Biến di sản thành tài sản góp phần nâng cao đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số

Thứ Hai, 20/11/2023 11:20
Hơn bốn mươi năm công tác, trải qua nhiều vị trí từ Phó Chủ tịch UBND thị xã Nghĩa Lộ, đến Giám đốc Sở Văn hóa, rồi Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái, Phó Ban chỉ đạo Tây Bắc và Thứ trưởng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc của Chính phủ, bà Hoàng Thị Hạnh vẫn luôn gắn bó và dành nhiều tình cảm tới công cuộc giữ gìn bản sắc, phát huy, phát triển, hiện đại hóa nền văn hóa dân tộc, nhất là đồng bào các dân tộc ít người.

- Chắc hẳn sẽ nhiều người bất ngờ khi biết bà từng là nhà thơ của tỉnh Yên Bái và là tác giả của những câu thơ dịu dàng, đằm thắm: Chiều mùa thu nắng vàng như mật/ Khi nhắc tên đèo Ách, Cầu Nhì/ Khi đã từng nghe rừng gió hút/ Anh có vào Nghĩa Lộ với em không?// Anh có vào Nghĩa Lộ với em không?/ Cánh đồng Mường Lò đang vào mùa gặt/ Suối Thia kể chuyện lời yêu ngày trước/ Bờ núi Hoàng Liên mây trắng ngang trời... Bài thơ sau đó được phổ nhạc trở thành một bài hát nổi tiếng, làm thương hiệu cho một vùng đất giàu trầm tích văn hóa như Mường Lò, Nghĩa Lộ…

+ Năm 1995, khi tôi đang giữ cương vị Phó Chủ tịch UBND thị xã Nghĩa Lộ, một lần dự hội nghị tổng kết về công tác thanh niên của tỉnh có nhiều bộ, ngành, đoàn của Trung ương về dự. Trong hội nghị, anh Tấn Phương (khi đó là Vụ phó Vụ Văn nghệ Ban Tuyên giáo Trung ương) đã thay mặt đoàn đọc tặng nhân dân các dân tộc Yên Bái một bài thơ giàu cảm xúc về đất và người nơi đây. Bài thơ ấy đã cho những người trong hội nghị thấy có một Yên Bái đang trên đà đổi mới, tuy vậy khi nghe xong tôi vẫn thấy ngậm ngùi và hơi “tự ái” vì cảm thấy những người khách dường như vẫn chưa đi hết, hiểu hết quê hương tươi đẹp của mình. Thế là chỉ trong vòng 10 phút tôi đã viết bài thơ Anh có vào Nghĩa Lộ với em không? Hội nghị giải lao, tôi nhờ một đồng chí lãnh đạo tỉnh chuyển bài thơ đến đoàn công tác. Thật bất ngờ, hết giờ giải lao, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị tôi thay mặt nhân dân các dân tộc Yên Bái lên đọc bài thơ này tặng đoàn. Hội trường vỗ tay nhiệt liệt và “đòi” tôi đọc lại lần thứ hai. Sau khi được mời trải nghiệm thực tế, cảnh sắc, con người Nghĩa Lộ, anh Tấn Phương đã đem bài thơ về Hà Nội và chuyển đến nhạc sĩ Trọng Loan (sau được biết mẹ của nhạc sĩ cũng từng sống ở Yên Bái). Ông đã nhanh chóng phổ nhạc, phối khí tại Đài Tiếng nói Việt Nam, do ca sĩ Kim Tiến ở Đoàn Nghệ thuật Quân đội trình bày và cho lên sóng. Anh có vào Nghĩa Lộ với em không? được trao Tặng thưởng của Uỷ ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam năm 1998. Tặng thưởng hồi ấy được bốn triệu đồng (to lắm), nhạc sĩ gửi bưu điện cho tôi hai triệu, bảo để khao bạn bè. Hai mươi tám năm trôi qua có nhiều câu chuyện vui xung quanh bài hát ấy, còn tôi luôn nghĩ nó như một sự sẻ chia, tri ân với đồng bào các dân tộc mảnh đất Nghĩa Lộ - nơi tôi có một thời thanh niên sôi nổi, gắn bó với bao thế hệ học trò và bè bạn.

