Nhạc sĩ Doãn Nho: âm nhạc mang hồn dân tộc

Thứ Sáu, 12/01/2024 14:38
Nhạc sĩ Doãn Nho sinh năm 1933 tại Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội. Ông nhập ngũ năm 1950, xuất ngũ năm 1997 với quân hàm đại tá. Ông là hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam từ ngày thành lập (27/5/1957), Chiến sĩ thi đua toàn quốc (1958), hoàn thành chương trình đào tạo đại học và tiến sĩ tại Học viện Âm nhạc Tchaikovsky - Kiev (1981). Sự nghiệp âm nhạc của Doãn Nho có thể hình dung trên ba mảng lớn: thanh nhạc, khí nhạc và lí luận phê bình âm nhạc.

Ông được trao Giải thưởng Nhà nước (đợt 1 năm 2001) với các tác phẩm: Sóng Cửa Tùng (hợp xướng); Tiến bước dưới quân kì; Năm anh em trên một chiếc xe tăng (lời Hữu Thỉnh); Người con gái sông La (lời Phương Thúy); Chiếc khăn piêu. Năm 2017, nhạc sĩ Doãn Nho được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh với các tác phẩm: Trẩy hội Đền Hùng; Hoa Lư - Thăng Long - Bài ca dời đô (thanh xướng kịch); Khúc tưởng niệm; Chiến thắng (giao hưởng). Ngoài ra, trong sự nghiệp âm nhạc của mình, nhạc sĩ Doãn Nho còn nhận được giải Nhất, giải A, Huy chương Vàng của Bộ Văn hóa, Bộ Quốc phòng, Hội Nhạc sĩ Việt Nam, các hội diễn toàn quốc… Kỉ niệm 79 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam cũng là ngày truyền thống của Tổng cục Chính trị (22/12/1944 - 22/12/2023), Tạp chí Văn nghệ Quân đội đã có cuộc trò chuyện với ông về hành trình âm nhạc bền bỉ dưới lá cờ vinh quang của Tổ quốc, Quân đội và tình cảm gắn bó với nhân dân, quê hương, đất nước.

- Tôi cảm thấy thật may mắn khi được gặp và trò chuyện với nhạc sĩ Doãn Nho về con đường âm nhạc của ông. Xin kính chúc ông luôn mạnh khỏe và có thêm nhiều cảm hứng sáng tác mới. Để bắt đầu câu chuyện hành trình âm nhạc của một nhạc sĩ mà tên tuổi đã gắn liền với Quân đội nhân dân Việt Nam, với Tổng cục Chính trị, xin được cùng ông trở về làng Cót, gần 80 năm trước. Tứ danh hương (Mỗ - La - Canh - Cót) trong kí ức của ông là gì? Ấu thơ đã tạo nên dấu ấn gì trên con đường hoạt động cách mạng và trở thành nhạc sĩ của ông?

+ Tôi sinh ra ở làng Cót, nay là phố Hạ Yên Quyết, phường Yên Hòa, Cầu Giấy, xưa kia là ngoại thành Hà Nội. Tứ danh hương là niềm tự hào của cả làng tôi. Làng có truyền thống hiếu học, đặc biệt là văn nghệ. Tôi may mắn, vì làng tôi gắn với Hà Nội, dù ngày xưa chỉ là ngoại ô. Cả làng, trong đó có gia đình tôi, thời ông bà thì làm nông thuần túy, nhưng đến bố mẹ tôi đã chuyển sang nghề thủ công, làm giấy màu, phục vụ nhu cầu lễ tết của nhân dân. Thu nhập vượt hẳn so với làm nông. Gia đình tôi khấm khá lên, xây cất được nhà hai tầng, ở làng quê nhà hai tầng đã được gọi là nhà lầu, mua được cả đàn piano. Hồi đó, phong trào ca hát ảnh hưởng từ phương Tây khá phát triển. Trong làng chỉ có gia đình tôi mua được đàn piano, và anh trai tôi bắt đầu tập đàn. Nhờ đó mà tôi biết đến âm nhạc, yêu âm nhạc và trở thành nhạc sĩ. Nghề thủ công giúp bố mẹ tôi được đi nhiều nơi, được tiếp xúc với những sinh hoạt văn hóa bên ngoài, nên rất ủng hộ các con. Không khí âm nhạc cũng trở thành thân thuộc với gia đình.

