Cánh Diều chao nghiêng vì đâu?

Thứ Năm, 29/06/2017 00:03
LÊ THIẾU NHƠN

Lễ trao giải Cánh Diều 2017 của Hội Điện ảnh Việt Nam diễn ra đêm 9/4/2017 tại Nhà hát Quân đội - thành phố Hồ Chí Minh. Với bài ca túng thiếu kinh phí, Cánh Diều một lần nữa lại làm khán giả ngao ngán. Gay cấn hơn, bộ phim Cha cõng con do chỉ nhận được bằng khen nên đạo diễn đã bức xúc mang trả lại giải thưởng. Cánh Diều vốn đã lửng lơ lại càng chập choạng thêm!

Được đánh giá là chủ lực của nền nghệ thuật thứ bảy, nhưng danh sách 19 phim điện ảnh tham gia Cánh Diều hầu hết đều là sản phẩm do tư nhân đầu tư để chinh phục thị trường. Do đó, yếu tố giải trí lấn lướt hoàn toàn yếu tố thẩm mĩ và sáng tạo. Những bộ phim như Bao giờ có yêu nhau, Fan cuồng, Sứ mệnh trái tim hoặc Truy sát đều không thể so sánh với bộ phim Em là bà nội của anh về doanh thu. Thế nhưng, bộ phim Em là bà nội của anh không được phép tranh tài tại Cánh Diều vì kịch bản gốc từ Hàn Quốc. Như vậy, điều ấy nói lên gì? Đó là ngay cả làm phim để bán vé thì chúng ta cũng không có nhà biên kịch lành nghề.

Mỗi năm Hội Điện ảnh Việt Nam trao giải Cánh Diều một lần, và phải đối diện với áp lực từ giải thưởng Bông Sen của Liên hoan phim toàn quốc cứ hai năm tổ chức một lần. Nhân lực và vật lực dành cho Bông Sen dĩ nhiên lớn hơn nhiều sự ưu ái dành cho Cánh Diều, vì vậy Hội Điện ảnh Việt Nam phải có tư duy để cạnh tranh một cách hiệu quả. Dễ thấy nhất là sự cởi mở đối với các bộ phim dự thi. Lẽ ra, Cánh Diều 2017 chỉ vinh danh những tác phẩm ra mắt trong năm 2016. Thế nhưng bộ phim Vẽ đường cho hươu chạy đã công chiếu từ tháng 11/2015 và bộ phim Cha cõng con ra mắt tháng 4/2017 cũng có trong đội ngũ quyết tâm chinh phục Cánh Diều 2017. Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam giải thích rằng, hội đồng giám khảo có thể linh hoạt để cho các phim ra mắt vào cuối năm trước hoặc đầu năm sau tham dự, còn thời điểm nhà sản xuất gửi phim đi tùy vào chiến lược của họ!

 

Cánh Diều là một giải thưởng của hội nghề nghiệp, muốn tạo được thương hiệu riêng thì phải mạnh dạn ủng hộ những nhà làm phim trẻ có những đột phá về công nghệ cũng như về tư duy làm phim. Hiện tại, các hãng phim quốc doanh đang gặp rất nhiều khó khăn, từ Hãng phim truyện Việt Nam đến Hãng phim Giải Phóng đều co cụm lại trước sự thay đổi nhanh chóng của thị hiếu khán giả. Đáng tiếc, lễ trao giải thưởng Hội Điện ảnh Việt Nam mang tên Cánh Diều 2017 một lần nữa lại gây thất vọng cho công chúng. Dù được truyền hình trực tiếp trên sóng VTV1, nhưng từ cách tổ chức cho đến nội dung của đêm trao giải lại phơi bày đầy đủ sự vụng về và kém cỏi “y phục bất xứng kì đức” đang tồn tại ở nền nghệ thuật thứ bảy nước nhà.

Có thể do tổng đạo diễn đêm trao giải là nghệ sĩ Quyền Linh vốn có thế mạnh nghề MC nên diễn biến cũng huyên náo kiểu game show. Rất nhiều cảnh dở khóc dở cười trên sân khấu được phát trọn vẹn trên màn ảnh nhỏ, khiến khán giả càng thấy chưng hửng. Hai MC Hồng Ánh và Nguyên Khang dường như không đủ sức đảm đương vai trò dẫn dắt một sự kiện văn hóa, họ liên tục đọc nhầm thể loại trao giải, không xử lí được tình huống và thỉnh thoảng buông những câu đùa rất vô duyên. Nghĩa là, kịch bản của đêm trao giải rất lỏng lẻo và nhân sự của đêm trao giải rất tùy hứng. Đáng ê chề hơn, khi vinh danh diễn viên chính xuất sắc thể loại phim truyền hình, xướng tên ba diễn viên đoạt giải nhưng chỉ có… hai cái cúp. Diễn viên Hồng Đăng và diễn viên Lã Thanh Huyền hí hửng cầm cúp giơ cao, còn diễn viên gạo cội Minh Trang thì… tự vỗ tay an ủi mình.