- Là một người dân tộc Tày, dù xa quê hương nhiều năm và đã trải qua nhiều cương vị lãnh đạo, nhưng “chất Tày” trong bà dường như vẫn vẹn nguyên…

+ Quê tôi là làng Ao Bon, xã Chấn Thịnh - một xã vùng ngoài của huyện Văn Chấn, Yên Bái. Một làng người Tày bé nhỏ nằm trọn trong thung lũng bốn mùa xanh cây lá. Tôi sinh ra bên bếp lửa nhà sàn, tập nói tiếng Kinh khi đi học vỡ lòng, được gia đình truyền dạy tự nhiên bằng một “chất Tày” từ cơm ăn nước uống thường ngày, chơi các trò chơi dân gian của người Tày, được học và làm việc trên những thửa ruộng nhỏ từ gieo mạ, cấy lúa đến lúc làm cỏ, gặt lúa cum, xông thóc làm cốm mới. Rồi được dạy hát then, giậm thuông đón trăng, hát ru em bằng dân ca Tày... Tôi yêu quê hương có lẽ bắt đầu từ những câu ca dao tục ngữ của ông tôi, một người đàn ông Tày giỏi làm các món ăn đặc trưng và có khiếu hài hước, thuộc nhiều thơ Nôm dài về tình cảm lứa đôi. Cả người mẹ đáng tự hào của tôi nữa, bà rất giỏi ứng đối bằng thi ca từ việc dạy con đến ứng xử xóm làng. Trong tâm trí tôi còn nhớ như in những lời răn dạy của ông, của mẹ: Quả ớt dẫu cay cũng ăn cả vỏ/ Quả chuối dẫu ngọt cũng bỏ vỏ đi hay Yêu nhau chẻ chuối đốt thành đuốc vẫn cháy…

Văn hóa thôn bản của người Tày làng Ao Bon ngày ấy đã thấm đẫm và hình thành nên nhân cách của thế hệ chúng tôi. Bây giờ tôi vẫn nói tiếng Tày, tiếng Thái khi về với bản làng, có thể hát được ít nhiều giai điệu dân ca của dân tộc mình trong những đêm xòe, đêm then... Quá nửa đời người xa quê hương, nhưng hình như, có điều gì đó khó miêu tả, cái chất Tày ấy, tuy mềm mại và mỏng manh nhưng cũng thật bền chắc, níu giữ tâm hồn con người qua bao nhiêu khó khăn của cuộc đời.

Giao lưu trao đổi văn hóa là một thành tố góp phần gia tăng hiểu biết và cố kết giữa các tộc người. Ảnh: Quang Minh

- Trở lại câu chuyện đời sống đồng bào các dân tộc ít người, thực tế cho thấy cuộc sống của đồng bào ngày càng khấm khá, song khoảng cách với người miền xuôi vẫn còn khá xa. Bà có thể cho biết chúng ta đã và đang có những chính sách cơ bản nào đi vào vùng dân tộc ít người, nơi vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn? Bà đánh giá chính sách nào sẽ là đòn bẩy giúp vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi phát triển bền vững?

+ Giai đoạn nào Đảng và Nhà nước ta cũng đều đặc biệt quan tâm đến đồng bào DTTS và có nhiều chính sách để rút ngắn khoảng cách giữa miền ngược và miền xuôi, giữa vùng đô thị và nông thôn. Nhờ có những chính sách ngày càng phù hợp nên nông thôn miền núi đã đổi thay rõ rệt, đời sống của đồng bào hiện đã khấm khá hơn nhiều. Tôi còn nhớ một anh cán bộ người Mông, từng là bí thư huyện ủy ở một huyện miền núi “khoe” với tôi: Đời sống của người dân tộc ít người đã tốt lên rất nhiều nhờ sự chăm lo của cấp ủy, chính quyền các cấp và sự cố gắng tự thân của người dân. Những con đường xi măng đến tận bản, hầu như nhà nào cũng có xe máy. Điện về vùng cao dù là điện lưới hay thủy điện nhỏ cũng tạo nên sự thay đổi trong cuộc sống của từng nhà, không còn cảnh chỉ có bóng tối với ngọn đèn dầu, tiếng đài, tivi, sáng đêm rộn rã núi rừng... Người dân đã chấm dứt nạn đói đứt bữa khi chuyển mùa, có áo ấm mùa đông, có những cây cầu qua suối vững chãi và đâu đâu cũng có trường học các cấp mà ngày xưa nằm mơ cũng không thấy. Sự thay đổi ấy là công ơn to lớn của Bác Hồ, của Đảng và Nhà nước ta.