Bác Hồ cùng các đại biểu sinh viên Việt Nam trong Festival Sinh viên quốc tế, lần thứ VI, 1957. Doãn Nho mặc áo vest đen, ngồi bên trái Bác Hồ

- Ông có học qua các lớp âm nhạc chuyên nghiệp hay các nhạc sư tân nhạc giai đoạn ấy không, thưa nhạc sĩ?

+ Anh trai tôi học nhạc, có quen biết giới âm nhạc thời bấy giờ nên giới thiệu tôi với thầy Nguyễn Dư - chuyên về violon, nhưng tôi chỉ học được hơn 2 năm, có tính chất vỡ lòng thôi. Nhưng tôi cũng đã có thể sử dụng khá tốt violon. Sau này nhập ngũ, được ông Roman Carmen ghi hình, nhân kỉ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ, tôi kéo violon bài Cò lả. Lính miền Bắc chủ yếu là ở nông thôn, đồng bằng Bắc Bộ, nên Cò lả rất quen thuộc. Bộ đội ta rất thích, người thì ngồi, người thì nằm lắng nghe bài Cò lả, vì gắn bó với đời sống của cư dân nông nghiệp.

- Điện Biên Phủ cũng trở thành bối cảnh, nguồn cảm hứng cho ông sáng tác bài Tiến bước dưới quân kì phải không?

+ Đúng vậy. Tôi vào lực lượng vũ trang năm 1944, trong Mặt trận Việt Minh. Gia đình tôi là cơ sở cách mạng, từ trước đó, của Đảng Cộng sản Đông Dương. Cơ sở Đảng này do đồng chí Vũ Oanh phụ trách, lấy nhà ông Hai Chú làm nơi hoạt động (dân làng vẫn gọi bố tôi là ông Hai Chú; bố tôi tên thật là Doãn Hưu), đây là cơ sở cách mạng rất an toàn (xóm Tre, làng Cót). Anh trai tôi cũng là đoàn viên Đoàn Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu. Đồng chí Vũ Oanh đã chọn nhà tôi làm cơ sở sinh hoạt. Từ đây, quyết định khởi nghĩa cướp chính quyền ở ngoại thành được ban ra, từ ngoại ô tiến về Ngã Tư Sở chiếm đại lí Hoàn Long, sau đó các thành viên Mặt trận Việt Minh cùng tất cả bà con kéo về Nhà hát Lớn, cùng các cơ sở cách mạng khác giành chính quyền trong nội đô (ngày 19/8/1945). Tôi rất vinh dự được là thành viên của cơ sở Việt Minh, với vai trò là liên lạc. Khi đó, dù mới 11, 12 tuổi, nhưng tôi đã có ý thức về công việc liên lạc, giúp đỡ các anh lớn trong tổ chức hoạt động. Giặc Nhật bắt nhổ lúa trồng đay, gây nên nạn đói năm 1945 thật ghê gớm, hình ảnh này ám ảnh sâu đậm vào tâm trí tôi. Dọc đường tàu điện từ Cầu Giấy đến Kim Mã bên đường có rất nhiều người chết đói. Thực tế đó đã làm bùng dậy lòng yêu nước trong tâm hồn cậu bé 11, 12 tuổi như tôi, và nhiều bạn bè cùng trang lứa khác. Có lẽ đó là khởi điểm cho nguồn cảm hứng yêu nước trong âm nhạc của tôi sau này.

