VNQĐ kết nối  Nhân vật tuần này
NGHỆ SĨ NHIẾP ẢNH THANH MIỀN:

Đón đợi một “sự nghiệp hưu” rực rỡ

Thứ Ba, 17/10/2023 10:46

Từ lâu, cái tên Thanh Miền đã gắn liền với những bức ảnh về cảnh sắc và con người Yên Bái. Những tác phẩm nhiếp ảnh của anh đã đưa vùng đất quê hương đi xa, đến với đông đảo người dân trong và ngoài nước, góp phần thu hút du khách đến với Yên Bái, khám phá và trải nghiệm những cảnh đẹp nơi đây. Tác phẩm của Thanh Miền đã đoạt nhiều giải thưởng nhiếp ảnh quan trọng góp phần khẳng định tên tuổi của anh. Trong đam mê bất tận với cảnh sắc quê hương, Thanh Miền luôn tự hào khi góp phần quảng bá hình ảnh miền đất Tây Bắc bằng những khuôn hình biết nói.

Bên lề một sự kiện diễn ra tại Yên Bái, PV VNQĐ điện tử đã có cuộc trò chuyện với anh.

- Là vận động viên cao tuổi nhất tham dự giải leo núi Bước chân trên mây chinh phục đỉnh Tà Chì Nhù dành cho các nhà báo, cảm xúc của anh thế nào?

+ Tôi rất là thích cuộc thi này, nhất là nó diễn ra tại Yên Bái quê hương tôi. Ban Tổ chức đã lo từ bao nhiêu tháng trước đó rồi, để có sự thành công, an toàn cho các vận động viên. Điều bất ngờ là các nhà báo tranh giải không ngờ leo nhanh đến thế. Tôi có tuổi rồi nên leo cũng kém, nhưng trong một trăm người cũng có những người bỏ cuộc, tôi đi vào top tầm năm mươi lại vừa đi vừa dừng chụp ảnh, cũng không quá tệ. Có người xem danh sách vận động viên biết tuổi tôi bảo, thấy cái ông sinh năm 1963 này ông ý còn leo được nên mình cũng cố. Tôi thấy vui vì mình là nguồn động viên, truyền cảm hứng cho những người tham gia khác.

- Tà Chì Nhù được biết đến cũng một phần qua những bức ảnh chụp mây, chụp hoa Chi pâu của anh. Đây là lần thứ mấy anh leo lên đỉnh Tà Chì Nhù?

+ Tôi đã lên Tà Chì Nhù bốn lần, đã chụp nhiều ảnh cảnh sắc trên núi nhưng vẫn chưa thực sự ưng ý. Lần này thì đi thì rất đông và lại gặp mưa nên cũng không chụp được. Đến sang năm hoa nở tôi sẽ lên và sẽ ở lại phục để chụp những bức ảnh tốt hơn, bởi mỗi lần leo lên núi rất mất công, ở lại chờ sẽ tốt hơn.

Vòng bạc của người Mông. Ảnh: Thanh Miền

- Anh đến với nhiếp ảnh như thế nào?

+ Hồi xưa, thời tôi chưa vào cơ quan báo, người ta chụp ảnh cho mình lấy tiền mình xem ảnh rất thích. Sau khi tách tỉnh Hoàng Liên Sơn thành Lào Cai và Yên Bái, tôi được phân về Báo Yên Bái năm 1991, tôi làm lái xe, đưa đón anh em đi tác nghiệp. Ngày ấy nhà báo Hữu Tê của Báo Yên Bái chuyên về ảnh, tôi hay xem ảnh của anh ấy. Sau đó tôi tự mua một chiếc máy ảnh của anh Tùng họa sĩ, cả máy cả đèn bốn trăm rưỡi. Về tôi túc tắc chụp ảnh phố huyện Mù Căng Chải, chụp ảnh chè, tôi gửi cộng tác, báo Nhân dân đăng ảnh của tôi. Những năm tiếp theo tôi cũng thỉnh thoảng cầm máy đi chụp chơi phọt phẹt theo ý thích. Rồi tôi mày mò tự học chụp ảnh đêm. Ngày xưa không có chân máy, tôi thường đặt máy lên yên xe hoặc lên bức tường, làm điểm tựa chụp. Tôi hay chụp ở chỗ trung tâm cây 5 bây giờ, sau thì dùng đèn rọi qua rọi lại. Năm 2006 anh em động viên tôi tham gia Hội VHNT tỉnh. Sau đó tôi gửi ảnh dự thi về du lịch của tỉnh Yên Bái, họ chấm tôi giải Nhất. Khi đó một số anh em ở báo cũng nói, ảnh này làm sao giải nhất. Đến cuối năm đó có cuộc thi ảnh nghệ thuật các tỉnh miền núi phía Bắc tôi gửi dự thi cũng được huy chương vàng, sau đó là giải B không có giải A Liên hiệp các hội VHNT toàn quốc. Năm sau tôi lại được huy chương bạc một cuộc thì. Cuối năm 2007 tôi được kết nạp vào Hội nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam.

