NHẠC SĨ AN HIẾU

“Những nốt nhạc mãi trên đôi vai của người lính”

Thứ Bảy, 07/10/2023 07:06

Đây là câu hát trong sáng tác Lính hát dân ca của Thượng tá, nhạc sĩ An Hiếu, tôi quá ấn tượng với ca từ, giai điệu của bài hát khi lần đầu được nghe trong một liên hoan văn nghệ quần chúng. Bài hát giúp tôi kết nối và đặt bút tìm hiểu về người nghệ sĩ công tác trong quân đội này.

Đề tài người lính, chiến sĩ hay lực lượng vũ trang luôn là đề tài được quân đội ưu tiên, bởi trong bối cảnh hiện nay, xã hội có quá nhiều thay đổi, xu hướng giải trí nghe nhìn của giới trẻ cũng có cách lựa chọn riêng. Về công tác tuyên truyền trong nội bộ quân đội, những bài hát của các nhạc sĩ cũng có những chỗ đứng nhất định và có nhiều giải thưởng. Tuy nhiên, để công chúng thực sự biết đến những tác phẩm ấn tượng về đề tài này, thực sự vẫn cần có thêm những chương trình kết nối giữa người lính, chiến sĩ và quần chúng để lan tỏa thêm về Quân đội nhân dân Việt Nam. Ở trọng trách này, nhạc sĩ An Hiếu từng tham gia nhiều cuộc thi âm nhạc ở vị trí giám khảo. Trò chuyện với Thượng tá An Hiếu, Văn nghệ Quân đội điện tử mong muốn bạn đọc biết đến nhiều hơn về người nhạc sĩ luôn đau đáu với đề tài người chiến sĩ trong hòa bình với lí tưởng cách mạng mang hơi thở thời đại.

Nhạc sĩ An Hiếu. Ảnh: FBNV

- Sinh ra trong gia đình bố mẹ đều làm nghệ thuật, đó có phải là cơ duyên để anh đến với âm nhạc không?

+ Khi tôi bảo với ba mẹ là tôi muốn theo con đường âm nhạc, ba mẹ tôi lúc đó đã phản đối khá gay gắt, bởi hơn ai hết, ba mẹ tôi biết sự vất vả khi theo con đường nghệ thuật. Giai đoạn những năm 90, người nghệ sĩ thực sự rất khó khăn, thử thách và cũng không có nhiều cơ hội, hỗ trợ như hiện tại.

Tôi khi đó cũng nghe lời ba thi vào khoa ngoại ngữ của Đại học Ngoại ngữ Quân sự (nay là Học viện Khoa học Quân sự). Nhưng thi mấy lần đều trượt nên tôi lại quay về thi vào trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội và đỗ, gắn bó cho đến nay. Vậy chắc cơ duyên là do trượt đại học rồi (cười!).

- Vậy là người tính không bằng trời tính nên hiện tại chúng ta mới có một nhạc sĩ chuyên về đề tài người lính. Anh thích nhận mình ở danh xưng là nhạc sĩ hay danh xưng là sĩ quan quân đội?

+ Trước kia, nếu được lựa chọn tôi vẫn thích mình là một nghệ sĩ, nhưng sau rất nhiều năm làm việc và cống hiến trong quân đội thì tôi hiểu vai trò thiêng liêng của người sĩ quan quân đội. Do đó, với bản thân tôi, tôi vẫn muốn lựa chọn là một người nghệ sĩ khoác áo lính hơn là một nghệ sĩ tự do. Bởi tôi thích khuôn khổ trong quân đội, đôi khi cũng giúp ích cho tôi trong sự chỉn chu về thời gian, thái độ làm việc và có tác phong chuyên nghiệp.

 

Lời yêu xa, Tình yêu âm nhạc, Bão đêm, Vì đâu?, Thư nhà, Đón Tết, Phiên gác đêm, Guitar lính, Chiến sĩ thật đáng yêu, Ánh sao nơi đầu tuyến, Người đi trong bãotưởng chừng như sẽ bị lặp lại, nhưng bằng những rung cảm rất riêng có, cái duyên tự nhiên với âm nhạc và trách nhiệm của người nghệ sĩ áo lính, An Hiếu thực sự tạo cho mình một không gian âm nhạc chuyên nghiệp, cá tính và mới mẻ.

