Khán giả và tôi đã gặp nhau trong sự hoài niệm

Thứ Bảy, 15/07/2017 00:53
 
IMG 5632
 
HUỲNH TUẤN ANH
- Sinh năm 1982 tại Hà Tiên, Kiên Giang
- Tốt nghiệp Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh khoa Ngữ văn
- Tốt nghiệp đạo diễn sân khấu năm 2009. Hiện đang theo học đạo diễn điện ảnh tại Đại học Sân khấu Điện ảnh TP Hồ Chí Minh
- Tham gia biên kịch một số bộ phim truyền hình. Bộ phim điện ảnh Lô tô do anh đạo diễn nhận được nhiều phản hồi tích cực từ dư luận
- Đã xuất bản tập thơ: Thơ dành cho gái hư (Nxb Văn hóa Văn nghệ TP Hồ Chí Minh, 2015)
- Giải thưởng Kịch bản cải lương xuất sắc của Trung ương Hội Sân khấu Việt Nam với tác phẩm Gió hoàng cung tại Liên hoan tài năng trẻ đạo diễn sân khấu toàn quốc năm 2013
 
- Chào Huỳnh Tuấn Anh! Tôi biết anh đã trải qua rất nhiều vai trò, nhiều công việc trong các lĩnh vực khác nhau, nhưng nếu như nhìn từ vai trò cũ nhất là một thầy giáo dạy văn ở đất Hà Tiên mười năm trước đến vai trò mới nhất là đạo diễn điện ảnh Huỳnh Tuấn Anh của hôm nay là một cái gì đó lạ lẫm trong hình dung của nhiều người. Anh đã bước trên hành trình mười năm ấy như thế nào?
+ Nhớ lại hành trình mười năm ấy tôi phải mang ơn những tháng năm ngồi trên ghế nhà trường sư phạm. Mang ơn luôn vị thầy đã chỉ thẳng vào mặt tôi mà mắng: Tuấn Anh ơi con chui lộn chuồng rồi. Câu nói đó ấn tượng với tôi đến tận giờ vì không hiểu sao thầy lại nói như vậy, điều đó có nghĩa là tôi hoàn toàn không có năng khiếu sư phạm và không thể làm một nhà giáo hay sao. Lúc đó tôi buồn khủng khiếp. Mãi khi tốt nghiệp, đi dạy rồi loanh quanh thế nào lại đi học đạo diễn sân khấu, tôi mới hiểu ý thầy rằng, việc mình làm tốt nhất không phải là gõ đầu trẻ trên bục giảng mà là việc mộng mơ trên những mét vuông sân khấu nghệ thuật.
Lúc đó nỗi oán giận thầy bỗng nhiên tan biến. Bù lại tôi nhận thấy những kiến thức văn học mình được thụ hưởng dưới mái trường sư phạm là một nền tảng vững vàng vô song. Thầy giáo hay đạo diễn, với tôi là một sự nối dài liên tục và không đứt gãy, tưởng xa lạ nhưng rất liên quan. Tôi không dám tự nhận là người thầy ở trường quay nhưng công việc của ông đạo diễn chẳng khác mấy với kĩ năng truyền đạt của một ông thầy trên bục giảng.
Mười năm vừa dài và vừa ngắn. Dài so với tuổi đời, quá ngắn cho những học hỏi. Cơ hội đã xô tôi quá vội để tôi cũng phải nhận ra một cách trung thực với bản thân mình, rằng tác phẩm điện ảnh đầu tay vẫn còn nhiều non nớt. Giá như mình tập trung và siêng năng hơn. Mười năm để tôi nói với chính mình rằng: tăng tốc lên và không ngừng học hỏi.

