Bình luận văn nghệ  Trao đổi

Nhà văn, nhà thư pháp Diêm Liên Khoa: Tôi thích lối chữ “đường phố”

Thứ Năm, 25/04/2019 14:58

Diêm Liên Khoa - nhà văn có lập trường nhất, và gây tranh cãi nhất của Trung Quốc - sinh năm 1958 tại huyện Tung, Hà Nam, năm 1980 bắt đầu xuất bản tác phẩm đầu tay. Các tác phẩm chủ yếu của ông có: “Thụ hoạt”, “Nhật quang lưu niên”, “Vì nhân dân phục vụ”, “Đinh Trang mộng”, “Phong nhã tụng”, “Tứ thư”… Ông từng giành giải thưởng Bách Hoa của Tiểu thuyết nguyệt báo, giải thưởng văn học Lỗ Tấn, đề cử giải thưởng văn học Devin của Anh quốc. Tháng 5/2014 ông đã giành được giải thưởng văn học Kafka, gây tiếng vang trên văn đàn thế giới. Là một nhà văn Trung Quốc nổi tiếng trên phạm vi toàn thế giới, nhưng Diêm Liên Khoa cũng là một người rất có thành tựu trong lĩnh vực thư pháp.

Phóng viên Tạp chí “Bắc Kinh Lữ Du” đã có một cuộc trò chuyện với nhà văn Diêm Liên Khoa về vấn đề thư pháp. Trong cuộc trò chuyện, qua những câu trả lời của mình, ông đã thể hiện là một con người vô cùng khiêm tốn trong nghệ thuật. Vì biết rõ, hiểu rõ, nên ông đã từ chối danh xưng “thư pháp gia”, và tự trào gọi lối chữ thư pháp của mình là “lối chữ đường phố”, và bày tỏ lo lắng cho hiện trạng thư pháp Trung Quốc, tất cả những điều ấy đều khiến người ta phải kính phục.

Người viết cho rằng, những câu trả lời của Diêm Liên Khoa về lĩnh vực thư pháp, là rất riêng, không cần có bất cứ một chỉnh lý gì. Vì thế, xin ghi chép lại đúng như những gì ông nói, để độc giả được hiểu thêm một cách chân thực nhất về nhà thư pháp khiêm tốn và hóm hỉnh ấy. Có lẽ, như thế, cũng là sự tôn trọng lớn nhất đối với con người ấy, thư pháp ấy, tinh thần ấy, cũng như những độc giả mến mộ ông.

Phóng viên (PV): Trong con mắt mọi người, ông là một nhà văn nổi tiếng, nhưng với vai trò là một nhà thư pháp thì lại rất ít người biết, xin hỏi ông đã tiếp xúc và nghiên cứu thư pháp từ khi nào?

Diêm Liên Khoa (DLK): Tôi rất lấy làm thẹn khi gọi những chữ mà tôi dùng bút lông viết ra là “Thư Pháp”. “Thư” và “Pháp” đó là sự kết hợp giữa học thức và phương pháp. Nhưng trong những cái gọi là thư pháp của tôi, đã chẳng có học thức, mà cũng không có phương pháp, chỉ là một dạng dùng bút lông bôi vẽ những chữ khối vuông. Mà nói theo một cách dễ nghe nhất, nên nói rằng lối bôi vẽ ấy là một kiểu viết lách nhàn tản vô vi mà tôi đã đổi dùng một loại giấy bút khác. Nói đến thời gian bắt đầu của kiểu viết lách ấy, thì là vào mấy năm trước, là thời gian mà tôi còn ở “Nhà số 711”. Một người bạn thân khi đến thăm tôi, thấy quang cảnh nhàn tản ấy của tôi, lại thấy tôi vẫn còn rất nhiều thời gian rảnh rỗi, mới nói: Anh ở đây luyện tập thư pháp đi. Rồi, trong lần thứ hai anh ấy tới, quả nhiên bèn mang bút lông, mực và giấy xuyến tới cho tôi thật. Tôi cũng nhân đó bắt đầu với kiểu viết lách nhàn tản bằng bút lông ấy.

Bất tại mộng biên tại mộng lý (Không ở bên giấc mơ mà ở trong giấc mơ)

PV: Sáng tác thư pháp cần có thời gian dài luyện tập, ông lại còn phải hao tổn rất nhiều tâm huyết cho sáng tác các tác phẩm văn học. Vậy thì bình thường ông sắp xếp thời gian cho việc sáng tác thư pháp của mình thế nào?

