VNQĐ kết nối  Nhân vật tuần này

Trong cuộc hành quân gian lao và vĩ đại (NGÔ THẢO)

Thứ Hai, 19/03/2012 01:00
Nhớ lại thời gian đầu sau cuộc kháng chiến chín năm. Từ các chiến trường, các đơn vị, một số cán bộ, chiến sĩ yêu văn nghệ, đang hoạt động nghiệp dư được tập hợp, bồi dưỡng và tổ chức thành lực lượng văn nghệ chuyên nghiệp. Có văn học, lại có âm nhạc và hội họa, có cả múa và kịch. Sau này, còn có thêm điện ảnh. Dần dà, với sự chuẩn bị đó, mà kịp đến khi bước vào chống Mỹ, trong quân đội đã có cả một binh chủng văn nghệ sung sức, vững vàng, được trang bị khá đầy đủ cả về năng lực và tư tưởng, cả về trình độ chuyên môn cũng như mức độ quen thuộc các chiến trường. Cũng là sự tình cờ, nhưng tập hợp trong lực lượng ấy có người của khắp miền đất nước, khắp các đơn vị. Chẳng hạn đội ngũ văn học: Từ các đơn vị chủ lực cơ động và các quân khu phía bắc có Hữu Mai, Nguyễn Khải, Hồ Phương, Mai Ngữ, Hải Hồ,… Sau này Xuân Thiều, Nguyễn Minh Châu, Xuân Sách, Nguyễn Trọng Oánh… ở khu 5 có Nguyên Ngọc, Lưu Trùng Dương, Lê Khâm… và Nam Bộ góp mặt với Nguyễn Ngọc Tấn, Hoàng Văn Bổn, Xuân Miễn… Từ những vùng quê khác nhau họ đem vẻ đẹp riêng của “quê mình” xây nên vẻ đẹp chung của vườn văn nghệ quân đội cả nước.

Đội ngũ sáng tác âm nhạc, hội họa, biểu diễn và điện ảnh, cũng có một sự hình thành tương tự. Những năm sau hòa bình 1954, có sự phân bố lại lực lượng, một số các anh chuyển đi công tác ở các cơ quan Nhà nước, như Đỗ Nhuận, Hoàng Vân trong nhạc, Mai Văn Hiến, Nguyễn Bích trong họa, Lê Khâm, Vũ Tú Nam về văn…

Đội ngũ văn nghệ trong quân đội được kiện toàn và phát triển qua các thời kỳ đấu tranh tư tưởng gay gắt trong văn nghệ để xây dựng một nền văn nghệ mới phục vụ sự nghiệp xây dựng một quân đội tiến lên chính quy, hiện đại, phục vụ đắc lực hai nhiệm vụ chiến lược; xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất nước nhà.

Nhớ lại những sáng tác của giai đoạn 1954 - 1964, ta dễ nhận thấy: dù đề tài chống Pháp vẫn được chú ý đúng mức, nhưng đề tài xây dựng bộ đội trong hòa bình và nhất là đấu tranh thống nhất đất nước được đặc biệt chú ý. Đọc lại tác phẩm của các tác giả quê ở miền Nam, hay do nhiều lý do, tự nhận miền Nam như quê hương sáng tác của mình, chúng ta sẽ hiểu rõ tình cảm, tâm trạng của một lớp người ở vào thời điểm lịch sử đặc biệt ấy. Có một câu thơ giản dị mà chân thực:

Càng nhớ miền Nam, càng yêu miền Bắc.


Đó là một nỗi nhớ thiết tha, thường trực và nóng bỏng. Chẳng hạn, những trang viết trong Trăng sáng và Đôi bạn của Nguyễn Ngọc Tấn. Nam Bộ không phải là quê hương của anh - anh sinh ra ở Nam Hà - nhưng anh đã lớn lên ở đấy! Từ đó, anh gặp cách mạng, tham gia kháng chiến. Một phần đời - có thể là phần chủ yếu của anh đã diễn ra ở đấy. Những người thân yêu còn ở lại đấy. Cũng là lẽ tất nhiên từ nơi đó ra đi, anh lại sẽ trở về. Khi ra đi anh là một người lính. Tám năm sau, trở về, anh là một nhà văn quân đội, như lối ta vẫn gọi bây giờ.

