VNQĐ kết nối  Nhân vật tuần này
Trần Thị Tú Ngọc:

Xúc cảm của nhà văn giúp neo giữ tác phẩm trong lòng người đọc

Thứ Bảy, 25/07/2020 07:00
Nhà văn Trần Thị Tú Ngọc.

Đề tài chiến tranh cách mạng và người lính luôn là thử thách ngay cả với những nhà văn thuộc lực lượng vũ trang hay từng có những năm tháng sống đời sống quân ngũ, nhất là khi chiến tranh ngày càng lùi xa, và những trang viết về đề tài này ngày một dày lên theo năm tháng với những sáng tạo tìm tòi phong phú về nội dung, đa dạng về hình thức từ người viết các thế hệ. Nhưng một điều đáng mừng là, trong các cuộc thi văn học của VNQĐ vẫn có những điểm sáng khi có những tên tuổi mới được phát hiện, vẫn có những người viết trẻ dành tâm huyết cho đề tài. VNQĐ Online đã trò chuyện với Trần Thị Tú Ngọc - tác giả đoạt giải Ba cuộc thi truyện ngắn Lửa Mới, cũng là người có những thành công bước đầu về đề tài chiến tranh cách mạng và người lính với những trang viết nhiều xúc cảm.

- Xin chào Trần Thị Tú Ngọc! Khi cuộc thi truyện ngắn Lửa Mới khép lại, độc giả vẫn thấy các sáng tác của chị đều đặn xuất hiện trên VNQĐ. Năng lượng sáng tạo vẫn chưa được giải phóng hết hay còn những lí do khác khiến chị tiếp tục với đường marathon của riêng mình trên VNQĐ như vậy?

+ Tôi cảm thấy mình may mắn vì đã có duyên gặp gỡ với Tạp chí Văn nghệ Quân đội, với những nhà văn đầy tài năng và tâm huyết trong việc dìu dắt các cây bút trẻ. Điều đặc biệt chính là Văn nghệ Quân đội đã tạo ra một bầu khí quyển văn chương mà ở đó, người viết cảm thấy mình giống như ngọn lửa luôn khát khao cháy sáng, tận hiến cho đam mê. Mỗi lần truyện ngắn xuất hiện trên Tạp chí là một lần tôi có thêm động lực và năng lượng sáng tạo. Vì vậy, dù khi Lửa Mới đang diễn ra hết sức sôi động gay cấn hay đã kết thúc, tôi vẫn tiếp tục viết bởi tình yêu giản dị mà sâu đậm với văn chương mà chính những người viết văn ở Tạp chí đã thắp sáng trong tôi.

- Chị có quan tâm đến cái gọi là đề tài trong sáng tác không? Chị nghĩ thế nào về đề tài chiến tranh cách mạng và người lính?

+ Trong hiện thực cuộc sống vô cùng rộng lớn, mỗi nhà văn sẽ lựa chọn một số đề tài phù hợp nhất với thiên hướng của mình. Tôi vốn là một người hơi hoài cổ, vì thế ban đầu truyện ngắn của tôi chủ yếu viết về đề tài lịch sử. Kể cả khi lần đầu tiên tham gia trại sáng tác của Văn nghệ Quân đội năm 2017 tại An Giang, tôi cũng mang theo bản thảo là một truyện ngắn lịch sử. Thế rồi trong những ngày ngắn ngủi tại trại viết, được tiếp xúc với những người lính thuộc nhiều thế hệ khác nhau và được đến với những vùng đất đầy dấu ấn, tôi đã hoàn thành tác phẩm đầu tiên viết về đề tài chiến tranh cách mạng và người lính là Ngụ ngôn tháng Tư. Sự thật là chính bản thân tôi cũng rất bất ngờ khi mình thử sức với một đề tài đầy thách thức với người viết trẻ, canh tác trên một mảnh đất đã được cày xới rất nhiều. Tôi nghĩ rằng đây là đề tài khó nhưng nếu càng theo đuổi, bạn sẽ càng phát hiện ra nhiều tầng vỉa vô cùng quý giá.

- Vâng! Tôi nhớ khi đó cuộc thi Lửa Mới chưa diễn ra, nhưng “Ngụ ngôn tháng Tư” cùng hai truyện ngắn khác của chị cũng đã nhận được tặng thưởng của VNQĐ năm 2017 kèm theo một bức vẽ minh họa rất đẹp do họa sĩ Tào Linh thực hiện mà tòa soạn đã dành tặng chị. Mỗi nhà văn có một cách đi thực tế khác nhau, nhưng với chị, có vẻ những chuyến xâm nhập vào đời sống thường lập tức trở thành nguồn cảm hứng cho tác phẩm? Chị nghĩ gì về sự “ngay và luôn” này?