- Anh thấy bản thân mình có sự khác biệt gì so với những nhạc sĩ khác khi sáng tác?

+ Mọi người thường đóng khung hình ảnh của một nhạc sĩ sáng tác phải có một chút men say trong trăng thanh gió mát, cảnh đẹp hay thậm chí thất tình. Nhưng theo tôi, người nghệ sĩ chuyên nghiệp thì trong bất kì hoàn cảnh nào, môi trường nào cũng không thể để tác động tiêu cực ảnh hưởng được. Mà phải là trong bất kì tâm thế nào cũng có chất liệu để sáng tác.

Nếu như nghệ sĩ chỉ sống vì đam mê, vì cái tôi của mình thôi thì trong quá trình làm nghề, dễ bị giới hạn bởi cảm hứng. Như vậy, sẽ đánh mất đi sự chuyên nghiệp trong công việc. Tôi không gò bó mình theo deadline hay khuôn khổ nào. Và tôi thấy mình không bị phụ thuộc vào hình ảnh người nghệ sĩ ước lệ đó.

Cũng có những bài hát tôi sáng tác theo chủ đề được đặt hàng, cũng có lúc không thể tìm “lối vào” của mỗi tác phẩm, cũng có lúc thấy nhàm chán với chính sáng tác của mình phải từ bỏ, nhưng trên hết, tôi luôn tự đặt ra cho mình trạng thái tốt nhất cùng mục tiêu rõ ràng để mỗi sáng tác là một tác phẩm gần gũi, tạo không khí tươi vui cho người nghe và bám sát chủ đề đặt ra. Khi đã “mở được lối” thì tôi hoàn thành sáng tác khá nhanh chóng.

- Giờ thì tôi cũng có thể hình dung phần nào cách làm việc cũng như ý nghĩa của những tác phẩm anh viết, anh có thể chia sẻ thêm về cách anh lựa chọn đề tài?

+ Là người nhạc sĩ khoác áo lính nên tôi luôn ưu tiên đề tài về người lính, về lực lượng vũ trang trong giai đoạn đất nước đang phát triển hiện nay. Ví dụ, Lính hát dân ca là một trong những lát cắt, một câu chuyện về người lính trong quá trình phấn đấu, rèn luyện. Nội dung đề tài của tôi là câu chuyện đời thường của người lính, tức là trong cuộc sống của họ có những gì thì âm nhạc của tôi có cái đó, đó là những gì bình dị nhất như đá bóng, phiên gác đêm, niềm vui nhận thư nhà, khúc hát đi theo người lính... không có gì quá nặng nề. Tôi luôn muốn kể bằng cách mới mẻ nhất, cập nhật nhất qua âm nhạc hiện đại, bằng cả cách viết lời lẫn giai điệu.

Tôi tự đặt ra cho mình yêu cầu đó, bởi người lính trong giai đoạn phát triển, với xu thế giải trí hiện nay mà viết kiểu cũ thì khó được các bạn trẻ đón nhận. Tôi cũng muốn người ngoài quân đội, qua các sáng tác của tôi, nhìn vào thấy cuộc sống quân ngũ, thấy người lính, thấy các nhiệm vụ quân sự nghiêm ngắn, quy củ nhưng cũng rất sinh động, thân thương, có lí tưởng riêng trên nền nhạc tươi vui, sôi động và thư giãn.

“Tình yêu Tổ quốc trong veo trong tôi những nốt nhạc mãi trên đôi vai của người lính” hay “Ta bên nhau giây phút ta luyện rèn, đồng đội yêu thương chia từng cốc nước”; “Lời của Bác còn vang vọng mãi, ngàn năm chúng con luôn luôn giữ gìn”, “Đường hành quân nơi xa xôi, nghe chuyện mùa vàng nơi sân kho/ Tí tách mưa bên thềm hát đợi người lính thôi”… là những câu hát mộc mạc trong những nốt nhạc sống động, trẻ trung, đầy chất lính của An Hiếu. Bên ngoài, nhạc sĩ An Hiếu cũng gần gũi và cởi mở như chính những tác phẩm của mình. Anh cũng có những băn khoăn để làm sao các cán bộ, chiến sĩ trong quân đội có những chương trình giải trí phù hợp, xua tan những mệt nhọc của những giờ học tập, rèn luyện trên thao trường, ngoài biển khơi hay nơi địa đầu Tổ quốc.

