Đại gia dép lốp

Chủ Nhật, 31/10/2021 00:17

Tôi chả nung nấu để viết một truyện nào bao giờ. Đột nhiên nó đến thì viết thôi. Viết rất nhanh, ít sửa. Truyện nào mà viết một ngày không xong là coi như bỏ. Tôi cho mình là loại nghiệp dư.

Tôi nghĩ văn chương không cố được. Cố lắm, viết cho bằng được dễ sinh ra giống ai đó.

Nói vậy thôi, chứ hàng ngày không đọc thêm cái gì, không viết được cái gì là đầu óc cũng bồn chồn, nhớ chen chúc những điều cũ mới. Bất chợt một hôm nào đó vùi đầu mà viết. Nhập mình vào nhân vật mà viết, mê mải theo câu chữ, đắm mình vào không gian câu chuyện. Nhiều người bảo tôi hay... kí ức. Vâng, thì cái kí ức kiểu tôi nó là kí ức lương thiện. Tôi luôn muốn viết hư cấu mà người ta tưởng là thật, còn viết rất thật thì nhiều người thích thú vì tưởng đó là hư cấu. Truyện Đại gia dép lốp chính là như thế.

Nhà văn NGUYỄN TRỌNG LUÂN

*****

Thời “bốn chấm không”, thiên hạ đã quá quen với hình ảnh các đại gia bệ vệ đi siêu xe, ở lâu đài, cặp với chân dài. Vậy nên việc một đại gia ngành thép có dáng người dong dỏng, nét mặt trầm tư, nước da mai mái, quanh năm diện đồ lính, đi dép cao su không khỏi khiến dân tình bàn tán. Người bảo ông này lập dị. Người bảo ông này giả nghèo giả khổ để đánh vào lòng trắc ẩn của khách hàng... Mặc, ai nói gì ông cũng chỉ cười cười. Chỉ có mấy người trong nhóm bạn cựu chiến binh, bạc đầu rồi mà vẫn gọi nhau “mày tao” là hiểu nguồn cơn.

*

*         *

Tiến được bổ sung lên chốt chặn quân Trung đoàn 53 ngụy ra giải tỏa đường 20 sau trận LN. Lúc ấy chập vào mùa mưa. Tháng 5 trời rất nhiều mây, những đám mây quánh lại lôi nhau trôi lừ lừ trên trời nền xanh thùm thũm. Thế rồi bất thình lình mưa rơi xuống như vãi mạ. Lát rồi ngừng, rồi lại vãi nước xuống. Đám mưa ấy trôi qua, nắng ói lên. Người vừa ướt lại bốc khói, khiến lưng và mông chiến sĩ nóng như mọc rôm. Lính chửi, mẹ cha nó mưa thì như mưa rào ngoài ta rồi tạnh mẹ nó cho xong. Đằng này dở ông dở thằng, bố ai mà chịu được. Chỉ khổ đời thằng mục. Cán bộ bảo, ăn thua gì, chúng tao chịu năm sáu mùa mưa rồi, bùn đất bẩn thỉu, gãi cùn móng tay, da dẻ sứt sẹo đến lông chân không mọc được mà vẫn sống đến giờ đó thôi. Lính mới im. Dạ, các anh là lính cũ, bọn em bì thế nào được. Tất cả tiểu đội lại cười hí hí. Pháo từ Hàm Rồng và Thanh An bắn xoe xóe qua đầu. Tiếng nổ ở xa vài trăm mét cũng đủ làm cho nước mưa trên rừng cây rơi rào rào.

Đêm đầu tiên ở đơn vị mới, Tiến hỏi anh Nhớn:

- Anh ơi, sao vừa mới về đơn vị đã phải lên chốt? Em không thể hình dung đơn vị mới là mấy cái hầm đầy mùi giun chết này. Sao cấp trên không để cho người ta thở?

Nhớn chỉ hơn Tiến nhõn 1 tuổi, nhưng là lính cũ, nheo mắt:

- Thế mày tưởng đi bộ đội để làm tướng chắc? Này nhé, đánh đấm và dù có hi sinh là nhiệm vụ của chúng ta, hiểu chưa?

Rồi như thấy mình quá lời, Nhớn hạ giọng:

- Nói thì vậy thôi, giống như đảng viên họ quán triệt ấy mà, là người chiến sĩ thì phải hi sinh cho Tổ quốc. Tao cũng không rõ hi sinh kiểu gì và bằng cách nào nhưng đại loại là ngoẻo, là không về với mẹ nữa.