+ Tôi thường viết rất nhanh ngay trong những chuyến đi, khi mà chất liệu tươi ròng của đời sống khiến những con chữ cựa quậy khát khao thành hình trên trang giấy. Năm đó trại viết Văn nghệ Quân đội đặt tại An Giang và chúng tôi có mười lăm ngày rong ruổi hầu hết miền biên giới Tây Nam của đất nước với rất nhiều cung bậc cảm xúc. Những mảnh đất tôi đi qua, những con người tôi gặp, những câu chuyện được nghe đã thôi thúc tôi viết một điều gì đó nhưng loay hoay mãi vẫn không biết làm thế nào để kết nối những mảnh rời ấy lại với nhau. Cho đến một buổi sáng nọ, chúng tôi viếng nghĩa trang liệt sĩ Dốc Bà Đắc. Trời đột ngột đổ mưa rất to, tôi nhìn thấy nước đọng lại dưới những chân nhang đỏ ngầu lên như máu. Cái màu đỏ ấy khiến tôi lặng người đi khi đứng giữa bạt ngàn bia mộ, và ý tưởng về một bông súng đỏ xuyên suốt truyện ngắn Ngụ ngôn tháng Tư đã xuất hiện vào chính khoảnh khắc ấy. Bây giờ đây, mỗi khi nhìn bức minh họa lồng trong khung kính của họa sĩ Tào Linh trên bàn viết, tôi vẫn nghĩ rằng có những lúc sáng tạo nghệ thuật nảy mầm từ đời sống bằng một mối giao cảm linh thiêng nào đó. Chỉ cần chúng ta biết lắng nghe.

Trần Thị Tú Ngọc (bên phải) nhận tặng thưởng của VNQĐ năm 2017 cho tác phẩm "Ngụ ngôn tháng Tư". - Ảnh: TL

- Ngoái lại cuộc thi một chút, xin hỏi thẳng, có phải vì quan tâm đến tiêu chí của “Lửa Mới” mà chị chăm chút đến đề tài chiến tranh cách mạng và người lính?

Như trên đã nói, tôi tham gia Lửa Mới vì tình yêu chân thành với văn chương, vì mong muốn rèn giũa ngòi bút và thử sức mình với nhiều dạng đề tài, nhiều bút pháp. Trong sáu truyện ngắn dự thi của tôi, đề tài chiến tranh cách mạng và người lính chỉ có hai truyện trong khi có tới ba truyện về đề tài đương đại và một truyện về đề tài lịch sử. Tuy nhiên phải nói rằng, khi viết về chiến tranh và người lính, không hiểu vì lí do gì mà tôi luôn cảm thấy vô cùng xúc động, day dứt, thậm chí nước mắt của tôi đã rơi trên trang viết. Tôi nghĩ về những người lính đã hi sinh trong cuộc chiến ấy, chúng ta nợ họ quá nhiều. Tôi nghĩ về những người còn lại sau chiến tranh, bằng cách nào họ có thể vượt qua những dư chấn tâm lí để có thể tiếp tục cuộc sống bình thường sau chừng ấy nỗi đau và mất mát. Có lẽ chính những trăn trở ấy của tôi đã nhận được sự đồng cảm của bạn đọc, của ban giám khảo cuộc thi trong truyện ngắn Tiếng rền của đá. Ở đây tôi muốn nói thêm rằng, tuy truyện ngắn viết về một người lính công binh trong thời bình, nhưng không khí của câu chuyện gợi lên là âm vang của cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc. Tiếng rền của đá là vọng âm của một phần lịch sử không thể nào quên. Khi viết câu chuyện này tôi thật sự không có mong muốn gì hơn là nếu như ai đã đọc nó, sẽ tìm hiểu nhiều hơn về Đồng Đăng, về Vị Xuyên, về những ngày đau thương và anh dũng sau tháng hai năm một nghìn chín trăm bảy chín.

- Từng tham dự những trại viết của VNQĐ, chị đã thu nhận được gì từ các trại viết ấy?Có lẽ nó cũng giúp ích ít nhiều cho chị khi viết về chiến tranh và người lính?

+ Trại viết của Văn nghệ Quân đội là một môi trường sáng tác rất đặc biệt, thậm chí có thể nói rằng những người tổ chức trại viết đã xây dựng nên ở đó một không gian văn hóa riêng. Tôi rất thích không khí trao đổi cởi mở và chân thành về tác phẩm, thích những cuộc trò chuyện về văn chương giữa các tác giả thuộc nhiều thế hệ khắp mọi miền đất nước. Tôi cũng rất thích việc được đi thực tế tại các đơn vị quân đội, một cơ hội rất hiếm có mà không phải ai muốn cũng có thể tham gia được. Nhưng điều tôi thu nhận được nhiều nhất, đó là cách làm việc cực kì nghiêm túc, chỉn chu đối với bản thảo của những nhà văn mang áo lính.