- Như vậy con đường đến với nhiếp ảnh của anh cũng rất khác người. Làm hành chính bận rộn thế anh sáng tác vào lúc nào?

+ Tôi vốn là lái xe, sau đó làm Phó phòng phụ trách Phòng hành chính trị sự của Báo Yên Bái. Khi tinh giảm biên chế báo sắp xếp lại một số phòng ban, có đồng chí trưởng phòng xuống làm phó phòng, phó phòng thì xuống làm nhân viên, lúc đó tôi đang đi học đại học Luật, chưa có bằng nên xuống làm nhân viên. Nhưng tôi không buồn, tôi rất hạnh phúc vì điều đó. Đi học để mở mang thêm tri thức chứ không phải đi học về để làm lãnh đạo, để làm cán bộ trong phòng. Tôi vẫn sẵn sàng phục vụ tốt. Việc sáng tác toàn đi vào thứ bảy, chủ nhật, vào ngày nghỉ, còn các ngày khác trong tuần tôi vẫn đi làm bình thường.

Nhiếp ảnh gia Thanh Miền đang tác nghiệp. Ảnh: NVCC

- Rồi làm sao để anh theo nhiếp ảnh từ đó đến giờ?

+ Thứ nhất đó là đam mê, hình ảnh của cả nước và của tỉnh của các đồng nghiệp tôi vẫn xem, cá nhân tôi cũng vẫn chụp, nhưng càng chụp càng thấy không xuể. Đó là cuộc đuổi bắt những khoảnh khắc đẹp. Như hôm qua lên Tà Chì Nhù, hoa Chi pâu bạt ngàn nhưng trời mù không thể có những bức ảnh đẹp. Nếu mà trời nắng thì tốt biết bao. Cho nên lại phải đi chuyến khác…

- Nhiều nghệ sĩ nhiếp ảnh của các địa phương khác thường mở rộng không gian sáng tác ra tỉnh ngoài, thậm chí các tỉnh xa, còn anh, chỉ thấy anh cặm cụi với Yên Bái?

+ Thứ nhất là ở đây không thiếu đề tài sáng tác, tôi chụp không xuể, phong cảnh thiên nhiên và con người Yên Bái rất là đẹp. Thứ hai là mỗi chuyến đi sáng tác thường kéo dài một tuần đến hơn chục ngày, tôi không sắp xếp được thời gian. Tại Yên Bái, một năm tôi đi không biết bao nhiêu chuyến đến Hồ Thác Bà, Mù Căng Chải… chụp không biết bao nhiêu bức ảnh, hôm nay đi chụp thế này đẹp, ngày mai lại đẹp kiểu khác. Vẻ đẹp của cảnh sắc Yên Bái kì vĩ và nên thơ, và tôi muốn giới thiệu vẻ đẹp ấy đến đông đảo mọi người.

- Anh nghĩ thế nào về sự chuyên nghiệp trong nhiếp ảnh?

+ Thực sự tôi chưa được đào tạo về nhiếp ảnh bao giờ, đều là tự học và anh em học hỏi lẫn nhau. Chuyên nghiệp theo tôi trước hết phải có sức khỏe, có sự đam mê, có phương tiện. Bây giờ máy móc công nghệ phát triển, mình cũng phải đầu tư một tí, nhìn lên không bằng ai nhưng nhìn xuống cũng phải đủ để làm nghề. Phải học hỏi trên sách báo, trên mạng xem vì sao họ chụp được ảnh đẹp thế để tìm ra góc chụp của mình, con đường của riêng mình. Bên cạnh đó còn là sự may rủi. Có những chuyến đi không được gì, ảnh báo chí còn không có chứ đừng nói nghệ thuật.