Tiến há mồm suýt nữa chảy nhãi. Nó kịp lấy tay lau mồm. Nhìn anh Nhớn như người anh hùng.

Ngày đầu tiên lên chốt thế là yên ả. Anh Nhớn bảo:

- Thế là sống thêm một ngày, mày hiểu chửa?

Tiến gật đầu, rồi lăn ra ngủ. Nó gối đầu bằng hai cái dép cao su. Từ bé nó đã rất thích cái mùi dép này. Nó hắc hắc, ngai ngái không giống bất kì thứ mùi lá cây hay hoa quả nào ở quê nó. Mùi cao su rất là thành thị. Các anh học lớp 10 trường cấp 3 của nó bảo thế. Nó cũng thấy thế. Bằng chứng là cả lớp nó chỉ có hai ba đứa có dép cao su còn thì toàn chân đất.

Những hôm sau, thấy Tiến vẫn chỉ gối đầu bằng dép cao su, anh Nhớn gặng hỏi. Tiến kể:

- Em đỗ vào lớp 8, mẹ em bán mấy gánh sắn mới mua được cho em đôi dép. Em không dám đi cả ngày anh ạ.

- Thế mày đi vào lúc ngủ à?

- Không ạ, ở trường về là em tháo ra rửa sạch cất vào gầm giường. Thế mà nó vẫn hay tụt quai. Bố em bảo mẹ em mua phải đôi dép đểu. Mẹ cãi, đểu là đểu thế nào. Ba gánh sắn của người ta chứ ít à. Em thương mẹ quá. Từ hôm ấy dép bị tụt quai em cũng không dám nói. Trong túi sách đi học của em luôn có cái mảnh tre rút dép.

Một đêm thò cổ dưới hầm lên cảnh giới, Tiến thì thào:

- Anh Nhớn ơi, B trưởng mình là sinh viên à?

Nhớn bảo:

- Ừ. Mày học lớp 9 rồi muốn so chữ với B trưởng à?

- Đâu có thế! Em hỏi là vì em thấy anh ấy dặn bọn bắn cối cứ như thầy giáo dạy lượng giác ở nhà.

Nhớn cười he he:

- Mày lúc nào cũng chỉ thích quai dép, biết chó gì bắn pháo cối với chả móc chê.

Hai anh em cùng cười.

Mưa rì rụp hai ngày liền. Hầm chốt nào cũng khoét cái lỗ đọng nước to bằng cái mũ cối, cứ vài phút lại đầy nước, phải dùng mũ sắt múc đổ ra ngoài. Mỗi lần múc một mũ nước Tiến lại văng tục chửi, mưa nhiều thế. Rồi nó bắt chước các anh lính cũ chửi, “đúng là đời thằng mục”.

Minh họa: Ngô Xuân Khôi

Vách hầm nước rỉ ra theo rễ cây loang lổ mùi khắm lặm. Có những con cuốn chiếu to như đầu đũa vo tròn như cái đít bát. Những con giun bị trôi xuống cái hố múc nước thẳng đuỗn, nhờn nhợt. Anh nuôi mang cơm lên bê bết đất đỏ. Nắm cơm nào may không ướt thì còn màu trắng đục, còn thì cơm cũng mầu gạch cua, chỉ một đêm là lên mùi tương. Tiến nghe bọn Hải Hưng bảo là mùi tương Bần. Nó không biết tương Bần là gì, nhưng cứ như cái mùi cơm thiu này thì chắc tương Bần cũng kinh bỏ mẹ.

Sáng chưa rõ, pháo giặc đã bắn phầm phập vào rừng chuối trước mặt rồi chuyển làn vọt ra sau chốt.

- Thằng giặc kém thật! - Anh Nhớn bảo Tiến. - Nó bắn dọn đường mò lên đấy mà. Chuẩn bị đánh đấy.

Tiến nghẹt thở. Bụng căng như muốn đái. Anh Nhớn bảo:

- Mày đừng đái ra quần. Kìa nó lên!

Anh ấn đầu Tiến thấp xuống vừa lúc súng của B trưởng rồ lên. Đoành đoành đoành... Anh Nhớn ném liền 2 quả lựu đạn và gằn giọng:

- Tiến bắn bên trái kìa!

