễn Duy Liễm.

3 giải C (mỗi giải trị giá 10.000.000 đồng):

- Tác phẩm Những ngày bảo vệ tiếp cận đồng chí Phạm Thái Bường của tác giả Phạm Bạn.

- Tác phẩm Phá án bên Lào của tác giả Lương Sỹ Cầm.

- Tác phẩm Cảnh sát điều tra của tác giả Đặng Lê Hùng.

3 giải Khuyến khích (mỗi giải trị giá 5.000.000 đồng):

- Tác phẩm Ánh sao đêm của tác giả Hoàng Minh Tư.

- Tác phẩm Hiệp sĩ đồng quê của tác giả Quang Đại.

- Tác phẩm Vồng cúc vẫn đơm bông của tác giả Lê Thị Bích Hồng.

 

P.V

 

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)