Theo điều tra thực trạng tình hình đời sống, văn hóa xã hội của đồng bào DTTS và miền núi gần đây, ngoài những kết quả đã đạt được thì vẫn còn nhiều khó khăn cần tiếp tục tháo gỡ. Do điểm xuất phát thấp về kinh tế, lũ lụt thiên tai, đồng bào lại ở xa đô thị, nhiều đồng bào cư trú nơi biên giới, hải đảo, điều kiện tiếp cận dịch vụ chưa thuận lợi nên cần được tiếp tục quan tâm bằng các chính sách đặc thù để rút ngắn hơn nữa khoảng cách với vùng phát triển. Tiếp tục khẳng định mục tiêu chiến lược về công tác dân tộc của Đảng: Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tương trợ giúp đỡ nhau cùng phát triển. Quốc hội đã phê duyệt hai Nghị quyết về Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 và phê duyệt Chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030; Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 1719/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I, từ năm 2021 đến năm 2025... Về cơ bản, hiện nay chương trình mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS trọng tâm giải quyết những vấn đề cấp bách và khó khăn nhất mà giai đoạn trước chưa giải quyết được. Ví dụ như hoàn thành tái định cư cho đồng bào ở Tây Nguyên; nước, đất ở, đất sản xuất ở các vùng thiên tai; dịch vụ cho người dân ở biên giới; giải quyết việc tái mù chữ; nâng cao đời sống tinh thần phụ nữ; tuyên truyền đẩy lùi nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, suy dinh dưỡng trẻ em, đặc biệt đây là chương trình mục tiêu duy nhất có một đề án về giới do Hội Phụ nữ chủ trì và có năm cái nhất: thời gian dài nhất (10 năm), kinh phí lớn nhất (137 ngàn tỉ cả vốn trung ương và địa phương), nhiều đề án và các tiểu dự án, mục tiêu nhất (10 dự án, 22 tiểu dự án, 55 nội dung đầu tư và hỗ trợ), được kì vọng nhiều nhất (quan tâm đến bình đẳng giới)... Tôi tin tưởng chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững sẽ làm đòn bẩy nâng cao hơn nữa chất lượng cuộc sống, tinh thần của đồng bào.

- Một số khía cạnh về tiếp cận giáo dục, tiếp cận dịch vụ y tế và các chính sách và dự án hỗ trợ hiện nay như thế nào, thưa bà?

+ Trong 10 đề án, 22 tiểu dự án và trên 55 nội dung đầu tư, hỗ trợ, vấn đề tiếp cận chính sách giáo dục và y tế được thay đổi cơ bản, đó là chuyển từ phương pháp tiếp cận hỗ trợ sang đầu tư phát triển. Nó sẽ làm thay đổi về chất trong cách làm. Phân cấp mạnh cho các địa phương. Trung ương hướng dẫn, hỗ trợ tạo hành lang pháp lí và tăng cường kiểm tra, giám sát, và nghiệm thu mục tiêu.

- Khai thác du lịch bản địa đang trở thành xu hướng được xã hội ủng hộ. Quan điểm của bà về việc phải xây dựng một bản đồ cảnh quan văn hóa các dân tộc ít người?

+ Rất cần thiết xây dựng bản đồ này. Tuy nhiên phải là bản đồ mở vì tính chất giao thoa của văn hóa rất thú vị và đặc thù. Việc này phải có một cuộc trao đổi riêng, rất thú vị, khả thi vì nó gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi mà Chính phủ đã phê duyệt.

- Như vậy, nghĩa là sẽ có thêm nhiều cơ hội hơn cho những lớp người trẻ dân tộc ít người?