Tiến kéo liền một loạt AK. Đầu ruồi nấc lên, nòng súng hất ngược. Tiến đè tay trái xuống. Trong rộn rã tiếng nổ của lựu đạn, của B40 và cả phóng lựu, Tiến nghe súng của mình nổ khặc khặc. Có tiếng gào lên “Ối ôi u oa...” Khẩu B40 của thằng Đàm vạch một cụm lửa da cam thui mấy thằng địch co cụm phía chân đồi. Chúng nó chạy bỏ lại súng và cả mấy caí ba lô 2 cóc, nhưng vẫn cố lôi mấy cái xác xuống chân đồi be bét những lá chuối đầm nước mưa.

B trưởng quát:

- Tranh thủ chặt cành tươi về phủ lại hầm đi!

Tiến thở hí hóp. Thì ra trận đầu tiên của nó rất đơn giản và nhẹ nhàng. Anh Nhớn bảo:

- Mày không đái ra quần là được. Mẹ kiếp, hôm nay mà đánh như kiểu đánh xe tăng trên Kon Tum năm ngoái thì đái thật đấy. - Rồi anh Nhớn lại cười, anh nói như hát: - Mấy thằng mục đái ùng ục. Hớ hớ...

Tiến cứ ngẫm nghĩ không hiểu sao các anh lính cũ hay cười thế nhỉ, mà cái gì các anh ấy cũng nói là thằng mục. Một hôm Tiến hỏi anh Nhớn:

- Anh ơi, anh Mục ở A mấy?

Nhớn sững người. Lát sau hiểu ra thì Nhớn chỉ vào ngực mình rồi chỉ vào Tiến mà bảo:

- Đây và đấy đều là thằng mục, hiểu chưa? Mục là lính không màng cấp chức, đánh trận quên mình bao nhiêu gian khó nhận về mình. Mẹ kiếp, mục chính là những người chiến sĩ đáng mặt anh hùng.

Tiến đơ đơ mặt hồi lâu rồi gật gật:

- À à! Em đã hiểu vì sao ta cứ gọi là thằng mục. Theo em thì phải gọi là anh mục.

Cả Nhớn và Tiến cùng cười phá lên. Tiến ngẫm nghĩ, lính tráng thật là hay, sống đơn giản và chiến đấu cũng thật thản nhiên, chết cũng thản nhiên. Lúc làm thằng mục ai cũng trẻ và cười hơ hơ, chỉ khi yên tĩnh nói chuyện về quê hương gia đình thì mới trầm tư và bỗng như già đi. Ngoài chiến đấu ra, cái gì với lính cũng dễ cười. Nói chuyện tiếu lâm cười đã đành. Pháo bắn xong rồi cũng cười. Nắm cơm thiu gọt vỏ rồi chia nhau cũng cười. Đêm chui rúc trong hầm nằm úp thìa chạm vào nhau cũng cười. Đôi tất cả tháng không giặt thối um lên cũng cười. Cười như ngạt thở đến nơi mà vẫn cười. Ấy thế mà có anh nào kể chuyện người yêu thì há hốc mồm ra nuốt từng lời lại không cười. Rồi khóc. Một thằng đọc lá thư của bố ở quê là cái sự khóc lan ra cả chốt. Khóc đến nỗi B trưởng bảo, đúng là đời thằng mục ăn cơm cục, uống nước đục, không đi thì nhục đi thì bị địch phục, làm hùng hục, ăn thì thục, đọc thư thì khóc, không trách móc, sốt rụng tóc, trọc ngong ngóc, khóc hưng hức, cười rưng rức… Cứ thế bài vè về thằng mục không bao giờ dừng. Ai cũng thấy thằng mục là mình và thằng mục thật đáng yêu. Trong hàng chục bài vè về thằng mục không hề có câu nào nói mục hèn nhát hay xấu xa cả.

Trận địa chốt kéo căng ngang đồi Mắt Ngỗng. Tiến cố tình để ý xem nó giống mắt ngỗng ở chỗ nào, nhưng từ hôm lên chốt đến nay đã một tháng mà vẫn không thấy giống. Vì sao mà họ bảo đây là mắt ngỗng? Hỏi anh Nhớn, anh đáp mày hỏi tao, tao hỏi ai.