- Trước những bùng nổ về gameshow cũng như chương trình ca nhạc như hiện nay, anh có thấy như vậy sẽ ảnh hưởng đến chất lượng âm nhạc?

+ Gameshow có tính hai mặt khi làm nhu cầu thưởng thức, thị hiếu của mọi người về chương trình bị dễ dãi, đơn giản vì người ta sẽ chú trọng đến lượt xem, lượt tương tác, chia sẻ nên chất lượng nghệ thuật tiếp cận sẽ nhẹ nhàng hơn, không mang tính hàn lâm. Nhưng bên cạnh đó không thể phủ nhận vai trò của những chương trình như vậy bởi nó giúp cho ca sĩ, nghệ sĩ tiếp xúc nhanh và sâu hơn với khán giả. Việc kéo gần khoảng cách giữa nghệ sĩ và khán giả sẽ giúp lan tỏa những ý nghĩa đẹp, sâu và rộng trong quá trình truyền thông, quảng bá về mỗi tác phẩm nghệ thuật. Bằng cách nào đó, sự nổi tiếng của mỗi nghệ sĩ chính là cách khẳng định cái chất, cái đẹp, sự nhân văn của họ hay chương trình.

- Anh có thấy những chương trình cho người lính còn thiếu và chưa có sự lan tỏa? Chúng ta cần làm gì để thay đổi điều này?

+ Quân đội là lực lượng đông đảo, quân số nhiều, địa bàn đóng quân rộng, đặc biệt là lính trẻ chiếm số lượng lớn. Nhu cầu thưởng thức văn hóa văn nghệ lúc nào cũng cao. Trước đây, tôi là một trong những người làm những số đầu tiên của Chúng tôi là chiến sĩ. Đó là một chương trình hay, đáp ứng nhu cầu giải trí của bộ đội thời điểm đó. Sau khi format chương trình kết thúc thì chưa có nhiều chương trình có giao lưu âm nhạc hay có độ phủ sóng lớn. Tôi nghĩ nên có những chương trình nghệ thuật thay thế bởi nhu cầu được nghe, thưởng thức và đặc biệt là thể hiện mình sau những giờ huấn luyện, học tập, lao động của mỗi cán bộ, chiến sĩ.

Tôi cũng đang ấp ủ một chương trình âm nhạc dành riêng cho những người lính. Bởi điều này không chỉ giúp gắn kết tình quân dân mà còn giúp lan tỏa những hình ảnh đẹp về người lính đến đông đảo khán giả. Điều này để thực hiện được cần sự góp sức và đồng hành của nhiều người nên tôi vẫn đang để trong kế hoạch trong thời gian tới. Rất mong sẽ sớm được chia sẻ cùng mọi người.

- Anh có nghĩ là âm nhạc hiện nay bao gồm dòng âm nhạc thị trường và dòng âm nhạc phục vụ nhiệm vụ chính trị không? Các sáng tác của anh chịu tác động như thế nào?

+ Đối với tôi, những tác phẩm của tôi, tôi không đặt ra quan niệm như vậy. Tôi cố gắng cân bằng hai điều đó bởi mỗi thứ đều có những mặt mạnh riêng. Nếu các nhạc sĩ chỉ mải mê theo đuổi một lối sáng tác thì vẫn có khán giả nhưng để mức độ tiếp cận ở góc rộng hơn - là những người trẻ, hiện đại, mà hiện tại trong quân đội, lực lượng chiến sĩ trẻ chiếm phần đông thì cần có sự điều chỉnh. Tôi luôn tâm niệm, nếu muốn tiếp cận những người lính trẻ hay thay đổi xu hướng nghe nhạc hàng năm thì mình phải có những tác phẩm mang hơi thở mới, dù câu chuyện là cũ hay mới, vẫn cần lồng ghép cả ý nghĩa âm nhạc thị trường và âm nhạc chính trị. Quan trọng là ca từ, cách thể hiện phải thật chững chạc, bản lĩnh, khiến người lính, chiến sĩ tin tưởng vào mục tiêu, lí tưởng mình đã lựa chọn.

