Dòng chảy
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan

Xuất hiện những mảng màu tươi sáng trên bức tranh kinh tế nước nhà

Thứ Bảy, 10/02/2024 07:12

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan sinh tại Long Xuyên, An Giang, quê gốc Hà Nội. Cha bà là Đại tá Phạm Trinh Cán, nguyên Cục trưởng Cục Quân pháp - Bộ Quốc phòng. Là một chuyên gia kinh tế, từng là Tổng thư kí và Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, thành viên Tổ Tư vấn và Ban Nghiên cứu của các thủ tướng Võ Văn Kiệt, Phan Văn Khải, bà luôn cổ vũ cho quá trình đổi mới ở Việt Nam cũng như thúc đẩy cải thiện môi trường kinh doanh và hội nhập quốc tế của các doanh nghiệp trong nước. Nhân dịp đầu năm mới, Tạp chí Văn nghệ Quân đội đã có cuộc trò chuyện với bà về tình hình kinh tế Việt Nam trong năm 2023 và những dự đoán cho thời gian sắp tới.

Bà Phạm Chi Lan

- Thưa bà Phạm Chi Lan, trước thềm năm mới 2024, xin bà cho biết cảm nhận của bà khi quan sát đời sống xã hội, kinh tế của nước nhà với độc giả của Văn nghệ Quân đội?

+ Những ngày cuối cùng của năm 2023 đang trôi nhanh. Không khí tiễn đưa năm cũ, đón chào năm mới 2024 đang rạo rực khắp nơi.

Trong những ngày này, vô số cuộc thảo luận, tổng kết, đánh giá về tình hình năm 2023 và dự báo năm 2024 đã, đang diễn ra ở nước ta cũng như ở các nước khác trên thế giới. Các viện nghiên cứu, các tạp chí, trang báo đua nhau chọn đưa ra danh mục những sản phẩm “top ten” của họ trong năm. Tham gia những cuộc thảo luận này, đọc những bài viết “top ten” này càng thấy thế giới ngày nay chuyển động nhanh mạnh kinh khủng biết bao, và số phận từng quốc gia, từng tổ chức, từng con người đang chịu những tác động ghê gớm nhường nào bởi các nhân tố khách quan và chủ quan, các vận hội và thách thức mới.

Điều đáng suy nghĩ nhất là trong bối cảnh đó, quốc gia nào, tổ chức nào, con người nào cũng có thể là tác nhân hay nạn nhân, có thể được hưởng lợi hay bị thua thiệt, có thể vượt lên phát triển ở tầm vóc cao hơn hay rơi xuống nhóm “bị bỏ lại phía sau”. Và bản thân mình nhìn cho ra, hiểu cho đúng, lựa chọn hướng đi cho chuẩn xác, hành động cho kịp thời sẽ quyết định số phận, vị thế của mình trong tương lai.

Nghĩ về kinh tế đất nước ta trong năm 2023 và phần nào năm 2024 sắp tới, lòng tôi dâng đầy những cảm xúc vui - buồn, mừng - lo, những niềm tin và mối e ngại pha trộn lẫn nhau.

- Theo như các số liệu được công bố gần đây, các dự báo về tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2022 liên tục được điều chỉnh giảm so với những nhận định từ đầu năm 2022. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo tăng trưởng năm 2023 của Việt Nam đạt 5,8%, điều chỉnh giảm 0,7 điểm phần trăm so với dự báo tháng 4/2023. Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) dự báo tăng trưởng GDP năm 2023 của Việt Nam đạt 4,9%, điều chỉnh giảm 1,5 điểm phần trăm so với dự báo tháng 3/2023. WB và IMF dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng 4,7% năm 2023, điều chỉnh giảm lần lượt 1,3 điểm phần trăm so với dự báo tháng 6/2023. Bà có nhận xét gì về bức tranh kinh tế Việt Nam?

+ Trước hết, nhìn vào bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2023 qua các dự báo được các tổ chức quốc tế và trong nước đưa ra, cảm nhận đầu tiên của ta có thể không mấy lạc quan. Hầu hết các dự báo cho rằng chúng ta sẽ đạt mức tăng trưởng GDP khoảng 5%, thấp hơn mức kế hoạch đề ra. Xuất khẩu vốn là động lực quan trọng cho tăng trưởng, nhưng năm nay giảm khá sâu - 8,3% trong 11 tháng đầu năm - so với cùng kì năm trước. Cầu trong nước, một động lực khác, cũng giảm do đầu tư và sức mua yếu. FDI là động lực duy nhất có mức tăng cao, với vốn đăng kí đạt gần 29 tỉ USD, tăng 14,8% và vốn thực hiện đạt khoảng 20 tỉ USD. Tuy nhiên, mức tăng FDI không đủ bù đắp cho sự suy giảm của hai động lực kia, cũng như cho mức tăng trưởng thấp của công nghiệp và dịch vụ.