- Có lẽ khi quyết tâm bỏ nghề giáo để bước chân vào nghệ thuật anh cũng không đặt mục tiêu rằng mình sẽ phải trở thành đạo diễn điện ảnh. Bởi thứ anh chọn học đầu tiên là đạo diễn sân khấu, nhưng rồi anh lại tỏ ra xuất sắc trong vai trò biên kịch phim truyền hình, viết vở cho sân khấu cải lương, và hiện tại là trình diện vai trò đạo diễn điện ảnh khá ấn tượng trong tác phẩm đầu tay có tên Lô tô. Điều gì đã làm nên một lí lịch nghệ thuật có vẻ… “lạc trôi” như vậy ở anh? Và liệu nó có còn “trôi” nữa?
+ Các môn nghệ thuật tôi đã đi qua tôi đều thụ hưởng từ nó ít nhiều những cái hay, không hề “lạc trôi” mà nó bổ trợ cho nhau khá tốt. Tôi cho rằng đó là một điều quá tốt cho bản thân và nghề nghiệp. Cái quan trọng mình có thành quả với nó không. Nếu ví mỗi bộ môn tôi từng làm là một nhân tình thì cõi tình của tôi đầy phong vị và bát ngát đó chớ. (cười)
Làm điện ảnh là sự tổng hoà sáu môn nghệ thuật còn lại, đó là điều tuyệt vời. Tất cả là sự chuẩn bị từ hơn mười năm trước của tôi, kĩ càng, chu đáo và không hề ngẫu nhiên. Đó là một sự cố gắng không ngừng nghỉ, không có một đứt gẫy mà là xuyên suốt. Tôi hạnh phúc vì tất cả những gì đã trải qua đều là tài sản của mình. Muốn đi xa hành trang phải tinh gọn nhưng phong phú và chất lượng. Tất cả là tâm thế của một kẻ du hành muốn đi dài, đi xa, đi bền sức.

- Điện ảnh Việt Nam đã chứng kiến sự trở về của các đạo diễn Việt kiều, đã chứng kiến sự vươn ra biển lớn một cách độc lập với những lối đi riêng của các đạo diễn trẻ trong nước, nhưng đến sự xuất hiện của anh với phim Lô tô vừa rồi thì người ta lại nhìn thấy một lối đi mới theo hướng “thuần Việt”, tôn vinh các giá trị Việt cả ở hướng làm cái gì và làm như thế nào. Anh có thể chia sẻ một chút về việc lựa chọn hướng đi của mình?
+ Công thức Lô tô là một phương trình được tính toán kĩ càng. Nói như đạo diễn Quang Huy thì đó chính là công thức pha loãng. Tưởng chừng thể tài khó có thể bán vé lại được thêm vào những mảng miếng, chiêu trò để câu khách. Nhưng tất cả đều chừng mực hài hoà. Điều Lô tô làm được chứng minh sự chịu khó trong sáng tạo. Khi tôi bắt đầu dự án, tôi thuyết phục nhà đầu tư, nhà phát hành chỉ bằng đúng một câu: tôi sẽ trình bày cách để bán vé cho dự án này thay vì ngồi luyên thuyên về cái hay cái đẹp. Trách nhiệm làm hay làm đẹp là trách nhiệm cần nhưng tìm ra cách để đưa nó đến với công chúng và được chấp nhận thông qua từng chiếc vé là điều kiện đủ.
Nói rất thật lòng, Lô tô là một thử nghiệm thành công của cả một ekip và tôi là một phần rất nhỏ trong đó.