- Năm 1950, ông vào trường Sĩ quan Lục quân (khóa 6), những bài hát đầu tay của ông như Bà mẹ nuôi, Đào than… đã xuất hiện kịp thời, thể hiện tình cảm quân dân và tinh thần hăng hái lao động, huấn luyện của bộ đội ta. Ông có thể nói thêm đôi nét về sự ra đời của những bài hát này?

+ Vào trường Sĩ quan Lục quân, tôi đã trở thành người lính, trong lực lượng chính quy. Khi đã thực sự trở thành người lính, ở trường Lục quân, kỉ luật rất nghiêm khắc. Với chế độ huấn luyện như vậy, bộ đội ta sau khi về nghỉ, đêm xuống, chỉ mấy phút đã chìm vào giấc ngủ. Vậy mà, tôi vẫn thức. Trùm kín chăn và khóc. Khóc vì nhớ mẹ, vì cảm động trước tình cảm của những bà mẹ ở gần thao trường, hằng ngày vẫn đem nước đến cho bộ đội. Một ấm nước và một chồng bát trên tay, các mẹ mang nước cho bộ đội. Hình ảnh thương lắm. Bài hát Bà mẹ nuôi ra đời như thế Thao trường ướt đẫm mồ hôi/ Giữa trưa là trưa trời nắng/ Trời nắng nắng soi là soi khắp nơi khắp chốn/ Sau làng bao lính lục quân/ Núp cây là cây tránh nắng/…/ Mẹ già mang đến bên là bên ấm nước/…/ Với dăm cái bát với một niềm vui/…/ Mẹ già mang đến bên là bên ấm nước, với dăm là dăm cái bát với một nụ cười… Khi bài hát cất lên, anh em thích quá. Dù là bộ đội, nhưng toàn mới 19, 20 tuổi, nên ai cũng nhớ mẹ.

Trường Sĩ quan Lục quân lúc đó có hai nhạc sĩ gạo cội, thuộc thế hệ đầu tiên xây dựng nền âm nhạc cách mạng, là bác Nguyễn Xuân Khoát và bác Đỗ Nhuận. Khi ấy, đang là quản ca của đại đội, viết được một bài hát như thế, tôi đã thấy rất vui. Bài hát này được trình bày cho hai nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát và Đỗ Nhuận cùng nghe. Các bác ấy bảo: Cậu sinh ra ở làng Cót, đất chèo (Từ Liêm), sao không lấy chất liệu chèo, dân ca mà làm nhạc, lại đi lấy chất liệu tận đẩu tận đâu? Bài hát Bà mẹ nuôi vẫn là chất liệu dân ca Trung Quốc.

Bài thứ hai là bài Đào than. Thời bấy giờ, bộ đội phải tăng gia sản xuất. Đồng chí chính trị viên bảo, Doãn Nho biết nhạc, viết một bài cổ vũ phong trào tăng gia sản xuất của đại đội. Thế là mình bắt tay vào viết ngay: Đào mau mau, đào tới tấp, dùng sức hất nhanh luôn tay/ Nào anh em, cùng cố gắng/ Trường sẽ ghi công C ta nhất trong trung đoàn… Anh em đại đội thích thú, hát say sưa. Khi đưa bài hát đến cho Nguyễn Xuân Khoát và Đỗ Nhuận nghe, các bác ấy lại cười và bảo: Bài này thì Tây quá! Cậu về viết theo làn điệu chèo của quê hương hoặc dân ca của các vùng thì tốt hơn. Đó là lời khuyên làm thay đổi hành trình âm nhạc của tôi. Nghe theo lời khuyên đó, tôi mới có thể viết được tác phẩm hợp xướng Sóng Cửa Tùng (1955). Tác phẩm này viết ngay sát Cửa Tùng bên bờ Hiền Lương, dựa vào chất liệu dân gian của Quảng Trị. Tác phẩm đã đánh thức và ngợi ca tinh thần yêu nước, ý chí hào hùng của vùng đất Quảng Bình, Quảng Trị.