Có một anh lính cũ tên là Chương bánh sắn ở cùng hầm B trưởng thỉnh thoảng nheo mắt cười với Tiến. Hai hầm cách nhau chỉ hai chục mét nhưng Tiến ít khi sang bên đó. Có hôm Chương bánh sắn bò sang hầm Tiến xin giấy pơ luya cuốn thuốc Miên. Chương hỏi Tiến:

- Mày đi B bao giờ?

- Em đi tháng 12/1971 anh ạ.

Chương bánh sắn nhìn Tiến bảo:

- May cho mày đi vào mùa khô chứ không thì mờ đời trên Trường Sơn. Đi vào mùa mưa làm ma rừng nhiều lắm đấy, mày hiểu chưa?

Tiến cười cười tỏ vẻ đồng ý. Chương bánh sắn cộc cằn:

- Lại còn cười, sướng thì cứ bảo là may mắn nên em sướng. Mẹ kiếp! Bọn tao đi vào mùa mưa chết sốt rét không kém gì dính bom. Đúng là đời thằng mục.

Lại thằng mục.

Tối hôm ấy Tiến hỏi anh Nhớn, tại sao lại gọi là Chương bánh sắn?

Anh Nhớn kể chuyện thì thầm...

Mùa mưa năm ngoái cả đơn vị đói, mỗi ngày một người được tiêu chuẩn một lạng gạo. Còn thì toàn là sắn. Nghe đâu có một bộ phận đào sắn bên kia biên giới rồi phơi khô chuyên chở về cho đơn vị ăn thay gạo. Mỗi chiều tối một thằng nhận một nắm bánh sắn màu nâu to bằng quả cam sành. Tiểu đội lấy bánh sắn về lúc thằng Chương đang sốt rét. Y tá chui ra khỏi hầm gặm bánh sắn. Thằng Chương lẩy bẩy trở dậy lôi chiếc cặp nhiệt độ ở cái nách hôi khắm của nó ra, mắt đỏ vằn cà thừ, nó cắm thẳng vào cái bánh sắn nóng, mồm lảm nhảm: “Mẹ kiếp, xem mày có sốt giống bố mày không nào.”

Bóp! Chiếc cặp nhiệt độ vỡ toang. Thằng y tá há hốc mồm. Miếng bánh sắn rớt nhoét ra đất. Y tá rít lên, giọng đanh gằn: “Mày giết tao rồi. Cả đại đội có mỗi cái này đấy mày ơi.”

Đêm hôm đó chính trị viên xộc xuống. Chả biết có phải do thằng Chương sợ quá mà hết sốt hay là nhờ thuốc, nó tường trình cho chính trị viên nghe: “Báo cáo chính trị viên. Khi tôi sốt, tôi sờ vào cái gì cũng cảm thấy nó đang sốt. Vâng, tôi cầm cái rút dép cũng thấy cái rút dép đang sốt. Tôi sờ vào báng súng cũng thấy súng nó sốt. Tôi nghĩ, thử xem cái bánh sắn nó sốt thế nào. Vừa cắm cái đầu cặp sốt vào chiếc bánh, cái vạch nước đỏ chạy vùn vụt rồi nó bốp một phát. Tôi báo cáo hết!” Nó lau nước mắt, nói nho nhỏ: “Bố tôi cho tôi đi làm cách mạng mà tôi làm hại cách mạng. Thủ trưởng phạt tôi thế nào cũng được. Đuổi tôi về miền Bắc tôi cũng chịu. Tôi đúng là một người… là thằng mục.”

Chính trị viên vừa tức vừa buồn cười. Nhưng tội phá hủy một cái đo nhiệt độ của đại đội ở Tây Nguyên là to lắm, là có tư tưởng tiêu diệt lực lượng cách mạng, phải kỉ luật để làm gương kẻo sau này lại có vài anh nữa làm như Chương thì lấy đâu cho kịp cặp sốt ở chiến trường. Cuối cùng thằng Chương bị khai trừ Đoàn. Chính trị viên động viên: “Phải cố gắng phấn đấu thật tốt để lại trở thành đoàn viên, rồi còn phải tiến lên đảng viên. Nhất định phải cố gắng Chương nhé!”

