Sự trở lại của đề tài chiến tranh cách mạng trên văn đàn hôm nay

Thứ Bảy, 22/07/2017 00:45
(Qua một số tiểu thuyết xuất bản gần đây)
 . BÙI VIỆT THẮNG
1. Nếu nói không quá thì những bài học đạo đức của thời chiến tranh ngõ hầu có thể trao cho con người thời hiện đại cái “chìa khóa” để mở cánh cửa học cách ứng xử như là một phạm trù văn hóa với đồng loại trong những biến cố, tình huống bất ngờ và bất trắc. Chiến tranh có thể dạy cho con người những bài học về lương tâm, đạo đức. Ngay từ tháng 5/1945, giữa thành phố Berlin vừa được Hồng quân Liên Xô giải phóng, nhà văn Nga A. Tolstoy (tác giả bộ ba tiểu thuyết Con đường đau khổ) đã tiên đoán: “Trong vòng 100 năm tới chiến tranh vẫn là đề tài lớn hấp dẫn nhà văn chúng ta sáng tác nên những thiên sử thi, những vở kịch và cả những bài thơ ngắn”. Không phải vô cớ mà Tổ quốc nhìn từ biển (nhan đề một tập thơ của Nguyễn Việt Chiến) đã trở thành tâm thức cộng đồng trong những năm qua khi biển Đông dậy sóng. Hơn bao giờ hết người Việt Nam đang rất cần phát huy một tinh thần đoàn kết cao độ trong sự nghiệp kiến quốc và bảo vệ chủ quyền đất nước thiêng liêng.

 Một thời gian khá dài (trong khoảng mười năm 1995-2005), đề tài chiến tranh trong văn chương Việt Nam đương đại có vẻ bị sao nhãng, thưa thớt, đứt quãng. Thậm chí độc giả dường như quay lưng với các tác phẩm viết về chiến tranh. Văn chương nặng về giải trí, tình dục, kì ảo, trinh thám, kể cả “giải thiêng” lịch sử được dịp soán ngôi, thậm chí ở thế thượng phong. Nhưng viết về đề tài này vẫn là “món nợ tinh thần” đối với mỗi nhà văn dù là người trải qua trận mạc hay sinh sau đẻ muộn không biết “mặt mũi” chiến tranh vuông tròn ra sao.

Sự kiện văn học dịch gần đây nhất có ý nghĩa thời sự gây men nhiệt hứng cho văn giới Việt Nam trở lại với đề tài chiến tranh cách mạng là cuốn tiểu thuyết Cuộc chiến đi qua (Giải thưởng Quốc gia Nga về văn học nghệ thuật) của nhà văn Kanta Khamzatovich Ibragimov, nước Cộng hòa tự trị Chechnya - Ingushetia, thuộc Liên bang Nga. Có một dữ liệu chúng tôi rất quan tâm: Nhà văn sinh năm 1960, nhưng “toàn bộ lịch sử vùng đất Bắc Kavkaz, kể từ khi chính quyền Xô-viết được thành lập tại đây năm 1924 và tan vỡ hoàn toàn vào năm 1995, đã được tác giả tái hiện thông qua hình tượng nhân vật chính lấy từ nguyên mẫu cuộc đời đầy thăng trầm và sóng gió của ông nội tác giả” (theo báo Văn nghệ, số 46, ra ngày 16/11/2013). Cuộc chiến đi qua là quà tặng của Tổng thống Liên bang Nga V. Putin trong chuyến thăm chính thức cấp Nhà nước Việt Nam năm 2013. Gần nhất, năm 2016, tác phẩm văn học tư liệu Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ (Nguyên Ngọc dịch, Nhà xuất bản Hà Nội ấn hành), đoạt giải Nobel văn chương 2015, của nữ nhà báo, nhà văn Belarus - Svetlana Alexievich - đã chiếm trọn vẹn cảm tình của độc giả. Tác phẩm là những bằng chứng xác thực về những người sống và những người chết trong cuộc chiến tranh có kỉ lục về số người tử nạn (lên tới con số 50 triệu, trong số đó Liên Xô chiếm hơn một nửa).