+ Chưa bao giờ cơ hội bảo tồn, phát huy, phát triển văn hóa các dân tộc, đặc biệt phát triển kinh tế du lịch, du lịch văn hóa tộc người, khám phá thiên nhiên mạo hiểm lại thuận lợi như hiện nay. Tôi biết có nhiều bạn trẻ sau khi học cao đẳng, đại học hoặc đi làm ở các thành phố lớn thấy được tiềm năng ở quê hương mình đã trở về mở các homestay, nơi du khách sẽ được nghỉ ngơi, ăn uống, sinh hoạt ngay trong ngôi nhà thân thuộc của đồng bào. Tại đây du khách có cơ hội “ăn bản, ngủ bản” để tìm hiểu, khám phá, trải nghiệm đời sống con người, phong tục tập quán, những nét văn hóa đậm đà bản sắc địa phương, còn người dân sẽ có cơ hội phát triển các loại hình kinh doanh đáp ứng nhu cầu của khách du lịch. Nay ở nhiều địa phương, các lễ hội đã được phục hồi, các loại hình dân vũ, dân ca được phục dựng... điều đó cũng giúp cho người trẻ mở ra nhiều cơ hội về việc làm ngay tại chỗ, vừa phát triển quê hương, vừa bảo tồn bản sắc và phát triển văn hóa theo hướng xanh, hài hòa, hạnh phúc.

- Đồng bào các dân tộc anh em đã có sự hiện diện lâu đời và hình thành nhiều phong tục canh tác sản xuất gắn với văn hóa tâm linh, tri thức trên địa bàn sinh kế. Trước xu hướng hòa nhập rộng rãi hiện nay, theo bà cần làm thế nào để quá trình giao lưu, hợp tác văn hóa, phát triển, vừa tự làm cho mình giàu có hơn, phong phú, hiện đại hơn vừa giữ được thế chủ động trong tiếp nhận về mặt văn hóa, kinh tế mà không đánh mất giá trị đích thực của mình?

+ Trước sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, nước ta đã hòa nhập ngày càng sâu rộng với nền văn hóa các nước trong khu vực và quốc tế, bản sắc văn hóa Việt Nam nói chung và các DTTS nói riêng có nhiều cơ hội tỏa sáng nhưng cũng đầy nguy cơ mai một, lai căng và biến chất. Tiên lượng được điều này, chúng ta đã có nhiều động thái trong tuyên truyền vận động đồng bào, có chiến lược trong chính sách để bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc trong hội nhập và phát triển. Thực tế chúng ta đã tạo được “những chất xúc tác quan trọng” để chống lại sự thâm nhập không mong muốn có kết quả trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, một số nơi, từ trang phục, kiến trúc đến phong tục tập quán và cái chất hồn hậu phóng khoáng của đồng bào cũng bị mai một ít nhiều. Để khắc phục điều đó, 1 trong 10 đề án của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi đã xác định việc phải tăng cường giao lưu văn hóa, mở rộng các hoạt động liên kết, tăng cường công tác tuyên truyền và đặc biệt làm rõ giá trị văn hóa với vai trò chủ thể của chính đồng bào trong phục dựng, trong bảo tồn và phát triển. Hơn bao giờ hết, người dân phải được tạo niềm tin, được hỗ trợ để làm giàu văn hóa của mình một cách tự nhiên ngay trong cuộc sống thường ngày. Bản sắc văn hóa từng ngày đã được trao truyền ngay trong lòng cuộc sống. Vì vậy quan tâm đến sự ổn định của mỗi gia đình, nâng cao đời sống của đồng bào về cả vật chất và tinh thần, không để diễn ra tác động thô bạo hay lôi kéo, dụ dỗ của những tác nhân xa lạ làm lệch lạc giá trị văn hóa của mình.

- Vâng. Đây đó, tôi vẫn còn nhận thấy thiên kiến chủ quan về khác biệt tộc người tồn tại ở một bộ phận nhân dân. Vô hình trung, điều đó đã tạo nên sự ngăn cách xã hội và làm cản trở không nhỏ đến sự phát triển bình đẳng của các tộc người, phải không thưa bà?