Nghe chuyện, Tiến toát mồ hôi. Bị khai trừ Đoàn thì tội to lắm rồi. Phấn đấu lên Đoàn rồi chỉ một bước nữa là vào Đảng. Ở chiến trường cái xấu cái tốt, cái dũng cảm và hèn nhát nó chường mặt ra như ban ngày, mọi thứ sẽ được minh định và xử lí ngay. Tiến thấy thương anh Chương quá, buột miệng hỏi:

- Sao chỉ làm vỡ mỗi cái ống thủy tinh bằng ngón tay út mà tội to thế hả anh?

Anh Nhớn nghiêm giọng:

- Chứ lại chả to. Cả một đại đội có một cái cặp sốt mà nổ mất rồi thì cặp sốt bằng rút dép à?

Đêm ấy Tiến thao thức không ngủ. Trong tiếng pháo thì thùng rót về từ phía Thanh An, tay nó nắm chặt cây rút dép trong túi.

*

*          *

Trời mùa mưa Tây Nguyên lúc nào cũng xin xỉn màu nước luộc rau khoai lang. Tiến nhận ra điều này từ hôm lên chốt. Mỗi ngày một người bò đi tìm thức ăn. Chủ yếu là hoa chuối và rau khoai lang trên các rẫy bỏ hoang vì bom đạn. Khiếp, có một cái ăng gô nước rửa đến vài kí rau khiến nước rau đặc quánh như dầu mazut. Ấy vậy mà luộc lên thơm ngát mũi. Nước rau đục lờ lờ hệt màu nước mưa trôi xuống vừa gặp suối.

Một hôm anh Chương bánh sắn sang hầm xin quai dép của Tiến. Tiến mở cóc ba lô lấy cuộn dây dép còn nguyên. Chương bảo:

- Quý lắm đấy mày nhá. Dép tao đi lâu năm nên quai hết cả “bom bê” nên dễ tụt lắm.

Tiến cắt một đoạn dây đưa cho anh. Chương bánh sắn rút cái quai dép bèn bẹt nhão nhoét ra rồi bặm môi thay quai mới hai mép còn cong lòng máng. Cái quai cũ Chương đút cẩn thận vào túi. Tiến lấy làm lạ:

- Anh giữ cái quai cũ làm gì?

Chương kể, có một đêm địch lên tập kích, một thằng trong B mình bị thương đưa vào hầm tối om không biết vết thương ở đâu mà băng. Sờ chỉ thấy máu chảy đầm đìa. Tao lật dép, cắt khúc quai dưới đế chừng hai phân, rồi đốt lên tìm vết thương mà băng bó, trong lúc mấy thằng khác lấy ni lông che kín cửa hầm không cho ánh sáng thoát ra.

Câu chuyện cứ ám ảnh Tiến mãi. Đêm ấy Tiến lại ngửi thấy mùi quai dép thơm kiểu thành thị.

Trời dậm dựt mưa. Hết ca cảnh giới, Tiến chui vào chiếc hầm nhóp nhép. Nó không ngủ được. Nó mong ngày nào về quê sẽ có một đôi dép cao su thật oách tặng bố. Nó sờ sờ cái bật lửa Tàu trong túi và nghĩ, cả cái bật lửa này nữa nó sẽ để dành cho bố đi cày mà hút thuốc lào.

Hôm sau Tiến lật cái dép cao su lên. Ôi, phần dây dép thừa chỉ 2 xen ti mét mà có thể cứu sống một con người! Đôi dép cao su không chỉ là dép nữa. Đôi dép đã là yêu là thương, là ơn là nghĩa với lính. Thảo nào bộ đội ta yêu dép cao su đến thế. Từ hôm đó Tiến đã bao lần kì cọ đôi dép của mình dưới suối cho đen bóng lên. Và những lúc ấy nó lại đưa lên mũi ngửi, mùi dép hệt như cái mùi ngày xưa mẹ nó đi mượn dép nhà bà bán hàng xén ở chợ cho nó đi thi học sinh giỏi dưới huyện.

Một năm sau, Tiến lên A phó. Bây giờ chốt Mắt Ngỗng giao cho đơn vị khác. Tiểu đoàn của Tiến quay về tác chiến tại mạn đường 20. Lúc ấy cũng lại mùa mưa. Địch hành quân lấn chiếm bằng ô tô còn bộ đội ta thì đi chân đất. Bùn ba zan ngập đến cổ chân. May mà dép cao su của ta tốt tuyệt vời và nhất là lứa quân mới một năm chiến trường nên dép không bị tụt quai. Nhiều hôm hành quân qua suối ngồi nghỉ là Tiến lại kì cọ đôi dép của mình, và sau khi lớp bùn đất đỏ tuột đi là cái mùi thành thị lại thơm nức lên. Và Tiến thường nhìn các đồng đội khác chăm chút những đôi dép, rồi đưa ra những nhận xét. Anh Nhớn bảo, thằng Tiến cả nghĩ, hay để ý với mọi hiện tượng. Thằng này cho mày làm nhà văn thì tốt. Tiến cười hì hì bảo chỉ cần trong một cuộc hành quân nhìn người lính xử lí khi bị tụt dép là biết lính cũ hay lính mới.