Dấn thân vào con đường nhiếp ảnh nghệ thuật, ở Việt Nam có rất nhiều người tài hoa, chạy theo không kịp, tôi theo nhu cầu và thị hiếu của tỉnh Yên Bái, làm thế nào để tôn tỉnh mình lên, người ta xem người ta thấy đẹp là mình tự hào rồi.

Rồng núi. Ảnh: Thanh Miền

- Câu chuyện chuyển đổi số trong nhiếp ảnh với công nghệ ngày một hiện đại khiến mỗi người cầm máy phải tự đổi mới mình để theo kịp. Tôi thấy anh dùng cả máy ảnh lẫn flycam theo xu hướng hiện nay. Anh đã đổi mới bản thân như thế nào?

+ Thì phải nghĩ, phải tham khảo, tìm những người giỏi về công nghệ tư vấn cho mình. Ví dụ flycam cũng phải có người cài đặt cho mình xem bay cao bao nhiêu, bay xa bao nhiêu, làm thế nào để an toàn… Bay flycam lúc hạ cánh xuống có máy bắt bằng tay được có máy không bắt được. Ngày đầu tôi bay Flycam chụp chỉ sợ rơi, rơi là mất mấy chục triệu. Bây giờ máy móc hiện đại và cũng đắt tiền. Leo núi rất dễ ngã, nhưng người có ngã thì cũng phải cố giơ máy lên để máy an toàn. Tôi lớp trẻ không phải, già thì cũng gần già rồi, làm thế nào để tự học hỏi, làm chủ phương tiện máy móc của mình theo yêu cầu đòi hỏi hiện nay thì cố gắng thôi.

- Chuyến đi sáng tác nào để lại trong anh nhiều kỉ niệm nhất?

+ Mỗi chuyến có một ấn tượng riêng. Ngày xưa tôi còn đi xe máy đi sáng tác, chiếc xe Future, qua Tú Lệ đến đèo Khau Phạ, trời mưa gió, khoác áo mưa mang theo mười, mười lăm cuốn phim. Cánh đồng Tú Lệ long lanh nước, đi lên đèo rồi đi xuống nhiều lần, chụp không tiếc phim. Có chuyến đi vào rằm tháng Giêng, đúng lễ hội Lồng Tồng, có một con chim lợn to sà xuống cứ thế bước đi, lúc đó có cả những phóng viên khác có máy ảnh nhưng không ai chụp, tôi cũng không chụp, lúc về tôi mới tiếc, sao không chụp lại hình ảnh ấy, xem nó báo hiệu điều gì. Có chuyến tôi đi chụp hoa mận ở dốc Bồ Hòn, Văn Chấn, lúc về gặp hai vợ chồng người Mông đi trái đường đâm vào xe tôi ngay giữa cầu Lung, công an huyện đưa xe về chờ giải quyết, mấy hôm sau tôi mới lấy được xe. Có lần tôi đi xử lí một vụ việc tai nạn xe của cơ quan ở Hà Nội, khi đi qua Phú Thọ, đến đoạn đền Mẫu Âu Cơ ở Hiền Lương, buổi sáng những con chim đậu trên dây điện, hàng nghìn con như thế, lúc chúng tôi dừng ăn sáng, nhưng vì công việc cấp bách chưa giải quyết xong tôi không dám lôi máy ảnh ra vì còn anh em đi cùng, sợ mọi người cho là xao lãng việc cơ quan. Đến sáng hôm sau, khi giải quyết công việc xong tôi quay về chỗ cũ, định rình để chụp lại cảnh ấy nhưng làm gì còn con chim nào ở đó nữa. Có những chuyến vào Hồ Thác Bà, lên núi Cao Biền ngồi chờ cả buổi mà không chụp được vì trời xấu, mang mấy chiếc bánh linh tinh đi ăn, ảnh không chụp được không buồn ăn, về cũng buồn. Đó là những kỉ niệm không thể quên được, đó cũng là quãng thời gian không bao giờ trở lại được.

- Vâng! Trong đó có cả những tiếc nuối…

+ Rất tiếc! Ngay như sáng hôm qua, khi tôi chở anh em từ Thành phố Yên Bái vào Trạm Tấu để lên Tà Chì Nhù, nhìn thấy một đàn cò bay áp sát ruộng bậc thang rất đẹp, vì xe đi đông tôi không thể để máy ảnh ra ghế xe mà xếp gọn gàng trong túi, tôi chạy xe lên phía trước dừng đón và lấy máy ra, xuống xe chạy ngược lại đón đàn cò, nhưng chúng đã bay về hướng ngược lại, tôi không gặp con nào nữa.