Càng về cuối, đêm trao giải càng nhốn nháo. Những phát biểu của những cá nhân đoạt giải trở nên lạc lõng và vô vị. Hai MC thi nhau đọc những lời hào hứng về một mùa giải thành công như tín hiệu kết thúc chương trình, nhưng sau đó lại đến tiết mục của ca sĩ Hoàng Lê Vy. Người hát cứ hát, còn khách mời và khán giả cứ hồn nhiên xô ghế đứng dậy ra về. Với tư cách tổng đạo diễn, nghệ sĩ Quyền Linh than thở: “Tôi mang danh đạo diễn nghe cho oai thôi. Thực ra giữ nhiệm vụ gọi điện giục nghệ sĩ tới, làm hậu đài, thuê ánh sáng. Nếu làm đạo diễn một chương trình ở ngoài tôi như một vị tướng, nói gì thì mọi người làm đó. Còn làm đạo diễn của Cánh Diều tôi thực ra là ô sin cầm cờ chạy. Đôi khi đảm nhận luôn vai trò trao giải nếu khách mời không đến kịp”.

Cánh Diều đã 15 lần tổ chức, chứ đâu phải lần đầu tiên mà để xảy ra thảm cảnh buồn thương như vậy? Câu thanh minh của Hội Điện ảnh Việt Nam dĩ nhiên chỉ xoay quanh vấn đề kinh phí. Nếu không có nhà tài trợ thì làm nhỏ gọn lại, chứ khoác một tấm áo quá rộng lên một tấm thân còm cõi thì thêm ngậm ngùi thôi. Điểm sáng nhất của Cánh Diều 2017 vẫn là màn khoe váy ngắn lưng thon trên thảm đỏ. Từ Lý Nhã Kỳ, Minh Hằng cho đến Phương Trinh, Cao Thái Hà… đều chọn những bộ cánh bắt mắt để xuất hiện và chụp ảnh. Còn chất lượng thực sự của Cánh Diều 2017 vẫn cứ bay chập choạng. Phương pháp so bó đũa chọn cột cờ được áp dụng để tìm kiếm những bộ phim trao giải. Cánh Diều Vàng thuộc về bộ phim Sài Gòn anh yêu em, Cánh Diều Bạc cho bộ phim 12 chòm sao - Vẽ đường cho hươu chạy và Tấm Cám - Chuyện chưa kể. Ngoài ra, còn có bốn bộ phim được trao… bằng khen. Xem chừng, ban tổ chức muốn vui vẻ cả làng, nhà sản xuất nào không được miếng bánh to thì được miếng bánh bé, đáp ứng trọn vẹn tâm lí ham muốn miếng giữa làng bằng sàng xó bếp.

Bất ngờ thay, ngay cái bằng khen vừa trao cho phim Cha cõng con cũng bị… trả lại. Đạo diễn Lương Đình Dũng đã mang bằng khen đến gặp ban giám khảo để… từ chối hân hạnh dành cho bộ phim Cha cõng con với lí do: “Tôi cho rằng cách thể hiện khác lạ của Cha cõng con chính là nguyên nhân khiến ban giám khảo chưa tiếp cận được bộ phim một cách đầy đủ. Vì vậy, tôi quyết định trả lại bằng khen cho ban tổ chức Cánh Diều 2017. Tôi cần một sự công bằng cho bộ phim và hơn hết, là sự công bằng cho những tác phẩm tử tế để phát triển điện ảnh Việt Nam. Cha cõng con không phải là cuộc chơi với điện ảnh đầu tiên của tôi, nhưng chắc chắn là cuộc chơi xương máu nhất, từ bây giờ cho đến sau này. Một cuộc chơi không hối hận. Người cha trong phim đã cõng con đi ngược với thiên nhiên, ngược xã hội, ngược số phận, một cách bản năng và không oán thán. Có lẽ tôi cũng đã làm thế với Cha cõng con, đi ngược lại với tất cả định kiến, xu hướng thị hiếu”.

PGS, TS Trần Luân Kim với tư cách Trưởng ban giám khảo phim truyện điện ảnh của giải thưởng Cánh Diều 2017 khẳng định, kết quả chấm giải là của cả ban giám khảo gồm nhiều thành viên có uy tín lâu năm trong nghề. Đây là quyết định của một tập thể sau quá trình làm việc kĩ lưỡng chứ không thể dựa vào cảm quan của riêng một cá nhân nào. Ban giám khảo hoàn toàn đủ cơ sở để khẳng định việc không trao giải cho Cha cõng con là hợp lí. Cụ thể, cách xử lí của phim Cha cõng con rất cũ, tiết tấu chậm, xây dựng xung đột, nhân vật, câu chuyện không rõ nét, thiếu kịch tính để thu hút người xem. Phim có hai không gian chính. Phần đầu phim là không gian miền núi với lũ lụt, thiên tai, đời sống người dân rất khó khăn nhưng phim không khai thác được sự tàn phá của lũ dữ. Người dân ở nơi đó cũng không chống lũ hoặc quá trình chống lũ của họ, phim không thể hiện được. Không gian thứ hai là thành phố và bối cảnh bệnh viện thì các chi tiết cứ đều đều, không tạo được cảm xúc cần thiết cho người xem. Đoạn người cha cõng con leo bộ mấy chục tầng cầu thang không có điểm nhấn. Người cha cứ thế cõng con leo một mạch từ dưới lên trên, không có chi tiết nào thể hiện lo lắng, chăm sóc con trong những phút cuối cùng của cuộc đời.

Xưa nay, giải thưởng nghệ thuật rất khó làm hài lòng tất cả mọi người. Yêu ghét hoặc khen chê không thể làm ảnh hưởng đến hay dở, nếu tác phẩm thực sự có giá trị. Hành động trả lại bằng khen của đạo diễn bộ phim Cha cõng con, nếu không phải tính khí nóng nảy ở những người trẻ tuổi thì đó là một chiêu trò PR khá nao núng!
Buồn thay cho Cánh Diều, bao nhiêu năm rồi mà vẫn chao nghiêng.
L.T.N

 
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)