Sống, học tập, rèn luyện trong tình yêu thương đùm bọc của miền Bắc, nhưng với các anh, miền Bắc là hậu cứ của người đi xa, là bệ phóng của mỗi người bay tới; đâu phải chiếc nôi để có thể ngủ yên khi một nửa đất nước với những người thân yêu đang sống đau đớn trong tay kẻ thù?

Bởi vậy, mà không ít người đã tìm mọi cách, để được có mặt trong đoàn quân đầu tiên bước vào cuộc “hành quân gian lao và vĩ đại” của những năm đánh Mỹ.

Từ năm 1959, Võ Trần Nhã đã theo đơn vị tập kết trở về Nam Bộ. Năm 1961, Thu Bồn về chiến trường cũ Khu 5. Dạo đó các anh vẫn còn là những người lính chiến đấu.

Năm 1962, Nguyên Ngọc về lại với các nhân vật trong Đất nước đứng lên. Và ít lâu sau ta được đọc những sáng tác mới của anh ký tên Nguyễn Trung Thành.

Cùng chuyến đó, không có thời gian chuẩn bị - bởi anh đã tự chuẩn bị từ lâu rồi - Nguyễn Ngọc Tấn vội vã trở về với Nam Bộ thân yêu - mảnh đất đợi anh về. Từ nơi đó, anh đã gửi ra những sáng tác đặc sắc, những tùy bút sôi nổi, những truyện ký và cả tiểu thuyết ký tên Nguyễn Thi.

Mười năm, thời gian giữa hai cuộc đụng độ lớn trực tiếp với hai đế quốc đầu sỏ, đối với giới văn nghệ, có ý nghĩa như một thời gian chuẩn bị tích cực. Khi chiến tranh lại lan ra cả nước, lực lượng văn nghệ đã được bài binh bố trận khắp mọi chiến trường, khắp mọi địa phương từ cực Bắc tới cực Nam.

*
* *
Tôi vẫn còn giữ được tờ báo Văn nghệ quân đội đăng bài tùy bút đầu tiên của Nguyễn Trung Thành: Đường chúng ta đi. Dạo đó là vào khoảng giữa năm 1965, miền Bắc vừa bắn rơi chiếc máy bay thứ 300 của giặc Mỹ. Bằng giọng văn hùng hồn, bay bổng mà vẫn trầm lắng, sâu sắc, qua suy nghĩ một người lính trước đêm ra trận, tác giả nói với chúng ta, sau mười năm của thời kỳ mới:

Không biết có nơi nào nữa trên trái đất, quyền làm người được bảo vệ bằng nhiều máu đến như vậy không? Giá như chúng ta minh họa lịch sử thì có trang nào, dòng nào mà không phải về thanh gươm tự vệ và tô đậm một màu máu? (…) Ôi, dân tộc ta từ trong máu lửa mà sinh ra, mà lớn lên. Từ trong máu lửa bốn nghìn năm chúng ta đứng dậy và cất tiếng nói (…). Cuộc ra trận lớn đó kéo dài đã mười năm nay… Ba nghìn sáu trăm ngày chúng ta từ trong ngục tối đi ra, từ trong cái chết vùng dậy. Ôi, mười năm, có những năm đã tưởng chừng không còn gượng dậy được nữa, những năm đen tối mịt mùng. Mười năm bằng một cố gắng phi thường chúng ta chuyển bóng tối thành ánh sáng, chuyển đêm thành ngày, chuyển cái chết thành cái sống, thất bại thành chiến thắng, chuyển tiếng kêu trong tù ngục thành tiếng hát chan chứa yêu đời và tự tin.

Vào giờ phút đó, người lính và cả nhà văn hẳn không thể biết rằng, trước mặt anh là mười năm với những hy sinh lớn lao hơn, những nổ lực lớn lao hơn mới tới ngày toàn thắng. Nhưng điều đó, có hề chi. Bởi vì, chúng ta đã tìm ra con đường đi đến thắng lợi: Mười năm sống mái với kẻ thù, chúng ta mở lấy một lối đi. Tiếp đó, khi Mỹ đổ quân ồ ạt vào miền Nam, khi chiến tranh phá hoại bằng không quân xảy ra ở miền Bắc, lực lượng văn nghệ chuyên nghiệp lại tiếp tục ra trận. Cùng các đoàn văn công, các nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ, họa sĩ liên tục đi tuyến lửa Quảng Bình, Vĩnh Linh, có mặt ở những đảo tiền tiêu Cồn Cỏ, Bạch Long Vĩ. Rồi những cung đường miền Tây, theo đường giao liên Trường Sơn mà tới Khu 5, Tây Nguyên, Nam Bộ.