DLK: Tôi trước nay chưa từng sắp xếp thời gian luyện tập của mình một cách có kế hoạch và phương pháp bao giờ. Gọi là luyện tập, chỉ là khi nhàn rỗi đến buồn tẻ, tâm ý nảy ra, thì liền cầm lấy bút viết ra mấy chữ, mười mấy chữ bằng bút lông. Nhưng cùng với thời gian lâu dài, tôi phát hiện ra việc viết chữ bằng bút lông và viết chữ bằng bút máy của mình có một sự truyền thừa liền mạch, nối tiếp với nhau. Ví dụ như, nếu hôm nay tôi bắt đầu viết tiểu thuyết hay tản văn ở nhà, sau khi viết lách, hứng thú vẫn còn, thì tôi bèn bỏ bút máy xuống, cầm bút lông lên viết một lúc; còn nếu như hôm nay không viết lách gì, không có việc tay cầm bút máy viết ra hai ngàn chữ bản thảo ấy, thì tôi cũng rất ít khi chủ động cầm bút lông lên mà viết một lúc như vậy.

PV: Khi mới bước chân vào lĩnh vực thư pháp, ông có sùng bái một vị danh gia tiền bối nào không?

DLK: Trong lĩnh vực thư pháp với lịch sử lâu dài và vĩ nhân như biển, tôi không có thần tượng, không sùng bái một ai. Vì sao lại như thế? Là bởi vì tôi không biết rõ về họ, cũng giống như một sinh viên công nghệ không hiểu biết một cách thực sự, ngọn ngành về Tào Tuyết Cần và Lỗ Tấn vậy. Nói một cách khác, một minh tinh màn bạc vĩ đại, cũng không hề có ý nghĩa gì với một người nông dân cả đời chỉ cày cấy trên đồng ruộng. Mà tôi, lại chính là một người nông dân trước nay chưa từng xem phim bao giờ.

Nhất mặc giang hà lưu; văn chương thiên hạ tú (Một nét mực giang hà tuôn chảy; nền văn chương đẹp đẽ thiên hạ)

PV: Tự thể chữ Hán rất đa dạng, như: Khải thư, Thảo thư, Lệ thư, Hành thư... Ông thích thể chữ nào nhất? Thể chữ mà ông thích, có điểm gì hấp dẫn ông?

DLK: Mấy câu hỏi này, càng hỏi càng đi sâu, giống như cạm bẫy càng ngày càng nhiều. Nếu nhất định bắt tôi phải nói ra một thư thể mà tôi thích nhất, thì tôi xin nói là: Tôi thích lối chữ “đường phố”. Tôi thích nhất là đi trên phố nhìn hết bên nọ lại bên kia, hôm nay trông thấy trên tấm biển hiệu bên trái đường có một nét “hoành” không tệ, có phong cách riêng mà chỉ nhà ấy có, tôi liền ghi nhớ lấy nét hoành ấy; ngày mai lại trông thấy trên câu đối ở cửa nhà bên phải đường có một nét “sổ” rất đẹp, độc nhất vô nhị, ít gặp ít thấy, thế là tôi liền ghi nhớ lấy nét sổ ấy, khi về đến nhà tôi bèn nghĩ đem nét sổ ấy với nét hoành kia kết hợp lại với nhau, xem xem nó có hiệu quả và thể hiện như thế nào, hoặc cũng có khi có thêm một chút cải tạo và sửa chữa riêng mình. Cho nên nói, không có ai hấp dẫn tôi, chỉ có “lối chữ đường phố” khiến tôi cảm thấy hứng thú.

PV: Ngoài nghề xem biểu hiện, trong nghề xem kỹ năng. Kiến thức về viết chữ bố cục hàng lối bao la vạn tượng, chỉ có những nhà thư pháp có bồi dưỡng văn hóa phong phú, mới có thể viết soạn ra những bức thư pháp khiến người ta phải kinh ngạc. Ông cho là thế nào?