Có là khoa trương khi nói chiến tranh là một “siêu đề tài” và người lính là một “siêu nhân vật” trong văn chương? Khuất Quang Thụy trong tiểu thuyết Những bức tường lửa (2004) viết: “Còn chiến tranh thì như chưa bao giờ chấm dứt”. Đúng như tâm thế ấy, lớp nhà văn chống Mĩ vẫn trăn trở với đề tài này trong sáng tác của mình. Năm 2010, Khuất Quang Thụy lại công bố tiếp một cuốn tiểu thuyết mới về chiến tranh, nhan đề Đối chiến. Năm 2016, ông ra mắt tiểu thuyết mới vẫn viết về chiến tranh - Đỉnh cao hoang vắng. Trung Trung Đỉnh từ Lạc rừng (Giải thưởng Cuộc thi tiểu thuyết lần thứ nhất, 1998-2000, của Hội Nhà văn Việt Nam) đến Lính trận (Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 2011, Giải thưởng văn học Đông Nam Á, 2012), được đánh giá là một trong những nhà văn thế hệ chống Mĩ gặt hái nhiều thành công nhất trong đề tài chiến tranh. Chu Lai được độc giả mến mộ từ Ăn mày dĩ vãng (1992), được coi là một ngòi bút tiểu thuyết “lực lưỡng” viết về chiến tranh. Tiểu thuyết Mưa đỏ (2016) viết về chiến dịch 81 ngày đêm Quảng Trị máu lửa của ông nhận được sự quan tâm đặc biệt của độc giả, đã nhận Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam, 2016. Nguyễn Bảo sau khi công bố Thượng Đức (2005), dường như vẫn chưa nguôi ngoai về đề tài chiến tranh, năm 2012 ra mắt Đỉnh máu. Hai cuốn tiểu thuyết của Nguyễn Bảo được đánh giá cao ở sự trung thành với lịch sử chiến tranh, sự phong phú của tài liệu sống, nhưng không vì thế phai nhạt phẩm chất hư cấu vốn được coi là hồn vía của văn chương và tiểu thuyết. Trong Cuộc thi tiểu thuyết lần thứ IV (2011-2015) của Hội Nhà văn Việt Nam, tác phẩm Mảnh vỡ của mảnh vỡ của Vĩnh Quyền đoạt giải C, đã được dịch sang tiếng Anh. Đây là một cuốn tiểu thuyết chiến tranh theo đúng nghĩa của từ này khi nó vượt qua được lối viết trực diện, cố gắng tái hiện chiến tranh trong toàn bộ tính chất phức tạp của nó. Đồng thời nhà văn đã cố gắng phân tích và tổng hợp các vấn đề của chiến tranh nhìn từ góc độ văn hóa và con người. Nói rõ hơn là thân phận con người trong toàn bộ sự trớ trêu của nó do chiến tranh mang lại. Những dư chấn và dấu vết của chiến tranh hằn lên trong mỗi kiếp người. Vì thế có thể hình dung chiến tranh vẫn như một “từ trường” thu hút sự quan tâm của nhiều nhà văn.
tinhkhongbiengioi kimquyen coji
Một tác phẩm viết về đề tài chiến tranh cách mạng thời gian gần đây.
 
Những cứ liệu văn học sử cho phép chúng ta tin tưởng vào một kho hiện thực bề bộn và phong phú - vẫn là cuộc kháng chiến chống Mĩ thần thánh và những cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam và phía Bắc cũng như thời hậu chiến khi mà dấu ấn của nó chưa hề phai mờ trong Ở đất kẻ thù (2007) của Lê Lan Anh, Tiểu thuyết đàn bà (2008) của Lý Lan, Đêm Sài Gòn không ngủ (2008) và Trong cơn lốc xoáy (2016) của Trầm Hương, Mùa hè giá buốt (2009) của Văn Lê, Đối chiến (2010), Đỉnh cao hoang vắng (2016) của Khuất Quang Thụy, Đỉnh máu (2012) của Nguyễn Bảo, Cát trọc đầu (2014) của Nguyễn Quang Vinh, Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 (2014) của Trần Mai Hạnh, Sống được là may (2014) của Từ Nguyên Tĩnh, Miền hoang (2014) của Sương Nguyệt Minh, Tình cát (2015) của Nguyễn Quang Lập, Trái tim người lính (2016) của Nguyễn Thị Anh Thư, Trang trại hoa hồng (2016), Những chiếc mặt nạ (2017) của Đỗ Kim Cuông, Rừng đói (2016) của Nguyễn Trọng Luân, Thư về quá khứ (2016) của Nguyễn Trọng Tân, Tình không biên giới (2017) của Kim Quyên…

