Văn học các dân tộc thiểu số là một vườn hoa nhiều hương sắc

Thứ Năm, 28/09/2023 11:56

Văn học các dân tộc thiểu số là một “dòng riêng giữa nguồn chung” của văn học Việt Nam. Trải qua nhiều giai đoạn phát triển, cho đến nay văn học các dân tộc thiểu số đã hình thành nên một đội ngũ tác giả, tác phẩm đông đảo với nhiều sắc màu độc đáo. Tạp chí Văn nghệ Quân đội đã có buổi trò chuyện với TS. Đỗ Thị Thu Huyền về những đặc trưng văn học dân tộc thiểu số cũng như những thuận lợi, khó khăn trong nghiên cứu khu vực văn học này.

TS. Đỗ Thị Thu Huyền

- Thưa TS. Đỗ Thị Thu Huyền! Trong một bài trả lời phỏng vấn chị có nhắc tới cơ duyên đến với văn học các dân tộc thiểu số là sự gợi ý của GS.TS. Mã Giang Lân; từ sự gợi ý đó, chị đã tìm hiểu và bị cuốn vào dòng văn học này. Chị có thể lí giải thêm cho bạn đọc Văn nghệ Quân đội những điểm đã hấp dẫn chị, khiến chị gắn bó với văn học các dân tộc thiểu số gần hai thập kỉ qua?

+ Cảm ơn câu hỏi của anh! Tôi xin chia sẻ đôi điều về cơ duyên đến với khu vực văn học mà cố nhà thơ Nông Quốc Chấn định nghĩa một cách rất hình tượng là “một vườn hoa nhiều hương sắc”.

Nền văn học nhiều hương sắc ấy hấp dẫn tôi, khiến tôi gắn bó bởi rất nhiều lí do. Tôi muốn tìm kiếm sự mới mẻ ở những nhà thơ miền núi - một không gian khác lạ với không gian tôi sinh ra và lớn lên. Điều làm tôi thú vị là sự khác biệt trong cách nghĩ, cách nhìn và cách nói của các nhà thơ, nhà văn dân tộc thiểu số. Văn học dân tộc thiểu số thực sự là “thiểu số” so với số lượng phong phú, phồn tạp, đa dạng của văn học viết bằng tiếng Việt. Sự ít ỏi đó tạo nên sự khác biệt rất lớn kích thích trí tưởng tượng của một người miền xuôi, một người sống ở phố thị như tôi.

Sự đa sắc của các tộc người đi kèm với sự đa dạng của lối tư duy, cảm nhận và biểu đạt có thể khiến chúng ta đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Tôi cho rằng điều này hết sức cần thiết trước hết cho người cầm bút nói chung, đối với những người làm nghiên cứu nói riêng. Và, tiếp xúc nhiều với sự hồn hậu, chân thành của văn học dân tộc thiểu số, tôi học được những điều bất ngờ mà mình cứ nghĩ là đã biết hoặc đã chắc chắn. Vậy nên tôi nghĩ mình luôn mong muốn có thể đi tiếp, rất dài, trên hành trình tìm hiểu khu vực văn học này.

- Bên cạnh những điều thú vị ấy, chắc hẳn cũng có không ít khó khăn vất vả, thưa chị?

+ Tôi luôn cho rằng khó khăn đến phần nhiều từ phía chủ quan của cá nhân tôi, nhưng cũng không loại trừ một vài lí do, nhỏ thôi, mà tôi nghĩ đó là do khách quan đưa lại.

Trước hết là khoảng cách địa lí, tâm lí tộc người, sự khác biệt văn hóa giữa những sắc tộc, giữa tôi với những người dân tộc thiểu số làm nghệ thuật. Tôi vừa thích thú tò mò làm quen, lại vừa phải nỗ lực để vượt qua những khó khăn của sự khác biệt, cách trở. Ví như việc thường xuyên di chuyển rất nhiều trong những dịp có các hoạt động nghệ thuật khiến cho việc tiếp cận và hòa mình vào những sự kiện đó là không dễ dàng. Ngay cả với những sáng tác được công bố “tức thì”, việc nắm được thông tin, tiếp cận được phần nào văn bản cũng không đơn giản. Thêm nữa, ở chiều ngược lại, đối với sáng tác chuyên nghiệp, sự phản hồi kịp thời của người đọc nói chung sẽ giúp người sáng tác có một sự hứng khởi cũng như những sự điều chỉnh cần thiết. (Tôi nói là người đọc nói chung, và bên cạnh đó còn có những người đọc chuyên nghiệp là các nhà nghiên cứu phê bình như chúng tôi.) Cá nhân tôi không thể đọc kịp thời, không thể nắm bắt được những chuyển động sôi động và cả tinh tế của đời sống văn nghệ dân tộc thiểu số vừa là thiệt thòi vừa là thiếu sót.