+ Những thiên kiến chủ quan về sự khác biệt tộc người đã được khắc phục nhiều, phần do tác động mạnh mẽ của chủ trương và chính sách đại đoàn kết các dân tộc của Đảng và Nhà nước, phần vì cuộc sống xen kẽ, giao thoa đủ thời gian cho người miền xuôi, miền núi và các dân tộc hiểu biết lẫn nhau. Những quyền lợi tương đồng trong một không gian sống giữa các dân tộc đã kéo họ gần lại nhau cả về vật chất lẫn tinh thần. Có những mái nhà có đến 3 thành phần dân tộc cùng chung sống. Ở huyện Lục Yên, Yên Bái nhiều gia đình người Dao có các cô dâu, chú rể là người Kinh và người Tày hay gia đình người Tày có con dâu, con rể là người Kinh, người Mông... Họ sống hòa nhập, yên bình và trở thành những gia đình văn hóa. Tuy nhiên đây đó vẫn còn những ngăn cách dù nhẹ nhàng hơn, không còn trực diện phân biệt như trước Cách mạng tháng Tám. Vẫn còn những câu chuyện nếu nghe qua thì thấy như là đương nhiên, nhưng nghĩ tới thì có gì đó ngậm ngùi. Có những câu quen thuộc như “Mặc dù là người DTTS nhưng bạn ấy tiếp thu rất tốt...” Người nói không hề có định kiến, nhưng người nghe, kể cả không phải người DTTS cũng nhận ra có cái cần phải thay đổi. Không biết có phải vì tôi là người DTTS nên mới nhạy cảm đến vậy.

Thẳng thắn mà nói, định kiến về tộc người ở những mức độ khác nhau vẫn còn tồn tại trong các nhóm cư dân. Có thể chỉ là vô thức, nhưng đó là rào cản đối với quá trình hội nhập, hợp tác cùng phát triển giữa các tộc người. Những đặc điểm của lịch sử tộc người, cấu trúc dòng họ và cách thức tổ chức cuộc sống, quan hệ đồng tộc xuyên quốc gia, chuyển đổi tín ngưỡng... là những vấn đề mà các thế lực thù địch có thể lợi dụng để chia rẽ dân tộc gây mất ổn định xã hội. Cần lắm những nội dung truyền thông kịp thời để gắn kết các dân tộc anh em trong khối đại đoàn kết toàn dân, như lời Bác Hồ khẳng định trong chuyến thăm nhân dân Yên Bái: “Đã gọi là đoàn kết thì phải giúp đỡ nhau như anh em trong nhà. Dân tộc nhiều người phải giúp đỡ dân tộc ít người, dân tộc ít người cần cố gắng làm ruộng. Hai bên phải giúp đỡ lẫn nhau. Dân tộc đông người không phải giúp qua loa, cũng như dân tộc ít người không nên ngồi chờ giúp. Một bên ra sức giúp, một bên ra sức làm. Giúp nhau thì việc gì cũng nhất định làm được”. Cái cốt lõi là đoàn kết các dân tộc và nâng cao thực chất đời sống của đồng bào. Phải thực bụng yêu thương và săn sóc cho đồng bào vì sự phát triển chung của đất nước. Đồng bào DTTS ở vùng biên giới là những cột mốc sống giữa biên cương. Quan tâm, đầu tư cho vùng đồng bào DTTS là đầu tư cho phát triển và góp phần quan trọng thiết thực bảo vệ Tổ quốc bền vững nhất.

- Dường như, các tác phẩm văn học nghệ thuật xưa nay thường chỉ phản ánh nổi bật thân phận thấp kém hoặc hoàn cảnh bi thương của người phụ nữ các dân tộc ít người. Qua thực tế làm công tác dân tộc, bà có quan điểm khác về vấn đề này không? Mối quan hệ giới và quyền năng nội bộ hộ gia đình của người phụ nữ đã có biến đổi, nên chăng, những người làm văn học nghệ thuật cũng cần phải có cách tiếp cận khác?