Những nhân tố khác không thuận cho kinh tế nước ta trong năm 2023 còn là tình trạng u ám của thị trường bất động sản, sự ngưng hoạt động của hơn 100.000 doanh nghiệp trong 11 tháng đầu năm, kéo theo cả triệu người mất công ăn việc làm và giảm thu nhập. Tỉ lệ dư nợ doanh nghiệp/GDP cao, cả trong lĩnh vực bất động sản cũng như các lĩnh vực phi tài chính khác, cũng là một vấn đề lớn và không chỉ cho năm 2023.

Không khó để nhìn ra nguyên nhân của tình trạng trên. Trước hết, nền kinh tế Việt Nam có độ mở rất cao, với xuất nhập khẩu cộng lại bằng hơn 180% GDP nên luôn dễ hứng chịu những tác động của thị trường toàn cầu, đặc biệt thị trường các nước mà ta có quan hệ kinh tế, thương mại lớn như Mĩ, Trung Quốc, Hàn Quốc, EU, Nhật... Năm 2023, kinh tế và thương mại toàn cầu đều tăng trưởng thấp hơn năm trước, với mức tăng GDP chỉ 3% và thương mại chỉ 0,9% so với 3,5% và 5,1% năm 2022. Trừ Mĩ, kinh tế toàn cầu và các nền kinh tế lớn như Trung Quốc, EU đều chưa khôi phục được mức GDP trước đại dịch Covid.

Nguyên nhân trong nước cũng rõ. Các ngành, lĩnh vực kinh tế chính đều còn ở mức tăng thấp hơn so với năm 2019, có nghĩa là chưa phục hồi được sau đại dịch. Nhà nước đã đưa ra một số chính sách hỗ trợ, giúp doanh nghiệp các ngành phục hồi, song trừ chính sách giảm thuế VAT được thực thi ngay, còn các chính sách khác vẫn có tỉ lệ thực thi thấp, chậm và hiệu quả không cao. Hầu hết doanh nghiệp vẫn phải chịu những khó khăn lớn do chi phí cho các yếu tố đầu vào tăng lên, trong khi giá bán không tăng được do cầu trong và ngoài nước đều giảm. Việc tìm kiếm đơn hàng, cạnh tranh giữ và giành khách hàng, giữ và giành thị trường cũng ngày càng gian nan. Với những khó khăn kéo dài từ thời Covid, trước một tương lai đầy thách thức do những biến động nhanh và khó tiên liệu, hàng chục vạn doanh nghiệp đã phải tạm rời thương trường, để lại bao hệ lụy cho nền kinh tế.

Một nguyên nhân khác rất đáng lưu ý là tình trạng năng suất lao động và mức tăng năng suất lao động thấp, tới nay vẫn chưa được cải thiện bao nhiêu. Trong ba quý đầu năm 2023, năng suất lao động ở nước ta tăng 4,8%, và cho đến nay vẫn mới chỉ bằng 64,7% so với Thái Lan, 59% so với Trung Quốc, 35,4% so với Malaysia và 11,4 % so với Singapore. Bên cạnh đó, năng suất tài nguyên, năng suất vốn và tài sản, năng suất đất đai - hay hiệu quả sử dụng các nguồn lực quý giá này - cũng đều khá hạn chế và chậm cải thiện.

Bà Phạm Chi Lan tham gia diễn đàn chia sẻ kiến thức kinh nghiệm với các doanh nhân, doanh nghiệp. Ảnh: TL

- Trước những khó khăn trên Quốc hội và Chính phủ thể hiện nỗ lực xây dựng và xem xét thông qua bình quân 8 đến 9 dự án luật và nhiều nghị quyết ở mỗi kì họp, trong đó có những cơ chế, chính sách đặc thù để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Đặc biệt ngay trong những ngày đầu năm 2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, dự toán ngân sách Nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023. Bà có thể chia sẻ quan điểm về tính hiệu quả của những cơ chế quản lí đối với nền kinh tế?