Vân núi. Ảnh: Thanh Miền

- Có vẻ sự đam mê của anh chưa đến độ bất chấp?

+ Có chứ! Nhưng nhiều khi vẫn có những việc khác quan trọng hơn thì mình phải giải quyết những công việc ấy, không để bị ảnh hưởng hay người khác đánh giá mình.

- Thời trước chụp máy phim vất vả nhưng bình yên, một mình một chủ đề, một khung cảnh, bây giờ trong cảnh tiện ích tận răng nhưng “mật ít ruồi nhiều”, ở đâu cũng thấy người chụp ảnh, anh nghĩ đâu là vùng sáng tác cá nhân, đâu là bản sắc của mỗi người cầm máy?

+ Cái tâm và ý tưởng của từng người trong những khoảnh khắc. Ví dụ chụp một lễ hội có rất nhiều người, có người chụp toàn cảnh, có người chụp chân dung nhưng vẫn toát lên được lễ hội ấy. Mỗi người có cách tiếp cận riêng nhưng chung quy lại vẫn là để có những bức ảnh đẹp.

- Con đường đi của anh không giống những người khác, trong quá trình gia nhập làng nhiếp ảnh báo chí, nghệ thuật anh có bị “kì thị” vì sự khác biệt ấy không? Anh đã vượt qua những trở ngại để trở thành một nghệ sĩ đích thực như thế nào?

+ Cơ quan tôi từ xưa đến giờ vẫn tạo điều kiện cho tôi tác nghiệp, với lại tôi cũng thường đi vào ngày nghỉ, công việc ở cơ quan tôi vẫn hoàn thành tốt. Ngày mới chụp, đôi lúc tôi cũng nghe thấy vài dị nghị, “ông Miền ông ấy chụp ảnh ra cái gì”, nhưng tôi đã phấn đấu và được ghi nhận, xã hội công nhận, cả tỉnh công nhận nên dù có ai chê tôi cũng không ngại. Đi đâu tôi cũng được giới thiệu, tôn vinh trân trọng nên điều đó cũng lan tỏa và chính tôi cũng được giải tỏa. Sự đố kị khiến tôi càng phải phấn đấu. Các sự kiện của tỉnh tỉnh đều có công văn đề nghị tôi chụp, từ đại hội đến lễ hội. Mấy năm nay tỉnh chỉ đạo Sở Thông tin Truyền thông tổ chức chụp ảnh các sự kiện của tỉnh, việc ấy do tôi và một đồng chí nữa phụ trách để lấy nguồn ảnh cung cấp cho báo chí cả nước, tránh sự nhộn nhạo, mất mĩ quan của sự kiện. Vất vả nhưng tôi cũng thấy tự hào vì được trọng dụng.

- Anh có bao giờ đong đếm xem nhiếp anh đã cho anh những gì và lấy đi của anh những gì?

+ Nhiếp ảnh cho tôi rất nhiều, cho tôi giàu cảm xúc, cho tôi cơ hội gặp anh em bạn bè, học hỏi kinh nghiệm. Khi được giải tôi cũng thấy vinh dự, bù đắp cho công lao mình bỏ ra. Còn mất thì cũng mất rất nhiều, mất tiền của, mất sức khỏe dầm mưa dãi nắng, xa vợ con gia đình. Có năm mùng một tết tôi đi, mùng bảy tết mới về. Ngày còn làm phòng hành chính trị sự, cứ ba mươi tết là tôi phải có mặt để trực, lo tết cho cơ quan. Không trực thì lại lên Mù Căng Chải ngủ khách sạn chờ mùng hai người Thái đi ra đường để chụp. Về lại đi Sa Pa, Mường Khương chụp tiếp.

- Vợ con anh có ý kiến gì không?

+ Trước đây thì cũng khó chịu nhưng dần dần cũng quen. Cho đến giờ thấy thời tiết đẹp vợ tôi còn giục, trời nắng thế này sao anh không đi chụp ảnh.

Vào vụ cấy. Ảnh: Thanh Miền

- Tình cảm của anh với quê hương Yên Bái thì đã rõ, thế ở phía ngược lại thì sao?

