VNQĐ kết nối  Nhân vật tuần này

Chín mươi ngày với "ngôi nhà số 4" (Bùi Thanh Minh)

Thứ Hai, 21/05/2012 01:00
Đầu tháng 7 năm 1998 khi còn đang công tác ở phòng tuyên huấn Quân khu III tôi nhận được thông báo của tạp chí Văn nghệ Quân đội đề nghị Quân khu III cử Bùi Thanh Minh và Nguyễn Anh Nông đi dự lớp viết văn quân đội khóa I. Đại tá Nguyễn Quang Vinh – Phó Chủ nhiệm chính trị Quân khu giao cho tôi phát hiện thêm và báo cáo Cục Chính trị. Mấy ngày sau tôi mang danh sách lên gặp anh Nguyễn Tiến Long - Chủ nhiệm Chính trị Quân khu. Trong danh sách có thêm Nguyễn Đình Tú ở viện kiểm sát tỉnh Nam Định, và tôi xin phép anh cho tôi được đi học. Anh bảo: “Tôi có thể đào tạo được hàng trăm cán bộ tham mưu, chính trị, hậu cần… Nhưng tôi không thể đào tạo được nhà văn - ngừng một lát anh nói tiếp - Tôi nghĩ, đây mới là nghiệp của chú. Chú xếp sắp công việc và đi đi…” . Được lời như cởi tấm lòng, tôi hăm hở báo cáo danh sách về tạp chí Văn nghệ Quân đội và nín thở chờ đợi.

Sáng ngày 10 tháng 8 năm ấy trời nắng. Đài báo ngoài khơi đang có cơn bão số 1, nên nắng càng gắt, tôi “khăn gói quả mướp”, cưỡi chiếc DD màu lửa từ Quân khu về Hà Nội. Tới trường nghiệp vụ cán bộ chính trị - Tổng cục Chính trị ở làng Lệ Mật cách nhà 120 km thì thấm mệt. Làng là một khối bê tông khổng lồ, từ dưới mặt đất tới lưng trời không đâu là không có bê tông. Thế là dưới cái nắng ghen bão tôi bước vào làng như bước vào lô cốt vậy.

Đón tiếp chúng tôi là nhà phê bình văn học Nguyễn Hòa - người được tạp chí Văn nghệ Quân đội giao nhiệm vụ trực tiếp quản lý lớp học. Anh ân cần thăm hỏi, sắp xếp nơi ăn chốn ở cho chúng tôi. Lớp có 34 người từ khắp các đơn vị, cơ quan trong toàn quân cử về, cao tuổi nhất là 55, ít tuổi nhất là 24. Quân khu I có Lý Hùng Dũng, Quân khu II có Phùng Kim Trọng, Đỗ Hoài Nam, Quân khu III có Bùi Thanh Minh, Nguyễn Anh Nông, Nguyễn Đình Tú; Quân khu IV có Thuận Thắng, Phan Duy Túc, Trần Hoài; Quân khu VII có Khánh Chi, Thái Nam Anh; Quân khu IX có Quang Trường, Hồ Kiên Giang, Lê Phi Hùng, Nguyễn Hữu Chỉnh; Phòng không Không quân có Nguyễn Phương Thảo, Quỳnh Vân, Hà Kim Hồng; Biên phòng có Nguyễn Thành Phú; Hóa học có Nguyễn Thành Hữu; Đặc công có Đào Văn Tài; Tăng thiết giáp có Trọng Quyết; Hải quân có Trung Phương, Nguyễn Trọng Thiết; Tổng cục Kỹ thuật có Quang Toản; Quân đoàn I có Trần Văn Sơn; Quân đoàn III có Trần Văn Hà; Tổng cục Chính trị có Nguyễn Tiến Hải, Phùng Văn Khai; Học Viện quân y có Đỗ Tuấn Thường v.v…

Ngày hôm sau, buổi sáng nhà văn Nguyễn Trí Huân – Tổng biên tập, nhà lý luận phê bình Lê Thành Nghị- Phó tổng biên tập, và các nhà văn Hồng Diệu, Ngô Vĩnh Bình sang thăm, làm công tác tổ chức. Những cây cổ thụ trong làng văn quân đội xuất hiện với những gương mặt hiền hậu, khiêm tốn và chân tình khiến chúng tôi có cảm giác gian hội trường nhỏ bé của trường nghiệp vụ tràn ngập không khí đầm ấm gia đình.