Có một cuốn tiểu thuyết ít người để ý, nhưng theo chúng tôi là rất đáng đọc và đáng suy ngẫm - Ở đất kẻ thù - của tác giả Lê Lan Anh. Để viết được cuốn sách với một chủ đề có thể gọi là “hóc búa” này bà đã cất công sang nước Mĩ xa xôi tận bên kia bán cầu không phải chỉ một lần để sưu tập tài liệu về cuộc chiến tranh của người Mĩ ở Việt Nam trong hơn hai mươi năm (1954-1975). Những chuyến đi của bà còn nhằm “trải nghiệm văn hóa” vốn được coi như là nền móng của sự viết văn chương. Nói một cách ngắn gọn, cuốn tiểu thuyết này là một “đột phá khẩu” trong cách nhìn các vấn đề của chiến tranh. Trong đó vấn đề nhân văn, nhân bản được đề lên hàng đầu. Tiểu thuyết kể một câu chuyện cảm động về tấm lòng của người Việt Nam trong chiến tranh, thông qua nhân vật cô gái nông thôn (Na) cưu mang, cứu chữa, chăm sóc tận tình một viên phi công Mĩ (James, thường được gọi là Jim) bị thương khi máy bay do anh ta điều khiển bị bắn hạ. Hai bố con cô gái tốt bụng ấy đã dần dà coi viên phi công Mĩ như một thành viên của gia đình mình. Ở đây có vẻ như không có ranh giới địch - ta, không còn là kẻ thù của nhau, không có kẻ thắng người bại. Chỉ còn lại con người với con người trong muôn nỗi niềm và cảnh ngộ. Nhưng kết cục câu chuyện thì “cơ bản là buồn”. Cô gái như một thiên sứ ấy đã chết vì bom Mĩ được ném xuống từ các máy bay của những đồng đội thực hiện sứ mệnh giải cứu James. James đã được cứu sống bằng cái chết của ân nhân mình. Một lời tố cáo chiến tranh bằng hình tượng văn học. Chủ đề tác phẩm đúng như đề từ: “Chúng ta đang sống trong một kỉ nguyên, khi mà các nền văn minh khác nhau phải học cách cùng sống trong hòa bình, học hỏi lẫn nhau, nghiên cứu lịch sử, tư tưởng, văn hóa, nghệ thuật của nhau; cùng nhau làm phong phú thêm cái vốn của những nền văn minh khác nhau. Đi ngược lại, thế giới nhỏ bé và chật chội này chỉ còn lại sự hiểu lầm, căng thẳng, va chạm và thảm họa… Một trật tự thế giới dựa trên các nền văn minh là một bảo đảm an toàn nhất chống lại chiến tranh thế giới” (Lester Peason, Thủ tướng, nhà văn người Canada, Giải thưởng Nobel văn chương, 1957).

Có thể nói, cho đến hôm nay những tác phẩm viết về chiến tranh ghi được dấu ấn sâu đậm trong lòng độc giả cơ bản vẫn thuộc về những cây bút đã trải qua chiến tranh. Đó là những nhà văn đã trải qua lửa đỏ và nước lạnh. Trải nghiệm sống và trải nghiệm văn hóa đã giúp họ có được cả bề rộng và chiều sâu của vốn sống. Với họ viết về chiến tranh trước hết như là cách trả “món nợ tinh thần” cho những người đã anh dũng hi sinh vì lí tưởng chung. Và sau hết là rút ra những bài học đạo lí cho những người đang sống, đang cùng chung tay xây đắp cơ đồ Việt Nam.