Đoàn văn công Quân đội nhân dân tới Tây Nguyên năm 1967. Trước họ, các nhạc sĩ đã lên đường. Vũ Trọng Hối có những bài hát hay đầu tiên về Trường Sơn (Bước chân trên dải Trường Sơn, Đường tôi đi dài theo đất nước); mấy năm sau, Huy Thục tác giả Vì miền nam (viết cho đàn bầu) đã có Đàn Ta Lư; Suối La La lại cũng là Lê Anh Chiến của Người con gái Pa Kô; Trọng Loan tác giả Người Châu Yên em bắn máy bay cũng là Hương Lan tác giả Quân reo quê mẹ Quảng Trị anh hùng; Huy Du của Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân, Đường chúng ta đi cũng là Huy Cầm của những ca khúc về Đường 9. Các họa sĩ đi về ở chiến trường. Quang Thọ lấy tên là Quang Sơn, Thanh Tâm ký tên Huỳnh Biếc; Văn Đa, Dương Viên, Huy Toàn có mặt ở nhiều trận địa phòng không. Các tác giả viết kịch Đào Hồng Cẩm, Nguyễn Vượng, Tào Mạt, Sĩ Hanh bám sát tuyến lửa Khu 4. Và trong văn học, bên cạnh các anh bám sát lâu dài ở chiến trường như Nguyễn Trọng Oánh dưới tên Nguyễn Thành Vân, Trúc Hà dưới tên Nam Hà, Xuân Thiều với tên là Nguyễn Thiều Nam, Phạm Ngọc Cảnh với Vũ Ngàn Chi, còn có những tên chỉ thấy xuất hiện một thời kỳ, gắn với một tập sách: Trần Mai Nam, bút hiệu của Hữu Mai ký trước Dải đất hẹp, Hồ Huế bút hiệu của Hồ Phương ký trước một số bút ký viết về Huế, Lê Hoài Đăng bút hiệu của Xuân Sách ký trước tập truyện ngắn Đường đi tới chiến công, và tập thơ Trong lửa đạn in chung với Ngô Bằng Vũ tức Ngô Văn Phú. Những tên đó gắn với mỗi chuyến đi. Vượt lên trên trách nhiệm, đi chiến trường với nhiều người, như một nhu cầu tình cảm bức xúc và thiết tha. Tiền tuyến như là một chỗ đứng mà ở đó anh có thể tự hào nói to lên, tự tin tiếng nói của mình, với tư cách một người nghệ sĩ.

Chúng ta đáng sống trong thời đại mà các phương tiện thông tin đặc biệt phát triển. Không cần di động, ở một điểm nào đó, chỉ cần biết lắng nghe, anh có thể biết khá đủ tình hình đất nước, tình hình mọi vùng trên thế giới. Một người làm văn nghệ, ở một nơi thôi, vẫn có thể tiếp xúc với nhiều người khá dễ dàng. Một diễn viên hát, ngâm thơ chẳng hạn. Tới trước phòng bá âm của đài phát thanh thôi, đồng chí đã có thể yên lòng: tiếng hát, giọng ngâm của mình ngày đêm đang tới với các chiến sĩ trên đường hành quân, đang vượt trọng điểm, ở một cánh rừng xa, sau trận đánh hay trên cả những chốt tiền tiêu. Đó là một cách hiện diện.

Nhưng với những người mình yêu thương, có thể nào chỉ bằng lòng với một sự gặp gỡ như vậy! Và các đoàn văn công đã liên tục ra mặt trận. Tường Vi, Trần Chất, Minh Nguyệt, Kim Cúc… đã hát tận đôi bờ sông Pô Kô, Sa Thầy, trên nhiều đỉnh dốc nổi tiếng của Đường 9, Trị Thiên, Tây Nguyên, có lúc hát qua máy điện thoại cho vài chiến sĩ giữ chốt, canh ngầm trọng điểm.