Có lẽ chăng, sự không kịp thời này cũng một phần do còn thiếu vắng thiết chế xã hội hoặc nghệ thuật cũng như tâm lí sáng tạo chuyên nghiệp như của các tác giả “đa số”, thường là ở miền xuôi. Dù sao cũng phải nói rằng trong thời gian gần đây, trước hết nhờ công nghệ mà chúng tôi có nhiều cơ hội hơn để rút ngắn khoảng cách không gian và thời gian. Các website, các báo trực tuyến... giúp chúng tôi có thể kịp thời cập nhật những sáng tác của các nghệ sĩ dân tộc thiểu số thuộc mọi miền Tổ quốc. Thêm vào đó là các hội nhóm trên facebook, zalo… cũng tạo thuận lợi cho những tương tác. Bản thân tôi cũng nỗ lực tạo ra và tìm đến những phương thức tương tác phi truyền thống, bước đầu có hiệu quả như việc gần đây tăng cường cách làm việc, giao lưu trực tuyến.

Một may mắn cũng phải nói thêm là, các cấp quản lí luôn tạo điều kiện để chúng tôi có thể vượt qua những sự khác biệt về địa lí và tránh khỏi những khó khăn khách quan ấy.

- Theo chị, có thể nghĩ rằng văn học các dân tộc thiểu số là một nền văn học trẻ không?

+ Tôi cho rằng không có một nền văn học trẻ theo nghĩa chặt chẽ của từ này, bởi mỗi cộng đồng, mỗi dân tộc đều có nền văn học của riêng mình trong suốt chiều dài lịch sử. Đã tồn tại những nền văn học folklore của các dân tộc thiểu số góp phần vào kho tàng folklore phong phú và “nhiều hương sắc” như cách nhà thơ Nông Quốc Chấn đã nói. Nhưng quả thực là văn học hiện đại của các dân tộc thiểu số ra đời và phát triển kể từ sau Cách mạng tháng Tám với sự chú ý và quan tâm của Đảng và Nhà nước, với sự nỗ lực của thế hệ các tác giả đặt nền móng. Văn học dân tộc thiểu số hiện nay có rất nhiều cơ hội đổi mới trong chính nó. Chính vì thế, đó cũng là cơ hội để những người như chúng tôi, làm công tác nghiên cứu phê bình, có thể tìm được nguồn cảm hứng, những vỉa quặng nhiều tiềm năng khai thác.

Một chi tiết thú vị nho nhỏ mà tôi muốn dẫn ra nhân câu hỏi này của anh. Theo thống kê của nhà văn Nông Quang Khiêm trong một hội thảo, tổng số hội viên của Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam công bố năm 2020 (trong kỉ yếu hội viên) là 1.041 người. Trong đó: hội viên dưới 35 tuổi là 12 người, chiếm 1%; hội viên trên 60 tuổi là 733 người, chiếm 70%. Đây là con số báo động về lực lượng sáng tác và đội ngũ kế cận.