Một câu hỏi đặt ra là vì sao cho đến nay dẫu chiến tranh đã lùi xa hơn bốn thập kỉ mà sáng tác về đề tài này vẫn có thể tạo sức hấp dẫn với độc giả, dĩ nhiên là với các tác phẩm thành công? Thiết nghĩ những sáng tác theo hướng “lội ngược dòng” ấy vẫn có cái khả năng tiềm tàng cung cấp cho con người thời hiện đại những câu trả lời về nhân cách. Suy cho cùng, nói như nhà văn Nguyễn Minh Châu, văn chương thời nào, về cái gì cũng đều truy đến tận ngọn nguồn vấn đề nhân cách và phi nhân cách, văn hóa và phản văn hóa. Khi trong đời sống thời bình, trong cơ chế thị trường, trong một xã hội tiêu thụ và hưởng thụ thì những vấn đề muôn thuở của con người lại được đặt ra cấp thiết và nóng bỏng hơn bao giờ hết như vấn đề dấn thân, vấn đề chấp nhận hay phản kháng thực tại, vấn đề nhân tính, bản thể…
 
2. Có thể nói tiểu thuyết của những tác giả không trực tiếp trải qua trận mạc đã tạo nên một mảng màu khá đậm nét trong bức tranh chung của văn học viết về chiến tranh trên văn đàn hôm nay. Có thể kể đến Mình và họ (2014) của Nguyễn Bình Phương, Xác phàm (2014) của Nguyễn Đình Tú, Cơ bản là buồn (2014) của Nguyễn Ngọc Thuần, Mộ phần tuổi trẻ (2016) của Huỳnh Trọng Khang… Ở đây chúng tôi muốn dừng lại ở một trường hợp tiêu biểu - Huỳnh Trọng Khang với tiểu thuyết Mộ phần tuổi trẻ. Tác giả còn rất trẻ (sinh năm 1994). Anh hoàn thành tiểu thuyết này khi tròn hai mươi tuổi (2014), nhưng hai năm sau mới ra mắt bạn đọc (2016). Nhan đề ban đầu là Con trai tướng quân. Bối cảnh chính của tiểu thuyết là cuộc chiến ở miền Nam Việt Nam cuối những năm 60 của thế kỉ trước, không gian chủ yếu của câu chuyện là các đô thị lớn, trong đó Sài Gòn là trung tâm. Sinh trưởng trong một gia đình quyền quý, bố là một viên tướng trong bộ máy chính phủ Việt Nam Cộng hòa, chàng trai - nhân vật chính, người xưng “tôi” kể chuyện - sống dư thừa về vật chất và tiện nghi. Nhưng như nhiều thanh niên khác cùng tầng lớp và hoàn cảnh, anh không thấy thỏa mãn và hạnh phúc. Anh muốn nổi loạn. Anh nhập vào trào lưu hip-pi. Anh phá phách. Nhưng càng nổi loạn anh càng cảm thấy bế tắc. Không gian nghệ thuật của tiểu thuyết được mở rộng bằng cách luân chuyển địa điểm (từ thành phố đến nông thôn, từ trong nước ra thế giới). Sài Gòn hoa lệ và phức tạp những năm cuối thập niên 60 thế kỉ XX hiện lên hết sức sinh động trong toàn bộ màu sắc, âm thanh, đường nét và cả mùi vị đặc trưng. Chúng tôi đã nhân dịp này đọc lại tiểu thuyết Sài Gòn 67 (1983) của nhà văn Nguyễn Văn Bổng (1921-2001). Đọc để xem một cây bút thế hệ 9X viết về chiến tranh bằng trí tưởng tượng như thế nào. Liệu anh có bị ảnh hưởng bậc tiền bối văn chương?! Rất may mắn là Huỳnh Trọng Khang vẫn là anh, rất riêng, không bị cái bóng rợp của người đi trước che khuất. Trường hợp Huỳnh Trọng Khang cho chúng ta một cách nghĩ khác về sự trải nghiệm văn hóa của chủ thể khi viết. Lại nhớ đến quan điểm của danh họa người Tây Ban Nha Picasso khi ông nhấn mạnh: “Tôi vẽ như tôi nghĩ chứ không như tôi nhìn thấy”.

