VNQĐ kết nối  Nhân vật tuần này

Nhớ anh Hà Trì (VƯƠNG TRỌNG)

Thứ Hai, 30/04/2012 01:15
Năm 1972 khi về học khóa 5, lớp bồi dưỡng sáng tác của Hội nhà văn Việt Nam tổ chức ở Quảng Bá, mượn danh Văn nghệ Quân đội, tôi và Nguyễn Đức Mậu báo cơm ăn ở bếp Báo Quân đội, bởi dạo đó báo và tạp chí dùng chung bếp này. Nhờ vậy mà chúng tôi thường tá túc ở tạp chí, làm quen với nhiều người cũng như cơ ngơi của cơ quan này. Tôi nhớ dạo đó hành lang của ngôi nhà số Bốn có ba thứ bị hỏng, không sử dụng được nữa, coi hành lang như là nơi cất tạm là một chiếc piano, một bàn bi-a và một chiếc xe máy Trung Quốc sơn màu quân dụng mang nhãn hiệu Hạnh Phúc.

Trông chiếc xe máy rất to, bình xăng ước chừng mười lăm lít, tôi hỏi ai là người sử dụng chiếc xe máy này thì được trả lời họa sĩ Hà Trì. Người ta bảo rằng đó là phương tiện chính họa sĩ dùng để đi lại giữa tòa soạn và xưởng in Quân đội ở cầu Diễn. Tôi hình dung họa sĩ chắc là một thanh niên cao to, chịu chơi thì mới sử dụng chiếc xe “vĩ đại” đó , nên khi gặp họa sĩ Hà Trì đang cắm cúi bên bàn làm việc tôi hết sức ngạc nhiên: một người đàn ông thấp nhỏ, khắc khổ, tuổi ngoài bốn mươi và trông dáng điệu của ông có vẻ như không có gì liên quan đến chiếc xe máy đó. Tôi hỏi:

- Anh sử dụng được chiếc xe máy to sù kia đó à?

Vừa làm việc, họa sĩ Hà Trì trả lời:

- Bây giờ thì nó hỏng rồi chứ trước đây tuần nào mình chẳng đi!

- Người anh nhỏ xe to thế mà anh không sợ à?

- Khi xe tốt thì không sợ khi xe hỏng thì khốn khổ. Ông có biết có lần tôi phải dắt bộ nó từ Cầu Giấy về tòa soạn đấy! Lúc đầu tưởng không thể dắt nổi, thế mà cuối cùng cũng dắt được …

Năm 1974, khi về công tác ở tạp chí Văn nghệ Quân đội vì gia đình ở xa tôi sống tại một phòng tập thể ở cơ quan. Khi đó anh Hà Trì đã có gia đình, đã có ba cháu, nhưng không hiểu nhà cửa thế nào, mà anh thường ăn ngủ tại cơ quan, lúc thì với các cháu khi thì ở một mình. Tôi sống gần anh mười mấy năm trời, nhưng trong trí nhớ của tôi anh chưa một lần mặc quần áo mới, bộ quần áo nào cũng tầm tầm và dáng anh khi nào cũng vội vã và tất bật. Anh không có thói quen ngồi phòng khách uống nước nói chuyện đầu giờ làm việc, mà khi nào cũng thấy anh cắm cúi trong phòng làm việc với đủ loại dụng cụ đồ nghề của công việc “mi” báo . Dạo ấy còn lâu mới xuất hiện máy vi tính, mọi thứ đều phải làm bằng tay từ việc đếm chữ trên bản thảo đến việc trình bày các kiểu chữ trong từng bài, phần nào trừ minh họa… anh làm rất tỷ mẩn. Những người trong tòa soạn khi xem anh Hà Trì làm việc đều có chung một nhận xét là phòng ngủ của anh thì bề bộn, có khi có vẻ luộm thuộm, nhưng trang trình bày của anh bao giờ cũng sáng sủa và có tính mỹ thuật rất cao. Dạo đó phong trào bóng bàn của tạp chí phát triển mạnh, mà những người chơi giỏi là các họa sĩ như Văn Đa, Quang Thọ, Huy Toàn. Họa sĩ Hà Trì chơi bóng bẳng tay vợt dọc, người ôm bàn, bóng rất nhanh, làm nhiều tay vợt lao đao. Nhưng anh không có thói quen ngồi trên ghế băng xem các cây vợt khác chơi khi chưa đến lượt mình, mà thay việc chờ đợi đó bằng cách vào phòng của mình làm việc chuyên môn, đợi khi anh đến lượt mình thì lại ra chơi bóng. Anh là người hồn nhiên và lạc quan, nhiều chuyện vui với anh mà các nhà văn lớp trước thường kể lại, ví như chuyện anh làm quản lý cho một chuyến đi công tác xa. Dạo đó đời sống hết sức khó khăn, cơ quan không hề có khoản tiền nào để cấp cho những người đi công tác, mà từng người phải góp tiền lại, giao cho một người quản lý giữ. Hà Trì được cử làm quản lý và chiếc xe chưa ra khỏi ngoại thành quản lý đã đề nghị dừng xe lại để ăn và dọc đường cả đoàn được ăn rất dày, để chưa đầy nửa thời gian công tác thì người quản lý hồn nhiên này đã yêu cầu các thành viên đóng góp đợt hai! Điều này làm mọi người ngạc nhiên, vì nghĩ số tiền đóng góp kia là cho cả đợt!