- Với các sáng tác dân tộc thiểu số, công việc của chị là…

+ Tôi làm việc ở Phòng Văn học các dân tộc ít người, Viện Văn học, với sự tạo điều kiện và định hướng bài bản của PGS.TS. Hà Công Tài. Với một khu vực văn học mới mẻ như thế, tôi bắt đầu bằng việc đọc. Và đến nay, tôi vẫn đọc các tác giả dân tộc thiểu số từ ba vai: một người đọc thông thường, một người yêu mến quan tâm đến sáng tác của các dân tộc thiểu số, và cuối cùng là một người được đào tạo về nghiên cứu văn học. Ba vai này có những sự tương tác với nhau. Tôi luôn cố gắng học hỏi từ đội ngũ nhà nghiên cứu phê bình hiện nay, trong số đó có nhiều người quan tâm đến khu vực văn học này, và công việc đó thực sự rất “nặng nhọc”. Sự nặng nhọc không đến từ việc đọc nhiều, vì đó là công việc cũng như hứng thú mà chúng tôi đã lựa chọn. Tôi nghĩ phần nào nó đến từ việc phải dành tâm sức để tìm kiếm được những sự khác biệt trong từng tác phẩm và từng tác giả. Sự khác biệt càng tế vi vì đó là của các tác giả dân tộc thiểu số, những người luôn mang đến cho tôi sự háo hức và tò mò. Ý thức được điều này, tôi coi mỗi lần tham gia trại viết trẻ của Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số như một lần thử thách như vậy. Sau nữa, qua những sự khác biệt tế vi của từng tác phẩm, từng tác giả, chúng tôi nhận ra, cần có những sự trao đổi, những thảo luận, những phê bình để mỗi tác giả dân tộc thiểu số có thể có những lựa chọn khả dĩ cho riêng mình. Điều này rất thú vị vì mỗi một lựa chọn sẽ buộc tác giả phải “đánh đổi” và phải nỗ lực. Cuối cùng, sự nặng nhọc đến từ chính việc chúng tôi cần nói ra được những điểm đặc biệt của từng tác giả, mà người đọc thông thường gọi là ưu điểm hay khuyết điểm. Tôi không cho rằng đó là ưu hay khuyết bởi lẽ có thể với một tác giả này thì đó là chưa đạt, chưa tạo được hiệu ứng nhưng với một tác giả khác thì có thể trở thành một điểm mạnh.

- Trên thực tế, sáng tác về dân tộc thiểu số không chỉ là “đặc quyền” của những nhà văn dân tộc thiểu số. Trong những thập kỉ qua, một số nhà văn người Kinh cũng có những sáng tác rất hay về dân tộc thiểu số, về “người miền núi”. Theo chị, liệu có thể nhận diện hai khu vực này ra sao, như ngôn ngữ chẳng hạn?

+ Vâng thưa anh, nói “đặc quyền” có lẽ đúng mà không đúng. Đề tài (miền núi) là “của chung”, các nhà văn yêu mến hay tìm được cảm hứng thì sáng tác, đó là lẽ thường. Hai bộ phận tác giả người Việt - người dân tộc thiểu số như một sự bổ khuyết cho nhau. Ngay như ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội cũng có những nhà văn người Kinh viết rất hay về đề tài miền núi, về dân tộc thiểu số như Nguyên Ngọc, Trung Trung Đỉnh, Đỗ Bích Thúy, Phạm Duy Nghĩa…, và gần đây là nhà thơ người Dao Lý Hữu Lương gây ấn tượng với vệt thơ viết về tộc người của mình. Bằng việc nhận diện được tác giả dân tộc thiểu số là câu chuyện thú vị và khó khăn trong đời sống hiện đại đầy những dịch chuyển, giao thương. Nhưng có lẽ đầu tiên đó phải tính đến xuất thân; thêm nữa, cần tìm trong những sáng tác mẫn cảm của người con dân tộc thiểu số những điều mà người dân tộc thiểu số quan tâm. Có những chỗ trùng với người miền xuôi hay với “đa số”, nhưng sẽ có rất nhiều chỗ khác... Đúng là trong lịch sử văn học Việt Nam có rất nhiều tác giả dân tộc thiểu số không viết bằng tiếng mẹ đẻ, cũng như lịch sử văn học thế giới không thiếu những tác giả không viết bằng tiếng mẹ đẻ. Nguyễn Du viết thơ chữ Hán bên cạnh Truyện Kiều. Nabokov viết tiểu thuyết bằng tiếng Anh bên cạnh những sáng tác bằng tiếng Nga… Nhưng tôi còn thấy một điều thú vị là trong văn học dân tộc thiểu số hiện đại Việt Nam, hình như những tác giả viết văn xuôi hầu hết sẽ lựa chọn tiếng Việt, bên cạnh không ít nhà thơ có những sáng tác quan trọng bằng chính ngôn ngữ mẹ đẻ của mình. Có quy luật gì ở đây chăng?

- Vậy, thưa chị, liệu có sự khác biệt trong sáng tác về dân tộc thiểu số giữa các nhà văn người Kinh và các nhà văn dân tộc thiểu số?