+ Nhìn rộng hơn, thì thể chế kinh tế vẫn chưa có đủ những đổi mới mạnh mẽ cần thiết, đặc biệt trong các lĩnh vực tạo cơ chế và môi trường cạnh tranh (nhất là trong bốn thị trường nhân tố quan trọng: tài chính, công nghệ, đất đai, lao động), phân bổ các nguồn lực và bảo đảm quyền tài sản cho doanh nghiệp và người dân. Trong thời gian qua, một số luật, chính sách đã được ban hành, nhưng tình trạng thiếu minh bạch, thiếu đồng bộ, thiếu nhất quán của nhiều quy định và việc thực thi chậm chạp đã làm giảm đáng kể tính hiệu lực, hiệu quả của các chính sách này. Cơ cấu kinh tế cũng chuyển dịch khá chậm, tốc độ và hiệu quả đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh còn thấp so với yêu cầu.

Như vậy, làm sao ta có thể tăng tốc độ và chất lượng, hiệu quả và tính cạnh tranh của nền kinh tế, nâng cao nội lực của nền kinh tế nước nhà như mong muốn được! Nội lực chậm được nâng lên lại càng khiến ta dễ bị lệ thuộc vào một số đối tác và chịu tác động nhiều hơn từ kinh tế toàn cầu. Đồng thời, dù mức độ mở cửa, hội nhập cao, nhưng với nội lực hạn chế và nhiều tồn tại trong nền kinh tế, ta cũng khó nắm bắt, tận dụng được các cơ hội mới mở ra trong tiến trình hội nhập của mình.

- Có nhận định, với những nỗ lực, cố gắng của Chính phủ, các bộ ngành, doanh nghiệp và các cá nhân, nền kinh tế mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng đã có những dấu hiệu tích cực, đề nghị bà chia sẻ ý kiến về nhận định này.

+ Bên cạnh những mảng xám nói trên, trong năm 2023 ta cũng có thể thấy những mảng màu tươi sáng xuất hiện trên bức tranh kinh tế nước nhà.

Mức tăng FDI khá cao với một số dự án quan trọng của các nhà đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao vừa mang lại lợi ích lớn, vừa cho thấy niềm tin trong các đối tác nước ngoài về triển vọng kinh tế Việt Nam. Mức lạm phát 4% góp phần đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô ở nước ta. Các chỉ tiêu như tăng trưởng GDP, xuất khẩu tuy đạt thấp song có chiều hướng cải thiện, với những tháng cuối năm tốt lên khá rõ so với đầu năm.

Nền nông nghiệp nước ta trong bối cảnh khó khăn chung vẫn có những chuyển mình ngoạn mục. Xu hướng xanh hóa, thuận thiên đang thấm dần vào kinh tế nông nghiệp, nông thôn ở nhiều vùng trên đất nước ta. Đầu tư vào công nghệ và kĩ thuật canh tác, chế biến đã giúp cải thiện chất lượng và nâng cấp tiêu chuẩn một loạt sản phẩm, tăng khả năng và trị giá xuất khẩu gạo, thủy sản, trái cây vào một số thị trường khó tính. Con số 2 tỉ USD thu được từ xuất khẩu sầu riêng là một bất ngờ thú vị trong năm 2023. Kinh tế nông thôn còn tăng lực với hàng loạt dự án hạ tầng được đầu tư, với các chương trình OCOP vừa mang lại nhiều sản phẩm phong phú cho xã hội, vừa giúp phát triển hoạt động của các ngành nghề, làng nghề thủ công, tạo việc làm và tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống của hàng vạn hộ gia đình ở nông thôn.

Trong khi nhiều doanh nghiệp phải rút khỏi thị trường, thì cũng không ít doanh nghiệp khác đã trụ vững được nhờ liên tục đổi mới hệ thống quản trị, nâng cấp công nghệ, tiến hành chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, bền bỉ bám thị trường, giữ và mở rộng khách hàng, tích cực tham gia các mạng lưới hợp tác đa dạng, tăng cường liên kết và gắng sức nâng vị thế trong các chuỗi cung ứng trong và ngoài nước.

Đồng thời, những gương mặt khởi nghiệp mới, trẻ trung, sáng láng, năng động đã xuất hiện ngày càng nhiều, tràn đầy ý chí và niềm tin cùng vô số ý tưởng thực sự sáng tạo. So với những người khởi nghiệp cách đây 5 đến10 năm, lứa trẻ khởi nghiệp ngày nay tỏ ra được trang bị tốt hơn đáng kể về tri thức, kĩ năng, về khả năng kết nối, hợp tác cùng phát triển với cộng sự và các đối tác liên quan. Nhiều người cũng nắm bắt khá tốt các xu hướng mới trên các mảng thị trường và người tiêu dùng khi chọn lựa chiến lược phát triển.