Tổng biên tập Nguyễn Trí Huân nói đại ý, đây là cuộc tập hợp lực lượng viết văn lần thứ ba của quân đội. Lần thứ nhất sau kháng chiến chống thực dân Pháp gồm có các nhà văn Thanh Tịnh, Hồ Phương, Nguyễn Khải, Nguyễn Thi v.v… Lần thứ hai sau kháng chiến chống Mỹ cứu nước gồm có nhà văn Nguyễn Trí Huân, Lê Lựu, Khuất Quang Thụy, Nguyễn Bảo, Phạm Hoa, Chu Lai, Lê Văn Vọng v.v…

Nhà văn Ngô Vĩnh Bình làm công tác tổ chức. Lớp học được chia làm ba tổ. Tổ văn do Nguyễn Tiến Hải phụ trách, tổ thơ Nguyễn Anh Nông và tổ báo chí do anh Nguyễn Phương Thảo. Lớp trưởng Nguyễn Quang Trường, lớp phó phụ trách chuyên môn Bùi Thanh Minh, lớp phó phụ trách hậu cần do Khánh Chi đảm nhiệm.

Ngày hôm sau 12/8 Tổng cục Chính trị cho xe chở chúng tôi về số 4 – Lý Nam Đế để gặp gỡ, giao lưu với các nhà văn, nhà thơ của tạp chí Văn nghệ Quân đội. Tất cả những cây đa, cây đề của tạp chí đều có mặt chỉ vắng có Nguyễn Thị Như Trang và Nguyễn Hữu Quý đi công tác. Mọi người quây quần xung quanh chiếc bàn giao ban, trong một phòng ấm áp. Nhà văn Nguyễn Trí Huân giới thiệu từng thành viên của tạp chí, sau rồi từng người đứng lên tự giới thiệu về mình. Đến lượt tôi, sau khi nói xong, nhà văn Nguyễn Trí Huân đế thêm: “Anh ấy có bút ký Hãy như lòng của trúc tre mới đăng trên tạp chí đọc xúc động, rất tốt”.


Kết thúc buổi trò chuyện thân tình ai cũng có cảm giác mình như một búp non đang được bàn tay tạp chí Văn nghệ Quân đội nâng niu, vun trồng và quý trọng.


Ngay chiều hôm đó, nhà văn Lê Lựu lên lớp bài đầu tiên. Anh giảng hay, nghe thấm thía, cuối cùng anh kết luận: Nền văn học Việt Nam còn lại chỉ có bà Kiều, chị Nguyễn Thị Dậu, anh Xuân Tóc đỏ và thằng Chí Phèo. Các ông, các bà ấy làm công tác gì? Không có. Thử hỏi bà Kiều làm công tác gì, ở đâu? Làm gì có. Do đó viết là viết con người với số phận của nó; viết niềm vui, nỗi buồn của họ. Phải khai thác cái được, cái mất, cái thăng trầm của con người. Chớ có viết công tác của họ. Nhân vật phải mang quan niệm nào đó, tư tưởng nào đó. Từ đó đẻ ra tính cách, từ tính cách đẻ ra chi tiết…


Cứ như thế hai tháng ở Hà Nội chúng tôi lần lượt được các nhà văn, nhà thơ lớn của tạp chí Văn nghệ Quân đội trao đổi kinh nghiệm sáng tác và các giáo sư văn chương giảng về lý luận sáng tác văn học. Vất vả nhất là nhà phê bình Nguyễn Hòa. Anh vừa đi mời thầy, đón thầy, vừa bám lớp không thiếu một ngày nào, ròng rã mấy tháng trời.

Học viên chúng tôi lộn nhộn trẻ già, nhưng sống với nhau cũng tình cảm, vui đáo để. Nhớ một lần vào buổi sáng anh chị em quây quần ở phòng tôi uống trà nói chuyện gẫu. Anh Quang Trường bảo: “Kim Hồng lên thư viện lấy kết quả sổ số về cho lớp. Có rồi đó” . Chả là vì nhà trường yêu cầu mỗi người phải mua 01 vé sổ số để đóng góp quĩ nhân đạo gì đó. Kim Hồng đi rồi, mọi người lấy vé số của mình ra. Tôi liếc nhìn một dãy số 01203 trong vé số của Quỳnh Vân, rồi lẳng lặng lên thư viện bảo Kim Hồng ghi cái số đó vào giải đặc biệt và mang kết quả về. Mọi người chuyền tay nhau đọ. Tôi để ý thấy tròng mắt Quỳnh Vân bỗng đứng lặng, miệng há ra, hai bàn tay cầm vé số run run. Anh Quang Trường nhìn sang chiếc vé số trên tay của Vân, rồi lại nhìn kết quả. “Ơ! Cái cô này trúng độc đắc rồi!” - Quang Trường nói. Quỳnh Vân sướng quá, hét toáng lên và cầm vé số chạy biến đi khoe. Mọi người bất ngờ chưng hửng. Quang Trường: “Chạy ngay đi tìm Vân về, nếu không nó sướng quá bổ ra đường, xe nó cán!”. Kim Hồng sợ quá tu lên khóc… Khi bắt được Vân về trong trạng thái đang nhập đồng, phải giải thích mãi cô mới… tỉnh.

