Sự hụt hẫng của sáng tác

Thứ Ba, 28/05/2019 10:14

.DIÊM LIÊN KHOA

10 giờ sáng một ngày trung tuần tháng 8 năm 2005, tôi viết xong trang cuối cùng của tiểu thuyết Đinh Trang mộng. Khi gác bút, tôi ngồi một mình trước bàn viết, chợt cảm thấy buồn bực không yên, bồn chồn khó tả; cảm giác nôn nóng cần được nói chuyện với người khác ập đến chưa từng thấy, giống như người nghiện heroin đột nhiên lên cơn ghiền thuốc. Lúc đó, vợ tôi về quê nhà Hà Nam, con trai đang học ở Thượng Hải, lại là thời điểm lên lớp, còn vài người bạn tri âm nhất của tôi, không biết vì sao bình thường gọi điện thoại thông ngay lập tức, nhưng ngày hôm đó, thời khắc đó, nếu không tắt máy thì cũng nằm ngoài vùng phủ sóng. Tôi gọi liên tiếp vài cuộc điện thoại, cuối cùng không biết vì sao vứt tai nghe lên bàn, thất vọng ngồi xuống, hai hàng nước mắt tuôn rơi không thể nào ngăn lại, người mềm nhũn không còn chút sức lực nào giống như bị rút hết gân cốt, cảm giác bất lực trước sự dồn ép của nỗi cô đơn và niềm vô vọng đó, giống như bị bỏ rơi giữa đại dương mênh mông không một bóng người, bỏ rơi trên một hoang đảo không thấy chim bay cỏ động.
Lúc đó, ở dưới lầu, xe cộ vẫn đi lại như mắc cửi, nhưng trong căn nhà có bài trí đồ đạc lại trống trải như cánh đồng hoang vu. Tôi ngồi một mình trên sô pha trong phòng khách, đờ đẫn nhìn chằm chằm vào bức tường trắng tuyết trước mặt, như đang nhìn chùm khăn tang trắng tuyết phất phơ ngõ nhỏ nhà nhà đều dán câu đối trắng như chất đầy tuyết trắng trong tiểu thuyết; và tôi như đang nhìn thấy bình nguyên không một bóng người, bình nguyên mờ mịt mênh mang. Nỗi thống khổ và tuyệt vọng không nơi bấu víu trong lòng ấy, tôi đã từng có khi viết xong Nhật quang lưu niên vào cuối năm 1997, cũng từng có khi viết xong Thụ hoạt vào tháng tư năm 2003. Nhưng hai lần đó đều không mãnh liệt và không khó vượt qua, khó nói ra như lần viết xong Đinh Trang mộng này.
Tôi biết, nỗi tuyệt vọng thống khổ mãnh liệt này không đơn giản chỉ là kết quả của một lần viết Đinh Trang mộng, mà là sự hẫng hụt của cả quá trình viết trong thời gian dài. Là lễ truy điệu cho một lần chết của chính bản thân sau khi hoàn thành Đinh Trang mộng. Là sự tích lũy và bùng nổ của những đau khổ chất chứa suốt mười hai năm, từ năm 1994 khi bắt đầu cầm bút viết Nhật quang lưu niên, đến năm 2002 khi viết Thụ hoạt, và đến năm 2005 khi viết Đinh Trang mộng. Ánh nắng vẫn như xưa chiếu vào qua cửa sổ, trong không gian của phòng khách, có thể nhìn thấy rõ những hạt bụi bay, giống như vô số vong linh trong tiểu thuyết đang thì thầm bên tai tôi. Tôi cứ ngồi ngây ở đó như khúc gỗ, để mặc nước mắt giàn giụa chảy, trong đầu là một vùng trống rỗng, rồi lại như một mớ hỗn độn chất chồng.