DLK: Tôi là một người tương đối cá nhân, khép kín, tôi không hề quan tâm một chút nào tới thư pháp của người khác, cũng như những nhà thư pháp khác. Tôi chỉ quan tâm đến việc sáng tác và sáng tạo chữ nghĩa của mình. Trong những lúc rảnh rỗi ngoài việc sáng tác và sáng tạo ấy, tôi hy vọng mình có thể viết ra mấy chữ bút lông rất cá nhân, không giống ai của mình. Chí thế thôi. Cũng giống hệt như cách nhìn nhận về văn học của mình, tôi chỉ quan tâm bản thân mình viết ra được những tiểu thuyết riêng có như thế nào, còn những cái khác tôi đều không quá quan tâm. Quay trở lại với thư pháp, tôi cũng dường như không hề quan tâm bất cứ cái gì, chỉ cần cảm thấy trong thời khắc mình cầm cây bút lông lên, bản thân thấy vui thích là được, còn những cái khác với tôi đều không quan trọng.

PV: Trong chuyện của Thiền tông, ngắm núi có ba đại cảnh giới, tức là: “ngắm núi là núi, ngắm núi không phải là núi, ngắm núi lại là núi”. Thư pháp phải chăng cũng có cảnh giới tương tự như vậy? Xin ông chia sẻ một chút tâm đắc trong sáng tác thư pháp của mình.

DLK: Lý luận về “ngắm núi” của Thiền tông là phương pháp luận nhận thức thế giới rất tuyệt vời, một câu “ngắm núi là núi, ngắm núi không phải là núi, ngắm núi lại là núi”, đã bao gồm hết vào trong nó cảnh giới và quá trình của tất cả các loại hình nghệ thuật trên thế giới. Văn học, điện ảnh, hội họa, rồi ngay cả cắt giấy, cắm hoa, có loại hình nghệ thuật nào muốn bước lên cảnh giới tối cao mà chẳng phải đi qua con đường duy nhất “là - không là - lại là”? Thư pháp là một loại hình nghệ thật cổ xưa nhất của Trung Quốc, thì làm sao có thể xa rời quỹ đạo cảnh giới ấy được? Chỉ có điều, đối với một kẻ ngu như tôi, phần lớn đều chỉ dừng lại ở chỗ bắt đầu “ngắm núi là núi”, chứ ngay đến việc hướng tới giữa con đường “ngắm núi không phải là núi” cũng đã khó tiếp cận và phát hiện, chứ nói gì đến cảnh giới cuối cùng “ngắm núi lại là núi”. Hơn nữa, tôi cũng luôn luôn nghĩ, tất cả các loại hình nghệ thuật đạt đến “ngắm núi lại là núi” thì là đã đến cảnh giới tối cao ư? Lẽ nào một loại hình nghệ thuật nào đó sau khi đến được cảnh giới “ngắm núi lại là núi”, thì sẽ không trở về lại vòng tuần hoàn “là - không là - lại là” thứ hai, thứ ba ư? Picasso trong quá trình sáng tác cả đời mình, lẽ nào không có sự truy cầu vòng tuần hoàn thứ hai ấy của mình ư?

PV: Chúng ta đều biết rằng, khác với những người khác ông có một thời gian dài sống trong quân ngũ. Đoạn đời ấy, có ảnh hưởng thế nào với thư pháp của ông?

DLK: Tôi cho rằng, không có ảnh hưởng gì cả. Những cái gọi là thư pháp của tôi, chỉ là trong ngẫu nhiên mà bắt đầu, và rất có thể lại trong ngẫu nhiên đứt đoạn. Tất cả đều là hứng thú gây nên. Nếu như có một ngày tôi mất đi hứng thú với nó, thì có lẽ những “văn tự bút lông” này, cũng sẽ tự nhiên dừng lại.

PV: Hiện nay, chúng ta thấy ở rất nhiều khu thắng cảnh của Trung Quốc, phần lớn đều còn lưu lại di tích thư pháp của tiền nhân, như Đỗ Phủ ở Thái Sơn, Lý Bạch ở Hoàng Hạc lâu… Những thư pháp của cổ nhân này đã giúp tăng thêm nhiều màu sắc cho thắng cảnh, điều đó phải chăng là giữa thư pháp và du lịch có mối quan hệ với nhau. Ông có nhìn nhận thế nào về vấn đề này?