Sau hai tháng học lý thuyết, tháng cuối cùng chúng tôi xuống đoàn an điều dưỡng 295 ở Đồ Sơn để dự trại sáng tác của tạp chí Văn Nghệ Quân đội. Ngoài 34 học viên của lớp còn có các cây bút ngoài quân đội về dự. Tạp chí cử nhà văn Nam Hà, Khuất Quang Thụy, Lê Lựu, Trung Trung Đỉnh; nhà thơ Trần Đăng Khoa, Vương Trọng, Nguyễn Đức Mậu, Anh Ngọc… thay nhau xuống trực tiếp cầm tay chỉ việc cho chúng tôi. Một tháng ở đây thầy và trò lao động hết mình, sống hết mình và chơi cũng hết mình.

Tôi và Đỗ Tuấn Thường ở chung một phòng, phòng bên cạnh của hai cô Quỳnh Vân và Kim Hồng. Thường thì mỗi buổi sáng sau khi ăn uống xong tôi và Thường gỡ quần áo dài ngồi vào bàn sáng tác. Đang say sưa, thì một trong hai cô phòng bên chạy sang gõ cửa: “Anh Minh ơi! Cho em hỏi...”Tôi vội vàng đứng dậy mặc quần áo dài và nói to: “Chờ tý”. Mặc xong, ra mở cửa… thì do chờ lâu, khách lại về rồi. Lại gỡ quần áo dài ngồi vào bàn. Lại gọi. Lại mặc quần áo vào. Mở cửa. Lại đợi lâu, nên khách đã về phòng. Đến ba lần như thế. Nên lớp có thơ rằng: “Em vào rồi em lại ra/ Để anh phải gỡ mất ba lần quần”.

Một tháng thầy trò bên nhau ở Đồ Sơn cũng chấm dứt. Hôm chia tay, tôi đi nhờ xe của nhà văn Đức Hậu về Thái Bình. Lê Lựu quá giang về chỗ bạn già Mai Vui ở Hải Phòng. Xách đồ xuống tiền sảnh thấy Lê Lựu còn đang gọi điện, ông buông máy kéo tôi lên phòng giúp thu dọn đồ đạc mang ra xe. Quần áo, ấm chén, sách vở … trăm thứ bà dằn đầy một phòng. Thấy một chiếc cốc đựng toàn bút, tôi đổ cả vào cái túi màu vàng. Mất khoảng mươi phút mới thu dọn hết và mang ra xe cho hết vào cốp. Đã bắt tay Nguyễn Trí Huân, Lê Thành Nghị rồi lại thấy Lê Lựu chạy trở lại phòng. Một lát anh hớt hải chạy ra, hỏi: “Minh vừa nãy cất chiếc cốc đựng bút, có thấy...bộ răng của mình không?”

Xe chạy đến Cầu Rào thì Lê Lựu xuống, đến sau xe mở cốp lôi đồ ra. Việc đầu tiên là ông tìm bộ răng. Vừa nhìn thấy nó, Lê Lựu như vồ lấy…đút túi.

Thế rồi ba tháng quây quần bên nhau cũng phải kết thúc. Ngày 10/11 Tổng cục Chính trị tổ chức lễ bế giảng. Anh chị em tạp chí Văn nghệ Quân đội và chúng tôi chia tay nhau trong tình thày trò và đồng nghiệp bịn rịn và lưu luyến.

…Mới đấy mà đã 13 năm có lẻ. Hôm hội nghị nhà văn trẻ Quân đội lần thứ nhất ở số 4 – Lý Nam Đế, Lê Lựu đến dự với tư cách thế hệ đi trước đã phải có người dìu, ông mệt nhọc nói với chúng tôi những lời rút ruột; Nguyễn Tiến Hải về trưởng phòng biên tập văn nghệ Nhà xuất bản Quân đội giờ đã nghỉ hưu; Quang Trường về Quân khu IX và cũng đã nghỉ hưu; Nguyễn Anh Nông, Phùng Kim Trọng, Trung Phương về Điện ảnh Quân đội Nhân dân; Nguyễn Đình Tú, Phùng Văn Khai, Thái Nam Anh về tạp chí Văn nghệ Quân đội; Khánh Chi làm chủ tịch Hội văn học Nghệ thuật Bình Thuận; Quỳnh Vân về Báo Phòng không Không quân; Lý Hùng Dũng về Cục Chính trị Quân khu I; Bùi Thanh Minh về Phòng Văn nghệ Quân đội; Hồ Kiên Giang về báo Quân khu IX; Trần Hoài về báo Quân đội Nhân dân… Thi thoảng chúng tôi vẫn gặp nhau dưới gốc đại già trước ngôi nhà số 4 - đó là những khi có lễ trao giải các cuộc thi văn thơ, hoặc những ngày trọng đại của văn học quân đội.


BÙI THANH MINH

 

 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)