- Những bộ phim Việt gần đây được cho là thành công thường rơi vào hai thái cực, thành công về doanh thu, tức là thắng ở phòng vé, nhưng lại không được đánh giá cao về giá trị nghệ thuật, và ngược lại, có những bộ phim được đánh giá tốt về nghệ thuật nhưng con đường ra rạp lại khá chật vật. Trong khi về lí thuyết, một bộ phim hay phải đạt được cả hai yếu tố. Đây cũng là bài toán khó khăn của mỗi đạo diễn. Anh đã giải bài toán ấy qua Lô tô khá ổn và anh có tin cách giải ấy sẽ đúng ở những dự án tiếp theo? Đâu là cơ sở để anh tin vào cách giải của mình?
+ Với tôi, bán được vé là một thủ thuật và lôi khán giả trở lại lần hai là nghệ thuật. Chúng ta không thể lừa khán giả mãi bằng sự hời hợt. Nói dễ hiểu nhất, những sản phẩm bán được vé mà hời hợt thì khó lòng thành công lần nữa với cách làm như thế. Qua rồi cái thời các phù thuỷ truyền thông có thể bơm thổi các kiểu, vì khán giả họ không xem phim Việt bằng tinh thần AQ dân tộc như ngày xưa. Họ sòng phẳng và ít vị tha.
Một điều nữa, với phim ảnh bây giờ, công thức thành công hôm nay có thể là công thức thất bại của ngày mai. Sự khốc liệt nằm ở chỗ ấy. Vậy nên, bản chất vấn đề ở chỗ tư duy phải mới.

- Lô tô được đánh giá là bước ngoặt của điện ảnh Việt trong đề tài về cộng đồng LGBT (đồng tính, song tính và chuyển giới), lần đầu tiên một bộ phim về người chuyển giới khiến người ta phải suy nghĩ nghiêm túc bởi những thân phận anh bày ra trong đó không hề gợi đến sự bỡn cợt mua vui mà buộc người ta phải ngẫm ngợi. Tại sao anh nghĩ phải làm phim khác đi về đề tài này?
+ Thành thật mà nói, chúng tôi chọn chất liệu đời sống và thân phận của người làm nghề hát lô tô, chúng tôi không chọn chủ đề giới tính. Hành vi của họ chỉ là chi tiết của nghề nghiệp nên dễ thấy sự rung cảm từ khán giả vì sự sẻ chia thận phận của kiếp người, trọng tâm là một kiếp trôi sông lạc chợ của nghề hát lô tô. Nhìn từ góc độ này, đây là câu chuyện thân phận, không phải câu chuyện giới tính.
Không thể phủ nhận, với tác phẩm đầu tay, an toàn nhất cho đạo diễn là phải chọn ngay cái khán giả đã quen, đã biết như người ta hay làm với văn của chị Nguyễn Ngọc Tư, anh Nguyễn Nhật Ánh, tôi thì chọn chị Phụng của Nguyễn Thị Thắm (kịch bản Lô tô được lấy cảm hứng từ phim tài liệu Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng của đạo diễn Nguyễn Thị Thắm - PV).
Chọn Lô tô thật ra là cách giải một bài toán bằng những rung cảm sâu xa với phận người trong trái tim tôi. Đó là những con người rày đây mai đó mà những đứa trẻ miền Nam thế hệ 8X, 9X hầu như ai cũng ít nhất một lần biết. Khán giả và tôi đã gặp nhau trong sự hoài niệm đó. Kỉ niệm luôn làm người ta xích lại gần nhau hơn, yêu thương và thứ tha, bất chấp mọi thứ.

- Nghe anh tuyên bố “làm phim về số phận con người” tôi thấy rất gần với người sáng tác văn học, và cũng không mấy ngạc nhiên khi biết anh đã từng dự trại sáng tác thơ, đã từng xuất bản thơ. Phải chăng đó là dấu vết của một đạo diễn bước qua từ lĩnh vực văn học. Nền tảng của một người học văn có vị trí thế nào trong những thành công của anh?