 
3. Tiểu thuyết tư liệu về chiến tranh đang nổi lên như một khuynh hướng có triển vọng. Vì sao lại là tư liệu chứ không phải hư cấu? Bởi tư liệu rất khách quan, nên độc giả hôm nay nếu có “ngả” về tư liệu thì cũng có cái lí do chính đáng. Họ cần sự thật trung thành. Họ cần biết thêm về chiến tranh qua tư liệu gốc, từ đó sẽ chủ động suy đoán, bình giá. Hư cấu nếu thấp lè tè thì không thể bằng tư liệu ngồn ngộn chất đời, chứa đầy sự thật. Nhu cầu chính đáng của con người là tiếp cận sự thật, dẫu cho “thuốc đắng dã tật”. Trong bài viết Tiểu thuyết tư liệu - miền đất hứa của văn học đương đại (tạp chí Hồn Việt số tháng 12/2013), Phan Quang cho rằng tiểu thuyết tư liệu còn gọi là tiểu thuyết không hư cấu (non-fiction). Theo cách đọc của tác giả tiểu luận, trên văn đàn thế giới hiện đại, cuốn tiểu thuyết tư liệu thành công nhất trong vài chục năm gần đây là Nhật kí một cuộc bắt cóc (1996) của văn hào Colombia - Garcia Marquez. Ở Việt Nam, cũng theo tác giả tiểu luận trên, cuốn tiểu thuyết tư liệu thành công hơn cả thời hậu chiến là Ông cố vấn (3 tập, 1988, 1989) của nhà văn Hữu Mai.

 Uy quyền của văn học tư liệu đã hiển hiện. Bằng chứng là tiểu thuyết tư liệu - lịch sử Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 (2014) của Trần Mai Hạnh đã lập kỉ lục in đến 10.000 cuốn (in lần thứ tư, đã ra mắt phiên bản tiếng Anh). Tác phẩm nhận Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2014, Giải thưởng Văn học Đông Nam Á năm 2015. Nhà văn chia sẻ: “Thời gian càng lùi xa, việc nhìn về quá khứ càng bị lớp bụi thời gian phủ mờ. Nên tôi chọn cách viết tiểu thuyết tư liệu - lịch sử từ những tư liệu có thật mà tôi tiếp cận được từ nhiều phía, trong đó có những tư liệu mà tôi tiếp cận được từ phía Việt Nam Cộng hòa, như một cách trung thực để tái hiện lịch sử”. Trong dự cảm của văn giới và độc giả thì trong tương lai gần và xa tiểu thuyết tư liệu nhiều khả năng sẽ soán ngôi tiểu thuyết hư cấu. Những cuốn tiểu thuyết tư liệu về chiến tranh khác như Dòng sông mang lửa (2013) của Hồ Sỹ Hậu, Trong cơn lốc xoáy (2016) của Trầm Hương cũng đã góp phần tích cực và hiệu quả vào việc tái hiện chiến tranh từ “bản gốc”. Có thể xếp Đỉnh máu (2012) của Nguyễn Bảo vào dòng tiểu thuyết tư liệu về chiến tranh. Một hiện tượng văn học sử thiết nghĩ cũng rất đáng quan tâm đó là sự xuất hiện bộ tiểu thuyết tư liệu - lịch sử trường thiên Đường thời đại của tác giả Đặng Đình Loan (gồm 17 tập, với hơn 8000 trang, do Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia - Sự thật ấn hành trọn bộ, năm 2013). Sự đánh giá có thể còn nhiều ý kiến chưa thống nhất, nhưng trước hết cần ghi nhận lao động nghệ thuật kiên nhẫn của tác giả đã dành trọn 30 năm để hoàn thành một tác phẩm đồ sộ mà không phải ai cũng dễ dàng thực hiện. Ý đồ nghệ thuật của tác giả là kiến tạo một toàn cảnh (panorama) về cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước thần thánh của dân tộc bằng sử liệu, bằng tài liệu gốc, kể cả những tài liệu đã được phép giải mật.