+ Tôi thực sự không quá phân vân về điều này với tư cách một người làm nghiên cứu phê bình. Bởi lẽ mọi tác giả có cá tính đều khác biệt, mọi tác giả thông thường đều có thể “giống nhau”. Nhưng dĩ nhiên “cái neo” văn hóa tộc người vẫn là một thứ mà bạn có thể tìm thấy ở những tác giả dân tộc thiểu số. Trong một nghiên cứu mà tôi đã thực hiện, tôi cho rằng tác giả dân tộc thiểu số chỉ trở nên một tác giả thực sự chuyên nghiệp và có tầm vóc quốc gia khi họ “đi xa hơn” vùng đất nơi họ sinh ra. Nghĩa là họ không chỉ thuộc về một vùng của riêng họ, không chỉ nói cho những công chúng của riêng họ.

Việc các tác giả dân tộc thiểu số cần phải sáng tác bằng những cách suy nghĩ của thời hiện đại, cho công chúng toàn quốc, tôi thấy có sự khác biệt rõ ràng giữa tác phẩm bằng tiếng mẹ đẻ với tác phẩm bằng tiếng Việt. Đó trước hết là một cơ hội để tác giả ấy làm cho ngôn ngữ mẹ đẻ thêm phong phú, giàu màu sắc. Nhưng đồng thời cũng lại là một thử thách vì có nguy cơ rơi vào thái độ cục bộ. Việc sáng tác bằng tiếng Việt có thử thách khiến họ rời xa văn hóa của chính họ, nhưng ngược lại mang đến cho họ một công chúng rộng rãi hơn. Họ sẽ phải thương thỏa giữa những thử thách và cơ hội như vậy.

TS. Đỗ Thị Thu Huyền
Năm sinh: 1983
Quê quán: Hải Dương
Dân tộc: Kinh
Hiện công tác tại Viện Văn học - Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam
Một số công trình chính
In riêng: Thơ dân tộc Tày sau năm 1945 (chuyên luận), Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2016; Văn học chiến tranh từ góc nhìn thể loại, Nxb Lao động, 2019; Dương Thuấn - hành trình từ Bản Hon (tuyển chọn và giới thiệu), Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội, 2009.
Viết chung: Y Phương - sáng tạo văn chương từ nguồn cội, Nxb Hội Nhà văn, 2017; Văn chương nghệ thuật và thiết chế văn hóa - những tiếp cận liên ngành, Nxb Thế giới, 2017; Văn học Việt Nam trong bối cảnh đổi mới và hội nhập quốc tế, Nxb KHXH, 2017; Sinh thái và văn hóa Nam Bộ trong văn học Việt Nam, Nxb ĐHQG TP. Hồ Chí Minh, 2022; Cảnh quan Việt Nam trong văn học và điện ảnh: những tiếp cận xuyên văn hóa, Nxb ĐHQG Hà Nội, 2023…

- Điều đó liệu có khiến cho văn học dân tộc thiểu số “nhạt nhòa” bản sắc, dẫn đến hiện tượng “dĩ Kinh vi trung” không, thưa chị?

+ Nếu sáng tác với tinh thần đến với công chúng bằng mọi giá thì “dĩ Kinh vi trung” hay không cũng đều có thể hủy hoại sáng tác của các tác giả dân tộc thiểu số. Việc sáng tác bằng tiếng mẹ đẻ bằng mọi giá chỉ để có được người đọc cũng lại có thể làm cho sáng tác trở nên hạn hẹp. Nhưng nếu coi rằng đó là một cơ hội như tôi vừa nói ở trên thì cái gọi là “dĩ Kinh vi trung” có thể cho phép một tác giả dân tộc thiểu số được mài sắc sự khác biệt của mình. Bởi lẽ như các nhà lí luận hình thức Nga đã nói đến, nghệ thuật là sự lạ hóa. Những điều bình thường nhưng được nhìn và biểu đạt bằng sự khác biệt có thể tạo ra những “sự kiện nghệ thuật”. Đó là sự kiện nghệ thuật với tác giả, với công chúng. Hãy nghĩ đến những sáng tác bằng tiếng Việt của Y Phương (như trong nhiều tập thơ và những tập tản văn sau này), sẽ thấy tư duy “lạ hóa” của một tâm hồn Tày về những điều người ta vẫn nói muôn thuở trong văn chương. Nhờ thế ông đã đóng góp cho sự giàu có của “nguồn chung” là văn hóa Việt Nam bằng sự phong phú và đa dạng của mình. Đồng thời, ông cũng làm cho cách diễn đạt của ngôn ngữ Tày không chỉ đóng khung ở những điều đã biết mà trở nên phong phú, uyển chuyển.