Năm 1956, Điện Biên trở thành nông trường. Tổng cục Chính trị tổ chức cho cán bộ thăm lại chiến trường xưa. Đoàn tiền trạm có anh Vũ Toàn là biên đạo múa. Anh ấy biết nhạc, nên ghi lại một bài dân ca của người Khơ Mú, về trao lại cho tôi. Tôi dựa vào đó viết bài (Chiếc khăn piêu) Nghe con chim cúc cu/ kìa nó hót lên một câu rằng/ có một nàng, ở trong rừng, tìm trong rừng, kiếm trong rừng, chiếc khăn piêu… Một lần nữa, lời khuyên của các cụ Nguyễn Xuân Khoát, Đỗ Nhuận lại được tôi lưu ý và viết thành bài hát mang âm hưởng dân ca dân tộc Khơ Mú. Năm 1958, tôi viết Tiến bước dưới quân kì. Bài hát này tôi viết ngay trên đỉnh đồi A1, bên cạnh là xác chiếc xe tăng gục nòng của thực dân Pháp và những ngôi mộ của chiến sĩ ta. Tôi đã đi nhiều chiến trường, nhìn khung cảnh ấy, vô cùng xúc động trước sự hi sinh của người lính. Khi đến chân đồi A1, tôi đã không cầm được nước mắt. Từng bước từ chân đồi lên đến đỉnh đồi, tôi đã ghi nhật kí bằng âm nhạc. Từ chất liệu nhật kí ấy, tôi đã viết Tiến bước dưới quân kì. Cảm hứng đầu tiên là lòng căm thù, uất hận với tội ác của kẻ thù. Cùng với đó là âm hưởng hùng tráng của từng đoàn quân ra trận Nghe rung núi đồi từng bước ta đi/ Nhắc tới chiến công ngàn năm xưa/ Nhìn cờ hồng bay rực rỡ/ Gương bao anh hùng bừng cháy trong tim… Đó là đoạn giữa, sau đó tôi mới quay lại đoạn đầu để vẽ nên khung cảnh hòa bình, rực rỡ Vừng đông đã hửng sáng/ Núi non xanh ngàn trùng xa/ Tổ quốc bao la hiền hòa/ Tươi thắm bóng cờ vờn bay trên cao/ Muôn trái tim này hòa nhịp cùng ngàn lời ca trong sóng lúa/ Lấp lánh sao bay trên quân kì… Thế nhưng, những mất mát hi sinh vẫn không bao giờ quên. Lòng căm thù và ý chí bảo vệ đất nước, xây dựng non sông hòa bình tươi đẹp đã tiếp thêm sức mạnh cho đoàn quân ra trận, dưới lá cờ vinh quang của Tổ quốc.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng nhạc sĩ Doãn Nho (1998)
(Ảnh gia đình cung cấp)

- Vâng! Mỗi lần nghe bài hát Tiến bước dưới quân kì, chúng ta đều cảm nhận rõ nhịp điệu hùng tráng của đoàn quân ra trận. Dường như, trong bài hát còn có sự cộng hưởng của ý chí, lòng tự hào dân tộc vang vọng từ ngàn xưa. Bài hát này trở thành một trong những bài truyền thống của Quân đội nhân dân Việt Nam, và đó cũng là dấu ấn lớn trong cuộc đời của nhạc sĩ Doãn Nho. Tôi được biết, nhạc sĩ Doãn Nho còn có ca cảnh Lá đơn tình nguyện biểu diễn suốt dọc Trường Sơn những năm đánh Mĩ. Ông có thể nói thêm về ca cảnh này không?