Trận đánh đồi Củ Lạc của đơn vị Tiến hôm ấy diệt được cả xe tăng. Bọn lính Trung đoàn 53 ngụy bỏ lại vài chục cái xác và một tên bị bắt sống. Thằng lính này khai là lao công đào binh. Lao công đào binh mà lại tấn công theo sau xe tăng à? Anh Nhớn quát. Nó im thít. Tiến nhìn nó, dễ đến ngoài ba mươi. Anh Nhớn hô:

- Tiến trói tên này lại. Xử lí nó khẩn trương rồi rút, kẻo máy bay nó thiêu trận địa bây giờ.

Tiến quýnh lên. Chợt nhớ tới cuộn dây dép dàì hơn mét trong cóc ba lô, tháo ra trói chân tên tù binh. Trói xong thì nó khóc:

- Ông ơi ông nới cho tôi, tôi sắp chết rồi chân tôi tụ máu.

Nhìn dây cao su xiết chặt đến nỗi tên tù bình thở khò khè, Tiến quanh quẩn tìm dây rừng. Tên tù binh bảo:

- Ông ơi, trong bao đồ của tôi có dây dù, ông lấy ông trói hộ tôi.

Tiến vội móc lấy đoạn dây võng trói tay nó và tháo dây cao su ra. Có tiếng gọi. “Tiến, rút thôi!” Tên tù binh nhìn Tiến như tuyệt vọng. Xử lí tên tù binh này thế nào? Bắn à? Hay thả? Thả nó là mình lại bị kỉ luật. Bắn nó bây giờ cũng chả hơn được gì. Chỉ được rảnh nợ để mà rút. Tiến xách súng lên. Tên tù binh mặt đờ dại gần như mê muội. Tiến đến gần tên lính hỏi:

- Chân hết tụ máu chưa? Chạy được không?

Tên tù binh đầu gật gật, miệng lắp bắp.

Tiến khẽ nói:

- Vậy tôi trói tay anh và anh chạy về phía bên kia đường khi chúng tôi đã đi rồi, nghe chưa!?

Nói rồi Tiến chỏng AK lên giời bắn đoàng đoàng. Tên tù binh nhắm mắt, gục đầu xuống. Rồi nó mở mắt nhìn Tiến. Nước mắt nó ứa ra..

Tiến vác khẩu AR15 và cái ba lô lính ngụy hai cóc lên vai rời trận địa. Lúc ấy một cơn mưa ập tới. May. Thế là không có chiếc tàu bay nào tới thả bom. Chừng ba mươi phút sau mới thấy pháo địch bắn trùm trận địa. Tiến nghĩ giờ này tên tù binh cũng chạy thoát rồi.