- Văn chương hôm nay đang ở tình trạng “lâm nguy”. Sách xuất bản số lượng ít, bạn đọc cũng thưa vắng, không thu hút được sự quan tâm của xã hội như một số ngành nghệ thuật khác. Văn học các dân tộc thiểu số cũng nằm trong thực trạng chung đáng buồn ấy và còn có phần ảm đạm hơn. Theo chị, các nhà văn dân tộc thiểu số (đặc biệt là các nhà văn trẻ) cần làm gì để bạn đọc tìm đến mình nhiều hơn?

+ Anh nói đúng. Sách được mua và được đọc, được phản hồi là chứng tỏ nhà văn tồn tại. Nhưng chúng ta cũng nên nhìn tình hình một cách uyển chuyển và cởi mở hơn. Thứ nhất, người viết cần phải đến được gần hơn nhu cầu của người đọc, không thể cứ khư khư theo cách viết của người xưa, theo những chuẩn mực đã thuộc về quá khứ dù rất đẹp. Thứ hai, đó là cơ hội để mỗi tác giả dân tộc thiểu số đổi mới dựa trên vốn văn hóa họ đã có và tìm tòi trong cái mới của thời đại. Thứ ba, đây là một thách thức thực tế đối với các thiết chế của các hội nghề nghiệp mà chúng ta cần vượt qua. Chúng ta nói rằng văn chương cần phải thu hút được người đọc, mà dấu hiệu cho điều ấy là phải có đủ lượng người đọc, là tác giả phải sống được bằng ngòi bút. Quả thực là cần nhìn thẳng vào thực tế rằng, so với những tác giả viết bằng tiếng Việt, tức là “dòng chính đa số”, những tác giả văn học dân tộc thiểu số không có nhiều bạn đọc bằng. Hơn nữa cũng cần tính đến một thực tế là từ xưa đến nay, ở Việt Nam rất hiếm tác giả văn chương sống được bằng thu nhập từ những cuốn sách của mình. Tôi đang liên tưởng tới những câu chuyện, giai thoại về Vũ Trọng Phụng hay Nam Cao phải xoay xở khó khăn để sống được bằng ngòi bút. Đặt nhiều kì vọng vào sự quan tâm của công chúng với sách vở sẽ đồng nghĩa với ảo tưởng. Thay vì đó, theo tôi, chúng ta nên nghĩ rằng văn học dân tộc thiểu số luôn chỉ là một phần của những hoạt động văn hóa tinh thần chung mà mỗi cá nhân góp sức.

- Vậy từ góc nhìn của một nhà nghiên cứu về văn học các dân tộc thiểu số, theo chị, nên có những cách nào để việc đọc văn học các dân tộc thiểu số trở nên rộng rãi hơn?

+ Tôi nghĩ rằng việc đọc là một hành vi mang tính cá nhân sâu sắc, đặc biệt là đọc nghệ thuật. Việc đọc văn học phải xuất phát từ nhu cầu cá nhân. Chúng ta không thể bắt ai đó đọc, lại càng không thể buộc người ta phải đọc văn. Vậy nên trước hết cần nghĩ đến việc nâng cao chất lượng của chính sáng tác, có thể bổ trợ bằng những hoạt động như tập huấn, bồi dưỡng, hội thảo, trại viết... như Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam đã và đang thực hiện. Nhưng cần có chiến lược hơn, mạnh mẽ và quyết liệt hơn. Viết đúng điều mà người dân tộc thiểu số quan tâm, có thể là giải trí, có thể là giáo dục, có thể là nâng cao nhận thức... Mặt khác, chúng ta có thể nghĩ đến sự khuyến khích việc đọc thông qua xây dựng các tủ sách trong trường học hoặc các điểm công cộng ở vùng cao; đây là cách mà chương trình sách nông thôn từng thể nghiệm. Cuối cùng, cần có những tờ báo có sức lan tỏa và ảnh hưởng để đưa văn học các dân tộc thiểu số đến được với không chỉ bạn đọc dân tộc thiểu số mà cả bạn đọc yêu thích văn học nói chung.

- Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện hôm nay!

ĐOÀN MINH TÂM thực hiện

VNQD
Thống kê