Tiểu thuyết có yếu tố tự thuật đang “trương nở” trên văn đàn. Tiểu thuyết có yếu tố tự thuật về chiến tranh theo đó chắc chắn cũng sẽ chiếm lĩnh độc giả. Vì sao? Vì thế hệ nhà văn chống Mĩ về cơ bản vẫn còn là chủ lực quân của văn học. Riêng trong lĩnh vực văn xuôi, những cây bút lực lưỡng của thế hệ này vẫn thu hút sự quan tâm của độc giả.  Nếu bây giờ họ vẫn viết về chiến tranh thì cần phải vượt qua lối văn “tả trận”. Chiến tranh hiện lên không trong tiếng ùng oàng súng đạn. Chiến tranh không phải chỉ là những cảnh đầu rơi máu chảy. Bây giờ chiến tranh sẽ nối với hòa bình, quá khứ sẽ nối với hiện tại. Và ở cái dấu nối ấy, nhờ độ lùi của thời gian và sự nghiền ngẫm hiện thực, sẽ xuất hiện nhu cầu thể hiện cái chủ thể viết đã từng tham chiến. Quan sát tiểu thuyết đương đại về chiến tranh sẽ thấy đã bắt đầu xuất hiện yếu tố tự thuật từ Thân phận của tình yêu (1990) của Bảo Ninh. Sau đó là Lính trận (2010) của Trung Trung Đỉnh (tất nhiên không đơn thuần căn cứ vào người kể chuyện ở ngôi thứ nhất xưng “tôi”). Gần nhất là Rừng đói (2016) của Nguyễn Trọng Luân, Thư về quá khứ (2016) của Nguyễn Trọng Tân. Tác giả là những người lính chiến thực thụ. Nhiều năm sau chiến tranh họ vẫn có cái cảm giác không thoát ra được khỏi nó. Nghĩa là chiến tranh vẫn như còn hiện diện trong đời sống của cả cộng đồng và mỗi cá nhân. Tiểu thuyết Thư về quá khứ của Nguyễn Trọng Tân xuất hiện gần đây nhất đã có tiếng vang trên văn đàn. Đó là câu chuyện của chính người cầm bút, trải nghiệm có dư mười năm chiến tranh, trở về và thực hiện được mơ ước của mình - trở thành sinh viên văn khoa, sau đó hành nghề văn và nghề báo. Tác giả tiểu thuyết chia sẻ: “Mỗi mảnh kí ức là một câu chuyện, một lá thư. Thư về quá khứ. (…). Những mảnh vụn kí ức trong lá thư này không vẽ lên hình hài cuộc chiến, nó thủ thỉ kể về nỗi tấy nhức trong trái tim người lính, tiếng thở dài nhớ mẹ giữa đêm sâu, niềm khao khát yêu đương, cả những cái chết lặng lẽ tức tưởi vô danh góc rừng chiều… Chuyện của lính. Những chuyện bình thường trong thời chiến. Những chuyện bình thường như số phận người lính. Những câu chuyện vùi sâu dưới đáy ba lô”. Chúng tôi gọi đó là “chuyện bây giờ mới kể”. Nó là kí ức lương thiện của con người đã tham gia cuộc chiến. Tác phẩm vì thế hao hao hồi kí hay tự truyện.

Không có gì lạ khi tự truyện và hồi kí đang tràn ngập thị trường sách. Câu khách cũng có, vì lợi nhuận cũng có, thích phô diễn, đánh bóng bản thân cũng có. Nghĩa là muôn nẻo lí do viết. Nhưng cái nhu cầu được bộc lộ cái “tôi” chính đáng bằng ngôn từ văn chương thì không thể không chấp nhận. Vì thế tiểu thuyết có yếu tố tự thuật về chiến tranh cũng là một cách viết trong nhiều cách viết. Và đã có thành tựu đáng ghi nhận.
 B.V.T

 
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)