Đối với các nhà văn cũng vậy, chỉ cần gặp vài nhân chứng, qua vài người kể, bằng vào vốn sống, trình độ của mình, họ có dư sức viết những cuốn sách hàng trăm trang. Bởi, có thể nào cùng lúc có mặt ở khắp mọi chiến trường. Song không mấy ai bằng lòng với lối ghi chép từ phương xa ấy. Đây còn là vấn đề của lương tâm, của tình cảm, của niềm tin lớn của người cầm bút. Bởi thế, người đọc đã quý biết bao nhiêu những Họ sống và chiến đấu của Nguyễn Khải, Dải đất hẹp của Trần Mai Nam, Cuộc chiến đấu trên mặt đường của Xuân Thiều… Và quý trọng, ân cần với từng tác phẩm, từng trang viết của các tác giả “từ miền Nam gửi ra”: Nguyễn Thi, Võ Trần Nhã, Nguyễn Thành Vân từ Nam Bộ, Nam Hà từ Cực Nam, Nguyễn Trung Thành, Nguyễn Chí Trung, Thu Bồn, Liên Nam… từ Khu 5 trong văn; hay những bài hát của Xuân Hồng, Phan Chí Thanh, Hà An ở Nam Bộ; Phong Kỳ (Phương Giao), Trọng Thủy ở Khu 6; Thanh An, Trịnh Hữu Khánh, Văn Chừng, Tố Hải, Phan Ngọc ở Khu 5; Thanh Phát ở Tây Nguyên; Thuận Yến, Phương Nam, Hoàng Phú từ Trị Thiên – Huế. Rất nhiều những sáng tác đó và để nó xuất hiện được trước mắt người đọc.

Nhìn lại thành tựu Văn nghệ quân đội những năm chống Mỹ, dễ thấy những cuốn sách, bài hát, bức họa, vở kịch được hoan nghênh từng thời kỳ, thường là những sáng tác ra đời trong hoặc kế sau một chuyến đi.

Trong văn học, đó là trường hợp ra đời của những ký sự mặt trận. Ngay cả tiểu thuyết, gần như cũng chỉ là những ấn tượng trực tiếp, những ghi nhận rút ra sau một thời gian tham gia chiến dịch, đi về một địa phương, ba cùng với một đơn vị. Kiểu như các tiểu thuyết Ra đảo, Đường trong mây, Chủ tịch huyện và cả Chiến sĩ của Nguyễn Khải; Thôn ven đường của Xuân Thiều; Dòng sông phía trước của Mai Ngữ cũng như Những người cùng tuyến của Hải Hồ. Cả Dấu chân người lính, tiểu thuyết được xem như giàu chất tiểu thuyết của Nguyễn Minh Châu cũng gắn rất chặt với những ngày tác giả theo một đơn vị vào chiến dịch Khe Sanh.

Người đọc đón nó như một bài tường thuật, một bản báo cáo bổ sung. Nếu như sau phút vồ vập ban đầu, rồi người đọc, người xem lại mong đợi một sáng tác nào hơn thế thì cũng không sao. Bởi các tác giả cũng đã bắt đầu những chuyến đi mới, chuẩn bị có những sáng tác mới rồi.

Cái khác nhau giữa các tác giả, phần lớn vẫn là phạm vi thực tế, địa phương chiến sự mà tác giả thể hiện. Sau đó, mới là cách nhìn chủ quan của từng người. Phần ít nữa còn lại để phân biệt các tác giả mới là văn phong: cách hành văn, vốn từ ngữ, câu chữ. Trong các sáng tác đó, tác giả luôn khiêm tốn tự nguyện làm người chuyển đạt tới người đọc càng trung thành, xác thực, càng nhanh, càng nhiều hình ảnh của thực tế càng tốt.

Đó cũng là trường hợp xuất hiện các bài hát hay về Trường Sơn của Vũ Trọng Hối, về Trị Thiên, Đường 9 của Huy Thục, Trọng Loan, Huy Du, Nguyên Nhung, về bộ đội cao xạ của Nguyễn Đức Toàn, về xe tăng, và Quả bom câm của Doãn Nho.