+ Tôi đi đến đâu, người ta hỏi tên tôi, tôi nói tôi là Thanh Miền người ta đều biết. Năm kia tôi lên Mù Căng Chải có thuê một bạn xe ôm chở đi tác nghiệp, tối bạn ấy kéo đến nhà một người anh chị chơi ăn cơm, đó là gia đình một bà chị bán hàng, các vật dụng cho người Mông. Chị hỏi tên tôi, tôi nói tên Thanh Miền, chị bảo chị biết tên tôi lâu rồi nhưng cứ nghĩ đó là… một cô gái. Chị cũng nói nhờ có tôi mà ruộng bậc thang Mù Căng Chải được biết đến ở trong nước và quốc tế, thành di tích quốc gia đặc biệt. Tôi rất hạnh phúc. Trên xe tôi lúc ấy có hai cuốn sách, một cuốn sách ảnh cá nhân của tôi, một cuốn sách ảnh của tỉnh Yên Bái, tôi đã lấy tặng chị cuốn sách của cá nhân tôi, còn cuốn của tỉnh tôi tặng cho bạn xe ôm. Sau đó về tôi phóng một bức ảnh ruộng bậc thang Mù Căng Chải tặng cho gia đình chị. Đi các huyện thị khác họ cũng đều biết tôi cả. Đó là nguồn động viên đối với tôi.

- Anh có lên kế hoạch cho những chuyến đi của mình không? Tới đây anh sẽ đi đâu?

+ Tôi sẽ đi Mù Căng Chải, Hồ Thác Bà và Lục Yên nữa. Lục Yên gần đây cũng rất đẹp. Mù Căng Chải thì dù lượn tôi đã chụp được cho ra hồn đâu.

- Tôi thấy anh dành thời gian cho Hồ Thác Bà rất nhiều…

+ Ở đó có 1.300 hòn đảo, cảnh quan và môi sinh được giữ gìn tốt, có rừng trồng bạch đàn và thông rất đẹp. Mỗi mùa ở đó có vẻ đẹp khác nhau, mùa đông mùa hè của năm nay khác mùa đông mùa hè của năm sau, hôm nay đi khác, ngày mai đi khác.

- Có vẻ như anh có niềm đam mê bất tận với cảnh sắc Yên Bái?

+ Cảnh sắc Yên Bái đang rất được quan tâm, từ Mù Căng Chải, Hồ Thác Bà hay như Trạm Tấu còn chưa được khai thác sâu. Vậy nên còn phải đi nhiều, chụp nhiều. Làm nghệ sĩ phải đi nhiều để ra tác phẩm.

- Chuẩn bị nghỉ hưu, anh sẽ làm gì?

+ Sang năm tôi nghỉ hưu, chắc chắn tôi sẽ lên phục trên Mù Căng Chải vào mùa cấy, mùa gặt, không lâu thì ít ra cũng phải một tuần đổ lại. Kinh phí khó khăn thì sẽ tính sau. Nếu trung ương hội hay tỉnh tổ chức trại sáng tác thì nghỉ hưu tôi cũng có thể đi được. Khi về hưu mình sẽ thỏa đam mê, chỉ có điều lúc đó thì sức khỏe cũng lại yếu hơn rồi.

- Cám ơn anh đã chia sẻ và chúc anh có một sự nghiệp hưu rực rỡ như những sắc màu của nhiếp ảnh.

NSNA Thanh Miền nhận giải báo chí cho tác phẩm của mình. Ảnh: NVCC

NSNA Thanh Miền sinh năm 1963 tại Lý Nhân, Hà Nam. Anh lập nghiệp và gắn bó với vùng đất Yên Bái. Thanh Miền đã đoạt nhiều giải thưởng về ảnh, cả trong nước và quốc tế. Đặc biệt, sự nghiệp nhiếp ảnh của anh gắn bó chặt chẽ với Yên Bái, vùng đất mà anh coi là quê hương thứ hai. Bên cạnh nhiếp ảnh nghệ thuật anh còn tích cực hoạt động báo chí và cũng giành nhiều giải thưởng về ảnh ở lĩnh vực này. 

NGUYỄN XUÂN THỦY thực hiện

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Sòng nhậu đầu tiên ở bãi, không bến không bờ tức giang hồ thiệt thọ, đã phết cho tôi Tàn sau Minh để hóa một Minh Tàn... (NGUYỄN TRÍ)

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)