Để tạo hit, tạo thành xu hướng nghe trên mạng thì thật sự tôi vẫn chưa có may mắn đó. Tuy nhiên, tôi tự nhận thấy những ca khúc của mình gần gũi, thân thuộc nhưng cũng mang lí tưởng cao đẹp của thanh niên, của tuổi trẻ - giai đoạn đẹp nhất của mỗi đời người.

Trên mạng xã hội facebook, tài khoản An Hiếu là người mê câu cá, cờ tướng, bóng bàn và rất gần với các học viên của mình. Còn trên cương vị là Phó Chủ nhiệm Khoa Quản lý Văn hóa, Trường ĐH Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, Thượng tá An Hiếu cũng luôn chú trọng bồi dưỡng học viên phù hợp với thời đại mới cũng như sẵn sàng tham gia làm giám khảo trong các cuộc thi âm nhạc. Có thể nói, người nghệ sĩ này luôn trong tâm thế cập nhật xu hướng âm nhạc cũng như làm mới mình trong chính các sáng tác.

- Theo anh, vai trò của mạng xã hội hiện nay trong việc lan tỏa các ca khúc như thế nào?

+ Tôi nghĩ, chúng ta không nên bỏ sót khía cạnh truyền thông trên mạng xã hội. Bởi đây là kênh thông tin nhanh chóng, cập nhật nhất. Thậm chí ai cũng có thể trở thành một người đưa tin. Nhưng để là một người đưa tin tốt thì cần có hiểu biết, được định hướng và mong muốn lan tỏa những điều tốt đẹp trong cuộc sống.

- Là một người thầy, từng giảng dạy âm nhạc khá lâu, anh có ấn tượng với học viên nào mình đã dạy?

+ Tôi đã từng dạy khá nhiều học viên, trong đó thì tôi ấn tượng về con đường phát triển của ca sĩ Thanh Trúc. Bạn ấy vốn là chiến sĩ nghĩa vụ đi học văn hóa cơ sở, văn nghệ quần chúng. Sau khi về Quân chủng Hải quân công tác thì bạn ấy đi thi Sao mai và lọt vào vòng chung kết toàn quốc. Hiện Thanh Trúc là một ca sĩ chuyên nghiệp tại Đoàn văn công Quân chủng Hải quân. Đây là một người đi theo con đường nghệ thuật khác mọi người và có giọng bass trầm rất đẹp.

Những học viên tốt nghiệp khoa Quản lý văn hóa (trước là khoa Văn hóa cơ sở) hiện nay đều là chủ nhiệm Nhà văn hóa các cấp trong quân đội, hoặc công tác trên cương vị quản lí văn hóa trên toàn quân. Đây cũng là niềm tự hào của những người dạy học như chúng tôi.

- Tôi thấy rằng các sáng tác của anh ra mắt khá đều đặn, không biết anh có dự định gì sắp tới không?

+ Tôi đang chuẩn bị cùng ca sĩ Đào Hồng Hạnh (giải Nhì Sai Mai 2017) ra mắt MV Xuân Trường Sa. Đây cũng là một câu chuyện nhẹ nhàng về người lính, là những sáng tác của tôi sau chuyến đi Trường Sa tháng 4/2023. Tôi rất muốn mang không khí đất liền đến với Trường Sa và không khí Tết ở đó về đất liền để “lính hát át nỗi nhớ, mang xuân mới đầy tiếng cười”.

- Chúc cho những dự định của anh luôn thành công và những tác phẩm mới luôn được đón nhận! Cám ơn anh đã dành thời gian cho VNQĐ điện tử!

HOÀNG THU OANH thực hiện

VNQD
Thống kê