Các sáng tác đó góp phần động viên chiến sĩ ngay khi nó vừa ra đời. Bản thân sự có mặt của văn nghệ sĩ bên cạnh người chiến sĩ ở chiến trường đã là một nguồn động viên: ở chiến trường người nghệ sĩ được coi như là sứ giả của hậu phương. Có ai quên được những phút tiếp xúc cảm động, những lời nói chân thành của các chiến sĩ ở tuyến trước trong dịp được ân cần tiếp đón các đoàn văn công, văn nghệ sĩ. Biểu diễn hay, có sáng tác tốt, tất nhiên là quý. Nhưng nếu, anh vừa qua cơn sốt, giọng hát không được chuẩn; sau một chặng đường hành quân dài, bước múa chị không được linh hoạt, uyển chuyển; do vội vàng, không có sự yên tĩnh cần thiết cho đồng chí có sáng tác kịp thời về chính chúng tôi thì cũng không sao. Có mặt bên nhau đã là quý rồi. Bởi các anh, các chị cũng đi hết đoạn đường gian khổ, ác liệt chúng tôi đi, bằng đôi chân của mình; cũng mang nặng hệt chúng tôi, có thể còn hơn, bởi những đạo cụ phục trang biểu diễn, cũng ăn những bữa cơm binh trạm tự nấu với nắm lá tai voi, bát canh môn thục, món xào măng nứa, măng tre thiếu muối như chúng tôi. Hoàn cảnh ấy đã là một sự chuẩn bị tinh thần rất thuận lợi cho người biểu diễn, cho người sáng tác. Ai càng đi xa, càng đi nhiều, càng gần gũi đơn vị, càng được hưởng nhiều hơn sự bao dung, sự đón đợi đẹp đẽ ấy. Thành ra cái giá trị lớn nhất, trước nhất, quan trọng và chủ yếu của mọi sáng tác trong những năm chiến tranh là giá trị của những bằng chứng về sự có mặt của văn nghệ sĩ bên cạnh người lính ở mọi điểm tựa của cuộc chiến đấu. Giá trị của từng tác phẩm, trước hết vẫn là giá trị một thứ nhân chứng, tài liệu, tư liệu, số liệu chính xác kiểu “thực mục sở thị”, “mắt thấy tai nghe”, “truyền thanh tại chỗ”. Các giá trị khác cũng bắt nguồn từ đó, trên cơ sở đó mà bàn tới. Cách sáng tác theo những chuyến đi như thế là chỗ mạnh đã thành truyền thống của mọi ngành văn nghệ, kể cả văn học những năm chống Mỹ. Có thể xem đây cũng là dấu hiệu sự trưởng thành về trình độ nghề nghiệp của người chiến sĩ văn nghệ. Nhớ lại những năm chống Pháp, không phải số đông văn nghệ sĩ đều có được những sáng tác kịp thời, tức thì, ngay tại chỗ mà có giá trị như ngày nay. Một số tài năng trẻ được chú ý chủ yếu cũng là nhờ vào sự có mặt kịp thời này. Trong tình hình sáng tác như thế, việc xây dựng một lực lượng văn nghệ của từng chiến trường, từng địa phương là có ý nghĩa và đặc biệt cần thiết.

Trong Liên hoan phim Việt Nam lần thứ ba tổ chức vào dịp tháng 3 năm 1975, khi chúng ta vừa giải phóng Huế, các đại biểu đặc biệt chú ý đến báo cáo của đồng chí đại biểu điện ảnh Quân giải phóng Khu 9. Anh nói tới công phu của người quay phim bám sát các đơn vị bộ đội, giữa bưng biền sình lầy, đầy kênh rạch, để quay được những thước phim tư liệu quý về một trận đánh chớp nhoáng hay một cuộc đấu tranh chính trị của đồng bào. Nhưng còn khó khăn hơn rất nhiều là việc cất giữ, bảo quản, bảo vệ và vận chuyển được những thước phim về hậu cứ an toàn. Trong nhiều trường hợp, người bảo vệ phim phải tham gia chiến đấu. Có nhiều đồng chí không về và những thước phim quý vì thế cũng bị mất hoặc thất lạc. Hoặc giản đơn hơn, trên đường vận chuyển, một sự vô ý, lật xuồng, trận mưa không kịp che, phim thấm nước, nước thì nhiều vô kể - phim quay được cũng đành vất đi. Nhân danh lịch sử, nhân danh hậu thế, nhân danh người giữ những thước phim quý cho hàng triệu người, cho hàng nghìn năm, cho hàng trăm nơi, anh có thể tìm cách thoát, vượt một mình. Hẳn không ai trách cứ anh điều gì. Nhưng không một người quay phim nào đã chọn lối đi riêng đó. Vì thế, mà những gì còn lại, càng muôn phần quý hơn. Các đồng chí quay phim Lê Văn Bằng, Nguyễn Côn, Dương Phước An, Châu Quang, Lê Viết Thế, Nông Văn Tự, Như Dũng… đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ. Ngọc Minh, Chu Nghi và nhiều đồng chí nhạc sĩ, diễn viên đã hy sinh ở mặt trận.