+ À! Đó là một ca cảnh, cấp độ dưới ca kịch. Trong hoàn cảnh chiến tranh, khi cần phải đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ hành quân, chiến đấu, thường các sinh hoạt văn nghệ diễn ra cũng rất gọn nhẹ, có khi chỉ là một cây đàn mandolin. Đây lại là một ca cảnh, cần phải có nhiều người, có dàn dựng lớn hơn một bài hát. Thế nhưng, ca cảnh Lá đơn tình nguyện đã được biểu diễn nhiều lần, trên tuyến đường Trường Sơn, được bộ đội rất yêu thích. Sau đó, quãng 1968, tôi sáng tác hợp xướng Mùa xuân lên đường, lấy chất liệu là một điệu lí Nam Bộ cũng rất được nhân dân và bộ đội hưởng ứng.

Sau bài hát Tiến bước dưới quân kì, năm 1971 Tổng cục Chính trị cử tôi đi học ở Liên Xô. Đó là bước ngoặt đối với cuộc đời âm nhạc của tôi. Nếu không được Tổng cục Chính trị cho đi học, tôi đã không thể viết được những tác phẩm lớn sau này ở các thể loại thanh xướng kịch, giao hưởng, opera… Sau khi tốt nghiệp đại học với kết quả ưu tú, tôi tiếp tục được học lên bậc nghiên cứu sinh/ tiến sĩ. Thời gian tôi ở Liên Xô là 9 năm. Tác phẩm tốt nghiệp đại học của tôi là một bản giao hưởng, 3 chương, tên là Chiến thắng. Tác phẩm thể hiện chiến công lừng lẫy, hào hùng của dân tộc ta. Ông thầy dạy sáng tác ở Học viện Âm nhạc Tchaikovsky đã rất khen ngợi tác phẩm này cả về khía cạnh nội dung và kĩ thuật. Khi gọi điện về Việt Nam cho nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát, tôi nói rằng, mình vừa viết xong một bản giao hưởng, và muốn tiếp tục hướng đi này khi học lên tiến sĩ. Nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát cười nói: Cậu vừa viết xong giao hưởng, giờ lại viết tiếp để làm gì? Bây giờ lên nghiên cứu sinh, hãy viết một luận án, nghiên cứu về lí thuyết âm nhạc.

- Ồ! Đó là một gợi ý rất bất ngờ phải không thưa nhạc sĩ? Dường như, trong âm nhạc Việt Nam, chúng ta vẫn rất hiếm hoi các công trình nghiên cứu lí luận - lí thuyết âm nhạc?

+ Đúng vậy đấy! Luận án của tôi có tên là Tư duy đơn âm, tư duy đa âm: bản chất ngôn ngữ âm nhạc Việt Nam hiện đại. Đó là một công trình nghiên cứu mang tính chất nền tảng để xây dựng lí thuyết âm nhạc Việt Nam. Hiện nay, công trình này vẫn được sử dụng để giảng dạy trong Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội. Công trình này được bảo vệ tại Liên Xô, đã được các nhà nghiên cứu âm nhạc thẩm định và công nhận. Tôi đang bàn với Hội Nhạc sĩ, Học viện Âm nhạc Quốc gia, để thu hút các giảng viên, học viên, tập trung nghiên cứu để hoàn thành bộ lí thuyết âm nhạc Việt Nam.

- Tôi rất tò mò về luận án này, ông có thể chia sẻ thêm một chút về tư duy đa âm, tư duy đơn âm trong ngôn ngữ âm nhạc Việt Nam hiện đại?