Anh Nhớn bảo số Thằng Tiến may. Sau trận đồi Củ Lạc, Tiến được gọi về B thông tin. Họ bảo, lí lịch nhà nó rất chi là cơ bản. Con nhà bần nông, không bóc lột ai, gia đình vào hợp tác xã đợt đầu, lại học hết lớp 9. Tiến được học máy 2W. Chỉ vài tháng là nó đã thành lính thông tin cứng cựa. Những ngày sau Hiệp định Paris, đơn vị làm nhiệm vụ cắm cờ ở đồn X30 kéo dài sang làng Plei Dit. Hai bên làm nhà Hòa hợp để gặp nhau cùng thực hiện các điều khoản thi hành. Cái nhà Hòa hợp có hai lá cờ cắm vào đầu mùa mưa năm 1973 cứ ỉu xìu không bay lên được. Cán bộ ta và sĩ quan bên đối phương nói chuyện cứ sường sượng, bên nào cũng lên gân mà chả ngày nào có nổi một nụ cười. Tổ đài trực của Tiến ở đường 19, chỗ có một vườn mít bạt ngàn xanh. Quân ta thường chỉ lấy mít xanh ăn thay rau chứ không ai thích mít chín. Được trực đài ở khu đồn điền mít thật là thú vị. Hôm ấy, ngồi dò sóng Tiến gặp đài đối phương. Lúc đầu nghe giọng miền Nam gọi nhau “chim cắt chim sẻ”, Tiến thấy tưng tức, nói chõ vào: “Chim gì chim gì? Người Việt Nam chỉ có chim Lạc mới là linh thiêng nha nha.” Giọng nửa Nam nửa Bắc thế mà hay. Bên đối phương im lặng hồi lâu rồi có tiếng trả lời. “Dạ ông! Chim Lạc thì đúng là chim thiêng rồi ông.” Tiến sững người. Hai bên im lặng. Chỉ có tiếng máy sôi sột soạt. Rồi bên kia lên tiếng: “Ông ơi ông có nhớ nhà không? Tôi đang nhớ nhà đây.” Tiến buột miệng: “Ai mà chả nhớ nhà, mà anh có vợ chưa? Tôi thì chỉ nhớ bố mẹ thôi vì tôi chưa có vợ.” Bên kia tiếng nói cũng rất nhẹ: “Ông ơi ông hát cho tôi nghe một bài hát miền Bắc đi ông. Tôi cũng gốc miền Trung xứ Nghệ đó ông. Ông hát bài chi mà Bác muốn nghe điệu hò dí dzặm đó ông.” Tiến nói: “Ồ, đó là bài Lời Bác dặn trước lúc đi xa. Nhưng tôi hát xong anh phải hát một bài cải lương nha?” “Dạ vâng ông.”

Bỗng có tiếng quát: “Tắt máy ngay!”

Tiến quay lại thì thấy Trung đội trưởng thông tin đang dí súng vào vai mình. Ngay hôm đó, mọi mật khẩu và dải sóng của đơn vị đều bị thay đổi.

Tiến bị đưa về làm anh nuôi và bị khai trừ khỏi Đoàn. Nó buồn như một cái bóng. Đêm ấy nó laị nghĩ đến anh Chương. Anh Chương cũng bị khai trừ Đoàn vì làm nổ cái nhiệt kế. Chả biết anh ấy đã phấn đấu kết nạp lại chưa? Nó lại nghĩ đến phận mình. Đúng là thằng mục.

Tiến xin về đơn vị chiến đấu. Trình bày mãi cấp trên mới đồng ý. Xuống đơn vị chiến đấu nó vẫn chỉ làm anh nuôi và luôn bị cán bộ đề phòng xét nét. Nó ghi vào nhật kí, vào cuốn Sổ tu dưỡng đoàn viên Thanh niên Lao động: “Các đồng chí ơi! Tôi đã sai rồi, tôi không xứng đáng với anh em đồng đội của mình. Nhiều lúc tôi chỉ mong tôi lại đứng vào đội hình thằng mục mà thôi. Sao mà cái thằng mục dễ yêu dễ thương và gắn bó với đời tôi như thế.”

Chiến dịch Tây Nguyên, Tiến bị thương nhưng quyết không đi viện, cứ bám theo đơn vị đi đến tận trận cuối cùng ở Đồng Dù. Sau chiến dịch này Tiến được thưởng Huân chương Chiến công. Năm sau hạ sĩ Tiến, đoàn viên Thanh niên Lao động ra quân, đi học tiếp cấp 3 và thi vào đại học. May mắn nhất là cuộn dây dép Tiến mang về chỉ mất một đoạn thôi, có thể dùng cả đời chưa hết.

*

*       *

Ngoại trừ các cuộc họp phải diện com lê cà vạt ông Tiến mới chịu đi giày, còn không, đại gia thép chỉ chí thú với đồ lính và dép cao su. Mấy cô nhân viên trẻ xinh đẹp nhiều lần gặng hỏi: “Sếp ơi, dép lốp có cái gì mà sao sếp lại say đắm thế?” Ông mỉm cười ý nhị đáp lời: “À, vì tôi thích cái mùi. Mùi dép cao su là mùi rất chi công nghiệp.”

N.T.L

 

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Có nhân vật chỉ là dáng dấp của nguyên mẫu, có nhân vật là nguyên mẫu đã sống và chiến đấu cùng tôi, suốt những năm tháng ở rừng... (VŨ NGỌC THƯ)