Đặc biệt nhất trong hàng ngũ khởi nghiệp ngày nay là sự hình thành các doanh nông xanh, những start-up trong nông nghiệp, đi từ khai thác tài nguyên bản địa ở các vùng miền từ rừng núi tới biển khơi hay các vùng nông thôn xa xôi hẻo lánh. Lớp doanh nông xanh này đã mang luồng gió mới về các nơi họ ra đời hoặc đến ngụ cư, vừa giúp bảo vệ môi trường, bảo tồn sản phẩm, vừa đưa vào áp dụng công nghệ, kĩ thuật mới cần thiết, nâng cao giá trị và thương mại hóa các sản phẩm bản địa, làm sống dậy và mở mang, nâng cấp thêm bao sản phẩm và nghề nghiệp cũ tưởng như không thể tồn tại trước sóng gió thị trường. Không chỉ làm kinh tế, họ cũng lan tỏa cách sống mới, với ý thức về trách nhiệm xã hội, thói quen học hỏi, nề nếp làm việc khoa học hơn, cùng tinh thần hợp tác, gắn kết, chia sẻ lợi ích và kinh nghiệm với nhau.

Bà Phạm Chi Lan (giữa) tại sự kiện công bố Hàng Việt Nam chất lượng cao. Ảnh: TL

- Còn về những hoạt động đối ngoại của Nhà nước, bà có thể chia sẻ những quan tâm của mình?

+ Về đối ngoại, năm 2023 chúng ta kỉ niệm 50 năm hoặc 30 năm thiết lập quan hệ chính thức với một loạt các nước đối tác gần xa. Chúng ta đón nhiều đoàn cấp cao nhất của chính phủ các nước sang thăm nước ta, trong đó nổi bật có chuyến đi của Tổng thống Hàn Quốc, Thủ tướng Nhật Bản và nhất là Tổng thống Mĩ Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Các vị lãnh đạo Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ nước ta cũng đi thăm nhiều nước, tiếp xúc với nhiều nhà lãnh đạo chính phủ và doanh nghiệp lớn, tham dự các hội nghị quốc tế quan trọng.

Điều đáng mừng nhất trong tất cả các sự kiện đối ngoại này là các đối tác đều đánh giá cao những thành tựu của Việt Nam trong tiến trình đổi mới, phát triển và hội nhập quốc tế, đánh giá cao kết quả và tiềm năng trong quan hệ hợp tác kinh tế và các mặt khác giữa nước ta với nước họ, và đưa ra những cam kết mạnh về việc nâng tầm quan hệ giữa hai bên trong thời gian tới. Một số lĩnh vực chúng ta quan tâm nhất như phát triển kinh tế xanh, năng lượng xanh, chuyển đổi số, phát triển ngành bán dẫn, tăng cường xuất khẩu, tăng cường đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao, thúc đẩy chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực cho Việt Nam…, đều nhận được sự đồng tình và cam kết hợp tác từ các đối tác chủ chốt. Nhiều văn bản đã được kí kết, và một số hoạt động đã bắt đầu được triển khai.

- Và những ấn tượng của bà khi một năm cũ kết thúc, như thói quen truyền thống của người Việt hay tổng kết về những điều đáng nhớ của năm cũ, những hi vọng, mong chờ với năm mới?

+ Với những mảng sáng nêu trên, năm 2023 đang tạo ra những nền tảng quan trọng cho sự phát triển kinh tế nước nhà trong năm 2024 và những năm tiếp theo.

Hình ảnh sâu đậm nhất đọng lại trong tôi qua những hoạt động sôi nổi trong năm 2023 là gương mặt biết bao người trẻ đang tận tụy làm việc trong các lĩnh vực khác nhau ở khắp nơi, cùng những nam nữ thanh niên đang say sưa theo đuổi các chương trình đào tạo trên ghế nhà trường để trang bị những tri thức, kĩ năng, tố chất cần thiết cho công việc mai sau. Đó chắc chắn sẽ là những người chủ tương lai rất xứng đáng của đất nước ta. Dòng máu Lạc Hồng, lòng yêu nước, khát vọng vươn lên, khả năng học hỏi, sáng tạo, tinh thần hợp tác, liên kết, ý chí dám nghĩ dám làm của họ sẽ là nguồn lực to lớn nhất, quan trọng nhất trong việc xây dựng một Việt Nam dân giàu nước mạnh trong tương lai không xa.

- Cảm ơn bà về cuộc trò chuyện thẳng thắn và chúc bà một năm mới nhiều sức khoẻ, niềm vui!

P.V

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)