+ Tình trạng âm nhạc của chúng ta hiện nay đó là, nhiều nhạc sĩ viết nhạc, dựa vào chất liệu dân ca Việt Nam. Dân ca Việt Nam, giai điệu thuộc hệ thống ngũ cung truyền thống. Thế nhưng, khi viết xong, lời ca, giai điệu của Việt Nam, phối âm lại theo cách của phương Tây. Không phù hợp! Bây giờ phải có lí thuyết âm nhạc Việt Nam. Có thể vẫn rút kinh nghiệm từ âm nhạc phương Tây (thất cung) nhưng phải làm ra một hệ thống của Việt Nam theo chiều dọc. Chẳng hạn, ở Nga, dân ca của họ là lục cung, mang bản sắc riêng, vì thế họ xây dựng được hệ thống lí thuyết âm nhạc của họ là lục cung (như bài Chiều Moskva…) Tiếng Việt rất giàu thanh điệu, đó là hiện tượng rất độc đáo mà chúng ta cần khai thác, ứng dụng, xây dựng thành hệ thống lí thuyết làm nền tảng cho việc giáo dục truyền thống, văn hóa, ngôn ngữ, âm nhạc. Trước hết, đối với trẻ em, ngay từ khi lớn lên, biết nghe, những sắc thái này được ngấm vào người. Sau đó, trong sáng tác, từ bài hát cho đến giao hưởng, hệ thống này được phát huy, tạo nên bản sắc độc đáo của âm nhạc Việt Nam. Dân tộc - khoa học - đại chúng, chính là ở chỗ ấy. Khoa học nào thì khoa học, trước tiên phải xuất phát và gắn bó với dân tộc, với nhân dân. Hiện nay, về lời bài hát, giai điệu, kể cả trong giao hưởng có thể đã mang được tinh thần, sắc thái Việt Nam, nhưng hệ thống phối âm đã Việt Nam chưa? Do vậy, nhân danh âm nhạc, nhân danh việc phát huy bản sắc văn hóa Việt Nam, chúng ta cần hoàn thành một nhiệm vụ quan trọng đó là xây dựng nền tảng, hệ thống lí thuyết âm nhạc Việt Nam.

- Công trình Tư duy đa âm, tư duy đơn âm: bản chất ngôn ngữ âm nhạc Việt Nam hiện đại đã được xuất bản thành sách chưa, thưa ông? Và, hiện tại, ông có nhận được sự đồng hành của các nhà nghiên cứu với việc tiếp tục hoàn thiện hệ thống lí thuyết âm nhạc Việt Nam?

+ Có lẽ đây là một trong những điều khiến tôi phải suy nghĩ nhiều nhất. Tôi năm nay đã ngoài 90 tuổi rồi. Thời gian thực tế không còn nhiều, sớm chiều nào ai biết được. Tôi vẫn mong muốn có thể xuất bản công trình này, đồng thời, cùng các nhà nghiên cứu, xây dựng thành công một hệ thống lí thuyết âm nhạc của riêng Việt Nam. Đó là một di sản thực sự quan trọng đối với các sinh hoạt âm nhạc nói chung ở Việt Nam, từ bình dân đại chúng đến các chương trình âm nhạc lớn, tinh hoa như giao hưởng, thanh xướng kịch, opera…

- Thưa nhạc sĩ Doãn Nho, trong quan sát của tôi, một người ngoại đạo, những sáng tác âm nhạc Việt Nam hiện thời vẫn đang phát triển khá mạnh dòng nhạc dân gian đương đại, khai thác chất liệu văn hóa dân gian. Mặt khác, việc phối khí hay sử dụng các nhạc cụ phương Tây khi trình tấu các tác phẩm dân gian Việt Nam, hoặc kết hợp nhạc cụ dân tộc, cổ điển phương Đông với dàn nhạc phương Tây để biểu diễn vẫn mang lại nhiều điều mới lạ, hấp dẫn, gây được hứng thú đối với công chúng?

+ Rõ ràng không thể phủ nhận điều đó. Đó cũng là những cách làm, từng bước, đó đây, nhiều khi mang tính ngẫu hứng, bột phát. Cần phải có lí thuyết, có hệ thống, vững chắc và xuyên suốt. Giới chuyên môn, người ta sẽ nhận ra độ chênh hay các nhược điểm trong các kết hợp ấy. Dĩ nhiên, có thể công chúng thưởng thức âm nhạc nói chung không dễ cảm nhận được điều đó, nhất là khi nó xuất hiện trong các dàn nhạc lớn với nhiều loại nhạc cụ khác nhau.

