Hồn của sách

Thứ Ba, 27/06/2017 00:49
LÊ THIẾT CƯƠNG

Thiết kế bìa sách, báo hay tạp chí… thì cũng phải gói được, hé được đôi chút nội dung bên trong. Nền bìa của cuốn sách có thể là tranh, ảnh thậm chí đồ họa chữ. Tranh hay ảnh nên chọn những bức ít chi tiết vì dù sao cũng chỉ là nền để phần chữ (tên tác giả, tác phẩm, thể loại…) được rõ. Nền không nên lấn át nội dung chữ. Có những bìa xấu vì tranh ảnh nền “rậm rạp” quá. Bìa phải hấp dẫn, bắt mắt đã đành nhưng quan trọng hơn là bìa và ruột phải ăn nhập, có những bìa đẹp nhưng khi đọc xong cuốn sách thì lại thấy bìa xấu vì chả dính dáng gì với nội dung bên trong. Muốn vậy thì người thiết kế phải đọc kĩ cuốn sách. Người thiết kế phải là người đọc, phải có năng lực cảm thụ thẩm mĩ văn chương. Để thiết kế bìa đẹp thì khó nhất là ý tưởng.

Năm 2007, tôi được nhà thơ Nguyễn Quang Thiều tin tưởng nhờ thiết kế bìa cho tập thơ Cây ánh sáng. Tôi là người thích đọc thơ, nhất là thơ hiện đại trong đó có thơ của Nguyễn Quang Thiều. Ban đầu tôi vẽ một bức tranh sơn dầu để làm hình nền, tranh vẽ một cái cây, màu vàng, trên nền vàng, tối giản. Sau đó định bố cục phần nội dung chữ lên trên. Nhưng sau khi đọc lại bài Cây ánh sáng, bài tác giả lấy làm tên chung cho cả tập thì tôi thay đổi ý tưởng thiết kế. Tôi dùng một tờ giấy màu trắng ngà cắt thành hình một cái cây, vò nhàu sau đó lại vuốt cho phẳng rồi đặt lên trên một tờ giấy trắng và chụp để làm bìa cho tập thơ. Chỗ sáng, chỗ tối, chỗ phẳng, chỗ rõ vết gấp trên tán cây tạo ấn tượng thị giác khác lạ và nói được cái ý của bài thơ, như một lời tụng ca cả bóng tối và ánh sáng.

 
Một bức tranh của tác giả Lê Thiết Cương
Lại có lần tôi được một công ti sách đặt thiết kế bìa cuốn Kịch chọn lọc của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. Tôi chọn ý tưởng là những câu thoại đặc trưng của thể loại kịch để lên phương án thiết kế. Các câu thoại của các nhân vật trong vở kịch bao giờ cũng hết một câu là xuống dòng. Chính vì vậy mà tôi thiết kế các nội dung chữ trên bìa 1 theo hình thức giống như một trang kịch bản của vở kịch:
NGUYỄN HUY THIỆP
Kịch chọn lọc
Nhà ô sin
Quỷ ở với người
Suối nhỏ êm dịu
Đến bờ bên kia
Nhà xuất bản...

Khi viết xong cuốn tiểu thuyết Khải huyền muộn, nhà văn Nguyễn Việt Hà đưa tôi đọc bản thảo và ngỏ ý muốn tôi thiết kế bìa. Cuốn này có liên quan đến đề tài công giáo, do đó dễ nhất là làm bìa chụp hoặc vẽ nhà thờ. Khi đọc xong tôi thấy nhân vật chính Cẩm My có nhiều nghề: á hậu, người mẫu, giáo viên dạy người mẫu, nhân vật của một nhà văn…, cuộc sống ở trong truyện đông đúc, nhịp chuyển động nhanh nên một nhân vật có nhiều “tôi”, lần lượt thay nhau hoặc đồng thời, lẫn lộn. Mọi thứ đều dở dang không kiếm tiền xong, yêu xong, sống xong. Không có kết. Khải huyền muộn là một kiểu văn bản của nhiều văn bản dở dang. Cẩm My cặp với Vũ hoặc Cẩm My là nhân vật của nhà văn Bạch. Họ là nhân vật của tác giả, của người đọc. Mỗi hoàn cảnh là một văn bản không trùng khít. Tôi chọn một bức tranh trong serie “bản thảo” làm bìa. Đó là những bức tôi vẽ dựa trên cảm hứng từ những bản thảo viết tay của mấy bạn văn tôi sưu tập. Tôi thích vẻ đẹp của tẩy xóa, chen lấn xô đẩy, nghiêng ngả, chồng đè, những gạch dưới, những khoanh tròn, những mũi tên vòng vèo ra lề vu vơ, bất ngờ và “mất trật tự”. Đó cũng là cảm giác của tôi khi đọc Khải huyền muộn. Bức tranh sơn dầu, đen trắng “lem nhem” ấy tràn bìa 4 và gần kín bìa 1, những thông tin bắt buộc như tên sách, tên tác giả, thể loại, tên nhà xuất bản được giấu bên trong.

Năm 2008 Nhà xuất bản Hội Nhà văn đặt tôi thiết kế bìa cho cuốn Hoàng Ngọc Hiến - Tác phẩm chọn lọc. Cuốn sách gần năm chục bài. Tôi chọn bài “Tiếp nhận những cách tân của chủ nghĩa hiện đại & chủ nghĩa hậu hiện đại” và lấy một chữ trong đó làm tứ để “dịch” sang ngôn ngữ đồ họa. Hồi ấy mọi người hay bàn tán về hậu hiện đại nhất là khi cuốn Hoàn cảnh hậu hiện đại của J.F.Lyotard ra sạp (Ngân Xuyên dịch, 2007). Trong bài này, thầy Hiến dẫn cuốn Lụa của A.Baricco và nói về một đoạn trong đó với lời bình “một giọt hậu hiện đại”. Tác phẩm chọn lọc có hai chữ có chữ O và dấu nặng. Tôi phóng to chữ O và dấu nặng dùng chung cho cả hai rồi cách điệu thành giọt nước, giọt mực, một giọt mực xanh đọng lại. Chắt lọc cô đọng lại chỉ để còn một giọt cũng hàm ý là chọn lọc như tên cuốn sách. Một cái bìa tối giản.

Vài ba ví dụ vừa là kinh nghiệm, vừa là chia sẻ với độc giả, đồng nghiệp về thiết kế bìa sách. Hẹn gặp số tới trong một bài bàn về thiết kế bìa tạp chí .
L.T.C

 
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)