Không nói được rõ ràng vì sao lại đau khổ, vì ai mà rơi lệ, vì sao lại cảm thấy tuyệt vọng và bất lực chưa từng có như thế. Là vì cuộc sống của bản thân? Hay là vì cái thế giới mà mình đang sống? Hay vì sinh mệnh của những người mắc bệnh AIDS mà tôi không biết cụ thể là có bao nhiêu trên Hà Nam quê tôi, thậm chí trên những tỉnh lị và khu vực, trên những mảnh đất còn biết bao khổ nạn? Cũng có thể là do đường cùng mà sự viết của mình phải đối diện sau khi đã tận hao tâm lực hoàn thành Đinh Trang mộng. Cứ như thế, không biết rốt cuộc tôi đã ngồi đó rơi bao nhiêu nước mắt, không biết đến khi nào thì tôi mới không rơi nước mắt nữa mà ngồi đó bất động như một khúc gỗ. Chỉ biết rằng buổi trưa hôm đó tôi không ăn cơm, khoảng 1 giờ chiều, tôi ra khỏi nhà, men theo con đường dành cho người đi bộ bên đường sắt Bắc Kinh tuyến 13 cách nhà tôi không xa, đi đến một nơi đồng không mông quạnh, lại một lần nữa ngồi thẫn thờ cô độc bên một bìa rừng, đến khi mặt trời lặn mới trở về nhà, mới lại cảm thấy ý thức hiện thực và những nhu cầu thiết yếu để duy trì cuộc sống đời thường dần dần trở lại.
Sau đó, tôi ăn một gói mì ăn liền, không rửa mặt, không đánh răng, cũng không cởi quần áo nằm vật xuống giường. Ngủ một mạch đến sáng hôm sau, như một người lữ hành sau một chặng đường dài lặn lội, khi chiều tối đổ ngay xuống chiếc giường trong lữ quán. Trong ba tháng sau đó, tôi đã sửa chữa tiểu thuyết vài lần, mỗi lần sửa là một lần nhận thức về sinh mệnh và sự tuyệt vọng, là một lần cảm thấy vô vọng đối với sáng tác. Bây giờ, cuối cùng tôi đã có thể giao Đinh Trang mộng cho nhà xuất bản, nhưng tôi cảm thấy thứ giao đi không chỉ là một cuốn tiểu thuyết, mà còn là một khối tuyệt vọng khổ đau. Những gì còn ở lại, vẫn là cuộc sống hiện thực và thế giới hiện thực mà tôi buộc phải đối diện. Tôi không biết Đinh Trang mộng viết có tốt không, nhưng tôi có thể không hổ thẹn mà nói rằng, khi viết cuốn tiểu thuyết hai mươi mấy vạn chữ này, thứ mà nó tiêu hao không phải là thể lực của tôi mà là sinh mệnh của tôi, là thọ mệnh của tôi. Khi sửa bộ tiểu thuyết hai mươi mấy vạn chữ thành chưa đầy hai mươi vạn chữ, nó không chỉ thể hiện tình yêu của tôi với sinh mệnh, mà còn thể hiện tình yêu cháy bỏng và sự lí giải vụng về của tôi với nghệ thuật tiểu thuyết.
Bây giờ, bạn đọc và các chuyên gia có thể nói thế này thế khác về nó. Hoàn toàn có thể nhổ nước bọt lên cuốn sách Đinh Trang mộng này, nhưng tôi đã có thể thẳng thắn, có thể bình thản nói với bất cứ ai rằng: “Khi viết Nhật quang lưu niên, Thụ hoạt, Đinh Trang mộng, tôi đã dùng tâm lực của tôi, dùng sinh mệnh của tôi để viết”. Các bạn có thể không đọc Đinh Trang mộng, không đọc Thụ hoạt, không đọc Nhật quang lưu niên, nhưng khi các bạn đọc, tôi sẽ không hổ thẹn với các bạn. Không hổ thẹn với từng độc giả của mình. Duy có một điều khiến tôi cảm thấy bất an là trong thế giới đầy hoan lạc này, khi các bạn đọc tiểu thuyết của tôi, khi đọc Đinh Trang mộng, tôi không thể đem đến cho các bạn niềm vui, mà chỉ có thể đem đến cho các bạn nỗi đau đớn nhói lòng. Về điều này, tôi xin cáo lỗi với các bạn.
Xin bày tỏ sự áy náy với từng vị độc giả vì tiểu thuyết của tôi đã mang đến sự khổ đau cho các bạn
Thanh Hà - Bắc Kinh,
ngày 23 tháng 11 năm 2005
D.L.K
(MINH THƯƠNG
dịch từ nguyên bản tiếng Trung)

 

 

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Có nhân vật chỉ là dáng dấp của nguyên mẫu, có nhân vật là nguyên mẫu đã sống và chiến đấu cùng tôi, suốt những năm tháng ở rừng... (VŨ NGỌC THƯ)