+ Các tác phẩm văn học nghệ thuật xưa và một số tác phẩm văn học thời nay vẫn định hình phản ánh thân phận người phụ nữ DTTS với những hoàn cảnh bi thương, nhờ đó mà tiếng nói lên án chế độ phong kiến hà khắc, định kiến giới được cả xã hội đồng thuận góp phần giải phóng phụ nữ một cách tích cực. Tuy nhiên trong giai đoạn hiện nay, khi xây dựng nhân vật phụ nữ điển hình mà còn tồn tại cách nhìn xưa cũ thì không còn phù hợp. Sự vất vả khó khăn mà người phụ nữ DTTS đang phải vượt lên chính là làm mới mình, là học tập, tham gia các tổ chức hội đoàn, phát triển kinh tế... Tôi thấy họ luôn có cách làm, cách nghĩ rất riêng, vừa chống lại sự xâm nhập mạnh mẽ của xã hội bên ngoài với những dòng chảy văn hóa lai căng, vừa phải chọn hướng đi mới cho mình để chăm lo cuộc sống kinh tế gia đình trước những khó khăn, khắc nghiệt nơi mình sống. Họ giữ nguyên phẩm chất đảm đang, vị tha, thủy chung son sắt, giàu đức hi sinh từ ngàn xưa, nhưng ngày nay họ có niềm tin, có chỗ dựa vững chắc dưới sự bảo vệ của pháp luật và cả cộng đồng. Tôi đến làng văn hóa người Mông ở Sìn Hồ - Lai Châu, đến làng văn hóa của người Thái ở Điện Biên, làng văn hóa của người Thái ở Nghĩa Lộ, Mù Cang Chải hay những điểm du lịch nổi tiếng của người Mường ở Hòa Bình... Các chị em phụ nữ làm chủ ngôi nhà mình và giúp chồng đón khách rất tốt. Họ là linh hồn của những câu chuyện về bản làng. Họ đang biến di sản thành tài sản từ những khuôn dệt thổ cẩm và cả từ những câu khắp, điệu khèn… Hãy nhìn vào sự hồn hậu và nét tươi sáng trong cuộc sống dẫu còn khó khăn để viết về họ với những khát vọng sống mãnh liệt. Họ đã và đang thay đổi thì không can cớ gì mà văn học nghệ thuật lại có những cái nhìn sai về họ.

- Được biết, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang trình Chính phủ cho thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam giai đoạn 2025-2035. Theo bà, nếu đề án được thực hiện thì có tác động như thế nào đến việc gìn giữ bản sắc, phát huy và phát triển văn hoá với đồng bào các dân tộc ít người?

+ Nếu đề án này đi vào thực tiễn cùng các chương trình mục tiêu quốc gia đang thực hiện chắc chắn sẽ làm cho nền văn hóa dân tộc nói chung và văn hóa các DTTS được bảo tồn, phát huy thực chất và bền vững hơn rất nhiều. Đầu tư cho văn hóa rất lớn nhưng vẫn chưa đủ để đồng bộ các nội dung của sự phát triển, nhất là ngăn chặn những nền văn hoá lai căng, xấu độc xâm nhập từ bên ngoài. Hiện nay vẫn có những đạo lạ đang hiện hữu, một số tín ngưỡng dân gian bị biến đổi theo hướng mê tín dị đoan, một số tập tục lạc hậu chưa được đẩy lùi. Chấn hưng văn hóa là cốt lõi để cho quốc gia hưng thịnh trường tồn, hơn 17 triệu đồng bào DTTS, 53 dân tộc ở khắp mọi miền đất nước sẽ cùng với người Kinh đồng lòng tạo dựng một nền văn hóa phong phú, đa dạng thống nhất, trong một đất nước mạnh giàu.

- Còn những điều gì khiến bà trăn trở về chính sách dân tộc, nhất là đối với đồng bào DTTS hiện nay?

+ Bốn mươi năm qua dù ở vị trí công tác nào tôi luôn đau đáu tham mưu cho lãnh đạo, cùng anh em tổ chức triển khai tạo nên các môi trường truyền dạy văn hóa, chăm lo các nghệ nhân, đóng góp chỉ đạo và xây dựng các đề án, dự án bảo tồn văn hóa, giới thiệu văn hóa các dân tộc đến các tỉnh trong nước và quốc tế. Ngay như Đề án xây dựng thị xã Nghĩa Lộ thành thị xã văn hóa của tỉnh Yên Bái được xây dựng từ những năm 1995 đã hướng tới phát triển du lịch cộng đồng từ rất sớm. Những ngày đầu vòng xòe được phục dựng chỉ có số ít người hưởng ứng, đến nay đã có đêm hội xoè có tới 5000 người tham gia và thật vui mừng khi xòe Thái đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại vào năm 2021. Tôi thấu hiểu tình yêu cuộc sống mãnh liệt của người DTTS, ý chí, trách nhiệm khát khao cống hiến của các thế hệ cán bộ và đồng bào. Hơn hết, phải làm thế nào để di sản biến thành tài sản, góp phần cho cuộc sống đồng bào DTTS tốt đẹp hơn là những trăn trở chưa ngủ yên trong tôi.

Xin trân trọng cảm ơn bà đã tham gia cuộc trò chuyện này!

LÝ HỮU LƯƠNG thực hiện

VNQD
Thống kê