- Vâng! Bởi vì chúng tôi cũng rất cần những người viết, những cộng tác viên cộng hưởng tốt với tòa soạn. Và chúng tôi, phải nói thực lòng là rất mừng khi các nhà văn dành sự quan tâm cũng như thành công với đề tài chiến tranh và người lính, nhất là người lính hôm nay mà cá nhân tôi cho rằng chị là một trong số đó. Có những vùng sáng tạo được chị đẩy đi khá xa về địa lí cũng như văn hóa, đòi hỏi việc “nhập liệu” phải rất sát và cẩn trọng mới mong thành công, như truyện ngắn “Trên thảo nguyên xa thẳm”. Điều gì khiến chị tự tin “đi chơi xa” như vậy trong một đề tài vốn nhiều thử thách? Hay đó là lợi thế của một giáo viên địa lí viết văn?

Khá nhiều bạn viết văn khi gặp gỡ đã tỏ ra ngạc nhiên khi biết tôi là một giáo viên địa lí. Tuy nhiên cần phải nói rằng chính sự am hiểu về chuyên môn đã giúp đỡ tôi rất nhiều trong quá trình sáng tác bởi công việc này đòi hỏi phải có vốn hiểu biết sâu sắc về tự nhiên, văn hóa, lịch sử, kinh tế của mọi vùng đất trên thế giới. Chính vì vậy khi viết truyện ngắn Trên thảo nguyên xa thẳm lấy bối cảnh là hoạt động của các sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam trong Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc tại đất nước Nam Sudan, mọi thứ cứ thế xuất hiện rất tự nhiên. Tôi hình dung ra khung cảnh sa mạc và thảo nguyên, dòng sông Nin Trắng, đàn kền kền bay trên bầu trời lúc chiều tà và những đống lửa của người di cư cháy tàn trong đêm sâu thẳm như những thước phim quay chậm trong đầu. Hay ở một truyện ngắn khác là Kiệt tác có chi tiết hai nhân vật trò chuyện với nhau về bức ảnh “Kền kền chờ đợi” của Kenvin Carter và triết lí về sứ mệnh của người làm nghệ thuật thì chính bức ảnh này tôi đã sử dụng trong một hoạt động dạy học trải nghiệm sáng tạo. Hôm đó chúng tôi tìm hiểu về nạn đói và bức ảnh chụp một em bé kiệt sức gục xuống trên đường bò đến nơi phát lương thực cứu trợ còn phía sau là con kền kền chờ sẵn để rỉa thịt đã khiến cả lớp xúc động sâu sắc. Ngay lúc ấy tôi đã nghĩ rằng một ngày nào đó phải đưa chất liệu này vào tác phẩm của mình.

Tác phẩm của Trần Thị Tú Ngọc. - Ảnh: TL

"Khi viết về chiến tranh và người lính, không hiểu vì lí do gì mà tôi luôn cảm thấy vô cùng xúc động, day dứt, thậm chí nước mắt của tôi đã rơi trên trang viết. Tôi nghĩ về những người lính đã hi sinh trong cuộc chiến ấy, chúng ta nợ họ quá nhiều. Tôi nghĩ về những người còn lại sau chiến tranh, bằng cách nào họ có thể vượt qua những dư chấn tâm lí để có thể tiếp tục cuộc sống bình thường sau chừng ấy nỗi đau và mất mát".

Nhà văn Trần Thị Tú Ngọc

- Không chỉ đề tài chiến tranh cách mạng và người lính, kể cả khi có ý định viết về một đề tài nào đó như lịch sử hay đương đại thì cũng phải tính đến những yếu tố cần và đủ để có thể đặt bút. Theo chị, đó là những yếu tố gì?

+ Tôi luôn suy nghĩ về điều mình định viết. Người ta vẫn nói rằng sức sáng tạo, khả năng tư duy của con người là vô hạn, việc hướng suy nghĩ về một vấn đề nào đó nhiều khi sẽ dẫn đến những khoảnh khắc lóe sáng của tư duy, những ý tưởng độc đáo bất ngờ. Tôi cũng luôn sẵn sàng tâm thế làm việc bởi văn chương là một lao động sáng tạo nghệ thuật cực kì khó khăn và nghiêm túc chứ không phải một cuộc dạo chơi. Cá nhân tôi cho rằng, có hai điều quan trọng để bắt đầu cho một tác phẩm, đó là vốn hiểu biết và xúc cảm. Văn chương bắt rễ từ đời sống, thiếu đi sự am hiểu sâu sắc, thiếu trải nghiệm, thiếu vốn sống sẽ khiến cho tác phẩm bộc lộ nhiều sơ hở, non nớt, thậm chí có thể mở đầu rất hay nhưng kết thúc sẽ bị hụt hơi. Thế nhưng muốn thăng hoa thành một tác phẩm hay còn phụ thuộc vào xúc cảm của từng nhà văn. Xúc cảm sẽ thôi thúc chúng ta cầm bút, dẫn đường cho mạch tác phẩm đi và giúp neo giữ tác phẩm trong lòng người đọc.

- Sau một thời gian đồng hành cùng chữ nghĩa, chị thấy điều khó nhất với một người viết là gì?

+ Tôi nghĩ điều khó nhất là duy trì được thói quen đọc và viết mỗi ngày.

- Cám ơn chị đã chia sẻ!

BẢO AN thực hiện

 

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)