- Vâng! Quả tình, với người thưởng thức âm nhạc, có khi, âm hưởng, giai điệu, lời ca đã cuốn họ đi, những vấn đề thuộc về chuyên môn sâu, mang tính lí luận, lí thuyết âm nhạc, họ sẽ không để ý và cũng khó có thể phát hiện ra nếu không có chuyên môn. Càng nghĩ về điều nhạc sĩ chia sẻ - cần phải có một bộ nguyên tắc, một hệ thống lí thuyết âm nhạc của Việt Nam, tôi nghĩ rằng, đó là một dự án lớn, đóng góp quan trọng vào cả lí luận - lí thuyết âm nhạc và thực tiễn sinh hoạt âm nhạc Việt Nam. Bản sắc văn hóa dân tộc hiện ra trong những đúc kết, xây dựng như thế. Trở lại câu chuyện âm nhạc đương đại, ông quan sát thấy đời sống âm nhạc hiện nay như thế nào?

+ Tôi vẫn cảm nhận một sự dang dở, do chưa có lí thuyết âm nhạc thể hiện một cách hệ thống tư duy âm nhạc của người Việt (hiểu rộng là Việt Nam.) Đành rằng, chúng ta phải hướng tới hiện đại, phải tôn vinh lớp trẻ, không thể bắt giới trẻ cứ nhất nhất phải đi theo ngôn ngữ âm nhạc của thế hệ cha ông. Giới trẻ vẫn sinh hoạt âm nhạc qua các thể loại như rap, rock, pop… Nhưng vấn đề ở đây là rap Việt Nam, rock Việt Nam, pop Việt Nam… Rap, rock, pop… của nước ngoài, dù được giới trẻ Việt Nam sử dụng, gì thì gì nó vẫn không phải là của Việt Nam. Tôi theo dõi trên truyền hình, những tác phẩm âm nhạc của giới trẻ hiện nay có thể thấy sự dung hợp của cả Tây, cả Tàu, cả Việt. Thành ra, Việt không ra Việt, Tàu không ra Tàu, Tây không ra Tây. Những tác phẩm có được sắc thái Việt Nam một cách đậm đà không nhiều đâu.

- Ý kiến của ông nhắc tôi nhớ lại một vài sự việc trong lịch sử văn học Việt Nam, từ thời Thơ mới (1932 - 1945) đến nay. Thời Thơ mới, khi Xuân Diệu xuất hiện, người ta thấy ông Tây quá, đến nỗi có người phải lên tiếng, tìm kiếm, vẫy gọi sự thông cảm của công chúng với thi sĩ. Bây giờ, có hiện tượng, một số nhà văn trẻ viết Tây quá (do họ được sống trong môi trường phương Tây - du học sinh hoặc người Việt sống ở nước ngoài, thậm chí ở ngay trong nước cũng bị ảnh hưởng do đọc các tác phẩm nước ngoài.) Tôi nghĩ rằng, nếu phải tìm một tác phẩm của nhà văn trẻ đậm chất Anh, Mĩ, Pháp, Đức… họ sẽ tìm đến bản ngữ, chứ chẳng đọc nó thông qua một sáng tác của nhà văn trẻ Việt Nam. Trong âm nhạc, từ phong trào Tân nhạc đầu thế kỉ XX đến giờ, chắc cũng có hiện tượng ấy. Bởi vậy, dù là hình thức nào, thì văn hóa, tâm thức, tâm tính, bản sắc vẫn phải mang được hồn cốt Việt Nam. Cái hồn cốt ấy, trong âm nhạc, theo ông là gì?