+ Tôi thích được gọi là đạo diễn nhà thơ. Trên thế giới không nhiều đạo diễn có nguyên quán thơ ca. Với tôi, điện ảnh thật ra là ước mơ, mà ước mơ gần với thi ca lắm. Tôi cũng thường hay giải thích cho mình: không lí do gì người ta ghép đôi cụm từ: Văn học - Nghệ thuật. Tự nội hàm cụm từ đó đã nói văn học là nên tảng của các loại hình nghệ thuật, là một loại siêu ngôn ngữ, bao trùm hết thảy các loại hình nghệ thuật khác. Tôi tự hào mình đã là thầy giáo dạy văn và luôn hạnh phúc, biết ơn những tháng ngày đó. Có bản thể văn học khiến cho vấn đề mình nhìn đa chiều hơn, nhiều tầng nghĩa lớp. Lớp có vai trò mở rộng biên độ suy tưởng cho người xem. Với tôi, mấu chốt để đánh giá tài năng và khả năng của một đạo diễn luôn thông qua tiêu chí chất văn học trong mỗi tác phẩm anh ta làm ra.

 
lo to

“Tác phẩm điện ảnh đầu tay nhưng đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh đã tạo được lòng tin của người xem dành cho bộ phim của mình là điều đáng quý, đáng trân trọng. Một bộ phim rất đáng để thưởng thức và cho ta chiêm nghiệm về số phận con người.”
NSƯT Thành Lộc
“Lô tô cho thấy với sự dụng công, quyết tâm và niềm đam mê, điện ảnh Việt hoàn toàn có thể sáng tạo được những bộ phim về thân phận con người vừa giàu cảm xúc, vừa lôi cuốn.”
                                                             Nhà báo Lê Hồng Lâm
 

- Anh sẽ tiếp tục làm thơ chứ? Anh tìm thấy gì ở thơ? Và anh có nghĩ đến một tác phẩm điện ảnh đậm chất thơ để thể hiện cho danh xưng “đạo diễn nhà thơ” như anh mong muốn được gọi?
+ Thật ra thơ với tôi từ lâu đã là một ân nhân. Tôi thường ví von thơ là cái cách tôi hóa giải nỗi buồn, nhưng suy nghĩ điên loạn nhất luôn chạy trong đầu tôi có khi cả trong giấc mơ. Bây giờ đã ít đi vì tôi không có nhiều thời gian nhưng lúc trước có khi đang ngủ phải bật dậy để ghi lại một tứ thơ vừa đến. Tự khẳng định mình chẳng phải là người làm thơ chuyên nghiệp nhưng làm thơ với tôi còn là một phương pháp rèn luyện tư duy ngôn ngữ và cách thẩm mĩ một vấn đề. Làm thơ dễ nhưng  để có thơ hay rất khó. Rèn luyện trên những khó khăn đó chính là cách tôi thực hành tư duy của mình. Nên làm thơ với tôi là một nhu cầu.
Chất thơ sẽ là điểm mạnh của tôi khi sáng tác mảng điện ảnh. Và chắc chắn tôi sẽ làm một bộ phim giàu chất thơ. Nói một cách rõ hơn là một bộ phim có thể tài giàu chất văn học, ít thoại và có thể là một phim thể nghiệm, chuyển thể hoặc lấy cảm hứng từ một bài thơ cũng không chừng. Chất thơ trong điện ảnh có nhiều cách để làm nhưng để làm được không đơn giản.

- Bản thân là một biên kịch cứng và đã có trong tay những thành công nhất định, nhưng khi vào vai trò đạo diễn anh lại lựa cho mình ekip biên kịch khác và sẵn sàng chi mạnh tay cho kịch bản. Anh không tự tin, anh không muốn vừa đá bóng vừa thổi còi hay anh muốn hướng đến một cách làm chuyên nghiệp cho mỗi khâu đoạn?
+ Tôi quan điểm rất rõ, không có con dao nào bén cả hai lưỡi, không có cây kim nào xỏ được hai đầu. Việc không viết kịch bản rồi tự quay đó là ý thức phản tỉnh chính mình. Dễ hiểu nhất, chữ nghĩa mình viết vốn khó cắt gọt huống chi là hình ảnh được làm từ mớ chữ nghĩa chủ quan kia. Lui về vị trí đạo diễn là sự tự lượng sức mình và cho mình cơ hội bình đẳng và sòng phẳng trong sáng tạo với biên kịch. Còn kiến thức của một nhà biên kịch của tôi trong trường hợp này chỉ để nói cùng ngôn ngữ với nhóm biên kịch của Lô tô trong chỉnh sửa, gia cố kịch bản mà thôi. Cách tôi đoạn tuyệt hoàn toàn với vai trò biên kịch là cách tôi tự rèn luyện sự khiêm cung cũng như để tôn trọng đồng nghiệp và chuyên môn của họ. Sự chuyên nghiệp bắt đầu từ những điều giản đơn như vậy. Với tôi, biên kịch là một vị trí tối quan trọng và trước tiên. Chừng nào chúng ta chưa dành cho những con người lao khổ với con chữ kia sự tôn trọng đúng mực, chừng đó điện ảnh còn xa vời lắm với sự thành công.