DLK: Tôi không cho rằng thư pháp và du lịch có mối quan hệ gì. Bởi vì, khi thư pháp là một sự tồn tại của thẩm mỹ, thì nó đã có tính đại chúng rồi. Và một khi thẩm mỹ đã có tính đại chúng, thì tất nhiên được xuất hiện và mở ra ở những nơi có nhiều người. Những tác phẩm thư pháp ở những thắng cảnh du lịch xưa nay, chỉ là một trong những phương pháp để mọi người xem đọc. Bất luận là thư pháp giúp tô điểm thêm cho du lịch, hay thắng cảnh giúp tăng thêm màu sắc cho hình thức xem đọc ấy, thì nó đều là một phương pháp để thẩm mỹ hướng đến đại chúng. Bản thân thư pháp hoàn toàn không phải vì du lịch mà tồn tại, và chính du lịch đã tăng thêm việc “xem đọc thư pháp” mà thôi. Như thế mà nói, tác phẩm của một nhà thư pháp xuất hiện quá nhiều ở một thắng cảnh thì không thể không nói rằng đó là một nỗi đau buồn và tổn thương, giống như tiểu thuyết của Murakami Haruki, đã gây ra quá nhiều nỗi đau buồn của độc giả.

Thần thực chủ nghĩa (Chủ nghĩa hiện thực hoang đường - khái niệm sáng tác văn học của Diêm Liên Khoa)

PV: Xem khắp các tác phẩm thư pháp của hậu thế, thì phần lớn là bắt chước những danh gia đời trước. Xin hỏi ông, kiểu bắt chước ấy có ảnh hưởng như thế nào đối với sự truyền thừa của thư pháp?

DLK: Sáng tạo đều bắt đầu từ bắt chước. Trong bất kỳ một môn nghệ thuật nào hiện nay, nếu không có bắt chước thì không có sáng tạo. Cũng như trẻ nhỏ mới học nói, nếu không bắt chước nói theo cha mẹ, thì có thể sẽ trở thành một người câm. Nhưng sau khi đứa bé ấy lớn lên rồi, làm thế nào để thoát khỏi phương thức ngôn ngữ của cha mẹ, người khác, và xã hội, để hình thành nên tư duy và biểu đạt của mình, thì đó mới là quan trọng. Tất cả những bậc trí giả thành tài, chẳng ai không có một tư duy và biểu đạt riêng của mình. Cho nên, chúng ta không sợ bắt chước, mà cái đáng sợ là không có khả năng thoát ra và hình thành một sự tái sinh mới.

PV: Trong con mắt và suy nghĩ của người nước ngoài, thư pháp là dấu hiệu số một của văn hóa Trung Quốc, vượt qua cả Trường Thành và Kinh kịch. Ông nhìn nhận hiện tượng này như thế nào? Ngoài ra, càng ngày càng nhiều người nước ngoài bắt đầu học thư pháp Trung Quốc, chúng ta nên làm thế nào để họ hiểu biết, và học tập thư pháp? Chúng ta cần phải có sự gia công như thế nào đối với thư pháp? Xin nói một chút ý kiến của ông.

DLK: Tôi không quan tâm đến việc người nước ngoài coi thư pháp Trung Quốc thế nào, mà quan tâm hơn đến việc người Trung Quốc coi thư pháp thế nào. Ví dụ những em thế hệ 8X, 9X hiện nay, vừa lớn lên thì đều đã sử dụng máy tính và bút máy, rất ít khi cầm đến cây bút lông, như vậy thì chúng có còn cảm giác với thư pháp không? Nếu như một thế hệ, vài thế hệ đều không có cảm giác với thư pháp nữa, thì thư pháp còn có thể tồn tại và còn có lý do tất yếu để tồn tại không? Cũng như hiện nay mọi người đang kêu gọi “cứu lấy Kinh kịch và kịch địa phương”, nếu như đến một ngày thư pháp cũng giống như Côn khúc trở thành “Di sản văn hóa phi vật thể” của UNESCO, thì đó mới là bi kịch thực sự của thư pháp. Trung Quốc có một tỉ mấy trăm triệu người mà không có mấy người học tốt được thư pháp của chính mình, thì anh dựa vào đâu để hy vọng những người bất đồng về ngôn ngữ, bất đồng về bối cảnh văn hóa có thể học tốt được thư pháp của anh đây! Thư pháp ở Trung Quốc hiện nay, không cần bất cứ một thứ bao bì và công nghệ nào, mà là cần có nhiều người yêu thích hơn nữa. Có tình yêu, thì sẽ có tất cả./.

CHÂU HẢI ĐƯỜNG dịch

 

 

 

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Có nhân vật chỉ là dáng dấp của nguyên mẫu, có nhân vật là nguyên mẫu đã sống và chiến đấu cùng tôi, suốt những năm tháng ở rừng... (VŨ NGỌC THƯ)