+ Lời Việt chưa đủ. Giai điệu Việt Nam chưa đủ. Lời và giai điệu là theo chiều ngang. Ở đây, vấn đề cốt lõi là tư duy, là cả một hệ thống theo chiều dọc. Nó không phải là giai điệu, mà là sự hòa âm dựa trên những khung khổ cố định hoặc chúng ta có thể nói đến một thuật ngữ chuyên môn là “lòng bản.” Từ lòng bản này, các biến tấu có thể được thực hiện, nhằm đem đến những biểu đạt mới lạ. Tuy nhiên, như tôi đã nói, vẫn cần có một hệ thống mang tính cốt lõi, chặt chẽ, thuộc về chiều dọc trong cách vận hành của dàn nhạc. Bài bản phải dựa trên lòng bản.

- Đây thực sự là những vấn đề chuyên môn sâu mà một người nghe nhạc thuần túy như tôi khó có thể tiếp thu ngay hoặc luận bàn cùng ông. Xin ông thứ lỗi về điều đó. Vừa rồi, tôi được biết, nhạc sĩ Doãn Nho đã có 2 đêm công diễn vở nhạc kịch Bài ca tình yêu tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Ông có thể chia sẻ thêm về vở nhạc kịch này, vì như ông bày tỏ, đây là tác phẩm lớn cuối cùng của ông?

+ Khi vở nhạc kịch này được công diễn, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, cũng đến dự, và ông ấy rất thích. Công chúng yêu âm nhạc cũng rất hoan nghênh, hưởng ứng. Dù vấn đề thất cung hay ngũ cung, lòng bản hay bài bản, kĩ thuật hòa âm, phối khí, trình diễn… có thể công chúng chưa để ý nhiều, nhưng không khí Việt Nam, sắc thái tâm hồn Việt Nam đã thấm thía từ câu chuyện đến tình tiết, tình cảm. Khi âm nhạc vang lên… tất cả đều rất gần gũi. Tâm nguyện của tôi, vẫn muốn được sự ủng hộ của Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, tiếp tục có thêm 2 đêm công diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội và 2 đêm tại thành phố Hồ Chí Minh.

- Nhạc sĩ Doãn Nho có suy nghĩ hay hi vọng gì gửi gắm vào âm nhạc trẻ hoặc đời sống âm nhạc hiện nay không?

+ Vẫn phải hi vọng vào lớp trẻ. Hoạt động âm nhạc của giới trẻ hiện nay đi rất sâu vào khía cạnh tâm trạng hay những sinh hoạt đời sống cá nhân, đôi khi rất riêng tư. Mặc dù, lời ca được hoan nghênh, giai điệu cũng dễ được chấp nhận, vũ điệu, ánh sáng, công nghệ… có thể bắt nhịp với những vận động chung của thời đại và thế giới, nhưng để thế giới công nhận đó là âm nhạc của Việt Nam thì cần sự cộng tác, chung sức của nhiều người (cả già cả trẻ), sự định hướng đối với lớp trẻ… làm sao sớm có một hệ thống lí thuyết âm nhạc Việt Nam. Tôi xin nhắc lại rằng, cần phải có một hệ thống lí thuyết âm nhạc Việt Nam, để xây dựng một nền âm nhạc mang bản sắc dân tộc một cách vững chắc, làm cơ sở, tiền đề cho quá trình hội nhập, hòa nhập. Không hòa tan, cái gì không hòa tan, đó chính là căn cốt văn hóa Việt Nam trong âm nhạc, đặc sắc riêng trong lối tư duy, thẩm thấu và biểu hiện âm nhạc. Cho đến giờ, công trình Tư duy đa âm, tư duy đơn âm: bản chất ngôn ngữ âm nhạc Việt Nam hiện đại, luận án tiến sĩ của tôi tại Học viện Tchaikovsky, vẫn ở đấy như một sự chờ đợi những tiếng nói đồng tâm, hướng tới một nền tảng lí luận - lí thuyết âm nhạc của riêng Việt Nam.

- Xin trân trọng cảm ơn nhạc sĩ Doãn Nho đã tham gia cuộc trò chuyện này!

PV

VNQD
Thống kê