- Khi xem Lô tô, một điều tôi nhận thấy ở phim là sự tiết chế, có vẻ như đạo diễn luôn lo sợ bị quá tay, luôn lo sẽ bị sa đà, quá trớn nên luôn tự nhắc nhở sự “đến độ”, có vẻ như anh luôn mang tâm thế chơi dao hai lưỡi khi làm bộ phim này? Anh nghĩ gì về cảm nhận của tôi?
+ Rất chính xác! Khi dựng dàn diễn viên trên giấy với 7/10 diễn viên tôi chọn là diễn viên sân khấu, tôi đã được cảnh báo về sự lạc tông của bộ phim. Ở đây không có sự chê bai cao thấp về thứ bậc của diễn viên nhưng nếu không làm việc kĩ phim của tôi sẽ dễ thành một tác phẩm điện ảnh sân khấu.
Rất khó nhưng cũng rất may tôi có được anh Hữu Châu là diễn viên gạo cội nhiều kinh nghiệm. Tôi luôn tham khảo anh trong từng set cảnh. Cái hấp dẫn trong diễn xuất của diễn viên sân khấu mê hoặc tại hiện trường dễ làm người ngồi sau mornitor lầm tưởng đó là những xung động phù hợp nhưng khi về dựng, chất điện ảnh hay sân khấu lộ rõ ở sự tiết chế trong diễn xuất, ở chỗ minh hoạ bằng cơ thể và thoại. Cái gì minh hoạ, giao đãi nó là ngôn ngữ sân khấu. Vì thế sự tiết chế là cần thiết.

- Với rất nhiều dự án và đam mê ở những phần việc khác nhau, nhưng bây giờ, khi đã ghi danh là đạo diễn điện ảnh, anh có dành ưu tiên cho vai trò hao tổn nhiều năng lượng sáng tạo cũng như tiêu tốn không ít mồ hôi công sức này? 
+ Tôi đang thấy mình chết chìm trong từng khung hình, thoát xác và bay bổng, đó là dấu hiệu của nghiệp. Đã là nghiệp thì tổn hao, tiêu tốn chính là hằng nhiên tất yếu. Như được trở thành chính mình. Cô Liễu trong Lô tô có than thở gì đâu? (cười) (Lệ Liễu là nhân vật chính có cuộc đời bi kịch trong phim Lô tô, với diễn xuất của NSƯT Hữu Châu đã góp phần lớn vào thành công của bộ phim - PV).