Nguyễn Thi ngã xuống ở cửa ngõ Sài Gòn mùa xuân Mậu Thân khi trong tay anh đang cầm khẩu súng, và trong ba lô có mấy tập truyện ký viết dở. Thành ra vấn đề đặt ra trực diện, thường xuyên trước hết với người nghệ sĩ ở chiến trường vẫn là cách sống, thái độ sống. Giải quyết đúng, tốt, anh sẽ có thành tựu, có tác phẩm. Dĩ nhiên, còn có vai trò của tài năng, của điều kiện làm việc cụ thể. Nhưng, với những ai chỉ biết bo bo giữ mình - dưới nhiều hình thức - thì có thể viện ra hàng trăm lý do để bào chữa, để nói rằng việc văn chương còn để dành cho ngày mai khi có điều kiện. Có thế mới thấy quý sức làm việc của Nguyễn Thi. Hàng loạt tác phẩm của anh, có tác phẩm viết ngay trong những hoàn cảnh ngặt nghèo giữa những ngày gian khổ nhất, vẫn như một chuỗi ngọc sáng được liên kết bởi lòng tin tuyệt đối vào sức mạnh chính nghĩa, vào thắng lợi cuối cùng, vào chủ nghĩa anh hùng của nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng, tin vào tình nghĩa giữa những con người, vào sự tất thắng của đạo lý. Điều đó toát ra từ Người mẹ cầm súng, Những sự tích ở đất thép, từ tập truyện Ước mơ của đất và cuốn tiểu thuyết mãi mãi dừng lại ở phần mở đầu: Ở xã Trung Nghĩa. Điều đó cũng đúng với Nguyễn Trung Thành trong Đường chúng ta đi, Những người anh hùng Điện Ngọc, Rừng Xà Nu, Đất Quảng…

Là một người trong cuộc, các anh đã chia sẻ đến tận cùng những gian khổ, khó khăn của người lính chiến trường: đói thiếu, đạn bom và cũng không khỏi có lúc bi đát, tưởng như đã kiệt sức. Không phải chỉ trước năm 1960. Không phải chỉ sau năm 1966 - 1967, không phải chỉ sau 1968 mà còn kéo dài tận năm 1971 - 1972. Nhưng ở mọi thời kỳ, các anh đã kiên định, giữ vững đội ngũ, giữ vững tinh thần để tiếp tục đi lên. Và những trang sách, các sáng tác văn nghệ, phần quý giá nhất trong đóng góp của mỗi người, vẫn óng ánh niềm tin, tràn đầy tình yêu và dạt dào sức sống.

Có những đồng chí ngã xuống thì nhiều đồng chí khác còn lại đã trưởng thành và đội ngũ được bổ sung bằng lực lượng tại chỗ, lực lượng chi viện. Và giờ đây, trong ngày toàn thắng, chúng tôi vui mừng trước một đội ngũ văn nghệ lớn mạnh, đông về quân số, vững vàng về tư tưởng và một năng lực nghệ thuật đầy hứa hẹn. Lực lượng chuyên nghiệp có tổ chức, tài năng đã được thử thách. Lực lượng nghiệp dư chắc chắn, đủ sức làm việc lớn, và lực lượng văn nghệ quần chúng đông đảo, có chất lượng, có những tài hoa mà đến người làm văn nghệ chuyên nghiệp cũng phải ao ước.

Lớp trẻ sung sức, trình độ đồng đều, thuộc nhiều quân chủng, binh chủng, nhiều đơn vị, bằng sáng tác của mình, đang tổ chức thành một đội ngũ mới trong văn học nghệ thuật. Thực ra, thì phần lớn vẫn chưa thiên hẳn về một thể loại nào, vẫn còn trong quá trình vừa viết vừa tìm hiểu mình, vừa học hỏi. Lớp người kế tiếp này chắc sẽ mang lại những sắc vẻ mới cho Văn nghệ quân đội những năm tới.