Dạo ấy toàn cơ quan chỉ có một nhà tắm hai buồng chung nhau bể nước, nhưng mất nước luôn, Hà Trì thường đưa ba cháu ra tắm ở bể “trần” phía ngoài để vừa tắm cho các con vừa nói chuyện với người qua lại. Anh giới thiệu “đầu lòng hai ả Tố Nga” có tên là Ngọc và Vân, còn “một trai con thứ rốt lòng” có tên là Hiếu. Anh bảo tên của ba cháu đều do anh đặt chứ không làm theo ý của nhà thơ Thanh Tịnh. Thế là hai tay vừa kì cọ cho những đứa con gầy gò, Hà Trì kể lại chuyện nhà thơ Thanh Tịnh nói hôm đám cưới của mình. Nha thơ Thanh Tịnh từng làm chủ hôn cho rất nhiều người trong cơ quan và khi buổi lễ hôn sắp kết thúc, chủ hôn thường phát biểu đùa với cái giọng không đùa một tí nào. Hôm đó anh Hà Trì và chị Bắc (vợ anh) hết sức chăm chú lắng nghe lời khuyên của người chủ hôn, đồng thời là người đứng đầu của cơ quan, và hai anh chị cứ đinh ninh rằng sẽ được nghe những lời như kiểu “vui duyên mới không quên nhiệm vụ” , vì thấy dáng điệu của chủ nhiệm Thanh Tịnh rất nghiêm trang:

- Thưa các đồng chí, cuối cùng cho tôi có đôi lời khuyên chú rể và cô dâu. Khi anh chị sinh con, không nên đặt tên con là Bá, vì khi kết hợp với họ là Hà Bá thì sẽ làm cho mọi người vì sợ mà xa lánh mình. Nếu được khuyên, tôi khuyên anh chị sinh con trai thì đặt tên là Hà Thủ Ô, còn con gái là Hà Xa Đại Táo Hoàn!

Giữa những năm tám mươi, khi nhà thơ Vũ Cao được điều ra ngoài làm giám đốc nhà xuất bản Hà Nội, thì ba người nữa cùng ra theo, trong đó có họa sĩ Hà Trì. Mặc dù đi khỏi cơ quan nhưng Hà Trì là người thích trở về nơi cũ để trò chuyện cùng anh em. Đó là thời kì kinh tế nước ta hoàn toàn khó khăn, nhưng Hà Trì bao giờ cũng vui. Anh bảo ra ngoài ấy chủ yếu là vẽ bìa sách và vì bìa anh vẽ đẹp nên nhiều người đặt hàng, việc làm không hết nên cũng có đồng ra đồng vào…Rồi sau đó một thời gian, anh trở lại cơ quan báo tin Vân đã đi xuất khẩu lao động ở Đức, anh đã xây xong ngôi nhà ba tầng khang trang…

Những năm gần đây, trong buổi liên hoan tất niên của tạp chí Văn nghệ Quân đội, họa sĩ Hà Trì không bao giờ vắng mặt. Những cán bộ về hưu khác thay đổi khá nhiều do tuổi tác, còn Hạ Trì dường như vẫn thế. Lưng lòng khòng, đầu đội mũ mềm, với bộ quần áo tầm tầm sẫm màu, anh tìm đến nói chuyện từng người với giọng hồn nhiên và lạc quan. Anh em bảo rằng, người như thế là họ sống thọ lắm, không ngờ mùa xuân này, anh đã từ giã chúng ta. Hôm đến viếng anh ở nhà riêng, thấy anh nằm trong linh cữu, đầu vẫn đội chiếc mũ mềm quen thuộc và khuôn mặt tuy gầy nhưng thảnh thơi và mãn nguyện như những lần anh nói chuyện về các cháu và chuyện gia đình …

Mấy dòng ngắn ngủi tưởng nhớ anh, một người bạn vong niên, một họa sĩ cần mẫn của tạp chí trong mấy chục năm trời.

Xuân 2006

VƯƠNG TRỌNG

 

 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Có nhân vật chỉ là dáng dấp của nguyên mẫu, có nhân vật là nguyên mẫu đã sống và chiến đấu cùng tôi, suốt những năm tháng ở rừng... (VŨ NGỌC THƯ)