- Một trong những cách làm để có kịch bản hay đầu vào là chuyển thể từ các tác phẩm văn học. Anh nhận thấy tiềm năng từ hướng này ở các tác phẩm văn học Việt thế nào? Theo anh, những sáng tác của các nhà văn Việt Nam thời gian qua đã được phía điện ảnh khai thác thỏa đáng?
+ Với điện ảnh, bầu sữa văn học thật sự là một tài nguyên. Vì từng là người học văn, tôi luôn canh cánh trong lòng trước độ chênh giữa câu chuyện phim và các tác phẩm văn học Việt. Nó gieo vào lòng tôi một thắc mắc, tại sao chúng ta có một kho tàng quý giá mà không biết xài. Thực tế, trong kho tàng ấy có rất nhiều tác phẩm tầm cỡ mà chúng ta không sử dụng. Đó là một lãng phí và nuối tiếc. Điểm cốt tử của phim Việt chính là kịch bản, trong khi trong kho sách văn học có hàng tỉ tỉ câu chuyện không cứ đất nước nào. Tôi cho rằng đó là một lãng phí. Và hướng đi của tôi sắp tới sẽ khai thác triệt để bằng cách chuyển thể, phóng tác, cảm tác... Tuy nhiên, làm công tác sáng tạo từ tác phẩm văn học cần một kĩ năng đặc biệt và sự cảm thấu văn học ghê gớm.
Các hãng phim nhà nước đã từng rất thành công với dòng phim chuyển thể từ tác phẩm văn học thì tại sao dòng phim thương mại lại không? Tôi thật sự đang nung nấu và sẽ làm phim từ gia tài quý giá đó. Gần đây có một vài phim như Cánh đồng bất tận, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh…  đã làm đươc việc này nhưng sau đó lại là một khoảng lặng. Lí do khách quan nhất, theo tôi đó là kĩ năng chuyển thể chưa tốt và biên kịch Việt hầu như chưa làm tốt việc này.
Về phía sản xuất phim, chuyển thể tác phẩm văn học là con dao hai lưỡi. Vì làm như vậy tức là đưa ra một bàn cân so sánh giữa tác phẩm điện ảnh với tác phẩm gốc. Cái lợi là có sẵn một lượng khán giả của tác phẩm gốc nhưng khó chiều lòng và dễ gây tổn thương cũng như phản ứng nếu đạo diễn không đủ bản lĩnh sáng tạo, trình ra một sản phẩm điện ảnh ngang hàng, sòng phẳng với tác phẩm gốc.
Nhưng thật ra nguyên nhân của những mùa phim Việt hiu hắt là thiếu vắng câu chuyện, hay chính là thiếu chất liệu văn học dồi dào. Trong khi đây chính là đôi cánh để dòng phim thương mại đi xa hơn với những giá trị sâu sắc, đa tầng nghĩa của nó. Cá nhân tôi, cho rằng tác phẩm văn học và chất liệu văn học là con đường vững chãi cho phim ảnh và là bảo chứng cho những tác phẩm chất lượng.

- Nghe nói anh đang ngập trong các dự án dang dở và những lời mời khác sau thành công của Lô tô? Anh có thể nói một chút về các dự án đó? Đâu là dự án anh dành nhiều tâm huyết?
+ Rất mừng, sau Lô tô những lời mời đến dồn dập nhưng tôi luôn tự nhắc nhở mình đừng nóng vội. Vì làm phim là một quá trình cảm thấu sâu sắc. Tôi tin không có cái gì tử tế được sinh ta trong vội vàng và bốc đồng. Sau Lô tô tôi “mắc kẹt” với một dự án đã hứa với một người bạn trước đó. Rất may câu chuyện  phim sắp làm nhẹ nhàng và mang một không khí khác chứ không nặng như Lô tô. Tôi xem đây là dự án “đổi gió” với một yêu cầu đơn giản hơn là làm sao làm ra một bộ phim vừa nhẹ nhàng, cảm xúc và dễ thương vừa quảng bá một “kì quan” của Kiên Giang quê tôi.
Cùng với đó tôi cũng đang cùng nhà văn Nguyễn Thị Minh Ngọc lên kịch bản chi tiết cho dự án dài hơi mà tôi rất tâm đắc: dự án phim về đề tài cải lương Nam Bộ. Đó là dự án tôi ấp ủ mười năm rồi và hi vọng sẽ thực hiện được sớm nhất.

- Cám ơn anh đã chia sẻ với VNQĐ. Chúc anh sớm hoàn thành các dự án mới! 
Nhà văn Nguyễn Xuân Thủy thực hiện
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)