Đối với mỗi người viết văn, làm thơ, sáng tác nghệ thuật, thì những năm vừa qua - dù là qua hai cuộc kháng chiến hay chỉ mới có mặt trong cuộc kháng chiến mười năm gần đây, dù anh đã có nhiều tác phẩm được đánh giá cao hay chỉ mới được vài ba trang viết hứa hẹn - phải được xem như thời kỳ gieo hạt. Sắp tới đây sẽ là mùa gặt. Mỗi người sẽ gặt được một mùa trái đúng với công sức mình đã bỏ ra để chăm bón, gieo trồng.

Giữa lực lượng đã có đến những thành tựu cụ thể bằng tác phẩm, kinh nghiệm cho thấy, có vai trò quan trọng của công tác tổ chức.

Chúng ta hết lòng hy vọng là rồi trong hàng triệu những người lính đã qua hai cuộc kháng chiến vĩ đại, những người hôm nay chưa hề cầm bút, sẽ xuất hiện những tài năng lớn, những người có thể mang lại cho nền nghệ thuật dân tộc những tác phẩm có một tầm cỡ lớn về văn học cũng như về hội họa, âm nhạc, sân khấu… Nhưng dù lòng tin đó có cơ sở vững chắc đến đâu, thì vẫn không thể coi nhẹ việc tổ chức để có những tác phẩm phản ánh chân thật, hùng hồn cuộc chiến đấu thần thánh của dân tộc bốn mươi năm qua. Với lực lượng những người chiến sĩ văn nghệ đã có hôm nay.

Bây giờ, thì mỗi người ít nhiều đều đã có vốn sống về các chiến dịch, các mặt trận; hiểu biết về nhiều quân binh chủng. Vấn đề là, khi lùi xa thực tế đó về thời gian, cũng là lúc người viết phải dựa vào những ấn tượng, hiểu biết, những tình cảm đã thu nhận được từ những tháng năm ấy mà sáng tạo nên những tác phẩm có thể xa các sự kiện cụ thể, kém tính chính xác về chi tiết, tên người, tên đất, nhưng sẽ gần hơn với cuộc sống của người lính những năm đất nước chiến đấu giành độc lập.

Dĩ nhiên, mỗi người sẽ xây dựng tác phẩm bằng vào vốn sống của mình. Nhưng cũng sẽ là một thiếu sót nếu chỉ yên lòng với vốn sống đã có. Hoàn cảnh mới không chỉ đem lại điều kiện thời gian cho tác giả hoàn thành những tác phẩm “đã chín muồi” mà những năm vừa qua, vì thiếu thời gian, chưa thể hoàn thành được.

Chiến tranh kết thúc, thắng lợi hoàn toàn của cuộc chiến đấu giành một nước Việt Nam độc lập thống nhất là thời điểm tạo cho người chiến sĩ một thế đứng mới. Ở đó, mọi tri thức cũ đã được đem ra suy xét, hệ thống, tập hợp lại dưới ánh sáng tư tưởng mới. Không việc gì phải phủ định hoàn toàn, nhưng cần một sự khái quát cao hơn, một tầm nhìn xa rộng hơn. Đó là đòi hỏi chính đáng của người đọc, người nghe bây giờ.

Muốn thế mỗi người phải tự thoát ra khỏi lối làm việc cũ. Tạo một lối nghĩ, lối làm việc mới, một cái nhìn mới xuyên suốt cuộc chiến đấu cả về bề sâu lẫn bề rộng. Muốn sáng tác hôm nay viết về thực tế hôm qua không chỉ là một thứ “khai thác vốn cũ”, một lối “hoài cổ”, tưởng không có cách nào thoát hơn! Muốn tác phẩm mình vẫn là bạn đồng hành của người chiến sĩ ở những mũi nhọn mới của cuộc sống, tưởng không có lối nào ngắn hơn!

Đó là vinh dự lớn cũng đồng thời là trách nhiệm tinh thần mà mỗi người làm văn nghệ trong quân đội sẵn sàng tự nguyện nhận lấy như đã tự nguyện làm một chiến sĩ cầm súng những năm đất nước có chiến tranh.

NGÔ THẢO

 

 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Có nhân vật chỉ là dáng dấp của nguyên mẫu, có nhân vật là nguyên mẫu đã sống và chiến đấu cùng tôi, suốt những năm tháng ở rừng... (VŨ NGỌC THƯ)